Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2016

SÁCH MÁC BÀI 22



Kinh Thánh: Mác 7:24-30
NGƯỜI ĐÀN BÀ SY – RÔ – PHÊ – NI – XI
VÀ BÁNH CỦA CON CÁI
Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét trường hợp người đàn bà Sy-rô-phê-ni-xi (7:20-30). Mác 7:24 cho chúng ta biết rằng Chúa “đi đến bờ cõi Ty-rơ” Khi ấy một người đàn bà có con gái nhỏ bị uế linh ám đến sấp mình dưới chân Ngài (c.25) “Đờn bà là người Hy Lạp thuộc dòng Sy-rô-phê-ni-xi” Theo tiếng nói, bà ấy là người Sy-ri; theo sắc tộc, bà là người Phê-ni-xi (xem Công 21:2-3) và người Phê-ni-xi là hậu duệ của người Ca-na-an, cho nên bà ấy là người đàn bà Can-na-an (Mat.15:22). Thật khó biết điều gì đã làm cho bà thành một người Hy Lạp – tôn giáo, hôn nhân hoặc điều nào khác. Trong Tân Ước, từ “Hy Lạp” được dung để chỉ về thế giới ngoại bang. Người đàn bà này là người ngoại bang tiêu biểu. Chúng ta có thể nói về mọi phương diện, bà ấy là một người ngoại bang  vì bà là người Hy Lạp, người Sy-rô-phê-ni-xi và người Ca-na-an. Tuy nhiên, bà đến để xin Chúa làm một điều gì đó cho mình. Bà muốn Ngài đuổi quỉ ra khỏi con gái bà (c.26)

Vì người đàn bà Sy-rô-phê-ni-xi là một người ngoại như thế nên Chúa Jesus phán với bà rằng: “Hãy để con cái ăn no nê trước đã, vì không lẽ lấy bánh của con cái mà quăng cho chó nhỏ” (c.27). Ở đây, dường như Chúa nói với bà rằng: “Là người ngoại , ngươi là một con chó nhỏ, và Ta không thể quăng bánh của con cái cho ngươi. Ngươi không đủ tư cách để làm một người con. Ngươi chỉ đủ tư cách làm một người ngoại bang. Vì Ta phải làm thỏa mãn con cái trước, Ta không nên lấy bánh của con cái mà quăng cho ngươi”.
Trong Phúc Âm Giăng chương 6, Chúa nói rõ với người Do Thái rằng Ngài là Bánh sự sống (Gi 6:33). Ngài chỉ cho họ thấy rằng Ngài là Bánh của Đức Chúa Trời, là Đấng “từ trời xuống, ban sự sống cho thê giới” (Gi 6:30). Ngài từ trời xuống làm Bánh sự sống để thỏa mãn cơn đói của thê giới. Mặc dầu lời về điều này rõ ràng được ban ra trong Giăng chương 6 nhưng không có một lời như vậy trong các sách Phúc Âm Nhất Lãm là Ma-thi-ơ, Mác hay Lu-ca. Nhưng trong 7:27, Chúa Jesus dùng từ “bánh”. Ngài phán rằng bánh trước nhất phải được ban cho con cái.
Những gì Chúa nói về bánh của con cái trong câu 27 cho thấy rằng Ngài không chỉ đến để làm phép lạ. Chúa Jesus đến để cho con cái đang đói ăn. Rõ ràng, lời Chúa ở đây cho thấy rằng trong các chương trước, Ngài đang nuôi dưỡng con người.
NUÔI DƯỠNG VÀ BAN PHÁT
Nuôi dưỡng là vấn đề ban phát. Trong khi nghiên cứu về từ ban phát (oikolomia) trong tiếng Hy Lạp, tôi biết được rằng từ này đến từ một ngữ căn có nghĩa là ban phát thực ăn. Một thí dụ về việc người ban phát thức ăn là Giô-sép tại Ai Cập. Là người ban phát thức ăn cho dân chúng, ông là một người quản gia tốt, thực hiện chức vụ quản gia. Chức vụ quản gia là oikolomia, sự ban phát nguồn thực phẩm.
Chúng ta có thể nói rằng Giô-sép thật là Chúa Jesus, là Cứu Chúa–Nê Lệ. Trong Phúc Âm Mác chương 7, chúng ta thấy Ngài ban phát chính Ngài là Bánh, là thức ăn nuôi dưỡng. Ngài đang ban phát chính Ngài là yếu tố của nguồn cung ứng sự sống để thỏa mãn người đói.
Khi một người Sy-rô-phê-ni-xi, một người ngoại bang tiêu biểu đến với Ngài và xin Ngài đuổi quỉ ra khỏi con gái bà, Ngài bày tỏ chính Ngài và cho bà ấy biết Ngài là gì. Ngài bày tỏ Ngài là bánh. Ngài làm cho bà ấy ý thức rằng Ngài là bánh nuôi dưỡng con cái đói khát và Ngài ban phát chính Ngài cho con người để làm nguồn cung ứng sự sống cho họ
Nhiều người nhận lãnh lợi ích từ chức vụ của Chúa đã không ý thức rằng khi Ngài cung ứng cho họ, Ngài đang nuôi dưỡng họ. Tương tự như vậy, nhiều Cơ-đốc nhân ngày nay không ý thức rằng Chúa ao ước ban phát chính Ngài là bánh. Một số cơ đốc nhân đánh giá cao việc chữa lành và phép lạ. Nhưng anh em có bao giờ nghe rằng sự chữa lành và phép lạ đích thực là để Chúa nuôi dưỡng những người đói khát không? Tuy nhiên, đây chính là vấn đề Chúa Jesus bày tỏ cho người đàn bà Sy-rô-phê-ni-xi
Trong khi trò chuyện với người đàn bà này, Chúa bày tỏ rằng những gì Ngài làm không chỉ là thực hiện phép lạ - mà là nuôi dưỡng. Thật là Ngài không đang làm phép lạ; Ngài đang ban phát chính Ngài là bánh, là nguồn cung ứng thực phẩm
Trong các phần trước của Phúc Âm Mác, chúng ta đã thấy nội dung của sự phục vụ Phúc Âm, các phương cách thực hiện sự phục vụ Phúc Âm, các hành động phụ trợ trong sự phục vụ Phúc Âm, lời về yếu tố nội tại của Vương Quốc, một bức tranh về xã hội con người, một bức tranh về thái độ người thê giớiđối với Phúc Âm và sự phơi bày tình trạng tấm lòng con người. Sau khi đã thấy tất cả những điều này, bây giờ chúng ta cần thấy trong 7:24-30 rằng Chúa đang phân phát chính Ngài như nguồn cung ứng thực phẩm mà tất cả chúng ta đều cần. Thật ra, chúng ta không cần phép lạ, và thậm chí cũng không cần chữa lành. Nhu cầu thật sự của chúng ta là bánh, nguồn cung ứng sự sống. Vì vậy, Chúa Jesus đang ban phát chính Ngài vào trong chúng ta như thức ăn
MỘT BƯỚC XA HƠN
TRONG SỰ PHỤC VỤ PHÚC ÂM
CỦA CỨU CHÚA- NÔ LỆ
Trong 7:24-30, Cứu Chúa-Nô Lệ tiến một bước xa hơn trong việc thực hiện sự phục vụ Phúc Âm của Ngài. Chúng ta đã thấy trong 7:1-23, Chúa dùng Mười Điều Răn để phơi bày tình trạng tấm lòng con người. Đó cũng là một bước tiến xa hơn trong sự phúc vụ Phúc Âm của Ngài. Sau khi thực hiện bước ấy, Chúa tiếp tục cho thấy rằng trong sự phục vụ Phúc Âm của Ngài, Ngài không chỉ làm phép lạ mà thôi. Đó không phải ý nghĩa bên trong sự phục vụ Phúc Âm của Ngài. Ý nghĩa bên trong sự phục vụ này là Ngài đang ban phát chính Ngài là thức ăn
Dường như Chúa Jesus nói với người đàn bà Sy-rô-phê-ni-xi rằng: “Người nghĩ rằng ngươi cần Ta để chữa lành cho con cái ngươi. Thật ra, như câu của người là để cho Ta là bánh của người. Ta cũng phải cho ngươi biết địa vị của ngươi là như thế nào. Địa vị của ngươi chỉ là địa vị của con chó ngoại bang nhỏ bé. Vì ngươi là con chó như vậy, ngươi không có quyền hưởng phần của con cái. Ta là phần của con cái và con cái là người Israel, là tuyển dân. Ta từ Cha đến để nuôi dưỡng con cái Ngài».
Đã bao hiờ anh em biết Phúc Âm Mác bày tỏ Chúa Jesus là Bánh của chúng ta chưa? Ký thuật của Phúc Âm này tiến triển, tiếp tục từng bước một và tiến lên từng cấp một, cuối cùng đưa chúng ta đến vấn đề trọng yếu Chúa Jesus là Bánh của chúng ta.
Nếu không có lời Chúa về chính Ngài là Bánh của con cái, chúng ta sẽ không ý thức rằng trong sự phúc vụ Phúc Âm của Ngài, Ngài đã phân phát chính Ngài là Bánh cho chúng ta. Đối với chúng ta, hiểu Chúa là Thầy Thuốc, Chàng Rể và Đấng Giải Phóng thì không khó lắm. Biết Ngài theo những phương diện này là dễ đối với chúng ta. Nhưng có ai nghĩ rằng Chúa là Bánh bao giờ chưa? Phải, với tư cách là Đấng Thần– Nhân, Ngài là Thầy Thuốc. Chàng Rể và Đấng Giải Phóng. Nhưng bây giờ chúng ta thấy qua câu trả lời của Ngài với đàn bà Sy-rô-phê-ni-xi, Ngài là Bánh của con cái. Thật tuyệt diệu biết bao !
GIỮ ĐỊA VỊ ĐÚNG ĐẮN
Hãy đọc lại câu 27 : « Jesus bèn phán cùng nàng rằng : Hãy để con cái ăn no nê trước đã, vì không lẽ lấy bánh của con cái mà quăng cho chó nhỏ ». Trong tiếng Hy Lạp, «chó nhỏ » là chó nuôi, chó giữ ở trong nhà
Trong câu 28, chúng ta có câu trả lời của người đàn bà Sy-rô-phê-ni-xi : «Thưa Chúa, phải, dầu vậy, chó nhỏ ở dưới bàn cũng được ăn những miếng vụn của con cái ». Trong câu trả lời này, dường như bà nói rằng : «Thưa Chúa, phải, Ngài nói đúng. Tôi không phủ nhận tôi là con chó nhỏ. Nhưng thậm chí những con chó nhỏ ở dưới bàn cũng có quyền ăn những miếng vụn của con cái».
Câu trả lời của bà cho thấy bà đã lấy lời Chúa nói làm chỗ đứng để đòi hỏi điều gì đó từ Ngài. Chỗ đứng của bà là gì ? Chỗ đúng của bà là một con chó nhỏ, chó nuôi trong nhà, ở dưới bàn. Theo từ ngữ Hy Lạp được sử dụng ở đây thi bà không phải là chó hoang mà là chó nuôi. Điều này cho thấy là một người ngoại bang, bà là một trong những « thú cưng » của Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể nói rằng người ngoại bang ngày nay cũng là « thú cưng » của Đức Chúa Trời
Với chỗ đúng đắn như vậy, người đàn bà Sy-rô-phê-ni-xi có lẽ đã nói rằng: “Thưa Chúa, tôi có thể là một con chó nhỏ, nhưng tôi không phải là một con chó hoang, một con chó ở ngoài nhà. Trái lại, tôi là một con chó được nuôi trong nhà, một con chó ở dưới bàn đang khi Chủ cho con cái ăn. Vì tôi là thú cưng trong nhà của Ngài, Ngài hài lòng về tôi. Phải, Ngài yêu thương con cái Ngài nhưng Ngài hài lòng về tôi. Khi con cái Ngài ăn trên bàn, con chó nuôi này đi tới đi lui dưới bàn. Thưa Chúa, tôi không phải là con chó nuôi trong nhà của Ngài sao ? Tôi không làm Ngài vui lòng sao ? Tôi không có vị trí ngồi trên bàn, nhưng chắc chắn tôi có vị trí ở dưới bàn »
BÁNH TRÊN BÀN VÀ DƯỚI BÀN
Chúng ta có thể nói rằng người đàn bà Sy-rô-phê-ni-xi nắm lấy Chúa bởi chính lời Ngài. Ngài dùng chữ « con chó nhỏ ». Ngay lập tức, dường như bà nắm lấy chữ này và nói : « Thưa Chúa, tốt lắm. Ngài đã nói tôi là con chó nuôi trong nhà. Điều này tốt cho tôi. Tôi không cần làm một đứa con trên bàn. Miễn là làm con chó nuôi trong nhà ở dưới bàn thì tôi có một vị trí để ăn các miếng vụn từ bàn rớt xuống »
Theo một ý nghĩa , trong 7: 24-30 chính Chúa Jesus không phải là bánh trên bàn. Trái lại, Ngài là Bánh ở dưới bàn. Chúng ta cần nhớ sự việc này xảy ra ở vùng Ty– rơ, miền bắc xứ thánh, một vùng có thể được gọi là « dưới bàn » . Đất thánh là « bàn ». Nhưng người Do Thái, là « những con cái ngỗ nghịch », đã quăng bánh khỏi bàn và bánh rơi xuống bàn. Là những miếng vụn dưới bàn, bây giờ Chúa có thể là phần hưởng của những con chó nhỏ ngoại bang.
Từ 7 :29, chúng ta biết Chúa Jesus nói với người đàn bà Sy-rô-phê-ni-xi rằng: «Vì cớ lấy ấy, người hãy đi, quỉ đã ra khỏi con cái người rồi». Khi về nhà « nàng….thấy đứa trẻ nằm trên chõng, và quỉ đã ra khỏi rồi » (c.30). Tuy nhiên, điểm chủ yếu ở đây không phải là đuổi quỉ ra khỏi con gái người đàn bà Sy-rô-phê-ni-xi. Điểm chủ yếu ở đây là trong sự phục vụ Phúc Âm của Ngài, Chúa Jesus đang ban phát chính Ngài là Bánh cho con người, như là nguồn cung ứng bề trong của họ.
CHÚNG TA CẦN CHÚA
LÀM NGUỒN CUNG ỨNG SỰ SỐNG CỦA MÌNH
Thiếu nhận thức về nhu cầu Chúa Jesus là Bánh, tức nguồn cung ứng sự sống, có thể là thiếu hụt lớn nhất trong phong trào Ngũ Tuần hoặc Linh Ân ngày nay. Những người trong phong trào này có thể đánh giá cao việc chữa lành và phép lạ bề ngoài, nhưng họ có thể không đánh giá cao Chúa là Bánh để làm nguồn cung ứng sự sống bề trong của họ. Cho dù nhận lãnh sự chữa lành từ Chúa, chúng ta vẫn cần Ngài làm nguồn cung ứng sự sống của mình. Kinh nghiệm một phép lạ mà không nhận lãnh Chúa làm nguồn cung ứng sự sống bề trong thì vô ích. Giữa vòng những người nhấn mạnh phép lạ có thể có những sự chữa lành và phép lạ đích thực, nhưng họ nhận thức rất ít về sự nuôi dưỡng bề trong nơi Chúa là nguồn cung ứng sự sống. Cần nhận thức rằng ngay cả khi Chúa Jesus là Đấng chữa lành của chúng ta thì Ngài cũng là bánh của chúng ta
Trong Phúc Âm Mác chương 7, Chúa bày tỏ chính Ngài cho người đàn bà Sy-rô-phê-ni-xi và cho bà ấy biết rằng Ngài là thực phẩm của bà. Bà không những cần Ngài là Đấng chữa lành cho con gái mình mà đặc biệt còn cần Ngài là thức ăn, là Bánh của bà.

Khải thị trong 7 :24-30 thì sâu xa hơn khải thị trong 7:1-23. Trong bước phục vụ Phúc Âm được ghi lại trong 7 :1-23, Chúa phơi bày tình trạng thật của tấm lòng con người để chúng ta có thể biết nhu cầu của mình là gì. Nhu cầu của chúng ta không phải bề ngoài mà là bề trong. Chúng ta không cần rửa sạch bề ngoài, chúng ta cần tẩy sạch bề trong, sự tẩy sạch tấm lòng. Sau đó trong 7 :24-30, Chúa tiến một bước xa hơn để cho chúng ta thấy rằng nếu những gì chúng ta có chỉ là tẩy sạch bề trong thì chúng ta vẫn còn trống rỗng. Tấm lòng chúng ta được tẩy sạch, được làm cho thuần khiết thì vẫn chưa đủ. Một tấm lòng trong sạch vẫn có thể là một tấm lòng trống rỗng. Vì vậy, ngoài việc tẩy sạch tấm lòng về phương diện tiêu cực, chúng ta cũng cần được cung cấp bánh về phương diện tích cực. Thậm chí hơn cả việc tẩy sạch, chúng ta còn cần Chúa Jesus là Bánh. Sự khải thị về chính Ngài là Bánh của chúng ta là một bước xa hơn mà Chúa đã thực hiện trong sự phục vụ Phúc Âm của Ngài