Thứ Tư, 18 tháng 2, 2015

KINH NGHIỆM CỦA PAUL


Nếu chúng ta chấp nhận sự dạy dỗ của Kinh Thánh rằng thân thể chúng ta là chi thể của Đấng Christ, chúng ta cũng phải nhận lấy sự dạy dỗ rằng sự sống của Đấng Christ tuôn chảy bên trong thân thể chúng ta. Sự sống của Đấng Christ tuôn chảy từ Đầu đến Thân Thể, truyền sự sống, sự sinh động và sự sống động cho Thân Thể. Vì thân thể chúng ta là một chi thể của Thân Thể đó, nên chắc chắn sự sống này sẽ tuôn chảy bên trong. Nhưng sự sống này chỉ được tiếp nhận bởi đức tin. Lượng sự sống bởi đức tin. Lượng sự sống chúng ta nhận được tùy thuộc vào mức độ đức tin mà chúng ta vận dụng trong việc có được sự sống đó. Từ Kinh Thánh, chúng ta thấy rằng sự sống của Chúa Jesus có thể được áp dụng và tiếp nhận bởi thân thể các tín đồ, nhưng điều này không thể được thực hiện mà không có đức tin. Nhiều tín đồ có thể kinh ngạc khi mới nghe về một sự dạy dỗ như vậy. Nhưng chúng ta đừng nói giảm đi sự dạy dỗ rõ ràng của Kinh Thánh. Nếu nhìn vào kinh nghiệm của chính Paul, chúng ta sẽ thấy sự quý báu và thực tại của vấn đề này.

Trong 2 Corinth 12, sứ đồ Paul đề cập đến tình trạng của thân thể ông. Ông bảo chúng ta rằng ông có một cái gai trong xác thịt và ông đã ba lần nài xin Chúa để nó lìa khỏi ông. Nhưng Chúa nói với ông: “Ân điển Ta là đủ cho ngươi, vì quyền năng của Ta được hoàn hảo trong sự yếu đuối” (c. 9a) Vì vậy vị sứ đồ nói: ‘Vì vậy, tôi hết sức vui mừng thà khoe về sự yếu đuối của tôi để quyền năng của Đấng Christ có thể đóng trại trên tôi…vì khi tôi yếu đuối, là lúc tôi có quyền năng” (cc.9b-10). Cái gai này là điều gì trong xác thịt của vị sứ đồ? Chúng ta có thể bỏ qua câu hỏi này vì Kinh Thánh không trả lời; nhưng có một điều chắc chắn: cái gai này trong xác thịt có tác động đến sự yếu đuối của xác thịt ông. Từ nhữ gốc của chữ yếu đuối ám chỉ đến sự yếu đuối trong thân thể. Cùng một từ được dùng trong Mathew 8:17. Thậm chí người Corinth cũng biết rằng thân thể của vị sứ đồ rất yếu (2 Cor 10:10). Chính vị sứ đồ nói rằng lần đầu ở với họ, ông đã ở trong sự yếu đuối (2 Cor 2:3) Điều này không có nghĩa là vị sứ đồ đang thiếu hụt quyền năng thuộc linh, vì cả thư Tín thứ nhất lẫn thứ hai đều khải thị đầy đủ rằng ông đầy dẫy quyền năng thuộc linh. Hơn nữa, từ ngữ “yếu đuối” là cùng một từ ngữ được dùng để mô tả sự yếu đuối vật lý được đề cập đến ở trên. Nó cũng được dùng trong hai đoạn khác để chỉ tỏ tình trạng hấp hối của thân thể vật lý.
Vì vậy, từ các câu này, chúng ta có thể nhìn thấy tình trạng vật lý của sứ đồ Paul. Tình trạng vật lý ban đầu của ông rất yếu, nhưng có phải lúc nào ông cũng yếu như vậy không? Không. Ông bảo chúng ta rằng quyền năng của Đấng Christ ở trên ông để làm ông mạnh mẽ. Chúng ta phải chú ý đến “nguyên tắc tương phản”. Cái gai không bao giờ lìa khỏi Paul, và sự yếu đuối đi kèm theo cái gai cũng vậy; nhưng quyền năng của Đấng Christ ở trên thân thể yếu đuối của ông và khiến ông có thể đáp ứng mọi nhu cầu. Quyền năng của Đấng Christ tương phản với sự yếu đuối của Paul. Quyền năng này không cất đi cái gai hay sự yếu đuối, nhưng sống trong Paul, xử lý mọi sự mà thân thể yếu đuối của ông không thể đối phó được. Điều này có thể được ví như bấc đèn đang cháy nhưng không bị thiêu hủy vì đèn đầy dầu. Bấc vẫn rất yếu, nhưng dầu cung cấp mọi sự ngọn lửa đòi hỏi nơi bấc.
Tại đây chúng ta nhìn thấy nguyên tắc: sự sống của Đức Chúa Trời là sức lực của thân thể chúng ta. Sự sống của Ngài không thay đổi thể chất chết chóc và yếu đuối của chúng ta; đúng hơn, sự sống đó thấm nhuần thân thể bằng điều mà thân thể không thể cung cấp. Vì vậy, theo tình trạng thiên nhiên của mình, Paul là kẻ yếu nhất, nhưng theo quyền năng ông nhận được từ Đấng Christ, ông là người mạnh nhất. Sức lực được đề cập đến trong phần Kinh Thánh này đặc biệt chỉ về thân thể của vị sứ đồ. Chúng ta biết thể nào sứ đồ Paul đã ngày đêm công tác liên tục, lao tác về mặt tinh thần lẫn vật lý, làm công tác mà ngay cả ba bốn người mạnh mẽ cũng không thể đương nổi. Nếu thân thể yếu đuối của ông không nhận được sự làm sống động của Thánh Linh, làm sao nó có thể mang nhiều gánh nặng như vậy? Thật sự Đức Chúa Trời đã ban sức lực cho thân thể Paul.
Đức Chúa Trời đã làm vững mạnh ông như thế nào? Trong 2 Corinth 4, Paul đề cập đến nan đề của thân thể ông. Ông nói: “Luôn luôn mang sự giết chết của Jesus trong thân thể hầu cho sự sống của Jesus cũng có thể được biểu lộ trong thân thể chúng tôi. Bởi chúng tôi còn đang sống mà luôn bị nộp cho sự chết vì Jesus để sự sống của Jesus cũng có thể được biểu lộ trong xác thịt chết chóc của chúng tôi” (cc.10-11). Điều thu hút sự chú ý của chúng ta nhất là dù câu 10 và câu 11 dường như lặp lại nhưng thật ra không phải. Câu 10 nói về sự sống của Jesus được biểu lộ trong thân thể chúng ta; trong khi câu 11 nói về sự sống của Jesus được biểu lộ trong xác thịt chết chóc của chúng ta. Nhiều người có thể biểu hiện sự sống của Jesus trong thân thể họ nhưng không tiến thêm một bước để biểu hiện sự sống của Jesus trong xác thịt chết chóc của họ. Kết quả là, họ không biểu lộ sự sống của Jesus trong “xác thịt chết chóc” của mình. Bởi ân điển của Chúa, họ đã chịu đựng đau đớn nhưng không nhận được sự chữa lành. Họ có kinh nghiệm câu 10 nhưng không kinh nghiệm câu 11.
   Trong câu này, chúng ta thấy thể nào Đức Chúa Trời chữa lành chúng ta và làm vững mạnh chúng ta bằng sự sống của Chúa Jesus. Điều này rất trọng yếu. Khi thân thể chết chóc chúng ta được làm vững mạnh, thể chất này không thay đổi để trở nên bất tử. Thể chất này vẫn như vậy; điều thay đổi chính là sự sống cung ứng sức lực cho thân thể. Trong quá khứ, chúng ta đã lệ thuộc vào sự sống thiên nhiên của mình như nguồn sức lực của chúng ta, nhưng bây giờ chúng ta lệ thuộc sự sống của Đấng Christ cho nguồn cung ứng của mình. Chúng ta có thể được làm vững mạnh để công tác vì chúng ta có sự sống phục sinh của Đấng Christ làm sự nuôi dưỡng cho thân thể.
   Vị sứ đồ không có ý nói rằng vì đã từng sống bởi Chúa nên ông sẽ không bao giờ lại yếu đuối một lần nữa. Mỗi khi quyền năng của Đấng Christ không ở trên ông, ông sẽ yếu đuối như trước. Chúng ta có thể đánh mất sự biểu lộ sự sống của Chúa Jesus trong thân thể mình bởi bất cần, độc lập hoặc tội lỗi. Đôi khi, có thể không có sự thiếu hụt nào trong chính chúng ta, nhưng đơn giản vì chúng ta dạn dĩ tấn công quyền lực của sự tối tăm, nên chúng ta đối diện vối sự đột kích của nó trên thân thể mình. Vào những lúc khác, chúng ta có thể liên tục chịu khổ vì cớ Thân Thể Đấng Christ bởi có các kinh nghiệm sâu nhiệm với Thân Thể. Tuy nhiên, một người thường không có kinh nghiệm hai điều sau này trừ khi người ấy rất thuộc linh. Có một điều chắc chắn: mặc dù chúng ta có thể yếu đuối nhưng ý muốn của Đức Chúa Trời là chúng ta không bao giờ bị tật nguyền, thất bại trong công tác của Ngài hoặc khiến Ngài chịu khổ. Sứ đồ Paul thường xuyên yếu đuối, nhưng công tác của Đức Chúa Trời chưa từng vì vậy mà bị làm cho yếu đuối. Chúng ta công nhận quyền bính vô hạn của Đức Chúa Trời, nhưng đừng bỏ qua trách nhiệm của chúng ta.
Tại đây chúng ta thấy rằng: ‘sự sống của Jesus cũng có thể được biểu lộ trong xác thịt chết chóc của chúng ta”, dựa trên việc “luôn luôn bị nộp cho sự chết vì cớ Jesus”. Nói cách khác, chúng ta phải phủ nhận sự sống mình hoàn toàn trước khi sự sống của Jesus được biểu lộ trong thân thể chúng ta. Trong điều này, chúng ta nhìn thấy mối liên hệ giữa cách sống thuộc linh, không có bản ngã và một thân thể lành mạnh. Sự sống của Đức Chúa Trời là vì Đức Chúa Trời. Ngài biểu lộ sự sống của Ngài trong thân thể chúng ta là để hoàn thành công tác của Ngài. Ngài không có ý định ban cho chúng ta sự sống và sức lực của Ngài để chúng ta có thể công tác và sống cho chính mình. Ngài không ban sự sống Ngài cho thân thể chúng ta để chúng ta lãng phí sức lực của Ngài; Ngài cũng không cung ứng sức lực để hoàn thành chủ đích của chúng ta. Nếu chúng ta không hoàn toàn sống vì Ngài, Ngài không ao ước ban cho chúng ta sự sống này. Tại đây, chúng ta nhìn thấy lý do mà nhiều người tìm kiếm sự chữa lành và sức lực nhưng không bao giờ có được: họ nghĩ rằng sức khỏe và sức lực ta một điều gì đó để cho họ hưởng thụ. Họ tìm kiếm sự sống của Đức Chúa Trời cho thân thể họ để họ có thể dễ chịu, vui sướng, tự do và ít bị cột trói hơn khi hành động. Đó là lý do tại sao họ vẫn ở lại trong sự yếu đuối và bất lực. Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ ban cho chúng ta sự sống Ngài để chúng ta sử dụng riêng hầu có thể sống bổi sự sống bản ngã và khiến chủ đích Ngài liên tục chịu lỗ lã. Bây giờ Đức Chúa Trời đang chờ đợi con cái Ngài đi đến chỗ kết thúc trước khi Ngài ban cho họ điều họ tìm kiếm.
“Đặt vào sự chết của Jesus” nghĩa là gì? Đó là sự sống của Chúa Jesus liên tục giao nộp bản ngã cho sự chết. Toàn bộ nếp sống của Chúa là một nếp sống phủ nhận bản ngã. Cho đến chết, Ngài vẫn không bao giờ làm bất cứ điều gì bởi chính Ngài; đúng hơn Ngài thực hiện công tác của Đức Chúa Trời. Vị sứ đồ bảo chúng ta rằng đã để cho sự chết của Jesus công tác trong thân thể ông hầu cho sự sống của Chúa Jesus cũng có thể được biểu lộ trong xác thịt chết chóc của ông. Chúng ta có thể tiếp nhận một sự dạy dỗ như vậy không? Đức Chúa Trời hiện đang chờ đợi những ai sẵn lòng chấp nhận sự chết của Chúa Jesus để Ngài có thể sống trong thân thể họ. Ai sẵn lòng vâng phục ý muốn của Đức Chúa Trời hoàn toàn? Ai không khởi xướng bất cứ điều gì bởi chính mình? Ai sẵn lòng liên tục tấn công quyền lực của sự tốt tăm vì cớ Đức Chúa Trời? Ai từ chối sử dụng thân thể để hoàn thành bất cứ điều gì cho chính mình? Loại người này xứng đáng có sự sống của Chúa Jesus được biểu lộ trong xác thịt mình. Nếu chúng ta chú ý đến phương diện sự chết, Đức Chúa Trời sẽ lo phương diện sự sống. Khi chúng ta dâng sự yếu đuối của mình cho Ngài, Ngài ban sức lực của Ngài cho chúng ta
KHẢ NĂNG THIÊN NHIÊN VÀ SỰ SỐNG CỦA JESUS
Nếu hoàn toàn dâng mình cho Đức Chúa Trời, chúng ta có thể tin rằng Ngài thật sự chuẩn bị một thân thể cho chúng ta. Chúng ta thường nghĩ rằng thật tuyệt vời biết bao nếu chúng ta có thể quyết định cách mà thân thể chúng ta được hình thành. Hi vọng lớn nhất của chúng ta là thân thể chúng ta sẽ được tự do khỏi nhiều khiếm khuyết tự nhiên và sẽ có sức đề kháng tốt hơn để chúng ta có thể vui hưởng một nếp sống trường thọ hơn mà không đau đớn hay bệnh tật. Nhưng Đức Chúa Trời không tham vấn chúng ta. Ngài biết điều chúng ta phải có. Chúng ta không nên đổ lỗi cho tổ phụ mình vì các sự sai lầm và tội lỗi lỗi của họ; chúng ta cũng không nên nghi ngờ tình yêu và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Mọi sự liên quan đến chúng ta đều được quyết định từ trước buổi sáng thế. Đức Chúa Trời có ý định tốt lành của Ngài trong việc ban cho chúng ta một thân thể có khuynh hướng bị giới hạn bởi đau đớn và bệnh tật. Chủ đích của Ngài không phải là để chúng ta từ bỏ thân thể này hoặc xem nó là một gánh nặng; thay vì vậy, Ngài muốn chúng ta bám chặt thân thể mới bởi Thánh Linh nội cư. Khi Ngài chuẩn bị thân thể cho chúng ta, Ngài biết mọi giới hạn và hiểm họa của nó, dự định rằng chúng ta sẽ tìm kiếm một thân thể mới qua các kinh nghiệm đau đớn của mình, trở nên một người không sống bởi sức lực thiên nhiên nhưng bởi sự sống của Đức Chúa Trời. Do đó, chúng ta có thể đổi sự yếu đuối của chúng ta để lấy sức lực của Ngài và nhận thức rằng mặc dù thân thể chúng ta chưa trở nên mới nhưng sự sống mà nó sống thật sự là mới.
Chúa yêu thích thấm nhuần mỗi dây thần kinh, mạch máu và tế bào của chúng ta bằng sức lực của Ngài. Ngài không đổi sự cấu thành yếu đuối của chúng ta để lấy một sự cấu thành mạnh mẽ, Ngài cũng không chỉ truyền nhiều sức lực của chúng ta. Ngài ao ước trở nên sự sống của thân thể chúng ta để chúng ta có thể sống bởi Ngài mỗi lúc. Một số người nghĩ rằng tiếp nhận Chúa Jesus như sự sống của thân thể nghĩa là Đức Chúa Trời thực hiện một phép lạ để truyền một lượng lớn sức lực vào trong thân thể chúng ta, với kết quả là suốt đời chúng ta sẽ không còn chịu khổ hay bị bệnh nữa. Nhưng đây không phải là kinh nghiệm của vị sứ đồ; ông nói: “Vì chúng ta là những người đang sống luôn luôn bị giao nộp cho sự chết vì cớ Jesus để sự sống của Jesus cũng có thể được biểu lộ trong xác thịt chết chóc của chúng ta”. Xác thịt của ông luôn luôn yếu đuối, nhưng sự sống của Chúa Jesus liên tục tuôn chảy vào trong ông. Ông sống bởi sự sống của Chúa từng giây phút một. Để nhận được Chúa Jesus như sự sống cho thân thể chúng ta đòi hỏi một sự lệ thuộc liên tục. Trong chính mình, một lúc nào đó, chúng ta không thể xử lý với môi trường, nhưng qua việc lệ thuộc Chúa, Ngài sẽ ban cho chúng ta sức lực mà chúng ta cần từng hồi từng lúc.
Đây là điều Đức Chúa Trời có ý nói khi Ngài phát ngôn với Jeremiah: “Nhưng Ta sẽ ban cho ngươi chính mạng sống của ngươi như chiến lợi phẩm trong mọi nơi ngươi đi” (Jer 45:5) Chúng ta không cảm thấy an toàn chút nào trong sức lực thiên nhiên của mình; thay vì vậy, chúng ta giao thác chính mình cho sự sống của Chúa trong mỗi hơi thở. Có sự an toàn tuyệt đối trong điều này vì Ngài sống mãi mãi. Chúng ta không có bất cứ sức lực dự trữ nào khi hành động tự do. Đúng hơn, mỗi lần chúng ta cần sức lực, chúng ta phải lấy hơi thở từ Chúa. Hơi thở cho một lúc khiến chúng ta có thể sống trong lúc đó; không điều gì có thể dự trữ. Đây là một nếp sống hoàn toàn kết hiệp  và lệ thuộc vào Chúa. “Ta sống bởi Cha, nên ai ăn Ta, người ấy cũng sẽ sống bởi vì Ta” (John 6:57). Đây là bí quyết của nếp sống này. Nếu chúng ta có thể sống độc lập với Chúa ban sự sống, thì chẳng phải chúng ta sẽ bị dẫn dắt để đi theo chính mình và đánh mất tấm lòng lệ thuộc sao? Chẳng phải chúng ta sẽ trở nên giống như những người thế giới lãng phí sức lực của mình cách bừa bãi sao? Đức Chúa Trời muốn chúng ta có nhu cầu liên tục và lệ thuộc liên tục. Giống như manna chỉ có thể được nhặt mồi ngày một lần, thì thân thể chúng ta cũng phải sống bởi Đức Chúa Trời hằng giờ.
Theo cách này, chúng ta không giới hạn công tác của mình bởi sức lực thiên nhiên, cũng không ở trong sự lo lắng không ngừng về thân thể mình. Nếu bất cứ điều gì là ý muốn của Đức Chúa Trời, chúng ta dám vâng phục cho dù theo sự khôn ngoan của con người, điều đó là mạo hiểm. Ngài là sức lực của chúng ta; chúng ta chỉ phải chờ đợi Ngài ủy thác. Chính chúng ta không có sức lực để gánh vác bất cứ điều gì, nhưng mắt chúng ta ở nơi Ngài. Chúng ta không có gì để dựa vào; chúng ta tiến lên trong chiến thắng chỉ vì Ngài. Tất cả chúng ta đều quá mạnh mẽ. Chúng ta không biết cách dừng việc tin cậy sức lực riêng của mình lại hoặc không biết cách lệ thuộc Ngài mà không do dự. Sức lực của Ngài chỉ có thể được biểu lộ trong sự yếu đuối của chúng ta. Chúng ta càng không có gì để lệ thuộc (chỉ về thái độ của chúng ta), sức lực của Ngài càng được biểu lộ. Sức lực của chúng ta không bao giờ có thể cùng công tác với Chúa. Nếu chúng ta muốn giúp đỡ sức lực của Đức Chúa Trời bằng sức lực riêng của mình, kết quả sẽ không là gì ngoài thật bại và hổ thẹn.
Vì Chúa đòi hỏi sự lệ thuộc Ngài nên loại kinh nghiệm này không chỉ cho những ai vốn yếu đuối tự nhiên mà còn cho những ai vốn mạnh mẽ tự nhiên nữa. Một số tín đồ có thể nghĩ rằng họ không cần theo đuổi loại kinh nghiệm này cho đến khi họ trở nên yếu đuối, vì thân thể họ mạnh mẽ. Đây là một sai lầm; cả sức lực thiên nhiên lẫn sự yếu đuối thiên nhiên của chúng ta đều cần sự sống của Đức Chúa Trời. Bất cứ điều gì chúng ta nhận được trong sự sáng tạo cũ đều không thỏa mãn Đức Chúa Trời. Nếu một tín đồ được Đức Chúa Trời dạy dỗ sâu xa, thì người ấy sẽ đặt sức lực của mình qua một bên để tiếp nhận sức lực của Đức Chúa Trời, cho dù thân thể người ấy mạnh mẽ đến nỗi người ấy dường như không cần sự sống của Đức Chúa Trời. Điều này không có nghĩa là người ấy vận dụng ý muốn của mình để chọn trở nên yếu đuối; đúng hơn, điều đó có nghĩa là người ấy không tin vào sức lực của mình, cũng như không tin vào khả năng của mình. Loại hiến dâng này cứu người ấy khỏi việc khoe khoang theo sức lực thuộc xác thịt – một bệnh chung nơi các công nhân của Chúa ngày nay. Người ấy không dám hành động vượt quá điều Chúa truyền lệnh. Người ấy giống như những người vốn yếu đuối, những người mà không có Chúa làm vững mạnh thì không dám làm gì cả. Người ấy không dám công tác quá, ăn uống cách bất cẩn hoặc tự do phơi mình ra cho nguy hiểm giống như những người vốn yếu đuối không dám vậy.
Trong loại nếp sống này, điều trọng yếu là “bản ngã” phải bị Thánh Linh giới hạn. Nếu không, người ấy bị định cho là phải thất bại. Một số tín đồ yêu thích theo đuổi nếp sống này, nhưng họ không thể hoàn toàn dừng công tác riêng của mình lại. Họ vẫn không quan tâm đến ý muốn của Đức Chúa Trời và làm nhiều điều cách độc lập. Kết quả là người ta có thể ngưỡng mộ họ trong một thời gian ngắn, nhưng sức lực của thân thể họ sẽ không chống đỡ cho họ được lâu. Sự sống của Đức Chúa Trời  không phải là đầy tớ của ý muốn riêng chúng ta. Ngài sẽ không cung ứng sức lực cho chúng ta công tác để làm công tác mà Ngài không ủy quyền. Nếu công tác ngoài Ngài, chúng ta sẽ thấy sự sống của Đức Chúa Trời thất thoát và chính chúng ta lại một lần nữa mang vác công tác bằng thân thể đáng thương của mình. Để sống bởi Đức Chúa Trời, chúng ta không được làm bất cứ điều gì tự do theo ý muốn riêng của mình; chúng ta chỉ phải bắt đầu một công tác sau khi biết chắc rằng đó là ý muốn của Đức Chúa Trời. Nếu vâng phục, chúng ta sẽ thấy sự sống Ngài thật sự vì chúng ta; nếu không, Ngài sẽ không bao giờ ban cho chúng ra sức lực của Ngài để chúng ta bất phục Ngài.
PHƯỚC HẠNH CỦA NẾP SỐNG NÀY
Nếu chúng ta nhận được sự sống của Chúa Jesus làm sự sống của thân thể mình, thân thể chúng ta sẽ được Chúa làm vững mạnh và nếp sống thuộc linh của chúng ta cũng sẽ thịnh vượng bởi vì Ngài.
Theo tri thức, chúng ta đã nhận thức được lời dạy: thân thể chúng ta là vì Chúa từ rất lâu rồi; nhưng vì ý muốn riêng của chúng ta, Chúa bị ngăn trở trong việc thấm nhuần chúng ta. Bây giờ chúng ta giao thác mọi sự vào trong tay Ngài. Chúng ta chấp nhận bất cứ cách đối xử nào Ngài dành cho chúng ta. Chúng ta trình dâng thân thể mình như một sinh tế sống và không còn thống trị cuộc đời và tương lai của mình nữa. Bây giờ chúng ta thật sự hiểu được ý nghĩa của việc trình dâng thân thể mình cho Chúa. Điều đã từng khiến chúng ta lo lắng và không còn có thể làm rúng động chúng ta nữa. Mặc dù kẻ thù vẫn cám dỗ chúng ta để nghĩ rằng điều này rất mạo hiểm và mất thể diện, nhưng chúng ta không còn lo sợ như trước. Chúng ta biết rằng mình hoàn toàn thuộc về Chúa. Không điều gì xảy ra đến với chúng ta mà Ngài không biết hoặc không cho phép. Bất cứ sự tấn công nào đến trên chúng ta đều chỉ bày tỏ rằng Ngài có một chủ đích và Ngài sẽ bảo vệ chúng ta. Thân thể chúng ta không còn là của chúng ta nữa. Mọi dây thần kinh, tế bào và cơ quan của nó đều được giao thác cho Ngài. Chúng ta không còn là chủ nhân của mình nữa; do đó, chúng ta không còn gánh trách nhiệm nữa. Nếu thời tiết đột ngột thay đổi, thì đó là việc của Ngài. Nếu một buổi tối chúng ta bất ngờ bị mất ngủ, thì điều đó sẽ không khiến chúng ta lo lắng. Bất kể Satan tấn công chúng ta bất ngờ thế nào, chúng ta vẫn luôn nhớ rằng Đức Chúa Trời đang chiến đấu chứ không phải chúng ta. Khi chúng ta cư xử theo cách này, Đức Chúa Trời có thể sống sự sống của Ngài qua thân thể chúng ta. Những người khác có thể bất an, chán nản, lo âu hoặc có thể lo sợ mà cố gắng tìm kiếm một phương thuốc khi bị đặt vào trong một tình trạng như vậy; nhưng chúng ta bình tĩnh sống bởi Đức Chúa Trời qua đức tin vì chúng ta biết rằng mình đang sống không phải bởi ăn ngon, ngủ ngon hay khí hậu tốt, nhưng bởi sự sống của Đức Chúa Trời. Cho nên, không điều gì đe dọa chúng ta được.
Bây giờ vì các tín đồ đã biết rằng Đức Chúa Trời là vì thân thể họ nên mọi sự phong phú của Đức Chúa Trời đều sẵn sàng cho họ áp dụng. Mỗi khi có một nhu cầu cấp bách, Đức Chúa Trời luôn luôn có một sự cung ứng; vì vậy, họ yên nghỉ bởi sự cung cấp của Đức Chúa Trời. Họ không xin gì thêm ngoài điều Đức Chúa Trời cung ứng; họ cũng không thõa mãn với điều gì kém hơn điều Đức Chúa Trời đã hứa. Trước khi thì giờ của Đức Chúa Trời đến, họ không bao giờ sử dụng sức lực riêng của mình để giúp đỡ Ngài. Họ ngưỡng trông sự chăm sóc của Cha. Người thế giới có thể tuyệt vọng và bỏ chạy vào những lúc như vậy vì chịu khổ trong xác thịt, nhưng một tín đồ bình tĩnh ngưỡng trông sự phong phú và thời điểm của Đức Chúa Trời nhờ mối liên hiệp của mình với Ngài. Người ấy không đặt sự sống mình vào trong tay mình. Điều này thật bình an biết bao!.
Trong tình trạng này, một tín đồ tôn vinh Đức Chúa Trời trong mọi sự. Bất kể chuyện gì xảy ra, người ấy xem đó là cơ hội để biểu lộ vinh hiển của Đức Chúa Trời. Người ấy không để cho phương pháp của mình được sử dụng trong khi Đức Chúa Trời bị tước mất lời ngợi khen mà Ngài xứng đáng nhận được. Người ấy nhìn thấy quyền năng vận hành giải cứu của Đức Chúa Trời như một cơ hội để ngợi khen Ngài.

Mục đích của các tín đồ không nên chỉ là để nhận được các phước hạnh của Đức Chúa Trời. Chính Đức Chúa Trời quý báu hơn mọi ân tứ của Ngài. Nếu sự chữa lành không tôn đại chính Đức Chúa Trời, thì tín đồ sẽ không nhận lấy sự chữa lành. Nếu chỉ tham muốn sự bảo vệ và cung ứng của Đức Chúa Trời, hoặc nếu chúng ta chỉ kêu cầu Ngài để thoát khỏi các sự thử thách của mình, thì chúng ta đã sa ngã rồi. Đức Chúa Trời như sự sống của chúng ta không phải để chúng ta có một tấm lòng tìm kiếm lợi lộc. Một tín đồ thật sự biết Đức Chúa Trời sẽ không tìm kiếm sự chữa lành, mà tìm kiếm chính Đức Chúa Trời. Người ấy không muốn sức khỏe nếu điều đó không tôn vinh Đức Chúa Trời hoặc điều đó xoay mình khỏi Đức Chúa Trời. Người ấy phải luôn nhớ rằng mình đang dần dần sa ngã nếu mục đích của người ấy chỉ là tìm kiếm ân tứ của Đức Chúa Trời hơn là quan tâm đến chính Đức Chúa Trời. Nếu một tín đồ hoàn toàn sống cho Đức Chúa Trời, người ấy sẽ không quyết liệt cầu xin sự giúp đỡ, theo đuổi phước hạnh hoặc tìm kiếm sự cung ứng; thay vì vậy, người ấy sẽ giao thác chính mình cách vô điều kiện vào trong tay Đức Chúa Trời.