Thứ Tư, 31 tháng 10, 2018

TÍNH CÁCH VÀ SỰ HẦU VIỆC CỦA TÍN ĐỒ-




   Vào khoảng năm 60 S.C., Phao lô viết thơ cho hội thánh Rô ma, trong đó ông biểu dương những thánh đồ tại La mã, đã khó nhọc hầu việc Chúa. Ông nói, “Chào thăm Ma-ri, là người có nhiều lao khổ với anh em. Chào thăm Try-phe-nơ và Try-phô-sơ, là kẻ chịu lao khổ trong Chúa. Chào thăm Bẹt-si-đơ, người yêu dấu và đã chịu nhiều khó nhọc trong Chúa” (Rô 16: 6, 12). Dường như ông có vẻ chú ý sự hầu việc Chúa thật nhiều của tín đồ.  Phao lô nhờ Tẹt tiu viết thơ Rô-ma nầy tại thành phố Cô rinh-tô, nên ông cũng nhấn mạnh công việc hầu việc Chúa của tín đồ cho hội thánh Cô-rinh-tô  (khoảng năm 59 S.C) như sau: “Bởi vậy, anh em yêu-dấu của tôi ơi, hãy kiên-trì, không dời đổi, luôn luôn phong-phú trong việc làm của Chúa, biết rằng công khó của anh em không vô-ích trong Chúa” (15:58).


   Khoảng 7 năm sau đó, khi Phao lô ở tù lần thứ hai, và sắp bị hành quyết, ông không còn cổ vũ sự hầu việc Chúa dư dật của tín nhân, nhưng vạch trần hạng loại người của các tín đồ đương thời trong thơ cuối cùng gởi cho Ti-mô-thê, “Nhưng hãy ý-thức điều này, rằng trong các ngày cuối-cùng, các thời-kỳ khó-khăn sẽ đến. Vì người ta sẽ là những kẻ yêu bản thân mình, những kẻ yêu tiền, khoe-khoang, kiêu-căng, những kẻ chửi rủa, không tuân-phục cha mẹ, vô ơn, không thánh, không thương-yêu, không có thể hòa-giải, những kẻ đồn miệng độc địa, không tự-chủ, tàn-bạo, không thích điều thiện, phản bội, ẩu-tả, tự-phụ, những kẻ ưa-thích vui chơi hơn là những kẻ thương-yêu của Đức Chúa TRỜI”.

   Trong 2 Ti mô thê 3 ở đây, Phao lô liệt kê ra 19 danh từ số nhiều minh họa 19 loại tính cách tín nhân. Chỉ có bản dịch TKTC trên đây dịch được một số danh từ, còn tất cả các bản dịch Việt văn khác đều dịch sai lầm thành 19 tính từ (adjectives), thật đáng tiếc!. Phao lô quan tâm đến tính cách của tín nhân hơn nhấn mạnh sự hầu việc của họ như trước kia. Bạn có thấy 19 loại tín nhân đó trong hội thánh hôm nay không? Loại tín nhân “những kẻ thương yêu Đức Chúa Trời” là một loại tín nhân thiểu số,  cô đơn, lạc lõng giữa 18 loại tín nhân tiêu cực, như những kẻ ái kỉ, những kẻ ham tiền, những kẻ vênh vang. Đa số tín đồ có tính cách tiêu cực sinh sống lan tràn và chiếm lĩnh mọi ngỏ ngách, mọi lãnh vực trong hội chúng của Đức Chúa Trời hôm nay.

   Tôi ngưỡng mộ John Bunyan tác giả bộ truyện ngụ ngôn Cơ Đốc The Pilgrim's Progress (Thiên lộ lịch trình) hồi thế kỉ 17, trong đó thiên tài của ông bộc lộ khi ông đặt tên cho những nhân vật trong tác phẩm của ông bằng những tính cách tiêu cực và tích cực của tín đồ. Bạn đồng hành của Cơ Đốc nhân là Trung Tín, và Hi Vọng, còn bạn của Christiana (vợ Cơ Đốc nhân) là Thương Xót. Mục tử của họ tên là Đại Tâm (Greatheart). Giáo sư giả cổ động vâng giữ luật pháp Cựu ước là Trần Thế Khôn (Worldly Wiseman). Những tín nhân tích cực là : Goodwill (Thiên Tâm), Stand-fast-for-truth) Đứng Vững Cho Lẽ Thật. Những tín đồ tiêu cực là Pliant (Ba Phải), Osbtinate (ngoan Cố), Timorous (Sợ Sệt) Mistrust (Ngờ Vực). Chúng ta thường bị những tên tuổi bề ngoài của tín đồ ngày nay ám ảnh, như những người có tên Vinh Quang, Vĩnh Sinh, Minh Quân, Thế Quyền, …mà không nhìn ra tính cách bên trong của họ, lắm khi  chỉ là Trần Thế Khôn, Tham Lam, Ba Phải, Đố Kị, Bất Kỉnh…v..v

 Ông John Wesley, sáng lập viên hội Giám lí đã giảng chừng 40 ngàn bài trong cuộc đời của mình. Giáo sư một hệ phái kia giảng dạy và người ta ghi lại chừng 450 đầu đề sách bồi linh. Một tôi tớ Chúa, nông dân chưn đất, có học lực cở lớp ba trường làng  khoe với tôi là ông rao giảng và lập được 25 điểm nhóm trong hai huyện của mình. Một người khác làm chứng rằng anh đã giảng và chinh phục được một muôn người dân tộc tiếp nhận Chúa. Tôi cúi đầu xấu hỗ và nhận thua những người tôi tớ dày công khó nhọc nầy của Chúa.

   Chúa cũng cho phép tôi gặp một số đồng công háo danh ôm đồm và bao sân hầu hết công việc hệ trọng trong hệ phái mình. Ông còn cấm vận, và ngăn chặn sự hầu việc của nhiều người khác. Hiện tượng đó giống như trò múa rối, mà toàn thân con rối bất động, chỉ có một bàn tay của nó vận hành hết công suất. Có lời chép về một tôi tớ trung tín, siêng năng của Chúa như sau: “Giô-sa-phát ngày càng cường thịnh. Vua xây cất các chiến lũy và các thành phố dùng làm kho tàng trong đất nước Giu-đa.Vua phát động nhiều dự án trong các thành phố Giu-đa  (2 Sử kí 17:12-13 BHĐ). Danh từ “dự án”  được bản ASV dịch là : many works.- nhiều việc làm. Theo sự đánh giá phiến diện của chúng ta, Giô sa phát là một tôi tớ thành công của Chúa. Ông đã làm quá nhiều công việc hầu việc Ngài, vượt trên nhiều vua chúa khác. Tín đồ quá sức chú ý công việc mà bất chấp tính cách của người hầu việc Chúa.

   Nhưng sự thật thì trái ngược, khi xét xử tín đồ tại tòa án của mình, Chúa Jesus đánh giá về tính cách của tôi tớ Ngài trước hết, dù Ngài không hề quên công khó của họ, cho dù đó là nghĩa cử một chén nước lạnh. Trước hết Chúa nói, “Đầy tớ lương thiện trung tín kia ơi, tốt lắm” – và “Ớ đầy tớ gian ác và biếng nhác kia!”. Chúa nhìn thấy những tính cách lương thiện và trung tín, hay gian ác và biếng nhác của dân Ngài. Hầu việc Chúa do lòng lương thiện, trung tín được ban thưởng. Kẻ gian ác, lười biếng, chưa biến đổi, cho dù có làm được rất nhiều việc như đuổi quỷ, chữa bệnh… cũng bị Chúa tuyên án là bất pháp, là gian ác (Mathio 7:21-23).
Trước khi tin Chúa, thiên tánh chúng ta là gian ác, giả dối, sau nhiều năm vẫn không thay đổi thành người lương thiện, trung tín thuộc linh, thì sự hầu việc Chúa bằng tính khí cũ kĩ đó, - dù có dời núi, lấp biển, bỏ thân mình chịu đốt đi nữa--làm sao Chúa phê duyệt được chứ?

   Chúa phán: “lương thiện” và “gian ác” là Ngài xét xử về tính cách con người, Chúa phán “trung tín” và “lười biếng” là Ngài xét xử về công việc của người. Đánh đập bạn đồng công, tham nhũng (Lu ca 16), chủ trị tín đồ đều là tội lỗi trong công việc Chúa. Những lỗi lầm đó phát xuất từ người đầy tớ có tính cách gian ác mà ra.
Ân tứ là tài năng, là trang bị bên ngoài mà Chúa ban cho một người. Điều đó gồm tuổi thọ, tiền bạc, sức khỏe, năng khiếu. Đầy tớ lương thiện hay gian ác đều có thể được Chúa ban cho và sử dụng những ân tứ đó, nhưng thành quả người gian ác không được Chúa phê duyệt.

   Ân tứ được ban cho theo cách phép màu, nhưng tính cách là sự cấu tạo của Đức Thánh Linh, sự thành hình của Đấng Christ trong hồn con người sau một quá trình mấy mươi năm thử thách.
Dưới ánh sáng thần thượng từ Lời Kinh thánh, chúng ta cũng có thể thấy được mình là người lương thiện hay gian ác. Thật là đau đớn và xấu hỗ biết bao nếu ngày kia trước mặt các thiên sứ và toàn thể dân Chúa từ các đời, Chúa xếp chúng ta vào hạng loại là người ái kỉ, người ham tiền, người lường thầy, người phản hạn…. Tôi tin rằng Chúa sẽ nêu tên 18 loại người có 18 loại tính cách trên, còn những người có tính cách yêu mến Đức Chúa Trời được xướng danh ban thưởng thì rất ít.
Phương ngôn Cơ Đốc người ta thường nói là: “Chúng ta là gì quan trọng hơn chúng ta làm gì”. Lời đó rất hay, nhưng mấy ai kinh nghiệm nổi? Bạn là loại người có tính cách nào trong ngày ấy?
Minh Khải 31-10-2018