Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

NHÂN VẬT THÁNH KINH 51




Những Người Tôi Tớ Của Sa-lô-môn Lớn Hơn-
-
Khi còn trên trái đất Chúa Jésus tự giới thiệu, “đây có một người lớn hơn Salômôn”. Đức Chúa Trời dấy Salômôn lên tuyệt đỉnh, để qua đó chúng ta thấy phần nào về con Ngài. Salômôn làm hình bóng cho Chúa về nhiều diện như: vương quyền tối thượng, trí tuệ bao la, sự giàu có vô lượng, vinh quang và oai nghi tuyệt vời… Thế thì các tôi tớ Salômôn xưa cũng dự biểu cho các tôi tớ Chúa ở hôm nay. Nữ vương Sêba nhận định diễm phúc của họ: “các quần thần của vua thật có phước thay! Các tôi tớ vua, hằng đứng chầu trước mặt vua, thật có phước thay” ( ISử 9:7). Được làm tôi tớ đứng chầu và phụng sự Salômôn  lớn hơn càng có phước hơn nữa.
Vua Salômôn xưa có ba hạng loại tôi tớ chủ yếu là: các đại thần, các nhà cai trị và đoàn công tác xây dựng. Ngày xưa thể nào hôm nay cũng thể ấy.
1-Về các triều thần chúng ta xem I Vua 4:1-6. Trong 11 vị triều thần tối tôn ấy, chúng ta thấy hai cụ Xađốc và Abiatha là hai cựu thần có nhiều chiến công của Đavít. Hai vị đều cao tuổi, nhưng chừng ba năm sau khi lên ngôi, Salômôn đã cách chức và đuổi Abiatha về vườn. Tôi thấy vua Salômôn lớn hơn cũng sa thải các cựu thần tiền phong như vậy. Theo I Sử 6, Axaria là cháu Xađốc làm thượng tế thời Salômôn, còn Xađốc chỉ làm cố vấn danh dự, Các tôi tớ cao niên có lắm công khai phá như cụ Darby, cụ Nghê,  cụ Singh, … đều được các hội thánh kính nể và yêu quí. Xưa kia, họ vẫn dự vào bàn mật nghị của Vua, bày tỏ các nghị quyết, các chuyển động của Ngài cho chúng ta. Thế mà hôm nay công nhân trẻ tuổi không thuận phục họ, hoặc trước mặt người tóc bạc họ chẳng đứng dậy kính người già cả và kính sợ Đức Chúa Trời. Đừng ngạc nhiên tại sao Đức Chúa Trời chống cự các kẻ kiêu ngạo ấy, trừ diệt họ khỏi thành Ngài, khỏi nước Salômôn lớn hơn như đã xử lý nặng nề với Ađônigia, Giôáp, Abiatha, Simêi. Các bậc triều thần đang canh giữ chứng cớ nơi chí thánh.

2.-Thứ nhì, “ Salômôn có 12 người làm đầu quan lại cai trị cả Ysơraên, để cung cấp lương thực cho Vua, mỗi người  trong một năm phải cung cấp 1 tháng”. Những tôi tớ này vừa là quan cai trị dân, vừa là quan cấp dưỡng cho Vua và mọi người ở với vua (I Vua 4:7).
Tôi buồn cười khi thấy lắm công nhân hôm nay có tham vọng cai trị dân Chúa mà vì nghèo nàn và kém cỏi quá, chỉ sống theo chế độ “tay làm hàm nhai”, chẳng có dư để nuôi dân mình. Chúa nói hễ ai muốn làm lớn trong các ngươi thì phải làm tôi tớ các ngươi”. (Math 20:26). Chữ “ tôi tớ”  ở đây là diakonos, người cung phụng, nhà cấp dưỡng. Các quan lại của dân Chúa cũng họp dân nầy nọ, cử hành các buổi tạm gọi là “ hội đồng thánh khiết”, nhưng các quan lại ấy không dám đóng vai người cấp dưỡng vào các dịp đó—chỉ đọc bài  người quá cố giảng sẵn. Thế mà cũng tự xưng nầy nọ! Còn nếu ai cố gắng làm nhà cấp dưỡng giùm họ, thì sau khi giảng sư về, các quan lại rửa tai dân mình và tìm cách móc lương thực ra khỏi họng dân thánh. Thật là quái gở!
Tôi rất cảm động khi đọc rằng: “các người làm đầu quan lại, mỗi người một tháng, lo đồ cần dùng (lương thực) cho Vua Salômôn và cho hết thảy những người được nhận tiếp nơi bàn vua, chẳng thiếu chi hết…”. Về lương thực chia làm hai loại: bột mì lọc và các loại thịt bò, cừu, nai.  Sự sống thảo mộc nói lên nhân tánh của Cứu Chúa, sự sống tái tạo của Ngài, còn sự sống động vật tượng trưng các sự thành đạt của Chúa trong sự cứu chuộc. Chúa là gì và Chúa làm những gì, tất cả đều là lương thực của chúng ta.
“Còn hết thảy những người được nhận tiếp nơi bàn Vua” là những ai? Không phải chỉ có các hội viên riêng của anh em mà thôi, đó là toàn thể dân Chúa sống rải rác các hành lang Thiatirơ, Satđe, Laođixê nữa. Dù họ đang nằm trên giường bịnh ( Khải 2:2), đang ngủ mê, thiếu cảnh giác trong kho báu vật ( Khải 3:3) hay đang sống chán chường, hâm hẩm trong ngôi nhà đóng cửa Lao đi xê ( Khải 3: 20), hoặc trong đền thờ Đức Chúa Trời ( Khải 3: 12). Nếu muốn làm nhà cấp dưỡng đúng giờ của Chủ, anh em cũng phải chăm lo họ tất cả. Cho dù họ ở đâu , nằm giường bịnh, hay biệt lập trong nhà đóng cửa, cách xa hiện diện Salômôn lớn hơn nhưng theo một diện, họ cũng có phần nơi bàn của Vua.
Vào thời Vua Êxêchia ( II Sử 31), guồng máy cấp dưỡng dân Chúa rất tinh vi. Họ “cai quản các lễ vật lạc ý dâng cho Đức Chúa Trời, đặng phân phát các lễ vật dâng cho  Đức Giêhôva và những vật rất thánh”. Các tôi tớ Chúa thời ấy “ phân phát cho hết thảy con nhỏ của họ, vợ họ, con trai, con gái họ, tất cả hội chúng đã ghi tên vào gia phổ”. Chúa thương xót quần chúng không có chi ăn hết, không muốn họ nhịn đói mà luỗi dọc đường. Ngài truyền lịnh chúng ta: “ Chính các ngươi hãy cho họ ăn” ( Mác 6:37). Trải qua các đời, Chúa đã dấy lên các nhà cấp dưỡng danh tiếng, các bậc công thần như: George Muller phân phối sách vở toàn cầu phô bày Đức Chúa Trời thành tín nghe lời cầu nguyện; T Austin Sparks phổ biến lời Chúa toàn cầu ngót 50 năm, giải bày chứng cớ của Chúa; A.B. Simp-son rao truyền sự xử lý bản ngã và sự liên hiệp với Christ; Watchman Nee báo tin mừng đường sự sống; C.H.Spuvgeon rao các sự phong phú của  Đấng Christ suốt mấy chục năm; John Wesley báo cáo sự thánh hóa; Jessie Penn-Lewis làm chứng sự sống bề trong; Andrew Murray dùng ngòi bút viết 240 tác phẩm phô diễn Đấng Christ nội trú…. Nếu các quan lại của Chúa chóng thoát khỏi chứng bịnh mãn tính là “ bí truyền” , dân Chúa đã sớm thoát cảnh cơ hàn rách nát.
Bản thân người cai trị dân Chúa phải là lương thực cấp dưỡng và là người cấp dưỡng. Cai trị và cấp dưỡng đi đôi với nhau. Samuên làm quan xét trên Ysơraên vì lời Đức Giêhôva trong ông rao cho Ysơraên từ Đan đến Bêesêba, không một lời nào rơi xuống đất. Giêrêmi ngồi trên ngôi cai trị các nước suốt 42 năm bằng lời hiện hành của Chúa do ông giảng. Đaniên hành quyền bính trên dân Chúa đến hôm nay bằng các dị tượng thần thượng ông thấy và truyền lại. Phaolô vẫn còn đang trị vì chúng ta vì ông đã thấy các thực tế hằng hữu từ lòng Đức Chúa Trời rồi báo cáo lại. Thí dụ như cuộc  gia tể sự huyền nhiệm, mục đích các thời đại, trên mười huyền nhiệm khác…Các quan lại hôm nay không cấp dưỡng điều gì khác hơn là giáo lý, tiền bạc, ân tứ... Tôi từng nghe dân Chúa ở các cộng đồng phản ánh rằng họ bị bỏ đói, họ sợ hãi khi thấy quan lại của mình đứng lên rao lời.
3.-Thứ ba, vua Salômôn còn có đoàn công tác xây dựng rất hùng hậu. Tuỳ theo khu vực công tác và theo từng thời kỳ, Salômôn lớn hơn vẫn luôn có “người khéo, có trí thông sáng là Huram Abi. Người giỏi về nghề chế đồ vàng, bạc, đồng, sắt, đá và gỗ, thạo dệt chỉ tía, xanh và đỏ sặm, cùng chỉ gai trắng xe mịn, cũng biết các thứ chạm trổ, và tạo ra đủ thứ vật xảo mà người ta biểu người làm”. Đây là một kiến trúc sư bậc thầy. Phaolô nói, “Theo ân điển Đức Chúa Trời ban cho tôi, tôi lập nền như tay kiến trúc sư chủ chốt”: (I Cô 3:10) Phaolô là sứ đồ, giáo sư, nhà giảng phúc âm, và giảng sư.
Với Phaolô chắc anh em dễ cộng tác, nhưng với Huram Abi, người Tyrơ, từ chi tộc Đan, nếu làm thợ cái của Salômôn lớn hơn, anh em chấp nhận công tác, và thuận phục chăng? Chắc chắn đa số anh em sẽ thoá mạ người về ngoại mạo.
Salômôn thuở xưa có 7 vạn người khiêng gánh, 8 vạn người đẻo đá trên núi, 3600 đốc công. Ông còn có nhiều thợ đốn gỗ, thợ dát vàng, thợ đánh bóng đồng … có một điều rất nổi bật là người ta “ không nghe tiếng búa, tìu hay khí dụng khác bằng sắt tại nơi đương khi cất” ( I Vua 5:7). Còn ngày nay các kiến trúc sư xây hội thánh Đức Chúa Trời của sự trật tự lại cãi lộn quá mức. Đền thờ dân hồi hương lập nền  trên 10 năm mà thợ thầy cứ tranh cãi không thôi. Dù có chép về đền thờ thời Nêhêmi rằng “sự vui mừng của thành Giê-ru-sa-lem vang ra rất xa”. Có thể nói rằng: “ sự cãi lộn của nhà Chúa hôm nay vang ra rất xa”. Đáng sỉ hổ thay! Tất cả chỉ vì dân chúng dù làm xâu, hay làm ngành thợ nào đều không vâng lời các đốc công của Salômôn lớn hơn bổ nhiệm. Mỗi người có ân tứ riêng, chức năng riêng, nhưng phải biết mình cần nghe lời thợ cái nào, dưới quyền đốc công nào. Con người chỉ ham thích quyền bính tượng trưng của Salômôn lớn hơn nhưng loại bỏ sự hướng dẫn của Huram Abi kế cận.
Kết quả vua Salômôn lớn hơn vẫn  hoàn thành ngôi đền thờ, còn thành quả của đoàn kỹ sư bất phục là đền thờ tại Đan và Bêtên cho đến ngày nay.
Chúng tôi tin rằng Salômôn lớn hơn có trí tuệ bao la, sự tể trị kiến hiệu hôm nay. Ngài vẫn luôn thanh lọc hàng ngũ cận thần, điều dụng các quan lại cấp dưỡng cách hiệu quả, và cai trị công cuộc kiến thiết đền thánh hoàn thành viên mãn. Phước thay cho ai không bị sa thải khỏi đoàn tôi tớ của Ngài. 
Minh Khải-
******