Theo thông thường, có lẽ con người không thể sống
nổi nếu bỏ ăn uống 5 hay 10 ngày, nhưng nếu con người ngừng thở chừng 15 phút
chắc sẽ chết ngay. Thân thể vật lí của con người cần ăn, uống, thở và vận động
để tồn tại.
Theo kinh thánh con người là một chiếc bình chứa
kì diệu, là một hồn sống, có tâm linh như cơ quan tiếp thu Đức Chúa Trời, có
thân thể như phương tiện để biểu lộ sự sống mà người tiếp nhận được từ Đấng Tạo
Hóa.
1 Cô rinh tô 1:9 chép, “Đức Chúa Trời là thành
tín, do Ngài anh em đã được gọi đến sự tương giao với Con Ngài, là Jêsus
Christ, Chúa chúng ta”. Đức Chúa Trời muốn tín đồ tương giao, để hấp thụ Đấng
Christ, hiện thân của Ngài, hầu họ có sự sống và biểu lộ sự sống ấy của Ngài.
Chúa Jesus như là thức ăn, nước uống, hơi thở thuộc linh và là miền đất, là
lãnh vực, nơi chúng ta hoạt động. Người tín đồ phải sống lệ thuộc Đức Chúa Trời,
liên tục tiếp thu sự sống của Ngài, và liên tục biểu lộ, chứng minh sự sống ấy
là có thật qua thân thể của mình cho đến mản đời.
Khi cụ A-đam 622 tuổi, thì hậu tự đời thứ bảy của
cụ là Hê nóc được sinh ra.
Hê nóc đồng đi, tương giao khắng khít với
Chúa suốt 300 năm. Hê nóc sống chung với
A-đam 308 năm, mãi cho đến ngày A-đam qua đời. Kinh thánh không cho chúng ta thấy
dấu hiệu A-đam gần gũi Chúa suốt cuộc đời dài 930 năm dài, trong khi hậu tử trẻ
của ông là Hê nóc thì có. Có ai trường thọ mà mất tương úng thuộc linh với Chúa
chăng?
Áp-ra-ham hưởng thọ 175 tuổi không suy giảm sự
sống thuộc linh, còn con ông là Y-sác, nhỏ hơn ông 100 tuổi thì thể nào? Khi
Gia cốp ra khỏi nhà với tuổi 77, năm đó Y-sác 137 tuổi, và Y sác còn sống thêm
43 năm đạt tuổi thọ là 180. Đáng tiếc 43 năm tuổi già của Y-sác không được kinh
thánh ghi lại manh mối nào về nếp sống thuộc linh của ông. Phải chăng Y sác sống
43 năm cuối đời chỉ lo ăn ngon, uống no say và ngủ nghỉ đầy đủ? Một cuộc đời
tàn héo!
Tại Ai cập, Y-sơ-ra-ên, là một Gia cốp già nua,
có 17 năm biểu lộ Đức Chúa Trời tuyệt vời. Ông cầu nguyện, ông chúc phước, ông
làm chứng về Chúa xử lí mình, ông tôn vinh Đấng Toàn Túc đã chăn nuôi ông suốt
147 năm đường dài. Ngợi khen Chúa về một tuổi già không mất tương ứng với Nguồn
sự sống cho đến ngày chết. Hai câu kinh thánh ấn tượng sâu đậm cho tôi là: “Gia-cốp,
lúc gần chết, …nương trên gậy mình mà thờ lạy”
và “ Khi trối mấy lời nầy cho các con mình xong, thì Gia-cốp để chân vào
giường lại, rồi tắt hơi”. Một con người thuở thiếu thời sống gian ngoa, giảo hoạt,
bon chen, nay chân đã què và bàn chân từng rảo bước đã an nghỉ! Phước hạnh
thay!
Môi-se tự thán trong thi thiên 90, “Tuổi tác của
chúng tôi đến được bảy mươi,
Còn nếu mạnh khoẻ thì đến tám mươi; Song sự
kiêu căng của nó bất quá là lao khổ và buồn thảm, Vì đời sống chóng qua, rồi
chúng tôi bay mất đi”. Khi đạt tuổi 80, Môi-se kể mình sắp chết, nhưng Chúa hiện
ra kêu gọi ông sống cuộc đời như bụi gai cháy mà không tàn suốt 40 năm nữa. Có
lẽ Giô-suê là người đã bình luận về tuổi già của thầy mình: “khi Môi-se qua đời,
tuổi được một trăm hai mươi; mắt người không làng, sức người không giảm”. Ô sự
sống thần thượng biểu lộ trong vẻ đẹp tươi mới của nó mãi cho đến ngày Môi-se
ra đi. Ngợi khen Chúa.
Tôi chưa đọc thấy một lời cầu nguyện nào của
vua Sau-lơ lúc còn trẻ hoặc về già. Dù ông có hai lần miễn cưỡng dâng tế lễ cho
Chúa tại bàn thờ, nhưng tuổi già của ông sống trong tâm trạng cay đắng, bất an,
đêm ngày suy tư tìm cách săn đuổi và tiêu diệt Đa-vít cho bằng được. Tác giả
sách 1 Sa mu ên bình phẩm, “Sau-lơ càng sợ Đa-vít hơn nữa, và trọn đời mình làm
kẻ thù nghịch người”. Có ai có tâm trạng cay đắng anh em mình như Sau lơ gần suốt
cả cuộc đời chăng?
Tôi cảm nhận Đa-vít là một con người đói khát
tìm kiếm Chúa gần suốt đời. Ông tự chứng, “Khi trên giường tôi nhớ đến Chúa,
Bèn suy gẫm về Chúa trọn các canh đêm; .. Linh hồn tôi đeo theo Chúa” (Thi 63).
Vua Đa-vít không hề mất tương ứng với Chúa, ngay cả sau khi phạm tội ngoại tình.
Trước khi ra đi, ông triệu tập hội đồng dân Chúa để cổ động và rao giảng về việc
xây dựng đền thờ Đức Chúa Trời. Mấy năm sau cùng ông tìm kiếm Chúa, nên Thần Linh
Chúa khải thị cho ông toàn bộ sơ đồ, kế hoạch xây đền, và xây dựng vương quốc
Israel. Mấy ai được tuổi già như vua Đa-vít?
Vua
A-bi-gia, cháu nội của Sa-lô-môn tố cáo Giê-rô-bô am cướp giựt 10 chi phái
Israel, còn tiên tri A hi gia nói lại lời Chúa với Giê rô bô am, “Ta đã đoạt lấy
nước khỏi nhà Đa-vít mà trao cho ngươi” (1 Các vua 14). Một người hầu việc Chúa
mà cướp giựt (theo sự cho phép của Chúa) như vậy có cuộc sống thuộc linh ra sao?. Tôi
không thấy Giê rô bô am yêu mến, tìm kiếm Chúa, mà chỉ tìm phương sách làm sao cho
dân Chúa xa cách Đức Chúa Trời để bảo toàn đế vị của gia đình ông. Ôi một tuổi
già biểu lộ tính tham tàn, bội đạo cho đến ngày chết. Đáng phỉ nhổ!
Nhờ chức
vụ lời của tiên tri Xa cha ri mà Nam quốc Giu đa cường thịnh, và tên tuổi vua Ô
xia nổi tiếng trong các nước lân cận. Sau khi được Chúa cho thành công mỹ mãn,
lòng kiêu ngạo Ô xia nổi lên, ông muốn xâm phạm chức tế lễ của nhà Lê-vi, và bị
Chúa trừng phạt nổi bệnh phung trắng xóa. Tuổi già của một đầy tớ Chúa phải sống
riêng biệt trong một căn hộ dành cho người bệnh. Dù phải chịu chết dưới ngôi đền
sụp đổ, nhưng lời cầu nguyện của thẩm phán Sam-sôm bất khiết cũng được ai đó
nghe đến và ghi lại trong kinh thánh. Còn với vua Ô xia, bạn nghĩ rằng ông có
tìm kiếm Chúa và kêu xin với Ngài trong những năm nằm bệnh cuối đời chăng? Tôi
tin là không?
Tôi thường nghe những bậc “đồng công”, “đầy tớ
Chúa” luôn mồm khoe khoang rằng mình được tín đồ các nơi khen ngợi mình thể nầy,
thể kia. Họ khoe về những đất nước mà họ được du lịch, về gia sản, về sự thành
đạt của con cái. Nhưng Phao lô chỉ khoe
về những lần Chúa hiện ra trấn tỉnh, an ủi ông trong những giờ phút nguy nan, suy
yếu, cùng đường. “Ban đêm, Chúa phán cùng Phao-lô trong sự hiện thấy rằng: Đừng
sợ chi; song hãy nói và chớ làm thinh, ta ở cùng ngươi, chẳng ai tra tay trên
ngươi đặng làm hại đâu”. Giữa cơn bão lâu ngày tên biển, ông tự làm chứng “Vì
đêm nay, một thiên sứ của Đức Chúa Trời, là Đấng ta thuộc về và hầu việc, có hiện
đến cùng ta …”. Mãi đến giờ gần tuận đạo ông cũng được Chúa ở bên cạnh “hết thảy
đều lìa bỏ ta. Nhưng Chúa đứng bên ta, thêm sức cho ta”.
Sau khi gặp Chúa, cuộc đời Phao-lô chỉ hầu việc
Chúa khoảng 33 năm, nhưng trong những năm ấy ông không bao giờ mất sự hiện diện
tươi mới của Chúa ở với mình.
Bạn ơi, bạn mất tương ứng với Chúa như Y-sác, như
vua Sau lơ hay mãi mãi gần gũi Ngài như Môi se, Đa-vít và Phao lô? Bạn còn
tương ứng với Chúa mãi đến cuối đời của minh chăng?
M.K.25-10-2018