Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015

CÓ MỘT, BỐN HAY BẢY HỘI THÁNH TRÊN ĐỊA CẦU?-





Một tiến sĩ sử học Cơ Đốc người Hàn quốc, sau khi nghiên cứu lịch sử Hội thánh cổ đại vừa tuyên bố trước đây mấy năm rằng trong thế kỷ thứ nhất tại tỉnh A-si (Tiểu Á châu—Thỗ nhĩ kỳ) có trên 700 hội thánh địa phương. Lời tuyên bố nầy thực hư ra sao, chúng ta chưa quyết đoán được, nhưng sự kiện chắc chắn là có hơn 7 hội thánh tại A-si, thí dụ hội Thánh Cô-lô-se, do trưởng lão Phi-lê-môn chăn nuôi, mà Khải thị chương 2 và 3 không chép vào danh sách bảy hội thánh đại diện.
Theo thống kê của một cơ quan trong Hội thánh tại Hoa kì thì trên thế giới hiện có trên 4000 hệ phái lớn và nhỏ. Mỗi hệ phái có hàng ngàn hoặc hàng vạn chi hội, điểm nhóm, không sao kể xiết.
Hôm nay tôi muốn tương giao với các bạn là hiện nay có bao nhiêu loại hội thánh trên địa cầu? Một, bốn hay bảy loại?

a.     Bảy Hội Thánh:
Có nhiều người dựa vào bảy lá thư của Chúa Jesus chép trong Khải thị chương 2 và 3 nên tuyên bố rằng có 7 loại hội thánh. Theo ý kiến của họ, đã có 7 thời kì trong lịch sử các hội thánh từ ban đầu đến ngày Chúa tái lâm. Và có lẽ hôm nay chúng ta đang sống trong thời kỳ của hội thánh Lao-đi-xê kiêu căng về sự giàu có giáo lí, mà nghèo nàn thuộc linh.—Một số nhà giải kinh khác lại chủ trương, cho dù có hàng vạn chi hội đủ màu sắc trên toàn cầu, nhưng tất cả đều gồm tóm và thể hiện qua bảy sắc thái của bảy hội thánh tiêu biểu đó. Họ nói rằng trong bất cứ thời đại nào cũng có bảy sắc thái của bảy hội thánh tiêu biểu đó hiện diện. Tóm lại những người nầy tin rằng có bảy loại Hội thánh trên địa cầu.
b.    -b.---Bốn Hội Thánh:
So sánh 7 bức thư của Chúa Jesus ở Khải thị 2 và 3, chúng ta thấy 7 hội thánh được chia làm hai nhóm: 3 và 4. Trong 3 hội thánh đầu tiên, câu “ai có tai hãy nghe điều Đức Linh phán…” luôn luôn đi trước câu nói về phần thưởng. Trái lại trong 4 lá thư sau, lời hứa về phần thưởng đứng trước câu “ai có tai hãy nghe điều Đức Linh phán…”. Cho nên một số nhà giải kinh kết luận 3 hội thánh đầu, là 3 giai đoạn đầu của hội thánh đầu tiên xây dựng thành hội thánh Thiên Chúa (gồm Công giáo La mã và Chính thống giáo Hi lạp). Từ hội thánh Thi-a-ti-rơ (hai loại công giáo trên) sinh ra Hội thánh Cải Chánh (Sạt đe), rồi hội thánh Cải Chánh sinh ra Hội thánh Tình yêu Anh em (Phi-la-đen-phi), hội thánh Phi-la-đen-phi vì kiêu căng và hoang tưởng thuộc linh nên sa bại thành hội thánh dân chủ Lao-đi-xê.
Trong 4 hội thánh sau đều có chép về sự tái lâm của Chúa, nên nhiều người tin rằng trên mặt đất hiện nay chỉ có 4 loại hội thánh, và cả bốn loại nầy đều đồng thời tồn tại cho đến khi Chúa Jesus tái lai.
Hai loại hội thánh Công giáo của La mã và của Hi lạp đều theo chế độ quân chủ chuyên chế, độc tài, vô ngộ. Hội thánh Cải chánh theo chế độ cọng hòa đại nghị và quyền hành của hàng giáo phẩm cũng rất mạnh mẽ.
Hội thánh Tình yêu Anh em, khởi đầu ở Hội Anh Em ở Anh Quốc từ năm 1828, lan tràn cả địa cầu, sau đó còn nảy sinh ra hàng ngàn hội thánh khôi phục do ông Watchman Nee (Nghê Thác Thanh) hướng dẫn, và mấy ngàn hội chúng phục hồi (asemblies) do ông Bakht Singh, Ấn độ dẫn dắt…. Còn vài hội thánh Anh Em khác nữa tôi tin là đã có trước và sau Hội thánh Anh Em Tây phương mà ít người biết đến. Có lẽ như các hội thánh Kiền Thành, Thanh Giáo, Hội thánh Morave, Hội thánh Bạn Hữu Đức Chúa Trời, Hội thánh Đấng Christ… Tất cả các hội thánh Anh Em nầy đều không có hàng giáo phẩm, và họ tìm cầu bước theo “chế độ” Thần quyền, là một sự thật vô song mà mắt tôi chưa thấy và kinh nghiệm trong hội thánh.
Hội thánh Lao-đi xê (chữ “Lao đi xê” có nghĩa là “ý kiến của dân chúng”). Hội thánh Anh Em phục hồi được thể chế tế lễ phổ thông cho mọi thánh đồ, khuyến khích mọi người thi hành chức năng, và đi quá đà thành quyền dân chủ xác thịt của số đông trong cái gọi là Nếp sống Thân Thể ảo. Nhiều người nói rằng chỉ có dân Hội thánh Anh Em mới có cơ sở để kiêu ngạo và tự mãn về giáo lí không kinh nghiệm, nhưng tôi nghĩ rằng tín đồ Cải Chánh cũng kiêu căng về hệ thống tổ chức, về hàng vạn sách vở giáo lí cơ bản truyền thống, về hệ thống chủng viện, đại học thần khoa của họ. Tôi tin 4 loại hội thánh nầy đều cũng hoang tưởng và kiêu căng về thành tích, về vị thế của mình, vì Chúa nói hãy nghe lời Chúa phán với các hội thánh kia nữa. Khi các hội thánh phát bệnh kiêu căng cách hoang tưởng về giáo lý, thì đó là thời kỳ cuối cùng Lao-đi xê  xảy ra rồi. Chúa sắp tái lâm.
c.     c--Một Hội Thánh:
Có một số nhà giải kinh khác nói vì Chúa hứa rằng: "Si-môn, con Giô-na ơi, ngươi có phước đó, ..Còn Ta lại bảo ngươi rằng, ngươi là Phi-e-rơ, Ta sẽ lập Hội thánh ta trên vầng đá nầy, cửa Âm phủ chẳng thắng được nó”(Mathio 16:17-18). Theo nguyên văn, chữ “hội thánh Ta“ ở đây thuộc số ít. “My Church”, ám chỉ Hội Thánh phổ thông, hội thánh hoàn vũ theo cái nhìn của Chúa. Ngài chỉ xây dựng The Church, tức là MỘT HỘI THÁNH mà thôi.
Đương nhiên Hội Thánh nầy chỉ bao gồm những Cơ Đốc nhân tái sinh cư trú tản lạc ở khắp mọi giáo phái, mọi tổ chức tôn giáo Cơ Đốc. Họ có 4 sự biểu lộ, hoặc 7 hình thức thể hiện cách lạ kì. Tôi nghĩ 7 tình trạng hay 4 tình trạng cũng hợp lí cách tương đối.
Theo một mặt, tôi cũng thấy chỉ cố MỘT HỘI THÁNH, mà trong đó có một bộ phận đang nằm trên giường bệnh của Thi-a-ti-rơ (Khải 2: 22), một bộ phận khác rất giàu có về giáo lý, sách vở, lực lượng truyền giáo quá mạnh. Bộ phận hội thánh Anh em tây phương thì qiá nhấn mạnh sự tự trị địa phương, nên chia rẽ trầm trọng. Phần Hội thánh Anh em đông phương thì nhấn mạnh Thân Thể nên đi quá đà trong sự thống nhất hóa các chi hội thành một hệ thống “Thân thể” nhân tạo. Nhìn tổng quát, trong đầu thế kỉ 21 nấy, toàn bộ Hội thánh chung đều phơi bày triệu chứng Lao-đi xê kiêu căng, không có sự thực nghiệm thuộc linh đầy trọn như Chúa mong muốn.
-
--Kết luận-
Rất nhiều người hỏi tôi thuộc về Hội thánh nào? Hoặc tôi theo ai? -Tôi sống trong Hội mà Chúa Jesus đang xây dựng, không bước theo một con người nào.
Toàn bộ bốn loại hội thánh đều sa bại, suy đồi, cho nên vấn đề là chúng ta phải sống cuộc đời người đắc thắng trước khi Chúa đến.
Chúa kêu gọi: “Kẻ đắc thắng và giữ công việc ta đến cùng, ta sẽ ban cho quyền bính trên các dân,  người sẽ chăn họ bằng cây gậy sắt, đập tan họ như khí mạnh của thợ gốm, cũng như ta đã nhận nơi Cha ta vậy. 28 Ta sẽ cho người ngôi sao mai.- Kẻ đắc thắng sẽ được mặc áo trắng như vậy, ta hẳn chẳng xoá tên người khỏi sách sự sống, nhưng ta sẽ thừa nhận tên người trước mặt Cha ta, cùng trước mặt các thiên sứ Ngài-- Kẻ đắc thắng, ta sẽ khiến làm rường cột trong đền thờ Đức Chúa Trời ta, và người không còn ra khỏi đó nữa; ta cũng sẽ lấy danh Đức Chúa Trời ta, và danh của thành Đức Chúa Trời ta, là Giê-ru-sa-lem mới ở trên trời, từ Đức Chúa Trời ta mà xuống, cùng danh mới của ta, mà viết trên người.-- Kẻ đắc thắng, ta sẽ cho ngồi với ta trên ngai ta, như ta đã đắc thắng và ngồi với Cha ta trên ngai của Ngài”
Minh Khải—