1 Cô-rinh-tô 15:45-49 chép rằng: “…Người thứ nhứt là A-đam đã nên hồn sống. A-đam sau hết là Linh ban sự sống. Nhưng chẳng phải thể thuộc linh đến trước, ấy là thể huyết khí (thuộc hồn); rồi thể thuộc linh đến sau. Người thứ nhứt bởi đất mà ra, là thuộc về đất, người thứ hai bởi trời mà ra. Người thuộc về đất thể nào, thì những kẻ thuộc về đất cũng thể ấy; người thuộc về trời thể nào, thì những kẻ thuộc về trời cũng thể ấy. Như chúng ta đã mang ảnh tượng của người thuộc về đất, thì chúng ta cũng sẽ mang ảnh tượng của người thuộc về trời.”
Hê-bơ-rơ 8:13 chép: “Gọi ước đó là ước mới, thì đã xưng ước trước là cũ; vả, điều chi đã cũ đã già, thì gần tiêu mất đi.”
Trong Kinh thánh có qui luật về sự phản diện. Đức Thánh Linh, là tác giả Kinh thánh, luôn luôn đưa ra hai hình ảnh song đôi cặp kè, hình ảnh phản diện đứng trước làm sáng tỏ, làm nổi bật và nâng cao hình ảnh thứ hai, là hình ảnh chính diện. Có Ca-in ngổ ngáo, tự xưng nghĩa thì cũng có A-bên kỉnh kiền, tuận đạo. Có Ê-sau ham mê vật dục thì cũng có Gia-cốp khao khát quyền thừa kế thần thượng. Có vua Sau-lơ tìm kiếm vinh quang cho bản thân, thì cũng có vua Đa-vít làm vừa lòng Đức Chúa Trời. Có A-đam đầu tiên, thì cũng có A-đam sau cùng, là Đấng Christ. Có Cựu ước thì cũng phải có Tân ước.
Trong bài nầy tôi sẽ đưa ra năm cặp hình ảnh song đôi như sau:
1. Người được thịnh vượng trên đời này và người được thịnh vượng trong đời sau:
Thi thiên 1 trình bày quan niệm của tác giả rằng người tuân theo luật pháp của Đức Chúa Trời sẽ được thịnh vượng và bình an trong đời nầy, còn kẻ ác thì như rơm rác bay đi. Tác giả của Thi Thiên 1 không viết lên những lời mới nhưng chỉ nhắc lại điểm chính của luật pháp Môi-se mà đấng tiên tri của Đức Chúa Trời đã công bố cùng dân của Ngài trước khi vào đất hứa: “…vì ngày nay, ta bảo ngươi thương mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, đi trong các đường lối Ngài, và gìn giữ những điều răn luật lệ và mạng lịnh Ngài, để ngươi sống, gia thêm, và Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban phước cho ngươi trong xứ mà ngươi sẽ vào nhận lấy. Nhưng nếu lòng ngươi xây trở, không khứng nghe theo, chịu dụ dỗ thờ lạy và hầu việc các thần khác, thì ngày nay ta tỏ cùng các ngươi rằng các ngươi hẳn phải tuyệt diệt, không được sống lâu trên đất mà ngươi sẽ đi qua sông Giô-đanh đặng nhận lấy” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 30:17, 18).
Lời công bố của Môi-se đã trở thành sự thật: dân Y-sơ-ra-ên được thịnh vượng vật chất những khi họ tuân theo luật pháp của Đức Chúa Trời và chịu tai ương hoạn nạn những khi họ xoay bỏ Đức Chúa Trời. Cuối cùng sự liên tục bất tuân của dân Y-sơ-ra-ên bị Đức Chúa Trời trừng phạt: họ bị mất nước, bị đi đày qua Ba-by-lôn, thành Giê-ru-sa-lem bị tàn phá, và đền thờ Đức Chúa Trời bị đốt phá tới nền.
Những khi luật pháp của Đức Chúa Trời không còn được tuân giữ nữa, thì xã hội có những hiện tượng đảo điên: người công bình bị hoạn nạn và kẻ ác được thịnh vượng. Nhạc trưởng A-sáp khi nhìn thấy sư đảo điên này đã than thở như sau: “Kìa là những kẻ ác, chúng nó bình an vô sự luôn luôn, nên của cải chúng nó thêm lên. Tôi đã làm cho lòng tôi tinh sạch, và rửa tay tôi trong sự vô tội, việc ấy thật lấy làm luống công; vì hằng ngày tôi phải gian nan, mỗi buổi mai tôi bị sửa phạt” (Thi thiên 73:12-14). Điều này cho chúng ta thấy rằng chẳng phải luật pháp Môi-se không đúng, vì chẳng phải Môi-se công bố nó từ ý riêng của ông, nhưng rằng mỗi khi luật pháp của Đức Chúa Trời không còn được dân Y-sơ-ra-ên tuân giữ nữa thì bất công trong xã hội mà mọi người phải gánh chịu là một hậu quả đương nhiên.
Luật pháp Môi-se được ban cho dân Y-sơ-ra-ên với mục đích dẫn dắt dân Chúa đến cùng Đấng Christ. Vì luật pháp Môi-se đến từ Đức Chúa Trời, nên bản chất của nó là thuộc linh (Rô-ma 7:14). Tuy nhiên, nó chỉ có giá trị trong thời Cựu Ước và chỉ đối với dân Y-sơ-ra-ên, và đứng hạng thứ so với luật pháp Tân Ước. Thật vậy, Ga-la-ti 4:24-25 tuyên bố rằng địa vị của luật pháp Môi-se như địa vị của người vợ bé, tức là A-ga. Mỗi khi luật pháp Môi-se đã phục vụ xong mục đích của nó, thì nó trở nên lỗi thời (Ga-la-ti 3:21-24). Vì nó đã lỗi thời, nên qui luật về “phước lành và rủa sả” mà Môi-se đã tuyên bố không còn áp dụng trong thời Tân Ước nữa: con dân Chúa, ngay cả những người yêu mến Chúa nhiều nhất vẫn phải chịu bắt bớ, tước đoạt của cải và cả mạng sống. Tuy nhiên, nếu nói rằng của cải vật chất là phần thưởng cho những người Cựu Ước tuân hành luật pháp Môi-se thì lời hứa về sự thừa hưởng nước trời đời đời và sự đồng trị trái đất với Đấng Christ trong đời sau dành cho chúng ta. Thật vậy, Thi thiên 2:7-8 và Rô-ma 8: 17, Hê-bơ-rơ 2:5 chép về Đấng Christ và dân của Ngài, “Đức Giê-hô-va phán cùng ta rằng: Ngươi là Con ta; ngày nay ta đã sanh Ngươi. Hãy cầu ta, ta sẽ ban cho Con các ngoại bang làm cơ nghiệp, và các đầu cùng đất làm của cải…Lại nếu đã là con cái, thì cũng là kẻ thừa kế với Đấng Christ, miễn là chúng ta đồng chịu khổ với Ngài, hầu cho cũng đồng vinh hiển với Ngài…Vả, trái đất hầu đến mà chúng ta nói đó, Đức Chúa Trời chẳng khiến phục các thiên sứ…”
Bạn muốn làm người tuân hành luật pháp Môi-se hay mong làm người đồng thừa kế với Đấng Christ?
2. Người “răng đền răng” và người “đưa má kia”:
Một điểm quan trọng trong luật pháp Môi-se nữa là công lý phải được thực hiện triệt để: “…lấy mắt thường mắt, lấy răng thường răng, lấy tay thường tay, lấy chân thường chân…Người ta sẽ làm cho người ấy đồng một thương vít như chính người đã làm cho người khác” (Xuất Ê-díp-tô ký 21:24, Lê-vi ký 24:20). Vì việc thi hành công lý là một phần của luật pháp Môi-se nên nó cũng là thánh như chính luật pháp Môi-se vậy. Công lý cần thiết để giữ gìn kỷ cương xã hội, tuy nhiên, thường thường sự trả miếng bị lạm dụng như chúng ta thấy trong câu chuyện của Áp-sa-lôm, là con thứ ba của vua Đa-vít, giết người anh cả cùng cha khác mẹ là Am-nôn để trả thù Am-nôn vì Am-nôn hãm hiếp em gái của mình là Ta-ma (2 Sa-mu-ên 13). Chính vua Đa-vít, là tác giả của nhiều bài Thi Thiên, và là hình ảnh của Đức Chúa Jesus hầu đến, cũng trả thù Si-mê-i sau khi đã “tha thứ” cho ông. Kinh Thánh chép rằng trong khi vua Đa-vít rời bỏ kinh thành để chạy trốn Áp-sa-lôm, là con của mình đã nổi loạn chống mình, Si-mê-i, là một người trung thành với triều đại của vua Sau-lơ chạy theo nguyền rủa và ném đá vào Đa-vít và các cận thần của vua (2 Sa-mu-ên 16:5-13). Được Thánh Linh cảm động, vua Đa-vít tuyên bố rằng: “Ấy là Đức Giê-hô-va đã phán cùng người [tức là Si-mê-i] rằng: Hãy rủa sả Đa-vít.” Biết được sự nhục nhã này xảy ra được vì được Đức Chúa Trời cho phép, Đa-vít xác nhận với Si-mê-i là sẽ “chính vua” sẽ không giết ông (2 Sa-mu-ên 19:23), sau khi ông chiến thắng trở lại kinh thành. Tuy nhiên, trong khi hấp hối, vua trối lại với thái thử Sa-lô-môn: “…con chớ để nó khỏi phạt, vì con là khôn ngoan, biết thế nào phải xử nó: con khá làm cho đầu bạc nó dính máu mà xuống âm phủ” (1 Các Vua 2:8). Quả thật đây là một cuộc trả thù bẩn thỉu: Vua Đa-vít bên ngoài giả bộ rộng lượng, nhưng mang thù hiềm nhỏ mọn trong nhiều năm để cuối cùng mượn tay Sa-lô-môn giết người làm nhục mình hồi trước, một biến cố mà ông cho là từ Đức Chúa Trời. Đây không phải là lấy “răng đền răng,” mà “lấy mạng đền răng.” Vua Đa-vít đã mang thêm tội sát nhân chồng chất lên các tội cũ. Dù Vua có yêu thương Đức Chúa Trời, tìm kiếm, đói khát Ngài, nhưng có những lúc ông vẫn biểu hiện mặt xác thịt của mình.
Đứng về mặt xã hội, công lý vẫn phải được duy trì và thi hành bởi chính quyền trong thời nay (Rô-ma 13:3-4). Tuy nhiên, về mặt cá nhân, qui luật “răng đền răng” không áp dụng cho con cái Chúa. Chính Đức Chúa Jesus đã xoá bỏ điều luật này và thay bằng cái khác: “Các ngươi có nghe lời phán rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Song ta bảo các ngươi, đừng chống cự kẻ dữ. Trái lại, nếu ai vả má bên hữu ngươi, hãy đưa má bên kia cho họ luôn…” (Ma-thi-ơ 5:38, 39). Tân ước kể về một số người đưa má đó như sứ đồ Phao-lô. Ông không trả thù những hung thủ Do Thái giáo hành hạ ông cách tàn nhẫn, bất công, vô lý. Ông từng nói: “…Năm lần tôi bị người Do-thái đánh, mỗi lần thiếu một roi đầy bốn chục. Ba lần bị đòn, một lần bị ném đá” (2 Cô-rinh-tô 11: 24, 25). Ông không đem lòng oán hận họ, mà còn cầu thay cho họ.
3. Người lao nhọc để làm vui lòng Chúa và người vui hưởng Chúa:
Sự ảnh hưởng của luật pháp Môi-se lên con cái Chúa vẫn còn sâu đậm cho đến ngày nay. Rất nhiều con cái Chúa đặt công việc hoạt động của Hội Thánh lên hàng đầu: như nấu nướng trong các ngày lễ có tiệc tùng, phục vụ trong ban chấp hành, chăm sóc cơ sở, v.v. Chỉ có hai việc ít được con cái Chúa chú ý: đó là cầu nguyện và học Thánh Kinh. Nhưng chính Chúa Jesus đã dạy rằng việc quan trọng không phải là “công việc Chúa” nhưng là “ngồi dưới chân Chúa mà nghe lời Ngài theoLu ca 10:38-42 thuật lại như sau: “Khi Đức Chúa Jêsus cùng môn đồ đi đường, đến một làng kia, có người đờn bà, tên là Ma-thê, rước Ngài vào nhà mình. Người có một em gái, tên là Ma-ri, ngồi dưới chơn Chúa mà nghe lời Ngài. Vả, Ma-thê mảng lo việc vặt, đến thưa Đức Chúa Jêsus rằng: Lạy Chúa, em tôi để một mình tôi hầu việc, Chúa há không nghĩ đến sao? Xin biểu nó giúp tôi.Chúa đáp rằng: Hỡi Ma-thê, ngươi chịu khó và bối rối về nhiều việc; nhưng có một việc cần mà thôi. Ma-ri đã lựa phần tốt, là phần không có ai cất lấy được.”
Chúng tôi không muốn nói là con cái Chúa không nên hầu việc Chúa. Nhưng điều chúng tôi muốn nói là ưu tiên một của con cái Chúa phải là gần gũi Chúa và thông công với Ngài. Chúng ta phải tránh trường hợp sau đây: Tôi có quen một tôi tớ Chúa; ông thú thật với tôi, “tôi quá sức Bận Rộn Hầu Việc Chúa mà xao lãng giờ dưỡng linh cá nhân, đặc biệt là không đọc một chữ nào trong sách bồi linh mà tôi vừa lo ấn hành ra!”
4. Người lao động vất vả và người hưởng tiệc:
Ẩn dụ vườn nho trong chương Ma-thi-ơ 21 ám chỉ dân Cựu ước, trong đó vườn nho Y-sơ-ra-ên tượng trưng nước Đức Chúa Trời ở giữa vòng họ. Người làm vườn là dân cựu ước, lao động vất vả để đáp ứng đòi hỏi của Đức Chúa Trời. Họ thất bại, không tuân thủ nổi luật pháp Cựu ước, thậm chí giết Con của Đức Chúa Trời, và mất nước đến ngày nay.
Ẩn dụ trong Ma-thi-ơ chương 22, ám chỉ dân Tân ước, trong đó có nước trời. Chúa muốn dân Tân ước đến để vui hưởng các sự dự bị đầy đủ của Ngài, chớ không phải lấy việc làm vâng giữ luật pháp để làm vui lòng Ngài nữa.
Dù giao ước mới đã có hiệu lực gần 2 ngàn năm rồi, mà buồn cười thay khi còn nhiều người có lối sống như dân Pha-ri-si, nỗ lực dùng sức riêng để vâng giữ luật pháp Cứu ước, nhất là các qui luật về lễ nghi như cắt bì, ngày sa-bát và các qui luật về chế độ ăn uống kiêng khem. Nhiều người tín đồ tân ước muốn phục hồi gánh nặng tuận thủ luật cựu ước như cử ăn thịt heo, chỉ uống nước dừa, không uống nước trà, và nhiều điều kiêng cử tuân thủ khác nữa do sự pha trộn và áp dụng luật Môi-se cùng truyền thống của con người.
5. Người được xưng công nghĩa bằng cách giữ luật pháp và người được thánh hóa vì Đức Thánh Linh:
Trong khi dân Chúa trong Cựu Ước tuân giữ luật pháp Môi-se để được xưng công nghĩa thì con cái Chúa ngày nay được xưng công nghĩa trong huyết của Chúa Jesus. Con cái Chúa không phạm tội không phải vì nỗ lực tuân giữ luật pháp, nhưng được tình yêu của Chúa giữ gìn: “Vì tình yêu thương của Đấng Cờ-rít điều khiển chúng tôi…” (2 Cô-rinh-tô 5:14). Sự thánh hoá tín đồ Tân Ước không đến từ sự cố gắng cá nhân nhưng đến từ Đức Thánh Linh: “…nên chức việc của Đức Chúa Jêsus Christ giữa dân ngoại, làm chức tế lễ của Tin Lành Đức Chúa Trời, hầu cho dân ngoại được làm của lễ vừa ý Chúa, thánh hóa bởi Đức Thánh Linh” (Rô-ma 15:16). Rô-ma 8:30 cũng chép: “…còn những kẻ Ngài đã định sẵn, thì Ngài cũng đã gọi, những kẻ Ngài đã gọi, thì Ngài cũng đã xưng là công bình, và những kẻ Ngài đã xưng là công bình, thì Ngài cũng đã làm cho vinh hiển.” Sự tự xưng nghĩa, tự sống ra vẻ thiêng liêng khác hẳn với sự thánh hóa mà Đức Thánh Linh ban cho. “Vì cả Đấng làm nên thánh lẫn những kẻ được nên thánh đều bởi một Cha mà ra…Nhưng ấy là nhờ Ngài mà anh em được ở trong Christ Jêsus, là Đấng mà Đức Chúa Trời đã làm nên sự khôn ngoan, sự công nghĩa, sự nên thánh, và sự cứu chuộc cho chúng ta” (Hê-bơ-rơ 2:11; Cô-rinh-tô 1:30). Sự thánh hóa không phải là trau dồi, là chấn hưng người cũ đạo đức, nhưng đó là Đấng Christ sống bày tỏ trong con người chúng ta bởi Đức Thánh Linh.
Kết luận:
Qua lời dạy dỗ của Thánh Kinh, chúng ta thấy rằng có hai loại người, một thuộc đất, một thuộc linh. Cái thuộc đất, thuộc hồn luôn luôn đi trước, luôn luôn lấn áp cái thuộc thiên và thuộc linh. Cựu ước và những mẫu người của giao ước cũ ấy đáng lẽ đã qua đi, đã lỗi thời, thế mà dân Tân ước lại còn yêu chuộng, tôn thờ và cố gắng noi theo dấu chân của họ. Nguyện Chúa cho chúng ta nhìn thấy người thứ hai của Chúa, tức là người thuộc linh, và hết lòng bước theo nguyên tắc cùng lối đi đó. Amen.
Minh Khải
Nguồn: http://prayers4vn.net/node/223