Đa số tập lịch và lịch treo tường của thế giới phi cơ đốc tại Việt Nam hiện nay không có ghi ngày Chúa Jesus phục sinh. Vậy làm sao chúng ta có thể tính ra ngày Chúa phục sinh đây?
Mác 15:42, 46-47 chép về ngày Chúa Jesus bị đóng đinh như sau, “đến chiều tà, nhơn vì là ngày sắm sửa, tức là ngày ngay trước lễ sa bát...người mua vải gai mịn, hạ Ngài xuống, lấy vải liệm Ngài, rồi để Ngài vào huyệt đã đục sẵn...”
Ngày sắm sửa trước ngày sa bát là ngày thứ sáu, còn lễ sa bát là ngày thứ bảy. Giăng 19:31 nói thêm, “vì ngày sa bát ấy là lớn”. Đó là ngày khởi đầu trong kỳ lễ hội Bánh không men kéo dài tám ngày, từ ngày sa bát đó đến ngày sa bát sau.
Theo Lê vi ký 23:5-8 thì lễ Vượt qua bắt đầu chiều tà ngày 14, là thứ sáu, sáng hôm sau, ngày sa bát, là lễ hội bánh không men. Còn Lê vi ký 23: 10-11 nói vào ngày sau ngày Sa bát lớn đó, thầy tế lễ sẽ dâng bó lúa đầu mùa tiểu biểu lên trước mặt Đức Chúa Trời trong đền thờ. I Cor. 15:20 nói Đấng Christ là trái đầu mùa những kẻ ngủ. Bó lúa đầu mùa dâng lên vào ngày sau ngày sa bát, tức là vào ngày thứ nhất, ngày Chúa phục sinh, tiêu biểu cho Chúa Jesus sống lại.
Luca 23: 54b- 24: 1 chép, “ngày sa bát họ nghỉ ngơi theo điều răn...ngày thứ nhất trong tuần lễ, khi mờ sáng, các đờn bà ấy đem thuốc thơm đã sắm sẵn cùng đến mộ”, thì Chúa đã sống lại trước rồi—vào khoảng hừng đông hôm ấy. Như vậy Chúa Jesus sống lại vào ngày thứ nhất của tuần lễ, mà sứ đồ Giăng gọi là ngày của Chúa, xem Khải. 1:10. Chủ nhật hay Chúa nhật đều có nghĩa là ngày của Chúa. Vì “Chủa” hay “Chúa” là đồng nghĩa theo Hoa văn.
Lịch do Thái cũng dựa vào chu kỳ mặt trăng, là một loại âm lịch, như âm lịch của Á Đông chúng ta.
Tính theo lịch Do thái thì Chúa Jesus chết vào xế chiều ngày 14 và phục sinh vào sáng sớm ngày 16 tháng Giêng, là tháng Abib ( tháng lúa trổ) hay tháng Nisan, khoảng giữa tháng ba đến giữa tháng tư dương lịch. Nê. 2:1.
Ngày lễ phục sinh của Chúa Jesus sẽ xảy ra hằng năm vào khoảng ngày 16 âm lịch ( có khi lên chút đỉnh) của Á đông, mà cũng là Chúa nhật theo sau tiết Xuân phân. Tiết Xuân phân năm nay là ngày 28 tháng 2 Âm lịch. Vậy Chúa nhật mà ứng vào ngày 16 âm lịch của chúng ta năm nay nhằm vào ngày 8 tháng tư dương lịch, rất chính xác. Đó là ngày lễ phục sinh năm nay.
Tóm lại tôi rút ra một hệ luận: Ngày lễ phục sinh của Chúa Jesus là Chúa nhật sau ngày rằm (15) sau tiết Xuân phân trong Âm lịch của Á Đông.