Thứ Hai, 18 tháng 7, 2016

SÁCH KHẢI THỊ BÀI 10-



HỘI THÁNH TẠI Ê-PHÊ-SÔ-TÌNH YÊU, SỰ SỐNG VÀ SỰ SÁNG
Sách Khải Thị được viết rất kĩ. Tiếp theo chương 1 thì chương 2 và 3 cho chúng ta một cái nhìn rõ ràng về bảy Hội thánh thực tiễn. Bảy Hội thánh ấy là những minh họa tuyệt hảo, khải thị các Hội thánh địa phương theo sự thực hành thiết thực, không theo giáo lí. Bởi xem xét bảy Hội thánh này, chúng ta có thể thấy rõ một Hội thánh địa phương là gì và cần phải như thế nào.
Bảy bức thư trong chương 2 và 3 ghi lại tình trạng thật đang hiện hữu trong bảy Hội thánh vào lúc cá Thư này được viết. Tuy nhiên, vì sách này là một sách gồm các dấu hiệu có bản chất tiên tri nên các tình trạng của bày Hội thánh cũng là những dấu hiệu, chỉ về sự tiến triển của Hội thánh trong 7 giai đoạn mang tính tiên tri. Bức thư thứ nhất gửi cho Hội thánh tại Ê-phê-sô cho thấy bức tranh về Hội thánh ở cuối giai đoạn đầu tiên trong nửa sau của thế kỉ thứ nhất. Bức thư thứ hai gửi cho Hội thánh tại Si-miệc-nơ báo trước Hội thánh chịu khổ nạn dưới sự bắt bớ của đế quốc La Mã, từ nửa sau thế kỉ thứ nhất đến đầu thế kỉ thứ tư, tức là khi Constantine Đại đế, Sê-sa của đế quốc La Mã, ban ân huệ của đế quốc cho Hội thánh. Bức thư thứ ba gửi cho Hội thánh tại Bet-găm, tượng trưng cho Hội thánh thế tục, tức Hội thánh kết hôn với thế giới, từ ngày Constantine chấp nhận Cơ Đốc giáo đến lúc hệ thống giáo hoàng được thiết lập vào nủa sau của thế kỉ thứ sau. Bức thư gửi cho Hội thánh tại Thi-a-ti-rơ là lời mô tả mang tính tiên tri về Hội thánh bội đạo, từ thời điểm thiết lập hệ thống giáo hoàng vào nửa sau thế kỉ thứ sáu đến cuối thời đại này là khi Đấng Christ trở lại. Bức thư thứ năm gửi cho Hội thánh tại Sạt-đe báo trước Hội thánh Cải chánh, từ thời Cải chánh vào đầu thế kỉ 16 đến khi Đấng Christ trở lại. Bức thư thứ sáu gửi cho Hội thánh tại Phi-la-đen-phi báo trước về Hội thánh của tình yêu anh em, tức sự khôi phục nếp sống Hội thánh đúng đắn, từ đầu thế kỉ 19 là khi các anh em được dấy lên tại nức Anh để thực hành nếp sống Hội thánh bên ngoài tất cả các hệ thống giáo phái và chia rẽ, cho đến khi Chúa đến lần thứ hai. Bức thư thứ bảy gửi cho Hội thánh tại Lao-đi-xê báo trước về nếp sống Hội thánh suy thoái của các anh em trong thế kỉ 19, từ nửa sau thế kỉ 19 cho đến khi Chúa trở lại. Trong bài này và 6 bài tiếp theo, chúng ta sẽ lần lượt đề cập đến từng Hội thánh một.

Trong bài này, chúng ta đến với Hội thánh tại Ê-phê-sô (2:1-7). Những từ ngữ trọng yếu trong bài này là tình yêu, sự sống và ánh sáng. Đòi hỏi căn bản để có được nếp sống Hội thánh là tình yêu của chúng ta đối với Chúa. Tình yêu của Chúa đối với chúng ta tất nhiên là không có nan đề. Ngài đã yêu thương chúng ta và tiếp tục yêu thương chúng ta. Nan đề nằm ở tình yêu của chúng ta đối với Ngài. Dù trong quá khứ chúng ta đã từng yêu Ngài và bây giờ có thể vẫn yêu Ngài, nhưng hiểm họa là tình yêu của chúng ta đối với Chúa Jesus có thể phai tàn. Bức thư gửi cho Hội thánh tại Ê-phê-sô cảnh cáo chúng ta về tình trạng này. Bức thư này cũng cho chúng ta một khải thị rõ ràng về nguồn gốc suy thoái của nếp sống Hội thánh-tình yêu ban đầu bị phai tàn. Như chúng ta sẽ thấy, tình yêu cho chúng ta vị trí, nền tảng, quyền lợi và đặc quyền để ăn cây sự sống. Tình yêu cho chúng ta sẽ có trọn quyền để vui hưởng Ngài là cây sự sống, là sự cung ứng sự sống của mình. Ánh sáng luôn luôn theo sau sự sống, bắt nguồn từ sự cung ứng dồi dào của sự sống. Sự sống ban cho chúng ta anh sáng. Trong đền tạm, giá đèn đặt sau bàn bánh trần thiết, cho thấy rằng khi vui hưởng Đấng Christ là sự cung ứng sự sống của mình, chúng ta sẽ có ánh sáng của sự sống. Việc chúng ta yêu Chúa là điều hết sức quan trọng. Nếu có tình yêu, chúng ta sẽ có sự sống được tượng trưng bởi cây sự sống và có ánh sáng được tượng trưng bởi giá đèn.
Tóm lại, nan đề của Hội thánh tại Ê-phê-sô là tình yêu ban đầu đối với Chúa bị phai tàn. Do đó, Chúa đến xử lí Hội thánh này cách triệt để, cảnh báo rằng nếu không ăn năn thì Hội thánh ấy có nguy cơ bị cất đi giá đèn. Người nào giữa họ ăn năn và trở về với tình yêu ban đầu thì sẽ được Chúa xem là người đắc thắng. Chúa đã hứa với người đắc thắng về quyền vui hưởng Ngài là cây sự sống. Tất nhiên, giá đèn sẽ luôn ở giữa những người đắc thắng. Tuy nhiên, nếu không ăn năn về tình yêu đối với Chúa bị phai tàn, chúng ta sẽ mất quyền ăn cây sự sống và giá đèn sẽ bị cất khỏi chúng ta. Nếu lâm vào tình trạng như vậy, chúng ta sẽ không có tình yêu và ánh sáng. Thật là một tình trạng đáng thương biết bao!
I. ĐẤNG PHÁT NGÔN
Khải Thị 2:1 chép: “Hãy viết cho sứ giả của Hội thánh tại Ê-phê-sô rằng: Đấng cầm bảy ngôi sao trong tay phải, đi giữa bảy giá đèn bằng vàng, phán…” Mỗi bức thư trong 7 bức thư ấy đều bắt đầu sự mô tả về Đấng phát ngôn. Trước khi nói bất cứ điều gì với các Hội thánh, Chúa tuyên bố Ngài là ai. Trong bức thư thứ nhất, Chúa tuyên bố Ngài là Đấng cầm 7 ngôi sao trong tay phải và bước đi ở giữa 7 giá đèn bằng vàng. Hai điểm ấy chứng tỏ Chúa rất bình thường, chân thật và đúng đắn. Ngài chăm sóc các Hội thánh bằng cách nắm giữ những người dẫn dắt trong tay phải Ngài và bước đi giữa tất cả các Hội thánh. Những sứ giả của các Hội thánh, tức những người thuộc linh, được tượng trưng bởi các ngôi sao tỏa sáng, mang trách nhiệm về chứng cớ của Jesus, được Chúa nắm giữ trong tay phải của Ngài, và Chúa đang bước đi giữa các Hội thánh được tượng trưng bảy giá đèn bằng vàng. Thật là một quang cảnh kì diệu biết bao! Đang khi Chúa là Thầy tế lễ Thượng phẩm ngồi bên phải của Đức Chúa Trời cầu thay cho chúng ta là các Hội thánh (Hê. 7:25), thì Ngài đang nắm giữ các sứ giả của các Hội thánh và đang bước đi giữa các Hội thánh để chăm sóc các Hội thánh.
II. CÁC MĨ ĐỨC CỦA HỘI THÁNH
Chữ Ê-phê-sô trong tiếng Hi Lạp có nghĩa là đáng được ao ước. Điều này cho thấy rằng Hội thánh ban đầu vào phút cuối của mình vẫn đáng được Chúa ao ước; Chúa vẫn còn trông đội nhiều nơi Hội thánh đó.
A. Công việc
Bây giờ, chúng ta hãy xem xét các mĩ đức của Hội thánh tại Ê-phê-sô. Trước hết, Hội thánh tại Ê-phê-sô không ở dưng cũng không biếng nhác; Hội thánh này khá tốt trong công tác cho Chúa.
B. Sự lao khổ
Hội thánh này không những làm việc cho Chúa mà còn lao khổ cho Ngài (cc. 2-3). Chúng ta phải phân biệt giữa làm việc lao khổ. Lao khổ thì cao hơn làm việc. Trong khi làm việc là bình thường, thì lao khổ và đặc biệt. C. Nhẫn nại
Hội thánh tại Ê-phê-sô cũng có mĩ đức nhẫn nại. Điều này có nghĩa là Hội thánh đã khổ sở và chịu đựng sự đau khổ.
D. Không dung dưỡng kẻ ác
Chúa nói với Hội thánh tại Ê-phê-sô rằng: “Con không thể dung dưỡng những kẻ ác” (c. 2). Trong tiếng Hi Lạp, không có chữ những kẻ. Tôi tin rằng lời Chúa ở đây nói về chữ kẻ ác bao gồm hai điều – những kẻ ác và những điều ác. Hội thánh tại Ê-phê-sô không dung dưỡng bất cứ người nào hay bất cứ điều gì ác. Đây chắc chắn là một Hội thánh tốt.
E. Từng thử nghiệm các sứ đồ giả
Chúa cũng nói: “Con đã từng thử nghiệm những kẻ tự xưng là sứ đồ mà không phải là sứ đồ, đã thấy họ là giả dối” (c. 2). Hội thánh này rất biện biệt, thử nghiệm các sứ đồ giả và khước từ họ. Họ thấy rõ rằng những sứ đồ tự xưng đều là giả. Trải qua các thế hệ từng có những sứ đồ tự xưng. Ngày nay cũng còn tình trạng này.
F. Ghét công việc của đảng Ni-cô-la
Trong 2:6, Chúa nói: “Song con còn có điều khá nầy là con ghét công việc của đảng Ni-cô-la, mà ta cũng ghét nữa”. Hội thánh tại Ê-phê-sô ghét điều Chúa ghét là công việc của Ni-cô-la. Về phương diện mĩ đức thì Hội thánh này tốt, thuần khiết, đúng đắn và bình thường.
Chúa ghét công việc của Ni-cô-la. Nếu anh em muốn hiểu công việc của Ni-cô-la là gì thì xin đọc quyển sách : Sự chính thống của Hội thánh. Những công việc của Ni-cô-la chỉ về hệ thống cấp bậc giữa vòng các thánh đồ, trong đó một số người tự đặt mình vào địa vị cai trị những người khác. Điều ấy tạo ra cái gọi là hàng giáo phẩm và giáo dân. Trong Hội thánh tại Ê-phê-sô, không có giáo lí hay sự dạy dỗ về Ni-cô-la. Giáo lí ấy phát triển về sau. Nhưng ở đó có công việc và hoạt động của đảng Ni-cô-la, tức là có hình bóng nào đó về hệ thống giáo phẩm và giáo dân. Chữ Ni-cô-la tương đương với chữ Nikolaitai trong tiếng Hi Lạp, có gốc là Nikolaitai bao gồm hai chữ Hi Lạp – nikolaos. Niko có nghĩa là chinh phục hay ở trên những người khác. Laos có nghĩa là thường dân, người thế tục hay giáo dân. Vì thế, Nikolaos có nghĩa là chinh phục thường dân, cao hơn giáo dân. Do đó, đảng Ni-cô-la phải chỉ về một nhóm người tự cho mình cao hơn những tín đồ bình thường. Đây rõ ràng là hệ thống phẩm trật mà Công giáo và Cải chánh giáo đã thiết lập và đang thực hành. Chúa ghét những công việc, cách cư xử của những Ni-cô-la ấy, và chúng ta cũng phải ghét điều Chúa ghét.
Trong cuộc gia tể của Ngài, Đức Chúa Trời có ý định là toàn dân Ngài đều phải làm thầy tế lễ để trực tiếp phục vụ Ngài. Trong Xuất Ai Cập Kí 19:6, Đức Chúa Trời đã định con cái Israel là “một vương quốc thầy tế lễ”. Điều này có nghĩa là Đức Chúa Trời muốn tất cả họ đều trở nên thầy tế lễ. Tuy nhiên, vì thờ bò con vàng (Xuất. 32:1-6), họ đã đánh mất chức tế lễ, và chỉ có chi phái Lê-vi được chọn làm thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời thay thế toàn thể dân Israel vì họ trung tín với Đức Chúa Trời (Xuất. 32:25-29; Phục. 33:8-10). Do đó, giữa Đức Chúa Trời và dân Israel có một tầng lớp trung gian. Điều này trở nên một hệ thống vững mạnh trong Do Thái giáo. Trong Tân Ước, Đức Chúa Trời đã trở về với ý định nguyên thủy của Ngài theo cuộc gia tể của Ngài, trong đó Ngài lập tất cả các tín đồ trong Christ làm thầy tế lễ (1:6; 5:10; 1 Phi. 2:5, 9). Nhưng vào thời kì cuối của Hội thánh đầu tiên, thậm chí trong thế kỉ thứ nhất, đảng Ni-cô-la đã xem vào làm tầng lớp trung gian để hủy hoại cuộc gia tể của Đức Chúa Trời. Theo lịch sử Hội thánh, điều này trở thành một hệ thống được giáo hội Thi-a-ti-rơ chấp nhận và cũng được các giáo hội Sạt-de giữ lại. Ngày nay, trong giáo hội Thi-a-ti-rơ có hệ thống giám mục, trong các giáo hội quốc gia có hệ thống tăng lữ, và trong các giáo hội độc lập, có hệ thống mục sư. Tất cả những điều này là tầng lớp trung gian, hủy hoại chức tế lễ phổ thông của tất cả các tín đồ. Cho nên, có hai tầng lớp khác biệt là giáo phẩm và giáo dân. Nhưng trong nếp sống Hội thánh đúng đắn thì không được có hàng giáo phẩm cũng không được có giáo dân; tất cả tín đồ cần phải làm thầy tế lễ của Đức Chúa Trời. Vì tầng lớp trung gian hủy hoại chức tế lễ phổ thông trong cuộc gia tể của Đức Chúa Trời nên Đức Chúa Trời ghét.
Trong Công vụ các Sứ đồ 6:5, giữa vòng bảy người phục vụ có một người tên Ni-cô-la (Hi Lạp). Trong lịch sử Hội thánh, không có dấu hiệu nào cho thấy Ni-cô-la này là người đầu tiên của đảng Ni-cô-la.
III. NGUỒN GỐC SUY THOÁI CỦA HỘI THÁNH
Dù Hội thánh tại Ê-phê-sô có rất nhiều mĩ đức, nhưng Hội thánh ấy bị suy thoái vì đã lìa bỏ tình yêu ban đầu. Trong câu 4, Chúa phán: “Dù vậy, có điều ta trách con, ấy là con đã bỏ tình yêu ban đầu.” Trong tiếng Hi Lạp, chữ ban đầu cũng được dịch là tốt nhất trong Lu-ca 15:22. Tình yêu ban đầu của chúng ta đối với Chúa phải là tình yêu tốt nhất dành cho Ngài. Hội thánh tại Ê-phê-sô đã lìa bỏ tình yêu tốt nhất ấy đối với Chúa.
Là Thân thể Đấng Christ (Êph. 1:23), Hội thánh là vấn đề sự sống; là người mới (Êph. 2:15), Hội thánh là vấn đề Thân vị của Đấng Christ; và là Cô dâu của Đấng Christ (Gi. 3:29), Hội thánh là vấn đề tình yêu. Bức thư thứ nhất gửi cho người Ê-phê-sô cho biết rằng vì nếp sống Hội thánh, chúng ta cần được làm cho mạnh mẽ trong người bề trong để Đấng Christ có thể lập nhà Ngài trong lòng chúng ta, hầu cho chúng ta sau khi chúng ta được châm rễ và lập nền trong tình yêu thương, có thể biết được tình yêu của Đấng Christ là tình yêu vượt quá sự hiểu biết, đến mức chúng ta được đổ đầy mọi sự đầy đủ của Đức Chúa Trời (Êph. 3:16-19); và điều đó là vì nếp sống Hội thánh hầu cho ân điển ở cùng tất cả những người yêu mến Chúa Jesus (Êph. 6:24). Bây giờ, bức thư thứ hai gửi cho người Ê-phê-sô cho thấy rằng tình trạng suy thoái của Hội thánh bắt đầu với việc họ lìa bỏ tình yêu ban đầu đối với Chúa. Ngoài tình yêu, không điều gì có thể giữ chúng ta ở trong mối liên hệ đúng đắn với Chúa. Hội thánh tại Ê-phê-sô có những công việc tốt, lao khổ vì Chúa, chịu đựng đau khổ và thử nghiệm các sứ đồ giả, nhưng lại lìa bỏ tình yêu ban đầu đối với Chúa. Lìa bỏ tình yêu ban đầu là nguồn gốc của toàn bộ tình trạng suy thoái trong những giai đoạn tiếp theo của Hội thánh.
Trong các Hội thánh địa phương ngày nay, chúng ta phải được cảnh báo về việc có thể đánh mất tình yêu ban đầu dành cho Chúa. Chúng ta có thể công tác và lao khổ vì Chúa, có thể thuần khiết về giáo lí và chính xác về Kinh Thánh, nhưng không có tình yêu ban đầu dành cho Chúa. Có lẽ trong những năm tháng tới đây, chúng ta sẽ không yêu mến Ngài nhiều như bây giờ. Hãy coi chừng điều này. Thà mất một ít công tác còn hơn là không yêu Chúa. Tình yêu của chúng ta dành cho Ngài phải là tình yêu ban đầu. Tất cả chúng ta đều phải nói: “Chúa ơi, con yêu Ngài và con không đánh giá cao sự lao khổ con đã trải qua vì Ngài. Chúa ơi, con yêu Ngài. Nếu việc con lao khổ vì Ngài mà cản trở con yêu mến Ngài thì con sẽ không lao khổ nữa.” Đừng để bất cứ điều gì phân rẽ anh em khỏi tình yêu của Chúa. Chúng ta phải quan tâm đến tình yêu ban đầu và liên tục yêu mến Chúa.
Tôi không bao giờ quên một bài viết ngắn về ông John Nelson Darby. Bài viết ấy cho biết rằng khi về già, ông đi xa và nghỉ đêm tại một khách sạn. Khi sắp đi ngủ, ông đơn sơ cầu nguyện: “Chúa Jesus ơi, con vẫn yêu Ngài.” Một thánh đồ lớn tuổi mà nói ra một lời như vậy thì thật quý báu. John Nelson Darby yêu mến Chúa từ lúc còn trẻ. Hơn 60 năm sau, ông vẫn yêu mến Ngài. Hằng ngày, tất cả chúng ta phải nói với Chúa rằng: “Chúa Jesus ơi, con vẫn yêu Ngài. Chúa ơi, đối với bất cứ điều gì khác con cũng có thể thay đổi, nhưng đối với việc yêu Ngài, con sẽ không bao giờ thay đổi. Ngược lại, con muốn tình yêu của con đối với Ngài luôn luôn gia tăng.” Tôi đã đọc bài viết này về ông Darby hơn 20 năm trước, và tôi không thể nói hết bài viết ấy đã giúp tôi thế nào trong suốt những năm qua.
Chúng ta phải thường xuyên nói: “Chúa Jesus ơi, con vẫn yêu Ngài.” Một khi chúng ta đánh mất tình yêu ban đầu thì tình trạng suy thoái của chúng ta sẽ bắt đầu. Có thể mọi sự vẫn như thế-công tác, lao khổ và những điều khác-nhưng chúng ta suy thoái vì đã lìa bỏ tình yêu ban đầu. Cuối cùng, Hội thánh tại Ê-phê-sô có thêm công việc nhưng bớt đi tình yêu. Ngày nay, tất cả chúng ta phải nói rằng chúng ta muốn thêm tình yêu và bớt công việc. Nếu chúng ta muốn làm việc thì việc làm ấy phải ra từ tình yêu của chúng ta dành cho Chúa. Tình yêu phải là động lực cho mọi điều chúng ta làm cho Chúa. Nếu vì chúng ta yêu Ngài mà không thể làm một điều gì đó thì không nên làm điều đó. Công việc của chúng ta chỉ nên là sự biểu lộ tình yêu đối với Ngài. Chúng ta phải như vậy; nếu không, chúng ta sẽ không được giữ trong hiện diện của Ngài.
IV. HẬU QUẢ TỪ TÌNH TRẠNG SUY THOÁI CỦA HỘI THÁNH
Trong câu 5, chúng ta thấy hậu quả từ tình trạng suy thoái của Hội thánh: “Vậy, hãy nhớ lại con đã sa sút từ đâu, hãy ăn năn và làm lại công việc ban đầu. Bằng chẳng, ta sẽ đến cùng con, cất giá đèn con khỏi chỗ nó, miễn là con ăn năn thì thôi.” Hậu quả từ tình trạng suy thoái của Hội thánh là đánh mất chứng cớ. Đánh mất chứng cớ đơn giản có nghĩa là bị cất đi giá đèn. Nếu từ bỏ tình yêu ban đầu đối với Chúa và không ăn năn, chúng ta sẽ làm mất chứng cớ của Chúa và giá đèn bị cất khỏi chúng ta. Cách đấy nhiều năm, chứng cớ của Hội Anh Em sáng ngời, nhưng ngày nay thì không được như vậy. Chắc chắn là giá đèn đã bị cất khỏi hầu hết những hội chúng của Hội Anh Em. Khi bước vào hội chúng của họ, anh em không cảm nhận sự chiếu sáng nào ở đó. Không có sự sáng thì không có chứng cớ. Chúng ta phải cẩn thận và luôn cảnh giác để tránh hậu quả này. Đừng nghĩ rằng vì chúng ta là các Hội thánh địa phương như những giá đèn và là chứng cớ của Jesus nên chúng ta không thể đánh mất chứng cớ của mình. Ngày chúng ta đánh mất tình yêu ban đầu đối với Chúa chính là ngày chúng ta đánh mất chứng cớ. Vào ngày ấy, giá đèn sẽ bị dời đi.
V. SỰ PHÁT NGÔN CỦA LINH
Phần đầu của 2:7 chép: “Ai có tai hãy nghe điều Linh phán cùng các Hội thánh”. Bắt đầu của mỗi bảy bức thư trong chương 2 và 3, chính Chúa là Đấng phát ngôn (2:1, 8,12, 18; 3:1, 7, 14). Nhưng vào phần cuối của tất cả bảy thư ấy, chính Linh là Đấng phát ngôn với các Hội thánh (2:7, 11, 17, 29; 3:6, 13, 22). Một lần nữa, điều này chứng minh rằng Đấng Christ phát ngôn là Linh. Bất cứ điều gì Đấng Christ phát ngôn thì đó là sự phát ngôn của Linh. Không ai có thể tranh cãi về điểm này. Ai đang phán với Hội thánh tại Ê-phê-sô? Đấng Christ, tức CON NGƯỜI đang nắm giữ các sứ giả trong tay phải của Ngài và đang bước đi giữa các Hội thánh. Như câu 7 cho thấy, cuối cùng Đấng phát ngôn là Linh. Điều này chứng tỏ rằng Đấng Christ là Linh phát ngôn. Điều này không những cho thấy Linh là Chúa và Chúa là Linh mà còn nhấn mạnh đến tầm quan trọng sống còn của Linh trong tình trạng tối tăm do sự suy thoái của Hội thánh gây ra, như được biểu thị bởi Linh tăng cường gấp bảy trong 1:4. Điểm này cũng được nhấn mạnh trong 14:13 và 22:17. Nói rằng Đấng Christ ngày nay không phải là Linh phát ngôn là ngu dại, và tách biệt Linh phát ngôn khỏi Đấng Christ là ngớ ngẩn. Cả hai điều này là một.
Nếu Đấng Christ phát ngôn chỉ là Christ mà không phải là Linh phát ngôn thì Ngài không bao giờ có thể nói lời nào vào trong linh chúng ta, và sự phát ngôn của Ngài không chủ quan và đụng chạm nhiều. Tuy nhiên, như kinh nghiệm của chúng ta làm chứng, nếu khi đọc các bức thư này mà chúng ta mở linh ra cho Ngài thì ngay lập tức Linh sẽ phán điều gì đó của Christ vào trong chúng ta. Vì Đấng phát gôn không phải là Christ khách quan mà là Linh chủ quan nên Ngài không những phán trong văn tự trên giấy trắng mực đen của Kinh Thánh mà còn phán trong linh chúng ta. Một khi chúng ta nghe lời phán của Ngài thì điều đó còn mãi được đem vào trong chúng ta, và không gì có thể lấy đi được. Ngày nay, Đấng Christ của chúng ta là Linh phát ngôn. Tôi vui mừng về sự kiện này và dạn dĩ tuyên bố điều đó.
A. Với các Hội thánh
Một mặt, mỗi bức thư trong bảy bức thư là lời Chúa cho một Hội thánh cụ thể, nhưng mặt khác, đó là lời Linh phán với tất cả các Hội thánh. Mỗi Hội thánh không những phải lưu ý đến bức thư được viết cụ thể cho mình mà còn phải lưu ý đến tất cả các bức thư được viết cho Hội thánh khác. Điều này hàm ý rằng, là chứng cớ của Chúa trong Linh, tất cả các Hội thánh nên giống nhau. Vì ngày nay Linh đang phát ngôn với các Hội thánh nên chúng ta phải ở trong các Hội thánh để có vị trí đúng đắn mà nghe lời Linh phán. Chúng ta có thể nghe lời Linh phát ngôn bằng cách nào khác nữa không?
Linh đang phát ngôn với các Hội thánh chứ không phát ngôn với bất cứ tôn giáo, giáo phái hay nhóm Cơ Đốc nhân tìm kiếm nào. Đây là lí do vì sao không nhiều Cơ Đốc nhân có thể nghe Linh phát ngôn. Thậm chí Linh không phát ngôn với chỉ một Hội thánh mà còn với các Hội thánh. Dù một số người cho rằng các Hội thánh muốn mang tính độc đáo, nhưng chúng ta không nên là một Hội thánh độc đáo hay đặc biệt. Nếu như vậy, chúng ta sẽ đánh mất sự phát ngôn của Linh vì Linh đang phát ngôn với các Hội thánh. Trong bảy bức thư, không có bức thư nào mà Linh chỉ phát ngôn với một Hội thánh cụ thể. Tất cả các Hội thánh đều cần phải bình thường, không độc đáo. Trong những năm qua, tôi từng nghe nhiều người nói rằng mỗi Hội thánh phải đặc biệt. Những người có quan niệm ấy nói mỗi Hội thánh  phải có nét độc đáo của địa phương mình. Dù ý tưởng ấy có vẻ hấp dẫn, nhưng thật ra điều đó rất kinh tỏm. Biến Hội thánh địa phương của anh em trở nên độc đáo chính là tự phân rẽ mình khỏi tất cả những Hội thánh khác. Nếu làm như vậy anh em không còn nghe được sự phát ngôn của Linh. Điều nào tốt hơn – độc đáo hay bình thường? Tuy anh em có thể nói bình thường tốt hơn nhưng sự thật là ai cũng thích độc đáo. Trong thâm tâm, anh em muốn Hội thánh tại địa phương của mình thật tâm, anh em muốn Hội thánh tại địa phương của mình thật độc đáo. Tuy nhiên, trong các Hội thánh địa phương, đừng cố gắng trở nên độc đáo. Tất cả chúng ta đều phải bình thường vì Linh phát ngôn với các Hội thánh, không phát ngôn với bất cứ Hội thánh độc đáo nào. Khi ở trong Hội thánh và ở giữa các Hội thánh, chúng ta có vị trí đúng đắn và góc độ đúng đắn để nghe Linh phát ngôn.
B. Cần có tai đúng để nghe
Trong những điều thuộc linh, việc thấy tùy thuộc vào việc nghe. Người viết sách này trước hết nghe tiếng nói (1:10) rồi sau đó mới thấy khải tượng (1:12). Nếu nặng tai và không thể nghe, chúng ta không thể thấy (Ê. 6:9-10).  Người Do Thái không nghe lời Chúa nên họ không thể thấy điều Chúa làm (Mat. 13:15; Công. 28:27). Chúa luôn muốn mở tai chúng ta để nghe tiếng nói của Ngài (Gióp 33:14-16; Ês. 50:4-5; Xuất. 21:6) hầu chúng ta có thể nhìn thấy nhiều điều theo cuộc gia tể Ngài. Tai nặng cần được cắt bì (Giê. 6:10; Công. 7:51). Tai của tội nhân cần được rửa sạch bằng huyết cứu chuộc và cần được xức bằng Linh (Lê.14:14, 17, 28). Phụng sự Chúa như thầy tế lễ cũng đòi hỏi tai chúng ta được rửa sạch bằng huyết cứu chuộc (Xuất. 29:20; Lê. 8:23-24). Trong sách này, khi Linh phát ngôn với các Hội thánh thì tất cả chúng ta đều cần có tai mở, chịu cắt bì, được rửa sạch và được xức dầu để nghe lời Linh phán.
Dù góc độ và vị trí của chúng ta có thể đúng nhưng chúng ta vẫn chưa có tai đúng để nghe. Chương 1 nhấn mạnh đến thấy, còn chương 2 và 3 nhấn mạnh đến nghe. Chúng ta vừa cần thấy vừa cần nghe. Trong các giác quan của chúng ta, thấy quan trọng hơn hay nghe quan trọng hơn? Giả sử, anh em được chọn hoặc mất thị giác hoặc mất thính giác, anh em sẽ chọn điều nào? Chúng ta có thể nói rằng thấy quan trọng hơn nghe, nhưng nghe thì sâu xa hơn thấy. Do đó, chúng ta phải thưa với  Chúa rằng: “Chúa ơi! Con vừa cần thấy vừa cần nghe. Chúa ơi, xin thương xót con, xin ban cho con mắt để thấy và tai để nghe”. Có thể chúng ta phải tranh đấu với Chúa, nói với Ngài rằng chúng ta phải có cả khả năng thấy và nghe.
Nghe thì thân mật hơn thấy. Những người bạn thân nhất của chúng ta sẽ chuyện trò thân mật với chúng ta. Nếu mất thính giác, anh em sẽ không thể vui hưởng những giờ phút thân mật với những người thân yêu. Trong chương 1, Giăng thấy; trong chương 2 và 3, ông nghe. Chúng ta cần thấy nếp sống Hội thánh. Thấy Hội thánh là một điều còn nghe nội dung thân mật về nếp sống Hội thánh là một điều khác. Dù nhiều người trong chúng ta đã thấy Hội thánh, nhưng không bao nhiêu người nghe được nội dung thân mật về nếp sống Hội thánh. Vì thế, chúng ta cần có tai để nghe. “Ai có tai, hãy nghe điều Linh phán cùng các Hội thánh”.
VI. LỜI HỨA CHO NHỮNG NGƯỜI ĐẮC THẮNG –
ĂN CÂY SỰ SỐNG
Bây giờ, chúng ta đến với lời hứa cho người đắc thằng: “Kẻ đắc thắng, Ta sẽ cho ăn trái cây sự sống ở trong Pa-ra-đi của Đức Chúa Trời” (c. 7). Trong bảy bức thư này, đắc thắng có nghĩa là đắc thắng tình trạng suy thoái của các Hội thánh. Trong bảy thư này, đắc thắng có nghĩa là phục hồi tình yêu ban đầu đối với Chúa và ghét công việc của đảng Ni-cô-la, tức hệ thống phẩm trật mà Chúa ghét.
Trong 2:7, Chúa phán rằng Ngài sẽ cho những người đắc thắng ăn cây sự sống. Tôn giáo luôn dạy dỗ, còn Chúa thì nuôi dưỡng (Gi. 6:35). Sứ đồ Phao-lô cũng vậy, ông nuôi dưỡng các tín đồ (1 Cô. 3:2). Vì nếp sống Hội thánh đúng đắn , vì sự lớn lên đúng đắn trong đời sống Cơ Đốc, điều chúng ta cần không chỉ là hiểu giáo lí trong tâm trí mà còn phải ăn Chúa là bánh sự sống trong linh mình (Gi. 6:57). Ngay cả lời trong Kinh Thánh cũng không nên xem là những giáo lí suông để dạy dỗ tâm trí mà phải được xem là thức ăn để nuôi dưỡng linh chúng ta (Mat. 4:4; Hê. 5:12-14). Trong bức thư này, Chúa hứa cho người đắc thắng “ăn cây sự sống”. Điều này nhắc lại Sáng Thế Kí 2:8-9 và 16 về vấn đề ăn mà Đức Chúa Trời đã ấn định. Trong bức thư gửi cho Hội thánh tại Bẹt-găm, Chúa hứa cho người đắc thắng ăn “ma-na giấu kín” (2:17), chỉ về việc dân Israel ăn ma-na trong hoang mạc (Xuất. 16:14-16, 31). Về trong bức thư gửi cho Hội thánh tại Lao-đi-xê, Chúa hứa ăn bữa tối với người mở ra cho Ngài (3:20). Ăn bữa tối không chỉ là ăn một món mà là ăn những điều phong phú của một bữa ăn. Điều này có thể chỉ về việc dân Israel ăn sản phẩm phong phú của miền đất tươi tốt Ca-na-an (Giô suê. 5:10-12). Điều này cho thấy rằng Chúa muốn khôi phục việc dân Đức Chúa Trời ăn thức ăn đúng đắn như được Đức Chúa Trời chỉ định và được hình bóng bởi cây sự sống, bởi ma-na và bởi sản phẩm của miền đất tươi tốt; tất cả những điều ấy đều là hình bóng về những phương tiện khác nhau của Đấng Christ là thức ăn cho chúng ta. Sự suy thoái của Hội thánh làm cho dân Đức Chúa Trời xao nhãng việc ăn Christ là thức ăn của họ mà chú ý đến sự dạy dỗ giáo lí để có tri thức. Trong sự suy thoái của Hội thánh có sự dạy dỗ của Ba-la-am (2:14), sự dạy dỗ của đảng Ni-cô-la (2:15), sự dạy dỗ của Giê-sa-bên (2:20), sự dạy dỗ về những điều sâu nhiệm của Sa-tan (2:24). Bây giờ, trong các bức thư này, Chúa đến phục hồi việc ăn chính Ngài là sự cung ứng thức ăn của chúng ta. Chúng ta không những phải ăn Ngài là cây sự sống và ma-na giấu kín mà còn phải ăn Ngài là một bữa ăn đầy dẫy những điều phong phú của Ngài.
Chữ cây ở đây cũng như trong 1 Phi-e-rơ 2:24, là cây gỗ (xulon=wood) trong tiếng Hi Lạp, chứ không phải chữ thường được dùng để chỉ về cây cối. Trong Kinh Thánh, “cây sự sống” luôn chỉ về Đấng Christ là hiện thân của tất cả những điều phong phú của Đức Chúa Trời (Côl. 2:9) để làm thức ăn cho chúng ta (Sáng. 2:9; 3:22, 24; Khải. 22:2, 14, 19). Ở đây, từ ngữ này chỉ về Đấng Christ chịu đóng đinh (được ngụ ý trong từ cây là cây gỗ - 1 Phi. 2:24) và được phục sinh (được ngụ ý trong từ sự sống zoe – Giăng. 11:25), là Đấng đang ở trong Hội thánh ngày nay, được tổng kết trong Giê-ru-sa-lem Mới, trong đó Đấng Christ chịu đóng đinh và phục sinh sẽ là cây sự sống để tất cả dân được chuộc của Đức Chúa Trời vui hưởng cho đến đời đời (22:2, 14).
Ý định nguyên thủy của Đức Chúa Trời là con người phải ăn cây sự sống (Sáng. 2:9, 16). Do con người sa ngã, cây sự sống bị đóng lại với họ (Sáng. 3:22-24). Qua sự cứu chuộc của Đấng Christ, con đường để chạm đến cây sự sống là chính Đức Chúa Trời trong Đấng Christ là sự sống cho con người, lại được mở ra (Hê. 10:19-20). Nhưng trong Hội thánh suy thoái, tôn giáo đã len lỏi vào cùng với kiến thức của nó để làm tín đồ trong Christ quên lãng việc ăn Ngài là cây sự sống. Vì thế, Chúa hứa thưởng cho những người đắc thắng ăn Ngài là cây sự sống trong Pa-ra-đi của Đức Chúa Trời. Đây là một sự khích lệ để họ từ bỏ kiến thức tôn giáo mà trở lại vui hưởng chính Ngài. Lời hứa nàu của Chúa đem Hội thánh trở về với ý định nguyên thủy của Đức Chúa Trời theo cuộc gia tể của Ngài. Điều Chúa muốn những người đắc thắng thực hiện chính là điều mà toàn thể Hội thánh cần phải thực hiện trong cuộc gia tể của Đức Chúa Trời. Vì Hội thánh suy thoái nên Chúa đến kêu gọi những người đắc thắng thay thế Hội thánh để hoàn tất cuộc gia tể của Đức Chúa Trời.
Ăn cây sự sống không những là ý định nguyên thủy của Đức Chúa Trời cho con người mà còn là kết quả chung cuộc đời đời của sự cứu chuộc của Đức Chúa Trời. Tất cả những người được Ngài cứu chuộc rồi sẽ vui hưởng cây sự sống là Đấng Christ với toàn bộ những điều phong phú thần thượng làm cơ nghiệp của họ cho đến đời đời (22:2, 14, 19). Vì tôn giáo gây nên xao nhãng và Hội thánh bị suy thoái nên trong sự khôn ngoan của Ngài, Chúa đã làm cho việc vui hưởng chính Ngài trong vương quốc sắp đến trở thánh phần thưởng để khích lệ tín đồ của Ngài đắc thắng kiến thức gây sao nhãng của các sự dạy dỗ tôn giáo mà quay về vui hưởng chính Ngài là sự cung ứng sự sống trong Hội thánh ngày nay hầu hoàn tất cuộc gia tể của Đức Chúa Trời.
A. Trong Pa-ra-đi của Đức Chúa Trời
Như chúng ta đã thấy, lời hứa cho những người đắc thắng trong Hội thánh tại Ê-phê-sô là ăn cây sự sống. Cây sự sống ở trong Pa-ra-đi của Đức Chúa Trời. Nếu biết Kinh Thánh, chúng ta sẽ nhận biết rằng Pa-ra-đi của Đức Chúa Trời trong 2:7 không phải là vươn Ê-đen mà là Giê-ru-sa-lem Mới sắp đến. Pa-ra-đi trong Lu-ca 23:43 là chỗ nghỉ ngơi và thoải mái, nới Áp-ra-ham và tất cả các thánh đồ đã chết đang ở (Lu. 16:23-26). Tuy nhiên, như chúng tôi đã chỉ ra, “Pa-ra-đi của Đức Chúa Trời” trong câu này là Giê-ru-sa-lem Mới (3:12; 21:2, 10; 22:1-2, 14, 19) mà Hội thánh ngày nay là tiền vị của nơi này. A-đam từng ở trong vườn Ê-đen, còn Áp-ra-ham và tất cả các thánh đồ đã chết đang ở trong Pa-ra-đi. Chúng ta đang chờ đợi bước vào một Pa-ra-đi khác là Pa-ra-đi của Đức Chúa Trời trong Giê-ru-sa-lem Mới. Đang khi chờ đợi điều ấy, ngày nay chúng ta có Giê-ru-sa-lem Mới  thu nhỏ là nếp sống Hội thánh. Trong Hội thánh, chúng ta vui hưởng Chúa Jesus là cây sự sống. Chúng ta đang vui hưởng Đấng Christ chịu đóng đinh và phục sinh là cây sự sống, nguồn cung ứng thức ăn trong linh chúng ta, làm tiền vị trong Hội thánh ngày nay. Vui hưởng tiền vị như vậy sẽ đưa chúng ta vào sự nếm biết trọn vẹn về Đấng Christ chịu đóng đinh và phục sinh là cây sự sống, tức sự sống nuôi dưỡng chúng ta trong Giê-ru-sa-lem Mới cho đến đời đời. Lời hứa cho những người đắc thắng tại Ê-phê-sô ăn cây sự sống hàm ý rằng họ sẽ ăn Christ trong nếp sống Hội thánh ngày nay và ăn Ngài là cây sự sống trong Giê-ru-sa-lem Mới cho đến đời đời. Kinh nghiệm của chúng ta xác thực điều này.
Nói cách chính xác, “ăn cây sự sống… trong Pa-ra-đi của Đức Chúa Trời” trong câu Kinh Thánh này chỉ về việc vui hưởng Đấng Christ cách đặc biệt, là nguồn cung ứng sự sống của chúng ta trong Giê-ru-sa-lem Mới trong vương quốc thiên hi niên sắp đến, vì đây là lời Chúa hứa ban thưởng cho những người đắc thắng của Ngài. Vui hưởng Christ là cây sự sống trong Giê-ru-sa-lem Mới, trong trời mới và đất mới, sẽ là phần hưởng chung của tất cả những người được Đức Chúa Trời cứu chuộc, trong khi sự vui hưởng đặc biệt về Ngài là cây sự sống trong Giê-ru-sa-lem Mới trong vương quốc một ngàn năm sắp đến, sẽ là phần thưởng dành riêng cho các tín đồ đắc thắng. Nếu đắc thắng tất cả những điều làm chúng ta lệnh lạc trong tình trạng suy thoái của Hội thánh mà vui hưởng Christ là cây sự sống trong Hội thánh ngày nay, chúng ta hẳn sẽ được thưởng. Bằng không, chúng ta sẽ mất sự vui hưởng đặc biệt nay trong vương quốc sắp đến, dù chúng ta vẫn sẽ vui hưởng Ngài là cây sự sống trong Giê-ru-sa-lem Mới trong trời mới đất mới cho đến đời đời. Tất cả những lời hứa của Chúa về phần thưởng và tất cả những lời báo trước của Ngài về sự mất mát ở cuối mỗi bảy bức thư đều liên quan đến cách Ngài đối xử với các tín đồ của Ngài trong vương quốc thiên hi niên sắp đến. Những lời hứa này không liên hệ gì đến định mệnh đời đời – sự cứu rỗi đời đời hay sự hư mất đời đời.
B. Trở về với ban đầu
Vấn đề ăn cây sự sống đem chúng ta trở về với ban đầu (Sáng. 2:9, 16) vì ban đầu có cây sự sống. Cây sự sống luôn đem chúng ta trở về ban đầu vì ban đầu không có gì ngoài chính Đức Chúa Trời. Không có công việc, lao khổ, nhẫn nại hay điều gì khác mà chỉ có chính Đức Chúa Trời. Trong nếp sống Hội thánh, chúng ta cần liên tục trở về với ban đầu, quên đi tất cả những điều khác mà vui hưởng chính Đức Chúa Trời là cây sự sống.
C. Vui hưởng Christ là nguồn cung ứng sự sống
Khi trở về với ban đầu là nơi có cây sự sống, chúng ta vui hưởng Christ là nguồn cung ứng sự sống của chúng ta, cần phải là vấn đề quan trọng hàng đầu trong nếp sống Hội thánh. Nội dung của nếp sống Hội thánh tùy thuộc vào việc vui hưởng Christ. Chúng ta càng vui hưởng Ngài, nội dung ấy sẽ càng phong phú. Nhưng vui hưởng Christ đòi hỏi chúng ta phải yêu Ngài bằng tình yêu ban đầu. Nếu từ bỏ tình yêu ban đầu đối vói Chúa, chúng ta sẽ không vui hưởng được Đấng Christ và mất đi chứng cớ của Jesus; do đó, giá đèn sẽ bị dời khỏi chúng ta. Yêu Chúa, vui hưởng Chúa và làm chứng cớ của Chúa đi chung với nhau.
Nếu muốn được đem trở về với ban đầu, chúng ta cần phải quên đi mọi sự mà đơn sơ vui hưởng Christ là nguồn cung ứng sự sống. Để được như vậy, chúng ta phải yêu Ngài trên mọi sự, trên tất cả công tác cho Ngài và bất cứ điều gì chúng ta có cho Ngài. Bởi đơn sơ yêu Ngài, chúng ta sẽ được đem trở lại với ban đầu là nơi chúng ta không quan tâm đến điều gì ngoài chính Đức Chúa Trời là nguồn cung ứng sự sống của chúng ta trong cây sự sống. Đây là cách đúng đắn để duy trì nếp sống Hội thánh và được gìn giữ trong nếp sống Hội thánh. Ở đây, chúng ta có tình yêu tốt nhất, cây sự sống Hội thánh. Ở đây, chúng ta có tình yêu tốt nhất, cây sự sống làm nguồn cung ứng sự sống, và giá đèn với ngọn đèn tỏa sáng. Thật tuyệt diệu! Càng yêu Ngài, chúng ta càng có quyền ăn Ngài và vui hưởng Ngài là cây sự sống. Rồi kết quả của điều ấy là ánh sách của chứng cớ Ngài sẽ tỏa ra cách rực rỡ.
Còn nữa--