Thứ Tư, 6 tháng 8, 2014

Con Người Đặt Tay Trên Mặc khải Của Đức Chúa Trời


Mặc khải đồng nghĩa với khải thị, nhưng khác nghĩa với khải tượng (tầm nhìn, sự hiện thấy). Châm Ngôn 29:18 chép, “Đâu thiếu khải tượng, dân chúng tứ tán”. Câu nầy ngụ ý khải tượng chi phối đời sống người tín đồ.

Mặc khải trong tâm linh, khải tượng trong tâm trí, trong tâm hồn. Trong sách Mathio 16 và 17 Chúa Jesus phân biệt mặc khải và khải tượng như sau- Chúa nói cùng Phi-e-rơ : “Si-môn, con Giô-na ơi, ngươi có phước đó, vì chẳng phải thịt và huyết bày tỏ điều ấy cho ngươi đâu; bèn là Cha ta ở trên trời vậy”. Động từ “bày tỏ” nầy theo nguyên văn Hi lạp là “khải thị”. Sáu ngày sau đó, Chúa đem ba môn đồ, trong đó có Phiero lên núi cao. Ngài biến bình trước mặt họ, và có Môi-se và Ê-li hiện ra nói chuyện với Ngài. Cả cảnh tượng đó là khải tượng cho Phi-r-rơ. Đang khi xuống núi, Chúa dặn họ, “Chớ thuật lại dị tượng ấy cho ai cả, cho đến khi Con người từ kẻ chết sống lại."  Danh từ “dị tượng đây là “khải tượng, là tầm nhìn” trong tâm trí.

·        Những người chấp hành mặc khải của Đức Chúa Trời:

Vào thời Nô-ê chưa có mưa, dân chúng chưa biết mưa là gì cả. Nhưng khi Đức Chúa Trời ban khải thị và khải tượng cho Nô-ê về mưa gió, lũ lụt sẽ đến trên địa cầu, ông tin. Thơ Hê-bơ-rơ 11:7 chép, “Bởi đức tin Nô-ê được Chúa mách bảo về những điều chưa thấy, động lòng kính sợ mà sắm sửa một chiếc tàu để cứu nhà mình; bởi đó người định tội cho thế giới, và trở nên kẻ thừa kế sự công nghĩa theo đức tin”. “Những điều chưa thấy” đây là mưa gió, bão lụt. Nhưng Nô-ê đã nhìn thấy mưa, lũ lụt và chiếc tàu vuông trong mặc khải và khải tượng, ông hết lòng tin theo. Nô-ê còn rao giảng về cơn lũ lụt sẽ là sự phán xét của Đức Chúa Trời cho dân chúng thời đại ông, có lẽ suốt gần 120 năm. Phi-e-rơ gọi ông là Thầy giảng đạo sự công bình (2 Phiero 2:5).

Sáng thế ký 6:22; 7:5, 9, 16, tất cả bốn lần chép, “Nô ê làm các điều nầy y như lời Đức Chúa Trời đã phán dặn”. Bốn câu nầy ngụ ý Nô-ê tuân theo cách trọn vẹn mọi mặc khải, khải tượng Chúa ban cho mình thấy. Ông không sửa đổi, không đem ý kiến gì của mình vào.

Sách Xuất hành 24 đến 32 chép việc Đức Chúa Trời kêu Môi-se lên núi Sinai sống trước mặt Ngài trong 40 ngày đêm. Ngài mặc khải, ban khải tượng cho ông mọi chi tiết về sự xây đựng đền tạm trong đồng hoang. Tâm trí Môi-se rất tốt nên ông ghi nhớ và thuộc lòng mọi nội dung. Cụm từ “y như Đức Giê-hô-va đã truyền lịnh” xuất hiện 19 lần trong các chương 38, 29 và 40 sách Xuất hành. –ngụ ý Môi se vâng theo mọi mặc khải, khải tượng của Chúa ban cho về đền tạm. Các thợ thầy, công nhân làm theo y lời Đức Giê-hô-va đã truyền cho Môi-se.

·        Những người lợi dụng mặc khải của Đức Chúa Trời:

KInh thánh Cựu ước còn chép về bàn tay con ngươi dám đặt trên mặc khải của Đức Chúa Trời:

Đức Chúa Trời nhiều lần hiện ra cùng Abraham, ban cho ông nhiều mặc khải và khải tượng về dòng dõi của ông. Sáng thế ký 13: 15 và 17: 8 chép, “Vì cả xứ nào ngươi thấy, ta sẽ ban cho ngươi và cho dòng dõi ngươi đời đời.-- Ta sẽ cho ngươi cùng dòng dõi ngươi xứ mà ngươi đương kiều ngụ, tức toàn xứ Ca-na-an, làm cơ nghiệp đời đời”. Dòng dõi nầy, trước nhất là Y-sác, để sinh ra dân tộc Israel. Ý nghĩa thứ hai là Đấng Christ (Galati 3:16), dòng dõi Abraham vì Mathio 1:1 chép,Gia phổ của Jêsus Christ, con Đa-vít và con Áp-ra-ham”. Anh em chú ý sứ đồ Mathio không dùng chữ “cháu”, mà dùng chữ “con”(son).

Sau khi vào ở trong xứ 10 năm, Abraham không thấy Sara sinh con, nên ông muốn giúp đỡ Đức Chúa Trời. Ông đặt tay trên mặc khải của Ngài. Aga là giải pháp của ông làm cho mặc khải sớm ứng nghiệm. Trải qua các thời đại, khi Đức Chúa Trời dấy lên một chiếc bình trong đồng vắng, Ngài ban mặc khải, khải tượng và sứ mạng cho chiếc bình đó thi hành. Các thế hệ tiếp theo sau thường tổ chức nầy nọ để tôn vinh chiếc bình, để duy trì nguyên tắc làm việc của bậc tiền bối của mình mà ông đã nhìn thấy trước kia trong khải tượng của Đức Chúa Trời ban cho. Con người muốn giúp đỡ Đức Chúa Trời, có lòng tốt thiên nhiên, muốn đẩy mạnh cho mặc khải phát triển nhanh hơn nữa. Kết quả Abraham rơi vào tình trạng tối tăm. Đức Chúa Trời ẩn mặt với ông trải 13 năm, không khải thị cho ông gì cả. Đó là hậu quả của những người muốn duy trì khải thị của Đức Chúa Trời bằng lòng tốt thiên nhiên.

Đang khi mang thai, Rê-be-ca cầu hỏi Chúa. Chúa ban cho bà sự khải thị. Kinh thánh chép, “Nhưng vì thai đôi làm cho đụng nhau trong bụng, thì nàng nói rằng: Nếu quả thật vậy, cớ sao điều nầy xảy đến làm chi? Đoạn, nàng đi hỏi Đức Giê-hô-va. Đức Giê-hô-va phán rằng: Hai nước hiện ở trong bụng ngươi, và hai thứ dân sẽ do lòng ngươi mà ra; dân nầy mạnh hơn dân kia, và đứa lớn phải phục đứa nhỏ” (Sáng 25: 22-13). Rê-be-ca có kể lại mặc khải nầy cho chồng mình là Y-sác nghe không mà về sau Y-sác cố quyết chúc phước cho Ê-sau? Rê-be-ca giữ kỹ khải thị đó trong lòng mãi 15 hay 20 năm sau, khi Gia-cốp khôn lớn bà mới kể lại cho Gia-cốp biết. Nhưng tại sao hai mẹ con không tin cậy lời Chúa nói, không chờ đợi mặc khải ứng nghiệm mà lại đồng lõa, âm mưu bảo vệ quyền thừa kế của Gia cốp mà Đức Chúa Trời thiết lập, theo cách gian xảo, quỉ quyệt của mình?

Đó là vết xe đổ của rất nhiều tôi tớ, con dân Chúa. Họ được ban cho mặc khải thần thượng như tiên tri Balaam, vua Sau-lơ, như Gia cơ , em Chúa, như Đê ma v..v.. Rất tiếc họ đưa bàn tay xác thịt vào khải tượng của Đức Chúa Trời. Họ dùng các phương pháp gian ác, bất nghĩa, quỉ quyệt để thực hiện mặc khải của Đức Chúa Trời cho dù có gây tổn hại hay giày đạp bất cứ ai trên đường đi tới của họ. Cuối cùng mặc khải của Đức Chúa Trời phải ứng nghiệm, nhưng các công nhân bất nghĩa, bất pháp đó không thoát khỏi sự hình phạt đích đáng của Chúa.

Về Giô-sép Cựu ước, Kinh thánh chép, “Giô-sép có nằm chiêm bao, thuật lại cho các anh mình nghe; họ càng thêm ganh ghét nữa.  Người nói rằng: Tôi có điềm chiêm bao, xin các anh hãy nghe tôi thuật:  Chúng ta đương ở ngoài đồng bó lúa, nầy bó lúa tôi đứng dựng lên, còn bó lúa của các anh đều đến ở chung quanh, sấp mình xuống trước bó lúa tôi. 8 Các anh người bèn đáp rằng: Vậy, mầy sẽ cai trị chúng ta sao? mầy sẽ hành quyền trên chúng ta sao? Họ càng ganh ghét hơn nữa, vì điềm chiêm bao và lời nói của chàng”.

 “Giô-sép lại nằm chiêm bao nữa, thuật cùng các anh mình rằng: Tôi còn có một điềm chiêm bao nữa: Nầy mặt trời, mặt trăng, và mười một ngôi sao đều sấp mình xuống trước mặt tôi!  Chàng thuật chiêm bao đó lại cho cha và các anh mình nghe; nhưng cha chàng quở mà hỏi rằng: Điềm chiêm bao của mầy đó có nghĩa chi? Có phải tao, mẹ, và các anh mầy đều phải đến sấp mình xuống đất trước mặt mầy chăng?  Các anh lấy làm ganh ghét chàng; còn cha lại ghi nhớ lấy điều đó” (Sáng 37: 5-11). Khuyết điểm của Giô-sép là có tánh khoe khoang, tự thị về mặc khải thần thượng Chúa ban cho mình.

Tôi thường nghe nhiều đầy tớ vĩ đại của Đức Chúa Trời lặp đi, lặp lại các khải tượng của mình. Tôi là ai mà dám lên án hay xét đoán họ, nhưng tôi nhận được lời cảnh báo cho cái miệng ưa khoe khoang của chúng ta, khi chúng ta nhận được khải thị, khải tượng nào đó về ý nghĩa một số câu kinh thánh, hay sự thu đạt bông trái trong sứ mạng của Chúa giao cho, chúng ta chớ có khoe khoang nhiều lần.

Anh em ơi, tôi cảm thấy thật không dễ dàng để có kinh nghiệm như Phao-lô nói trong 2 Corinhto 12: 1-10 như sau, “Tôi cần phải khoe khoang, dầu chẳng có ích gì; nhưng nay tôi nói đến các dị tượng và sự khải thị của Chúa. Tôi biết một người trong Christ, cách mười bốn năm trước đây, đã được cất lên đến từng trời thứ ba - hoặc trong thân thể tôi chẳng biết, hoặc ngoài thân thể, tôi cũng chẳng biết, có Đức Chúa Trời biết.  Tôi biết thể nào người đó - hoặc trong thân thể, hoặc ngoài thân thể, tôi cũng chẳng biết, có Đức Chúa Trời biết -  được đem đến Lạc-viên, nghe những lời không thể nói, mà người nào cũng không được phép nói ra. Về người đó tôi sẽ khoe khoang, nhưng về chính mình tôi, tôi không khoe khoang đâu, chỉ khoe về sự yếu đuối của tôi mà thôi.  Nếu tôi muốn khoe khoang, thì tôi cũng không phải là ngu dại, vì điều tôi nói là thật; nhưng tôi tự cấm, kẻo có ai nghĩ tôi vượt quá sự họ thấy ở nơi tôi hoặc nghe tôi nói.  Lại e rằng tôi quá tự cao bởi sự khải thị lớn lao cả thể chăng, nên đã cho một cái giằm xóc vào thịt tôi, tức là một sứ giả của Sa-tan, để thoi vả tôi, hầu cho tôi khỏi quá tự cao.  Về điều nầy tôi đã ba lần nài xin Chúa khiến nó lìa khỏi tôi.  Nhưng Ngài phán cùng tôi rằng: “Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì quyền năng của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối.” Vậy, tôi lấy làm vui thà khoe khoang về sự yếu đuối tôi, hầu cho quyền năng của Đấng Christ ở trên tôi. Cho nên vì cớ Christ tôi vui lòng chịu sự yếu đuối, nhục nhã, túng ngặt, bắt bớ, khốn khổ; vì khi tôi yếu đuối, ấy là lúc tôi mạnh mẽ”.

Ông có được khá nhiều mặc khải, khải tượng Chúa ban cho. Ông có thể dễ dàng khoe khoang hoặc làm chứng cho thính giả há hốc mồm ngồi nghe ông nói. Nhưng Chúa đã xử lý ông, Ngài thương xót dùng cái giằm xóc để cầm giữ cái miệng ưa khoe khoang và tấm lòng dễ tự cao của ông. Nên ông chôn giấu nhiều khải tượng, nhiều sự hiện thấy, mà chỉ muốn khoe khoang những sự yếu đuối của mình mà thôi.

Trước khi qua đời, bằng cách nào đó Đức Chúa Trời đã khải thị cho Giô-sép về cuộc xuất hành sau nầy của Israel ra khỏi Ai-cập. Giô sép nói, “Kế, Giô-sép nói cùng các anh em rằng: Em sẽ chết, nhưng Đức Chúa Trời sẽ đến viếng các anh em thật; đem các anh em về xứ mà Ngài đã thề hứa cùng Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia-cốp. Giô-sép biểu các con trai của Y-sơ-ra-ên thề mà rằng: Quả thật, Đức Chúa Trời sẽ đến viếng các anh em; xin anh em hãy dời hài cốt tôi khỏi xứ nầy” (Xuất 5:24-25).

Tôi tin rằng Môi-se đã nghe cha mẹ ông thuật lời trối nầy của Giô-sép. Cho nên sau 40 năm sống trong cung điện Ai cập, học được cả văn hóa và học thuật của người Ai cập, Môi se tự thị, tình nguyện dâng mình thực hiện khải thị sự giải phóng dân tộc mà Đức Chúa Trời ban cho Giô sép mấy trăm năm về trước. Trong Công vụ 7:25, Chấp sự Ê-tiên nói rất chí lí về tình tiết nầy “Người tưởng anh em mình chắc hiểu rằng Đức Chúa Trời dùng tay mình giải cứu họ, nhưng họ chẳng hiểu” (7:25).

Tạm gọi Môi se là thế hệ kế thừa khải thị của Giô sép. Theo thường lệ, trong giai đoạn kế thừa các vĩ nhân,- những người nhận khải thị trực tiếp (first hand) từ Đức Chúa Trời,- con người thường dùng năng lực thiên nhiên phụng sự Chúa. Vì nhận được mặc khải theo truyền thống (second hand), họ không còn thừa kế sự tươi mới, sự sống dư dật của thế hệ đi đầu.

Để cố duy trì mức lượng sự sống, nhiều hội thánh soạn ra nhiều loại sách để tín đồ dùng lời cầu nguyện có sẵn. Có người chế ra 10 lời cầu nguyện như lời con vẹt nói cho tín đồ dùng vào giờ dưỡng linh buổi sáng. Chỉ tụng những bài đó lên là được, bất kể có chạm được Chúa hay không. Mọi sinh hoạt tín ngưỡng, dưỡng linh, nhóm họp, phụng sự Chúa đều được công thức hóa, cô đọng thành bài bản chết cứng, vô hồn, không có sự sống. Họ dùng lời giảng dạy của các vĩ nhân đi trước choán chỗ lời tươi mới cập nhật mà con cái Chúa có thể có được cách cá nhân mỗi khi nhóm họp.

I Corinhto 14:26 chép, “Anh em ơi, vậy, phải thể nào? Khi nhóm lại, thì mỗi người trong anh em, ai có thi thiên,  ai có sự dạy dỗ, ai có sự khải thị, ai có tiếng lạ, ai có thông dịch: hãy làm mọi sự cho được gây dựng” (theo bản Hi lạp).

Động từ “có” xuất hiện 5 lần trong câu nầy. Động từ nầy ở thì hiện tại năng động. Người tham gia nhóm họp có thể hoặc phải có một trong 5 điều đó theo cách cá nhân. Rồi câu 30 nói thêm, “Song nếu có kẻ khác ngồi đó được sự khải thị thì người đương nói trước phải nín lặng”. Con dân Chúa nhóm với tính cách hỗ tương san sẽ lời Chúa. Một số người nào đó có thể góp phần điều tươi mới trong lòng mình cho buổi nhóm. Thế mà ngày nay có lắm người in sẵn lời giảng dạy của ai đó và động viên các thánh đồ nói lại lời đó như con vẹt. Lời giảng của người khác là mana quá cữ.

Tôi thấy mọi sinh hoạt hội thánh, mọi chuyển động công tác được bài bản hóa thành công thức, khẩu hiệu vô hồn, đầy sự chết chóc, không có sự tươi mới, đang còng xiểng dân Chúa trong hệ thống văn tự chết. Sứ đồ Phao-lô muốn dân Chúa đem sự mặc khải trực tiếp ( first hand), sự khải thị tươi mới vào buổi nhóm hội thánh. Đừng đem mặc khải quá hạn (second hand) vào.

Kết luận.

Tôi không hề ngụ ý chúng ta phải nhận được sự khải thị khác lạ ngoài Kinh thánh. Nếu bạn không nhận được khải thị tươi mới từ Lời Kinh thánh, bạn không có khả năng truyền sự sống của Chúa cho hội thánh. Người có khẩu tài có thể lặp lại bài giảng của người khác cho hội thánh, nhưng đó chỉ là văn tự suông, là diễn lại các ý tưởng của người khác. Không phải một lời sống từ Đức Chúa Trời ban cho cách tươi mới.
Chúng ta cần sự mặc khải trực tiếp (first hand ) từ Chúa. Nhưng rất tiếc loài người thiên nhiên của chúng ta dám đặt tay trên mặc khải thần thượng. Khải thị do truyền khẩu (second hand) đem lại sự chết chóc khi chúng ta đưa năng lực con người điền vào sự thiếu hụt sự sống tươi mới.
Nguyện Chúa cứu chúng ta.
Minh Khải 6-8-2014