Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2014

CÁC THI THIÊN ĐI LÊN TỪ BỰC- 7

Bright yellow flowers on a background of mountains and sky Royalty Free Stock Images

THI THIÊN 129-131- GIAI ĐOẠN MỞ RỘNG-

GIỚI THIỆU VÀ ÔN LẠI
Chúng ta đã thấy rằng giai đoạn thứ ba của Các Thi Thiên Đi Lên, giai đoạn vui hưởng, bắt đầu với hai “sự xoay chuyển” khác nhau khỏi sự phu tù. Trong Thi Thiên 126, chúng ta được giải phóng khỏi thế giới và Cơ Đốc giáo để được đem vào trong nếp sống hội thánh. Sau khi vui hưởng nếp sống hội thánh, cuối cùng chúng ta được giải phóng khỏi sự phu tù đối với sự sống bản ngã của mình bằng cách chôn xuống đất để chết. Điều này dẫn đến kinh nghiệm về sự biến đổi như được nhìn thấy trong Thi Thiên 127. Trong diễn trình được biến đổi, chúng ta trở nên một “dũng sĩ với những mũi tên”. Chúng ta được trang bị bằng sự phong phú để phục vụ Chúa khi trải qua diễn trình kết trái trong nếp sống hội thánh. Điều này dẫn đến nếp sống phục vụ trưởng thành và lành mạnh như được mô tả trong Thi Thiên 128. Chúng ta trở nên giống như một “cây ô-liu” và một “cây nho đầy trái”. Điều này có nghĩa là chúng ta trở nên một nguồn cung ứng “dầu” để hội thánh tăng trưởng và một nguồn cung ứng “rượu”  để hội thánh vui mừng. Chúng ta không còn lao tác luống công nhưng có thể sản sinh và cung phụng sự sống để đáp ứng nhu cầu của những người ở xung quanh chúng ta.

Một khi đạt đến điểm này trong các Thi Thiên Đi Lên, chúng ta có thể cảm thấy: “vậy là đủ rồi. Không cần gì thêm nữa. Như vậy là cao nhất rồi”. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần một sự “chuyển xoay” khác trong kinh nghiệm của mình. Chúng ta đã có hai “sự chuyển xoay” rồi, trong Thi Thiên 126 một sự chuyển xoay để bước vào trong nếp sống hội thánh và một sự chuyển xoay sâu hơn để được giải phóng khỏi sự sống bản ngã của chúng ta. Bây giờ chúng ta cần một sự chuyển xoay thậm chí còn lớn hơn, mà chúng ta gọi là “giai đoạn mở rộng”. Chúa phải mở rộng chúng ta để chúng ta không còn xem chính mình là những cá nhân đặc biệt nữa. Bất kể chúng ta trưởng thành hoặc thuộc linh bao nhiêu, chúng ta chỉ có thể làm thỏa mãn Chúa bởi việc chăm sóc chứng cớ của Ngài. Chúa phải công tác trên chúng ta và mở rộng chúng ta hầu cho niềm ao ước của chúng ta không phải vì chính mình, nhưng vì sự lành mạnh của toàn bộ nếp sống hội thánh.
Chúa mở rộng chúng ta qua ba kinh nghiệm khác nhau. Thứ nhất, Ngài sắp xếp các khó khăn và hoạn nạn trong môi trưởng của chúng ta để chúng ta tăng trưởng cách đúng đắn (Thi Thiên 129). Thứ hai, Ngài phơi bày tình trạng tội lỗi của chúng ta khi chúng ta dành thời gian ở trong sự hiện diện của Ngài (Thi Thiên 130). Thứ ba, Ngài đem chúng ta đến một tình trạng thấp kém và thuận phục (Thi Thiên 131). Bởi các kinh nghiệm lành mạnh này, chúng ta được mở rộng để chăm sóc chứng cớ của Ngài cách đúng đắn.
THI THIÊN 129: ĐƯỢC MỞ RỘNG QUA
CÁC SỰ XỬ LÝ CÓ TÍNH MÔI TRƯỜNG CỦA CHÚA

Chúng Ta Kinh Nghiệm Hoạn Nạn
Vì Ích Lợi Của Chứng Cớ Chúa.
Thi Thiên 129 bắt đầu bằng: “Nhiều lần chúng đã làm tôi khốn khổ từ khi tôi còn trẻ, Ô, Israel hãy nói” (c.1). Tác giả của Thi thiên này đã trải qua nhiều năm kinh nghiệm sự chịu khổ và hoạn nạn. Tuy nhiên, ông nhận thức rằng điều đó hoàn toàn là vì “Israel” chứng cớ của Chúa. Câu này chỉ tỏ rằng tác giả không còn sợ những thời kỳ khó khăn nữa, ông cũng không cố gắng để thoát khỏi những tình huống khó khăn. Ông nhận thức rằng có sự thử thách và hoạn nạn đã có với ông từ khi còn trẻ, nhưng những điều đó không vì chính ông nhưng vì ích lợi của chứng cớ Chúa. Đó là lý do tại sao ông nói: “Ô, Israel hãy nói”. Rồi ông lặp lại: “Nhiều lần chúng đã làm tôi khốn khổ từ khi tôi còn trẻ” nhưng thêm vào: “nhưng chúng đã không thắng hơn tôi” (c.2). Nói cách khác, tác giả muốn nói rằng: “Sau khi kinh nghiệm rất nhiều năm gian khó và thử thách, tôi có thể làm chứng rằng Chúa đã luôn có cách của Ngài. Nhìn bên ngoài thì dường như tôi đã thất bại và bị đánh đập; nhưng trong thực tại, tôi có được chiến thắng. Nhìn bên ngoài thì tôi đã không có cách nào để đắc thắng  mọi hoạn nạn. Tôi thường bị áp bức đánh bại, và thậm chí bị cám dỗ chạy trốn. Tuy nhiên, sau nhiều năm ở trong mọi loại tình huống này, bây giờ tôi có thể làm chứng rằng chúng đã không thắng hơn tôi! Tôi vẫn còn ở đây! Tôi vẫn đang chiến đấu cho chứng cớ của Chúa!” Hai câu này rất dịu ngọt. Tác giả đã được xử lý trọn đời ông từ khi còn trẻ, nhưng ông nhận thức rằng các sự xử lý và hoạn nạn luôn luôn đến với ông từ Chúa cho chứng cớ của Ngài trong ý định
Những người vẫn đang theo Chúa trong nhiều năm có thể làm chứng điều này. Đó không phải là một sự khoe khoang kiêu ngạo hoặc không đúng đắn mà là sự tuyên bố một sự kiện lạ lùng: “Tôi vẫn còn ở đây! Ngợi khen Chúa, tôi là một phần của Israel! Tôi là một phần của chứng cớ Chúa! Nhiều lần chúng đã làm tôi khốn khổ từ khi tôi còn trẻ, nhưng chúng đã không thắng hơn tôi!” Đôi khi những người trẻ trong hội thánh nhìn vào những người lớn tuổi hơn và nghĩ: “Các anh quá già. Các anh không ở trong một ‘dòng chảy’, các anh không ‘cập nhật’ với gánh nặng hiện tại của Chúa. Đó là lý do tại sao chúng tôi là thế hệ mà Chúa cần để đem Ngài trở lại!” Nhưng các thánh đồ lớn tuổi cũng đã từng là những người trẻ, và họ đã từng suy nghĩ như vậy: “Chúng tôi” là thế hệ mà sẽ đem Chúa trở lại”. Bây giờ thế hệ lớn hơn chỉ có thể nói: “Nhiều lần chúng đã làm tôi khốn khổ từ khi tôi còn trẻ.” Khi ấy thay vi nói: “Ô Israel hãy nói”, họ sẽ tuyên bố: “Ô, hội thánh địa phương của tôi hãy nói!” Trong hội thánh địa phương của họ, trải qua nhiều năm họ đã kinh nghiệm nhiều thử thách và thời kỳ khó khăn. Họ đã đổ nhiều nước mắt. Họ đã trải qua các tình huống vượt quá sự hiểu biết hay sức chịu đựng của họ. Nhưng họ có thể nói: “Ngợi khen Chúa, chúng tôi vẫn còn ở đây! Chúng đã không thắng hơn tôi”. Các thánh đồ trẻ ơi, đừng khinh miệt những người lớn tuổi hơn. Họ đã thu đoạt được nhiều sự phong phú. Họ đã có được một điều gì đó quý báu từ Chúa vì chứng cớ của Ngài. Điều này được chứng minh bằng chính sự kiện là họ vẫn còn ở đây.
Những người trẻ hơn giữa vòng chúng ta cần tự hỏi chính mình: “Liệu tôi sẽ còn ở đây trong người năm nữa?” Đây không phải là một vấn đề tầm thường. Các anh chị em trẻ ơi, không có sự bảo đảm nào là trong ít năm nữa tất cả anh chị em vẫn còn ở đây. Đó là lý do tại sao thật không đúng đắn khi anh chị em nhìn vào các thánh đồ lớn tuổi hơn và nghỉ: “Anh em lạc hậu rồi”. Nếu không có những người lớn tuổi hơn thì anh chị em thậm chí sẽ không có ở đây. Anh chị em cần học tập đánh giá cao họ và biết ơn họ. Họ đã trả một giá rất lớn để lưu lại trong nếp sống hội thánh. Những người lớn tuổi hơn có thể làm chứng về nhiều hoạn nạn từ khi họ còn trẻ. Kể từ khi họ bắt đầu đi theo Chúa trong nếp sống hội thánh, Ngài đã dự liệu cho họ mọi loại môi trường khó khăn. Nhưng những người lớn tuổi hơn có thể dạn dĩ làm chứng: “Chúng đã không thắng hơn tôi!”
Tất cả các thánh đồ mà đã ở trong nếp sống hội thánh nhiều năm có thể không cảm thấy thắng thế hoặc hữu dụng, nhưng sự thật là họ vẫn còn ở đây. Việc họ vẫn còn ở lại sau khi trả qua rất nhiều khó khăn và thử thách thì không phải là một điều nhỏ mọn. Ngợi khen Chúa, họ vẫn còn ở đây! Họ là một phước hạnh cho hội thánh! Họ đã từng chỉ sống thuộc linh cho chính mình, nhưng bây giờ họ đã tiến bộ đến chỗ có sự trưởng thành cho toàn bộ Thân Thể Đấng Christ. Để Chúa có được chứng cớ của Ngài thì có nhu cầu là chúng ta phải được mở rộng. Phương tiện đầu tiên và tốt nhất mà Chúa dùng để mở rộng chúng ta là hoạn nạn. Chúng ta phải biết ơn Chúa. Ngài để cho chúng ta kinh nghiệm các sự thử thách và hoạn nạn để chúng ta trưởng thành nên một phước hạnh cho Thân Thể.
Công Tác “cày xới” của Chúa
Hạ Chúng Ta Xuống
Và Cắt Chúng Ta Cách Sâu Xa
Câu thứ ba của Thi thiên này là một trong những câu quý báu nhất trong Kinh Thánh. Câu này sâu sắc đến nỗi thật khó để hiễu rõ: “Những thợ cày đã cày trên lưng tôi; họ cày các đường rãnh dài” (c.3). Đây là một sự mô tả thi vị về các sự xử lý và hoạn nạn có tính chất môi trường.  Hoạn nạn có thể khiến cho chúng ta trở nên rất thấp kém vì chúng ta liên tục ở dưới một điều gì đó mà chúng ta không thể giải quyết. Chúng ta thường nghĩ rằng sự hữu dụng của mình đến từ việc chúng ta được làm cho cao trọng và chiến thắng. Nhưng từ quan điểm của Chúa, sự hữu dụng của chúng ta đến từ việc được đem xuống thấp. Thí dụ, chúng ta thường thích dính dấp đến các hoạt động thuộc linh vì điều đó làm cho chúng ta cảm thấy mình quan trọng. Chúng ta ở tiền tuyến. Nhưng khi Chúa đặt tay Ngài trên chúng ta, Ngài thường đẩy chúng ta lùi về hậu phương. Ngài không để cho chúng ta quá cao. Đây là một thí dụ về ý nghĩa của người “thợ cày cày trên lưng chúng ta”.
Mỗi khi dính dấp dẫn đến các hoạt động thuộc linh, anh em cảm thấy mình là một người cao trọng. Thậm chí anh em có thể thấy mình đang ở “đỉnh cao” của nếp sống hội thánh. Khi còn là một anh em trẻ, tôi ghét phải bỏ lỡ bất cứ hoạt động thuộc linh nào. Tôi luôn luôn thích ở tiền tuyến, nhưng Chúa đã luôn đẩy tôi về hậu phương. Có một khoảng thời gian tôi thường đến phòng nhóm sau khi đi học về mỗi ngày. Ở đó tôi thường nhóm với một số anh em tìm kiếm khác để nghiên cứu lời và cầu nguyện. Rồi một ngày kia đột nhiên họ không có ở đó khi tôi đến. Trong nhiều ngày, khi tôi đến thì không thấy họ ở đó. Cuối cùng tôi gặp một người trong số họ. Tôi đã vui mừng khi gặp anh ấy và hỏi tất cả các anh em kia đã ở đâu. Anh ấy trả lời rằng các trưởng lão đã chọn một số anh em “có triễn vọng” và đã đưa họ đến một nơi nào đó để có một sự huấn luyện đặc biệt. Lúc đó ý tưởng của tôi là: “Ồ Chúa, tôi đã dâng cuộc đời tôi cho Ngài, và tôi thậm chí còn không đáng hi vọng nữa! Mọi anh em đáng hi vọng đã đi rồi, và tôi thậm chí còn không được chọn!” Những điều đó là từ Chúa. Chúa ao ước làm cho chúng ta thấp kém, nhưng chúng ta ao ước trở nên cao trọng. Chúng ta thích trổi lên, nhưng Chúa bảo chúng ta bước xuống. Chúa sẽ sắp xếp mọi sự trong môi trường của chúng ta để làm cho chúng ta được hạ xuống.
Chính vì lý do này mà tác giả nói: “Những thợ cày đã cày trên lưng tôi; họ đã cày các đường rãnh dài”. Điều này mô tả một kinh nghiệm sâu sắc trong sự sống. Chúa sẽ khiến một cái cày hạ chúng ta xuống. Chúa sẽ không chỉ làm cho chúng ta thấy kém, Ngài cũng cắt chúng ta sâu. Khi chúng ta được cày và được hạ xuống, điều đó sẽ đến mức độ mà không có ai nhìn thấy chúng ta. Chúng ta không còn dẫn đầu, và chúng ta không còn ở quá cao. Chúng ta thấp như một luống cầy ở dưới đất. Chúng ta ở trong một tình trạng mà thậm chí không có ai nhìn thấy mặt chúng ta. Mặc dù chúng ta đã dâng chính mình cho Chúa và chủ đích của Ngài, nhưng vì một lý do nào đó các trưởng lão thậm chí không nhận thấy chúng ta. Chúng ta đã rất quyết liệt để dâng mình cho Đấng Christ, nhưng không ai thấy điều đó. Điều này có nghĩa là chúng ta bị hạ xuống. Trong kinh nghiệm của mình, chúng ta thậm chí bị “cắt”. Chúng ta giống như đất, bị cày xới trên lưng mình.
Chúa Cày “Những Luống Cày” Trong Thân Vị
Của Chúng Ta Để Sự Sống Tăng Trưởng
Mọi người yêu Chúa đều sẽ kinh nghiệm hoạn nạn. Tác giả mô tả cách sống động hoạn nạn của ông sau nhiều năm kinh nghiệm: “Tôi bị làm cho thấp kém quá đỗi. Tôi đã bị đặt vào chỗ mất thể diện. Tôi đã bị đặt vào một nơi không ai tôn trọng tôi, không ai đánh giá cao tôi, và không ai nhận biết niềm ao ước hay sự hiến dâng của tôi. Tôi ở quá thấp, giống như mặt đất. Và khi tôi đang ở rất thấp như vậy, một cái cày đã đến để cắt tôi. Lưng tôi đã bị cày xới, và điều đó đã cắt tôi rất sâu. Tôi không chỉ bị đè nén trong một nơi thấp kém, chính thân vị của tôi cũng bị cắt và thương tổn”. Sự kỷ luật của Chúa luôn luôn đến đúng chỗ và đúng lúc. Ngài cày “trên lưng chúng ta”. Chúng ta thường phàn nàn: “Chúa ôi, sao lại là tôi?” Đặc biệt khi còn trẻ, Chúng ta rất hay tự cảm thương. Nhưng sau nhiều năm bị cày xới bởi bàn tay cai trị của Chúa, chúng ta đi đến chỗ nhận thức rằng mỗi trường hợp cày xới đều đúng lúc và đúng chỗ. Khi chúng ta trải qua điều đó, dường như là Chúa vô lý, thậm chí phi lý. Nhưng khi điều đó kết thức, chúng ta nhận ra rằng đó chính là điều chúng ta cần để tăng trưởng
Khi “chiếc cày” đến trong kinh nghiệm của chúng ta điều đó không dễ chịu. Điều đó làm cho chúng ta thấp như mặt đất. Chúng ta cảm thấy mình bị mất thể diện. Chúng ta bị những khó khăn bao trùm. Đồng thời, chúng ta cảm thấy rằng việc cắt xẻ của chiếc cày quá đau đớn. Nỗi khổ  dường như không cần thiết. Nhưng rồi sau khi điều đó trôi qua, cuối cùng chúng ta lại nhận thức rằng điều đó hoàn toàn đúng lúc và đúng chỗ. Chúa biết chính xác Ngài đang làm gì. Ý định của Ngài là chiếc cày sẽ tạo ra những luống cày dài trên lưng chúng ta. Một luống cày là một đường rãnh hẹp được cày vào trong đất để gieo trồng. Ở một nông trại, chúng ta dễ dàng nhận thấy hết luống cày này đến luống cày khác được đào vào trong đất để nhiều loại cây trồng khác nhau có thể tăng trưởng. Nói về mặt thuôc linh, khi chúng ta bị Chúa cắt sâu, điều đó là để chúng ta tăng trưởng trong sự sống và kết trái dư dật. Nếu ao ước có sự tăng trưởng phong phú và dư dật trong sự sống để Chúa có thể sử dụng chúng ta như một phước hạnh cho hội thánh thì chúng ta phải sẵn lòng để cho Chúa cắt sâu vào trong thân vị của chúng ta. Ngài sẽ cày trên lưng chúng ta cho đến khi có những luống cày dài cho sự tăng trưởng.
Ngày nay có nhiều người trẻ giữa vòng chúng ta yêu Chúa. Những người trẻ thường còn rất “nguyên vẹn”. Điều này có nghĩa là họ không có nhiều luống cày. Họ không có dấu vết về công tác của Chúa hay dấu hiệu về sự xử lý của Chúa đối với họ. Họ có một Đấng Christ khách quan, nhưng không đủ Đấng Đấng Christ chủ quan. Khi những người trẻ như vậy đem đến một phước hạnh, điều đó ra từ khả năng của họ, không phải ra từ thân vị của họ. Một số người rất có khả năng đến nỗi dường như họ không cần bị phá vỡ. Có nhiều công nhân Cơ Đốc trên ti vi. Bao nhiêu người trong số họ có các luống cày? Họ có thể rất hiệu quả, và họ có thể làm cho hàng ngàn người được cứu, nhưng họ không bao giờ có thể xây dựng hội thánh. Họ phục vụ  Chúa theo khả năng và tài năng của họ, nhưng không theo thân vị của họ. Thân vị của họ không được chạm đến và phá vỡ.
Khi chúng ta phục vụ Chúa, thật tốt nếu dân chúng có thể nhìn vào chúng ta và thấy những luống cày. Điều này có nghĩa là chúng ta không gây ấn tượng cho dân chúng bằng tài năng hay khả năng của mình. Thay vì vậy, dân chúng nói: “Có một điều gì đó khác biệt về người này. Có dấu vết về công tác của Chúa ở nơi họ. Đây là một người của Đức Chúa Trời”. Chính việc cày xới và cắt xẻ những luống cày sâu và dài làm cho chúng ta có sự tăng trưởng lành mạnh trong sự sống. Tất cả chúng ta cần phải là những người được đánh dấu triệt để bằng công tác kỷ luật của Chúa. Khi ấy dân chúng sẽ không có ấn tượng  là chúng ta có tài năng. Thay vì vậy, họ sẽ nhận biết một điều gì đó của sự sống. Họ sẽ nhận ra rằng chúng ta là những người của Đức Chúa Trời, vì Chúa đã cày xới chúng ta hết lần này đến lần khác, để cho sự sống tăng trưởng.
Chúng Ta Không Nên Cố Thoát Khỏi Việc Cày Xới
Của Chúa Trong Môi Trường Của Chúng Ta
Để phục vụ Chúa, chúng ta phải được mở rộng. Điều này có nghĩa là chúng ta phải chuẩn bị chính mình để được cày xới. Việc cày xới bắt đầu khi chúng ta còn “trẻ”. Một khi chúng ta bắt đầu yêu Chúa thì bàn tay của Ngài đã ở trên chúng ta trong môi trường của chúng ta rồi. Điều quan trọng nhất cần nhớ khi chúng ta kinh nghiệm việc cày xới của Chúa là đừng chạy trốn. Chúng ta phải luôn luôn tự nhắc mình: “Đây chính là chỗ Chúa muốn tôi ở”. Chúng ta không nên chạy trốn khỏi nơi mà Chúa đã đặt chúng ta. Khi chúng ta trung tín ở lại trong môi trường mà Ngài đã sắp xếp thì sẽ có những luống cày trong kinh nghiệm của chúng ta. Rồi khi dân chúng nhìn chúng ta, họ sẽ cảm nhận được một điều gì đó của sự sống. Họ sẽ không cảm nhận tài năng hay khả năng của chúng ta, cho dù chúng ta có điều đó. Nhiều người trẻ có tài năng và triển vọng, nhưng họ không bao giờ phát huy hết tiềm năng của họ vì họ từ chối việc được cày xới. Nếu chúng ta tiếp nhận sự sắp xếp có tính môi trường của Chúa và từ chối việc chạy trốn khỏi sự xử lý của Ngài, thì Chúa sẽ cày các luống cày trên lưng chúng ta. Điều này sẽ mở rộng chúng ta để chúng ta có thể trở nên một phước hạnh cho hội thánh.
Đi theo Chúa thì không hề có giá rẻ chút nào. Không có đường tắt. Chúng ta đừng bao giờ nghĩ: “Chúa đang chuyển động quá nhanh! Bây giờ tôi có thể tăngtrưởng nhanh chóng!” Theo Kinh Thánh thì chưa bao giờ có như vậy. Chúng ta không bao giờ có thể phá vỡ diễn trình bình thường và lành mạnh của sự tăng trưởng Cơ Đốc chân thật. Nếu ao ước tăng trưởng trong sự sống, và nếu ao ước phục vụ Chúa cách hiệu quả, thì chúng ta phải trải qua diễn trình này. Chúng ta phải tự hỏi xem mình có sẵn lòng không, hay chúng ta thích trốn khỏi công tác cày xới của Chúa hơn? Khi Chúa cày những luống dài trên lưng chúng ta, chúng ta có thể cảm thấy cực kỳ thấp kém và ở trong một tình trạng mất thể diện. Chúng ta có thể nghĩ rằng điều đó quá đau đớn không thể chịu đựng. Nhưng chúng ta cũng phải nhớ rằng, như đã thấy trong Thi Thiên 123, bàn tay kỷ luật của Chúa là một bàn tay cung ứng, nâng đỡ, dẫn dắt và an ủi. Chúa sẽ ở với chúng ta khi chúng ta trải qua các sự xử lý có tính môi trường của Ngài. Kinh nghiệm của chúng ta về công tác cày xới của Chúa có thể khó khăn và đôi khi gần như không thể chịu nổi. Tuy nhiên, điều đó cung cấp cho chúng ta một sự vui hưởng Ngài cách sâu sắc. dịu dàng. Ngài sẽ cung ứng cho chúng ta và bày tỏ chính Ngài cho chúng ta. Cuối cùng chúng ta sẽ nhìn lại và nói “Chúa ôi, cảm tạ Ngài. Điều đó thật quý báu. Đó chính xác là điều tôi cần để tăng trưởng”.

Cách tốt nhất để chúng ta kiểm soát một môi trường khó khăn là thưa với Chúa: “Chúa ôi, đây là điều tôi cần. Điều này chính xác vô cùng. Tôi đồng ý với điều Ngài đã sắp xếp  cho tôi”. Điều nầy không phải lúc nào cũng dễ dàng. Có lẽ chúng ta đang bị một ai đó phê bình hoặc kết án cách bất công. Thái độ của chúng ta vẫn cần phải là: “Vâng, thưa Chúa. Tôi cần điều này. Tôi đồng ý với công tác cày xới của Ngài”. Chúng ta cần chuẩn bị chính mình. Nếu chúng ta thật sự muốn được mở rộng thì chúng ta phải nói với Chúa: “Chúa ôi, tôi đã sẵn sàng. Hãy đặt tay Ngài trên tôi. Hãy cày trên lưng tôi. Tôi biết rằng khi Ngài cày xới, các luống cày sẽ cắt xẻ tôi. Khi ấy sự sống của Ngài có thể tăng trưởng”. Nếu chúng ta quá “hoàn hảo”, quá trọn vẹn và quá được bảo toàn, nếu chúng ta vẫn còn ở trong chính mình quá nhiều, thì làm thế nào Chúa có thể tăng trưởng trong chúng ta? Chúng ta phải để cho Chúa xử lý thân vị của chúng ta qua môi trường mà Ngài đã sắp xếp cho chúng ta. Chúa sẽ cày trên lưng chúng ta đúng thời điểm và đúng chỗ để các luống cày sẽ được sản sinh và sự sống dư dật có thể tuôn ra. Đây là điều chúng ta cần có cho sự mở rộng của mình.
Nếu Không Hợp Tác Với Việc Cày Xới của Chúa
Chúng Ta Không Thể Là Một Phước Hạnh
Cho Hội Thánh
Phần còn lại của Thi Thiên 129 liên quan đến việc cày xới và sản sinh các luống cày cho sự tăng trưởng. Tác giả viết: “Jehovah là công nghĩa; Ngài đã cắt những dây trói của kẻ xấu xa. Nguyện mọi kẻ ghét Zion  bị hổ thẹn và quay lui. Nguyện chúng giống như cỏ trên mái nhà, khô héo trước khi kịp lớn lên, bởi đó người gặt không ôm chúng đầy tay, hoặc người cột thành bó cũng không ôm chúng đầy nơi ngực. Nguyện những kẻ đi ngang qua cũng không nói “phước hạnh của Jehovah ở trên các ngươi! Chúng ta chúc  phước các ngươi trong danh của Jehovah” (cc.4-8). Đây là sự mô tả về những kẻ không hợp tác với bàn tay của Chúa. Nếu chúng ta không để cho Chúa cày xới chúng ta thì cuối cùng chúng ta sẽ khô héo mà không có bất cứ sự tăng trưởng nào. Chúng ta sẽ son sẻ trong kinh nghiệm của mình. Nếu chúng ta không học tập tiếp nhận công tác cày xới của Chúa thì không có điều gì của sự sống có thể tuôn ra từ chúng ta. Bất kể chúng ta có tài, có khả năng hay tiềm năng, chúng ta sẽ không thể đem phước hạnh đến cho hội thánh. Nguyện tất cả chúng ta học bài học này, đặc biệt là những người trẻ giữa vòng chúng ta. Nguyện chúng ta để cho Chúa cày xới chúng ta hầu cho chúng ta có thể trở nên một phước hạnh cho hội thánh

( còn tiếp)