Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2014

Điều gì sẽ đến với nhân loại?

White Cosmos Flowers Blue Sky Stock Photography

Hôm nay chúng tôi muốn đề cập đến câu hỏi: Điều gì sẽ đến với nhân loại? Chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời trong Kinh Thánh, vì Kinh Thánh là lời của Đức Chúa Trời.
Có lẽ một số người chờ đợi để biết ngày nào là tận thế. Tuy nhiên, một ngày như vậy chúng ta không thể tính được, vì Kinh Thánh nói rằng chúng ta không thể biết Đấng Christ trở lại vào ngày nào và giờ nào (Ma-thi-ơ 24:36). Nhưng nó không có nghĩa là chúng ta không biết điều gì sẽ đến với chúng ta. Tuy không biết ngày và giờ, nhưng Kinh Thánh cho chúng ta biết một số dấu hiệu để nhận biết thời đại này sẽ kết thúc khi nào và ra sao, cũng như khi nào Đấng Christ đến trái đất này lần thứ hai. Hôm nay chúng ta sẽ xem xét kỹ những dấu hiệu này.


Lần đến đầu tiên của Đấng Christ
"Đấng Christ" trong tiếng Do Thái (Hebrew) có nghĩa là Đấng Mê-si. Qua nhiều chỗ trong Cựu Ước, Đức Chúa Trời đã hứa rằng Đấng này sẽ đến.Trước khi xem xét các điều tiên tri về lần đến thứ hai của Đấng Christ, chúng ta phải thấy rõ rằng tất cả những điều tiên tri về lần đến đầu tiên của Ngài đã được ứng nghiệm hoàn toàn. Việc Đấng Christ đến trái đất này cách đây khoảng 2000 năm đã được báo trước. Từ rất lâu trước khi Ngài đến, Kinh Thánh đã bày tỏ vô số những lời tiên tri mà Chúa Giê-su Christ phải thực hiện trọn vẹn. Xin nêu vài ví dụ ở dưới đây:
  • Trong sách tiên tri Đa-ni-ên (khoảng năm 600 trước CN), Kinh Thánh đã cho biết cụ thể về thời gian mà Đấng Christ đến lần đầu tiên. Đấng Christ đã tuân thủ chính xác thời gian này. Trong phần sau chúng ta sẽ xem xét điều này kỹ hơn.
  • Vào khoảng năm 700 trước CN, tiên tri Mi-chê đã cho biết Đấng Christ được sinh ra ở đâu, cụ thể là ở Bết-lê-hem. Lời tiên tri này cũng đã được ứng nghiệm.
  • Kinh Thánh có bao gồm nhiều chi tiết về gia phả của Đấng Christ. Nhiều thế kỷ trước khi Ngài sinh ra, Kinh Thánh đã cho biết trước ai sẽ là mẹ, là bà ngoại, bà cố,... của Chúa Giê-su. Tất cả đều đã xảy ra một cách chính xác.
  • Nhiều người biết chuyện Giu-đa phản bội Chúa Giê-su trước khi Ngài chịu đóng đinh. Nhưng vào khoảng năm 700 trước CN, Xa-cha-ri không những cho biết rằng Chúa Giê-su sẽ bị Giu-đa phản mà còn cho biết trước số tiền mà Giu-đa nhận để phản Đấng Christ là 30 nén bạc. Chi tiết này cũng đã được ứng nghiệm chính xác.
  • Kinh Thánh cũng có vô số chi tiết về việc Đấng Christ chịu chết trên thập tự giá. Khoảng 1000 năm trước CN, vua Đa-vít đã nói tiên tri rằng Đấng Christ sẽ chết như thế nào. Thậm chí ông còn nhắc đến chuyện áo quần của Đấng Christ lúc Ngài bị đóng đinh sẽ ra sao. Điều tiên tri này cũng đã được ứng nghiệm chính xác.
  • Nhiều tiên tri lớn đã làm chứng về việc Đấng Christ phục sinh từ những kẻ chết. Tiên tri Giô-na còn cho biết rằng Đấng Christ sẽ sống lại vào ngày thứ ba. Điều này đã xảy ra và đã được nhiều người xác nhận.
Như vậy, chúng ta thấy Đấng Christ đã làm ứng nghiệm hoàn toàn mọi điều tiên tri về lần đến đầu tiên của Ngài. Không có điều nào mà không xảy ra. Cũng như Ngài đã thực hiện chính xác mọi lời tiên tri này, Ngài cũng sẽ làm ứng nghiệm chính xác mọi lời tiên tri
về lần đến thứ hai. Những gì đã được mô tả trong Kinh Thánh sẽ phải xảy ra. Bây giờ chúng ta xem xét vài điều tiên tri kỹ hơn.

Nước Israel

"Nhưng hãy học bài học từ cây vả: Khi cành trở nên mềm, ra lá thì các ngươi biết mùa hè sắp đến. Cũng vậy, khi các ngươi thấy tất cả những điều nầy thì biết rằng nó đã đến gần, đang ở ngay trước cửa" (Ma-thi-ơ 24:32-33).
Ở đây, Chúa Giê-su nói đến tận thế đã gần đến, đang ở trước cửa. Ngài dùng hình ảnh cây vả. Trong Kinh Thánh, cây vả là hình ảnh ám chỉ nước Israel. Nhiều tiên tri như Ô-suê, Ê-sai, Giê-rê-mi đã dùng hình ảnh này để nói tiên tri về nước Israel. Như vậy trong đoạn trên, Chúa Giê-su cũng nói đến nước Israel: Khi cành của cây vả thức dậy sau khi ngủ đông (cành trở nên mềm) thì mùa hè sắp đến. Qua dụ ngôn này, Chúa Giê-su ám chỉ điều gì? Ngài nói đến sự thay đổi nào? Vào năm 70 sau CN, Jerusalem bị quân của tướng La Mã là Titus phá hủy hoàn toàn, đến nỗi từ lúc đó trở đi nước Israel bị xóa sổ khỏi bản đồ thế giới. Hơn 1800 năm đã không có nước Israel nào trên trái đất. Chỉ vào năm 1948, quốc gia Israel mới được thành lập trở lại. Cây vả đã thức dậy sau khi ngủ đông và mọc lá mới. Như vậy chúng ta biết từ năm 1948, tận thế đã ở trước cửa. Nhưng Kinh Thánh cũng cho chúng ta các dấu hiệu khác để chúng ta biết mình đang ở thời gian nào và để chúng ta có thể chuẩn bị.

Jerusalem

Qua dụ ngôn về cây vả, Chúa Giê-su nói đến toàn bộ quốc gia Israel. Trong chương 21 của sách Phúc Âm Lu-ca, Ngài nói cụ thể hơn: Ở đây Ngài nói đến Jerusalem, thủ đô của nước Israel. Ngài nói: "... và Jerusalem sẽ bị giẫm đạp bởi dân ngoại, cho đến khi các thời kỳ của các dân ngoại được trọn" (Lu-ca 21:24). Có một thời kỳ mà Jerusalem đã bị giẫm đạp (bị thống trị) bởi các dân tộc khác. Trong khoảng thời gian đó, không phải người Do Thái mà các dân ngoại đã thống trị ở Jerusalem. Đầu tiên là dân La Mã, rồi đến các dân tộc khác. Sau khi quốc gia Israel được thành lập vào năm 1948, thì Đông Jerusalem vẫn còn bị "dân ngoại" kiểm soát, cụ thể là người Ả Rập. Chúa Giê-su gọi toàn bộ thời gian này là các thời kỳ của các dân ngoại. Các thời kỳ này kết thúc khi Jerusalem nằm ở dưới quyền của Israel. Điều này đã xảy ra vào năm 1967 trong Cuộc chiến tranh 6 ngày, khi Israel chinh phục được Đông Jerusalem về lại cho mình. Từ năm 1967, dân ngoại không còn quản lý Jerusalem nữa, như vậy các thời kỳ của các dân ngoại đã kết thúc. Lu-ca 21:24 đã được ứng nghiệm vào năm 1967. Tuy nhiên, Kinh Thánh còn cho chúng ta biết thêm nhiều chi tiết nữa.

Núi Đền

Núi Đền nằm ở Đông Jerusalem, hiện nay bị người Palestine kiểm soát. Người ta chỉ được tham quan núi này dưới sự giám sát chặt chẽ của họ. Chỉ có phần tây của Núi Đền, Bức tường Than Khóc, mới ở duới sự quản lý của người Israel. Tại sao Núi Đền lại quan trọng như thế? Thứ nhất, ở trên núi này, vua Sa-lô-môn đã xây ngôi đền đầu tiên cho Đức Chúa Trời vào khoảng năm 1000 trước CN. Thứ hai, đền thờ ở trên Núi Đền là nơi duy nhất mà Đức Chúa Trời đã chọn, để người Do Thái thờ Ngài và dâng của lễ. Khi người Do Thái ở thời Cựu Ước muốn dâng của lễ, họ phải đến Núi Đền và mang của lễ vào đền thờ. Họ không được phép dâng của lễ ở nơi khác. Người Do Thái phải thờ phượng ở đó ba lần trong năm. Vì lý do này mà cho đến ngày nay, Núi Đền vẫn là thánh địa có ý nghĩa quan trọng nhất của người Do Thái.
Nhưng Núi Đền không chỉ quan trọng đối với Do Thái Giáo, mà còn quan trọng đối với Hồi Giáo, tôn giáo của người Ả Rập. Đối với Hồi Giáo, Núi Đền là thánh địa quan trọng thứ ba, chỉ sau Mecca và Medina. Do đó hình thành mâu thuẫn chính của khu vực Trung Đông: Cả người Do Thái lẫn người Ả Rập đều muốn giành Đông Jerusalem cho mình trong Giải pháp hai nhà nước. Một bài viết trong ngày 30/09/2013 của báo điện tử IsraelHeute.com cho biết rằng "Người Palestine muốn tách phần đông của thủ đô, bao gồm phố cổ, Núi Đền và Bức tường Than Khóc để làm thủ đô của họ. Nhưng đa số người Israel đã phản đối điều này". Ở đây có thể thấy rõ trọng tâm của mâu thuẫn: người Do Thái lẫn người Ả Rập đều muốn giành Núi Đền cho mình. Vì thế, hòa bình thực sự ở Trung Đông chỉ đạt được khi mâu thuẫn này được giải quyết.

70 tuần lễ trong sách tiên tri Đa-ni-ên

Sách Đa-ni-ên của Kinh Thánh có một lời tiên tri quan trọng nói chính xác về mâu thuẫn này. Trong Ma-thi-ơ 24, chính Chúa Giê-su đã nhắc đến lời tiên tri đó khi Chúa nói rất tỉ mỉ về lần đến thứ hai của Đấng Mê-si. Ngài phán: "Khi các ngươi thấy điều gớm ghiếc hoang tàn ở Nơi Thánh, như lời tiên tri Đa-ni-ên đã nói (ai đọc phải hiểu)" (Ma-thi-ơ 24:15). Ở đây, Chúa Giê-su nhắc đến chương 9 của sách Đa-ni-ên, là chương mô tả về lần đến thứ nhất và thứ hai của Đấng Mê-si. Để hiểu rõ hơn về lần đến thứ hai của Ngài, chúng ta phải đọc lời tiên tri của Đa-ni-ên, như chính Chúa Giê-su đã phán:
"Có 70 tuần lễ định trên dân ngươi và thành thánh ngươi [...] Vậy ngươi hãy biết và hiểu rằng từ khi ra lệnh khôi phục và xây lại Jersusalem, cho đến Đấng chịu xức dầu, tức là vua, thì được 7 tuần lễ và 62 tuần lễ; thành đó sẽ được xây lại, có đường phố và chiến hào, ngay trong thời kỳ khó khăn. Sau 62 tuần lễ đó, Đấng chịu xức dầu sẽ bị trừ đi, và Ngài sẽ không có gì cả. Dân của một vị thủ lãnh sắp đến sẽ hủy phá thành và nơi thánh; sự cuối cùng sẽ đến như nước lụt; cho đến cuối cùng là chiến tranh, và cảnh hoang tàn đã được ấn định" (Đa-ni-ên 9:24-26).
Để hiểu đúng đoạn này, chúng ta phải hiểu cách tính thời gian của tiên tri Đa-ni-ên. Khi Đa-ni-ên dùng từ "tuần lễ", ông không nói đến một tuần lễ với bảy ngày. mà ông nói đến "tuần lễ của năm". Một tuần lễ của năm gồm có 7 năm. Như vậy 70 tuần lễ đã được ấn định cho dân Israel có nghĩa là 70 x 7 = 490 năm.
Ngoài ra, Đa-ni-ên không dùng năm theo dương lịch, mà dùng "năm tiên tri". Một năm tiên tri có chính xác 360 ngày. Chính Kinh Thánh đã cho chúng ta biết điều này qua Đa-ni-ên 7:25, Khải Huyền 11:3, 12:6. Vì thế chúng ta có thể vẽ được trục thời gian như hình sau.
Hình 1: Trục thời gian theo Đa-ni-ên 9:24-27

Điểm bắt đầu của trục thời gian này là khi vua Ba Tư Át-ta-xét-xe ra sắc lệnh xây dựng lại Jerusalem vào ngày 05/03/444 trước CN, vì Jerusalem đã bị phá hủy hoàn toàn. Sau đó, bắt đầu 7 tuần lễ và 62 tuần lễ: bảy tuần lễ (= 49 năm) để xây dựng xong Jerusalem, và 62 tuần sau đó (= 434 năm), Đấng được xức dầu đến, Ngài cũng là vua. Đấng được xức dầu này là Giê-su Christ (Ma-thi-ơ 16:16). Từ sắc lệnh xây dựng lại Jerusalem của Át-ta-xét-xe cho đến lúc Giê-su Christ vào thành Jerusalem (Xa-cha-ri 9:9; Ma-thi-ơ 21:9) vào ngày 30/3/33 sau CN chính xác là 483 năm (năm tiên tri). Giê-su Christ đã giữ đúng thời gian biểu này chính xác, thật ấn tượng.
Đa-ni-ên đã cho chúng ta biết rằng sau 62 tuần, Đấng chịu xức dầu sẽ bị trừ đi. Điều này cũng đã được ứng nghiệm hoàn toàn, vì sau khi lên Jerusalem sáu ngày, Ngài đã chịu đóng đinh và chết trên thập tự giá.
Sau đó, Đa-ni-ên cho biết dân của một thủ lĩnh sẽ phá hủy thành Jerusalem hoàn toàn. Thủ lĩnh trong lời tiên tri này là tướng La Mã Titus. Cùng với quân đội của mình, hắn đã phá hủy và san bằng thành Jerusalem vào năm 70 sau CN.

7 năm cuối cùng

Rồi Đa-ni-ên viết tiếp trong câu 27: "Và bởi quyền lực, hắn sẽ lập một hiệp ước với nhiều người trong một tuần lễ. Và vào giữa tuần ấy, hắn sẽ hủy bỏ của lễ thiêu và của lễ thức ăn. Trong nơi thánh, sự gớm ghiếc hoang tàn được dựng lên, cho đến khi sự hủy diệt cuối cùng đã được ấn định giáng trên kẻ gây nên cảnh hoang tàn".
Giữa hai câu 26 và 27 là một bước nhảy vượt thời gian, vì thời kỳ của Tân Ước đã bị giấu kín đối với những tiên tri trong thời Cựu Ước (xem Ê-phê-sô 3:5). Câu 27 bắt đầu với một hiệp ước, hiệp ước này sẽ kéo dài trong một tuần lễ. Tuần lễ này (=7 năm) là tuần lễ cuối cùng, tuần lễ thứ 70 của lời tiên tri. Thế ngày nay chúng ta đang thời gian nào? Trục thời gian trong hình 1 cho thấy chúng ta đang ở gần tuần lễ cuối này. Khi nào tuần lễ này bắt đầu thì chúng tôi không thể nói được. Nhưng những dấu hiệu của thời đại và sự phát triển của chính trị thế giới ngày nay cho chúng ta biết rằng nó sẽ không còn kéo dài lâu nữa.
Đa-ni-ên 9:27 nói đến một hiệp ước được lập vào lúc bắt đầu bảy năm cuối. Những người tham gia hiệp ước ở đây là "nhiều người", cụ thể là người Do Thái và dân ngoại (người Ả Rập). Đa-ni-ên cho biết thời hạn của hiệp ước này là một tuần. Có nghĩa là sẽ có một hiệp ước kéo dài bảy năm giữa người Do Thái và người Ả Rập. Tại sao lại cần một hiệp ước như vậy? Trong các đoạn trước, chúng ta đã thấy rằng giữa người Do Thái và người Ả Rập có một mâu thuẫn lớn, đó là tương lai của Núi Đền. Vì vấn đề này ngày nay chưa được giải quyết nên cả khu vực Trung Đông có nhiều bạo động và chiến tranh. Những bạo động này sẽ có hồi kết: một ngày kia, một hiệp ước có thời hạn bảy năm sẽ được ký kết giữa người Do Thái và người Ả Rập. Hiệp ước này cho phép người Do Thái thờ phượng Đức Chúa Trời bằng cách dâng của lễ trên Núi Đền ở Jersusalem. Ngày nay, người Do Thái bị cấm thờ phượng như vậy ở trên Núi Đền, vì núi này đang bị người Palestine kiểm soát.
Đa-ni-ên nói tiếp: "Và vào giữa tuần ấy, hắn sẽ hủy bỏ của lễ thiêu và của lễ thức ăn". Như vậy, hiệp ước hòa bình sẽ bị hủy bỏ vào giữa thời hạn: 3,5 năm từ khi ký hiệp định sẽ có một người sẽ hủy bỏ việc thờ phượng và dâng của lễ của người Do Thái trên Núi Đền ở Jerusalem. Hiệp ước hòa bình sẽ được chia làm hai phần, mỗi phần kéo dài 3,5 năm. Hiệp ước hòa bình sẽ được ký với thời hạn bảy năm và sau 3,5 năm lại bị hủy bỏ. Sau đó, thời kỳ mà Kinh Thánh gọi là "Cơn đại nạn" (xem Ma-thi-ơ 24:21) sẽ bắt đầu. Cơn đại nạn sẽ đến trên toàn trái đất và sẽ kéo dài 3,5 năm. Chúng ta có thể tóm tắt các sự kiện ở trong hình 2. Vào năm 1948, nước Israel được thành lập. Vào năm 1967, Israel giành lại quyền làm chủ Jerusalem. Điều còn thiếu chính là sự thỏa hiệp giữa người Do Thái và người Ả Rập về Núi Đền. Theo Đa-ni-ên 9:27, hiệp ước hòa bình này phải thỏa hai điều kiện sau:
  1. Cho phép người Do Thái dâng của lễ trên Núi Đền tại Jersusalem.
  2. Có thời hạn 7 năm.
Vào giữa tuần lễ, nghĩa là sau 3,5 năm, hiệp ước này sẽ bị hủy bỏ và việc dâng của lễ của người Do Thái trên Núi Đền sẽ bị chấm dứt. Sau đó, cơn hoạn nạn lớn nhất mọi thời đại sẽ xảy ra trên trái đất. Sách Khải Huyền, sách cuối cùng của Kinh Thánh, mô tả chi tiết những gì sẽ xảy ra trong cơn đại nạn này (chương 9 và 16). Chúa Giê-su cho chúng ta biết rằng trong quá khứ lẫn trong tương lai của nhân loại cũng chưa từng có thời gian tồi tệ như vậy (Ma-thi-ơ 24:21).
Hình 2: Bảy năm cuối cùng
Vào cuối tuần lễ thứ 70, nghĩa là sau cơn đại nạn, Giê-su Christ sẽ trở lại trái đất này. Vào lúc đó, mọi mắt sẽ thấy Ngài và mọi người phải công nhận Ngài là Vua của các vua và là Chúa của các chúa.

Sự cất lên của người đắc thắng

Hôm nay chúng ta đang sống trong một thời kỳ cực kỳ nguy hiểm. Cả thế giới đang nỗ lực để có được hòa bình ở Trung Đông, hiệp ước hòa bình như vậy đang ở rất gần. Một điều chắc chắn là: Ngay khi hiệp ước hòa bình theo như Đa-ni-ên 9:27 được ký kết, thì bảy năm cuối cùng của thời đại này sẽ bắt đầu. Cuối bảy năm này, Giê-su Christ sẽ trở lại, mọi người có thể thấy được và Ngài sẽ là Vua trị vì trên toàn trái đất.
Tiên tri Xa-cha-ri đã nhắc đến sự trở lại của Đấng Christ: "Trong ngày đó, chân Ngài sẽ đứng trên núi Ô-liu, là núi đối diện Jerusalem về phía đông […] Bấy giờ CHÚA, Đức Chúa Trời của tôi sẽ đến, tất cả các thánh sẽ ở với Ngài" (Xa-cha-ri 14:4-5). Vào cuối tuần lễ 70, Đấng Christ sẽ trở lại, đến trên núi Ô-liu ở phía đông Jerusalem. Tuy nhiên, ở đây Kinh Thánh không nói Giê-su Christ sẽ đến một mình, mà Xa-cha-ri cho biết rằng tất cả các thánh sẽ cùng trở lại với Ngài. Ai là các thánh này? Theo Lời Chúa, "các thánh" không phải là những người sau khi chết, vì lý do nào đó được "tôn thánh". Ở đây cũng không nói đến những người sùng đạo. Theo Kinh Thánh, các thánh là những người tín đồ chân thật và trung tín, những người quen biết Đức Chúa Trời hằng sống, biết ý muốn của Ngài, và làm theo. Kinh Thánh gọi những tín đồ như vậy là "người đắc thắng" (ví dụ Khải Huyền 2:7, 21:7).
Hình 3: Người đắc thắng được cất lên

Như vậy, nếu Giê-su Christ không đến một mình mà tất cả các thánh cùng đến với Ngài, thì câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để các thánh có thể đến với Đấng Christ. Ở đây, Lời Chúa bày tỏ cho chúng ta biết một phần thưởng đặc biệt, chỉ dành cho những tín đồ trung tín (người đắc thắng): Ngay trước cơn đại nạn, những người đắc thắng sẽ được cất lên đến trước Đức Chúa Trời. Qua đó, họ được giữ gìn khỏi sự kinh khiếp của cơn đại nạn và sẽ được thưởng thức một phần thưởng đặc biệt ở trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời (xem Khải Huyền 3:10). Trục thời gian trong hình 3 cho chúng ta thấy thời gian mà những người đắc thắng được cất lên và Đấng Christ trở lại. Sau 3,5 năm ở trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời, những người đắc thắng sẽ trở lại cùng với Đấng Christ, và cùng với Đấng Christ thiết lập vương quốc trên trái đất này (vương quốc ngàn năm).

Không phải tất cả Cơ Đốc nhân sẽ được cất lên

Tuy nhiên, Kinh Thánh cho biết rằng không phải tất cả Cơ Đốc nhân sẽ được cất lên trước cơn đại nạn. Rất nhiều các tín đồ nghĩ rằng tất cả các Cơ Đốc nhân thật, những người thực sự được sinh lại, sẽ được dự phần vào sự cất lên. Nhận định này không đúng. Trái lại, Đức Chúa Trời chỉ lấy một phần nhỏ các Cơ Đốc nhân được sinh lại để mang đến Ngài. Chỉ những người đã chuẩn bị đúng thì mới được cất lên. Tất cả những Cơ Đốc nhân còn lại phải trải qua cơn đại nạn và gánh chịu cực hình của nó. Trong suốt cơn đại nạn, con rồng (Sa-tan) sẽ giao chiến với những người giữ điều răn của Đức Chúa Trời (người Do Thái) và "những người có lời chứng của Giê-su" (những Cơ Đốc nhân đã thực sự được sinh lại). Đa-ni-ên 7:25 cũng cho biết rằng Kẻ chống Đấng Christ sẽ thống trị trong cơn đại nạn và sẽ "làm hại các thánh của Đấng Tối Cao".

Kết luận

Điều gì sẽ đến với nhân loại? Điều gì sẽ đến với chúng ta cách cá nhân? Câu trả lời của câu hỏi này liên quan đến tình trạng của chúng ta hôm nay. Nếu chúng ta không tin Giê-su Christ và không ý thức tiếp nhận Ngài làm Đấng Cứu Rỗi của mình, chúng ta sẽ bị ném vào hồ lửa đời đời, bị xa cách mặt Đức Chúa Trời (Khải Huyền 20:15). Nếu chúng ta đã tin vào Con của Đức Chúa Trời, chúng ta phải đắc thắng, phải tìm kiếm ý muốn Đức Chúa Trời và làm theo đó. Nếu không chúng ta dù là Cơ Đốc nhưng cũng phải gánh chịu sự kinh khiếp của cơn đại nạn cũng như sự trừng phạt của Đức Chúa Trời.Nếu chúng ta thuộc về những người đắc thắng, chúng ta phải cùng tiến lên với Đức Chúa Trời và nhận lãnh vương quốc Ngài nhiều hơn nữa. Nếu chúng ta trung tín đến cuối cùng, chúng ta sẽ nhận được một phần thưởng tuyệt vời, có một không hai của Ngài: Được cất lên đến núi Si-ôn thuộc trời và được bước vào vương quốc ngàn năm.

Những yêu cầu để vào vương quốc ngàn năm

Sự cứu rỗi đầu tiên của chúng ta là bởi ân điển chứ không phải bởi việc làm của chúng ta. Chúng ta không thể làm gì khác ngoài việc tiếp nhận Chúa Giê-su nhờ đức tin của chúng ta. Tuy nhiên, sự cất lên và vương quốc ngàn năm thì khác hẳn: Kinh Thánh cho chúng ta thấy một số những yêu cầu mà chúng ta phải đáp ứng bằng cách cùng làm việc với ân điển. Sau đây là một số yêu cầu:
  1. Làm theo ý muốn của Cha (Ma-thi-ơ 7:21-23; Lu-ca 6:46; Gia-cơ 1:22-25): Sau khi trở thành Cơ Đốc nhân, chúng ta muốn làm nhiều việc cho Đức Chúa Trời. Có lẽ chúng ta tích cực trong các công tác Cơ Đốc và truyền giảng, tham gia các hoạt động xã hội, hay hướng dẫn các buổi lễ thờ phượng. Chúng ta nghĩ rằng Đức Chúa Trời sẽ hài lòng, nhưng chúng ta không hỏi Ngài trước là ý muốn của Ngài là gì. Nếu chúng ta là những Cơ Đốc nhân như vậy, khi đứng trước tòa của Đấng Christ (2.Cô-rinh-tô 5:10), Ngài sẽ phán: "Ta chưa từng biết các ngươi; hãy lui ra khỏi Ta, hỡi kẻ làm điều vô luật pháp!" (Ma-thi-ơ 7:23).
  2. Sống xứng đáng với vương quốc (1.Tê-sa-lô-ni-ca 2:12; 2.Phi-e-rơ 3:11-14): Đức Chúa Trời không chỉ quan tâm đến những việc chúng ta làm gì cho Ngài, mà Ngài còn xem cách sống của Cơ Đốc nhân chúng ta nữa. Đức Chúa Trời là thánh khiết, nên Ngài sẽ không chấp nhận bất cứ điều gì ô uế hay không công bình trong chúng ta. Vì thế, chúng ta cần phải hướng cách sống của chúng ta theo chính Ngài và trở thành những người có "cuộc đời thánh khiết và sống theo bản tính Đức Chúa Trời" (2.Phi-e-rơ 3:11).
  3. Sẵn sàng chịu khổ vì Đấng Christ và trải qua nhiều hoạn nạn (Rô-ma 8:17; 2.Ti-mô-thê 2:12; 1.Phi-e-rơ 4:13; Công Vụ. 14:22; Hê-bơ-rơ 10:32-35; Khải Huyền 2:10): Bản chất chúng ta là không dám chịu khổ. Nếu có đường tránh được đau khổ thì tất cả chúng ta đều chọn con đường này. Tuy nhiên nếu chúng ta hiến mình vì vương quốc Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ để ý rằng không thể vào vương quốc mà không có đau khổ. Nếu ai dự phần vào đau khổ của Đấng Christ vì vương quốc của Ngài, người đó sẽ vui mừng hân hoan khi Chúa trở lại!
  4. Dùng sức mạnh để giành lấy vương quốc (Ma-thi-ơ 11:12): Kẻ thù của Đức Chúa Trời (Sa-tan) và mọi quyền và thế lực của hắn muốn ngăn chặn chúng ta bằng mọi giá để Cơ Đốc nhân chúng ta không thừa hưởng vương quốc Đức Chúa Trời được. Do đó có một cuộc chiến: Xác thịt của chúng ta yếu đuối và bất lực, đời sống tâm hồn thì yêu thế giới và vô số điều làm chúng ta lạc hướng khỏi vương quốc. Vì thế, chúng ta phải quyết tâm dùng sức mạnh để giành lấy vương quốc về tay chúng ta!
  5. Trở nên như những đứa trẻ (Ma-thi-ơ 18:3): Những đứa trẻ đơn giản, không phức tạp và khiêm nhường. Chúng không bị chồng chất những "gánh nặng cũ", hay tự hào như người lớn, là những người có nhiều lo lắng và suy tư. Chúng ta hảy bỏ mọi điều phức tạp và cũ kỹ, và hãy trở nên đơn sơ như những đứa trẻ.
  6. Dùng vàng, bạc, đá quý để xây dựng Hội Thánh (1.Cô-rinh-tô 3:11-15): Đức Chúa Trời không muốn có nhiều Cơ Đốc nhân riêng lẻ, bị tản lạc khắp nơi, mà Ngài muốn xây dựng một Hội Thánh vinh hiển, không tì vết, thánh khiết, và không có khuyết điểm (Ê-phê-sô 5:27). Hội Thánh là cô dâu của Đấng Christ. Để chuẩn bị cho lễ cưới, cô dâu cần một chiếc váy cưới làm bằng vải gai mịn, trong trắng và tinh khiết. Ngày nay, chúng ta là Hội Thánh của Chúa cần chuẩn bị chiếc váy cưới này bằng những việc làm công bình của các thánh đồ (Khải Huyền 19:7-8; Ma-thi-ơ 22:11-14; Thi Thiên 45:13-14).
  7. Là một người đắc thắng - đắc thắng sự sụp đổ của Cơ Đốc giáo (Khải Huyền 2:26-27; 3:4, 21; 21:7): Trong Khải Huyền 2 và 3, Đức Chúa Trời luôn kêu gọi "Người nào thắng...". Đáng tiếc là phần lớn dân của Đức Chhúa Trời không muốn thắng. Đa số Cơ Đốc nhân bị giam cầm ở Ba-by-lôn và không thể thắng được sự sụp đổ của nó. Vì thế Đức Chúa Trời yêu cầu dân Ngài rời khỏi Ba-by-lôn: "Hỡi dân Ta, hãy ra khỏi Ba-by-lôn!" (Khải Huyền 18:4).
  8. Trung tín cho đến cuối cùng (2.Ti-mô-thê 4:7-8; Hê-bơ-rơ 10:36): Nhiều Cơ Đốc nhân có một khởi đầu tốt, có tình yêu nóng cháy cho Chúa. Nhưng theo thời gian, hoàn cảnh thay đổi. Họ gặp nhiều khó khăn, đau khổ, hay những lo lắng của cuộc sống. Lúc đó chúng ta vẫn trung tín hay chúng ta bỏ cuộc? Nếu chúng ta trung tín cho đến cuối cùng, vương miện của sự công bình đã dành sẵn cho chúng ta.
  9. Chăm chỉ để đức tin trong chúng ta được phát triển (2.Phi-e-rơ 1:1-11; Hê-bơ-rơ 6:11-12): Đức Chúa Trời đã ban tặng cho tất cả tín đồ một đức tin quý giá như nhau. Nhưng sau khi đã nhận được đức tin này rồi, chúng ta phải tự hỏi mình xem đức tin trong chúng ta có lớn lên và phát triển không. Vì vậy, là Cơ Đốc nhân, chúng ta không được lười biếng, mà phải nuôi dưỡng đức tin mỗi ngày bằng sự sống của Chúa và bằng Thánh Linh. Chỉ như vậy, nhờ vào đức tin và sự kiên trì, chúng ta sẽ hưởng được lời hứa.
  10. Giữ sự hiệp nhất thật (Ma-thi-ơ 12:25): Mặc dù Cơ Đốc nhân chúng ta có cùng sự sống của Đức Chúa Trời ở bên trong, nhưng chúng ta bị tản lạc trong vô số nhóm và hệ phái. Sự chia rẽ là một tội nghiêm trọng (Ga-la-ti 5:19-21). Vì thế chúng ta phải từ bỏ cái tôi của mình và giữ gìn sự hiệp một thật sự của Thánh Linh. Nếu chúng ta chấp nhận sự chia rẽ trong chúng ta, thì vương quốc Đức Chúa Trời không thể bền vững.
  11. Giữ mình trong sạch và thánh khiết (1.Cô-rinh-tô 6:9-10; 15:50; Ga-la-ti 5:19-21): Nếu chúng ta sống theo xác thịt, chúng ta sẽ không thừa hưởng vương quốc Đức Chúa Trời. Do đó chúng ta phải liên tục bỏ mọi sự ô uế và theo đuổi sự thánh khiết của Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 12:14).
  12. Rèn luyện sự tự chủ (1.Cô-rinh-tô 9:24-27): Chúng ta không thể nào chiến đấu được nếu chúng ta không học để làm chủ bản thân. Ngay khi nhận ra xác thịt của mình nổi lên, muốn thống trị, chúng ta phải chống lại nó và lột bỏ nó liền. Qua đó, chúng ta cũng học cách để đối xử thân thể một cách nghiêm khắc để chúng ta không giảng cho người khác mà chính mình lại không đủ tiêu chuẩn để vào vương quốc.
  13. Trưởng thành trong sự sống, trở thành trái đầu mùa (Ê-phê-sô 4:13-14; Hê-bơ-rơ 5:11-14; 6:1; Khải Huyền 14:1-5): Là Cơ Đốc nhân, chúng ta phải lớn lên trong sự sống thuộc linh. Nếu năm nay sang năm khác mà chúng ta vẫn như cũ, không có sự thay đổi, và không kinh nghiệm sự biến đổi thì chúng ta không được thừa hưởng vương quốc. Ngày nay chúng ta sống trong thời gian cuối cùng, ngay trước khi Đấng Christ trở lại. Nếu cho đến lúc đó, chúng ta không trưởng thành, chúng ta sẽ không được cất lên mà bị bỏ lại. Chúng ta hãy tận dụng thời gian còn lại để đạt đến sự trưởng thành trọn vẹn và trở thành trái đầu mùa, được cất lên núi Si-ôn thuộc trời!
Tobias Widmer