Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

Sự giàu có không dò được của Chúa Cứu Thế trong sách Đa-ni-ên-2

Chương 4 - Chủ quyền của Đức Chúa Trời và sự phát xét của Ngài dành cho vua Nê-bu-cát-nết-sa

Trong Hội Thánh, vương quốc Ngài, trong nhà của Chúa, chỉ một mình Chúa là Vua và Đầu. Vì Nê-bu-cát-nết-sa đã không hiểu nguyên tắc này nên Đức Chúa Trời đã sửa trị ông một cách triệt để (chương 4).

Giấc chiêm bao đầu tiên chưa đủ, ông đã cần thêm cái thứ hai. Phao-lô cũng có một kinh nghiệm tương tự: ông có một mạc khải siêu việt mà Đức Chúa Trời đã đặt ông lên đến tận tầng trời thứ ba. Nhưng Đức Chúa Trời cũng đã chăm sóc ông. Để Phao-lô không lên mình kiêu ngạo về những khải thị này, Đức Chúa Trời đã cho một cái dằm đâm vào thân xác ông (2.Cô-rinh-tô 12:7). Chúng ta phải được sửa trị - trong bất cứ cách nào. Đức Chúa Trời phải sửa trị chúng ta. Thật khốn khổ cho chúng ta, nếu chúng ta không chấp nhận sự sửa trị của Đức Chúa Trời và không sẵn sàng cho điều đó! Giấc chiêm bao của Nê-bu-cát-nết-sa là một lời cảnh báo cho chúng ta.

Vì chúng ta ngày nay đã đến được núi Si-ôn và đến thành của Đức Chúa Trời hằng sống, Giê-ru-sa-lem thiên thượng (Hê-bơ-rơ 12:22), chúng ta có thể dễ dàng ngạo mạn - đặc biệt là đối với các tín đồ khác ở Ba-by-lôn. Anh em đã làm gì để được điều đó? Anh em giỏi hơn người khác sao? Đó là ân điển và sự thương xót của Chúa. Hoàn cảnh của Nê-bu-cát-nết-sa không được nhắc tới. Ai đã định trước ông là con của cha mình? Đó không phải là lựa chọn của ông. Đối với nhà của Chúa chúng ta và vương quốc Ngài, tất cả chúng ta phải học bài học này.

Chúa là Đức Chúa Trời; Ngài đã sẵn sàng để tự hạ mình. Ngài không chỉ là một con người, thậm chí Ngài đã trở thành một nô lệ. Ngài đã có quyền lựa chọn, là một nhà vua, sinh ra trong một cung điện hay là sinh ra trong nhà của người nghèo. Anh em sẽ chọn gì? Chúa đã chọn để được sinh ra trong cảnh nghèo khổ. Ngài là Đấng Tối Cao, nhưng Ngài đã sẵn sàng để trở thành kẻ thấp hèn nhất, thậm chí là một con trùng: "Nhưng tôi là một con trùng, chớ chẳng phải người đâu" (Thi Thiên 22:6). Chúng ta không được phép quên điều này. Đây không phải là một câu không đáng kể, mà là một câu rất quan trọng. Chúa đã hạ mình rất nhiều, khi Ngài nói: "Tôi không phải là người, mà là một con trùng". Ngài đã sẵn sàng để bị xử lý bởi tạo vật của mình.

Trái lại, ở đây chúng ta thấy Nê-bu-cát-nết-sa sau sự hiện thấy đã tự nâng cao mình đến nỗi ra lệnh làm một bức tượng vàng. Ông muốn là tất cả. Loài người chúng ta là như thế. Nếu chúng ta có được chút năng lực gì và Chúa sử dụng chúng ta được một chút thôi, thì chúng ta đã cho là mình biết tất cả và mọi người phải nghe theo mình. Nhưng cuối cùng là sự hủy hoại và sụp đổ.

Cho nên, chương này rất quan trọng cho chúng ta, để chúng ta đừng bao giờ cho mình là rất phi thường. Ngài phi thường, chúng ta chẳng là gì cả. Chúng ta là cái gì? Không phải Chúa đã nói: "ngoài Ta, các ngươi chẳng làm chi được" (Giăng 15:5)? Điều này chúng ta không được quên. Tất cả đến từ Ngài. Ngài là Đấng lập vua này và bỏ vua kia.

Phản ứng của Nê-bu-cát-nết-sa đối với khải thị thứ hai của Đức Chúa Trời

Vì thế, trong Đa-ni-ên chương 4, Nê-bu-cát-nết-sa phải nằm chiêm bao một lần nữa. Ngay cả sau giấc chiêm bao này và sau sự giải nghĩa của Đa-ni-ên, ông vẫn không có tai để nghe.

"Ta, Nê-bu-cát-nết-sa, sống vô tư và vui thỏa trong cung điện ta. Ta thấy một điềm chiêm bao làm cho ta sợ sệt; những ý tưởng của ta ở trên giường, và những sự hiện thấy của đầu ta làm cho ta kinh hoàng" (Đa-ni-ên 4:4-5). Thật là lành mạnh khi được Đức Chúa Trời làm hoảng sợ theo cách này để chúng ta đừng đánh giá mình cao quá. Ở trong sự kính sợ và run rẩy là tốt, không phải trước con người mà trước Chúa. Chúng ta không cần sợ con người. Nhưng đối với Đức Chúa Trời hằng sống, chúng ta phải kính sợ. Chính Chúa đã nói: "Ðừng sợ kẻ giết thân thể mà không giết được tâm hồn; nhưng thà sợ Ðấng làm cho mất được tâm hồn và thân thể trong địa ngục" (Ma-thi-ơ 10:28). Tất cả những gì họ có thể làm được là giết chết người khác. Nhưng sau đó họ không làm gì được nữa. Nhưng đối với Đức Chúa Trời, cái chết không phải là sự kết thúc. Sau đó còn sự phán xét nữa. Và sau sự phán xét là sự chết thứ hai. Vậy anh em phải sợ ai hơn?

Vì thế, trong Thi Thiên 147:11 nói rằng: "Ngài đẹp lòng người kính sợ Ngài, Và kẻ trông đợi sự nhơn từ của Ngài". Tại sao chúng ta nói nhiều điều vô nghĩa và nhiều điều tiên tri kỳ cục và nghĩ mình là những nhà tiên tri? Vào thời Xa-cha-ri, không ai dám nói mình là nhà tiên tri nữa (Xa-cha-ri 13:4). Tất cả chúng ta phải học kính sợ Đức Chúa Trời hằng sống này.

"Vậy ta truyền chiếu chỉ, đem hết thảy những nhà thông thái của Ba-by-lôn đến trước mặt ta, hầu cho họ giải nghĩa điềm chiêm bao cho ta. Bấy giờ, các pháp sư, thuật sĩ, người Canh-đê, và các nhà chiêm tinh đều đến". Lẽ ra ông phải hiểu biết hơn. Loài người chúng ta không học nhanh được, chúng ta quên nhiều thứ. Mặc dù chúng ta thực sự biết rằng, con người không phải là những cố vấn đích thực, chúng ta cứ tìm kiếm họ. Tại sao anh em không đến thẳng với Đức Chúa Trời hằng sống? Đối với nhiều người trong chúng ta, Ngài vẫn còn ở quá xa. Chúng ta nghĩ: "Ngài không nghe tôi và tôi cũng không nghe thấy Ngài. Hay có lẽ Ngài nghe tôi, nhưng tôi không nghe Ngài được. Nhưng nếu tôi đến với người anh em này, thì anh ta có thể nghe tôi và tôi cũng có thể nghe anh ta được". Hãy thay đổi thói quen của anh em! Hãy học cách luôn đến với Đức Chúa Trời hằng sống! Trong Khải Huyền 2 và 3, ở các thư tín luân lưu gửi các Hội Thánh luôn được lặp lại câu: "Ai có tai, hãy nghe". Hãy nói với Chúa: "Lạy Chúa, xin ban cho con tai để nghe Ngài!" Chúng ta muốn học để nghe tiếng Ngài.

"...ta thuật chiêm bao cho họ nghe, nhưng không ai giải được ý nghĩa chiêm bao cả. Cuối cùng, Đa-ni-ên vào chầu ta, gọi là Bên-tơ-xát-sa theo tên thần của ta, và linh các bậc thần thánh ngự trong người. Ta thuật lại chiêm bao cho người" (Đa-ni-ên 4:7b-8). Chắc hẳn Nê-bu-cát-nết-sa đã nhận ra được rằng, vị thần của ông chẳng làm được gì cả. Nếu vị thần của ông có khả năng gì đó thì tất cả các pháp sư, thuật sĩ, người Canh-đê, nhà chiêm tinh này đã có thể giải nghĩa được giấc chiêm bao thứ nhất lúc trước và bây giờ có thể giải thích giấc chiêm bao thứ hai. Nhưng Nê-bu-cát-nết-sa cứng đầu, ông không muốn đổi thần của mình.

Nhiều người đến Hội Thánh và thực sự đã nếm được mùi vị gì đó: "Ở đây là tốt". Nhưng họ không muốn thay đổi, họ không muốn rời bỏ "thần cũ" của mình. Họ giữ chặt "thần cũ" - mặc dù họ biết rằng "thần của Đa-ni-ên" tốt hơn nhiều, thậm chí đã được chứng minh.

Khi Chúa Giê-su đến trái đất này, con người đã thấy thật nhiều phép lạ và dấu hiệu, họ đã nghe lời của Ngài, những lời đầy uy quyền, sự sống và quyền năng, hoàn toàn khác hẳn lời dạy của các thầy dạy Kinh Thánh (thầy thông giáo) - tuy vậy, họ không muốn thay đổi, không muốn "đổi thần". Vì thế Chúa thực sự phải sửa trị nặng chúng ta để sửa đổi chúng ta.

Sự phán xét, sửa trị và lòng thương xót của Đức Chúa Trời

Nhiều người cầu nguyện rằng: "Lạy Chúa, chúng con muốn được biến đổi!". Chúa sẽ hỏi: "Các ngươi có thực sự muốn điều đó không?" Sự biến đổi không xảy ra sau một đêm như là anh em đi ngủ vào buổi tối, sáng sớm hôm sau thức dậy thì được biến đổi. Nếu được như vậy thì tuyệt quá. Tôi ước rằng nó đơn giản như thế. Tiếc rằng nó không phải như vậy. Và Đức Chúa Trời cũng không thể thay đổi Nê-bu-cát-nết-sa một cách nhanh chóng như vậy được. Nhưng Ngài đã cảnh báo ông.

Qua việc Đức Chúa Trời xử A-na-nia và Sa-phô-ra (Công Vụ Các Sứ Đồ 5:1-10) chúng ta thấy nguyên tắc rất quan trọng là anh em không được phép lừa dối Đức Thánh Linh! Đó phải là sự cảnh báo cho tất cả trong 2000 năm qua cho đến ngày nay. Chúng ta cho rằng Chúa không còn cho nó là nghiêm trọng nữa, vì ngày nay không ai còn bị chết và khiêng đi chôn cả. Như vậy là dại dột. Nếu anh em không học được trong trường hợp này, anh em sẽ không học được trong 1000 trường hợp khác. Một ngày nào đó, anh em sẽ lãnh chịu hậu quả. Không phải ngẫu nhiên mà có câu: "Sa vào tay Ðức Chúa Trời hằng sống là sự đáng kinh khiếp thay!" (Hê-bơ-rơ 10:31). Đừng nghĩ rằng, nếu chúng ta ở trong Hội Thánh không bị xử lý việc gì đó, thì không có gì xấu cả và có thể để tiếp tục như vậy. Không, Đức Chúa Trời sẽ xử lý.

"Bên-tơ-xát-sa, người làm đầu các thuật sĩ ... " (Đa-ni-ên 4:9). Đây không phải là một danh hiệu tốt. Anh em muốn có một danh hiệu không? Tốt hơn là chúng ta từ bỏ nó. Danh hiệu này không đến từ Chúa mà bởi Nê-bu-cát-nết-sa. Trong Hội Thánh, chúng ta dị ứng vơi những danh hiệu như vậy, ví dụ như "người được tôn trọng" (danh hiệu dành cho các linh mục, mục sư... cao cấp của Công Giáo và Tin Lành). Một danh hiệu như thế không thuộc về nước Đức Chúa Trời.

"...bởi ta biết rằng linh của các thần thánh ở trong người, và không có một điều kín nhiệm nào là khó cho ngươi, vậy hãy bảo cho ta những sự hiện thấy trong chiêm bao ta đã thấy, và hãy giải nghĩa!" Nếu Nê-bu-cát-nết-sa đã biết vậy, tai sao ông lại không gọi Đa-ni-ên liền.

Sửa trị cho sự cứu rỗi và cho đầy đủ phẩm chất để lãnh nhận vương quốc

Đức Chúa Trời đã sửa trị Nê-bu-cát-nết-sa rất nặng trong bảy năm. Nhưng điều này nhằm mục đích cứu rỗi ông. Sự sửa trị này không phải là kết cục của ông, mà là sự cứu rỗi cho ông. Chúng ta phải sẵn sàng để Đức Chúa Trời sửa trị mình. Phục vụ cho việc đó là những hoàn cảnh và những khó khăn khác nhau mà chúng ta vượt qua. Chúng ta phải sẵn sàng chấp nhận việc sửa trị của Chúa và thấy bàn tay Ngài trong đó. Mọi thứ đều có nghĩa, đặc biệt là đối với chúng ta, vì Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta. Vì thế, Phao-lô đã nói: "Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Ðức Chúa Trời" (Rô-ma 8:28). Tất cả mọi thứ phục vụ tốt nhất là cho việc sửa trị, cứu rỗi và biến đổi, để chúng ta có đủ phẩm chất và được trang bị cho việc nhận lãnh vương quốc Đức Chúa Trời.

Nếu anh em không sẵn sàng để được sửa trị bây giờ, Đức Chúa Trời sẽ đợi đến khi Ngài thiết lập xong vương quốc của Ngài. Sau đó, Ngài sẽ sửa trị anh em trong thời gian của Vương Quốc Ngàn Năm. Sớm muộn gì mỗi người trong chúng ta cũng bị sửa trị. Bây giờ thì nó diễn ra bởi ân điển Ngài. Nếu anh em để mình được sửa trị lúc này, thì thời gian của sự sửa trị có giới hạn và anh em gặt hái được sự sống. Nếu anh em đợi đến lúc Chúa chúng ta đến, Ngài sẽ sửa trị anh em không theo ân điển mà theo sự công chính của Ngài. Điều này sẽ như là qua lửa vậy. Và thời gian sửa trị chắc chắn sẽ kéo dài hơn – xa cách Chúa, ở nơi tối tăm bên ngoài, nơi sẽ có khóc lóc và nghiến răng (Ma-thi-ơ 22:13; 24:51; 25:30). Chúng ta không được phép quên điều đó, và thật là tốt để được nhắc nhở liên tục về nó.

Lời Đức Chúa Trời được ứng nghiệm

Nê-bu-cát-nết-sa đã rất ấn tượng về giấc mơ của ông, nhưng chỉ mình hiểu biết và giáo lý thôi thì không đủ. Điều này chúng ta phải học hỏi.

"Bấy giờ Ða-ni-ên, gọi tên là Bên-tơ-xát-sa, bị sững người trong chốc lát, và những ý tưởng làm cho người hoảng sợ" (Đa-ni-ên 4:19). Mặc dù không liên quan đến mình, nhưng Đa-ni-ên đã kinh hoàng về lời này. Nó cho thấy, Đa-ni-ên là một người như thế nào và cách ông xử sự với Lời Chúa ra sao. Lời Đức Chúa Trời không chỉ được chấp nhận như một sự dạy dỗ hay một lời cảnh báo, mà Lời Đức Chúa Trời sẽ còn được ứng nghiệm. Chúng ta quá hời hợt với Lời Chúa. Chúng ta nghĩ mình có thể hiểu và giải thích Lời theo cách này hay cách khác để phù hợp với chúng ta. Nhưng Đa-ni-ên đã có sự kính sợ. Chúng ta cần phải có một ý thức bên trong như vậy để xem trọng Lời Đức Chúa Trời.

Trong những câu kế, Đa-ni-ê mô tả giấc chiêm bao rất chính xác. Điều này nói lên rằng, khi liên hệ với Lời Chúa, Đa-ni-ên đã chính xác như thế nào.

Đức Chúa Trời đã cho Nê-bu-cát-nết-sa thấy bản chất thực của ông là gì - một con thú (4:32). Trong xác thịt của mình, chúng ta cũng giống như loài vật bốn chân. Lúc đầu, Nê-bu-cát-nết-sa có thể đã sợ hãi, nhưng chỉ sau 12 tháng, ông đã quên tất cả mọi thứ! Đó cũng là kinh nghiệm của chúng ta. Ngay sau hội nghị thì chúng ta hoàn toàn cho vương quốc Đức Chúa Trời, nhưng một thời gian sau, lại mất dần viễn tượng, chúng ta không còn nghĩ nhiều về vương quốc nữa, và sau 12 tháng thì tất cả sẽ mất hết.

"Hết thảy những sự đó đều đến cho vua Nê-bu-cát-nết-sa. Khi khỏi mười hai tháng, vua đi dạo trong hoàng cung Ba-by-lôn, thì cất tiếng mà nói rằng: Ðây chẳng phải là Ba-by-lôn lớn mà ta đã dựng, bởi quyền cao cả ta, để làm đế đô ta, và làm sự vinh hiển oai nghi của ta sao?" (Đa-ni-ên 4:28-30). Điều này chúng ta cũng từng nghe: "Nếu không có tôi thì Hội Thánh ở đâu?" Một lời như vậy thật đáng sợ! Nhưng lúc đó, nhiều anh em đã nói: "Vâng, amen". Như thế, họ cũng phạm tội chung. Anh em, hãy học từ điều này! Tất cả chúng ta ngày nay phải học. Nếu không, chúng ta cũng sẽ kinh nghiệm giống như vậy. Những điều Đức Chúa Trời đã phán sẽ ứng nghiệm - không chỉ ở Nê-bu-cát-nết-sa.

"Lời chưa ra khỏi miệng vua, thì có tiếng từ trên trời xuống rằng: Hỡi Nê-bu-cát-nết-sa, đã báo cho ngươi biết rằng: Ngôi nước đã lìa khỏi ngươi" (Đa-ni-ên 4:31). Đức Chúa Trời đã không chờ một giây nào cả. Những gì Đức Chúa Trời phán sẽ được ứng nghiệm. Điều này tất cả chúng ta phải học trong Hội Thánh.

Sự sửa trị bởi ân điển

Mỗi suy nghĩ mà nói rằng anh em là cái gì đó, anh em phải ghét nó, thậm chí phải dùng áp lực để từ chối nó. Chúa đã nói: "Vậy nếu con mắt bên hữu xui cho ngươi phạm tội, thì hãy móc mà quăng nó cho xa ngươi đi; vì thà chịu một phần thân thể ngươi phải hư, còn hơn là cả thân thể bị ném vào địa ngục" (Ma-thi-ơ 5:29). Anh em phải để Chúa sửa trị con mắt của mình, đừng chỉ nói rằng: "Tôi là như vậy đó". Hãy hướng lòng mình tới Chúa và thưa: "Lạy Chúa, hãy sửa trị con bằng thập tự giá của Ngài!". Chính vì thế mà Chúa đã chịu chết. Chúa không ám chỉ rằng chúng ta theo nghĩa đen phải dứt bỏ các chi thể của mình, nếu vậy thì chúng ta sẽ sớm không còn mắt, tay chân, môi và lưỡi nữa, và chúng ta ngồi ở đây như những người tàn tật, mù lòa, què quặt. Chúng ta phải dứt bỏ như thế nào? Chúng ta hãy để Chúa cắt bỏ nó. Anh em phải nói trước Chúa rằng: "Lạy Chúa, con không muốn có nó nữa. Con xét đoán nó. Hãy cứu con khỏi nó, Chúa Giê-su. Con không muốn nó ở trong con". Nếu anh em không xử lý nó, nó sẽ làm hỏng anh em. Cuối cùng, anh em đánh mất vương quốc Chúa. Vì thế Chúa Giê-su đã phán: "thà rằng què chân mà vào sự sống, còn hơn là đủ hai chân mà bị quăng vào địa ngục" (Mác 9:45, Ma-thi-ơ 18:8). Hãy học cách để Chúa sửa trị mình! Ngay từ bây giờ! Đừng đợi! Thưa với Chúa: "Lạy Chúa, bây giờ con rất muốn học từ Chúa và để Chúa sửa trị con. Hãy làm điều đó bởi ân điển Ngài, lạy Chúa Giê-su!" Ngày nay vẫn còn là thời kỳ ân điển. Chúa có thể sửa trị bởi ân điển của Ngài. Ngài sẽ dạy dỗ và rèn luyện anh em bởi ân điển (Tít 2:11-12). Ân điển ngày nay rất hữu ích. Đừng nghĩ rằng ân điển chỉ dùng để thưởng thức! Ân điển cũng như một lưỡi dao phẫu thuật và cắt bỏ điều xấu. Đó là một ân điển để được Chúa sửa trị và chịu khổ vì nó. Phao-lô đã nói: "Ngài nhơn Ðấng Christ, ban ơn cho anh em, không những tin Ðấng Christ mà thôi, lại phải chịu khổ vì Ngài nữa" (Phi-líp 1:29).

Sự sửa trị triệt để

"Ngươi sẽ bị đuổi khỏi giữa loài người, sẽ ở với thú đồng; sẽ bị buộc phải ăn cỏ như bò, rồi bảy kỳ sẽ trải qua trên ngươi..." (Đa-ni-ên 4:32). Nghĩa là, sự sửa trị cần có thời gian. "Bảy" có nghĩa là một thời gian trọn vẹn cho sự tác động của Đức Chúa Trời. Nếu Đức Chúa Trời sửa trị chúng ta, Ngài sẽ làm một cách triệt để - ở đây không có sự rút ngắn. Nếu không như vậy, một ngày nào đó nó lại nổi lên, vì gốc rễ chưa được chữa trị. Nhiều người trong chúng ta chỉ muốn cắt ngắn và che đậy, nhưng cuối cùng họ có nan đề. Chúa phải sửa trị chúng ta một cách triệt để - "bảy năm dài".

Kết quả việc sửa trị của Đức Chúa Trời

Sau bảy năm, Đức Chúa Trời đã phục hồi Nê-bu-cát-nết-sa trở lại. "...Cho đến khi ngươi nhận biết rằng Ðấng Tối Cao cầm quyền trên mọi vương quốc của loài người, và Ngài muốn giao quyền thống trị cho ai tùy ý Ngài" (Đa-ni-ên 4:32). Sự nhận biết này không phải là hiểu biết trong đầu, mà là một nhận thức sâu bên trong. Bảy năm trước, ông đã nghe từ Đa-ni-ên và có ấn tượng về nó. Nhưng có ấn tượng vẫn chưa đủ. Ông phải đi qua bảy năm. Sau đó ông đã nhận ra rằng "Ðấng Tối Cao cầm quyền trên mọi vương quốc của loài người, và Ngài muốn giao quyền thống trị cho ai tùy ý Ngài". Bây giờ ông đã biết, không phải bởi quyền lực và sức mạnh của mình mà ông đã xây dựng tất cả; đó là bởi Đức Chúa Trời hằng sống ở trên trời.

"Ðến cuối cùng những ngày đó, ta đây, Nê-bu-cát-nết-sa, ngước mắt lên trời, trí khôn đã phục lại cho ta, và ta xưng tạ Ðấng Tối Cao. Ta bèn ngợi khen và làm sáng danh Ðấng sống đời đời, uy quyền Ngài là uy quyền còn mãi mãi, nước Ngài từ đời nọ đến đời kia. Hết thảy dân cư trên đất thảy đều coi như là không có; Ngài làm theo ý mình trong cơ binh trên trời, và ở giữa cư dân trên đất; chẳng ai có thể cản tay Ngài và hỏi rằng: Ngài làm chi vậy?" (Đa-ni-ên 4:34-35). Thật là một bài học mà Nê-bu-cát-nết-sa đã học! Anh em là gì trong Hội Thánh vậy? Anh em tự cho mình là ai?

"Trong lúc đó, trí khôn phục lại cho ta, ta lại được sự vinh hiển của ngôi nước ta, sự oai nghi chói sáng trở lại cho ta..." (câu 36). Hãy ngợi khen Chúa! Điều này không tuyệt sao? Nếu chúng ta được sửa trị, chúng ta cũng sẽ nhận được điều mà Chúa muốn ban cho chúng ta. "... Những nghị viên và đại thần ta lại chầu ta. Ta lại được lập lên trên ngôi nước, và sự uy nghi quyền thế ta càng thêm" (câu 36). Đức Chúa Trời thật tuyệt diệu! Ngài còn ban cho ông thêm nữa. Sau sự sửa trị, Chúa sẽ ban cho chúng ta còn nhiều hơn điều mà chúng ta đã có rồi.

"Bây giờ, ta, Nê-bu-cát-nết-sa, ngợi khen, tôn vinh, và làm cả sáng Vua trên trời; mọi công việc Ngài đều chân thật, các đường lối Ngài đều công bình; và kẻ nào bước đi kiêu ngạo, Ngài có thể hạ nó xuống" (câu 37). Đó là một nhận thức sâu sắc tuyệt vời. Nếu Nê-bu-cát-nết-sa đã bị sửa trị như vậy, chỉ để nhận lại vương quốc của mình, thì Chúa cần phải sửa trị chúng ta, những người muốn nhận vương quốc đời đời, nhiều hơn thế nào nữa! Chúng ta phải ngợi khen Đức Chúa Trời và cảm tạ Ngài về sự sửa trị của Ngài trong Hội Thánh. Hội Thánh thật tuyệt diệu và vinh hiển. Nhưng sẽ tai họa cho chúng ta, nếu chúng ta cho rằng Hội Thánh được vinh hiển như vậy nhờ vào quyền lực và sức mạnh của mình. Nó không có nghĩa là chúng ta không làm gì cả trong Hội Thánh nữa, mà chúng ta phải học như Phao-lô, nói lời từ trái tim chứ không phải như một giáo điều: "Trái lại, tôi đã làm nhiều việc hơn các người khác, nhưng nào phải tôi, bèn là ân điển Ðức Chúa Trời đã ở cùng tôi" (1.Cô-rinh-tô 15:10).

Điều này là điều cần thiết để kế thừa vương quốc. Chúa muốn ban vương quốc cho chúng ta. Chúa đã phán rằng: "Hỡi bầy nhỏ, đừng sợ chi; vì Cha các ngươi đã bằng lòng cho các ngươi nước Đức Chúa Trời" (Lu-ca 12:32). Nhưng Cha không ban cho một cách đơn giản như vậy, mà Cha phải còn tác động, chữa lành và sửa trị rất nhiều bên trong chúng ta. Điều này không phải lúc nào cũng đơn giản vậy. Bảy năm này có nghĩa là cả đời sống anh em. Ở Nê-bu-cát-nết-sa, sự sửa trị đã được rút ngắn rất nhiều. Nhưng ngày nay, Đức Chúa Trời sửa trị chúng ta bởi ân điển Ngài trong suốt cuộc đời chúng ta, cho đến khi công việc của Ngài trọn vẹn trong chúng ta. Đức Chúa Trời không làm nửa vời.

Nhiều anh em ở đây có thể kể thật nhiều những gì Đức Chúa Trời đã làm trong Hội Thánh trong 40 năm qua. Qua đó, chúng tôi không muốn khoe khoang, mà là làm chứng trước Đức Chúa Trời hằng sống rằng, Chúa đã sửa trị chúng tôi rất nhiều. Vì thế, đối với chúng ta trong hội nghị không chỉ học các điều tiên tri. Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta những lời này. Nó thật rất quan trọng đối với chúng ta! Hơn mọi lời tiên tri và mọi câu chuyện. Không có sự khiêm nhường thì những điều này chẳng có nghĩa gì đối với chúng ta cả. Cuối cùng chúng ta cũng sẽ như Nê-bu-cát-nết-sa, làm một bức tượng bằng vàng cho chính mình. Mọi kẻ thống trị thế gian này đã giữ nguyên lý này để làm tượng cho mình. Và lịch sử nói lên rằng, chúng ta là những Cơ Đốc nhân cũng không tốt hơn - chúng ta cũng có cùng nguy hiểm nếu chúng ta không được sửa trị. Có ích chi, nếu chúng ta có thể giải thích thật nhiều, nhưng sau cùng lại làm tượng của mình? Nguyện xin Chúa thương xót chúng ta!

Chương 5 - Quyền tối cao của Đức Chúa Trời và sự phán xét của Ngài đối với những vua của các nước

Chúa là câu trả lời cho tất cả nan đề của chúng ta. Vì thế, cách duy nhất trong đời sống Hội Thánh là nhìn tới Chúa Giê-su (Hê-bơ-rơ 12:2). Nếu tất cả chúng ta đều hướng mắt mình tới Ngài mỗi ngày và không nhìn ngắm những điều khác, thì không nan đề nào có thể xảy ra cả. Còn điều gì quan trọng hơn và tốt hơn Chúa chúng ta, ai có thể vinh hiển hơn Ngài? Khi chúng ta đã chín trong sự sống, thì Chúa là tất cả và ở trong tất cả.

Chúa phải sửa trị chúng ta. Công việc này của Chúa trong chúng ta sẽ không ngừng lại. Khi nào anh em còn sống trên đất này, thì Chúa vẫn làm việc ở anh em. Công việc Ngài ở chúng ta chẳng hề đơn giản chút nào. Mỗi chúng ta có thể tự làm chứng điều này cho bản thân. Việc thay đổi chúng ta là một công việc khó, nhưng Chúa có thể làm được. Tất cả hiểu biết có lợi ích gì, nếu Chúa không tác động? Từ Đa-ni-ên chúng ta học được, chúng ta phải phản ứng với Lời Chúa như thế nào, Lời mà tất cả chúng ta đều quý.

Chữ viết trên tường - Sự phán xét của Đức Chúa Trời dành cho Bên-xát-sa

Trong Đa-ni-ên 5, chúng ta đến với vua Bên-xát-sa. Ở đây không chỉ nói về sự suy tàn của đế chế Ba-by-lôn. Trong chương này, chúng ta có thể học hỏi nhiều điều thực tiễn cho cuộc sống Hội Thánh. Bên-xát-sa là cháu của Nê-bu-cát-nết-sa.

"Vua Bên-xát-sa dọn tiệc lớn đãi một ngàn đại thần mình, và vua uống rượu trước mặt họ. Vua Bên-xát-sa đương nhấm rượu, truyền đem những bình chén bằng vàng và bạc mà vua Nê-bu-cát-nết-sa, cha mình, đã lấy trong đền thờ tại Giê-ru-sa-lem, hầu cho vua và các đại thần, cùng các hoàng hậu và cung phi vua dùng mà uống. Người ta bèn đem đến những bình chén bằng vàng đã lấy từ trong đền thờ của nhà Ðức Chúa Trời, tại Giê-ru-sa-lem; và vua cùng các đại thần, các hoàng hậu và cung phi mình dùng mà uống. Vậy họ uống rượu và ngợi khen các thần bằng vàng, bằng bạc, bằng đồng, bằng sắt, bằng gỗ và bằng đá. Chính giờ đó, có những ngón tay của bàn tay người hiện ra, viết trên vôi tường cung vua, đối ngay chỗ để chơn đèn; và vua trông thấy phần bàn tay đó đương viết. Bấy giờ vua biến sắc mặt, các ý tưởng làm cho vua bối rối; các xương lưng rời khớp ra, và hai đầu gối chạm vào nhau" (Đa-ni-ên 5:1-6). Dưới ảnh hưởng của rượu, vua đã truyền mang đến những bình chén từ nơi thánh. Sau khi thấy những chữ viết đầy bí ẩn trên vách tường, ông đã trở nên trắng bệt trong hoảng sợ. Và tuy vua đó đã biết câu chuyện của cha ông mình, ông lại đi hỏi những kẻ vô dụng, các nhà chiêm tinh và các nhà thông thái. Ông đã không học được gì từ cha mình và ông nội mình. Với thế hệ thứ hai, thứ ba, và thứ tư của chúng ta thì như thế nào? Chúng ta có học hỏi được gì chăng? Sẽ là rất đáng tiếc, khi thế hệ đầu tiên đã kinh nghiệm được nhiều với Chúa mà lại chẳng truyền được gì tiếp cho những thế hệ sau. Như vậy, kinh nghiệm của họ sẽ không còn được phong phú và sâu sắc như kinh nghiệm của chúng ta. Chúng ta phải truyền tiếp được sự giàu có mà chúng ta đã nhận từ Chúa. Đó là trách nhiệm của chúng ta.

Anh em cầu nguyện cho con cái mình, rằng chúng có thể được học ở trường đại học tốt nhất, được hưởng sự giáo dục thật tốt, kiếm nhiều tiền. Nhưng còn với Vương Quốc Đức Chúa Trời thì sao? Cuối cùng, tất cả chúng nó đều đi vào thế gian. Chúa còn gì từ thế hệ thứ hai và thứ ba? Lẽ ra thật quan trọng, việc cái đầu vàng - Nê-bu-cát-nết-sa - truyền lại cho con mình những điều ông đã học từ Đức Chúa Trời hằng sống. Cuối cùng người chỉ trị vì có hai năm rưỡi. Người cha tuy đã học được nhiều, nhưng người con thì chẳng có được gì cả. Và tương tự như vậy với người cháu, Bên-xát-sa đã chỉ có thể tổ chức tiệc tùng.

Bên-xát-sa đã chịu ảnh hưởng của rượu, ông đã không còn tỉnh táo trong đầu nữa. Hậu quả là ông lấy bình chén và sử dụng chúng cho bữa tiệc mình. Một cái bình ở đền thờ thì có liên quan gì đến bữa tiệc thế gian? Hình ảnh thật rõ ràng. Hãy biệt riêng và thánh tẩy những vật của Đức Chúa Trời! Cái gì thuộc Đức Chúa Trời thì thuộc về Ngài. Điều này là tôn nghiêm! Trong Hội Thánh, chúng ta làm những điều thuộc linh, nên thánh và thuộc trời. Với những điều này, anh em không thể hành xử như anh em thích được. Nếu không, anh em cuối cùng sẽ thấy một ngón tay viết trên tường.

Chúng ta phải học run sợ với Lời Chúa, có thái độ tôn kính đối với Lời Chúa. Đừng đọc bởi sự tò mò mà bởi yêu mến Chúa và làm vinh danh Chúa. Chỉ mình Ngài đáng được vinh danh. Với Lời Chúa, chúng ta không được phép xử sự tùy thích hay trong một lời chứng đơn giản chỉ là kể câu chuyện nào đó. Nê-bu-cát-nết-sa ít nhất đã tôn kính và gìn giữ những bình chén của Đức Chúa Trời.

Tôi hy vọng, những thế hệ nối tiếp chúng ta không rơi vào trong Ba-by-lôn. Có ích gì, khi chúng ta đọc chương này mà chẳng học được gì từ đó? Tôi muốn thấy, những thế hệ tiếp theo sẽ còn yêu mến và kinh nghiệm Chúa nhiều hơn nữa. Con người không thể nhận biết và hiểu thấu hết Chúa tuyệt vời này. Từ thế hệ này qua thế hệ khác, điều đó phải luôn tốt hơn nữa. Nếu không như vậy, chúng ta sẽ chẳng có tương lai, và Chúa cũng chẳng có được gì cả.

"Vua kêu lớn tiếng truyền vời các nhà thuật sĩ, nhà chiêm tinh, và pháp sư đến. Ðoạn, vua cất tiếng và nói cùng những nhà thông thái của Ba-by-lôn rằng: Ai đọc được chữ nầy và giải nghĩa ra cho ta, thì sẽ được mặc màu tía, được đeo vòng vàng vào cổ, và được dự bật thứ ba trong việc chánh trị nhà nước" (Đa-ni-ên 5:7). Trong Ba-by-lôn có nhiều pháp sư. Vì thế, họ có thể nói một cách dễ dàng. Chúng ta không được đến với họ. Rồi lúc nào đó, họ lại tìm Đa-ni-ên.

"Bấy giờ hết thảy nhà thông thái của vua đều vào; nhưng họ không đọc được chữ, cũng không thể cắt nghĩa cho vua được. Vua Bên-xát-sa lấy làm bối rối lắm; sắc mặt người đổi đi; các quan đại thần đều bỡ ngỡ. Bà thái hậu, vì cớ lời của vua và các quan đại thần đã nói, bèn vào trong phòng tiệc, cất tiếng nói rằng: Hỡi vua, chúc vua sống đời đời! Xin vua chớ để tư tưởng bối rối, chớ đổi sắc mặt đi! Trong nước vua có một người, linh của các thần thánh ở trong người ấy. Về đời vua cha, người ta thấy trong người có ánh sáng, sự thông minh, khôn ngoan, như sự khôn ngoan của các vị thần. Vậy nên vua Nê-bu-cát-nết-sa, cha vua, chính cha vua, đã lập người lên làm đầu các pháp sư, thuật sĩ, người Canh-đê, và các nhà chiêm tinh" (Đa-ni-ên 5:8-11). Đa-ni-ên không phải đăng ký hay phải thu hút sự chú ý. Khi anh em có được điều gì, anh em không phải tự hào vì nó hoặc anh em quảng cáo nó cho mình. Cuối cùng, vị vua cũng phải triệu đến người. Ai thật sự có điều gì đó, sẽ chẳng bao giờ phải phô trương cho nó. Phao-lô, Giăng, Phi-e-rơ, họ đã bao giờ tự phô trương cho mình không? Họ đi đến nơi Chúa gởi họ đến. Hãy để Thánh Linh dẫn dắt anh em. Đức Chúa Trời sẽ sắp đặt tất cả. Chúng ta tin tưởng Đức Chúa Trời hằng sống.

"Bấy giờ Ða-ni-ên được đem đến trước mặt vua..." (Đa-ni-ên 5:13). Thật sự như thế tốt hơn, thay vì chúng ta tự làm nhiều công việc, hãy để Chúa dẫn dắt anh em. Ai có tai, hãy nghe!

"Bấy giờ Ða-ni-ên cất tiếng và nói trước mặt vua rằng: Vua hãy giữ lại của ban thưởng, và lễ vật vua hãy ban cho kẻ khác! Dầu vậy, tôi sẽ đọc chữ viết đó và giải nghĩa cho vua" (Đa-ni-ên 5:17). Đa-ni-ên không phải là Ba-la-am (Giu-đa 11). Vua muốn ban cho ông nhiều thứ, nhưng Đa-ni-ên không thèm muốn điều gì từ vua cả. Những việc Đức Chúa Trời không phải để mua bán. Con người thích chuyển những thứ Đức Chúa Trời ban tặng không thành tiền. Lời Chúa, những thứ thuộc linh, không thể mua bán được.

"Hỡi vua, Ðức Chúa Trời Tối Cao đã ban ngôi vua và quyền thế lớn, sự tôn vinh và uy nghiêm cho cha vua là Nê-bu-cát-nết-sa.Vì cớ Ngài đã ban cho người quyền to, thì hết thảy các dân, các nước, các thứ tiếng đều run rẩy trước mặt người, và sợ hãi người. Người muốn giết ai thì giết, và muốn để ai sống thì để. Người nâng ai cao lên hay hạ ai thấp xuống thì tùy ý người. Nhưng vì lòng người tự cao, và tánh người cứng cỏi, làm một cách kiêu ngạo, nên người bị truất mất ngôi vua và lột hết sự vinh hiển. Người bị đuổi khỏi giữa các con trai loài người; lòng người trở nên giống như lòng súc vật, và chỗ ở người thì cùng với những lừa rừng. Người bị nuôi bằng cỏ như bò, và thân người bị nhuần thấm sương móc trên trời, cho đến khi người nhận biết rằng Ðức Chúa Trời Tối Cao cai trị trong nước loài người, và Ngài muốn lập ai lên đó tùy ý. Hỡi vua Bên-xát-sa, con của người, vua cũng vậy, dầu vua đã biết hết các việc ấy, mà lòng vua cũng không chịu hạ mình chút nào" (câu 18-22). Liệu anh em có dám nói như thế này với vua không? Liệu anh em sẽ không sợ mình sẽ bị mất đầu không? Đa-ni-ên đã không có chút sợ hãi nào.

"Nhưng vua đã tự tôn mình lên nghịch cùng Chúa trên trời, mà khiến đem đến trước vua những bình chén của nhà Ngài, và dùng mà uống rượu, cùng với các quan đại thần, các hoàng hậu và cung phi vua. Vua cũng đã tôn vinh thần bằng bạc, bằng vàng, bằng đồng, bằng sắt, bằng gỗ và bằng đá, là những thần không thấy không nghe không biết gì; và vua không thờ phượng Ðức Chúa Trời là Ðấng cầm trong tay Ngài hơi thở và hết thảy các đường lối của vua. Vậy nên từ nơi Ngài đã sai phần bàn tay nầy đến, và chữ đó đã vạch ra. Những chữ đã vạch ra như sau nầy: Mê-nê, Mê-nê, Tê-ken, U-phác-sin" (câu 23-25). Sự phán xét sẽ đến. Chúng ta không phải chỉ học từ những điều tích cực mà cả từ những tiêu cực. Bên-xát-sa lẽ ra đã nên học từ những kinh nghiệm của Nê-bu-cát-nết-sa, những gì Chúa đã làm ở ông và sửa trị ông như thế nào. Chúng ta có thể tiết kiệm được rất nhiều nan đề, nếu chúng ta sẵng sàng học từ những gì đã xảy ra. Thậm chí, chúng ta có thể học từ những điều tiêu cực nhiều hơn những điều tích cực. Nếu không, chúng ta phải lại tự chịu khổ qua tất cả những kinh nghiệm thêm một lần nữa.

Phao-lô đã nói trong 1.Cô-rinh-tô 10:11: "Những sự ấy có nghĩa hình bóng, và họ đã lưu truyền để khuyên bảo chúng ta là kẻ ở gần cuối cùng các đời..."Hãy học tôn kính Đức Chúa Trời, học sống Chúa Cứu Thế, vâng lời Ngài. Chúng ta không thể tránh sai lầm, nhưng nếu chúng ta không học hỏi được từ sai lầm của mình và của người khác, đây mới là sai lầm lớn nhất. Đoạn cuối của chương này thật là kinh khủng.
"Nầy là nghĩa những chữ đó: Mê-nê là: Ðức Chúa Trời đã đếm nước vua và khiến nó đến cuối cùng. Tê-ken là: Vua đã bị cân trên cái cân, và thấy kém thiếu" (câu 26-27). Đức Chúa Trời cân chúng ta. Anh em có được bao nhiêu từ Chúa Cứu Thế? Quan trọng là "trọng lượng ở sự vinh hiển" (2.Cô-rinh-tô 4:17) của chúng ta. Chúng ta phải học cân mình trong Hội Thánh như là Đức Chúa Trời cân vậy. Một cách nói hay thì chẳng có trọng lượng gì. Lời lẽ thường như không khí. Anh em có được bao nhiêu sự vinh hiển do Chúa Cứu Thế đã tác động vào? Chúng ta đã có được kinh nghiệm gì với Chúa Cứu Thế? Nê-bu-cát-nết-sa đã có chút ít trọng lượng, nhưng Bên-xát-sa thì nhẹ như một quả bóng.

"Phê-rết là: Nước vua bị chia ra, được ban cho người Mê-đi và người Phe-rơ-sơ" (câu 28). Bị chia ra không có nghĩa là phân tách ra, mà là bị tan rã. Nước của Bên-xát-sa không thể đứng vững. Điều này Chúa đã nói trước cho Nê-bu-cát-nết-sa ở pho tượng với cái vai bằng bạc.

"Tức thì, theo lịnh truyền của vua Bên-xát-sa, người ta mặc màu tía cho Ða-ni-ên; đeo vào cổ người một vòng vàng, và rao ra rằng người được dự chức thứ ba trong việc chánh trị nhà nước" (câu 29). Anh em sẽ làm gì nếu anh em là Bên-xát-sa? Tốt nhất là anh em nên quỳ gối ăn năn. Nhưng trái tim con người thật cứng cỏi.
"Ngay đêm đó, vua người Canh-đê là Bên-xát-sa bị giết" (câu 30). Đó là kết cục của Bên-xát-sa. Nhưng, chúng ta thì muốn đạt được vào sự vinh hiển và bước lên cao hơn nữa. Phao-lô đã cứ nhắm mục tiêu mà chạy, đó là sự kêu gọi thiên thượng (Phi-líp 3:14).

Những người trung tín Sa-đơ-rắc, Mê-sác, A-bết-Nê-gô

Chúng ta cũng đã xem xét ba người bạn đồng hành với Đa-ni-ên trong chương 3. Tất cả những ai tuyệt đối cho Chúa đều sẽ bị bắt bớ (2.Ti-mô-thê 3:12). Điều đó đã được ghi chép trước. Ngày nay, chúng ta đang sống trong một nước xa lạ. Nước thế gian, cả những nước trên đất này lẫn Ba-by-lôn thuộc linh của tôn giáo, đều nằm dưới quyền ma quỷ (1.Giăng 5:19). Tôn giáo là một kiệt tác của Satan, để giam cầm dân Đức Chúa Trời trong đó. Đế quốc tây và đông La Mã hòa lẫn với tôn giáo. Cuối cùng, những vị vua đã phải nghe lời giáo hoàng. Chúng ta không được phép đánh giá thấp tôn giáo. Đức Chúa Trời ghét tôn giáo. Trong sách Khải Huyền, Đức Chúa Trời đã chuẩn bị một sự phán xét đặc biệt dành cho Ba-by-lôn. Ba-by-lôn sẽ nhận một phần gấp đôi (Khải Huyền 18:6). Đừng nghĩ rằng, tôn giáo cũng có được gì đó tốt. Chúa phải mở mắt chúng ta.

Những kẻ nghịch thù đã quan sát ba người đồng hành với Đa-ni-ên và muốn trừ họ đi. Chúng khiến cho Nê-bu-cát-nết-sa dựng nên một bức tượng. Nhưng ba người này đã không thuận lòng quỳ lạy nó. Nếu là anh em thì anh em đã chọn gì ở đó? Lò lửa hay là quỳ lạy bức tượng? Chúng ta phải thấy được nguyên tắc. Ngày nay không có lò lửa nữa, nhưng sau này là hồ lửa. Anh em muốn cùng làm với những người khác, hay là trở nên khác biệt vì anh em không làm với họ? Anh em có sẵn sàng để khác biệt, không quỳ lạy bức tượng và tuyệt đối cho Chúa? Ngay từ tuổi trẻ, họ đã tự quyết định không ăn uống thức ăn của vua. Anh em không được coi thường quyết định nhỏ này. Nếu họ ngày đó không quyết trong lòng từ chối rượu và những thức ăn ô uế, họ cũng đã chẳng có được quyết định không quỳ lạy bức tượng. Họ đã không phải nghĩ ngợi lâu.

"Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-Nê-gô tâu lại cùng vua rằng: Hỡi Nê-bu-cát-nết-sa, về sự nầy, không cần chi chúng tôi tâu lại cho vua. Nầy, hỡi vua! Ðức Chúa Trời mà chúng tôi hầu việc, có thể cứu chúng tôi thoát khỏi lò lửa hực, và chắc cứu chúng tôi khỏi tay vua. Dầu chẳng vậy, hỡi vua, xin biết rằng chúng tôi không hầu việc các thần của vua, và không thờ phượng pho tượng vàng mà vua đã dựng" (Đa-ni-ên 3:16-18). Sau đó, Nê-bu-cát-nết-sa cho đốt lửa mạnh hơn gấp bảy lần. Nhưng thật kinh ngạc, ông nhìn thấy bốn người đi lại trong lò lửa. Đức Chúa Trời chúng ta có thể cứu chúng ta! Khi nào Chúa đi vào lò lửa cùng chúng ta, tất cả vẫn tốt. Nếu anh em đi một mình vào đó, thì là không tốt. Khi Chúa ở với chúng ta, thì những hoàn cảnh xung quanh ta chẳng là gì cả. Nếu Ðức Chúa Trời đứng với chúng ta, thì còn ai nghịch với chúng ta (Rô-ma 8:31)? Và nếu điều này ngày nay là sự xây dựng vương quốc của Ngài, thì chúng ta hãy đi xuyên qua lò lửa. Lúc ấy người ta sẽ thấy Con Người ở đó. Thật tuyệt vời, khi chúng ta sống qua tất cả với Chúa Cứu Thế. Học hỏi và kinh nghiệm trong mọi hoàn cảnh cách mà anh em có thể đi qua và đứng vững với Chúa Cứu Thế như thế nào. Anh em sẽ kinh nghiệm được, điều đó thật tuyệt vời.

Trong chương 5 sách Đa-ni-ên, chúng ta thấy ở vua Bên-xát-sa là một người không biết có giới hạn, hoàn toàn không có cảm nhận đối với những việc thuộc linh và sử dụng nó một cách tương tự như những vật của thế gian. Đa-ni-ên và ba người bạn của ông hoàn toàn khác hẳn. Trái tim họ luôn hướng về một điều: Họ muốn trung tín với Đức Chúa Trời của họ và với Lời Ngài, và không muốn mình bị ô uế. Mỗi hạn chế và mỗi hoàn cảnh khó khăn trong tù đày đã phục vụ họ cho việc đó. Thật là một lời chứng tuyệt vời cho Chúa! Ngày nay, chúng ta cũng cần những lời chứng như vậy trong mọi Hội Thánh. Mỗi người trong chúng ta, không chỉ người trẻ, đều cần có những giới hạn. Nếu không, chúng ta làm điều chúng ta muốn và điều chúng ta hài lòng, biểu lộ bản chất hoang dã. Nếu chúng ta vô độ, cứng đầu và không vâng lời, Chúa không thể cùng đi tiếp với chúng ta được.


Chương 6 - Đa-ni-ên được cứu khỏi miệng sư tử

(Thi Thiên 22:21, Hê-bơ-rơ 11:32-33)

Lời chứng của Đa-ni-ên trong thời cai trị của Ða-ri-út

Vào thời Đa-ri-út, Đa-ni-ên được khoảng 85 tuổi. Nếu chúng ta luyện tập hằng ngày sống trong tâm linh, và nhờ đó làm quen với Chúa là Đức Chúa Trời hằng sống của chúng ta bởi kinh nghiệm và thử thách, thì khi về già chúng ta cũng sẽ trở nên những người trưởng thành về tâm linh. Để cuộc sống Hội Thánh được lành mạnh, Chúa cần cả hai: một thế hệ trẻ sẵn sàng học và rèn luyện cũng như những anh chị em có nhiều kinh nghiệm và trưởng thành về mặt thuộc linh. Đa-ni-ên đã chứng minh bản thân trong sự hiến dâng và sự trung tín với Đức Chúa Trời từ thời thanh thiếu niên cho đến lúc cao tuổi.

"Rồi Ða-ri-út là người Mê-đi được nước, bấy giờ tuổi người độ sáu mươi hai. Vua Ða-ri-út ưng đặt trong nước một trăm hai mươi quan trấn thủ, để chia nhau trị cả nước, và trên họ có ba quan thượng thơ, mà một là Ða-ni-ên. Các quan trấn thủ phải khai trình với ba quan đó, hầu cho vua khỏi chịu một sự tổn hại nào. Vả, Ða-ni-ên lại trổi hơn hai quan thượng thơ kia và các quan trấn thủ,vì người có tâm linh phi thường; thì vua định lập người trên cả nước" (Đa-ni-ên 5:31-6:3). Trong Đa-ni-ên có một tâm linh phi thường. Lúc 15 tuổi, chắc chắn ông chưa có tâm linh này. Tâm linh này đã phát triển trong ông và đã trở nên trưởng thành. Tâm linh ông không chỉ rất tốt, tinh sạch và phong phú, mà thậm chí phi thường nữa. Khi chúng ta bước và nếp sống Hội Thánh và phát hiện ra tâm linh của chúng ta, chúng ta đã như ngọn lửa hừng. Chúng ta đã tận hưởng và kinh nghiệm tâm linh. Kể từ đó, một số người trong chúng ta đã qua 40 năm, và tâm linh này sẽ càng rõ ràng và trưởng thành hơn. Phao-lô đã nói: "vì tâm linh (Ðức Thánh Linh) dò xét mọi sự" (1.Cô-rinh-tô 2:10). Và cuối cùng, tâm linh bắt đầu cai trị trên lý trí, cảm xúc và cảm nhận của anh em. Hầu hết mọi người chỉ sống trong lý trí của họ. Nhưng tâm linh bao la hơn nhiều. Nó thỏa mãn bản thể của chúng ta và dò xét cả "sự sâu nhiệm của Ðức Chúa Trời nữa". Vì thế, tôi muốn khích lệ mọi thánh đồ sống bởi tâm linh mình.

"Còn ai kết hiệp với Chúa thì trở nên một tâm linh cùng Ngài" (1.Cô-rinh-tô 6:17). Nếu vào thời giao ước cũ lúc đó, một tâm linh phi thường như vậy có thể cai trị trong một người, thì ngày nay càng nhiều hơn nữa, vì chính Chúa là dầu xức (Thánh Linh) đang sống trong chúng ta. Do đó, Phao-lô đã có thể nói: "Tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Chúa Cứu Thế sống trong tôi" (Ga-la-ti 2:20). Tại sao chúng ta còn rất nhiều nan đề trong Hội Thánh? Vì anh em chỉ sống trong lý trí mình và cho rằng mình đã hiểu tất cả, vì thế anh em sẽ gây ra nhiều nan đề cho chính bản thân mình, cho gia đình, cho anh em trong Hội Thánh và người khác. Trong vương quốc Chúa hôm nay, hãy học cách bước đi trong tâm linh. Phao-lô nói: "Hãy bước đi bởi tâm linh" (Ga-la-ti 5:16). Đó là con đường duy nhất mà Chúa có thể xây dựng Hội Thánh của Ngài và cai trị trong chúng ta.

Bị bắt bớ bởi các quan thượng thư và quan trấn thủ

"Vua định lập người trên cả nước" (câu 3). Do đó, các quan thượng thư đã ghen tỵ với Đa-ni-ên. Đột nhiên Đa-ni-ên trở thành một đối thủ cạnh tranh của họ. Ở giữa Cơ Đốc nhân chúng ta cũng vậy. Mỗi nhóm làm chuyện của mình, mỗi hệ phái có hướng riêng, và có nhiều sự cạnh tranh với nhau: Nguyên nhân thực tế là: Chính chúng ta, có ý thức hay vô ý thức, cùng với ý định và mong muốn riêng của mình đang cạnh tranh với vị Vua thiên thượng và ý định của Ngài.

"Các quan thượng thơ và trấn thủ bèn tìm cớ kiện Ða-ni-ên về việc nước; nhưng họ không thể tìm được một cớ nào, hay một sự xấu nào của người, bởi người là trung tín, trong người chẳng có điều lỗi và cũng chẳng có sự xấu" (câu 4). Cũng như các thầy thông giáo và người Pha-ri-si đối với Chúa Giê-su, các quan thượng thư cũng tìm một cái cớ để chống lại Đa-ni-ên, nhưng họ đã không thể tìm thấy lỗi trong việc thực hiện nhiệm vụ của ông. Họ cũng đã tìm trong ba năm rưỡi một lý do để kiện Chúa Giê-su, tuy nhiên không thể tìm thấy gì. Ở Đa-ni-ên cũng vậy, họ đã tìm lỗi, nhưng không tìm được gì cả. Nếu chúng ta không trưởng thành thuộc linh, càng lớn tuổi thì càng nhiều lỗi được tìm thấy ở chúng ta. Nhưng phải ngược lại, càng trưởng thành trong sự sống, người ta phải càng thấy ít lỗi nơi chúng ta.

Đức Chúa Trời không chỉ muốn cứu rỗi chúng ta, làm chúng ta được xưng công bình, hay làm chúng ta nên thánh, mà Ngài muốn làm chúng ta trở nên giống hình ảnh con Ngài. Lời chứng của Đa-ni-ên khích lệ chúng ta rằng điều này là có thể. Càng tăng trưởng, chúng ta càng trở nên giống Chúa hơn. Chúng ta không được nhìn vào sai lầm của người khác. Nan đề của Hội Thánh thường là do mọi người cứ nhìn vào sai lầm của người khác, nhưng lại không nhận ra sai lầm riêng của mình. Vì thế Chúa cảnh báo chúng ta: "Sao ngươi dòm thấy cái dằm trong mắt anh em ngươi, mà chẳng thấy cây đà trong mắt mình?" (Ma-thi-ơ 7:3). Càng tăng trưởng, anh em càng sẽ thấy lỗi lầm mình nhiều hơn và anh em sẽ cầu xin Chúa: "Lạy Chúa, xin loại bỏ lỗi lầm này!".

Thư Hê-bơ-rơ cho biết Ngài có thể cứu chúng ta một cách toàn vẹn (Hê-bơ-rơ 7:25). Nhiều người chỉ muốn được cứu khỏi sự phán xét. Nhưng bởi sự sống trong chúng ta, Chúa muốn cứu chúng ta để chúng ta được biến đổi theo hình ảnh của Ngài. Ngài muốn mang chúng ta vào sự vinh hiển. Phao-lô đã nói: "...chúng ta sẽ nhờ sự sống của Con ấy mà được cứu là dường nào!" (Rô-ma 5:10). Chúng ta không chỉ cần huyết Ngài, mà cần nhiều sự cứu rỗi hơn nữa. Chúng ta không thể tự cứu chính mình, do đó chúng ta cần Ngài là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta.

Không tìm thấy được lỗi nào ở Đa-ni-ên cả, "bởi người là trung tín". Từ "trung tín" này luôn được nhắc đến trong Kinh Thánh, đặc biệt trong Ma-thi-ơ chương 24 và 25, khi nói đến sự trở lại của Chúa. Khi Chúa đến, chúng ta phải được Ngài thấy là trung tín. Không tùy vào hoàn cảnh bên ngoài, chúng ta phải trung tín và đứng vững. Tất cả chúng ta cần ân điển Ngài để trung tín. Tôi chỉ biết một người thực sự trung tín. Vì thế, trung tín cũng là tên của Ngài (Khải Huyền 19:11). Sau nhiều năm, trong cuộc sống Hội Thánh có nhiều nan đề, khó khăn, hiểu lầm, lỗi lầm cá nhân và của người khác - thời kỳ thử thách, và thỉnh thoảng như là đi xuyên qua lò lửa vậy. Nếu đức tin chúng ta đã được thử bằng lửa, thì nó sẽ quý hơn vàng (1.Phi-e-rơ 1:7).

Thật tốt và bình thường để được thử nghiệm, có thể không ngay lúc còn là người tin trẻ, nhưng thử thách sẽ đến, vì nó cần thiết để được trưởng thành trong sự sống. Tương thích với sự tăng trưởng của sự sống, Đức Chúa Trời sẽ thử nghiệm chúng ta. Áp-ra-ham cũng đã được thử nghiệm. Sau khi ông đã có nhiều kinh nghiệm với Chúa, một ngày nọ, Chúa thử nghiệm sự vâng lời của ông. Áp-ra-ham đã nhanh chóng vâng lời, dâng con mình ở núi Mô-ri-a. Vào thời đó, Áp-ra-ham đã học trung tín và vâng lời. Mọi điều mà chúng ta kinh nghiệm, sẽ không chỉ đến từ một thông điệp, mà Chúa phải và sẽ nói riêng với từng người chúng ta. Những gì Ngài nói với anh em, thì không ai có thể lấy đi khỏi anh em được. Càng có nhiều kinh nghiệm với Chúa, thì sẽ càng dễ trung tín hơn. Trung tín là những người theo sau Chiên Con (Khải Huyền 14:4). Chúa nói với Si-miệc-nơ rằng: "Khá giữ trung tín cho đến chết" (Khải Huyền 2:10). Đa-ni-ên đã trung tín cho đến chết.

"Vậy những người đó nói rằng: Chúng ta không tìm được một cớ nào mà cáo Ða-ni-ên nầy..." (Đa-ni-ên 6:5). Cho tới thời điểm này, Đa-ni-ên là một hình ảnh của Chúa chúng ta. Những gì ông từng trải cũng giống như Chúa đã từng trải. Họ không tìm được sai lầm nào ở ông cả. Trong vô ích, họ đã tìm kiếm một cớ để kiện ông. "... nếu chúng ta chẳng tìm trong sự thuộc về luật pháp Ðức Chúa Trời nó" (câu 5). Họ làm một âm mưu, làm một luật lệ nào đó để chống lại niềm tin của ông.

"Các quan thượng thơ và trấn thủ đó bèn vào chầu vua và tâu rằng: Hỡi vua Ða-ri-út, chúc vua sống đời đời! Hết thảy các quan thượng thơ trong nước, các quan lãnh binh, các quan trấn thủ, các nghị viên và các đại thần đều đồng tình xin vua ra chỉ dụ, lập một cấm lịnh nghiêm nhặt trong ba mươi ngày, hễ ai cầu xin thần nào hay một người nào ngoài vua, thì, hỡi vua, kẻ ấy sẽ phải quăng vào hang sư tử" (câu 6-7). Đa-ri-út đồng ý điều vô nghĩa này.

"Khi Ða-ni-ên nghe rằng chỉ dụ đó đã ký tên rồi, thì về nhà mình (những cửa sổ của phòng người thì mở về hướng Giê-ru-sa-lem). Tại đó, cứ một ngày ba lần, người quì gối xuống, cầu nguyện, xưng tạ trước mặt Ðức Chúa Trời mình, như vẫn làm khi trước" (câu 10). Thậm chí Đa-ni-ên cũng đã không đóng các cửa sổ. Chúng ta có lẽ sẽ hành động "khôn ngoan hơn" và thích ứng để không thu hút sự chú ý. Điều đó không có nghĩa là khôn ngoan mà là thỏa hiệp và có sợ hãi. Đa-ni-ên đã không thỏa hiệp và đã không muốn thay đổi mối quan hệ tốt đẹp của ông với Chúa chỉ vì một điều vô lý như vậy. Chúng ta thường hay thích ứng. Chúng ta có thể xây dựng được gì với suy nghĩ và khả năng của mình? Thậm chí, anh em cũng không có khả năng xây dựng gia đình mình và mang bản thân đi theo con đường đúng. Chúng ta phải kinh nghiệm và biết Đức Chúa Trời như vậy, và điều này đòi hỏi một sự trưởng thành.

Đừng nghĩ rằng, Đa-ni-ên đã có rất nhiều thời gian. Ông là một quan thượng thư và là một người có lương tâm. Ai làm việc có lương tâm, luôn có nhiều việc để làm. Tuy vậy, ba lần trong ngày, ông đã ngưng mọi chuyện và dành thời gian để cầu nguyện cho Giê-ru-sa-lem. Tôi thường nghe từ các thánh: "Tôi không có thời gian". Nhưng chúng ta lại có thời gian cho thật nhiều điều khác trong ngày! Chúng ta không được bận rộn như vậy, để cuối cùng chúng ta không còn thời gian để cầu xin cho việc của Đức Chúa Trời. Đa-ni-ên đã rất nghiêm túc đối với kế hoạch của Đức Chúa Trời. Không có gì ngạc nhiên khi Đức Chúa Trời đã yêu thương người này. Ông đã trung tín và được Đức Chúa Trời yêu. Anh em có thường xuyên đến với Chúa để cầu nguyện cho Giê-ru-sa-lem không?

"Bấy giờ những người đó nhóm lại, thấy Ða-ni-ên đương cầu nguyện nài xin trước mặt Ðức Chúa Trời mình" (câu 11). Chúng ta cầu nguyện với Đức Chúa Trời hằng sống như thế nào? Chúng ta có cầu nguyện với cả tấm lòng cho mối quan tâm của Đức Chúa Trời, cho ý định Ngài? Sau nhiều năm, lòng của Đa-ni-ên vẫn còn cháy bỏng cho chương trình của Đức Chúa Trời. Ông nài xin, có nghĩa là ông có sự khát khao cho việc khôi phục lại nước Đức Chúa Trời. Điều này đối với chúng ta thì sao? Đối với chúng ta, tình trạng Hội Thánh ra sao cũng được? Anh em đã từng phàn nàn với Đức Chúa Trời rằng tình trạng của Hội Thánh chúng ta còn thật nhiều thiếu sót?: "Lạy Chúa, xin thương xót chúng con. Xin cho chúng con ánh sáng về những gì chúng con làm, xin phơi bày chúng con!". Anh em nghĩ Ngài không chăm lo các Hội Thánh sao? Nhưng có chép rằng, Ngài đi giữa các chân đèn vàng (Khải Huyền 1:13). Lúc đó, Ngài rất quan tâm đến các Hội Thánh, nhưng các Hội Thánh không muốn nghe Ngài. Năm thánh đồ trong Hội Thánh đối với anh em là đủ sao? "Lạy Chúa, tất cả chỉ nhiêu đó thôi sao? Những người trung tín ở đâu? Chúa không còn người trung tín nào khác trong thành phố này sao?" Anh em đã từng đổ nước mắt vì Giê-ru-sa-lem chưa, hay chỉ cho riêng mình thôi?

"Họ bèn đến chầu vua và tâu cùng vua về cấm lịnh của vua rằng: Hỡi vua, vua chẳng từng ký tên vào một cấm lịnh rằng trong ba mươi ngày, hễ ai cầu xin thần nào hay người nào ngoài vua, thì sẽ phải quăng vào hang sư tử đó chăng? Vua trả lời rằng: Sự đó là thật, theo như luật pháp của người Mê-đi và người Phe-rơ-sơ, không thể đổi được" (câu 12). Nhà vua đã phạm một sai lầm, nhưng ông không thể hủy bỏ nó được. Phạm lỗi không phải là nan đề lớn nhất. Nhưng phạm lỗi và không ăn năn hay thậm chí còn biện minh, còn là một lỗi lớn hơn nữa.

"Khi vua nghe những lời đó, thì lấy làm buồn bã lắm; vua định lòng giải cứu Ða-ni-ên, và mãi đến khi mặt trời lặn, cố hết sức tìm thể để giải cứu người. Nhưng các người đó nhóm lại cùng vua và tâu rằng: Hỡi vua, xin biết rằng theo luật pháp của người Mê-đi và người Phe-rơ-sơ, hễ là cấm lịnh hay chỉ dụ nào mà vua đã lập định rồi, thì không thể thay đổi được" (câu 14-15). Ở đây cho thấy rằng đế chế Ba Tư không còn quý giá như đế chế Ba-by-lôn nữa. Chỉ mình Nê-bu-cát-nết-sa có quyền lực tuyệt đối, nhưng Đa-ri-út thì không còn nữa. Nê-bu-cát-nết-sa với quyền tuyệt đối của mình có thể hủy bỏ mọi luật pháp. "Bấy giờ vua truyền điệu Ða-ni-ên đến, và phải ném người vào hang sư tử" (câu 16).

Bởi Đức Chúa Trời hằng sống mà được cứu khỏi hàm của các sư tử

Buổi sáng hôm sau xảy ra những điều sau đây: "Ðoạn, vua dậy sớm, khi hừng sáng, vội vàng đi đến hang sư tử. Khi vua đến gần hang, lấy giọng rầu rĩ mà kêu Ða-ni-ên; vua cất tiếng nói cùng Ða-ni-ên rằng: Hỡi Ða-ni-ên, tôi tớ Ðức Chúa Trời hằng sống! Ðức Chúa Trời ngươi mà ngươi hằng hầu việc có thể giải cứu ngươi khỏi sư tử được chăng?" (câu 19-20). Đa-ri-út dường như có hy vọng rằng Đức Chúa Trời có thể cứu Đa-ni-ên. "Bấy giờ Ða-ni-ên tâu cùng vua rằng: Hỡi vua, chúc vua sống đời đời!" (câu 21). Đa-ni-ên vẫn luôn chào đón nhà vua như vậy, và cũng trong tình huống này đối với ông cũng bình thường. Có vẻ như tình huống này không có gì đặc biệt đối với ông vậy, chỉ là một kinh nghiệm tiếp theo đối với Đức Chúa Trời hằng sống. "Ðức Chúa Trời tôi đã sai thiên sứ Ngài, và bịt miệng các sư tử, nên chúng nó không làm hại chi đến tôi, bởi tôi đã được nhận là vô tội trước mặt Ngài" (câu 22). Có lẽ nhiều người khác tìm thấy tội nơi anh em, nhưng miễn là Đức Chúa Trời hằng sống nói anh em vô tội, thì đủ tốt rồi. Chúng ta không phải lúc nào cũng cần bào chữa cả. Hãy để Đức Chúa Trời biện minh cho anh em. Sau đó, các sư tử không thể chạm đến anh em được.

"Hỡi vua, đối với vua cũng vậy, tôi chẳng từng làm hại gì. Bấy giờ vua mừng rỡ lắm, và truyền đem Ða-ni-ên lên khỏi hang. Vậy Ða-ni-ên được đem lên khỏi hang, và người không thấy một vết tích nào trên người, bởi người đã nhờ cậy Ðức Chúa Trời mình. Theo lịnh vua, những kẻ đã kiện Ða-ni-ên ấy cùng con cái và vợ họ đều bị điệu đến quăng vào hang sư tử. Khi họ chưa đến dưới đáy hang, thì những sư tử đã vồ lấy và xé xương hết thảy" (câu 22-24).

Nếu chúng ta làm được lời chứng như vậy, chúng ta sẽ để lại ấn tượng trong toàn vương quốc - một minh chứng cho sự tác động của Đức Chúa Trời hằng sống. Ngợi khen Chúa - sau sự chết là sự phục sinh! Một lời chứng như vậy thật mạnh mẽ.
"Bấy giờ, vua Ða-ri-út viết cho hết thảy các dân, các nước, các thứ tiếng ở khắp trên đất rằng: Nguyền cho sự bình an các ngươi được thêm lên! Ta ban chiếu chỉ rằng, trong khắp các miền nước ta, người ta phải run rẩy kính sợ trước mặt Ðức Chúa Trời của Ða-ni-ên" (câu 25-26). Một lời chứng như vậy làm ảnh hưởng cả trái đất. Cũng như ở các môn đệ Chúa Giê-su. Không chỉ lời giảng tốt của họ mà lời chứng của họ đã làm đảo lộn thế giới. Họ đã là nhân chứng cho sự oai nghi của Ngài (2. Phi-e-rơ 1:16). Họ làm chứng cho những gì mắt họ đã thấy. Đó là một lời chứng mạnh mẽ. Nếu chúng ta chỉ trích dẫn Kinh Thánh thì không đủ. Ngày nay, chúng ta cần nhiều kinh nghiệm với Đức Chúa Trời hằng sống - trưởng thành nhiều trong sự sống. Chúng ta hãy trung tín đến cuối cùng.
(Sưu Tầm)