Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2015

LƯƠNG TÂM (tiếp theo




Một lương tâm không vấp phạm trước mặt Đức Chúa Trời lam chứng rằng Đức Chúa Trời đẹp lòng với tín đồ và không có sự ngăn cách nào giữa Đức Chúa Trời và tín đồ. Một lời chứng như vậy của lương tâm là điều không thể thiếu cho một nếp sống bước đi theo linh. Đây phải là mục đích của tín đồ; tín đồ không được bằng lòng khi chưa đạt đến điều này. Đây là nếp sống bình thường của một tín đồ; sứ đồ Paul đã sống một nếp sống như vậy và các tín đồ ngày nay càng phải sống một nếp sống như vậy. Enoch là người có một lương tâm không bị ô uế; vì vậy, ông biết rằng ông biết rằng ông làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Lời chứng về việc Đức Chúa Trời đẹp lòng với chúng ta có thể giúp chúng ta tiến bộ. Nhưng chúng ta phải thận trọng; nếu không, chúng ta sẽ tôn cao “bản ngã”, cho rằng chính mình có thể làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Mọi vinh hiển đều thuộc về Ngài. Chúng ta phải “tự khích lệ mình” để giữ cho lương tâm của mình không vấp phạm. Nếu lương tâm chúng ta thật sự không vấp phạm, chúng ta phải canh giữ, không cho xác thịt bước vào cách quỷ quyệt.

Nếu lương tâm chúng ta thường xuyên làm chứng về sự đẹp lòng Đức Chúa Trời, thì nếu chẳng may thất bại, chúng ta sẽ càng dạn dĩ tin cậy huyết của Chúa Jesus một lần nữa tẩy sạch chúng ta. Nếu ao ước có một lương tâm không vấp ngã, thì không một giây phút nào chúng ta được lìa khỏi huyết tẩy sạch chúng ta đời đời. Chúng ta không được lìa khỏi vì dù không trượt ngã trong những vấn đề lớn, nhưng chúng ta thường nhường cơ hội cho các sự vấp phạm trong lương tâm trong những vấn đề nhỏ. Vì vậy, việc xưng nhận tội lỗi và tin cậy huyết quý báu là không thể tránh khỏi. Vì bản chất tội và nhiều công tác kín giấu của nó vẫn còn bên trong chúng ta nên phải đợi đến khi sự sống thuộc linh tăng trưởng hơn chúng ta mới có thể nhận biết chúng. Đây là lý do tại sao có nhiều điều bây giờ chúng ta mới cho là sai thật, còn trước kia thì chúng ta cảm thấy không sai. Nếu không có huyết quý báu che phủ mọi sự, chúng ta sẽ không bao giờ bình an. Một khi huyết quý báu được rảy trên lương tâm chúng ta, huyết sẽ liên tục tác nhiệm ở đó bởi sự cầu thay của Chúa Jesus và sự sống đời đời Ngài đã ban cho chúng ta.
Vị sứ đồ bảo chúng ta rằng ông đã nài xin để có một lương tâm không vấp phạm trước mặt Đức Chúa Trời và con người. Hai vấn đề này, đối với Đức Chúa Trời và đối với con người, có liên hệ mật thiết với nhau. Nếu ao ước có một lương tâm không vấp phạm đối với con người, trước hết chúng ta phải có một lương tâm không vấp phạm đối với Đức Chúa Trời, vì lương tâm có sự vấp phạm trước mặt Đức Chúa Trời tự nhiên có sự vấp phạm trước mặt con người. Vì vậy, mọi tín đồ theo đuổi cách sống thuộc linh phải liên tục theo một lương tâm tốt trước mặt Đức Chúa Trời (1 Pet. 3:21). Điều này không có nghĩa là tình trạng của chúng ta trước mặt con người không quan trọng. Chúng ta không chỉ theo đuổi một lương tâm tốt trước mặt Đức Chúa Trời mà còn phải theo đuổi một lương tâm tốt đối với con người. Nhiều điều có thể được chấp nhận trước mặt Đức Chúa Trời nhưng lại không đúng đắn trước mặt con người. Chỉ có một lương tâm trong sáng trước mặt con người mới có lời chứng tốt trước mặt họ. Cho dù người ta hiểu lầm, anh em phải “có một lương tâm tốt, hầu cho trong vấn đề mà anh em bị nói nghịch, những kẻ lăng mạ cách sống tốt đẹp của anh em trong Đấng Christ có thể bị làm cho hổ thẹn” (c. 16). Một khi lương tâm không minh bạch, bất kể cách cư xử bên ngoài của anh em tốt đến đâu thì cũng vô dụng; một khi lương tâm chúng ta không có sự vấp phạm thì sự vu cáo của con người không thể gây ảnh hưởng gì.
Một lương tâm không có sự vấp phạm không chỉ có thể làm chứng cho chúng ta trước mặt con người mà còn khiến chúng ta có thể nhận các lời hứa của Đức Chúa Trời. Các tín đồ ngày nay thường phàn nàn rằng đức tin của họ quá nhỏ bé và vì vậy họ không thể có một cách sống thuộc linh trọn vẹn. Tất nhiên, có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng chẳng phải sự vấp phạm trong lương tâm chính là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất sao? Một lương tâm không vấp phạm và một đức tin mạnh mẽ là hai điều không thể phân rẻ. Lúc lương tâm có sự vấp phạm, đức tin lập tức bị suy yếu. Chúng ta hãy xem thể nào Kinh Thánh liên kết hai vấn đề này với nhau: “Tình yêu ra từ một tấm lòng thuần khiết, một lương tâm tốt và một đức tin không giả dối” (1 Tim. 1:5), và “giữ đức tin và một lương tâm tốt” (c. 19). Lương tâm là quan năng của đức tin. Đức Chúa Trời ghét tội lỗi nhất. Vinh hiển cao nhất của Đức Chúa Trời là sự thánh khiết vô hạn của Ngài. Sự thánh khiến của Ngài không thể dung chịu tội lỗi một giây phút nào. Nếu một tín đồ không bước theo sự hướng dẫn của lương tâm mình nhưng thích những điều không theo ý muốn của Đức Chúa Trời, người ấy sẽ lập tức đánh mất sự tương giao với Đức Chúa Trời. Có thể nói rằng mọi lời hứa thuộc linh trong Kinh Thánh mà Đức Chúa Trời ban cho các tín đồ đều có điều kiện. Không một lời hứa nào được ban cho các tín đồ để làm thỏa mãn các ý định của các xác thịt. Nếu tội và xác thịt không được cất đi thì Thánh Linh cầu nguyện sẽ không được ban cho tín đồ. Nếu lương tâm chúng ta đã kiện cáo chúng ta rồi, làm thế nào chúng ta có thể dạn dĩ đến gần Đức Chúa Trời để tìm kiếm các lời hứa của Ngài? Nếu lương tâm chúng ta không thể làm chứng rằng chúng ta sống trên đất không thể làm chứng rằng chúng ta sống trên đất theo sự thánh khiết và công nghĩa của Đức Chúa Trời, làm sao chúng ta có thể là những người cầu nguyện tìm kiếm các ân tứ miễn phí vô hạn của Đức Chúa Trời? Nếu lương tâm chúng ta quở trách chúng ta vào lúc chúng ta giơ tay mình lên với Đức Chúa Trời, thì lời cầu nguyện của chúng ta có ích gì? Tội lỗi của chúng ta phải bị từ chối và được tẩy sạch trước khi chúng ta có thể có đức tin cầu nguyện.
Lương tâm phải không có sự vấp phạm. Điều này không có nghĩa là lương tâm phải trở nên tốt hơn trước hoặc nhiều điều ác được cất đi. Không có sự vấp phạm, không có sự vấp phạm và hoàn toàn không sợ hãi trước mặt Đức Chúa Trời là các tình trạng cần thiết của lương tâm. Nếu chúng ta sẵn lòng thuận phục lương tâm và để cho lương tâm quở trách mình và nếu chúng ta hoàn toàn dâng mình cho Chúa và sẵn lòng làm mọi sự theo ý Ngài, sự dạn dĩ của chúng ta chắc chắn sẽ gia tăng, biết rằng có thể có được một lương tâm thuần khiết. Khi đó chúng ta có thể nói với Đức Chúa Trời rằng chúng ta không cầm giữ bất cứ điều gì, không có điều gì không mở ra với Ngài, không có điều gì giấu kín, và không có sự ngăn cách nào giữa chúng ta và Ngài. Trong việc sống theo linh, một tín đồ không được để cho lương tâm mình trở nên không trong sáng trong bất kỳ vấn đề nhỏ nhặt nào. Mọi điều bị lương tâm kết án phải được từ chối ngay lập tức và chúng ta phải lập tức xưng nhận. Tín đồ phải theo đuổi sự tẩy sạch của huyết ngay lập tức và không cho phép bất cứ dấu vết nào của vấn đề này còn lại. Mỗi ngày, người ấy phải theo đuổi một lương tâm luôn luôn trong sáng, vì lương tâm mà không trong sáng, dù chỉ trong một thời gian ngắn thôi, cũng khiến linh chịu nhiều tổn thất. Gương mẫu của vị sứ đồ là “luôn luôn có một lương tâm không vấp phạm”. Theo cách này, chúng ta sẽ thấy sự tương giao của chúng ta với Đức Chúa Trời thật sự không bị phá vỡ.
LƯƠNG TÂM VÀ TRI THỨC
Trong việc bước đi theo linh và lắng nghe tiếng nói của lương tâm, chúng ta cũng phải nhớ rằng lương tâm bị giới hạn bởi tri thức của nó. Lương tâm chúng ta là cơ quan biện biệt tốt xấu. Biện biệt nghĩa là có tri thức. Tri thức phân biệt tốt xấu thì không giống nhau giữa vòng nhiều Cơ Đốc nhân. Một số có nhiều tri thức hơn và một số có ít tri thức hơn, vì hoàn cảnh cá nhân không giống nhau và có lẽ các bài học được học cũng không tương tự nhau. Vì vậy, chúng ta không thể hành động theo tiêu chuẩn của một ai đó và chúng ta cũng không thể mong đợi người khác sống theo ánh sáng mà chúng ta có. Trong sự tương giao giữa tín đồ và Đức Chúa Trời, một tội lỗi chưa được biết đến sẽ không cản trở sự tương giao. Nếu tín đồ bước đi theo tiêu chuẩn mà người ấy đã biết: gìn giữ (vâng phục) mọi điều người ấy biết là theo ý muốn của Đức Chúa Trời và từ chối mọi điều người ấy biết là bị Đức Chúa Trời kết án thì người ấy có thể có sự tương giao trọn vẹn với Đức Chúa Trời. Một tín đồ trẻ luôn luôn nghĩ rằng tri thức của người ấy không đủ và vì vậy, người ấy không thể làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Về một mặt, tri thức thuộc linh có giá trị rất cao, nhưng mặt khác, sự thiếu hụt tri thức không phải là sự ngăn trở trong sự tương giao với Đức Chúa Trời. Trong sự tương giao của Đức Chúa Trời với con người, Ngài quan tâm đến thái độ của chúng ta đối với ý muốn của Ngài, không quan tâm chúng ta biết ý muốn của Ngài bao nhiêu. Nếu thái độ của chúng ta là tìm kiếm ý muốn của Ngài cách thành thật và chân thật, thậm chí ao ước hết lòng gìn giữ điều đó, thì sự hiện diện của những tội lỗi mà chúng ta không biết sẽ không khiến chúng ta đánh mất sự tương giao hay có một sự tương giao giới hạn với Đức Chúa Trời. Nếu sự tương giao được quyết định theo sự thánh khiết của Đức Chúa Trời, thì từ đó đến nay không một ai trong những thánh đồ thánh khiết nhất đủ tiêu chuẩn để có một sự tương giao trọn vẹn với Đức Chúa Trời thậm chí chỉ trong giây lát. Hơn nữa, tất cả họ sẽ bị đuổi khỏi mặt Đức Chúa Trời và khỏi vinh hiển của đại năng Ngài. Tội lỗi mà chúng ta không biết được che phủ dưới huyết quý báu.
Về một mặt, nếu đã biết nhưng dung dưỡng cho một tội nhỏ mà lương tâm kết án, tự phát chúng ta sẽ không có sự tương giao đầy đủ với Đức Chúa Trời. Giống như một hạt bụi nhỏ trong mắt có thể cản trở tầm nhìn và làm đau chúng ta, thì một tội lỗi mà chúng ta biết, dù nhỏ đến đâu, cũng có thể ngăn chúng ta nhìn thấy gương mặt tươi cười của Đức Chúa Trời. Một khi lương tâm có sự vấp phạm, sự tương giao cũng chịu tổn thất. Một tội lỗi cụ thể có thể còn lại trong tín đồ nhiều năm, nhưng hễ người ấy không biết gì về tội đó, thì nó vẫn không ngăn trở sự tương giao của người ấy với Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, ngay giây phút mà ánh sáng (tri thức) đến, lương tâm kết án. Khi đó, nếu tội đó còn lại một ngày nào nữa thì sự tương giao của ngày đó sẽ bị đánh mất. Đức Chúa Trời tương giao với chúng ta theo mức độ của lương tâm chúng ta. Nếu chúng ta nghĩ rằng vì một tội lỗi cụ thể đả tồn tại nhiều năm mà không gây ngăn trở, nên nó sẽ có thể tiếp tục tồn tại và không gây tổn hại gì thì chúng ta là những người ngu dại nhất.
Lý do cho điều này là lương tâm chỉ có thể kết án theo ánh sáng mới nhất mà nó nhận được. Nó không thể kết án bất cứ tội nào mà nó không biết đó là tội lỗi . Vì có sự tiến bộ trong tri thức của tín đồ nên lương tâm cũng tiến bộ; tín đồ càng có tri thức thì càng có nhiều tội lỗi bị lương tâm kết án. Tín đồ không phải đau buồn về bất cứ điều gì người ấy không biết và người ấy cũng không cần nỗ lực làm bất cứ điều gì. Chỉ cần người ấy tuyệt đối thuận phục điều người ấy biết là đủ rồi. “Nhưng nếu chúng ta bước đi trong ánh sáng”, tức là nếu chúng ta bước đi trong ánh sáng mà chúng ta đã có, “như Ngài ở trong ánh sáng, thì chúng ta có sự tương giao với nhau và huyết của Jesus Con Ngài tẩy sạch chúng ta khỏi mọi tội” (mặc dù còn nhiều tội chưa biết) (1 John 1:7). Đức Chúa Trời có ánh sáng vô hạn và Đức Chúa Trời cũng bước đi theo ánh sáng vô hạn của Ngài. Ánh sáng mà chúng ta nhận được rất giới hạn, tuy nhiên chúng ta cũng phải bước đi theo ánh sáng này. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể có sự tương giao với Đức Chúa Trời và chỉ khi đó huyết của Con Ngài mới tẩy sạch chúng ta khỏi mọi tội lỗi của mình. Chúng ta vẫn có nhiều tội lỗi chưa được cất đi, nhưng nếu chúng ta không biết đến chúng và ánh sáng chưa chiếu sáng thì chúng ta vẫn có thể có sự tương giao đầy đủ với Đức Chúa Trời. Chúng ta phải nhớ rằng mặc dù lương tâm rất trọng yếu nhưng lương tâm không phải là thước đo cho sự thánh khiết của chúng ta vì cớ tri thức. Đấng Christ là tiêu chuẩn duy nhất cho sự thánh khiết của chúng ta. Nhưng trong sự tương giao của chúng ta với Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời dùng việc có một lương tâm không vấp phạm làm điều kiện cho sự tương giao của Ngài với chúng ta. Vì vậy, sau khi chúng ta hoàn toàn thuận phục sự hướng dẫn của lương tâm, chúng ta đừng bao giờ, dù chỉ trong giây phút, nghĩ rằng mình đã “hoàn hảo” rồi. Một lương tâm tốt chỉ nói lên rằng theo những gì chúng ta biết, chúng ta đã đạt đến những điều nên đạt đến hiện nay.
Do đó, khi tri thức Kinh Thánh chúng ta gia tăng và kinh nghiệm Thánh Linh của chúng ta tăng trưởng, tiêu chuẩn cho cách cư xử của chúng ta cũng theo đó gia tăng. Trong sự gia tăng ánh sáng từng chút một, cách cư xử của chúng ta phải dần trở nên thánh khiết hơn vì lương tâm chúng ta được bảo tồn không có sự vấp phạm. Một khi chúng ta có thêm một năm tri thức và kinh nghiệm, lương tâm chúng ta sẽ kiện cáo chúng ta nếu cách cư xử của chúng ta vẫn y như năm trước. Trong năm trước, Đức Chúa Trời không cắt đứt sự tương giao của Ngài với chúng ta, vì chúng ta không biết các sự vi phạm của mình. Nhưng một khi chúng ta đã có tri thức về các sự vi phạm đó thì sự tương giao với Đức Chúa Trời sẽ bị đánh mất nếu chúng ta không từ bỏ những điều đó. Lương tâm mà Đức Chúa Trời ban cho các tín đồ là tiêu chuẩn hiện tại cho sự thánh khiết của họ. Nếu tín đồ vi phạm tiêu chuẩn, họ sẽ bị xem là đã phạm tội.
Chúa vẫn có nhiều điều để nói với chúng ta, nhưng vì sự thiếu trưởng thành trong sự hiểu biết thuộc linh của chúng ta, Ngài vẫn phải chờ đợi. Đức Chúa Trời xử lý con cái Ngài theo tình trạng cá nhân của họ. Một số người xem một số vấn đề là hết sức độc ác và tội lỗi, nhưng những người khác có thể không cảm thấy như vậy. Đây là do các sự khác biệt trong tri thức của lương tâm họ. Vì vậy, chúng ta đừng chỉ trích nhau. Chỉ có Đức Chúa Trời Cha mới biết cách xử lý con cái Ngài. Chắc chắn Ngài không đòi hỏi “các con bé nhỏ” của Ngài có sức lực của “những chàng trai trẻ”, hoặc “những chàng trai trẻ” có các kinh nghiệm của “những người cha”. Tuy nhiên, Ngài mong đợi tất cả con cái Ngài thuận phục Ngài theo điều họ đã biết. Nếu chúng ta biết chắc – điều này không dễ - rằng Đức Chúa Trời đã phát ngôn với lương tâm của anh em chúng ta về một vấn đề nào đó, và người ấy không vâng phục, thì chúng ta có thể thúc giục người ấy. Nhưng chúng ta đừng bao giờ ép buộc anh em mình bước theo cảm nhận của lương tâm chúng ta. Nếu Đức Chúa Trời tuyệt đối thánh khiết không từ chối chúng ta vì các việc làm sai trái mà trước đây chúng ta không biết thì làm sao chúng ta có thể xét đoán anh em mình, vốn chỉ sở hữu tri thức mà chúng ta đã có năm ngoái, theo mức độ hiện tại cũa chúng ta?
Thật ra, nếu là những người giúp đỡ, chúng ta không cần phải nhiều lần thúc ép họ vâng phục mỗi điểm nhỏ. Chúng ta chỉ cần nài khuyên họ. Nếu họ đầu phục Đức Chúa Trời thì mỗi khi Thánh Linh chiếu sáng họ trên bất cứ điều gì được ký thuật rõ trong Kinh Thánh, họ sẽ vâng phục. Nếu ý muốn được bắt buộc, thì bất cứ lúc nào lương tâm nhận được ánh sáng, tín đồ sẽ bước đi theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng vậy. Chúng ta không cần phải cố gắng sử dụng sức lực của hồn để hiểu biết nhiều lẽ thật trong khi chưa đến thời điểm. Hễ chúng ta sẵn lòng nghe sự phát ngôn hiện tại của Đức Chúa Trời là tốt rồi. Nếu trong trực giác, Thánh Linh muốn dẫn dắt chúng ta nghiên cứu một số lẽ thật thì chúng ta đừng do dự vâng theo; nếu không, chúng ta sẽ hạ thấp tiêu chuẩn về sự thánh khiết của mình và trở nên tự mãn. Tóm lại, nếu chúng ta sẵn lòng chuyển động theo linh mình thì sẽ không có nan đề gì.
SỰ YẾU ĐUỐI CỦA LƯƠNG TÂM
Chúng ta đã nói rõ rằng Đấng Christ là tiêu chuẩn của sự thánh khiết cho đời sống chúng ta. Mặc dù lương tâm là quan trọng nhưng nó không phải là tiêu chuẩn. Đồng thời, mặc dù lương tâm không phải là tiêu chuẩn của sự thánh khiết, nhưng nó là tiêu chuẩn làm chứng chúng ta có làm đẹp lòng Đức Chúa Trời trong cách sống hằng ngày của mình không. Nói cách khác, lương tâm là tiêu chuẩn cho mức độ thánh khiết hiện tại của chúng ta. Nếu có thể sống mỗi ngày theo sự dẫn dắt của lương tâm thì chúng ta đã đạt đến mức độ mà hiện nay chúng ta phải đạt đến. Nếu duy trì một lương tâm tốt, chúng ta sẽ không bị rớt lại đằng sau trong hành trình thuộc linh của mình. Do đó, trên con đường bước đi theo linh hằng ngày của chúng ta, lương tâm là nhân tố rất thiết yếu. Trong bất cứ điều gì lương tâm chúng ta dẫn dắt, nếu không vâng phục, chúng ta sẽ bị quở trách, đánh mất sự bình an, và tạm thời bị cắt đứt khỏi Đức Chúa Trời trong sự tương giao của mình. Chắc chắn là chúng ta phải hoàn toàn bước đi theo linh qua mọi sự dẫn dắt của lương tâm. Nhưng sự dẫn dắt của lương tâm có hoàn toàn không? Đây vẫn còn là một nghi vấn.
Chúng ta biết rằng lương tâm được kiểm soát bởi tri thức. Lương tâm chỉ có thể hướng dẫn người ta theo những gì nó biết. Khi đó, nếu con người không vâng phục, lương tâm sẽ kết án. Lương tâm không kết án một điều gì đó mà nó không biết. Vì vậy, nếu chúng ta so sánh tiêu chuẩn của lương tâm với tiêu chuẩn sự thánh khiết của Đức Chúa Trời thì tiêu chuẩn của lương tâm thấp hơn rất nhiều. Lương tâm có ít nhất hai sự thiếu hụt. Thứ nhất, như chúng ta đã nói trước đây, đó là sự giới hạn trong tri thức của lương tâm; lương tâm chỉ có thể kết án những việc làm sai trái mà nó biết. Cho nên, vì lương tâm chúng ta không sở hữu một loại tri thức nào đó nên chúng ta để cho nhiều điều không theo ý muốn của Đức Chúa Trời tồn tại trong đời sống chúng ta. Đức Chúa Trời và các tín đồ trưởng thành hơn chúng ta đều biết rằng chúng ta có nhiều sự thiếu hụt. Nhưng vì chúng ta chưa nhận được ánh sáng nên các sự thiếu hụt này vẫn còn. Đây không phải là một khuyết điểm lớn sao? Tuy nhiên, điều này được cho phép vì Đức Chúa Trời không kết án những gì chúng ta không biết. Mặc dù chúng ta có lỗi lầm nhưng Đức Chúa Trời vẫn đẹp lòng và Ngài tương giao với chúng ta, vì chúng ta đã hành động theo sự dẫn dắt của lương tâm.
Vẫn còn một khuyết điểm thứ hai có thể ngăn trở sự tương giao của tín đồ với Đức Chúa Trời. Một lượng tri thức ít ỏi không chỉ dẫn dắt tín đồ kết án một điều gì đó nên kết án, mà còn có thể dẫn dắt người ấy kết án một điều gì đó không nên kết án. Vậy thì chúng ta phải nói gì? Lương tâm dẫn dắt sai sao? Không, sự dẫn dắt của lương tâm không thể sai và phải được tín đồ vâng phục. Nhưng dung lượng hay mức độ tri thức thì khác biệt. Do tín đồ thiếu tri thức nên có nhiều điều người ấy sẽ được phép làm khi sở hữu nhiều tri thức hơn, nhưng bây giờ thì không được phép vì thiếu tri thức. Nếu người ấy làm những điều đó thì lương tâm sẽ kết án, và người ấy sẽ phạm tội, Đây là sự non trẻ của tín đồ. Điều này nghĩa là nhiều điều hoàn toàn được phép đối với những người cha vì họ có tri thức, kinh nghiệm và vị trí. Nhưng nếu con cái làm điều người cha làm thì  chắc chắn điều đó không được phép do chúng thiếu tri thức, kinh nghiệm và vị trí. Không phải là có hai tiêu chuẩn đúng sai, mà là tiêu chuẩn đúng sai theo vị trí của mỗi người không thể không khác nhau. Điều này đúng trong những điều thuộc linh cũng như trong những điều thuộc thể. Nhiều điều, khi được thực hiện bởi tín đồ trưởng thành, là hoàn toàn theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, nếu một tín đồ trẻ bước theo và làm cùng một điều thì đối với người ấy đó là tội lỗi.
Lý do cho điều này thì không gì khác hơn là các sự khác biệt trong mức độ tri thức của lương tâm. Nếu theo lương tâm của một tín đồ, một điều gì đó được cho phép và người ấy làm thì người ấy đang làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Nhưng nếu lương tâm của một tín đồ khác không cho phép điều đó thì người ấy sẽ phạm tội nếu người ấy làm. Như chúng ta đã nói trước đây, điều này không có ý nghĩa là ý muốn cao nhất của Đức Chúa Trời khác nhau, nhưng Đức Chúa Trời dẫn dắt mỗi người theo vị trí của họ. Một người có tri thức thì sẽ có lương tâm mạnh mẽ hơn; cho nên, người ấy có nhiều sự tự do hơn. Một người không có tri thức thì yếu đuối hơn; cho nên, người ấy bị giới hạn hơn.
Vấn đề này được vị sứ đồ dạy dỗ cách sáng tỏ trong 1 Corinth. Vào lúc đó, các tín đồ tại Corinth có nhiều sự hiểu lầm về vấn đề ăn của cúng thần tượng. Một số người nghĩ rằng các thần tượng không là gì cả và có thể ăn thức ăn dù nó có được dâng cho các thần tượng hay không, vì Đức Chúa Trời là duy nhất và không có thần nào khác (8:4). Những người khác, trước khi là tín đồ, đã là những người thờ thần tượng. Vì vậy, khi họ thấy rằng thức ăn họ đang ăn được dâng cho các thần tượng, họ không thể không nhớ lại quá khứ. Cho nên, lương tâm họ không bình an. Khi ăn, họ bị ô uế vì lương tâm họ yếu đuối (c. 7). Vị sứ đồ hiểu rằng sự khác biệt này là do sự khác biệt về tri thức (c. 7). Người trước, vì có tri thức, nên không bị lương tâm quở trách; vì vậy, sau khi ăn, họ không phạm lội. Người sau, do thiếu tri thức, nên không bình an trong lương tâm; vì vậy, việc ăn của họ trở nên tội lỗi. Từ điều này, chúng ta thấy rằng tri thức rất quan trọng. Đôi khi tri thức càng nhiều càng có thể khiến lương tâm kết án nhiều hơn, nhưng cũng có thể khiến lương tâm có ít sự kết án hơn.
Vì vậy, trong các vấn đề tương tự về hình bóng của những điều sắp đến, chúng ta phải xin Chúa ban cho chúng ta thêm tri thức để chúng ta không bị cột trói cách vô lý. Tuy nhiên, một tri thức như vậy phải được gìn giữ trong một tấm lòng khiêm nhường; nếu không, chúng ta sẽ rơi vào trong xác thịt giống như các tín đồ Corinth. Nếu tri thức của chúng ta không thích đáng và lương tâm vẫn quờ trách, chúng ta vẫn phải vâng phục tiếng nói của lương tâm bất kể chúng ta phải trả giá cao bao nhiêu. Chúng ta đừng nghĩ rằng vì điều này không sai trật theo tiêu chuẩn cao nhất nên chúng ta không cần quan tâm đến lương tâm và có thể làm điều đó. Chúng ta phải nhớ rằng lương tâm là tiêu chuẩn hiện tại cho sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời. Chúng ta phải vâng phục; không vâng phục là tội lỗi. Điều gì lương tâm chúng ta kết án chắc chắn Đức Chúa Trời cũng kết án.
Chúng ta đã nói về những điều bên ngoài như thức ăn. Về những điều thuộc linh hơn, bất kể chúng ta sở hữu bao nhiêu tri thức, vẫn không thể có sự khác biệt về sự tự do hay sự cột trói đối với chúng ta. Những điều được nói đến ở đây liên quann đến những điều bên ngoài của xác thịt. Đức Chúa Trời đối xử với con cái Ngài theo độ tuổi của họ. Đối với các tín đồ non trẻ, Đức Chúa Trời rất quan tâm đến những vấn đề bên ngoài như ăn, mặc và…v….v.. Vì Đức Chúa Trời muốn đặt các hành vi độc ác của thân thể họ vào chỗ chết. Nếu các tín đồ trẻ có lòng bước theo Chúa, họ sẽ thấy rằng Chúa thường khiến họ chinh phục những điều này qua lương tâm của linh. Những người có kinh nghiệm hơn trong Chúa, vì họ biết cách thuận phục Chúa nên dường như có nhiều sự tự do trong lương tâm hơn.
Tuy nhiên, các tín đồ trưởng thành hơn có một hiểm họa lớn trong vấn đề này; lương tâm họ có thể quá mạnh mẽ và có thể trở nên lạnh lẽo và cứng cõi. Các tín đồ non trẻ hết lòng tìm kiếm Chúa sẽ thuận phục Chúa trong nhiều điều vì lương tâm và trực giác của họ nhạy bén và họ dễ dàng được Thánh Linh chuyển động. Các tín đồ trưởng thành hơn có thể trở nên lạnh lẽo và cứng cỏi trong lương tâm mình vì quá nhiều tri thức khiến tâm trí họ quá phát triển; cho nên, họ đánh mất sự nhạy bén trong trực giác. Họ làm mọi sự theo tri thức của tâm trí, Thánh Linh dường như không thể chuyển động họ. Đây là một vết thương chí tử đối với sự sống thuộc linh. Nó khiến cho sự sống của tín đồ mất đi tính tươi mới; mọi sự đều cũ kỹ. Bất kể có bao tri thức, chúng ta cũng không được bước theo tri thức nhưng phải bước theo trực giác của linh (lương tâm). Nếu chúng ta không quan tâm đến sự kết án của lương tâm qua trực giác mà chỉ dùng tri thức của mình làm tiêu chuẩn cho cách cư xử của chúng ta thì chúng ta sẽ bước đi theo xác thịt. Nhiều lần, theo lẽ thật mà chúng ta biết, chúng ta được phép làm một điều gì đó. Nhưng chẳng phải lương tâm chúng ta không yên nghỉ nếu chúng ta cứ tiến tới và làm điều đó sao? Nếu lương tâm kết án một vấn đề nào đó, thì điều đó vẫn không phù hợp với ý muốn của Đức Chúa Trời, dù theo tri thức của tâm trí, vấn đề đó là tốt lành. Chúng ta thường thu đoạt tri thức của tâm trí và đó không phải là sự khải thị của trực giác. Vì vậy, sự dẫn dắt của lương tâm có thể mâu thuẫn với tri thức.
Vị sứ đồ cho rằng nếu một tín đồ không quan tâm đến sự quở trách của lương tâm yếu đuối nhưng thay vì vậy cứ bước đi theo tri thức của tâm trí, thì sự sống thuộc linh của người ấy sẽ bị tổn hại nghiêm trọng. “Vì nếu ai thấy anh em là người có tri thức ngồi dựa nơi bàn trong Chùa miễu thì lương tâm kẻ ấy, nếu yếu đuối, chẳng phải sẽ cả gan mà ăn của cúng thần tượng sao? Nên kẻ yếu đuối mà đang bị phá hủy bởi sự tri thức của anh em, là một anh em mà Đấng Christ đã chết cho” (1 Cor 8:10-11). Điều này bàn đến các tín đồ có tri thức và những người không có tri thức. Nếu một tín đồ không có tri thức nhìn thấy một người có tri thức ăn của cúng thần tượng thì người ấy sẽ lập luận rằng nếu tín đồ khác ăn được thì mình cũng ăn được. Người ấy sẽ không quan tâm đến tiếng nói của lương tâm mình và sẽ ăn. Điều này khiến cho tín đồ đó sa ngã. Đây là ý nghĩa của các câu này. Một tín đồ không có tri thức chỉ có thể dùng tâm trí để hiểu biết tri thức mà anh em mình sở hữu. Nếu người ấy bước đi theo tri thức này, bỏ lở lương tâm của mình, người ấy sẽ sa ngã. Nguyện chúng ta luôn luôn nhớ rằng chúng ta không được bước đi theo tri thức mà chúng ta có, dù chỉ trong thời gian ngắn. Tất cả các tín đồ, bất kể tri thức của họ, phải bước đi theo trực giác và lương tâm của linh. Tri thức của họ có thể ảnh hưởng đến lương tâm, nhưng họ phải trực tiếp bước theo một mình lương tâm mà thôi. Đối với cách cư xử của các tín đồ, Đức Chúa Trời quan tâm đến sự thuận phục của họ đối với ý muốn Ngài nhiều hơn là cách cư xử tốt của họ. Việc lắng nghe tiếng nói của lương tâm bảo đảm rằng sự hiến dâng và vâng phục của chúng ta là thật. Qua lương tâm, Đức Chúa Trời quan sát xem sự ưu tiên của chúng ta có phải là thuận phục Ngài không, hay chúng ta có các động cơ khác.
Có một vấn đề khác mà một tín đồ phải chú ý đến. Người ấy phải cẩn thận để không cho phép lương tâm mình bị bao vây. Nhiều lần, lương tâm chúng ta đánh mất sự tác nhiệm bình thường vì bị bao vây. Lương tâm chúng ta trở nên lạnh lẽo vì lương tâm của những người xung quanh, chúng ta lạnh lẽo và cứng cỏi vỉ các lập luận, lời nói, sự dạy dỗ, khích lệ, gương mẫu và rào cản của họ tác động đến chúng ta. Chúng ta phải đề phòng những người dạy dỗ có lương tâm lạnh lẽo và cứng cỏi. Chúng ta phải canh chừng bất cứ lương tâm nhân tạo nào; lương tâm mà người khác tạo ra cho chúng ta phải được từ chối. Lương tâm chúng ta phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước mặt Đức Chúa Trời trong mỗi một vấn đề. Chúng ta phải biết ý muốn của Đức Chúa Trời và chúng ta phải chịu trách nhiệm gìn giữ điều đó. Nếu không quan tâm đến lương tâm của chính mình và bước theo lương tâm của người khác, chúng ta sẽ thất bại.
Nói tóm lại, lương tâm của tín đồ là một quan năng quan trọng của tâm linh. Tín đồ phải hoàn toàn bước theo sự dẫn dắt của lương tâm. Mặc dù lương tâm bị ảnh hưởng bởi tri thức nhưng mọi sự phát ngôn của lương tâm đều đại diện cho ý muốn cao nhất của Đức Chúa Trời đối với chúng ta ngay lúc ấy. Chỉ cần đạt đến đỉnh cao nhất mà chúng ta phải đạt đến ngày hôm nay là đủ rồi. Chúng ta không cần lo về mọi điều khác. Chúng ta phải luôn luôn giữ cho lương tâm của mình lành mạnh và không để cho một tội lỗi nào làm tổn hại khả năng lĩnh hội của lương tâm. Một khi chúng ta trở nên lạnh lẻo và cứng cỏi thì không điều gì có thể chuyển động chúng ta. Khi đó, chúng ta phải biết rằng chúng ta đã sa ngã sâu vào trong xác thịt. Mọi tri thức Kinh Thánh của chúng ta sẽ được giữ trong tâm trí của xác thịt và không có quyền năng sống động. Chúng ta phải luôn luôn bước đi theo trực giác của linh và được đổ đầy bằng Thánh Linh hầu cho khả năng lĩnh hội của lương tâm ngày càng trở nên nhạy bén hơn. Khi đó, thậm chí mọi vấn đề nhỏ không đúng đắn với Đức Chúa Trời cũng có thể bị phát hiện và được ăn năn. Đừng chỉ lao tác trong tâm trí và quên đi trực giác của lương tâm. Sự tăng trưởng của tầm vóc thuộc linh bảo đảm gia tăng sự nhạy bén của lương tâm. Vì vậy, nhiều người không sở hữu bất kỳ sự sống động nào ngày nay là họ đã không quan tâm đến lương tâm mình, nhưng chỉ giữ tri thức chết chóc trong tâm trí. Chúng ta phải thức canh mỗi ngày và đừng rơi vào trong sự tự mãn. Đừng sợ việc mình dễ cảm động. Nếu đó là sự cảm động của lương tâm thì chúng ta phải sợ rằng chúng ta quá ít cảm động, chứ không phải quá nhiều. Lương tâm là chiếc phanh của Đức Chúa Trời. Lương tâm cho chúng ta biết phần nào gặp rắc rối và phải được sửa chữa trước khi tiến lên. Nếu sẵn lòng lắng nghe, chúng ta sẽ tránh được nhiều công tác giật đổ về phía sau.
(Người Thuộc Linh)