NHỮNG DIỄN GIẢ TRONG SÁCH GIÓP
“Jêsus đáp rằng: “Có phải ngươi tự nói điều đó,
hay là có kẻ khác đã nói về Ta như vậy cho ngươi chăng?”( Giăng 18:34)
“Chớ có lời thối tha nào ra từ miệng anh em,
nhưng khi có cần thì hãy dùng lời lành có thể gây dựng, để giúp ân điển cho kẻ
nghe.” (Eph. 4:29).
“Bởi lưỡi chúng ta chúc tụng Chúa là Cha, và
cũng bởi nó chúng ta nguyền rủa loài người, là loài được dựng nên theo hình ảnh
Đức Chúa Trời. Đồng một miệng mà ra cả sự chúc tụng lẫn sự nguyền rủa. Hỡi anh
em tôi, không nên như vậy. Suối kia đồng một mạch há lại phun ra cả nước ngọt lẫn
nước đắng sao? Hỡi anh em tôi, cây vả há có thể ra trái ôliu, hoặc cây nho ra
trái vả được chăng? Nước mặn cũng không có thể ra nước ngọt được.” (Gia cơ
3:9-12).
“Hỡi trời, hãy lắng tai, tôi sẽ nói; Và đất,
hãy nghe những lời của miệng tôi. Lời của tôi rải ra như mưa; Lời tôi sa xuống
khác nào sương móc, Tợ mưa phùn trên cây cỏ, Tỉ như mưa tầm tã trên đồng xanh”
(Phục 32:1-2)
“Lòng tôi đầy tràn những lời tốt; Tôi nói điều
tôi vịnh cho Vua; Lưỡi tôi như ngòi viết của văn sĩ có tài.” (Thi 45:1).
Theo cách sống du mục của Gióp (1:3) và cách
ông dâng của lễ thiêu thay cho các con mình, dường như sách nầy được viết vào
thời của Abraham, Isaac và Jacob (c.5, Sáng. 22:13; 31:54), khoảng năm 2000
T.C., chừng 500 năm trước khi Moses viết Ngũ Kinh.
Câu chuyện trong sách Gióp xảy ra trong xứ Út
xơ (1:1), một khu vực tiếp giáp với Edom (Ca. 4:21), phía tây sa mạc Arabi. Thời
gian câu chuyện trong sách nầy không thể được quyết định cách chính xác, tuy
nhiên, sau khổ nạn, Gióp còn sống thêm 140 tuổi (Gióp 42:16) làm cho thời gian
của sách nầy kéo dài gần 200 năm, có lẽ khoảng năm 2000 T.C. Do cách dùng chữ
trong cả Ngũ Kinh và sách Gióp có nhiều chỗ giống nhau, nên có người tin rằng
Moses đã viết sách Gióp khi ông sống lưu lạc trong nhà bố vợ ở Madian.
Tôi muốn tương giao về những diễn giả trong
sách Gióp:
1. Satan:
Ghét Gióp Satan đã cáo gian,
Ông đâu theo Chúa bởi giàu sang,
Nhà tan, con chết, thân đầy ghẻ,
Mà vẫn tin Ngài, không chối ngang.
Gióp chương một cho thấy khi Đức Chúa Trời đang
chủ trì cuộc hội nghị bàn về Gióp, Ngài chủ động thách thức Satan (một khách
không được mời mà tham dự), về Gióp. Nên Satan trả lời cùng Chúa và trở nên diễn
giả thứ nhất được chép trong sách nầy. Satan nói về Gióp,“Sa-tan thưa với Đức
Giê-hô-va rằng: Gióp há kính sợ Đức Chúa Trời luống công sao? Chúa há chẳng dựng
hàng rào binh vực ở bốn phía người, nhà người, và mọi vật thuộc về người sao?
Chúa đã ban phước cho công việc của tay người, và làm cho của cải người thêm
nhiều trên đất. Nhưng bây giờ hãy giơ tay Chúa ra, đụng đến hại các vật người
có, ắt là người sẽ phỉ báng Chúa trước mặt”.-- Sau đó ít lâu, Satan nói tiếp với
Chúa, “Lấy da đền da, phàm vật chi một người có, tất sẽ trao thế cho mạng sống
mình. Nhưng bây giờ xin Chúa hãy giơ tay ra, đụng đến hại xương thịt người ắt
là người sẽ phỉ báng Chúa trước mặt”(Gióp 1: 9-11; 2:4-5)
Tên Satan có nghĩa là “kẻ thù”, chữ nầy chép
khoảng 37 lần trong Kinh Tân ước, còn chữ “Ma quỉ” (the Devil) cũng chép khoảng
37 lần trong Tân ước. Chữ diabolos dịch là “Ma quỉ” (Mathio 4:1, Khải 12:9),
cũng có thể dịch là người vu cáo, người phỉ báng. Danh từ Diabolos dịch là “Ma
quỉ”, tính từ diabolos dịch là “phỉ báng”. Devil (Ma quỉ) khác biệt với demon (
quỉ nhỏ)
Satan có cái lưỡi của người phỉ báng, đâm bị
thóc, chọc bị gạo, như cây đòn xóc có hai đầu. Với Eva trong vườn Eden, hắn nói
xấu Đức Chúa Trời; còn trước mặt Chúa, hắn nói xấu Gióp là lợi đồ, theo Chúa vì
có lợi lộc.
Tôi thấy nhiều tôi tớ Chúa tại Việt nam có cái
lưỡi phỉ báng người khác như vậy khi rao lời Đức Chúa Trời. Phao-lô nói, “phải
đoan trang, chớ nói gièm” (I Tim 3:11) và “đừng nói gièm” (Tít 2:3). Chữ “nói
gièm” nên điều chỉnh là “phỉ báng”. Anh em đừng có cái lưỡi phỉ báng ai khi rao
lời chân thật của Đức Chúa Trời.
2. Gióp:
Sách chép lại 9 bài diễn thuyết của Gióp. Gióp
mở đầu bằng một bài rũa sả ngày sinh của mình. Ba bạn ông diễn thuyết tố cáo
ông ba vòng, nghĩa là ba người nói tám bài. Gióp đáp lại cách đầy đủ, và lời
đáp của ông luôn luôn dài hơn lời giảng của mỗi ba bạn. Gióp thực là người có
khẩu tài. Gióp là người nói nhiều nhất trong cả Kinh thánh, như Sô pha lên án
Gióp là “người nói nhiều” (11:2).
Ông đã nói gì? Và chất lượng các bài diễn văn của
ông ra sao?
-Gióp 23:8-12, “Nầy, tôi đi tới trước, nhưng
không có Ngài tại đó; Tôi đi lại sau, song tôi cũng chẳng nhìn thấy Ngài; Qua
phía tả, khi Ngài đương làm công việc đó, song tôi không phân biệt Ngài được;
Ngài ẩn tại phía hữu, nên tôi chẳng thấy Ngài. Nhưng Chúa biết con đường tôi
đi; Khi Ngài đã thử rèn tôi, tôi sẽ ra như vàng. Chân tôi bén theo bước Chúa;
Tôi giữ đi theo đường Ngài, chẳng hề sai lệch. Tôi chẳng hề lìa bỏ các điều răn
của môi Ngài,Vẫn vâng theo lời của miệng Ngài hơn là ý muốn lòng tôi.”.
Những câu nầy bày tỏ Gióp là người sống trong sự
giao tiếp thân mật với Chúa. Lời rao giảng của ông xuất phát từ sự đụng chạm
liên tục với Chúa. Tôi thấy nhiều anh em nói rất giỏi, giảng rất lưu loát, dài
dòng, nhưng lòng người đó cách xa Chúa. Lời giảng của họ không do kinh nghiệm
Chúa sản sinh, nên lời giảng ấy không có sự xức dầu của Linh Chúa, không có hiệu
quả tích cực lâu dài trên thính giả.
-Gióp 29:1-4; 30: 30-31,“Gióp cứ nói lẽ luận
cao mình, mà rằng: Ôi! Ước gì tôi được như buổi trước, Như trong các ngày mà Đức
Chúa Trời gìn giữ tôi; Khi ngọn đuốc Chúa soi trên đầu tôi, Và nhờ ánh sáng
Ngài, tôi bước qua sự tối tăm. Chớ chi tôi được như lúc còn tráng kiện,... Da
tôi thành đen và rơi ra khỏi mình, Xương cốt tôi bị nóng cháy đi. Vì cớ ấy, tiếng
đàn cầm tôi trở nên tiếng ai bi, Và đàn sắt tôi chỉ ra tiếng thảm sầu.”. Trong
ba chương 29, 30 và 31 nầy, Gióp dùng từ ngữ “tôi” khoảng gần 100 lần. Đây là một
diễn giả khoe khoang về mình nhiều nhất trong Kinh thánh.
Thực ra, đôi khi chúng ta cũng cần làm chứng về
ân phước Chúa cách khiêm ti, nhưng ở đây có một diễn giả khoe khoang quá mức về
mình. Có nhiều diễn giả khoe khoang về thân thế, về sự thành đạt kinh tế của
gia đình mình, về những chuyến du lịch nước người của mình khi đứng lên rao lời
Chúa. Thật là ghê tởm! Phao lô nói, “Vả, chúng tôi chẳng rao giảng chính mình,
bèn rao giảng Christ Jêsus là Chúa, và chính mình vì cớ Jesus mà làm tôi mọi
cho anh em.” (II Cor. 4:5)—Còn anh em thì thế nào? Có như Ha man không? Ha man
khoe khoang “cho chúng (bạn bè) sự giàu có sang trọng mình, số đông con cái
mình, và mọi sự vua làm cho mình được sang cả, thể nào vua cất mình cao hơn các
quan trưởng và thần bộc của vua.”(Exote 5:11)?
3. Ê-li-pha
“Có một thần đi ngang qua trước mặt tôi; Các
lông tóc của thịt tôi bèn dựng ngược. Thần đứng đó, tôi nhìn không biết mặt người;
Tôi nghe tiếng thầm thỉ nho nhỏ, mà rằng: “Loài người hay chết, há công bình
hơn Đức Chúa Trời ư? Loài người há được trong sạch hơn Đấng Tạo hóa mình
sao?”......(Gióp 4:15-17)
Sách Gióp 42:7 chép lời Chúa phán cùng Ê-li-pha,
-“Sau khi Đức Giê-hô-va đã phán các lời ấy với Gióp, thì Ngài phán cùng
Ê-li-pha, người Thê-man, mà rằng: Cơn thạnh nộ Ta nổi lên cùng ngươi và hai bạn
hữu ngươi; bởi vì các ngươi không có nói về Ta cách xứng đáng, y như Gióp, kẻ
tôi tớ Ta, đã nói..”. Chúa phán quyết rằng các bạn Gióp đều là tôi tớ Chúa,
nhưng không nói năng, không diễn giảng về Ngài cách đúng đắn như cách giảng giải
của Gióp.
Ê-li-pha có mối liên hệ bí mật với thần cảm giả
mạo. Đó là động năng chức vụ cung ứng lời của ông. Một vị thần lạ nào đó, đã hiện
ra với ông, cảm thúc khẩu tài của ông.
Tôi từng gặp và biết một số đầy tớ Chúa tại Việt
nam có gốc rễ trong thần bí phái. Họ cảm nhận được tiếng Chúa qua các giác quan
thân thể của họ như tay, và da đầu. Một anh kia chỉ bước ra đường làm chứng đạo
khi nào da đầu mình nóng lên. Một chị em nọ nói với tôi rằng khi nào tay chị tự
động bẻ quặt về phía sau, chị liền hiểu rằng Chúa phản đối chị điều gì đó mà chị
vừa làm.
Kinh Tân ước trình bày rằng chúng ta nhận được
mặc khải về Lời Kinh thánh trong nhân linh mình, và nhận được cảm thúc, khải tượng
hay tầm nhìn trong tâm trí thánh khiết, khi cả hai nhân linh và tâm trí (hồn) ấy
mở ra với Chúa, khi ta tìm kiếm Ngài trong sự cầu nguyện. Chỉ trong thời Cựu ước,
Đức Chúa Trời mới hiện ra với dân Chúa cho sự cảm nhận của thân thể họ. Ngày
nay Linh Chúa ít khi dùng cách đó, vì chúng ta có trực giác thuộc linh ở bên
trong sau khi được tái sinh. Chúng ta cảm nhận tiếng Chúa trong tâm linh mình,
chớ không nghe tiếng Chúa bằng tai vật lý bên ngoài. Một số tôi tớ Chúa càng
nhiệt thành và hết lòng với Chúa, như Ê li pha, thì càng bị hiện tượng thần cảm
giả mạo của Satan lừa gạt.
4. Binh Đát
“Xin hãy hỏi dòng dõi đời xưa, Khá chăm chỉ
theo sự tìm tòi của các tổ tiên.
(Vì chúng ta mới có hôm qua, và chẳng biết gì;
Bởi các ngày chúng ta trên đất khác nào một cái bóng); Chớ thì chúng sẽ chẳng dạy
ông, nói chuyện với ông, Và do nơi lòng mình mà đem ra những lời lẽ sao? (Gióp
8:8-10).
Binh đát đại diện cho các diễn giả đặt căn cứ
trên lời truyền khẩu, trên truyền thống, trên sách vở của người khác để rao lời
Chúa.
Có một tôi tớ Chúa nói với tôi, anh không nghe,
không học bất cứ sách nào ngoài Kinh thánh, vì anh áp dụng cho mình lời của
Phao lô ở Galati 1:11,12 “Hỡi anh em, tôi tỏ cho anh em biết rằng, Tin Lành mà
tôi đã giảng, chẳng phải theo ý loài người đâu. Vì tôi không nhận Tin Lành ấy
nơi người nào, cũng chẳng ai dạy dỗ tôi, nhưng đã nhận được bởi sự khải thị của
Jêsus Christ”. Đó là một cực đoan tối tăm, vì sau khi Kinh Tân ước hoàn tất,
không còn ai được Chúa ban cho sự khải thị độc chiếm ngoài Kinh thánh bao giờ.
Nên chúng ta, những người đi sau, phải đứng trên vai những bậc tiền nhân trong
sự giảng giải Lời Chúa. Nhưng có một cực đoan sa đà thứ hai là quá mức lệ thuộc
sách vở, truyền thống của người khác, xây dựng bài giảng theo bài người khác đến
nỗi diễn giả trở thành người đọc sách giùm hội chúng, làm người điểm sách giùm,
chứ không rao giảng Lời Chúa từ sự cảm thúc tươi mới Chúa ban cho mình. Tôi phản
đối vì có giáo hội dùng sức mạnh của tổ chức, gò ép các giảng sư giảng theo lời
dạy dỗ của một vị nào đó, hay nói theo những giáo điều cũ rích mà giáo hội
chung đã soạn ra. Tôi xin lặp lại, đó không phải là chức vụ cung ứng Lời tươi mới,
tự do, do Linh của Chúa dựa vào Kinh thánh ban sự soi dẫn, sự soi sáng cho diễn
giả theo cách cập nhật và tức thì. Dĩ nhiên chúng ta có thể dùng sách vở người
khác để làm tài liệu tham khảo hay góp ý, nhưng tuyệt đối không bê nguyên bài
giảng của người ta rồi sửa đổi chút ít để rao giảng.
5. Sô Pha:
“Nếu ông dò xét, há có thể hiểu biết được sự
sâu nhiệm của Đức Chúa Trời, Và thấu rõ Đấng Toàn năng sao? Sự ấy vốn cao bằng
các từng trời: Vậy ông sẽ làm gì? Sâu hơn âm phủ: ông hiểu biết sao đặng?”
(Gióp 11:7-8)
Sô-pha là diễn giả theo giáo điều chủ nghĩa, vì
ông bảo rằng lời của Gióp không đúng với giáo điều của Đức Chúa Trời mà chính
ông đã lãnh hội.
Cả Kinh thánh là lời Đức Chúa Trời. Trong kinh
thánh có chứa lẽ thật (chân lý) và giáo lý của Đức Chúa Trời. Lẽ thật hay sự thật
của Đức Chúa Trời luôn luôn có hai phương diện, nếu chúng ta không nắm được cả
hai diện ấy, chúng ta sẽ đi đến cực đoan nầy hay cực đoan kia, rất nguy hại.
Thí dụ, Mathio 7:7 nói hãy cầu xin Chúa thì nhận được giải đáp, đó là một mặt.
Nhưng Gia cơ 4:3 nói, khi cầu xin bậy thì không được Chúa đáp lời, là một diện
khác, làm quân bình trở lại.
Lẽ thật hay giáo lý của Chúa thì tự do, nhưng
giáo điều thì cứng ngắt, cực đoan, hẹp hòi. Có rất nhiều người biến lẽ thật
thành các giáo điều theo quan điểm, sự nhận thức phiến diện của họ. Giáo điều cầm
tù dân Chúa, là đầu mối mọi sự tranh cạnh và chia rẽ trong Thân Thể hoàn vũ của
Đấng Christ hiện nay.
Tôi thấy nhiều diễn giả giảng các giáo điều khô
cứng về ân tứ nói tiếng mới cách dường điệu một chiều, về sự thịnh vượng vật chất
của tín đồ Tân ước, về chức tế lễ Tân ước chỉ dành cho một thiểu số người tạm gọi
là những người được xức dầu, mà họ không nhận thức đó chỉ là những phiến diện của
lẽ thật, chỉ cầm tù và giết chết con dân của Chúa. Chúa phán, “các ngươi sẽ biết
lẽ thật, và lẽ thật sẽ giải phóng các ngươi” (Giăng 8:32). Hiện nay đang có nhiều
Sô-pha chế ngự các tòa giảng, dùng lời giáo điều giết chết dân Chúa về mặt thuộc
linh. Đáng sợ thay!
6. Ê-li-hu
“Vả, Ê-li-hu có đợi Gióp luận xong đặng nói với
Gióp, bởi vì các người đó đều lớn tuổi hơn mình. Vậy, khi Ê-li-hu thấy chẳng
còn câu trả lời chi nơi miệng của ba người kia nữa, cơn thạnh nộ người bèn phừng
lên. Ê-li-hu, con trai Ba-ra-kê-ên, người Bu-xi, bèn cất tiếng lên nói rằng:
Tôi còn trẻ, còn các anh là ông già; Vì vậy, tôi nhát, không dám tỏ cho các anh
biết ý-tưởng tôi. Tôi nghĩ rằng: Ai đã sống lâu ngày sẽ nói, Số năm cao sẽ dạy
sự khôn ngoan”.( Gióp 32:4-7)
“Theo phiên tôi cũng sẽ đáp lời chớ; Tôi cũng tỏ
ra ý tưởng mình chớ; Vì tôi đã đầy dẫy lời nói, Trí trong lòng tôi cảm giục tôi
nói. Nầy, lòng tôi như rượu chưa khui, Nó gần nứt ra như bầu rượu mới. Tôi sẽ
nói và được nhẹ nhàng; Tôi sẽ mở môi miệng ra và đáp lời”( Gióp 32:17-20).
Ê-li hu là diễn giả trẻ tuổi, có linh nhu mì,
kính trọng các diễn giả lớn tuổi. Ông chờ đợi các anh em cao niên giảng trước,
cho đến khi cạn lời, ông mới nói. Đó là thái độ, là tính cách của một tôi tớ
Chúa, dù còn trẻ nhưng tỏ ra tư cách của một người Đức Chúa Trời, nhu mì, chân
thật, hiểu biết và nhìn nhận những ai là bậc trên trước của mình.
Lời rao giảng của ba bạn Gióp có vẻ khô khan, nặng
mùi giáo lý thần học, văn tự làm chết chóc, còn lời của Ê-li hu rất tươi mới, đầy
sức mạnh của Linh Chúa khi lời ấy được ấp ủ, nung đúc trong ông trước khi nói.
Đó là kinh nghiệm của David, “Lòng tôi nóng nảy trong mình tôi, Đương khi tôi
suy gẫm, lửa cháy lên, Bấy giờ lưỡi tôi nói....” (Thi 39:3). Anh em có kinh
nghiệm đó khi làm diễn giả cho Đức Chúa Trời chăng?
Dù người diễn giả trẻ tài ba nầy sống giống như
lời Chúa ở Lê vi ký 19:32, “Trước mặt người tóc bạc, ngươi hãy đứng dậy, kính
người già cả, và kính sợ Đức Chúa Trời ngươi. Ta là Đức Giê-hô-va.”, nhưng chứng
bịnh thời đại ưa lây lan của tuổi trẻ là kiêu căng, cũng không dung tha người nầy.
Người già dễ khô cằn thuộc linh, người trẻ thì tươi mới nhưng dễ kiêu căng, ngạo
mạn. Ê li hu nói với Gióp trước mặt ba người bạn kia “Hãy làm thinh, thì tôi sẽ
dạy cho ông sự khôn ngoan...”(Gióp 33:33). Tôi từng thấy và lương tâm tôi không
a men với vài diễn giả trẻ tuổi, khi đứng trên bục giảng, vừa giảng Lời Chúa vừa
thọt tay vào túi quần của mình tỏ vẻ tự đắc, ngạo mạn, thật khó coi.
Trong Gióp 34:7-8, Ê li hu cũng nói, “Ai là người
giống như Gióp? Người uống lời nhạo báng như thể nước; Người kết bạn với kẻ làm
hung nghiệt Và đồng đi với người gian ác?”.Theo tôi, điều tối kỵ mà Chúa cấm là
phơi bày tội lỗi chính xác, hoặc tôi lỗi giả định của ai đó trên tòa giảng. Anh
em đừng tự thị, tự phong cho mình là tiên tri của Đức Chúa Trời và có quyền vạch
trần, phán xử tội lỗi anh em mình nơi công cộng.
7. Đức Chúa Trời
“Bấy giờ, từ giữa cơn gió trốt, Đức Chúa Trời
đáp cùng Gióp rằng: Kẻ nầy là ai dám dùng các lời không tri thức, Mà làm cho mờ
ám các mưu định Ta? Khá thắt lưng người như kẻ dõng sĩ; Ta sẽ hỏi ngươi, ngươi
sẽ chỉ dạy cho Ta” (Gióp 38:1-3)
Một bức hình bằng một nghìn lời nói. Người cao
tuổi vẫn còn thích xem hình. Đó là lý do chúng ta dùng sách hình và truyện
tranh để dạy các ấu nhi mẫu giáo. Đức Chúa Trời vẫn coi Gióp như thiếu nhi trước
các sự sâu nhiệm của Ngài trong vũ trụ, trước vấn nạn về sự đau khổ của người
tín đồ. Chúa minh họa nhiều hình ảnh về cõi thiên nhiên, về các con dã thú như
trâu nước Bê-hê-mốt, con rồng Leviathan cho Gióp thấy. Chúa không sỗ sàng quở mắng
Gióp là kẻ kiêu ngạo tự xưng nghĩa, nhưng Ngài ngụ ý điều đó trong lời nói kết
luận của Ngài,-- “Nó (Leviathan) làm vua của các loài thú kiêu ngạo” (Gióp
41:34). Anh em nghĩ Gióp có hiểu lời nầy của Chúa ngụ ý cho bản thân ông chăng?
Chúa không giảỉ đáp lý do nan đề đau khổ của
Gióp. Ngài lại hỏi ông khoảng 50 câu hỏi về vạn vật. Đó là cách giảng dạy theo
lối vấn đáp của Giáo sư bậc thầy vĩ đại và tối thượng. Chúa Jesus cũng áp dụng
lối giảng dạy nầy trong chức vụ của Ngài trên trái đất. Đức Chúa Trời cũng
không tiết lộ cho Gióp về cuộc đánh cược của Satan với Ngài về Gióp. Đó là tiền
đề, là nguyên nhân mọi đau khổ của Gióp. Tôi thấy Đức Chúa Trời sử dụng Satan
làm công cụ gian ác để đem Gióp đến địa vị con trưởng, nhận lãnh hai phần gia
tài khi kết cuộc. Cách diễn giảng của Chúa là hỏi Gióp những câu hỏi hóc búa,
không trả lời nổi. Nếu Gióp không hiểu nổi các câu đố đó của Đức Chúa Trời về
vũ trụ, vạn vật, thì làm sao ông có thể hiểu nổi huyền nhiệm sự đau khổ của người
thánh của Ngài? Đức Chúa Trời là Lời, và là Diễn giả, Đấng Phát ngôn vĩ đại nhất
trong vũ trụ. Là tôi tớ của Ngài, chúng ta cần học tập cách diễn giảng lời của
Ngài như vậy.
Kết luận:
Thưa anh chị em,
Sớm hay muộn Chúa cũng sẽ chất vấn anh chị em:
“Ai bảo con giảng như vậy? Thần cảm giả mạo, sách vở hay là Ta? Hay tự khả năng
nguyên tri của con thúc đẩy con rao giảng lời như vậy?” Chúng ta hãy nghiêm chỉnh
trả lời với Chúa.
Tôi a men với lời đánh giá của Gióp về khả năng
diễn giảng của ba người bạn mình. “Còn các ngươi là kẻ đúc rèn lời dối trá; Thảy
đều là thầy thuốc không ra gì hết.-- Châm ngôn của các ngươi chỉ như châm ngôn
tro bụi; Những thành lũy của các ngươi thật là thành lũy bùn đất” (Gióp 13:
4,12).
Dù đã cao tuổi nhưng nghệ thuật thuộc linh của
Môi se khi rao lời Đức Chúa Trời rất điêu luyện và thuần thục. Lời ông giảng
khi thì rơi xuống như mưa phùn trên cây cỏ non yếu, có lúc lời ông mạnh mẽ,
tuôn tràn như mưa tầm tã trên cây to. Hãy học tập cách tuyên đạo như vậy.
Còn con cháu Cô-rê chia sẻ về nội dung chức vụ
cung ứng lời của mình như sau: “Lòng tôi đầy tràn những lời tốt; Tôi nói điều
tôi vịnh cho vua; Lưỡi tôi như ngòi viết của văn sĩ có tài.” (Thi. 45:1). Anh
em thủ đắc nghệ thuật rao giảng xong thì cũng phải có nội dung phong phú, những
lẽ thật về Chúa của chúng ta, thì mới có năng lực ban phát sự sống cho thính giả,
khi rao giảng.
Nguyện mọi gương mẫu, cả xấu và tốt, trong sách
Gióp như là lời cảnh báo dài lâu và là giáo huấn sâu xa cho chúng ta, để chúng
ta có thể trở nên “người làm công không hổ thẹn, phân giải lời của lẽ thật cách
ngay thẳng” (II Tim. 2:15). Amen./.
Minh Khải