Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2014

CÁC THI THIÊN ĐI LÊN TỪ BỰC- 6

Waterfalls Nature Landscape in Mountains Sunset Stock Image 
THI THIÊN 127: VUI HƯỞNG SỰ BIẾN ĐỔI
Ngừng Sự Lao Tác Luống Công Và Để Cho
Chúa Ban Cho Chúng Ta Sự Yên Nghỉ
Thi Thiên 127 do Solomon viết. Thi thiên này bắt đầu bằng “Nếu Jehovah không xây dựng ngôi nhà thì những kẻ xây dựng nó lao tác luống công. Nếu Jehovah không giữ thành thì kẻ canh gác thức canh vô ích. Ngươi thức dậy sớm, đi nằm trễ, ăn bánh lao nhọc luống công” (cc.1-2a). Có ba điều tất cả chúng đều thích làm một khi chúng ta yêu Chúa và vui hưởng nếp sống hội thánh. Thứ nhất, chúng ta thích xây dựng. Thứ hai, chúng ta thích thức canh. Thứ ba, chúng ta thích lao tác. Đây là ba “điều hấp dẫn” chúng ta trong nếp sống hội thánh. Chúng ta vui hưởng việc xây dựng, thức canh và lao tác. Thật ý nghĩa vì Thi thiên này được viết bởi Solomon, vì ông là người đã xây dựng nhà Chúa. Ông nói rằng nếu Chúa không xây nhà thì những kẻ xây nhà lao tác luống công. Khi chúng ta cố gắng làm nhiều điều để xây dựng nhà Chúa, điều đó không có hiệu quả. Hơn nữa, nếu Chúa không giữ thành thì những kẻ canh gác thành thức canh vô ích. Cuối cùng, chúng ta dậy sớm, đi nằm trễ và ăn bánh lao nhọc luống công. Điều này có nghĩa là chúng ta quá nhọc tâm về các môi quan tâm của Chúa cách vô ích. Khi chúng ta mang gánh nặng quá mức về nếp sống hội thánh thì bánh của chúng ta trở nên bánh của sự lao nhọc. Điều này nghe thì rất tốt, nhưng thật sự điều đó vô ích. Điều đó không có ích lợi gì cả.

Kế đến, Solomon nói: “Dù sao đi nữa, Ngài ban cho những người yêu dấu của Ngài trong khi họ ngủ” (c.2b). Các bản dịch khác nói rằng: “các ngươi không biết rằng các ngươi là những người yêu dấu của Ngài sao? Các ngươi không cần phải lao tác sức hay quá nhọc tâm. Thay vì vậy, hãy chỉ đi ngủ. Đừng làm việc quá sức. Đừng làm quá nhiều. Chúa muốn các ngươi yên nghỉ”. Trong cuộc sống loài người của mình, chúng ta có thể làm việc và bị nhọc tâm trong nhiều ngày liên tiếp, nhưng chỉ sau một đêm ngủ ngon, chúng ta hoàn toàn được phục hồi. Đây là điều Chúa ao ước cho chúng ta. Vì chúng ta là những người yêu dấu của Ngài nên Ngài muốn ban cho chúng ta sự yên nghỉ.
Trong nếp sống hội thánh, Chúa thường bảo chúng ta: “Hãy đi ngủ. Ngươi quá bận rộn. Ngươi đang cố gắng quá sức để xây dựng, thức canh và lao tác. Để Ta nhắc nhở ngươi rằng Ta yêu ngươi. Ngươi không cần làm việc quá sức. Hãy chỉ đi ngủ”. Chúa không chỉ bảo chúng ta đi ngủ, nhưng chính Ngài ban cho chúng ta giấc ngủ. Ngài ban cho chúng ta sự yên nghỉ. Khi chúng ta quá lo lắng về hội thánh địa phương của mình, Ngài sẽ nói: “Hãy yên nghỉ” Khi chúng ta đấu tranh về việc có nên phục vụ Chúa trọn thời gian hay không, Ngài sẽ nói: “hãy yên nghỉ” Nếu chúng ta đang dâng trọn thời gian và đang phân vân không biết có nên kiếm một công việc hay không, Ngài sẽ nói: “hãy yên nghỉ”. Chúa yêu chúng ta và ban cho chúng ta giấc ngủ. Điều này không có nghĩa là chúng ta nên lười biếng. Chúng ta sẽ thấy trong Thi thiên kế tiếp rằng có một thời điểm để trỗi dậy và làm việc. Nhưng trước hết Thi thiên này bảo chúng ta đừng lăng xăng quá nhiều và làm việc quá sức. Đặc biệt là khi chúng ta còn trẻ và thiếu trưởng thành, chúng ta cần học tập yên nghỉ. Điều này theo sau sự nhận thức trong thi thiên trước rằng chúng ta không tốt cho việc gì ngoại trừ chết. Chúng ta đã nhìn thấy bản ngã của mình và muốn được giải phóng, và chúng ta đã nhận thức rằng cách duy nhất là được gieo xuống đất để chết như một hạt giống. Chết là gì? Trong Thi thiên này điều đó có nghĩa là ngưng làm việc quá sức và yên nghỉ.
Giấc Ngủ Dẫn Đến Sự Biến Đổi
Khi Chúa yêu chúng ta, Ngài ban cho chúng ta giấc ngủ. Chúng ta vui hưởng một sự yên nghỉ dịu ngọt. Chúng ta càng phấn đấu, Chúa càng nói: “điều đó vô ích”. Mọi sự lao tác của chúng ta đều vô ích cho đến khi chúng ta đầu phục Chúa và yên nghỉ trong Ngài. Việc chúng ta đi ngủ có thể có một trong hai ý nghĩa. Thứ nhất, điều đó có thể có nghĩa là ngừng làm việc. Thứ hai, điều đó có thể có nghĩa là chấp nhận sự sắp xếp có tính chất môi trường của Chúa cho chúng ta. Chúng ta cần học cách yên nghỉ trong Chúa. Đó là cầu nguyện: “Chúa ôi, tôi sẽ quên đi mọi kế hoạch và mọi nỗ lực của mình. Tôi sẽ quên đi mọi sự. Chúa ôi, tôi nhận lấy bàn tay kỷ luật của Ngài. Tôi chấp nhận sự cai trị và quyền bính của Ngài. Tôi chấp nhận điều Ngài đã sắp xếp cho tôi. Tôi yên nghỉ trong tay Chúa”. Khi chúng ta ngừng nỗ lực của mình lại và yên nghỉ trong sự sắp xếp của Chúa, chúng ta bắt đầu được biến đổi. Dường như chúng ta đang ngủ, nhưng thật ra chúng ta đang kinh nghiệm sự biến đổi. Cuối cùng, chúng ta không tăng trưởng nhiều bởi sự phấn đấu của mình, nhưng bởi việc yên nghỉ trong tay Chúa.
Giấc Ngủ Dẫn Đến Bông Trái Dư Dật
Chính lúc chúng ta để cho Chúa ban cho chúng ta giấc ngủ, chúng ta trở nên đầy bông trái. Những câu kế tiếp của Thi thiên này rất hấp dẫn: “Kìa, con cái là một di sản của Jehovah, bông trái của tử cung là một phần thưởng” (c.3). Khi trở nên yên nghỉ, chúng ta cũng trở nên đầy bông trái. Khi chúng ta chấp nhận sự sắp xếp của Chúa cho chúng ta, và khi chúng ta ngừng cố gắng làm nhiều điều cho Chúa, khi ấy chúng ta có con cái. Khi chúng ta đang yên nghỉ giống như một hạt giống dưới đất thì con cái đang được sản sinh. Khi chúng ta yên nghỉ trong tay Chúa và sự cai trị của Chúa, cuối cùng chúng ta có “bông trái của tử cung”. Điều này trái nghịch với quan niệm của chúng ta. Chúng ta thường nghĩ rằng chúng ta cần làm việc cực nhọc để trở nên đầy bông trái. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta cần tự trang bị, được huấn luyện, và làm nhiều điều, nhưng Chúa nói: “Không. Chính lúc ngươi ngủ ngươi sẽ có con cái. Khi ngươi yên nghỉ trong tay Ta, ngươi sẽ nhìn thấy bông trái”. Chúng ta cần nói với Chúa: “Chúa ôi, tôi sẵn lòng chôn chính mình và chết. Tôi muốn tránh khỏi bất cứ điều gì thuộc bản ngã tôi, bao gồm mọi hoạt động của tôi. Chúa ôi, hãy ban cho tôi sự yên nghỉ”. Khi ấy chúng ta sẽ đầy bông trái.
Diễn Trình Biến Đổi Trang Bị Chúng Ta
Sự Phong Phú Để Phục Vụ Chúa
Thi thiên này tiếp tục: “Giống như những mũi tên trong tay một dũng sĩ, con cái trong thời tuổi trẻ của một người cũng vậy” (c.4). Câu này quá quý báu. Về một mặt, con cái là “di sản của Jehovah”. Nhưng mặt khác, chúng là  “con cái từ tuổi trẻ của một người”. Chúng là con cái của Chúa, nhưng chúng đến qua chúng ta. Các con cái này “giống như những mũi tên trong tay một dũng sĩ”. Chúng không chỉ là các con số và thống kê mà “giống như những mũi tên” . Giả sử có một anh em sản sinh một số bông trái. Điều đó có nghĩa là anh ấy trở nên “giống như một dũng sĩ”. Trước đây anh ấy đã làm việc rất khó nhọc, nhưng anh ấy đã lao tác luống công. Mọi điều anh ấy làm để sản sinh bông trái cũng luống công. Nhưng rồi anh ấy đi ngủ. Anh ấy đã chấp nhận sự sắp xếp của Chúa và đặt chính mình và chỗ chết. Sau đó không lâu thì con cái xuất hiện. Các con cái này không phải là những con số, nhưng là “những mũi tên,” và anh em ấy là “một dũng sĩ”.
Tại sao Kinh Thánh lại dùng các từ ngữ này? Khi chúng ta tin cậy sự cai trị của Chúa, khi chúng ta học tập không có sự lựa chọn nào cho chính mình nhưng để cho Ngài đặt chúng ta vào trong giấc ngủ, khi ấy Chúa khiến cho “tử cung” của chúng ta mang con cái. Nói cách khác, chúng ta có một sự tăng trưởng và biến đổi bên trong là điều làm cho chúng ta trở nên đầy bông trái. Chúng ta sản sinh con cái như “những mũi tên” ngụ ý một điều có sức mạnh. Chúng ta không chỉ có bông trái dư dật ở bên ngoài, nhưng bên trong chúng ta được làm cho sẵn sàng, sửa soạn và trang bị bằng sự phong phú. Chúng ta không còn có sự ao ước ấu trĩ là làm nhiều điều cho Chúa nữa. Thay vì vậy, chúng ta trở nên một người được Chúa trang bị với sức lực và sự phong phú bên trong. Đó là lý do tại sao con cái của chúng ta được ví như những mũi tên. Khi được đặt vào trong giấc ngủ, chúng ta kinh nghiệm sự tăng trưởng và biến đổi. Cuối cùng diễn trình này không chỉ làm cho chúng ta trở nên đầy bông trái mà còn làm cho chúng ta mạnh mẽ và trưởng thành. Chúng ta giống như một “dũng sĩ” với “những mũi tên” Vì chúng ta đã tăng trưởng và trưởng thành bên trong, nên chúng ta được trang bị bằng sự phong phú để phục vụ Chúa cách hiệu quả
Trở Nên Một Chiếc Bình Dẫn Đến Sự Tôn Trọng
Bởi Việc Được Biến Đổi và Đứng Chống Lại Bản Ngã
Phần nay của Thi Thiên 127 tương ứng với một phần của Tân Ước. “Nhưng trong một ngôi nhà lớn thì không chỉ có những chiếc bình bằng vàng và bạc, mà còn bằng gỗ và đất; và một số dẫn đến sự tôn trọng, còn một số dẫn đến sự hổ thẹn. Vậy nếu người nào tự làm sạch mình khỏi những chiếc bình này, người ấy sẽ là một chiếc bình dẫn đến sự tôn trọng, được thánh hóa, hữu dụng cho chủ, sẵn sàng cho mọi công tác tốt lành” (2 Tim. 2:20-21). Các câu này là một sự mô tả về nếp sống hội thánh. Trong Kinh Thánh, con loài người thường được mô tả là “những chiếc bình”. Một số chiếc bình là vàng và bạc; đây là những chiếc bình đáng tôn trọng. Vàng tượng trưng cho bản chất của Đức Chúa Trời, và bạc tượng trưng cho công tác cứu chuộc của Đấng Christ. Những người được cấu thành bằng bản chất thần thượng của Đức Chúa Trời và công tác cứu chuộc của Đấng Christ là những chiếc bình dẫn đến sự tôn trọng. Cũng có những chiếc bình dẫn đến sự hổ thẹn, đó là những chiếc bình bằng gỗ và đất. Một chiếc bình gỗ là một người thiên nhiên, và một chiếc bình đất là một người công tác bằng đôi tay loài người, không phải bằng “đôi tay thần thường”. Chúng ta cần xin Chúa thương xót để chúng ta sẽ không bao giờ là những chiếc bình bằng gỗ và bằng đất. Cơ Đốc giáo đầy dẫy những chiếc bình này. Nhiều người trong Cơ Đốc giáo đang cố gắng làm một điều gì đó để phục vụ Chúa, nhưng mọi điều họ làm là bằng đôi tay loài người và theo các quan niệm thiên nhiên của họ. Nhiều người thực hiện các công tác Cơ Đốc trong danh Chúa, những điều họ sản sinh hầu như không hề có liên quan đến Ngài. Đây là những chiếc bình dẫn đến sự hổ thẹn.
Paul nói: “Vậy nếu ai tự làm sạch khỏi những chiếc bình này…”. Chúng ta cần được làm thuần khiết khỏi những điều này. Người ta thích làm những chiếc bình gỗ và đất. Làm mọi điều như một chiếc bình đất hoặc gỗ có vẻ đơn giản và hiệu quả. Nhưng làm một điều gì đó như một chiếc bình vàng hay bạc thì không dễ lắm. Việc làm một chiếc bình vàng hay bạc đòi hỏi một mức độ biến đổi lớn. Đó là lý do tại sao chúng ta phải “làm sạch” chính mình và làm thuần khiết chính mình khỏi những điều này. Nói cách khác, chúng ta phải nhận lấy một chỗ đứng chống lại chính mình. Chúng ta thích bằng gỗ và đất, nhưng chúng ta phải đứng chống lại điều đó. Khi ấy chúng ta sẽ là “một chiếc bình dẫn đến sự tôn trọng, được thánh hóa, hữu dụng cho chủ, sẳn sàng cho mọi công tác tốt lành”. Điều này tương ứng với việc làm một dũng sĩ có những mũi tên trong Thi Thiên 127. Việc chúng ta có những mũi tên có nghĩa là chúng ta sẵn sàng cho mọi công tác tốt lành. Làm thế nào chúng ta có thể được làm cho sẵn sàng? Chỉ khi chúng ta nhận lấy một chỗ đứng để làm thuần khiết chính mình. Chúng ta phải thanh tẩy và xử lý những gì chúng ta là trong bản chất. Chúng ta phải cự tuyệt việc bằng đất thông thường và thấp kém. Nếu chúng ta ao ước làm chiếc bình dẫn đến sự tôn trọng thì đó là một điều gì đó cao trọng. Điều đó đòi hỏi một giá cao, với một sự hiến dâng dạn dĩ: “Chúa ôi, tôi không muốn quá thiên nhiên và thông thường như vậy! Tôi đứng chống lại chính mình! Tôi muốn làm một chiếc bình vàng và bạc! Tôi muốn làm một dũng sĩ với những mũi tên! Tôi ao ước trả giá để trở nên hữu dụng cho Ngài! Tôi ao ước được làm cho sẵn sàng cho mọi công tác tốt lành!”
2 Timothy cũng cho chúng ta biết một bí quyết khác của việc hữu dụng cho Chúa: “Cả Kinh Thánh được Đức Chúa Trời hà hơi và có ích cho sự dạy dỗ, thuyết phục, điều chỉnh và chỉ dẫn trong sự công nghĩa, để người của Đức Chúa Trời có thể được trọn vẹn, được trang bị đầy đủ cho mọi công tác tốt lành” (2 Timothy 3:16-17). Chúng ta không chỉ cần quan tâm đến sự sống nhưng cũng cần quan tâm đến Lời. Việc vui hưởng Lời và được cấu thành bằng lẽ thật thì tuyệt đối cần thiết để chúng ta trở nên một chiếc bình dẫn đến sự tôn trọng. Bởi việc đứng chống lại chính mình, tăng trưởng trong sự sống, và được cấu thành bằng lẽ thật, chúng ta sẽ được làm cho sẵn sàng và trang bị cho mọi công tác tốt lành.
Trong Nếp Sống Hội Thánh, Chúng Ta Thiếu Hụt
Sự Biển Đổi Đầy Bông Trái Và Trang Bị Này
Chúng ta phải nhớ rằng cách duy nhất để chúng ta đạt đến giai đoạn trưởng thành này là đi ngủ. “Ngài ban cho những người yêu dấu của Ngài trong khi họ ngủ”. Anh chị em ơi, hãy học tập đừng phấn đấu. Hãy học tập yên nghỉ. Hãy học tập nhận lấy bàn tay của Chúa và cứ ở dưới sự xử lý có tính cai trị của Ngài. Khi anh chị em đang ngủ, “những mũi tên” sẽ xuất hiện. Anh chị em sẽ trở nên một “dũng sĩ” với nhiều con cái. Các con cái này không đến từ công tác của anh chị em, chúng đến từ anh chị em. Chúng đến từ sự tăng trưởng và trưởng thành cuả anh chị em. Diễn trình sinh bông trái làm cho anh chị em trở nên một chiến binh, một dũng sĩ. Về một mặt anh chị em vẫn đang yên nghỉ, nhưng mặt khác lại biết cách đánh trận, cách phấn đấu, cách để xử lý kẻ thù, và cách để có được chiến thắng. Anh chị em là một dũng sĩ với những mũi tên. Những mũi tên này không đến bởi việc làm nhiều điều cách bên ngoài. Chúng đến bởi một công tác biến đổi bên trong. Vì ở trước mặt Chúa nhiều, nên anh chị em để cho Chúa biến đổi và làm cho anh chị em đầy bông trái. Khi anh chị em đang ngủ, và trong sự thuận phục Chúa của mình, sự biến đổi đến. Ra từ sự biến đổi, anh chị em trở nên một dũng sĩ với những mũi tên.
Trong nếp sống hội thánh, chúng ta không thiếu niềm ao ước hay sự hiến dâng đối với Chúa. Chúng ta thiếu điều mà thi thiên này mô tả như sự biến đổi. Chúng ta thiếu “những mũi tên”. Bao nhiêu người trong chúng ta có thể nói: “Tôi là một dũng sĩ với những mũi tên”? Bao nhiêu người trong chúng ta có thể nói cách chân thật: “Tôi biết cách rao giảng phúc âm. Tôi biết chia sẻ với dân chúng như thế nào theo cách chuyển tải sự phong phú của Đấng Christ. Tôi biết cách cầu nguyện có hiệu quả. Tôi biết cách cung phụng lời. Tôi biết cách giúp đỡ người khác xoay vào trong linh họ. Tôi biết cách vận hành vì sự xây dựng hội thánh!” Tất cả các chi tiết này giống như những mũi tên. Nhiều người trong chúng ta đầy dẫy niềm ao ước, nhưng chúng ta xây dựng, thức canh và lao tác hoàn toàn luống công. Vì vậy chúng ta cần học tập để được biến đổi. Chúng ta cần tự thuận phục đối với bàn tay cai trị của Chúa và để cho Chúa biến đổi chúng ta. Sự biến đổi này sẽ khiến những mũi tên được sản sinh. Chúng ta sẽ trở nên một dũng sĩ được trang bị và làm cho sẵn sàng. Khi ấy chúng ta biết cách phục vụ Chúa có hiệu quả.
Ngày nay trong nếp sống hội thánh, chúng ta quá thiếu những dũng sĩ! Tất cả chúng ta đều yêu Chúa, tất cả chúng ta đều đã dâng mình cho Chúa, nhưng bao nhiêu người trong chúng ta đã thật sự đi ngủ? Bao nhiêu người trong chúng ta đã thật sự học được bài học: “Chúa ôi, tôi yên nghỉ trong Ngài. Tôi tin cậy Ngài sẽ biến đổi tôi và làm cho tôi đầy bông trái. Khi tôi bị chôn, khi tôi học tập đặt chính mình sang một bên, nguyện có con cái từ bông trái của tử cung tôi. Hãy xây dựng một điều gì đó trong tôi mà có thể làm cho tôi hữu dụng đối với Ngài”. Chỉ khi ấy chúng ta mới có thể biết cách đương đầu và xử lý với rất nhiều tình huống. Chỉ khi ấy chúng ta mới được trang bị bằng những mũi tên để chiến đấu với kẻ thù. Sau khi trải qua một diễn trình như vậy, chúng ta sẽ hữu dụng cho Chúa.
Sự Biến Đổi Của Chúng Ta
Là Vì Nếp Sống Hội Thánh
Kinh nghiệm này về sự biến đổi chỉ có thể xảy ra trong nếp sống hội thánh, vì đây là nơi chúng ta kinh nghiệm bàn tay cai trị của Chúa. Hơn nữa, điều đó chỉ có thể được giữ lại trong nếp sống hội thánh. Đó là lý do tại sao Thi thiên này kết luận: “Phước cho người có đầy mũi tên trong ống tên của mình. Người ấy sẽ không bị hổ thẹn khi phát ngôn với các kẻ thù nơi cổng thành”(c.5). Thi Thiên này bắt đầu với rất nhiều điều được thực hiện cách luống công, nhưng lại kết luận: “Phước cho người”. Chữ “phước” trong Kinh Thánh cũng có thể được dịch là “vui sướng”. Ở điểm này trong Thi thiên này, chúng ta rất vui sướng. Chúng ta vui mừng vì ống tên của chúng ta đầy tên. “Ống tên” ở đây là gì? Ống tên là nếp sống hội thánh. Khi không có ống tên thì không có chỗ cho tất cả những mũi tên. Chúng ta có thể có rất nhiều mũi tên, nhưng nếu không có nếp sống hội thánh thì tất cả chúng sẽ biến mất. Chúng ta phải ở trong nếp sống hội thánh để mọi kinh nghiệm của chúng ta về Chúa được giữ lại. Bất kể chúng ta hữu dụng, có khả năng hay được trang bị kỹ lưỡng đến đâu, chúng ta phải có nếp sống hội thánh để chống đỡ chúng ta. Mọi sự biến đổi của chúng ta, mọi sự trang bị của chúng ta, và mọi bông trái của chúng ta là vì nếp sống hội thánh. Khi chúng ta có một ống tên đầy tên thì chúng ta thật sự được chúc phước bằng sự vui hưởng phong phú về sự biến đổi của mình.
THI THIÊN 128: VUI HƯỞNG MỘT SỰ LAO TÁC
CHÍN MUỒI VÀ BAN SỰ SỐNG

Sau Khi Kinh Nghiệm Sự Biến Đổi, Chúng Ta Có Thể
Vui Hưởng Bông Trái Sự Lao Tác của Chúng Ta
Thi Thiên 128 bắt đầu bằng “Phước cho mọi người kính sợ Jehovah, là người bước đi trong các đường lối Ngài. Thật vậy, các ngươi sẽ ăn sự lao tác của đôi tay mình; các ngươi sẽ được chúc phước; và điều đó sẽ tốt đẹp với các ngươi” (cc.1-2). Ở đầu Thi Thiên 127, chúng ta đã lao tác cách vô ích. Bây giờ trong Thi Thiên 128 chúng ta ăn uống sự lao tác của đôi tay mình. Vì chúng ta đã ngủ, và vì chúng ta đã được trang bị và được làm cho sẵn sàng cho mọi công tác tốt lành, nên chúng ta có thể trỗi dậy và phục vụ  Chúa cách hiệu quả. Khi ấy chúng ta có thể vui hưởng bông trái sự lao tác của chúng ta.
Thi Thiên này tiếp tục: “Vợ ngươi sẽ giống như một cây nho đầy trái trong các phần tận cùng của nhà ngươi. Con cái ngươi sẽ giống như các chồi ô-liu quanh bàn ngươi”(c.3). Câu này không chỉ hiểu theo nghĩa đen. Thay vì vậy, chúng ta nên áp dụng nó cho chính mình. Sau khi đã kinh nghiệm điều được mô tả trong các Thi thiên trước, chúng ta giống như một “ngôi nhà”. Hơn nữa, bên trong ngôi nhà của chúng ta có một cái bàn. Ngôi nhà là vì sự yên nghỉ, trong khi cái bàn là để đứng vững. Điều này có nghĩa là chúng ta có thể ban cho người khác sự yên nghỉ, và chúng ta có thể ban cho người khác sự yên nghỉ, và chúng ta có thể giúp người khác đứng vững.
Trong ngôi nhà của chúng ta có một “cây nho đầy trái”. Chúng ta không chỉ có rượu nho, chúng ta còn sản xuất rượu  nho. Hơn nữa, chúng ta cũng có các cây ô-liu. Chúng ta sản xuất rượu nho, và chúng ta cũng sản xuất dầu. Điều này thật kỳ diệu. Khi người Samaria tốt lành chăm sóc người bị thương, ông đã cung phụng dầu và rượu (Luke 10:34). Dầu và rượu tượng trưng cho nguồn cung ứng sự sống từ Chúa vì sự xức dầu và sự vui hưởng. Chúa như người Samaria tốt lành đã chữa lành người bị thương bằng hai chi tiết này
Sau khi học tập ngủ, và sau khi trở nên giống như một dũng sĩ với những mũi tên, chúng ta có thể lao tác. Bên trong chính mình, chúng ta sản sinh dầu và rượu để người khác hưởng. Chúng ta trở nên giống như một cây nho và một cây ô-liu. Bất kể chúng ta đi đâu, dầu và rượu đi với chúng ta. Chúng ta giống như Chúa trong chức vụ của Ngài. Khi chúng ta lao tác, các vết thương có thể được chữa lành, và dân chúng có thể được phục hồi. Chúng ta có thể đem dân chúng đến sự vui mừng. Tất cả chúng ta cần ao ước trở nên một người như vậy trong nếp sống hội thánh. Chúng ta không chỉ vui hưởng cho chính mình, chúng ta sản sinh rượu cho người khác vui hưởng. Chúng ta không chỉ có dầu cho chính mình, chúng ta sản sinh dầu để xức cho các vết thương của người khác. Chúng ta giống như một ngôi nhà và một cái bàn để đem dân chúng đến sự yên nghỉ và khiến cho họ đứng vững. Khi lao tác và phục vụ theo cách như vậy, chúng ta cung phụng Đấng Christ cho dân chúng cách đầy đủ. Khi ấy chính chúng ta có sự vui hưởng phong phú về sự lao tác của mình. Chúng ta ăn uống sự lao tác của đôi tay mình.
Sự Lao Tác Ban Sự Sống Của Chúng Ta
Làm Cho Chúng Ta Trở Nên
Một Phước Hạnh Cho Nhiều Thế Hệ
Thi Thiên này tiếp tục: “Do đó người kính sợ Jehovah sẽ được chúc phước. Jehovah chúc phước cho ngươi từ Zion; và nguyện ngươi nhìn thấy sự thịnh vượng của Jerusalem trọn đời ngươi”(cc.4-5). Bây giờ chúng ta được chúc phước và chúng ta trở nên một phước hạnh. Khi sống một nếp sống như vậy, chúng ta trở nên một ích lợi cho chứng cớ của Chúa. Câu kế tiếp nói: “Nguyện ngươi cũng nhìn thấy con cái của mình” (c.6a). Việc chúng ta là một phước hạnh cho các hội thánh không còn bị giới hạn nữa. Phước hạnh ở đây dành cho các thế hệ sắp đến. Khi một đầy tớ đích thực của Chúa qua đời thì vẫn còn có một phước hạnh cho nhiều thế hệ. Thí dụ,  các vị như Andrew Murray, A.W.Tozer, Watchman Nee.... Họ đã giống như một cây nho và một cây ô-liu. Họ là các gương mẫu về những người đã trở nên một nguồn cung ứng sự sống thật sự, vì họ đã học được cách để “ngủ”. Họ đã học được cách bị chôn xuống đất và yên nghỉ trong tay Chúa. Họ đã trở nên những người có thể truyền đạt dầu và rượu. Đó là lý do tại sao họ vẫn là một phước hạnh như vậy. Phước hạnh của họ sẽ tiếp tục từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Tác giả Thi thiên kết luận “Nguyện hòa bình trên Israel”. Khi trong nếp sống hội thánh có các anh em giống như một cây nho và cây ô-liu thì có hòa bình. Chúng ta cần cầu nguyện: “Chúa ôi, tôi ao ước tăng trưởng và được biến đổi theo cách lành mạnh như vậy. Tôi muốn biết cách yên nghỉ trong Ngài. Tôi muốn học cách thuận phục sự sắp xếp của Ngài cho tôi. Cuối cùng tôi cầu nguyện để có dầu và rượu bên trong tôi. Tôi cầu nguyện để tôi có thể lao tác với phước hạnh cho hội thánh”. Nguyện Chúa thương xót chúng ta để tất cả chúng ta đều trở nên một phước phạnh như vậy.