Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011

PHẦN CUỐI CÙNG CỦA CUỘC HÀNH TRÌNH

  


                                                              Mác 6:45-52  
   Thường thường khúc nầy của Kinh thánh là sự giúp đỡ cho tôi; thậm chí bây giờ nó cũng tiếp tục là sự giúp đỡ cho tôi. Khúc Kinh thánh trước Mác 6:45-52 nói về việc Chúa Jêsus nuôi dưỡng 5000 người bằng 5 ổ bánh và 2 con cá. Khúc Kinh Thánh theo sau Mác 6:45-52 nói về việc Chúa Jêsus chữa lành nhiều người bệnh. Ba sự việc nầy hình thành một sự tiêu biểu lớn lao làm dự biểu cho thời gian Chúa Jêsus chết trên Thập tự giá kéo dài đến thời kỳ thành lập vương quốc.Chúng nói lên cho chúng ta biết thế nào Chúa: (1) đã bị đóng đinh vì chúng ta, (2) lên trời để trở nên Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm vì chúng ta , và (3) sẽ giáng xuống trong tương lai để thiết lập vương quốc.


   Giăng 6 cũng ghi chép việc Chúa nuôi 5000 người với 5 ổ bánh và 2 con cá, nhưng sự ghi chép dài dòng hơn. Giăng chép rằng sau khi Chúa Jêsus đã phân phát các ổ bánh và cá, Ngài tiếp tục diễn giảng lời dạy dỗ rất quan trọng. :” Ta là bánh hằng sống từ trời mà xuống”[ c. 51]. Chúa ngụ ý rằng y như việc dân chúng no bánh ngày hôm đó, họ sẽ có sự sống đời đời bằng cách ăn thịt Ngài và uống huyết Ngài như vậy. Do đó, việc Chúa phân phát bánh tiêu biểu sự chết của Ngài vì chúng ta, trong đó thân thể Ngài đã bị vỡ ra và huyết quí báu của Ngài đã đổ xuống.

   Mác 6:46 chép, “ Ngài lìa khỏi chúng rồi, thì lên núi mà cầu nguyện”. Điều nầy tiêu biểu Chúa thăng thiên lên các từng trời trở nên Thầy tế lễ cả cầu nguyện cho ta trước mặt Đức Chúa Trời.
   Mác 6:53-56 tiêu biểu việc Chúa trở lại thiết lập vương quốc Ngài và chữa lành nhiều người bệnh.
Những gì ta bàn đến hôm nay là văn kiện về việc Chúa ép các môn đồ vượt qua biển. Sự việc nầy chen vào giữa thập tự giá và vương quốc.Đây là một sự việc cho ngày nay, một sự việc cho thời đại hội thánh. Nó nói về những điều sẽ xảy ra và thái độ ta nên có trong suốt thời kỳ tiếp sau thập tự giá và trước vương quốc. Vì bây giờ, tôi sẽ không nhấn mạnh những gì Chúa đã làm cho ta. Thay vào đó, tôi sẽ nhấn mạnh những gì ta nên làm.

   Câu 45 chép :” đoạn Ngài liền giục [ép] các môn đồ xuống thuyền, qua trước bờ bên kia đến Bếtsaiđa, đương khi Ngài cho quần chúng về”. Anh chị em ơi, câu nầy bảo chúng ta rằng mọi người chúng ta đều có một hành trình do Ngài ấn định. Chữ “ép’ ở đây cũng y như chữ “ép buộc” được dùng ở 2 Côr. 5:14. Chúa ép các môn đồ Ngài bước xuống thuyền. Chúa đã chết vì họ và bây giờ đang ép họ tiếp lấy cuộc hành trình. Chúa có một cuộc hành trình cho các môn đồ Ngài, và Ngài ép họ tiếp lấy. Điều rất quan trọng trong đời sống cơ đốc nhân là tìm ra cuộc hành trình mà Chúa đã ấn định và trung tín bước đi trên đó. Một hiện tượng nghèo nàn giữa vòng các tín đồ ngày nay là nhiều người đã không tìm thấy cuộc hành trình mà Chúa đã ấn định cho họ. Thậm chí một số người đã tìm thấy rồi, họ không bước đi trên đó. Đây là lý do mà nếp sống của họ đầy dẫy nhiều sự chết thuộc linh, u ám và hạn chế, và đây là lý do có rất nhiều sự xung đột và cãi lộn trong công việc của Đức Chúa Trời. Nhiệm vụ rất quan trọng dành cho mỗi một chúng ta là đặt chính mình vào bàn tay của Đức Chúa Trời theo một cách yên tỉnh, kiên nhẫn, cầu nguyện, hiến dâng, và vâng phục cũng như trọn lòng tìm kiếm sự dẫn dắt của Ngài. Ta nên sẵn sàng vâng lời Ngài và chỉ hành động hoà hợp với ý muốn của Ngài. Ta nên cầu nguyện hầu Ngài khải thị cho ta cuộc hành trình mà Ngài đã chỉ định cho ta. Tiếp sau điều nầy, ta nên trả bất cứ giá nào để trọn lòng bước đi trên cuộc hành trình đó.

    Chúng ta biết rằng sự nuôi dưỡng bánh đã xảy ra ở Bếtsaiđa [Lu 9:10]. Từ bản đồ ta có thể thấy rằng có hai thành phố tên là Bếtsaiđa, một ở phía đông bắc Cabênaum và một ở phía tây nam. Chúa đã truyền lịnh họ từ Bếtsaida ở phía đông bắc và chèo thuyền đến phía bờ bên kia, hướng về Bếtsaida ở phía tây nam.

   Mác 6:46 chép,” Ngài lìa khỏi chúng rồi, thì lên núi mà cầu nguyện”. Điều nầy chỉ tỏ cho chúng ta thế nào Chúa đã lìa khỏi các môn đồ và lên bên tay hữu Đức Chúa Trời để làm công việc cầu thay. Ngài đã để các môn đồ ở lại trên trái đất tiếp lấy cuộc hành trình mà Ngài đã giao phó.
   Câu 47 và 48 chép,”chiều tối lại, thuyền ở giữa biển, còn Ngài thì ở một mình trên đất. Ngài thấy môn đồ chèo khó nhọc lắm, vì gió ngược.Ước chừng canh tư Ngài đi trên biển mà đến cùng họ, và muốn đi vượt qua họ.”Các môn đồ đã chạm trán điều gì trên cuộc hành trình nầy? “ Chiều tối lại”. Đó là lúc màn đêm xuống, và chiếc thuyền ở giữa biển.Christ là ánh sáng của thế giới, nhưng Ngài đã lìa khỏi thế giới nầy. Khi Ngài trở lại, Ngài sẽ là sao mai và mặt trời. Từ sự thăng thiên của Christ đến sự tái lâm của Ngài, thế giới nầy ở trong một đêm dài. Trong con mắt của loài người, thế giới càng lúc càng trở nên sáng rở hơn và tiến triển hơn. Nhưng theo Lời Chúa, “đêm sắp tàn” [La 13:12]. Đức Chúa Trời không nói rằng thế giới thật sáng rở và tiến triển. Đúng ra, ngài phán rằng đêm sắp tàn. Bây giờ ta đang ở trong đêm tối. Đây là tại sao ta thấy sự tối tăm ở xung quanh ta. Anh em có cảm thấy rằng quanh ta chỉ là tối tăm không sao? Nếu anh em không biết sự tối tăm là gì và nếu anh em không cảm nhận rằng khung cảnh quanh anh em đều tối tăm, tôi sợ rằng anh em đã bị thế giới thấm nhuần. Nếu ta tiếp tục bước đi trong ánh sáng và liên tục ở gần Đức Chúa Trời, sống trong Christ, không ngừng  xét đoán công việc của xác thịt, và vâng lời sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh, chắc chắn ta sẽ nhận thấy rằng thế giới nầy đích thực tối tăm.

   “ Thuyền ở giữa biển”.Ta vẫn không đạt đến nơi ấn định của cuộc hành trình của mình.Dầu sự việc đời đời đã được giải quyết cho ta rồi và ta không còn nan đề nào với điều đó, hoặc lịch sử của ta trên đất sẽ là lịch sử sự trung tín hay thất bại [ về sự trung tín đến cuối cùng hay bỏ cuộc nữa đường], thì chưa được quyết định. Chiếc thuyền vẫn còn ở giữa biển và chưa cặp bến. Vẫn còn sự hiễm nghèo và có thể có sự biến thiên.Ta không nên quá tự bảo đảm và không nên tự giả định rằng chung cuộc của ta đã được quyết định rồi. Dĩ nhiên, ta vui thỏa là đang ở trên đường hướng đúng, nhưng ta chạy như thế nào và sự kết cuộc vẫn còn là một vấn đề.

   Các môn đồ đã đối đầu điều gì khi họ đi tới? Họ đã “chèo khó nhọc lắm, vì gió ngược”.Anh chị em ơi, nếu bước đi của anh em ngược gió, khi ấy chắc chắn những kẻ chống đối anh em sẽ bước đi theo chiều với gió. Nếu có gió ngược từ đông bắc đến đông nam, khi ấy phải có gió dễ chịu từ tây nam đến tây bắc. Nếu cuộc hành trình mà nhiều cơ đốc nhân tiếp lấy mà không ngược gió, tôi hồ nghi hoặc cuộc hành trình như vậy có được Chúa ấn định hay chăng. Ta nên tiếp lấy cuộc hành trình do Chúa đã ấn định. Chúa đã ấn định chỗ của ta trên trái đất rồi. Ngài phán “thế giới ghen ghét các ngươi”. Cuộc hành trình của ta là cuộc hành trình ngược gió. Nếu ta không bao giờ bị thế giới chống đối, chế giễu, hay bắt bớ, địa vị của ta đã không đến từ Chúa. Ta nên đối đầu với gió ngược, ta không nên chạy theo gió. Nếu ta bước đi theo những gì Chúa đã ấn định từ đông bắc đến tây nam, chắc chắn sẽ có gió ngược. Nếu không, tôi hoài nghi về hành trình của chúng ta.

   “ Ngài thấy các môn đồ chèo khó nhọc lắm, vì gió ngược”! Các tín đồ trung tín kinh nghiệm bị khó nhọc khi họ chèo, vì gió ngược chiều với họ. Trong ít năm qua, các sự cám dỗ càng nhiều hơn và khốc liệt hơn trước.Những ai thuộc về Chúa hầu như đối đầu nhiều hoạn nạn.Thân thể họ thường yếu và bệnh. Trong gia đình thường có sự bất hòa và khó khăn.Việc làm và nếp sống của họ không dễ dàng như trước.Cộng đồng và xứ sở họ gia tăng bắt bớ và tấn công họ. Thậm chí hơn nữa, Satan và các ác linh đã làm hết khả năng dấy lên hoạn nạn với chủ tâm tiêu hủy và gây đau khổ cho các tín đồ. Ô, đây là mọi loại gió ngược! Nếu ta đứng vững trên tiến trình mà Chúa đã ấn định, ta sẽ nhận thấy rằng gió thì ngược và đích thực gây khốn khó! Tình trạng hội thánh suốt mấy năm vừa qua như thế nào? Ta không thấy Chúa dấy lên nhân vật vĩ đại nào.Các tà giáo đủ loại càng nhiều hơn trước.Càng có thêm nhiều sự lừa dối do các ác linh và tình trạng thế tục càng nhiều hơn trước. Trong một thế hệ như vậy, do tiếp nhận hành trình do Chúa ấn định không xoay qua hướng nào, ta có thể đối đầu gió êm dịu và không bị hoạn nạn chăng?

   Song le thà ta bị hoạn nạn hơn là bị trôi giạt. Thà ta khó nhọc khi chèo chống hơn là lạc đường.Thà ta tiếp lấy hành trình khó khăn hơn là có lối đi dễ chịu và trôi giạt. Nếu ta muốn gió dễ chịu, ta không cần phải xoay vòng tròn; ta chỉ cần ngừng chèo và gió sẽ đưa ta trở về điểm xuất phát. Không cần cố gắng nào cũng bị trôi giạt.Tuy nhiên, nếu ta chọn lựa sự đứng vững, ta sẽ cảm thấy sự khổ nạn. Đang khi ta sẵn sàng đồng lõa một ít, thư giãn một ít, thối lui một ít, gió sẽ đưa ta trở lại; không cần cố gắng gì cả. Để yêu thế giới không cần nổ lực gì cả; theo thế giới cũng không cần lao khổ gì. Đứng vững vì Chúa và trung tín với Ngài chắc chắn sẽ mời gọi nhiều gió ngược. Kết quả, sẽ có khổ nhọc khi chèo chống.
   Anh chị em ơi, trở lại chỗ trước đây thì cực kỳ dễ dàng. Đây là thời gian cho ta chọn lựa và thời gian cho ta trung tín. Ước mong ta tiếp lấy cuộc hành trình mà Chúa đã truyền lịnh.

   Các môn đồ đã chèo chống từ buổi tối đến canh tư đêm đó. Người Do thái có ba canh, người La Mã có bốn canh tương ứng với hệ thống người Trung Hoa. Canh tư có thể là ba giờ sáng. Họ đã liên tục chèo thuyền.Quay lại có thể là sự bỡ ngở đối với họ.Há không tốt hơn là trở lại Cabênaum, chậm trễ và nghỉ ngơi ít lâu hay sao? Nhưng họ đã không làm như vậy.

   Canh tư là giờ tối tăm nhất của đêm; là phần cuối cùng của đêm. Đó cũng là thời gian cho ta tiến lên và tiếp tục.Tôi biết anh em có các sự cám dỗ vì cớ tôi cũng có các sự cám dỗ. Bây giờ không phải là thời gian để quở trách vì cớ các sự cám dỗ quá lớn. Sự nguy hiểm lớn nhất và sự cám dỗ lớn nhất bây giờ là lãnh đạm một ít và đồng lõa. Điều nầy giống như ngủ một ít. Chúng ta quá mệt mõi. Hồi ban đầu, tình yêu thúc ép đã nâng đỡ ta bằng sức mạnh trải ít lâu. Nhưng bây giờ mọi sự hầu như qua đi đã quá lâu rồi, và tình thế trở nên khó khăn. Kết quả, ta trở nên lạnh lẽo.Tôi đã thấy nhiều tín đồ vốn rất có năng lực và can đãm trong chiến trường trãi một ít năm trước, nhưng bây giờ đã trở nên lạnh lẽo và thối lui. Điều nầy vì cớ các ngọn gió thổi ngược rất mạnh. Đắc thắng sự lãnh đạm mỏng manh còn khó hơn là chiến thắng các sự cám dỗ khác.Chiến thắng tội lỗi là dễ hơn; còn duy trì cuộc hành trình gió ngược thì quá mỏi mệt, và ta có khuynh hướng trở nên lạnh lẽo một ít.

   Anh chị em ơi, nếu Chúa đã thúc ép ta từ hồi ban đầu, truyền lịnh ta tiếp lấy hành trình nầy, và ép ta vượt qua biển đến bờ bên kia, làm sao ta có thề ngừng tiến tới chứ? Nếu ta ngừng lại, các dòng chảy sẽ lôi ta đến chỗ xa hơn Chúa, và các ngọn gió êm dịu cũng sẽ lôi ta đến chỗ xa hơn Chúa.Thà ta bị hoạn nạn hơn là trôi giạt.Những gì chúng ta cần bây giờ là sự khuyến khích của Chúa.Phaolo đã bảo Timôthe, “bởi cớ ấy ta nhắc nhở con để con nhen lại ân tứ của Đức Chúa Trời, là ân tứ do sự đặt tay ta mà ở trong con”.” Nhen lại” [quạt thành lửa ngọn], theo nguyên văn, có nghĩa khêu lên một ít. Anh chị em ơi, nguyện tình yêu mà ta có hồi ban đầu được dấy động lần nữa và trở nên mạnh mẽ trở lại. Có lẽ anh em đã vấp ngã. Bây giờ anh em cần chổi dậy.Tác giả thơ Heboro đã thấy điều đó giữa vòng các anh em Hêborơ, một số “dường như hụt đi”[Hêb. 4:1]. Lòng nhiệt thành ban đầu của họ vì Chúa dường như tàn héo. Vì vậy, ông đã khuyên nài họ “hãy dở tay xuội và gối bại lên”[ Heb.12:12].

   Ông Muller, người đã làm việc tại Trung Hoa, một lần kia có nói rằng chìa khóa để tiếp nhận sự thành công lớn lao của Đức Chúa Trời là phải bền lòng trải qua nửa giờ sau cùng. Anh chị em ơi, anh em đã đắc thắng bao nhiêu sự cám dỗ? Dầu bóng tối lớn lao, nó sẽ không  kéo dài. Êsai 21:12 nói gì “ Người canh đáp rằng: buổi sáng đến, đêm cũng đến”.Dầu bây giờ là đêm, buổi sáng sẽ sớm đến. Vào những lúc như vậy, tôi nài xin anh em bền đỗ qua nửa giờ cuối cùng. Đôi mắt ta không nên nhìn vào đêm tối, cũng không nên suy gẫm về các sự khó khăn.Từ bỏ bây giờ là quá ngu dại, và thư giãn bây giờ cũng quá ngu dại vì cớ trong một thời gian  ngắn ta sẽ được qua bờ bên kia.

   Một lần kia, bà Penn-Lewis nói, “nhiều tín đồ nói rằng họ đã chạm trán nhiều sức ép. Bây giờ trận chiến dường như càng lúc càng dày đặc hơn mỗi ngày. Dường như ta là bia nhắm duy nhất của Satan. Nhưng vấn đề là bây giờ anh em có thể bền bỉ trải qua nửa giờ cuối cùng chăng. Đaniên 7:25 nói “vua đó sẽ … làm hao mòn các thánh của Đấng Rất Cao”. Làm hao mòn là tiêu hao. Bây giờ công việc làm tiêu hao các thánh đồ đã khởi sự rồi. Khó nhận biết Satan như là kẻ làm tiêu hao các thánh đồ hơn là nhận biết hắn là sư tử rống”.

   Khi tôi còn ở Kuling, tôi thường đi dạo bên dòng nước chảy và thấy một vầng đá lớn bằng chậu giặt quần áo mà có một cái lỗ ở giữa. Cái lỗ ấy do các viên đá cuội tạo ra bởi sự nghiền tán hằng ngày. Satan hành động như vậy với các con cái Đức Chúa Trời. Hắn không giết anh em bằng một cú đấm. Đúng ra , hắn nỗ lực làm hao mòn anh em hằng ngày. Sau đó ít lâu, không hay biết gì cả, anh em sẽ bị hắn gây trọng thương. Anh chị em ơi, dầu anh em đang chịu khổ, há anh em không bền đỗ chỉ một giây phút sao? Há anh em không thể bền đỗ với Chúa trong nửa giờ cuối cùng nầy sao? Há không thật sự đúng khi anh em không có thể tỉnh thức với Chúa một chốc sao? Ô, ngày nay là thì giờ của ta, thì giờ khi ta phải đứng vững. Nếu một người không kinh nghiệm gió ngược, anh ta rất đáng thương! Nếu một người đã không bao giờ kể rằng thế giới là cay đắng, hư hoại và có thể bắt bớ dân chúng, người đó đã chưa bao giờ  khởi sự cuộc hành trình của anh ta! Anh em sẽ đối đầu sự khó khăn và nhận thấy rằng gió chỉ thổi ngược khi anh em trung tín trong bước đi của mình. Chỉ khi đó anh em sẽ nghe một tiếng nói với mình rằng, “Thật quá khó. Tại sao không lơi lỏng một chút và nghỉ ngơi ít lâu”. Nhưng nghỉ ngơi bây giờ là ngu dại vì cớ phần lớn con đường đã trãi qua  rồi”.

   “ Còn Ngài thì ở một mình trên đất. Ngài thấy các môn đồ chèo khó nhọc lắm, vì gió ngược. Ước chừng canh tư Ngài đi trên biển mà đến cùng họ, và muốn đi vượt qua họ”.Chúa muốn nhìn thấy hoặc ta sẽ giữ đức tin mình hay từ chối nó. Ngài muốn thấy ta sẽ tiến bộ hay thối lui. Mắt Ngài đặt trên anh em và trên tôi. Ngài chú ý mọi bước đi của ta. Ngài biết các sự cám dỗ của ta lớn là dường nào và các tình cảnh của ta khó là dường nào. Ngài sẽ không để cho ta chịu đựng quá canh tư. Khi đêm sắp tàn, Ngài sẽ đến cùng chúng ta. Ngài đã chết vì ta và đã thăng thiên lên các từng trời cầu nguyện cho ta. Đồng thời, Ngài thấy sự khó nhọc của ta. Khi đêm sắp tàn, Ngài sẽ đến.

   Đây là đôi điều đặc biệt trong câu 48: Chúa “muốn [ định ý]  vượt qua họ”. Nhiều người nhận thấy điều nầy khó hiểu. Dường như Chúa không định ý đến cùng các môn đồ. Nhưng nếu ta suy gẫm những gì Chúa đang làm ngày nay, ta sẽ không có nan đề nào để hiểu điều nầy. Vì Chúa đã truyền lịnh các môn đồ Ngài đi qua bờ bên kia, đến Bếtsaiđa, Ngài đã xuống núi và đi về phía Bếtsaiđa. Chúa đã có thể đi đến chỗ khác và chờ họ chăng?Chúa chờ mong các môn đồ đi theo cùng lối mà Ngài đã truyền lịnh họ tiếp lấy. Nếu họ đã xoay qua góc khác,Chúa sẽ không gặp họ khi Ngài đến. Nếu họ đã đi theo hành trình sai, Chúa sẽ không theo lối sai trật chờ đợi họ. Điều nầy rất đáng tỉnh táo! Tôi đã luôn luôn suy gẫm rằng nếu Chúa đã truyền lịnh tôi đi Thượng Hải mà tôi đã đi Nam Kinh, tôi sẽ mất sự biến hóa [ cất lên] khi Ngài đến. Điều nầy vì cớ sự biến hóa chỉ xảy ra cặp theo lối đi mà Chúa đã ấn định. Nếu anh em không ở đó, anh em sẽ mất sự biến hóa. Mỗi một chúng ta phải chịu trách nhiệm về con đường mình đi.
   Câu 51 chép, “Ngài bèn lên cùng họ trên thuyền, thì gió lặng”.Ngay khi Chúa đến, mọi sự tốt đẹp. Cảm tạ và ngợi khen Chúa, gió có thể thổi ngược, nhưng nó sẽ không cứ ngược mãi mãi. Dầu chèo thuyền khó nhọc, ta sẽ không cần chèo mãi mãi. Có lẽ Chúa đang trên đường đi. Anh chị em ơi, ta có thể chịu đựng sự khó khăn trên trái đất nầy vì cớ Chúa đã chết cho ta trong quá khứ và sẽ trở lại trong tương lai. Tình yêu thôi thúc của Chúa ở phía sau ta, hi vọng về sự tái lâm của Ngài ở trước ta và lôi kéo ta. Một giáo sĩ nói, “tôi có Chúa như phần hưởng của tôi, đây là tại sao tôi có thể từ bỏ mọi sự”. Mắt Chúa đăt trên ta. Ta không sợ sự khó khăn. Nếu ta thay đổi hướng đi bây giờ vì sợ khó khăn, mọi sự khó khăn ta đã chịu đựng trong quá khứ sẽ hư không.

   Lần kia một người rất sâu nhiệm trong Chúa có nói,” khi ta đọc 2 Tesalonica 2:3 và 2 Tim 3:1-13, ta có thể nhận thấy rằng trước khi Chúa trở lại, sẽ có sự sa ngã và các thời kỳ nguy ngập, người ác và người lừa dối sẽ càng tồi tệ hơn. Các sự bội đạo nầy không ám chỉ đến học vấn, các hoạt động tôn giáo, các mục sư có khả năng, các nhà nhóm thờ phượng lộng lẫy, hay các sự tiến bộ về trí năng và vật chất. Đúng ra, chúng ám chỉ sự từ bỏ đức tin và quyền năng của Đức Chúa Trời. Hiện nay, một số hệ phái nổi tiếng đã có khuynh hướng về Thượng Tầng phê bình [ mà thực ra là sự vô tín hạng thấp thỏi], chối bỏ công việc siêu nhiên của Đức Chúa Trời, như sự tái sinh, sự thánh hóa, các sự trả lời xác định cho các lời cầu nguyện, và sự khải thị các điều thần thượng cho con người bởi Đức Thánh Linh”.

   Trong những ngày trước khi Chúa đến, sẽ có nhiều sự lừa gạt và gian dối. Nếu có thể, thậm chí tuyển dân cũng sẽ bị lừa gạt. Hơn nữa,“hình thức sự kỉnh kiền”[ bề ngoài dường như kỉnh kiền] sẽ gia tăng cực kỳ. Sự suy giảm đức tin sẽ đúng không chỉ về tình yêu thế giới và từ bỏ Lời Đức Chúa Trời, nhưng cũng sẽ đúng đối với đức tin giả mạo do Satan ra kiểu dáng. Một anh em nói, “những công việc nầy của Satan sẽ trở nên ảnh hưởng vô hình trong bầu không khí xung quanh ta. Chúng sẽ trở nên hình thức của sự kỉnh kiền, mà sẽ do các ác linh cư ngụ và sẽ bị sự áp chế từ Âm phủ chiếm hữu. Các ác linh nầy sẽ nổ lực tối đa để làm hại, hướng dẫn sai lạc, gây xáo trộn và áp chế con cái của Đức Chúa Trời. Chúng sẽ ảnh hưởng thân thể, đàn áp tính khí, và làm tối tăm tâm trí chúng ta. Nhiều cảm giác và hoạn nạn lạ thường khác nhau, không nghe đến trong quá khứ sẽ đến trên chúng ta và sẽ cổi bỏ chúng ta cách kinh ngạc mọi sự sẵn sàng và khả năng hướng về Đức Chúa Trời. Linh ta sẽ mỏi mệt và yếu ớt, tâm trí ta sẽ đần độn, và ý muốn ta sẽ ngủ mê. Ta sẽ ham muốn một cách lạ thường những điều mà Đức Chúa Trời cấm và sẽ yêu một cách kinh ngạc thú vui và các thói tục của thế giới nầy. Ta sẽ nhận thấy khó rao giảng với sự tự do và quyền năng đầy đủ cặp theo và sẽ nhận thấy khó nhọc lắng nghe cách chăm chú một sứ điệp hay quì xuống dâng chính mình để cầu nguyện cách liên tục. Vào lúc như vậy như hôm nay, khi buổi tối đến gần, ta phải chế ngự loại bầu không khí nầy”. Ô, chúng ta hãy mạnh mẽ trong Chúa! Chắc chắn Satan sẽ nổ lực với quyền năng không thể suy nghĩ nỗi để lừa dối tâm trí ta và ý muốn ta; hắn sẽ làm cho ta khó tiếp tục bước đi thân mật với Chúa, và ta sẽ nhận thấy dễ sống theo xác thịt và khó trung tín hầu việc Đức Chúa Trời và dâng mình cho sự cầu nguyện. Dường như toàn bản thể ta bị dấy động để chống lại việc ta theo Chúa Jêsus đến cuối cùng và lừa dối ta lập giao ước với thế giới.

   Bầu không khí quanh ta tìm cách làm ta xao lãng đối với Đức Chúa Trời, đến nỗi ta bị lạnh lẽo trong sự cầu nguyện, đần độn trong các cảm nhận thuộc linh và đui mù đối với thực tại các điều thiên thượng và đối với hiện diện vinh hiển của Chúa. Nó cũng làm ta xao lãng việc ta tương giao với Đức Chúa Trời và nghĩ rằng khó duy trì sự tương giao liên tục với Ngài.

   Ta cảm nhận rằng mọi điều nầy đang bắt đầu ảnh hưởng đến ta. Các sự tham dục của thế giới đang đan bện một cái lưới mở rộng qua nhiều cách. Loại đan bện nầy càng lúc càng mạnh mẽ hơn và có năng lực hơn trong nhiều tín đồ. Nhiều điều đã được cấm đoán trong các thế hệ trước, không chỉ đã được làm hôm nay, nhưng được thực hành mà không có cảm nhận nào về sự xấu hổ. Nhiều chỗ thờ phượng đã không chỉ từ bỏ các điều thuộc linh và ngừng có được sự phục hưng, nhưng lại đang giới thiệu mọi loại vui chơi giải trí và các hoạt động đáng nghi ngờ.

   Nói cách tổng quát, mọi nơi trên trái đất, ta thấy sự tàn héo đức tin và sự lìa bỏ lẽ thật. Ta nhìn nhận rằng có các sự ngoại lệ và có các chỗ mà nơi đó được Đức Chúa Trời ban phước. Nhưng nhìn chung, tình trạng của mọi hội thánh trên trái đất vẽ lên cho ta một bức tranh đáng buồn.

   Đang khi ta nhìn tình trạng nầy, ta không thể làm gì khác hơn là kêu gọi các hội thánh của Đức Chúa Trời chổi dậy, tự củng cố chính mình, và trở lại tương giao với Đức Chúa Trời, đến nỗi trong những ngày còn lại, họ sẽ làm hài lòng Chúa và được chuẩn bị để “ứng hầu trước tòa án của Đấng Christ” [2 Côr. 5:10] và khai trình những gì họ đã làm.

   Anh chị em ơi, những gì tôi vừa nói là các lời chân thật. Tôi không biết anh em nghĩ gì về chúng. Mỗi ngày tôi đều cảm thấy thế giới chống đối chúng ta. Ta chỉ có thể có một trong hai thái độ: đứng vững hay thư giản. Thế giới vẫn hoan nghinh ta và Satan cũng vậy. Nhưng Chúa đã ép ta đi qua bờ bên kia của Bếtsaida. Nếu vào lúc nầy, ta không trung tín, ta sẽ không bao giờ trung tín. Nhiều con cái của Đức Chúa Trời đã chịu khổ vì Chúa và đã tiếp lấy cuộc hành trình cô đơn. Ta sẽ giống như những gì mà một anh em Anh Quốc đã viết trong một bài thơ [ thánh ca], nói rằng đang khi anh em khác đi đến với Chúa qua biển máu, ta đi đến với Ngài trên kiệu cô dâu chăng?[ HTTL VN dịch diễn ý như sau: “Tôi há cứ mãi vui cùng nệm giường, Chờ được rước lên thiên đường; Lúc bao anh em huyết tuôn châu rơi, Hầu được lãnh thưởng trên trời?” TC số 317].Môi se đã nói cùng con cháu Gát và con cháu Rubên, “anh em các ngươi há sẽ đi ra trận, còn các ngươi ở lại đây sao?”[ Dân 32:6]. Anh chị em ơi, đang khi anh em khác trung tín và chịu khổ, ta vẫn có thể ngồi trong sự bình an sao? Chắc chắn có sự khó khăn, nhưng điều đó tốt hơn sự trôi giạt. Mỗi người trong chúng ta phải tiếp lấy cuộc hành trình mà Chúa đã ấn định mãi cho đến khi ta qua đến bờ bên kia. W.N.