Chủ Nhật, 15 tháng 2, 2015

THUỐC CHỮA BỆNH CỦA TÍN ĐỒ

Kết quả hình ảnh cho photo of medicine
Sự ái kỷ tự nhiên sản sinh ra sự tự nỗ lực. Vì các tín đồ yêu mình nhiều và không giao tiếp với Đức Chúa Trời cách cơ bản, nên họ tìm kiếm sự chữa lành bằng những phương thuốc thuộc đất khi bị đau yếu. Tại điểm này, chúng ta sẽ không phán xét xem có nên dùng thuốc hay không. Chúng ta không có thời gian ở đây để tranh cãi về vấn đề này. Tuy nhiên, vì Chúa Jesus đã chuẩn bị sự cứu rỗi cho chúng ta trên thập tự giá và vì thân thể chúng ta có thể nhận được sự chữa lành của Ngài nên dường như nếu chúng ta vẫn xoay qua thế giới để tìm kiếm sự hỗ trợ của y học thì điều đó ra từ sự thiếu hiểu biết của chúng ta, nếu không nói là vô tín.

Nhiều người tranh cãi về việc một người có nên dùng thuốc hay không, cứ như thể một khi vấn đề này được giải quyết thì mọi vấn đề khác cũng sẽ được giải quyết. Họ không nhận thức rằng nguyên tắc của nếp sống thuộc linh không phải là vấn đề có thể làm một điều gì hay không, mà là vấn đề Chúa có dẫn dắt hay không và điều đó có ra từ hoạt động riêng của chúng ta hay không. Do đó, câu hỏi của chúng ta là: khi một tín đồ bị điều khiển bởi sự ái kỷ để sốt sắng tìm kiếm sự chữa lành và một phương thuốc trong y học, thì các hoạt động của người ấy ra rừ bản ngã của mình hay được thực hiện dưới sự hướng dẫn của Thánh Linh? Nói theo lẽ thường tình, đối với sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, con người vốn luôn muốn được cứu qua công tác riêng của mình. Chỉ sau nhiều sự xử lý từ Đức Chúa Trời, con người mới sẵn lòng được cứu qua đức tin. Nhưng chẳng phải điều này cũng đúng đối với việc chữa lành thân thể sao? Tôi e là trong việc chữa lành thân thể, sự tranh đấu còn nghiêm trọng hơn sự tranh đấu vì sự tha tội lỗi. Một người biết rằng ngoài việc lệ thuộc vào sự cứu rỗi của Chúa Jesus, sẽ không có cách nào để có được quyền đến cửa thiên đàng. Tuy nhiên, trong việc chữa lành thân thể thì vẫn có thể dùng nhiều kỹ thuật y học. Vậy thì tại sao người ấy phải lệ thuộc vào sự cứu rỗi của Chúa Jesus? Điểm mà chúng ta muốn nhấn mạnh không phải là có được uống thưốc hay không, mà là sự áp dụng thuốc của chúng ta có ra từ hoạt động “riêng” của chúng ta và ở ngoài sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời hay không. Chẳng phải thế giới cũng tuyên bố là có nhiều cách để giải cứu con người khỏi tội lỗi hay sao? Chẳng phải nó có nhiều triết lý, tâm lý học, luân lý, đạo đức, quy định và giáo dục để giúp con người đi lên và giải cứu con người khỏi tội lỗi sao? Chúng ta có tin vào các phương pháp này để bảo vệ mình không? Chúng ta theo đuổi sự cứu rỗi được Chúa Jesus hoàn thành trên thập tự giá, hay chúng ta theo đuổi các phương pháp thế tục này? Cũng vậy, thế giới có vô số phương thuốc để giúp giải cứu con người khỏi sự đau yếu.Trên thập tự giá, Chúa Jesus đã hoàn thành sự cứu rỗi giài cứu con người khỏi sự đau yếu rồi. Chúng ta muốn có được sự chữa lành theo phương cách loài người hay chúng ta muốn tin cậy Chúa Jesus?
Chúng ta thừa nhận rằng đôi khi Đức Chúa Trời cũng biểu lộ quyền năng và vinh hiển của Ngài  qua một số phương tiện. Tuy nhiên, theo sự dạy dỗ trong Kinh Thánh và kinh nghiệm của các tín đồ, cảm xúc đã tiếp quản toàn bộ cách sống con người kể từ khi sa ngã, vì vậy người ấy tự phát tin cậy vào một số phương tiện của Đức chúa Trời nhiều hơn tin vào chính Đức Chúa Trời.Vì vậy, khi một tín đồ bị bệnh, người ấy chú ý nhiều đến phương thuốc hơn là quyền năng của Đức Chúa Trời. Mặc dù miệng người ấy nói tin cậy quyền năng của Đức Chúa Trời. Mặc dù miệng người ấy nói tin cậy quyên năng của Đức Chúa Trời nhưng lòng người ấy hoàn toàn xoay qua phương thuốc. Dường như nếu không có thuốc, quyền năng của Đức Chúa Trời sẽ không được biểu hiện. Trong tình trạng này, có sự bất an, khó chịu, lo lắng và hoảng loạn. Người ấy không có sự bình an ra từ việc tin cậy Đức Chúa Trời. Vì thuốc chiếm hữu lòng người ấy quá nhiều nên người ấy đánh mất sự hiện diện của Đức Chúa Trời và xoay qua thế giới. Cho nên, đối với người ấy, sự đau yếu đồng nghĩa với việc xoay từ mối liên hệ gần gũi hơn với Đức Chúa Trời sang sự xa cách Đức Chúa Trời. Có lẽ một số người có thể dùng thuốc mà  không bị tổn hại. Nhưng tôi e rằng những người như vậy rất hiếm. Đa số các tín đồ tin cậy vào việc dùng thuốc thì khó mà không làm tổn hại nếp sống thuộc linh của mình. Họ luôn luôn xem phương tiện quan trọng hơn quyền năng của Đức Chúa Trời.
Có một sự khác biệt rất lớn giữa việc được chữa lành bởi y học và được chữa lành bởi việc tin cậy Đức Chúa Trời. Khả năng của y học thì hoàn toàn thiên nhiên, trong khi quyền năng của Đức Chúa Trời là thần thượng. Phương cách có được hai loại chữa lành này hoàn toàn khác nhau. Sự chữa lành ra từ y học phụ thuộc vào sự thông minh của con người, trong khi sự chữa lành ra từ việc tin cậy Đức Chúa Trời phụ thuộc vào công lao và sự sống của Chúa Jesus. Ngay cả khi một bác sĩ, là một tín đồ, xin Đức Chúa Trời ban cho mình sự khôn ngoan và chúc phước cho thuốc mà mình dùng, người ấy vẫn không thể cho những người được chữa lành một phước hạnh thuộc linh. Vô tình, bệnh nhân để cho lòng mình xoay qua thuốc nhiều hơn quyền năng của Chúa. Mặc dù thân thể người ấy có thể được chữa lành, nhưng nếp sống thuộc linh của người ấy bị tổn hại năng nề. Nếu một tín đồ tin cậy Đức Chúa Trời, người ấy không cần đến thuốc. Người ấy chỉ cần giao thác chính mình vào tình yêu và quyền năng của Đức chúa Trời. Người ấy phải kiểm tra nguồn gốc bệnh tật của mình trước mặt Đức Chúa Trời và xem mình đã làm phật lòng Đức Chúa Trời ở đâu. Cho nên, cuối cùng khi được chữa lành, người ấy sẽ không chỉ nhận được ích lợi cho thân thể mà còn nhận được phước hạnh trong linh mình.
Hầu hết các tín đồ xem thuốc là một điều gì đó được Đức Chúa Trời ban cho và vì vậy tin rằng họ có thể sử dụng điều đó. Tuy nhiên, chúng ta muốn chú ý đến việc một người dùng thuốc có theo sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời hay không. Chúng ta không tranh cãi về việc thuốc có phải là do Đức Chúa Trời ban cho hay không. Chúng ta chỉ muốn hỏi: chẳng phải Chúa Jesus rõ ràng có được Đức Chúa Trời ban cho các tín đồ làm Cứu Chúa cho các sự đau yếu của họ sao? Chúng ta có nên bước theo những người vô tín trong thế giới hoặc các tín đồ yếu đuối trong đức tin để tìm kiếm phương thuốc hoặc sự chữa lành bởi phương tiện thiên nhiên không, hay chúng ta nên tiếp nhận Chúa Jesus mà Đức Chúa Trời đã chuẩn bị và hoàn toàn tin cậy danh Ngài?
Việc tin cậy thuốc và chấp nhận sự sống của Cháu Jesus là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Chúng ta thừa nhận rằng thuốc có thể chữa lành người ta. Y học và dược học đã phát minh ra nhiều cách và nhiều chi tiết để chữa lành các sự đau yếu. Tuy nhiên, loại chữa lành này chỉ là thiên nhiên, và không phải là điều tốt nhất Đức Chúa Trời chuẩn bị cho con cái Ngài. Một tín đồ có thể xin Đức Chúa Trời chúc phước cho thuốc và vẫn được chữa lành; sau khi được chữa lành, người ấy vẫn có thể cảm tạ Đức Chúa Trời về điều đó và cho rằng Đức Chúa Trời đã chữa lành mình. Tuy nhiên, cách chữa lành này không phải qua việc tiếp nhận sự sống của Chúa Jesus, Đây là dấu hiệu của một tín đồ đã lìa khỏi trận chiến của đức tin vì cớ sự tiện lợi. Nếu toàn bộ mục đích sự tranh đấu của chúng ta với Satan trong sự đau yếu là để có được sự chữa lành thì chỉ cần có được sự chữa lành là đủ, bất kể đó là loại chữa lành nào. Nhưng nếu chúng ta cố gắng hoàn thành một điều gì đó quan trọng hơn việc chỉ được chữa lành, chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc giữ yên lặng trước mặt Đức Chúa Trời và chờ đợi phương cách và thời điểm của Ngài.
Chúng ta sẽ không quả quyết rằng Đức Chúa Trời không bao giờ chúc phước cho việc dùng thuốc. Trong nhiều trường hợp, Đức Chúa Trời chúc phước cho việc dùng thuốc vì Ngài nhân từ và tha thứ. Tuy nhiên, các loại tín đồ này không đứng trong địa vị được cứu chuộc; họ đơn giản đứng trên cùng một địa vị với những người thế giới. Về vấn đề bệnh tật, họ giống y như những người thế giới và không thể dâng bất cứ lời chứng nào về Đức Chúa Trời. Việc uống thuốc, bôi thuốc và tiêm thuốc, không thể ban cho chúng ta sự sống của Chúa Jesus. Khi tin cậy Đức Chúa Trời, chúng ta đơn giản đứng trên một lập trường vượt trên chỗ đứng thiên nhiên. Trong nhiều trường hợp, sự chữa lành đến từ thuốc thì rất đau đớn và lâu dài, trong sự chữa lành từ Đức Chúa Trời thì nhanh chóng và có phước hạnh.
Có một điều chắc chắn: nếu chúng ta được chữa lành qua việc tin cậy Đức Chúa Trời, ích lợi thuộc linh chúng ta nhận được từ một sự chữa lành như vậy chắc chắn không thể có được bởi việc chữa lành ra từ phương pháp y học. Đối với nhiều người, sự đau yếu dường như ích lợi hơn sự chữa lành. Khi nằm trên giường bệnh, họ ăn năn về nếp sống mà họ đã sống trong quá khứ. Nhưng sau khi khỏe lại, họ lại xa cách Chúa hơn trước. Nếu được chữa lành qua việc tin cây Đức Chúa Trời, họ sẽ không kết thúc theo cách này. Họ sẽ xưng nhận tội lỗi lỗi mình, phủ nhận bản ngã, tin vào tình yêu của Đức Chúa Trời và tin cậy quyền năng của Ngài. Họ sẽ chấp nhận sự sống và sự thánh khiết của Đức Chúa Trời và có một mối liên hệ mới, không thể phân rẽ với Đức Chúa Trời.
Bài học cho chúng ta là mục đích của Đức Chúa Trời trong mọi bệnh tật là khiến chúng ta dừng các hoạt động của mình lại và lệ thuộc vào Ngài hoàn toàn. Trong khi  chúng ta thường sốt sắng tìm kiếm sự chữa lành, lòng chúng ta hoàn toàn bị thúc đẩy bởi sự ái kỷ. Vì yêu mình, nên chúng ta chuyên tâm tìm kiếm sự chữa lành và quên Đức Chúa Trời và bài học Ngài muốn dạy chúng ta. Nếu con cái Đức Chúa Trời được tự do khỏi sự ái kỷ, làm thế nào họ có thể tìm kiếm sự chữa lành cách sốt sắng như vậy? Nếu dừng các hoạt động của mình lại, làm sao còn có thể xoay qua thế giới để tìm kiếm sự hỗ trợ của y học? Chắc chắn họ sẽ yên lặng phán xét chính mình trước mặt Chúa và trước hết cố gắng tìm hiểu lý do Đức Chúa Trời ban cho họ sự đau yếu, trước khi tìm kiếm sự chữa lành từ Ngài qua tình yêu  của Cha. Tại đây chúng ta nhìn thấy sự khác biệt giữa việc tin cậy sự hỗ trợ của y học và tin cậy quyền năng của Đức Chúa Trời. Trong trường hợp trước, tín đồ lo lắng tìm kiếm sự chữa trị; trong trường hợp sau, một tín đồ yên lặng tìm kiếm ý muốn của Đức Chúa Trời. Một tín đồ tìm kiếm  phương thuốc trong sự đau yếu của mình vì người ấy có một xu hướng mạnh mẽ và vì người ấy dẫy đầy sự ái kỷ và cố gắng vận dụng sức lực riêng của mình. Nếu thay vì vậy, người ấy tìm kiếm quyền năng của Đức Chúa Trời thì người ấy sẽ không cư xử như vậy. Nếu một tín đồ muốn tin cậy Đức Chúa Trời về sự chữa lành của mình, người ấy phải thành thật xưng nhận và xử lý tội lỗi lỗi của mình, và sẵn lòng dâng mình hoàn toàn cho Đức Chúa Trời.
Ngày nay có nhiều tín đồ đau yếu. Tuy nhiên, Chúa có chủ đích của Ngài trong mọi người đó. Bất cứ lúc nào “bản ngã” đánh mất quyền bính của nó. Chúa sẽ thực hiện sự chữa lành của Ngài. Nếu một tín đồ không sẵn lòng cúi đầu xuống và chấp nhận sự đau yếu của mình, và nếu người ấy không thể công nhận Đức Chúa Trời đã ban cho mình điều tốt nhất, thay vì vậy lại tìm kiếm sự chữa lành ngoài Đức Chúa Trời và phản loạn chống lại cách Ngài đối xử với mình, thì Ngài không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc để người ấy mắc bệnh lại. Nếu tín đồ không sẵn lòng từ bỏ sự ái kỷ của mình và nếu người ấy tiếp tục chăm sóc, ấp ủ, thương cảm và quan tâm đến chính mình một cách khó tính, không từ bỏ chính mình trong Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời sẽ ban cho người ấy nhiều điều hơn để khiến người ấy tự cảm thương mình hơn nữa. Nếu một tín đồ không sẵn lòng dừng phương cách và các hoạt động của mình lại, và nếu người ấy tìm kiếm sự chữa lành ngoài sự cứu rỗi của Chúa Jesus, Đức Chúa Trời sẽ cho người ấy thấy rằng phương thuốc thuộc đất sẽ không cho người ấy sự chữa lành lâu dài. Đức Chúa Trời muốn con cái Ngài nhận biết rằng một thân thể khỏe mạnh không phải vì hạnh phúc riêng của mình, cũng không phải vì chủ đích thực hiện ý muốn riêng của mình; điều đó hoàn toàn vì Ngài. Linh chữa lành là Linh của sự thánh khiết. Chúng ta không thiếu sự chữa lành, nhưng thiếu sự thánh khiết. Điều đầu tiên chúng ta cần không phải là được giải cứu khỏi sự đau yếu, mà là khỏi bản ngã của mình.
Sau khi một tín đồ dừng sử dụng phương cách thuộc đất hoặc thuốc men và tin cậy Đức Chúa Trời hết lòng, đức tin của người ấy sẽ trở nên mạnh mẽ hơn trước. Điều này sẽ cung cấp cho người ấy một mối liên hệ mới với Đức Chúa Trời và người ấy sẽ bắt đầu có một nếp sống tin cậy và tin tưởng mà người ấy chưa từng có trước đây. Người ấy sẽ giao thác không chỉ “hồn” mình mà cả thân thể mình vào trong tay Đức Chúa Trời. Người ấy sẽ thấy rằng ý muốn của Đức Chúa Trời là biểu lộ quyền năng của Chúa Jesus và tình yêu của Cha; Ngài muốn chứng minh với chúng ta rằng Chúa không chỉ cứu chuộc “hồn” mà còn cứu chuộc thân thể chúng ta. Vì vậy, chúng ta không cần “lo lắng…về thân thể mình” (Math. 6:25). Nếu chúng ta giao thác chính mình cho Chúa, Ngài chắc chắn sẽ chăm sóc chúng ta. Nếu nhìn thấy sự giải cứu ngay lập tức, chúng ta phải ngợi khen Chúa. Nhưng nều sự đau yếu ngày càng nghiệm trọng hơn, chúng ta đừng nghi ngờ. Thay vì vậy, chúng ta phải chỉ dán chặt mắt mình vào lời hứa của Đức Chúa Trời và không để cho “sự ái lỷ” dấy lên một lần nữa. Đức Chúa Trời đang cố gắng vắt cho ráo hết mọi giọt ái kỷ khỏi chúng ta. Nếu quan tâm đến thân thể mình, chúng ta sẽ nghi ngờ. Nếu tập trung cái nhìn của mình vào lời hứa, chúng ta sẽ đến gần Đức Chúa Trời, đức tin chúng ta sẽ gia tăng, và chúng ta sẽ nhận được sự chữa lành.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải cẩn thận kẻo bị cuốn vào trong các thái cực. Đúng là Đức Chúa Trời muốn chúng ta tin cậy Ngài hoàn toàn. Nhưng sau khi chúng ta hoàn toàn từ chối hành động riêng của mình và hoàn toàn tin cậy ngài, Ngài cũng vui mừng nhìn thấy chúng ta sử dụng một số phương pháp tự nhiên để giúp đỡ thân thể mình. Chúng ta có thể nhìn thấy điều này trong trường hợp dùng rượu của Timothy. Khẩu vị của Timothy không tốt lắm. Ông thường đau yếu. Paul không kiện cáo ông là thiếu đức tin hay không tiếp nhận sự chữa lành trực tiếp từ Đức Chúa Trời. Trái lại, ông khích lệ Timothy dùng một chút rượu rất tốt cho ông. Điều thú vị là vị sứ đồ khích lệ ông dùng rượu, là một điều ở ngay ranh giới giữa điều thiện và điều ác.
Chúng ta có thể học một bài học từ trường hợp này. Chúng ta phải tin Đức Chúa Trời và tin cậy Ngài. (Đây là điều Timothy đã làm). Tuy nhiên, đồng thời, chúng ta đừng rơi vào các thái cực. Nếu thân thể có chút yếu đuối, chúng ta cần ăn uống những thứ bổ dưỡng và ích lợi cho thân thể theo sự dẫn dắt của Chúa. Nếu chúng ta bước theo sự dẫn dắt của Chúa và ăn uống bổ dưỡng cho thân thể, chúng sẽ thêm sức cho thân thể chúng ta. Trước khi thân thể được cứu chuộc, chúng ta vẫn là những con người có thân thể, và vẫn cần chú ý đúng đắn đến phương tiện tự nhiên.
Thức ăn bổ dưỡng có thể đi cùng với đức tin; chúng không hẳn là đối lập nhau. Tuy nhiên, các tín đồ không nên ý thức nhu cầu về thức ăn bổ dưỡng đang khi không tin Đức Chúa Trời.
ĐƯỢC CHỮA LÀNH THÌ TỐT HƠN
Cũng có một số thánh đồ đi đến một thái cực khác. Theo tâm tính thiên nhiên, họ cứng cỏi và ngoan cố. Tuy nhiên, qua sự đau yếu mà Đức Chúa Trời cho phép, họ được Đức Chúa Trời phá vỡ. Kết quả của việc đồng đi với ý muốn của Đức Chúa Trời qua sự sửa trị của Ngài, họ trở nên rất hòa nhã, tử tế, dễ uốn nắn và thánh khiết. Do đó, họ xem việc bị bệnh là một ích lợi lớn cho họ, và họ bắt đầu yêu thích sự đau yếu hơn là sự khỏe mạnh. Họ nghĩ rằng sự đau yếu khiến nếp sống thuộc linh của họ tiến bộ rất nhiều. Vì vậy, họ không tìm kiếm sự chữa lành. Nếu nhận thức rằng mình phải được chữa lành, họ thích Đức Chúa Trời chữa lành họ hơn. Họ chấp nhận mọi loại đau yếu đến trên thân thể mình, nghĩ rằng khi đau yếu, họ sẽ dễ trở nên tin kính hơn là khi khỏe mạnh. Họ nghĩ rằng khi cô độc và đau đớn, họ gần gũi Đức Chúa Trời hơn là khi khỏe mạnh và năng động. Họ nghĩ rằng nằm trên giường bệnh tốt hơn nhiều so với việc tự do chạy nhảy. Họ không muốn cầu xin sự chữa lành từ Đức Chúa Trời. Họ nghĩ rằng có thể yếu đuồi sẽ ích lợi hơn là mạnh mẽ! Chúng ta thừa nhận rằng nhiều tín đồ đã từ bỏ các công tác ác của mình nhờ bị bệnh, và họ đã đoạt được một số kinh nghiệm sâu nhiệm qua các sự đau yếu của mình. Chúng ta cũng thừa nhận rằng nhiều người tàn tật và bất lực đã có kinh nghiệm tin kính và thược linh hiếm có. Nhưng chúng ta phải nói rằng nhiều tín đồ không sáng tỏ về một số điểm trong lĩnh vực này.
Mặc dù một người bị bệnh có thể trở nên thánh khiết nhưng một sự thánh khiết như vậy là ép buộc. Có thể nếu khỏe mạnh và có thể tự do lựa chọn, người ấy sẽ muốn quay trở lại thế giới và bản ngã thiên nhiên của mình. Người ấy trở nên thánh khiết chỉ khi bị bệnh và người ấy trở nên thế tục khgi không bệnh. Chúa phải giữ người ấy trong sự đau yếu liên tục trước khi người ấy thánh khiết liên tục. Sự thánh khiết của người ấy phụ thuộc vào sự đau yếu của người ấy! Một cách sống vì Chúa không nên chỉ giới hạn trong thời gian bệnh tât. Chúng ta không nên để người khác nghĩ rằng cách duy nhất Đức Chúa Trời có thể bắt phục một tín đồ là bằng sự đau yếu, và nếu không có sự đau yếu, người ấy không thể tôn vinh Đức Chúa Trời trong nếp sống hằng ngày của minh. Một tín đồ phải biểu hiện sự sống của Đức Chúa Trời trong nếp sống hằng ngày của mình. Mặc dù bền chịu nỗi khổ thì tốt, nhưng vâng phục Đức Chúa Trời lúc có đầy sức lực thì tốt hơn.
Chúng ta phải biết rằng sự chữa lành từ Đức Chúa Trời; chính Đức Chúa Trời chữa lành chúng ta. Nếu tìm kiếm sự chữa lành qua phương thuốc loài người, chúng ta sẽ nhận thấy mình tách rời khỏi Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, nếu tìm kiếm sự chữa lành của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ trở nên thân mật hơn với Đức Chúa Trời. Một người nhận được sự chữa lành của Đức Chúa Trời sẽ tôn vinh Đức Chúa Trời nhiều hơn một người cứ ở lại trong sự đau yếu một thời gian dài. Đúng là sự đau yếu có thể tôn vinh Đức Chúa Trời vì sự đau yếu cung cấp cho Đức Chúa Trời một cơ hội để biểu lộ quyền năng chữa lành của Ngài (John 9:3). Nhưng nếu một người lúc nào cũng đau yếu, làm sao Đức Chúa Trời có thể được tôn vinh? Khi một người nhận được sự chữa lành của Đức Chúa Trời, người ấy nhìn thấy vinh hiển của Đức Chúa Trời qua sự biểu lộ quyền năng của Ngài.
Chúa Jesus không bao giờ xem sự đau yếu là một phước hạnh, một điều gì đó mà các tín đồ phải mang cho đến khi họ chết. Ngài cũng không nói rằng sự đau yếu là sự biểu hiện của tình yêu từ Đức Chúa Trời Cha. Chúa Jesus ao ước các môn đồ vác thập tự giá, nhưng Ngài không nói rằng người bệnh phải ở trong bệnh tật mọi lúc. Ngài nói cho các môn đồ biết cách mà họ phải chịu khổ vì Ngài, nhưng Ngài chưa bao giờ nói rằng họ phải chịu đựng sự đau yêu vì cớ Ngài. Mặc dù Ngài nói chúng ta phải chịu khổ trong thế giới, nhưng Ngài không xem sự đau yếu là một nỗi khổ. Ngài thật sự chịu khổ đang khi ở trên đất nhưng Ngài không đau yếu. Hơn nữa, mỗi lần Ngài nhìn thấy người đau yếu, Ngài đều chữa lành họ, Ngài luôn luôn xem sự đau yếu là điều ra từ tội lỗi và ma quỷ.
Chúng ta phải phân biệt giữa nỗi khổ và sự đau yếu. “Người công nghĩa gặp nhiều bất hạnh, / Nhưng Jehovah giải cứu người ấy khỏi tất cả./ Ngài giữ tất cả xương cốt người ấy./ Không để cái nào bị gãy” (Thi 34:19-20). James nói: “Có ai trong anh em chịu đựng điều ác? Người ấy hãy cầu nguyện” (James 5:130 để người ấy có thể có được ân điển và sức lực. “Có ai trong anh em đau yếu? Người ấy hãy kêu gọi các trưởng lão của hội thánh và để họ cầu nguyện trên người ấy” (c.4) hầu cho người ấy có thể được chữa lành.
1 Corinth 11:30 đến 32 mô tả rõ mối liên hệ giữa sự đau yếu và tín đồ. Cuối cùng thì sự đau yếu là sự kỷ luật từ Đức Chúa Trời. nếu một tín đồ tự phán xét mình, Đức Chúa Trời sẽ khiến sự đau yếu biến mất. Đức Chúa Trời không bao giờ có ý định để cho các tín đồ liên tục chịu đựng sự đau yếu. Nếu một tín đồ loại bỏ điều Đức Chúa Trời kết án và đồng thời cho phép sự đau yếu ở lại trong thân thể thì người ấy không biết chủ đích của Đức Chúa Trời trong việc để cho người ấy đau yếu. Không một sự kỷ luật nào nên kéo dài mãi mãi. Một khi nguyên nhân kỷ luật được cất đi, thì chính sự kỷ luật sẽ nhanh chóng biến mất. “sự kỷ luật hiện thời có vẻ không vui, trái lại là buồn rầu; nhưng về sau….” (Heb. 12:11a). Các tín đồ hầu như quên đi rằng với Đức Chúa Trời vẫn có cái “về sau”. “Về sau sinh ra bông trái hòa bình của sự công nghĩa cho người chịu luyện tập theo cách đó” (c. 11b). Sự kỷ luật không có nghĩa là phải kéo dài mãi mãi. Thật ra, bông trái vượt trổi nhất đến sau khi sự kỷ luật qua đi. Chúng ta không nên bị làm cho hiểu sai rằng sự kỷ luật của Đức Chúa Trời là hình phạt của Ngài. Nói cho đúng, các tín đồ sẽ không còn bị phạt nữa. 1 Corinth 11:31 nói rất rõ điều này. Chúng ta đừng bao giờ chấp nhận quan niệm của luật pháp bước vào. Đó không phải là vấn đề chúng ta phạm bao nhiêu tội lỗi rồi chúng ta phải chịu khổ một lượng hình phạt để đoái công chuộc tội lỗi. Đây không phải là một vụ việc được giải quyết trong tòa án mà là một nan đề được xử lý trong gia đình.
Nếu xoay trở lại với sự dạy dỗ ngay thẳng của Kinh Thánh, chúng ta sẽ nhìn thấy điều cơ bản Đức Chúa Trời muốn nơi thân thể chúng ta. Chúng ta chỉ cần đọc một câu, và các quan niệm về nhiều điều sẽ hoàn toàn bị giật đổ. “Kẻ yêu dấu ơi, tôi nguyện cho anh được thịnh vượng về mọi điều và khỏe mạnh, cũng như hồn anh được thịnh vượng (3 John 2 ). Đây là một lời cầu nguyện mà Thánh Linh khải thị cho vị sứ đồ, và điều đó bày tỏ ý định của Đức Chúa Trời đối với thân thể tín đồ và niềm ao ước của Ngài trong cõi đời đời. Đức Chúa Trời  không có ý định để con cái Ngài cứ đau yếu trọn đời và không thể năng động công tác cho Ngài. Ngài vui sướng nhìn thấy con cái Ngài thịnh vượng và khỏe mạnh, cũng như hồn họ thịnh vượng. Điều này cho phép chúng ta kết luận cách không nghi ngờ rằng sự đau yếu kéo dài không phải là ý muốn của Đức Chúa Trời. Ngài có thể tạm thời kỷ luật chúng ta và khiến chúng ta mất đi sự khỏe mạnh của mình, nhưng Ngài không vui lòng nhìn thấy chúng ta liên tục ở trong sự yếu đuối.
Lời của Paul trong 1 Thessalonica 5:23 cũng bày tỏ cho chúng ta rằng sự đau yếu kéo dài không phải là ý muốn của Ngài. Tình trạng của thân thể phải tương xứng với linh và hồn. Nếu linh và hồn chúng ta được thánh hóa hoàn toàn và được bảo tồn trọn vẹn không tì vết, nhưng thân thể chúng ta vẫn yếu đuối, bệnh tật và đầy đau đớn, Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ không thỏa mãn. Mục đích của Ngài là cứu toàn bản thể con người. Mục đích của Ngài không phải là chỉ cứu một số phần của con người.
Mọi công tác trên đất của Chúa Jesus đều khải thị ý định của Đức Chúa Trời đối với vấn đề đau yếu. Công tác duy nhất của Ngài là thực hiện ý muốn của Đức Chúa Trời. Ngài không có công tác nào khác trong toàn bộ đời sống của Ngài. Chúng ta có thể đặc biệt nhìn thấy tấm lòng của Cha thiên thượng và thái độ của Ngài đối với sự đau yếu trong câu chuyện chữa lành người phung. Người phung nói: “ Chúa ơi, nếu Ngài muốn Ngài có thể tẩy sạch tôi”. Dường như người này đang gõ cửa thiên đàng và hỏi xem việc chữa lành có phải là ý muốn của Đức Chúa Trời hay không. “Và Ngài giơ tay chạm đến người ấy và nói: Ta muốn; hãy sạch đi! (Matt. 8:2-3) Đức Chúa Trời luôn muốn chữa lành. Nếu một tín đồ nghĩ rằng Đức Chúa Trời không muốn chữa lành mình và người ấy phải ở lại trong sự đau yếu mãi mãi, thì người ấy không biết ý muốn của Đức Chúa Trời. Công tác của Chúa Jesus trên đất là để chữa lành “mọi người đau ốm” (c.16). Chúng ta không nên nghĩ rằng ngày nay Ngài đã thay đổi thái độ.
Chúng ta biết rằng mục đích của Đức Chúa Trời ngày nay là “Ý muốn Cha được nên, trên đất cũng như trên trời” (Math. 6:10). Ý muốn của Đức Chúa Trời được nên trên trời, nhưng có sự đau yếu trên trời không? Dựa trên điều này, sự đau yếu tuyệt đối không tương thích với ý muốn của Đức Chúa Trời. Ngày nay, nhiều tín đồ cầu nguyện về sự chữa lành trong một thời gian ngắn. Khi Đức Chúa Trời dường như không đáp lại lời cầu nguyện của họ, và họ mất hết mọi hi vọng, họ nói: “Nguyện ý Chúa được nên”, như thể ý muốn của Chúa đồng nghĩa với sự đau yếu và sự chết. Đây là một sai lầm lớn. Ý muốn của Đức Chúa Trời đối với con cái Ngài không phải là sự đau yếu. Mặc dù đôi khi ý muốn cho phép của Ngài để cho họ đau yếu, nhưng đó là vì lợi ích của họ; ý muốn chỉ định của Ngài luôn luôn là để họ khỏe mạnh. Không có sự đau yếu trên trời. Điều này chứng minh rằng Đức Chúa Trời không bao giờ dự định để cho con cái Ngài đau yếu.
Nếu xem xét sự đau yếu thật sự đến từ đâu, chúng ta sẽ nhận thức rằng là chúng ta nên tìm kiếm sự chữa lành. Công vụ 10:38 bảo chúng ta rằng mọi sự đau yếu đều là do sự áp bức của ma quỷ. Khi Chúa Jesus nói về người đàn bà bị còng lưng, Ngài nói rằng nàng bị Satan “cột trói” (Luke 13:16). Khi Ngài chữa lành mẹ vợ của Peter, Ngài “quở trách cơn sốt” (4:39) như thể Ngài đang quở trách ma quỷ vậy. Nếu đọc sách Job, chúng ta sẽ thấy rằng chính ma quỷ đã khiến Job bị bệnh (chương một và hai), và chính Đức Chúa Trời đã chữa lành Job (chương bốn mươi hai). Cái gai khiến sứ đồ Paul bị làm cho yếu đuối là “một sứ giả của Saan” (2 Cor. 12;7), nhưng Đấng làm cho ông mạnh mẽ là Đức Chúa Trời. Hebrews 2:14 bảo chúng ta rằng kẻ có quyền lực của sự chết là ma quỷ. Khi sự đau yếu chín mùi, nó sản sinh sự chết. Sự đau yếu chỉ là một dấu hiệu của sự chết. Nếu Satan có quyền lực của sự chết, hắn cũng có quyền lực của sự đau yếu; sự chết đơn giản là bước tiếp theo của sự đau yếu, trong khi sự đau yếu là bước đầu tiên dẫn đến sự chết.
Sau khi đọc mọi câu này, chúng ta phải kết luận rằng nguồn gốc của sự đau yếu là ma quỷ. Vì có một số khuyết điểm trong các tín đồ nên Đức Chúa Trời cho phép Satan tấn công con cái Ngài. Nếu con cái Đức Chúa Trời (1) từ chối đầu phục các đòi hỏi của Đức Chúa Trời và để cho sự đau yếu cứ ở lại trong thân thể họ, hoặc (2) nếu họ từ bỏ điều Đức Chúa Trời truyền lệnh và vẫn để cho sự đau yếu ở lại trong thân thể họ, thì họ đang tình nguyện đặt mình dưới sự áp bức của Satan. Sau khi vâng phục sự khải thị của Đức Chúa Trời, chúng ta phải từ chối sự đau yếu và kể như điều đó đến từ Satan. Vì vậy, không có lý do nào để chúng ta ở dưới ách nô lệ của hắn nữa. Chúng ta phải hiểu rõ rằng sự đau yếu thuộc về kẻ thù của chúng ta và chúng ta không nên chào đón nó. Con Đức Chúa Trời đã đến để trả tự do cho chúng ta chứ không phải để cột trói chúng ta.
Nhiều người có thể hỏi: “Khi không có nhu cầu để cho các tín đồ bị bệnh, tại sao Đức Chúa Trời không cất đi bệnh tật đó?” Chúng ta phải nhận thức rằng Đức Cháu Trời hoàn thành mọi điều theo đức tin của chúng ta (Math. 8:13). Đây là một nguyên tắc không thay đổi mà bởi đó Đức Chúa Trời đối xử chúng ta. Nhiều lần, Đức Chúa Trời sẵn lòng chữa lành con cái Ngài. Nhưng vì họ không tin và không cầu nguyện nên Đức Chúa Trời phải để cho sự đau yếu còn lại. Nếu một tín đồ để cho mình đau yếu, hoặc tệ hơn, vẫn chào đón sự đau yếu, nghĩ rằng điều đó sẽ khiến mình không thế tục và thánh khiết hơn, Chúa không thể làm gì ngoại trừ ban cho người ấy điều người ấy ao ước. Đức Chúa Trời thường đối xử với con cài Ngài theo điều họ có thể nhận lấy. Đức Chúa Trời có thể rất muốn chữa lành họ, nhưng vì họ không có đức tin để cầu xin nên họ không bao giờ có thể nhận được ân tứ này.
Chúng ta đừng nghĩ rằng chúng ta khôn ngoan hơn Đức Chúa Trời hoặc chúng ta có thể hành động vượt quá điều Kinh Thánh khải thị. Mặc dù căn phòng nằm dưỡng bệnh đôi khi có cảm giác giống như nơi thánh và mọi người bước vào đó có thể được đụng chạm bởi bầu không khí đó, nhưng đây không phải là ý muốn chỉ định của Đức Chúa trời và không phải là điều tốt nhất của Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta hành động theo tình cảm của mình và phớt lờ sự khải thị của Đức Chúa Trời, Ngài chỉ có thể để cho chúng ta bước đi như chúng ta thích. Nhiều tín đồ nói: “Bất kể chuyện gì xảy ra, tôi cũng giao thác chính mình vào trong tay Đức Chúa Trời. Dù tôi khỏe mạnh hay cứ tiếp tục đau yếu, tôi vẫn để cho Đức Chúa Trời đưa ra quyết đinh cho tôi và tôi sẽ để Ngài đối xử với tôi tùy ý Ngài”. Nhưng đồng thời, chúng ta thường thấy những người này phải dùng đến thuốc. Đây có phải là điều một người làm khi giao thác mọi sự vào trong tay Đức Chúa Trời không? Trong việc theo đuổi sự chữa lành của Đức Chúa Trời, họ đặt trách nhiệm vào trong tay Đức Chúa Trời, và trong việc theo đuổi sự chữa lành của con người, họ phải dùng thuốc mọi lúc. Điều này quá mâu thuẫn. Sự thật là nhiều tín đồ đã đánh mất nghị lực qua một thời gian dài nằm trên giường bệnh. Họ không còn có thể nắm chặt lời hứa của Đức Chúa Trời nữa. Sự thuận phục của họ thật sự là một loại biếng nhác thuộc linh. Họ ao ước khỏe mạnh, nhưng niềm ao ước này không khiến cho Đức Chúa Trời thực hiện bất cứ công tác nào trên họ. Nhiều tín đồ thụ động cam chịu bệnh tật của mình trong một thời gian dài; họ thường xuyên bệnh và không có sự dạn dĩ để tìm kiếm sự tự do. Họ thà nhờ người khác tin dùm họ hoặc nhờ Đức Chúa Trời ban cho họ đức tin và khiến họ tin mà không cần nỗ lực gì. Tuy nhiên, nếu ý muốn của họ không được thúc đẩy, và nếu họ không kháng cự ma quỷ và bám chặt lấy Chúa Jesus, thì đức tin mà Đức Chúa Trời ban cho sẽ không đến. Nhiều bệnh nhân không cần phải bị bệnh; họ đau yếu vì họ không có sức lực để tuyên bố các lời hứa của Đức Chúa Trời.
Chúng ta phải nhận thức rằng các phước hanh thuộc linh mà chúng ta nhận được trong sự đau yếu kém xa các phước hạnh thuộc linh chúng ta có được trong sự phục hồi. Nếu qua việc tin cậy Đức Chúa Trời và dâng mình cho Ngài, chúng ta được chữa lành, chúng ta phải tiếp tục sống một nếp sống thánh khiết sau khi được phục hồi. Chỉ có điều này mới duy trì chúng ta trong tình trạng khỏe mạnh. Bởi chữa lành chúng ta theo cách này, Chúa có được thân thể chúng ta. Sự vui mừng này thì khôn xiết. Nhưng sự vui mừng này không chỉ đến vì chúng ta được chữa lành, mà còn vì chúng ta có một mối liên hệ mới với Chúa chúng ta. Chúng ta có một kinh nghiệm mới về Ngài và nhận được một sự tiếp xúc mới và một nếp sống mới từ Ngài. Vào những lúc như vậy, Đức Chúa Trời được tôn vinh nhiều hơn khi một tín đồ bị bệnh.

Vì vậy, con cái Đức Chúa Trời phải chỗi dậy và tìm kiếm sự chữa lành. Trước hết chúng ta phải đến trước mặt Chúa và lắng nghe điều Ngài muốn phát ngôn với chúng ta qua sự đau yếu của mình. Kế đến, chúng ta phải bước đi với một tấm lòng đơn nhất theo điều Ngài khải thị cho chúng ta. Cuối cùng, chúng ta phải toàn tâm toàn ý đặt thân thể mình vào trong sự chăm sóc của Ngài và dâng thân thể mình cho Ngài. Nếu có các trưởng lão của hội thánh có thể xức dầu (James 5:14-15), chúng ta phải mời họ đến và để cho họ làm theo lệnh truyền của Kinh Thánh. Nếu không, chúng ta cứ phải bình tĩnh và vận dụng đức tin để bám chặt lời hứa của Đức Chúa Trời (Xuất 15:26). Đức Chúa Trời sẽ chữa lành chúng ta.
Watchman Nee