Thứ Hai, 16 tháng 2, 2015

ĐỨC CHÚA TRỜI NHƯ SỰ SỐNG CỦA THÂN THỂ-,

Kết quả hình ảnh cho photo of the healthy couple

Phần trước chúng ta đã thấy thế nào thân thể chúng ta là đền thờ Thánh Linh, chúng ta phải đặc biệt chú ý đến sự kiện vị sứ đồ rất quan tâm đến thân thể. Chúng ta thường nghĩ rằng sự sống của Đấng Christ là vì tâm linh chúng ta chớ không vì thân thể. Nhưng thật ra, sau khi linh chúng ta tiếp nhận Thánh Linh, sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời cũng đến với thân thể chúng ta. Nếu Đức Chúa Trời dự định để cho Thánh Linh chỉ cư trú trong linh chúng ta hầu cho chỉ có linh được ích lợi thì tại sao vị sứ đồ không nói “linh anh em là đền thờ của Thánh Linh” mà lại nói “ thân thể anh em là đền thờ Thánh Linh?”. Bây giờ chúng ta phải sáng tỏ rằng việc thân thể chúng ta là đền thờ của Thánh Linh còn hơn là một đặc ân, đó là quyền năng tác động. Sự nội cư của Thánh Linh không chỉ không chỉ làm vững mạnh người bề trong mà còn soi sáng con mắt của tấm lòng chúng ta, và khiến thân thể chúng ta khỏe mạnh.

  Chúng tay thấy rằng Thánh Linh ban sự sống cho thân thể chết chóc của chúng ta. Ngài không chờ cho đến khi chúng ta chết rồi mới phục sinh chúng ta, ngay ngày hôm nay, Ngài đang truyền sự sống cho thân thể chúng ta. Trong tương lai, Ngài sẽ phục sinh thân thể hư hoại của chúng ta, nhưng ngày nay Ngài ban sự sống cho thân thể chết chóc của chúng ta. Quyền năng sự sống Ngài bước vào trong mỗi tế bào của con người chúng ta và khiến chúng ta kinh nghiệm sự sống và quyền năng của Ngài.
   Chúng ta không còn tin rằng thân thể là một nhà tù đáng thương nữa; đúng hơn trong thân thể, chúng ta nhìn thấy sự sống của Đức Chúa Trời.  Chúng ta hiện đang tiến đến kinh nghiệm các lời: “không còn tôi sống nữa , nhưng Đấng Christ sống trong tôi”. Bây giờ Đấng Christ là nguồn sự sống của chúng ta. Ngày nay, Ngài sống trong chúng ta giống như Ngài đã sống trong thân thể xác thịt của Ngài ngày xưa. Chúng ta phải sáng tỏ hơn về những lời này: “Ta đã đến để cho chiên có thể có sự sống và có cách dư dật”. Sự sống dư dật này cung ứng cho mọi nhu cầu của thân thể chúng ta. Vị sứ đồ bảo Timothy hãy “nắm chặt sự sống đời đời” (1 Tim (6:12). Tuy nhiên, trong trường hợp này, Timothy không cần sự sống đời đời để được cứu. vì vậy, chẳng phải sự sống đời đời là sự sống mà “thật là sự sống” trong câu 19 sao? Chẳng phải vị sứ đồ có ý nói rằng Timothy phải kinh nghiệm sự sống đời đời trong thời đại này và sự sống này đầy quyền năng đủ để đắc thẳng mọi tác động của sự chết sao?
Chúng ta không thể thiếu hiểu biết về sự kiện thân thể chúng ta là thân thể của sự chết. Nhưng chúng ta phải biết rằng chúng ta cần sự sống nuốt mất quyền lực sự chết. Bên trong thân thể chúng ta có hai quyền lực; sự chết và sự sống. Về một mặt, có sự suy nhược, và mặt khác, có sự bổ sung bởi thực phẩm và sự nghỉ ngơi. Sự suy nhược dẫn chúng ta đến gần sự chết, trong khi sự cung ứng của thực phẩm và sự nghỉ ngơi duy trì sự sống của chúng ta. Một sự cung ứng quá mức khiến thân thể sản sinh “dư thừa” vì tác động của sự sống thì lớn; sự kiệt sức khiến thân thể yếu vì tác động của sự chết cũng lớn. Tốt nhất là giữ tác động của sự sống và sự chết cho cân bằng. Sự mệt mỏi mà một tín đồ cảm thấy trong thân thể mình thì khác với sự mệt mỏi của người thường trong nhiều phương diện. Sự kiệt sức của người ấy không chỉ ở trong thân thể vật lý. Vì người ấy đang bước đi với Chúa, mang gánh nặng của người khác, có lòng trắc ẩn đối với các anh em, công tác cho Đức Chúa Trời, cầu thay trước mặt Đức Chúa Trời, chiến đấu chống lại quyền lực của sự tối tăm, và đánh đập thân thể mình nên thực phẩm và nghỉ ngơi không thể bổ sung sức lực bị mất trong thân thể người ấy. Đây là lý do tại sao nhiều tín đồ khỏe mạnh trước khi được kêu gọi đến công tác không bao lâu sau cảm thấy bị làm cho yếu đuối. Sự tiếp xúc của chúng ta với lĩnh vực thuộc linh và mọi điều trong nếp sống, công tác và chiến trận thuộc linh của chúng ta đều vượt quá những gì thân thể vật lý chúng ta có thể chịu được. Sự tiếp xúc của chúng ta với tội lỗi lỗi, tội nhân và các ác linh làm cạn kiệt nguồn tài nguyên của thân thể chúng ta để chúng ta không thể đáp ứng nhiều nhu cầu. Vì vậy, nếu một tín đồ chỉ dựa trên các phương tiện thiên nhiên để bổ sung cho các nhu cầu vật lý của mình, thì không thể được. Chúng ta cần sự sống của Đấng Christ vì chỉ có điều này mới làm thỏa mãn các nhu cầu của chúng ta. Chúng ta phải nhận thức rằng nếu dựa vào thực phẩm, dinh dưỡng và thuốc uống, chúng ta đang tìm kiếm sai nguồn rồi. Chỉ có sự sống của Chúa Jesus mới có thể đáp ứng mọi nhu cầu của nếp sống, công tác và chiến trận thuộc linh của chúng ta. Một mình Ngài có thể bổ sung sức lực chúng ta cần để chiến đấu chống lại tội lỗi lỗi và Satan. Chỉ khi nào một tín đồ thật sự biết chiến trận thuộc linh là gì và làm thế nào để vật lộn trong linh với kẻ thù, người ấy sẽ biết sự quý báu của Chúa Jesus như sự sống cho thân thể vật lý của người ấy.
Mọi tín đồ phải nhìn thấy thực tại mối liên hiệp của mình với Chúa. Chúa là cây nho, và chúng ta là nhánh. Giống như các nhánh ở trong mối liên hiệp với nho thì chúng ta cũng ở trong mối liên hiệp với Chúa Jesus. Qua mối liên hệ của chúng với cây nho, các nhánh nhận được sự tuôn chảy sự sống. Chẳng phải mối liên hiệp của chúng ta với Chúa Jesus cũng sản sinh cùng một điều sao? Nếu chúng ta hạn chế mối liên hiệp này chỉ ở trong linh, thì đức tin của chúng ta sẽ không thỏa lòng với một sự giới hạn như vậy. Chúa chúng ta đã kêu gọi chúng ta nhận thức thực tiễn của mối liên hiệp với Ngài; Ngài muốn chúng ta tin và tiếp nhận sự sống Ngài tuôn chảy vào trong linh, hồn và thân thể chúng ta. Nếu bị cắt rời khỏi Chúa, chúng ta sẽ không chỉ mất sự hòa bình trong linh mà còn mất sự chữa lành trong thân thể. Nếu mối liên hiệp của chúng ta với Chúa tiếp diễn, sự sống của Ngài sẽ đổ đầy linh chúng ta và cũng tuôn chảy vào trong thân thể chúng ta. Nếu chúng ta không thật sự dự phần trong sự sống của Chúa Jesus, chúng ta sẽ không được chữa lành hay có được sức khỏe. Ngày nay, Đức Chúa Trời đang kêu gọi con cái Ngài có được một mối liên hiệp sâu hơn với Chúa Jesus.
Vì lý do này, chúng ta cần thấy rằng mặc dù những điều này xảy ra trong thân thể, nhưng đó là các vấn đề thuộc linh. Việc nhận được sự chữa lành và làm vững mạnh của Đức Chúa Trời không phải là một kinh nghiệm vật lý mà là một kinh nghiệm thuộc linh, mặc dù nó diễn ra trong thân thể vật lý. Các kinh nghiệm như vậy không gì kém hơn là sự sống của Chúa Jesus được biểu hiện qua thân thể chết chóc của chúng ta. Giống như sự sống của Chúa Jesus làm phục sinh tâm linh chết của chúng ta trong quá khứ thì bây giờ sự sống đó làm sống động thân thể chết chóc của chúng ta. Đức Chúa Trời muốn chúng ta học cách để cho sự sống phục sinh, vinh hiển và luôn luôn đắc thắng của Đấng Christ được biểu lộ trong mỗi phần của bản thể chúng ta. Ngài muốn chúng ta làm mới lại sức lực của mình từ Ngài hằng ngày và hằng giờ. Đây là sự sống thật của chúng ta. Mặc dù thân thể vật lý của chúng ta vẫn được làm cho sống động bởi sự sống-hồn nhưng chúng ta không nên sống bởi điều đó. Đúng hơn, chúng ta phải lệ thuộc sự sống của Con Đức Chúa Trời, là điều ban sự sống cho các chi thể của chúng ta theo cách mà sự sống- hồn không thể. Chúng ta phải chú ý từ ngữ “sự sống”. Mọi kinh nghiệm thuộc linh của chúng ta đều đến từ điều kỳ diệu này, được gọi là “sự sống”, là điều bước vào trong bản thể chúng ta cách phong phú. Đức Chúa Trời đơn giản muốn chúng ta nhận thức rằng sự sống của Đấng Christ là sức lực của chúng ta.
Matthew 4 bày tỏ cho chúng ta rằng lời Đức Chúa Trời là sự sống cho thân thể vật lý của chúng ta: “Con người không chỉ sống nhờ bánh, mà còn nhờ mọi lời ra từ miệng Đức Chúa Trời” (c.4). Điều này chỉ rõ rằng lời Đức Chúa Trời có thể trợ sức cho thân thể vật lý của chúng ta. Theo cách thiên nhiên, con người chỉ sống bằng bánh; nhưng khi lời của Đức Chúa Trời thốt ra với quyền năng, con người cũng có thể sống bởi điều đó. Tại đây, chúng ta nhìn thấy hai cách sống: siêu nhiên và thiên nhiên. Trong khi Đức Chúa Trời không bảo chúng ta đừng ăn, Ngài muốn chúng ta biết rằng lời Ngài có thể ban cho chúng ta sự sống mà bánh không thể ban. Khi bánh không thể sản sinh hiệu quả chúng ta mong đợi, lời Ngài có thể ban cho chúng ta sự sống mà bánh không thể cung cấp. Một số người sống bằng bánh, trong khi những người khác sống bằng lời Đức Chúa Trời. Đôi khi người sống bằng bánh thất bại, còn người sống bằng lời Đức Chúa Trời không bao giờ thay đổi.
Đức Chúa Trời đặt sự sống Ngài vào trong lời Ngài. Giống như chính Ngài là sự sống, thì lời Ngài cũng là sự sống. Nếu chúng ta nhận lấy lời Ngài như sự dạy dỗ, giáo điều và tiêu chuẩn đạo đức, nó sẽ không có bất cứ quyền năng nào đối với chúng ta. Lời Đức Chúa Trời phải được chúng ta tiêu hóa và kết hiệp với chúng ta giống như bánh vậy. Các thánh đồ đói khát nhận thức rằng lời Đức Chúa Trời là thức ăn của họ. Khi học tiếp nhận lời bởi đức tin, lời trở nên sự sống của họ. Đức Chúa Trời nói rằng lời Ngài có thể trợ sức cho sự sống của chúng ta. Vì vậy, khi thức ăn thiên nhiên thất bại, chúng ta có thể tin Đức Chúa Trời theo lời Ngài. Khi đó, chúng ta sẽ nhìn thấy Đức Chúa Trời là sự sống không chỉ cho linh chúng ta mà còn cho thân thể vật lý của chúng ta nữa. Ngày nay, sự thất bại của chúng ta trong việc nhận thức rằng có một sự cung cấp phong phú trong Lời Đức Chúa Trời (Kinh Thánh) cho thân thể chúng ta là một mất mát lớn. Chúng ta giới hạn lời hứa của Đức Chúa Trời chỉ trong nếp sống thuộc linh của mình và quên đi thân thể vật lý của mình. Nhưng thật ra, nhu cầu của thân thể vật lý không kém hơn so với nhu cầu thuộc linh của chúng ta.
KINH NGHIỆM CỦA CÁC THÁNH ĐỒ CỰU ƯỚC
Đức Chúa Trời không bao giờ dự định để con cái Ngài yếu đuối và bệnh tật; ý muốn của Ngài là họ lành mạnh và mạnh mẽ. Ngài không muốn con cái Ngài chịu khổ bởi sự yếu đau cho đến khi chết. Lời Ngài nói: “Các ngày của ngươi bao nhiêu, sức lực của người sẽ bấy nhiêu” (Phục 33:25). Điều này chỉ về thân thể chúng ta. Nếu chúng ta sống trên đất này thêm một ngày nữa, sức lực mà Chúa hứa cho thân thể chúng ta sẽ kéo dài thêm một ngày nữa. Đức Chúa Trời không có ý định ban cho chúng ta một ngày nữa trong đời mình mà không ban cho chúng ta sức lực trong ngày đó. Vì các tín đồ không áp dụng lời hứa quý báu này bởi đức tin nên sức lực của họ kém xa với các ngày của họ. Đức Chúa Trời muốn sức lực của con cái Ngài giống như các ngày của họ; vì vậy, Ngài hứa rằng Ngài sẽ là sức lực của họ. Do đó, hễ Ngài sống, chúng ta cũng sẽ sống và sức lực chúng ta sẽ kéo dài. Vì lời hứa của Đức Chúa Trời, mỗi buổi sáng chúng ta thức dậy để đón bình minh, chúng ta có thể nói trong đức tin rằng vì Đức Chúa Trời sống nên chúng ta nhất định sẽ có sức lực cho ngày đó, sức lực thuộc linh cũng như sức lực vật lý.
Các thánh đồ Cựu Ước rất thường nhận biết Đức Chúa Trời như sức lực của họ hoặc kinh nghiệm sức lực của Ngài ban cho thân thể vật lý của họ. Chúng ta tìm thấy điều này trước hết trong Abraham. “Và đức tin ông không suy yếu, dù ông coi thân thể mình như chết rồi, vì gần một trăm tuổi, tử cung của Sarah cũng đã cằn cỗi (khô)” (Rô-ma 4:19). Ông đã sinh Isaac vì ông tin Đức Chúa Trời. Sức lực của Đức Chúa Trời biểu hiện qua một thân thể dường như đã chết. Vấn đề quan trọng ở đây không phải là tình trạng của thân thể chúng ta mà là sức lực của Đức Chúa Trời trong thân thể chúng ta
Khi chúng ta đọc về Moses, Kinh Thánh ký thuật: “và khi Moses qua đời, ông được một trăm hai mươi tuổi; mắt ông không mờ, sự tươi mới cũng không lìa khỏi ông (sứ người không giảm)” (Phục 34;7) Rõ ràng, quyền năng sự sống của Đức Chúa Trời đã được biểu hiện trong ông.
Kinh Thánh cũng ký thuật tình trạng vật lý của Caleb. Sau khi Israel bước vào Canaan, ông nói: “Và trong ngày đó, Moses có thề rằng: chắc chắn miền đất mà chân ngươi đã đạp đến sẽ là di sản của ngươi và con cái ngươi mãi mãi, vì ngươi đã hoàn toàn bước theo Chúa Đức Chúa Trời Ta. Và kìa, bây giờ Chúa đã giữ tôi được sống trong bốn mươi lăm năm nay, như ông ấy nói, kể từ khi Chúa phát ngôn lời này với Moses, đang khi con cái Israel còn lang thang trong đồng vắng; và bây giờ, kìa, ngày nay tôi tám mươi tuổi rồi. Nhưng tôi vẫn còn mạnh mẽ như ngày Moses sai tôi đi: sức lực tôi hồi đó như thế nào thì bây giờ vẫn vậy, cho chiến trận, cả đi ra lẫn đi vào” (Giô suê 14:9-11). Caleb hoàn toàn bước theo Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời đã trở nên sức lực của Caleb, hầu cho thậm chí sau buốn mươi lăm năm, sức lực của ông vẫn không hề suy giảm.
Khi đọc sách Các Thẩm Phán và nhìn thấy sức lực của Samson, chúng ta sáng tỏ rằng Thánh Linh có thể ban sức lực lớn trên thân thể con người. Mặc dù Samon đã làm nhiều điều vô đạo đức và mặc dù Thánh Linh không hẳn ban sức lực này cho mọi tín đồ, nhưng có một điều chắc chắn: nếu lệ thuộc vào sự nội cư của Ngài, chúng ta sẽ luôn có được sức lực của Ngài để cung ứng cho mọi nhu cầu hằng ngày của mình.
Bởi xem các bài ca của David trong sách Thi Thiên, chúng ta có thể nhận thấy rằng ông đã nhận được sức lực của Đức Chúa Trời  trong thân thể mình: “Ô Jehovah, sức lực tôi, tôi yêu Ngài…Đức Chúa Trời thắt lưng tôi bằng sức lực/ và làm cho đường lối tôi hoàn hảo / Đấng làm cho chân tôi như chân hưu cái / và đặt tôi trên những nơi cao / Đấng dạy cho tay tôi đánh trận / để cánh tay tôi có thể giương nổi cung đồng” (18:1, 32-34). “Jehovah là sức lực của đời sống tôi; / tôi sẽ sợ hãi ai?” (27:1) “Nguyện Jehovah ban sức lực cho dân Ngài” (29:11) “Đức Chúa Trời ngươi đã truyền ban sức lực cho ngươi…Đức Chúa Trời của Israel, Ngài ban sức lực và quyền năng cho dân sự” (68:28, 35). “Ngài cho miệng ngươi thỏa các vật ngon; / để tuổi trẻ ngươi được đổi mới như chim ưng’ (103:5).
Các Thi Thiên khác ký thuật thể nào Đức Chúa Trời là sức lực cho dân Ngài. Thi Thiên 73:26 nói: “Xác thịt và lòng tôi suy yếu , / Nhưng Đức Chúa Trời là vầng đá của lòng tôi và là phần tôi mãi mãi”. Thi Thiên 84:5 nói: “Phước cho người nào có sức lực mình trong Ngài”, và 91:16 nói: “Ta sẽ làm thỏa mãn người bằng một đời sống lâu dài, / và cho người thấy sự cứu rỗi Ta”
Elihu bảo Job về hình phạt của Đức Chúa Trời và các hậu quả của nó: “Người còn bị sửa trị đau đớn trên giường mình, / và đa số xương cốt người chịu đau đớn nặng nề: / để sự sống người ghê tởm bánh, / và hồn người ghê tởm thịt ngon. / Xác thịt người bị tiêu nuốt, và không thể được nhìn thấy nữa; và xương cốt người mà trước không thấy được, bèn lộ ra. / Phải, hồn người đến gần mồ mả, / và sự sống người đến gần những kẻ hủy diệt./ Nếu có một sứ giả ở với người, một người giải thích, giữa vòng một ngàn người, để cho cho người sự ngay thẳng ; thì người ấy nhân từ với người nói: / Hãy giải cứu người khỏi bị sa xuống hố sâu: / Ta đã tìm thấy được giá chuộc. / xác thịt người sẽ tươi mới hơn con trẻ: / người sẽ trở lại những ngày tuổi trẻ mình” (Job 33:19:25). Đây là cách sự sống của Đức Chúa Trời được biểu hiện qua một người ở nơi cổng sự chết.
Tiên tri Isaiah cũng làm chứng về vấn đề này: “Bây giờ Đức Chúa Trời là sự cứu rỗi tôi; / Tôi sẽ tin cậy và không hoảng sợ; / vì Jah Jehovah là sức lực và bài ca của tôi, / Và Ngài đã trở nên sự cứu rỗi tôi” (12:2). “Ngài ban quyền năng cho kẻ yếu ớt, / Và gia bội sức lực cho kẻ chẳng có sự sống. / Dù kẻ trai trẻ sẽ mòn mỏi và mệt nhọc, / Và kẻ trai tráng sẽ suy sụp kiệt sức; / Nhưng những ai trông đợi Jehovah sẽ làm mới sức lực mình; / Họ sẽ cất cánh bay cao như chim ưng; / Họ sẽ chạy mà không mòn mỏi;/ Họ sẽ đi mà không mệt nhọc” (40:29:31). Tất cả những câu này đều chỉ rõ về thân thể vật lý. Sức lực của Đức Chúa Trời sẽ đến trên những ai trông đợi Ngài để họ có thể trở nên loại người này.
Khi Daniel nhìn thấy khải tượng của Đức Chúa Trời, ông nói: “trong ta chẳng còn chút sức lực nào, con sắc da ta trở nên tái nhợt như chết; và ta chẳng còn sức nữa” (10:8). Nhưng Đức Chúa Trời đã sai một thiên sứ đến làm vững mạnh ông. Daniel đề cập đến điều này và ký thuật: “Bấy giờ Đấng có diện mạo như con người lại chạm đến ta và làm vững mạnh ta; và người nói: Hỡi người yêu quý, đừng sợ. Bình an cho ngươi. Hãy mạnh mẽ, phải, hãy mạnh mẽ. Và khi người đã phát ngôn với tôi, tôi nhận được sức lực và nói: Thưa ông, hãy phát ngôn, vì ông đã làm vững mạnh tôi” (cc. 18-19). Tại đây chúng ta thấy rõ rằng Đức Chúa Trời có thể ban sức lực cho thân thể loài người.
Con cái Đức Chúa Trời ngày nay phải biết rằng Ngài quan tâm đến thân thể vật lý của họ. Đức Chúa Trời là sức lực không chỉ cho linh mà còn thân thể vật lý của chúng ta. Trong Cựu Ước, ân điển không được biểu lộ nhiều như ngày nay, nhưng các thánh đồ Cựu Ước đã kinh nghiệm Đức Chúa Trời như sức lực vật lý của họ. Lẽ nào phước hạnh chúng ta nhận được ngày này không tương xứng với phước hạnh họ nhận được sao? Điều chúng ta kinh nghiệm trong thân thể vật lý phải giống như điều họ đã kinh nghiệm. Nếu không biết sự phong phú của Đức Chúa Trời, chúng ta có thể nghĩ rằng Ngài chỉ có thể ban cho chúng ta một điều gì đó thuộc linh. Nhưng nếu có đức tin, chúng ta sẽ không giới hạn sự sống và sức lực của Đức Chúa Trời chỉ cho tâm linh và quên đi thân thể.

Một điều chúng ta nhấn mạnh rất nhiều là sự sống của Đức Chúa Trời không chỉ chữa lành các sự đau yếu của chúng ta mà còn giữ chúng ta khỏe mạnh, tránh xa khỏi bệnh tật. Chúng ta đã đề cập đến trước đây rằng Đức Chúa Trời chữa lành các sự đau yếu của chúng ta. Bây giờ chúng ta đang nhấn mạnh việc Đức Chúa Trời như sức lực của chúng ta làm cho chúng ta có thể đắc thắng cả bệnh tật lẫn yếu đuối. Đức Chúa Trời không chỉ chữa lành chúng ta để chúng ta có thể khỏe mạnh và sống theo sự sống thiên nhiên của mình. Đúng hơn, Ngài trở nên sự sống cho thân thể vật lý của chúng ta để thân thể chúng ta cũng có thể sống bởi Ngài và nhận được mọi sức lực cần thiết cho công tác của Ngài. Khi dân Israel ra khỏi Ai Cập, Đức Chúa Trời nói với họ: “nếu các ngươi chuyên cần nghe tiếng của Chúa các ngươi, làm điều đúng đắn theo cách nhìn của Ngài, lắng tai nghe các lệnh truyền của Ngài, và giữ mọi luật lệ của Ngài, Ta sẽ chẳng đặt trên các ngươi bất cứ bệnh tật nào trong số các bệnh tật mà ta đã đem đến trên dân Ai Cập; vì Ta là Chúa, Đấng chữa lành các ngươi Jehovah Rapha)” (Xuất 15:26). Sau đó, lời hứa này được ứng nghiệm hoàn toàn: “Không có một người yếu đau nào giữa vòng các chi phái của họ” (Thi. 105:37). Nguyện chúng ta biết rằng sự chữa lành của Đức Chúa Trời không chỉ là để chữa lành chúng ta mà còn giữ các sự đau yếu xa khỏi chúng ta và bảo tồn sức lực và sức khỏe của chúng ta. Nếu hoàn toàn thuận phục, không chủ định chống lại ý muốn của Đức Chúa Trời trong bất cứ điều gì, và nếu chúng ta nhận lấy sự sống của Đức Chúa Trời làm sức lực của thân thể mình với tấm lòng tin cậy, chúng ta sẽ thấy rằng Jehovah vẫn chữa lành chúng ta.
W.N.