Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

VỰC GỌI VỰC



Kinh Thánh: Thi 42:7; Mác 4:5-6; Ê-sai
39:1-6; 2 Côr. 12:1-4; Công 5:1-5

Thi-thiên 42:7 chép: "Vực gọi vực". Chỉ có tiếng gọi từ nơi sâu thẳm mới khơi dậy sự đáp ứng từ nơi sâu thẳm. Không một điều gì nông cạn có thể chạm được nơi sâu thẳm, không một điều gì hời hợt bề ngoài có thể chạm đến những phần bên trong. Chỉ có vực mới trả lời cho vực. Bất cứ điều gì không ra từ nơi sâu thẳm không thể chạm đến nơi sâu thẳm. Những người khác chỉ đáp ứng từ nơi sâu thẳm của họ đối với những gì phát xuất từ nơi sâu thẳm bên trong chúng ta. Khi
chúng ta đến một nơi nào đó và nghe giảng, điều duy nhất chạm đến chúng ta là những gì đã phát xuất từ nơi sâu thẳm của người khác. Nếu không có gì ra từ nơi sâu thẳm, chúng ta chỉ nhận được những sự giúp đỡ hời hợt mà thôi. Chúng ta phải thấy tầm quan trọng của nơi sâu thẳm. Bất cứ điều gì không ra từ nơi sâu thẳm sẽ không bao giờ đụng đến nơi sâu thẳm của người khác. Nếu chúng ta chưa bao giờ nhận được sự giúp đỡ hay lợi ích trong nơi sâu thẳm của mình, chúng ta sẽ không bao giờ có điều gì phát xuất từ nơi sâu thẳm của mình. Nếu muốn giúp đỡ người khác về mặt thuộc linh, một điều gì đó phải phát xuất từ nơi sâu thẳm của chúng ta. Nếu không đào sâu, chúng ta không bao giờ chinh phục được người khác. Nếu những gì chúng ta nói không phát xuất từ nơi sâu thẳm của mình, chúng ta sẽ không đụng chạm được nơi sâu thẳm của người khác, dầu trong một lúc chúng ta chinh phục được cảm xúc và tư tưởng của họ, làm cho họ khóc lóc hay vui mừng, hoặc phấn khởi. Chỉ có vực mới gọi vực. Những sự biểu lộ cạn cợt sẽ không đụng chạm được nơi sâu thẳm của người khác.

RỄ SÂU

Một nguyên tắc trong sự giảng dạy và nhận lãnh lời [Đức Chúa Trời] được tìm thấy trong ẩn dụ của Chúa về người gieo giống. Trong khi người gieo đi ra gieo giống, một số hạt giống rơi bên đường, một số rơi nhằm nơi có đá, một số rơi vào bụi gai, và một số rơi vào nơi đất tốt. Điều này cho thấy người ta tiếp nhận lời theo bốn cách. Chúa Giê-su cho chúng ta biết trong bốn tình trạng này, một tình trạng là nơi có nhiều đá, chỉ có một chút đất trên mặt, nhưng bên dưới có đá. Khi hạt giống rơi xuống loại đất này, nó mọc lên nhanh chóng, nhưng ngay khi mặt trời mọc lên, cây lúa héo vì thiếu rễ.

Rễ là gì? Rễ là sự phát triển diễn ra dưới mặt đất. Lá là gì? Lá là sự phát triển diễn ra trên mặt đất. Nói cách khác, rễ là sự sống ẩn giấu, trong khi lá là sự sống bày  tỏ  ra.  Nan  đề  đối  với  nhiều Cơ-đốc nhân là họ có nhiều sự sống bày tỏ ra, nhưng lại có rất ít sự sống ẩn giấu. Nói cách khác, họ thiếu sự sống ẩn giấu. Anh em đã là Cơ-đốc nhân nhiều năm rồi phải không? Vậy, tôi xin hỏi: Có bao nhiêu phần của sự sống anh em được giấu kín mà người khác không nhìn thấy? Có bao nhiêu phần người khác không biết? Anh em nhấn mạnh đến công việc bên ngoài. Vâng, những công việc tốt lành là quan trọng, nhưng ngoài những gì sự sống của anh em biểu lộ rõ ràng, có bao nhiêu phần của sự sống ấy được giấu kín? Nếu mọi điều thuộc linh của anh em đều bộc lộ ra, anh em không có rễ gì cả. Có phải tất cả những mỹ đức của anh em trước mặt Đức Chúa Trời đều được bày tỏ ra trước mặt loài người không? Hay có một phần nào nữa mà người ta không biết? Nếu tất cả những kinh nghiệm của anh em đều được bày tỏ ra, thì mọi sự tăng trưởng của anh em đều hướng ngoại, không có sự tăng trưởng theo chiều sâu. Nếu vậy, anh em là người chỉ có lá mà không có rễ, và anh em đang ở trên mảnh đất cạn cợt.
Trong đời sống Cơ-đốc nhân, chúng ta cần học ý nghĩa của Thân Thể Đấng Christ, chúng ta phải học tập có sự sống của Thân Thể. Mặt khác, chúng ta cần học biết rằng sự sống Chúa ban cho mỗi chi thể trong Thân Thể Ngài rõ ràng có tính cách riêng biệt cá nhân. Mức lượng Ngài ban cho bản thân anh em cần được bảo vệ, nếu không, nó sẽ mất tính chất riêng biệt và không có công dụng riêng cho Đức Chúa Trời. Nếu điều đã được đặc biệt phó thác cho anh em bị phơi bày ra, nó sẽ khô héo.

Bài giảng trên Núi của Chúa Giê-su đáng lưu ý hơn hết. Một mặt, Ngài nói: "Các ngươi là sự sáng của thế gian. Thành phố nào lập trên núi thì không thể bị che khuất được" (Math. 5:14). Sự sáng ấy được bày tỏ ra. Mặt khác, Ngài nói: "Khi ngươi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, hầu cho việc bố thí của ngươi được ẩn mật,... khi cầu nguyện, hãy vào phòng riêng, đóng cửa lại rồi cầu nguyện với Cha ngươi là Đấng ở nơi ẩn mật" (Math. 6:3-4,6). Một mặt, nếu là Cơ-đốc nhân, anh em phải công khai bày tỏ điều đó nơi công cộng, mặt khác, có những mỹ đức của Cơ-đốc nhân mà anh em nên gìn giữ đừng để những người ở nơi công cộng nhìn thấy mình. Cơ-đốc nhân phô trương tất cả những mỹ đức của mình trước mặt người ta và không có gì trong nơi sâu thẳm của bản thể mình là người không có rễ, người ấy không thể đứng nổi trong ngày thử thách và cám dỗ. Chúng ta đã làm con cái Chúa nhiều năm rồi, nguyện Chúa mở mắt và bày tỏ cho chúng ta thấy kinh nghiệm của mình đã được giấu khỏi cái nhìn của đám đông đến mức độ nào. Nếu những gì được người ta biết bị lấy đi mất thì sẽ còn lại được bao nhiêu? Nguyện Đức Chúa Trời hành động trong chúng ta để chúng ta có thể đâm rễ sâu xa.

NHỮNG KINH NGHIỆM SÂU XA

Khi viết cho người Cô-rin-tô, Phao-lô nói: "Tôi cần phải khoe khoang, dầu chẳng có ích gì" (2 Côr. 12:1). Ông thừa nhận rằng "chẳng có ích gì" cho chính mình khi ông viết những gì đã chép trong 2Cô-rin-tô chương 12. Nhưng vì người khác, ông phải làm như vậy, ông bị bắt buộc phải nói về "các khải tượng và khải thị của Chúa". Anh chị em ơi, chúng ta cũng nên có thái độ này. Nhiều người trong chúng ta không thể chịu nổi sự thử nghiệm của các khải tượng và khải thị; ngay khi có một chút kinh nghiệm, chúng ta liền thổi kèn loan báo, và ai cũng biết về điều đó. Phao-lô biết rằng chẳng ích lợi gì khi chính ông đề cập đến những khải tượng và khải thị. Vậy, tại sao ông lại nhắc đến những điều ấy? Ông bị bắt buộc phải làm như vậy vì một số người nghi ngờ chức vụ sứ đồ của ông, và có những nan đề liên quan đến nền tảng của đức tin Cơ-đốc.

Phao-lô có tiết lộ tất cả những khải thị của mình không? Không hề có điều đó. Ông viết: "Tôi biết một người [là chính ông] trong Christ, cách mười bốn năm trước đây, đã được cất lên đến từng trời thứ ba (hoặc trong thân thể, tôi không biết, hoặc ngoài thân thể, tôi cũng không biết, có Đức Chúa Trời biết)" (c. 2). Mãi mười bốn năm sau ông mới tiết lộ kinh nghiệm này. Phao-lô sâu xa biết bao! Nếu chúng ta có thể giấu một điều gì mình nhận được từ Đức Chúa Trời trong vòng bảy năm thì cũng đã là một điều lạ lùng. Nhưng suốt mười bốn năm, Phao-lô không hề tiết lộ kinh nghiệm của mình, suốt mười bốn năm, hội-thánh của Đức Chúa Trời không hề biết gì về điều đó, suốt mười bốn năm, không một sứ đồ nào nghe về điều đó. Rễ của Phao-lô đâm thật sâu dưới lòng đất.
Một vài người có khuynh hướng nói rằng: "Anh Phao-lô ơi, xin thuật cho chúng tôi nghe kinh nghiệm của anh cách đây mười bốn năm. Xin kể cho chúng tôi nghe kinh nghiệm của anh trên từng trời thứ ba. Chúng tôi sẽ được ích lợi vô cùng nếu được biết toàn bộ câu chuyện". Nhưng ông nói: "Tôi biết người đó (hoặc trong thân thể, hoặc ngoài thân thể, tôi không biết, có Đức Chúa Trời biết) được cất lên đến Pa-ra-đi, nghe những lời không thể nói, mà một người cũng không được phép nói ra" (cc. 3-4). Cho đến ngày nay, kinh nghiệm này của Phao-lô vẫn chưa bị bật rễ, vẫn không ai biết về kinh nghiệm ấy.

Anh chị em ơi, vấn đề "rễ" là một vấn đề cực kỳ quan trọng. Nếu anh chị em muốn có công tác của Phao-lô, anh chị em cần có "rễ" của Phao-lô; nếu anh chị em muốn có hành vi bên ngoài của Phao-lô, anh chị em cần có sự sống bên trong của Phao-lô; nếu anh chị em muốn có quyền năng phát lộ của Phao-lô, anh em cần có kinh nghiệm ẩn giấu  của  Phao-lô.  Nan  đề  của  các Cơ-đốc nhân ngày nay là họ không thể giữ một điều thuộc linh nào hay một kinh nghiệm đặc biệt nào kín giấu. Ngay khi có một chút kinh nghiệm, họ đã phải đi kể lể khắp nơi. Họ sống cuộc đời trước mắt loài người, không có gì giấu kín trong họ. Họ không có rễ. Nguyện Đức Chúa Trời bày tỏ cho chúng ta kinh nghiệm của Phao-lô, và nguyện Ngài dẫn chúng ta đến chỗ có chiều sâu!

CUỘC SỐNG NÔNG CẠN

Trong Ê-sai chương 39, chúng ta được biết khi tin tức về bệnh tình của Ê-xê-chia và sự phục hồi sức khỏe của ông đến cung điện Ba-by-lôn, các sứ thần được phái đi mang thư từ và quà tặng cho Ê-xê-chia. Ê-xê-chia là người nhận ân điển của Đức Chúa Trời, nhưng ông không thể chịu nổi sự thử nghiệm của ân điển. Lời Đức Chúa Trời phán: "Ê-xê-chia vui mừng vì các sứ thần, và cho họ xem trong ngân khố của mình, bạc, vàng, thuốc thơm, dầu quí cùng kho khí giới, và mọi vật trong kho tàng mình" (c. 2). Ê-xê-chia không thể thắng được cái cám dỗ phơi bày mọi sự. Ông vừa mới được chữa lành bệnh một cách kỳ diệu, chắc chắn ông tự cho mình là quan trọng và nghĩ rằng ít người trên thế giới có được một kinh nghiệm độc đáo như mình. Tóm lại, có bao nhiêu người từng được ban cho một dấu lạ kỳ diệu khi họ được chữa lành như cái bóng mặt trời chiếu trên bàn trắc ảnh A-cha lui lại mười độ  (Ê-sai  38:8)?  Trong  lúc phấn khởi, Ê-xê-chia phô trương tất cả kho tàng của mình. Điều này có nghĩa là ông chưa trải qua sự xử lý của thập tự giá. Sự sống thiên nhiên của ông chưa được xử lý. Rõ ràng tất cả rễ của ông đã bị phơi bày ra. Tất cả những gì Ê-xê-chia biết và tất cả những gì ông có đều được người Ba-by-lôn biết hết. Vì sự phô trương ấy, Ê-sai đã nói với ông: "Xin nghe lời Đức Giê-hô-va vạn quân phán: Nầy, ngày đến, là khi mọi vật trong cung ngươi, mọi vật mà tổ tiên ngươi đã chứa trong kho cho đến ngày nay, sẽ dời sang Ba-by-lôn, chẳng còn lại chút nào, Đức Giê-hô-va phán vậy" (39:5-6). Mức độ chúng ta phô trương mọi sự cho người khác là mức độ chúng ta mất mát. Mức độ sự sống chúng ta "trưng bày" trước mặt người khác sẽ là mức độ chúng ta mất đi trong chính mình. Đó là một vấn đề nghiêm trọng mà chúng ta cần chú ý.

Than ôi, rất nhiều người không thể không tiết lộ những kinh nghiệm của mình! Họ phải nói vì lòng họ muốn nói. Điều đó cũng giống như Ê-xê-chia mở hết kho tàng mình ra cho người khác. Một anh em từng nói: "Nhiều anh em bị đau, khi họ lành bệnh, họ làm chứng. Tôi ước gì mình phát ra một căn bệnh nào đó nhưng không đến nỗi chết, rồi Đức Chúa Trời sẽ chữa lành để tôi sẽ có điều gì đó mà làm chứng trong buổi nhóm làm chứng tuần tới". Động cơ muốn được chữa lành của anh em này là để có thể làm chứng. Anh ấy tìm một kinh nghiệm để có được điều gì đó mà nói. Ôi! Một đời sống cạn cợt như vậy đem đến những thiệt hại nghiêm trọng cho chúng ta, làm cho sự sống thuộc linh không thể tăng trưởng được.

LÀM CHỨNG MÀ KHÔNG PHÔ TRƯƠNG

Như vậy phải chăng chúng ta không nên làm chứng? Không, chúng ta cần phải làm chứng. Phao-lô đã làm chứng và rất nhiều con cái Chúa từ thế hệ này sang thế hệ khác cũng đã làm chứng. Nhưng làm chứng là một việc, thích phô trương kinh nghiệm của mình là một việc khác. Mục tiêu của chúng ta khi làm chứng là gì? Để người khác được ích lợi hay để chúng ta hưởng niềm vui được nói thỏa thích? Thích nghe chính giọng nói của mình và ao ước được ích lợi cho người khác là hai điều hoàn toàn khác nhau. Chúng ta làm chứng vì có một vấn đề, và chúng ta phải nói về điều đó. Một lời chứng không phải là một câu chuyện sau bữa ăn. Nhiều lúc trong khi chúng ta nói tầm phào, những sự phong phú thuộc linh thất thoát hết. Khi được Chúa dẫn dắt, chúng ta nên làm chứng vì muốn giúp đỡ người khác. Phao-lô làm chứng trong 2 Cô-rin-tô chương 12, nhưng ông không khinh suất tiết lộ kinh nghiệm của mình mười bốn năm về trước. Ông giấu kinh nghiệm của mình suốt mười bốn năm và không ai biết gì. Thậm chí khi nói về kinh nghiệm này, ông không tiết lộ mọi sự. Ông chỉ đề cập đến kinh nghiệm, nhưng không thuật toàn bộ câu chuyện. Ông chỉ đề cập đến sự kiện ông nhận được một khải thị và nghe những lời không thể nói ra được. Ông không thuật cho người khác những lời ông đã nghe. Thậm chí ngày nay, từng trời thứ ba vẫn là một huyền nhiệm, chúng ta vẫn không biết từng trời thứ ba ra sao.

Anh chị em ơi, kho báu của anh chị em là gì? Vàng, bạc, thuốc thơm, dầu quí và những báu vật của anh chị em là gì? Kho khí giới của chúng ta là gì? Chúng ta cần nhớ rằng vàng là tất cả những gì thuộc về Đức Chúa Trời, và bạc là tất cả những gì liên quan đến sự cứu chuộc của thập tự giá. Thuốc thơm là kết quả của những vết thương của chúng ta; báu vật là những gì liên quan đến vương quốc, và kho vũ khí là công tác của Chúa mà chúng ta nhận được từ Đức Chúa Trời và từ Chúa. Tất cả những điều đó không phải là giáo lý, những sự dạy dỗ của Kinh Thánh hay thần học. Đây là những điều chúng ta đã đạt được qua sự tương giao với Chúa. Khi tương giao với Đức Chúa Trời, thông công với Ngài và được Ngài xử lý, chúng ta nhận được nhiều điều. Nói về những điều ấy cách khinh suất là sai lầm. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không nên làm chứng. Nhưng chúng ta phải nhận thức rằng nhiều kinh nghiệm cần phải giấu đi. Anh chị em ơi, đây là một vấn đề rất quan trọng trong đời sống Cơ-đốc. Nhiều kinh nghiệm thuộc linh cần được giấu đi và không nên phô trương.
Chúa Giê-su thỉnh thoảng có làm chứng, nhưng Ngài không bao giờ nói nhiều. Làm chứng là một việc và lắm lời là một việc khác. Chúa chữa lành người bệnh và khẳng định rằng việc chữa lành ấy nên giữ bí mật. Mạng lệnh này được lặp đi lặp lại trong Phúc-âm theo Mác. Có lần Chúa nói với một người kia: "Hãy về nhà ngươi, đến với người thân thuộc ngươi, thuật cho họ việc lớn dường nào mà Chúa đã làm cho ngươi, và thể nào Ngài đã thương xót ngươi" (5:19). Chúng ta có thể nói về những việc lớn mà Chúa đã làm cho mình, nhưng không được loan báo những điều này ra cách rộng rãi như những tin tức, làm như vậy chỉ phơi bày chính mình là người không có rễ. Không có rễ là không có kho báu, tức là không có sự sống hay kinh nghiệm ẩn giấu nào. Điều thiết yếu là một số kinh nghiệm của chúng ta vẫn được che phủ, phơi bày mọi sự là mất hết mọi sự.
Chúng ta cũng hãy nhớ rằng nếu phơi bày mọi kho báu, chúng ta sẽ không thể tránh khỏi tình trạng lưu đày. Sự chết và sự phô bày đi chung với nhau, tình trạng khô hạn thuộc linh và sự phô trương cũng đi chung với nhau. Thậm chí khi phải làm chứng, chúng ta phải giống như Phao-lô, là người khoe khoang vì cần thiết "dầu chẳng có ích gì" (2 Côr. 12:1). Sa-tan thường tấn công khi một người bị phơi bày ra. Mọi hình thức phô trương đều mở cửa cho sự mất mát. Nhiều người được chữa lành, và họ làm chứng để Đức Chúa Trời được vinh hiển. Nhưng nhiều lời làm chứng không vì vinh quang của Đức Chúa Trời nhưng vì vinh quang của người có đức tin. Kết quả là căn bệnh lại tái phát. Sau khi đã làm chứng một lần, họ lại bị tấn công vì chính điều đó. Điều này cho thấy Đức Chúa Trời bao phủ những người bao phủ rễ của mình, và Ngài không bảo vệ những người phơi bày rễ, họ sẽ bị phơi bày trước những sự tấn công. Nếu Đức Chúa Trời muốn chúng ta làm chứng, chúng ta vẫn sẽ làm chứng. Nhưng có nhiều điều nên giấu kín đi. Đức Chúa Trời bảo vệ những gì chúng ta giấu kín trước mặt Ngài, và chúng ta vui hưởng những điều đó.
Điều này cũng áp dụng cho công tác của chúng ta. Nhờ ân điển và sự thương xót, Đức Chúa Trời đã hoàn thành một điều gì đó qua chúng ta, nhưng anh chị em hãy nhớ rằng những gì Ngài đã hoàn thành không phải là vấn đề để quảng cáo hay làm tài liệu để tuyên truyền. Nếu phô trương công việc của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ thấy sự chết đụng chạm công việc ấy ngay lập tức, và sự thiệt hại sẽ tương ứng với mức độ chúng ta phô trương chính mình. Ngay khi Đa-vít kiểm tra dân số Y-sơ-ra-ên, sự chết đã bắt đầu lan tràn (2 Sa 24). Nguyện Đức Chúa Trời giải cứu chúng ta khỏi sự phô trương này.
Bất cứ bí mật nào chúng ta có với Chúa cũng cần được giữ gìn. Chúng ta chỉ có thể chuyển động theo sự hướng dẫn của Chúa bên trong chúng ta. Chỉ khi nào Ngài chuyển động trong chúng ta để bày tỏ một điều gì, chúng ta mới dám bày tỏ điều đó. Nếu Ngài muốn chúng ta chia sẻ một kinh nghiệm nào đó với một anh em, chúng ta không dám giữ lại, vì như vậy là vi phạm luật của các chi thể trong Thân Thể Đấng Christ. Tương giao là một luật của các chi thể trong Thân Thể Đấng Christ. Một khi chúng ta đè nén luật này, dòng chảy sẽ ngưng lại. Chúng ta phải tích cực, đừng tiêu cực, và cung ứng sự sống cho người khác. Nhưng nếu suốt ngày chúng ta bị chiếm hữu bởi chính mình và những điều của mình, tình trạng lắm lời và phô trương chính mình sẽ mở đường cho sự tấn công của kẻ thù đến trên chúng ta. Tôi tin rằng chúng ta sẽ học biết Thân Thể của Đấng Christ là gì và dòng chảy của sự sống giữa vòng các chi thể là gì, nhưng tôi cũng tin rằng chúng ta sẽ học tập nhu cầu bảo vệ những phần ẩn giấu chúng ta có trước mặt Chúa, những kinh nghiệm người khác không biết. Không nên phơi bày một phần rễ nào ra.
Khi mở rộng chính mình cách sâu xa hơn và đâm rễ xuống nhiều hơn, chúng ta sẽ khám phá rằng "vực gọi vực". Khi có thể đem lại sự phong phú từ nơi sâu thẳm của sự sống bề trong, chúng ta sẽ thấy những đời sống khác được ảnh hưởng cách sâu xa. Giây phút con người bề trong của chúng ta được chạm đến, những người khác sẽ nhận được sự giúp đỡ và được soi sáng. Họ sẽ biết có một điều gì đó vượt xa sự hiểu biết của mình. Khi vực chạm đến vực, nơi sâu thẳm sẽ đáp ứng với nơi sâu thẳm. Nếu sự sống của chúng ta không có chiều sâu, công tác bề ngoài của chúng ta chỉ ảnh hưởng người khác một cách nông cạn. Tuy nhiên, chúng tôi xin nhắc lại, chỉ có "vực gọi vực". 
Watchman Nee