Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011

GÁNH NẶNG VÀ SỰ CẦU NGUYỆN


Kinh Thánh: Giê 33:2-3; 1 Tê 5:19

MỘT

Mỗi người con của Đức Chúa Trời cần có một gánh nặng nào đó do Ngài ban cho. Không người con nào của Ngài có thể nói Đức Chúa Trời chưa bao giờ ban cho mình một gánh nặng. Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể nhận được những gánh nặng từ Đức Chúa Trời khi mở linh mình ra cho Ngài. Linh mở ra cho Đức Chúa Trời là điều
kiện để nhận lãnh những gánh nặng từ Ngài. Sau khi nhận được một gánh nặng, chúng ta phải học tập dốc đổ gánh nặng ấy ra cách trung tín trong sự cầu nguyện. Khi dốc đổ gánh nặng đầu tiên, chúng ta sẽ nhận được gánh nặng thứ hai, và khi dốc đổ gánh nặng thứ hai, chúng ta sẽ nhận được gánh nặng thứ ba. Vì vậy, điều quan trọng nhất là mở linh mình cho Đức Chúa Trời. Chúng ta cần phải thưa với Ngài: “Con mở chính mình ra trước mặt Ngài để cầu nguyện”. Vì thiếu trung tín, nên chúng ta thường không nhận được gánh nặng nào cả, do đó, nếu muốn làm những người mang các gánh nặng của Đức Chúa Trời, chúng ta phải rất nhạy bén và không từ chối bất cứ cảm giác nào đến từ Ngài. Nếu cảm thấy mình cần cầu nguyện cho một điều gì đó, chúng ta nên làm ngay. Những cảm xúc ấy ban đầu có thể yếu ớt, nhưng sẽ trở nên mạnh mẽ khi chúng ta tiến tới. Nếu dập tắt linh và không dốc đổ gánh nặng trong sự cầu nguyện, chúng ta sẽ mất gánh nặng của mình. Khi ấy, cách duy nhất để phục hồi là xưng tội và từ đó về sau trung tín đáp ứng mỗi một cảm giác mà Đức Chúa Trời ban cho. Ngay khi được cảm động cầu nguyện, chúng ta nên cầu nguyện. Khi chúng ta trung tín dốc đổ những gánh nặng mình có, Đức Chúa Trời sẽ tiếp tục ban những gánh nặng khác cho chúng ta. Lý do duy nhất khiến chúng ta không nhận được thêm gánh nặng là vì không dốc đổ gánh nặng mình đã có, gánh nặng không được dốc đổ sẽ làm chúng ta bế tắc. Nếu chúng ta dốc đổ gánh nặng ấy, gánh nặng thứ hai sẽ theo sau. Ban đầu, một gánh nặng có thể rất yếu ớt, nhưng chúng ta phải trung tín với gánh nặng ấy. Nếu cứ trung tín làm như vậy nhiều lần trước mặt Chúa, Đức Chúa Trời sẽ tiếp tục trao cho chúng ta hết gánh nặng này đến gánh nặng khác. Anh chị em ơi, nếu muốn được Đức Chúa Trời sử dụng, chúng ta phải phục hồi những gánh nặng đã mất. Các gánh nặng đặc biệt đều liên quan đến công tác của Đức Chúa Trời. Vì vậy, chúng ta phải tìm cách làm theo ý muốn Ngài trong mọi sự và chờ đợi Ngài trong công tác của Ngài cho đến khi Ngài truyền đạt gánh nặng cho mình. Gánh nặng của Ngài là sự bày tỏ ý muốn Ngài. Gánh nặng chúng ta nhận được chính là ý muốn của Đức Chúa Trời, và đó cũng là phương tiện Đức Chúa Trời bày tỏ ý muốn của Ngài cho chúng ta.
Chẳng hạn như Đức Chúa Trời có thể ban cho anh em một gánh nặng rõ ràng và mạnh mẽ để rao giảng phúc-âm. Nếu anh em đi theo gánh nặng ấy và hành động theo ý muốn của Đức Chúa Trời, anh em càng rao giảng, gánh nặng càng được dốc đổ. Lúc đầu gánh nặng có thể nặng nề, nhưng anh em càng rao giảng, gánh nặng ấy càng trở nên nhẹ nhàng. Tuy nhiên,  nếu không dốc đổ gánh nặng của mình, nó sẽ đè nặng trong linh, và anh em sẽ cảm thấy gánh nặng ấy ngày càng trở nênnặng hơn. Cuối cùng, cảm giác của anh em sẽ tê cóng, anh em không còn cảm thấy gánh nặng ấy nữa. Sự sống bên trong dường như bị tàn lụi, và dường như có một hàng rào ngăn cách anh em với Đức Chúa Trời. (Tình trạng này không có nghĩa là anh em hư mất đời đời như trong trường hợp sự đoán phạt đời đời, nó chỉ có nghĩa là anh em cảm thấy dường như sự sống của mình chấm dứt). Dường như anh em không còn chạm được Đức Chúa Trời nữa và gánh nặng đã đè bẹp mình. Mọi công tác thuộc linh đều phát xuất từ những gánh nặng như vậy. Nếu anh em cố gắng làm việc mà không có gánh nặng, công việc của anh em sẽ không hiệu quả gì hết. Nhưng nếu làm việc theo gánh nặng trên mình, toàn thể con người của anh em sẽ càng được tự do khi anh em tiến lên. Anh em có thể khởi hành với một gánh nặng, nhưng khi càng đi tới, gánh nặng sẽ càng được dốc đổ và anh em càng được nâng vực. Công tác của anh em có giá trị hay không tùy thuộc vào gánh nặng anh em mang liên quan đến công tác ấy. Không có gánh nặng, công tác của anh em không có giá trị thuộc linh. Nhưng có gánh nặng thì sẽ có giá trị thuộc linh. Mỗi khi làm việc theo một gánh nặng, anh em sẽ được tươi mới và được gây dựng. Anh em sẽ được gây dựng trong tiến trình dốc đổ gánh nặng của mình. Nếu làm việc mà không có gánh nặng, anh em sẽ cảm thấy mình đang lao khổ vô ích và thậm chí có thể còn cảm thấy bị cáo trách đang khi lao khổ. Trong mọi công tác thuộc linh, anh em nên chờ đợi Đức Chúa Trời ban gánh nặng rồi bắt đầu dốc đổ gánh nặng ấy một cách hết lòng.

HAI

Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta cần phải liên tục nhìn vào bên trong để tìm tòi khám phá xem mình có gánh nặng hay không. Giữa vòng các con cái Đức Chúa Trời, không có gì nguy hại hơn là tình trạng nội hướng. Chúng ta hãy ghi nhớ điều này, điều gây tổn hại hơn hết là quay vào nhìn bên trong. Tình trạng ấy thậm chí còn trầm trọng hơn tội lỗi. Tội lỗi đã được nhận thức là tội lỗi, nhưng chúng ta không dễ gì khám phá tình trạng nội hướng. Chắc chắn một căn bệnh không ngờ sẽ trầm trọng hơn và gây tổn hại hơn một căn bệnh rõ rệt. Nếu người ta hỏi anh em kiêu ngạo có sai không, anh em sẽ trả lời rằng kiêu ngạo rõ ràng là sai. Nếu người ta hỏi anh em ghen ghét có sai không, anh em biết rất rõ đó là sai. Những sai lầm này thật hiển nhiên. Nhưng anh em có thể hướng nội một ngày hai mươi lần mà không cảm thấy có gì sai lầm. Sau khi cãi nhau, anh em liền nhận biết mình đã làm một điều sai quấy, anh em nhanh chóng nhận ra căn bệnh của mình. Nhưng có thể anh em hướng nội mà hoàn toàn không biết tính cách xấu xa của nó. Nội hướng là điều gây tổn hại nhiều nhất trong đời sống Cơ-đốc-nhân. Nhiều Cơ-đốc-nhân nộp mình cho tình trạng nội hướng và họ sống cuộc đời thuộc linh giả tạo. Trước khi làm một việc gì, họ dừng lại và hỏi: “Tôi có gánh nặng về điều này không? Cảm xúc tôi có đây có phải là gánh nặng không? Đây có phải là gánh nặng không? Gánh nặng là gì?” Nếu một người liên tục hỏi những câu hỏi này, người đó
không biết gánh nặng là gì.
Giả sử một người nào đó nhờ anh em khiêng giúp một cái bàn từ phòng này sang phòng kia. Trong khi đang làm việc đó, anh em thắc mắc không biết đây có phải là một gánh nặng không? Phải chăng nếu nó nhẹ hơn, anh em nói nó không phải là một gánh nặng, còn nếu nó nặng hơn, anh em nói nó là gánh nặng? Không. Hễ một điều gì đè nặng anh em, thì đó là một gánh nặng. Hãy nhớ rằng gánh nặng là điều anh em biết, chứ không phải là điều anh em phải khám phá. Nếu anh em có gánh nặng, anh em biết điều đó. Nhìn vào bên trong xem mình có gánh nặng không là điều sai lầm. Anh em biết mình có gánh nặng hơn là khám phá ra gánh nặng. Nhận biết sự thật này là điều rất quan trọng. Nội hướng không ích lợi gì cả. Tình trạng nội hướng gây thiệt hại nặng nề nhất cho Cơ-đốc-nhân, tình trạng ấy sẽ đánh lừa anh em. Chúng ta không cần phải tìm kiếm gánh nặng ngày đêm. Nếu anh em cảm thấy mình nên giảng phúc-âm cho một người nào đó và anh em dừng lại để tự hỏi xem mình có gánh nặng không, cơ hội sẽ biến mất trong khi anh em đặt ra những câu hỏi ấy. Anh chị em ơi, nhìn vào bên trong không ích lợi gì cả. Anh em có gánh nặng hay không là điều rất rõ ràng, hoặc anh em có, hoặc anh em không có. Trong cả hai trường hợp, anh em sẽ biết, không cần phải tìm tòi khám phá. Nếu anh em phải nhìn vào bên trong mình để tìm gánh nặng, thì có nghĩa là anh em không có gánh nặng. Không cần phải hỏi gì cả. Nếu anh em có, anh em sẽ biết. Nếu có điều gì đè nặng anh em, đó là gánh nặng của anh em.
          Nếu anh em cảm thấy bên trong nặng nề, đó là anh em có gánh nặng, và nếu hành động theo gánh nặng ấy, anh em sẽ được tự do. Sau đó anh em sẽ được thong thả mà nhận thêm những gánh nặng khác từ Đức Chúa Trời, và trong tiến trình đó, anh em sẽ được gây dựng. Mọi công tác của Đức Chúa Trời được thực hiện theo cách này. Chức vụ cầu nguyện được thực hiện theo cách này. Cầu nguyện và làm việc là hai điều không thể tách rời. Không cầu nguyện, sẽ không có công tác. Vì vậy, anh em phải học tập mang lấy gánh nặng và dốc đổ gánh nặng trong sự cầu nguyện. Chúa có thể đặt một điều nào đó trong anh em và ban cho anh em một gánh nặng về điều đó. Nếu cầu nguyện, gánh nặng đó sẽ được tuôn đổ ra, và anh em được tươi mới. Nhưng nếu không cầu nguyện, anh em sẽ bị đè bẹp dưới gánh nặng ấy. Nếu không cầu nguyện hôm nay, ngày mai, hay ngày mốt, anh em sẽ cảm thấy khó chịu mỗi khi nghĩ đến điều đó, và gánh nặng ngày càng nặng hơn vì anh em không làm điều mình đáng phải làm. Sau khi gạt bỏ gánh nặng vài lần, cuối cùng anh em sẽ không còn cảm thấy nó nữa. Nếu anh em hành động trái với những gì mình cảm nhận, đến một thời điểm nào đó, anh em không còn cảm thấy nó nữa. Anh em sẽ mất liên lạc với Đức Chúa Trời và không còn tương giao với Ngài nữa. Một hàng rào sẽ dựng lên giữa anh em và Đức Chúa Trời vì anh em không trung thành với gánh nặng và không làm theo sự chỉ dẫn của Đức Chúa Trời. Mỗi công việc phải được dẫn dắt bởi một gánh nặng, dầu công việc ấy được thực hiện cho Đức Chúa Trời hay cho loài người. Đồng thời, một khi có gánh nặng, anh em nên hành động theo gánh nặng ấy. Nếu không hành động theo gánh nặng, anh em sẽ trở nên chết chóc vì xúc phạm đến ý muốn của Đức Chúa Trời. Gánh nặng là điều kiện thiết yếu trong công việc của Đức Chúa Trời. Một khi có một gánh nặng, anh em phải hành động phù hợp với gánh nặng ấy.

BA

Đành rằng gánh nặng của chúng ta đến từ Đức Chúa Trời và là ý muốn của Đức Chúa Trời, nhưng thật ra gánh nặng của chúng ta chính yếu cũng được chi phối bởi sự hiểu biết của mình. Có những trường hợp ngoại lệ. Chẳng hạn như Đức Chúa Trời có thể gợi cho chúng ta nhớ một số vấn đề nào đó và bảo chúng ta cầu nguyện cho những vấn đề ấy, hoặc giữa đêm, Ngài gọi chúng ta thức dậy để cầu nguyện cho một anh em ở một nơi xa xôi nào đó.  Những kinh nghiệm ấy có xảy ra, nhưng không thường xuyên, và Đức Chúa Trời không thường hành động như vậy. Thỉnh thoảng Đức Chúa Trời không thể tìm được ai ở gần, và Ngài phải đến với một người nào đó ở xa; tuy nhiên, đây là những trường hợp ngoại lệ. Trong những hoàn cảnh bình thường, Đức Chúa Trời hướng dẫn người ta theo điều họ biết. Đó là lý do vì sao chúng ta nói rằng sự hiểu biết chi phối một gánh nặng trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, sau khi một người biết được một vấn đề gì đó, không nhất thiết là người ấy sẽ có gánh nặng. Chúng ta có thể biết tình trạng và mọi điều liên quan đến một số anh chị em nào đó, tuy nhiên, chúng ta vẫn không có cảm xúc gì đối với họ, và cũng không được khuấy động bên trong. Chúng ta hiểu biết, nhưng không có gánh nặng. Vì vậy, về cơ bản, gánh nặng không đến từ sự hiểu biết. Nhưng sự hiểu biết thật có chi phối gánh nặng của chúng ta trong giai đoạn đầu. Chẳng hạn như Đức Chúa Trời có thể cho anh em được biết và có gánh nặng để cầu nguyện và giúp đỡ trong một số vấn đề nào đó. Bằng cách ấy, gánh nặng đã đến. Qua sự nhận biết của chúng ta, một gánh nặng có thể thành hình lúc đầu. Thậm chí vào lúc bắt đầu hầu hết các gánh nặng đều đến do sự hiểu biết. Đức Chúa Trời hiếm khi nào bắt đầu trao một gánh nặng mà không cho chúng ta biết gì về điều đó. Có những trường hợp ngoại lệ. Thỉnh thoảng Đức Chúa Trời có thể ban cho anh em một gánh nặng để cầu nguyện cho một anh em. Người ấy có thể bị đau hay gặp hoàn cảnh khó khăn, nhưng anh em không biết gì về điều đó cả, anh em chưa nhận được tin tức gì từ người ấy. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã đặt một gánh nặng rõ ràng trong anh em để cầu nguyện cho người ấy. Có lẽ sau vài tuần hay vài tháng, anh em có thể nhận được thư của người ấy và được biết người ấy thật sự đau ốm và đã gặp hoàn cảnh khó khăn. Có những trường hợp tương tự như vậy, nhưng chúng là những trường hợp ngoại lệ, hiếm khi xảy ra. Nói chung, gánh nặng bắt đầu từ sự hiểu biết. Nhưng không có nghĩa sự hiểu biết là gánh nặng.

BỐN

Vì cầu nguyện là một chức vụ của Cơ-đốc-nhân và là một chức vụ quan trọng nên có một câu hỏi được đặt ra: Khi có gánh nặng cầu nguyện, chúng ta nên bày tỏ qua lời nói hay nên im lặng? Chúng ta có thể mang các gánh nặng cách im lặng trước mặt Đức Chúa Trời không? Chúng tôi tin rằng nếu Đức Chúa Trời ban cho mình một gánh nặng cầu nguyện, thì Ngài muốn chúng ta nói ra. Nếu chúng ta chỉ có một vài lời rời rạc, chúng ta vẫn nên tự bày tỏ bằng những lời ấy. Các gánh nặng chỉ được dốc đổ ra qua lời nói. Nếu chúng ta cứ im lặng trước mặt Đức Chúa Trời, gánh nặng không ra đi, trái lại, sẽ càng ngày càng trở nên nặng hơn trên chúng ta. Anh chị em ơi, trong lãnh vực thuộc linh, có một nguyên tắc kỳ diệu đó là lời nói rất đáng kể. Đức Chúa Trời không những ghi nhận những gì chúng ta tin, mà còn ghi nhận những gì chúng ta nói ra. Không những Ngài quan tâm đến các ý định trong lòng chúng ta, mà Ngài còn quan tâm đến những gì chúng ta nói ra. Chúa phán với người đàn bà Ca-na-an: “Vì lời ấy, ngươi hãy đi, quỉ đã ra khỏi con gái ngươi rồi” (Mác 7:29). Một vài lời bà ấy nói ra đã khiến Đức Chúa Trời hành động. Chúng ta có thể cầu xin trong lòng mình, nhưng một lời cầu xin được nói ra sẽ có hiệu quả nhiều hơn. Dường như Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta phải nói ra những gì có trong lòng mình. Lời cầu nguyện của Chúa trong vườn Ghết-sê-ma-nê là một lời cầu nguyện quan trọng, nhưng đó là lời cầu nguyện “kêu lớn tiếng” (Hê 5:7). Chúng ta không nhất định cho là phải cầu nguyện lớn tiếng. Đôi khi không cần thiết phải cầu nguyện lớn tiếng. Nhưng nếu có một gánh nặng bên trong, cần có sự tương xứng giữa gánh nặng bên trong với sự bày tỏ ra bên ngoài. Nếu gánh nặng bên trong không mạnh, những lời cầu nguyện lớn tiếng không gì khác hơn là những âm thanh ồn ào. Nhưng nếu gánh nặng bên trong là lớn, cần phải được nói ra thành những âm thanh nghe được. Nếu không thể cầu nguyện lớn tiếng trong nhà, chúng ta hãy tìm một nơi có thể nói lên gánh nặng của mình như Chúa đã làm. Nhiều lúc Ngài đến một nơi vắng vẻ (Mác 1:35), và vào những lúc khác, Ngài lên núi (Lu 6:12). Dầu không thể đi đến nơi đồng vắng hay lên núi, chúng ta nên cầu nguyện thế nào để có thể nghe được, dầu là cầu nguyện với một giọng nhỏ nhẹ. Điều quan trọng là chúng ta cần cầu nguyện thành tiếng. Nếu gánh nặng của mình lớn đúng mức, chúng ta có thể tìm một nơi thích hợp để cầu nguyện. Đức Chúa Trời muốn chúng ta nói lên gánh nặng của mình. Nếu chúng ta chưa diễn tả gánh nặng của mình thành lời, gánh nặng vẫn còn đó. Một vài người nói họ thường cầu nguyện cách yên lặng và gánh nặng có được dốc đổ hay không là điều không quan trọng bao nhiêu. Điều đó không đúng. Nếu một người chưa xong việc mình đang có trong tay, anh ấy không thể làm tiếp việc khác. Cũng vậy, nếu gánh nặng của chúng ta chưa được dốc đổ, Đức Chúa Trời không thể ban cho chúng ta một gánh nặng khác. Chúng ta phải dốc đổ gánh nặng của mình bằng lời nói để Đức Chúa Trời có thể ban cho chúng ta một gánh nặngtươi mới khác.
Nhưng chúng ta rất thường gặp khó khăn này, đó là ngay cả khi nhận biết một gánh nặng để cầu nguyện, chúng ta không biết làm thế nào để cầu nguyện khi quì gối xuống. Chúng ta biết có một điều gì đó đang đè nặng bên trong mình, nhưng không biết làm thế nào để cầu nguyện. Có một gánh nặng trong linh mình, nhưng chúng ta không biết phải cầu nguyện điều gì. Chúng ta cần nhận thức rằng gánh nặng của mình là vấn đề của linh, trong khi hiểu biết về gánh nặng là vấn đề của tâm trí. Khi linh chúng ta chạm đến tâm trí mình, chúng ta sẽ hiểu bản chất của gánh nặng trong linh mình. Khi linh và tâm trí chạm đến nhau, cả hai sẽ trở nên sáng tỏ. Một số người cảm thấy mình có gánh nặng nhưng không biết đó là gì vì linh họ chưa chạm đến tâm trí họ. Vì vậy, khi linh họ có gánh nặng, tâm trí họ không hiểu gánh nặng ấy. Làm thế nào để tạo nên sự tiếp xúc giữa linh và tâm trí? Thật là đơn giản. Nếu muốn tìm một điều gì, anh em nên đi đâu để tìm ra nó? Nếu nó ở phía tây mà anh em đi về hướng đông thì làm sao tìm được? Anh em đã phải đi vòng quanh quả địa cầu trước khi tìm ra nó. Đối tượng có thể chỉ cách xa một dặm mà anh em phải đi vòng quanh trái đất trước khi tìm được nó. Anh em nên lấy chính mình làm tâm điểm rồi nhìn quanh theo một hình tròn, bước đều từ tâm điểm ấy ra chu vi của vòng tròn, mở rộng vòng tròn trong khi mình bước đi. Bằng cách ấy, anh em bao trùm cả bố  hướng. Đó là cách tốt nhất để tìm một vật gì. Khi linh anh em mất liên lạc với tâm trí, anh em cũng nên làm như vậy. Khi quì gối cầu nguyện, đừng bám chặt lấy một vấn đề. Như vậy cũng giống như đi về một hướng, và anh em sẽ không dễ gì tìm ra điều mình muốn. Hãy cầu nguyện cho nhiều điều và nhiều hướng. Sau khi cầu nguyện vài câu cho một điều, anh em có thể cảm thấy đó không phải đúng là vấn đề để mình cầu nguyện. Anh em nên bỏ vấn đề đó và chuyển sang một đề tài khác. Có thể anh em phải đổi đề tài hai, ba hoặc bốn lần. Hoặc anh em có thể sáng tỏ sau khi đổi sang đề tài thứ hai. Có thể anh em phải đề cập đến năm hay sáu vấn đề rồi mới cảm thấy mình chạm đến một điều gì đó làm cho gánh nặng của mình dốc đổ được. Một khi cầu nguyện cho điều đó, tâm trí và linh của anh em liên kết với nhau. Khi ấy anh em nên cầu nguyện cụ thể cho vấn đề đó để dốc đổ gánh nặng của mình ra. Một khi cầu nguyện như vậy  anh em sẽ cảm thấy mình được nhẹ nhàng, và sau khi dốc đổ gánh nặng thứ nhất, anh em sẽ sẵn sàng nhận lãnh gánh nặng thứ hai từ Đức Chúa Trời.

NĂM

Nhiều Cơ-đốc-nhân không được Đức Chúa Trời sử dụng trong chức vụ cầu nguyện vì họ bị đè nặng với quá nhiều gánh nặng. Họ không bao giờ dốc đổ một gánh nặng nào của mình cả. Đức Chúa Trời ban cho họ một gánh nặng để cầu nguyện, và họ có thể biết nó là gì, tâm trí và linh họ có thểliên kết với nhau, nhưng họ không cầu nguyện. Thay vào đó, họ để cho gánh nặng trở nên càng lúc càng nặng hơn cho đến khi họ bị đè bẹp và không thể mang được gánh nặng ấy lâu hơn. Cảm giác về gánh nặng ấy ra đi và họ không còn cầu nguyện được nữa. Anh chị em ơi, công việc của Đức Chúa Trời sẽ bị trở ngại trầm trọng nếu chúng ta không có một linh tự do để phục vụ như những công cụ dành cho Ngài sử dụng. Nếu chúng ta nhờ một người nào đó giúp mình làm một điều gì nhưng lại khám phá ra hai tay người đó đang bận cầm nhiều đồ đạc, chúng ta biết có xin người ấy giúp đỡ mình cũng vô ích. Cũng vậy, nếu chúng ta bị đè nặng vì nhiều gánh nặng, làm thế nào Đức Chúa Trời phó thác thêm một điều gì cho chúng ta? Đó là lý do vì sao chúng ta phải dốc đổ những gánh nặng của mình. Sự dốc đổ gánh nặng sẽ làm chúng ta tự do, và Đức Chúa Trời sẽ sẵn sàng ban cho chúng ta thêm những gánh nặng khác. Không có điều này, chúng ta không thể làm trọn chức vụ cầu nguyện trước mặt Chúa. Chức vụ cầu nguyện đòi hỏi một linh tự do. Nếu có gánh nặng trong linh mình nhưng không cầu nguyện cho gánh nặng ấy, chúng ta không thể đi tiếp sang gánh nặng thứ hai. Nếu có gánh nặng nhưng không trung tín cầu nguyện và mang lấy chức vụ cầu nguyện trước mặt Chúa, chúng ta sẽ cảm thấy nặng nề vào ngày thứ nhất, nặng nề hơn vào ngày thứ hai, và còn nặng nề hơn nữa vào ngày thứ ba. Sau một vài ngày, gánh nặng dần dần ra đi, và sức mạnh cầu nguyện cũng sẽ ra đi. Nếu có gánh nặng mà không cầu nguyện, cuối cùng chúng ta sẽ mất chức vụ cầu nguyện. Vì vậy, chúng ta phải dâng thì giờ để thi hành chức vụ cầu nguyện. Cách tốt nhất để cầu nguyện là cầu nguyện với hai hoặc ba người, điều này sẽ cứu chúng ta khỏi tinh thần cá nhân. Nhiều người không học cầu nguyện chung với người khác. Khi cầu nguyện với người khác, không những chúng ta phải cầu nguyện bằng miệng nhưng còn lắng nghe bằng tai. Nếu học cầu nguyện như vậy, sự cầu nguyện “li tâm” mà chúng tôi đã đề cập, tức là cầu nguyện từ trung tâm ra đến chu vi, sẽ có hiệu quả. Qua sự cầu nguyện, chúng ta có thể dốc đổ gánh nặng mà Đức Chúa Trời ban cho mình. Sự cầu nguyện làm cho linh chúng ta tự do và bản thể chúng ta được giải phóng. Tình trạng ấy sẽ cho Đức Chúa Trời có cơ hội liên tục giao phó những gánh nặng mới cho chúng ta. Ngày nay, Đức Chúa Trời cần sự hợp tác của hội-thánh Ngài trên đất, và chúng ta có thể hợp tác với Ngài qua sự cầu nguyện. Nguyện chúng ta có một phương cách để thực hiện ý muốn của Ngài!

(Watchman Nee