Chủ Nhật, 8 tháng 8, 2021

MỘT HƯỚNG NHÌN VÀO SÁCH KHẢI HUYỀN-

Chúa đã khải thị cho chúng ta hai ba dàn bài, nhờ đó chúng ta sẽ phần nào quán triệt được các khải tượng, các hình ảnh tượng trưng cộng với các hình ảnh nghĩa đen đan xen nhau, trong Khải Huyền. Hôm nay tôi chỉ dẫn  ACE một hướng nhìn khác vào sách Khải Huyền:

 Có hai cái trục chi phối toàn bộ các sự kiện trong Khải Huyền là Cái Ngai Và Đền Thánh.

1/ Ngai Báu: 4:2-3

“Tức thì tôi …đã thấy kìa, có một cái ngai đặt ở trên trời, và có một Đấng ngự trên đó.  Đấng ngự đó xem giống như bích ngọc và hồng bửu thạch, có cái mống bao quanh ngai coi giống như lục bửu thạch”.

Đức Chúa Trời, Đấng Thống Lĩnh, vẫn ngồi trên ngai báu hằng hữu từ cõi đời đời quá khứ đến cõi đời đời tương lai. Chương 5 Khải huyền nói Chúa Giê-su là Chiên Con, bị giết, sống lại, thăng thiên, lên ngồi chung với Đức Chúa Trời.  Không phải hai Đấng ngồi song song trên ngai, mà Đức Chúa Cha ở trong Chúa Giê-su ngự trên ngai báu kể từ khi Chúa Giê-su thăng thiên. ACE nhớ tôi nói là nhân tánh của Chúa Giê-su nha.

 Sau khi đăng quang Chúa Giê su bắt đầu mở 7 ấn, 7 kèn, kiểm soát dòng lịch sử nhân loại từ năm 30 đầu Công nguyên đến hết 1000 năm bình an, khi đó Ngài giao quyền lại cho Đức Chúa Trời.—1 Cor. 15:24-25-

 Có nghĩa là Chúa Giê-su ngồi trên ngai báu 3000 năm, nay còn ít năm nữa sẽ vào nước 1000 năm. Ngài đã và đang thi hành quyền cai trị phán xét khi tuần tra 7 chân đèn, khi đã và đang đoán phạt thế giới ngoại đạo nầy.

 Tóm lại ngai báu trong Khải huyền thi hành quyền uy hướng về thế giới bên ngoài, về Giáo hội. Các sự cai trị đó của Chúa được các chương 6 đến cuối chương 20 của Khải Huyền miêu tả.

Về phương diện khác, ngai cai trị nầy là ngai ân điển đối với chúng ta, Heb 4:16, nhưng nó là ngai đoán phạt đối với tình hình thế giới hiện nay

2/Đền Thánh: 11:19; 15:5-

“Đền thờ của Đức Chúa Trời ở trên trời bèn mở ra, trong đền thờ thấy có hòm giao ước của Ngài;….-- Sau việc ấy, tôi đã thấy đền thờ của nhà trại chứng cớ ở trên trời mở ra”.

Trong nguyên ngữ Hi-lạp hai chữ “đền thờ” ở đây là naos, nghĩa là nơi chí thánh, là chính thành thánh Jerusalem mới, không phải thiên đàng, tượng trưng cho toàn bộ Giáo Hội trong cõi đời đời tương lai.

Đúng ra sách Khải huyền chấm dứt tại 11:19, vì lúc đó cõi đời đời đã mở ra và 11:15 nói mọi sự đã xong rồi, để mở màn cho nước ngàn năm. Nhưng nếu chép sách Khải Huyền như vậy, chúng ta không thể hiểu nổi, nên Chúa lại cho Giăng xem thêm nhiều tập Video khác nữa, với mục đích chi tiết hóa, hay phụ đính cho giại đoạn hệ trong của tuần lễ thứ 70 trong lời tiên tri của Đa-ni-ên 9, tức là 7 năm sau cùng.

Nên Chúa chi tiết các phần khó hiểu là các chương 12 về con rồng và người phụ nữ có con trai, về hai con thú trong chương 13, mùa gặt trong chương 14…nước ngàn năm, lễ cưới Chiên Con các chương 19, 20, thành thánh (naos) trong chương 21, là cõi đời đời trong chương 22.

 Chúa cai trị trên ngai trên lịch sử loài người. Ngai có cái mống bao quanh, nghĩa là Ngài không bao giờ dứt tình, không triệt tiêu nhân loại bao giờ. Trong đền thờ có hòm giao ước, ngụ ý Chúa thực hiện thành tựu  mọi điều tích cực để đưa cả hội thánh vào cõi đời đời theo giao ước không thay đổi của Ngài. Chúa ngồi trên ngai báu, nhưng sẽ thưòng trú, an nghỉ với dân Ngài trong điện thánh. Khải 22:1 nói cái ngai được đem vào điện thánh mà điện thánh là thành thánh, không phải thiên đàng..

 Ngai báu không còn là ngai đoán phạt nhưng là ngai đời đời ban cấp nước hằng sống và  trái cây sự sống cho tín nhân đến đời đời (Khải 22:1-4).

 Nếu ACE đã thấy và hiểu được Ngai báu và Đền thánh, hai cái trục của sách Khải Huyền, thì ACE sẽ hiếu thấu cái nhân của sách tiên tri nầy vậy.Phước cho kẻ đọc cùng kẻ nghe lời tiên tri nầy, và giữ những điều đã chép ở trong đó; vì thì giờ đã gần rồi”

 MK. August 8, 2021