Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2015

CUNG PHỤNG SỰ SỐNG




Mục đích tối cao của Đức Chúa Trời đối với Hội thánh ngày nay là Hội thánh phải tự xây dựng trong tình thương yêu bởi một sự cung phụng sự sống, và do đó mà lớn lên thành Đấng Christ trong mọi sự. Đó là mục tiêu đặt trước Hội Thánh trong thơ Êphêsô, chương 4. Hơn nữa trong thơ I Cô 13, theo liền đoạn sách luận về Thân Thể mà chúng ta vừa suy nghĩ, Phaolô tỏ cho ta thấy rằng Đức Chúa Trời chẳng dùng các ân tứ, song dùng tình thương yêu và sự xây dựng lâu dài cho Hội thánh. Các ân tứ được biểu hiện bên ngoài bằng việc làm, lời nói, phép lạ, sự chữa bệnh, lời tiên tri…v.v. Còn tình thương yêu là bông trái do sự vận hành bên trong của Đức Thánh Linh qua thập tự giá trong sự sống các chi thể. Ân tứ là phương thức tạm thời, mặc dù chắc chắn là phương thức của Đức Chúa Trời; nhưng Thân Thể tự xây dựng trong sự yêu thương (Êph 4:16). Khi mọi sự khác qua đi, thì tình thương yêu còn lại.

Đây, chúng ta có thí dụ về một điều gì mà bây giờ chính mình phải kể đến khi suy xét về sự cung phụng của hội thánh. Tôi xin nhắc rằng trong các tác phẩm của Phao-lô, ông thường nhấn mạnh vào điều tốt hơn trong hai điều tốt. Thỉnh thoảng trong cùng một đoạn văn, ông nhấn thật mạnh, lúc khác lại chỉ nhấn mạnh ngầm, song chẳng vì đó mà kém phần đáng chú ý. Trong trường hợp nầy, ông nhấn mạnh vào tánh chất vĩnh cửu. Dầu ở những nơi khác, Phao-lô nói rất nhiều về các ân tứ thuộc linh, song trong I Cô, khi ông đối chiếu các ân tứ ấy với tình thương yêu, thì lại khiến chúng ta chú ý đến tánh chất lượng đối không vĩnh cửu của các ân tứ ấy (Câu 8-11).
Trong một trường hợp đặc biệt, các ân tứ thuộc linh có lẽ tất nhiên chẳng được Đức Chúa Trời chỉ định cho tồn tại mãi mãi. Ấy vì các ân tứ chẳng hoàn toàn tùy thuộc tầm vóc thuộc linh của người được ban ân tứ. Các ân tứ thuộc linh thi hành một sự cung phụng khách quan, còn mục đích tôi hậu của Đức Chúa Trời trong con người còn lại có tánh chất chủ quan, do Đức Thánh Linh tạo thành trong họ, chớ chẳng phải chỉ do Ngài tạm  thời giáng trên họ. Vậy nên các ân tứ nầy được gọi là thuộc linh, không phải vì người thọ lãnh là thuộc linh, song vì các ân tứ nầy phát xuất từ Đức Thánh Linh.
Tại sao có rất nhiều người được Đức Chúa Trời đại dụng, nhưng về sau thường lại dường như bị loại bỏ? Để đáp lại câu hỏi ấy, trước hết tôi xin hỏi. Ta làm thể nào mà biết được rằng Đức Chúa Trời muốn luôn luôn dùng họ theo cách đó? Ngài không thể có những kế hoạch khác sao? Ấy vì Đức Chúa Trời chẳng ký giao kèo nào! Rốt lại, chính chúng ta há không thường dùng một tôi tớ mấy ngày vào một công việc khẩn cấp, mặc dầu biết rõ y chưa được thử nghiệm hoặc chưa có kinh nghiệm, và cũng không cam đoan rằng cứ dùng y mãi trong công việc đặc biệt đó và trong tình trạng không được huấn luyện đó sao? Chúng ta giữ quyền thay đổi. Đức Chúa Trời há chăng có quyền làm như vậy, tức là dùng người ta một thời gian, rồi theo trí tuệ của mình, Ngài thay đổi tánh chất công việc của họ sao?
Đức Chúa Trời cho mượn sức mạnh của Ngài, sức mạnh thần thượng, và sức mạnh ấy cứ thuộc về Ngài, chớ không bao giờ trở thành vật sở hữu của chúng ta. Thí dụ Sam sôn được ban cho sức mạnh. Dường như chẳng có việc gì mà ông không làm được. Nhưng về phần hiểu biết thuộc linh hoặc đời sống thánh khiết, thì ông ít có giá trị trước mặt Đức Chúa Trời. Vì cứ dại dột, nên ông chịu thỏa hiệp, do đó tự gây cho mình sa ngã. Khi chúng ta so sánh ông với Samuên, là người nối tiếp ông, thì thấy Đức Chúa Trời chỉ có thể dùng Sam sôn làm thành một mục đích tức khắc, và không có chi hơn nữa.
Như vậy, nếu chỉ đo lường mức thuộc linh theo các ân tứ hiện hữu thì sai lầm. Các ân tứ tự nó là một căn bản không đầy đủ để người nào đó hữu ích mãi mãi cho Đức Chúa Trời. Có thể có những ân tứ rất quí báu, song mục tiêu của Đức Thánh Linh còn cao xa hơn bội phần - ấy là làm cho Đấng Christ thành hình trong chúng ta qua sự vận hành của thập tự giá. Mục tiêu của Ngài là thấy Đấng Christ thành hình hiểu nhiên trong tín đồ. Vậy, không phải chỉ là một người làm việc nầy hoặc nói lời nọ, nhưng là người ấy phải là hạng người nào. Chính con người là lời họ giảng. Rất nhiều người muốn giảng mà không muốn làm chính điều mình giảng, song rốt lại, chính con người chúng ta, chớ không phải điều mình làm, hoặc nói, mới đáng kể cho Đức Chúa Trời. Vả điểm khác biệt là sự tạo hình Đấng Christ ở bên trong.
Đức Chúa Trời ban người
Trong I Cô, chương 12, Phao-lô nêu rõ ba đề mục mà ông bắt đầu giải luận, tức là các ân tứ và Đức Thánh Linh (câu 4), các sự cung phụng (ministry) và Chúa (câu 5), các sự vận hành và Đức Chúa Trời (câu 6). Tôi cho rằng theo cách tổng quát, ba đề mục ấy tương ứng với các phần giải luận ở mấy khúc sau của chương nầy; các ân tứ với câu 7– 11, các sự cung phụng với câu 12– 27; các sự vận hành với câu 28 và 29. Ta sẽ ghi nhận rằng trong trường hợp thứ ba, Phao-lô ưu tiên chú trọng đến những người liên hệ, là các sứ đồ, tiên tri và giáo sư.
Đức Thánh Linh ban các ân tứ, Đức Chúa Trời ban người. Đây là sự phân biệt mà chúng ta phải phân biệt rõ ràng. Lẽ tự nhiên đó là sự nhấn mạnh đặc biệt trong thơ Êphôsô, chương 4 (xam câu 11 và 12), song tất cả nội dung các tác phẩm của Phao-lô, ngay cả trong I Cô nầy, đều luận về tâm tánh những người mà Đức Chúa Trời có thể sử dụng.
Nếu chúng ta thỏa mãn vì chỉ nhấn mạnh vào các ân tứ cùng sự giảng dạy chân lý, và ngưng ngay ở đó, thì ta có thể chắc chắn được ân phước và kết quả - theo mức độ ấy. Song chừng ấy có đủ chăng? Chúng ta có muốn được Đức Chúa Trời dùng suông chăng? Sam sôn đã được Ngài dùng Balaam và Saulơ cũng đã được Ngài dùng một thời gian. Nhưng xin cho tôi biết: Công việc của họ có làm cho ta thỏa lòng không? Saulơ chỉ là một vua tạm thời. Balaam là một tiên tri tạm thời. Ấy vì vấn đề chẳng phải là lời nói hoặc hành động của họ, mà chính là con người của họ. Nên ghi nhận rằng khi Chúa Jesus trưng dẫn Cựu ước, Ngài chẳng phán: “lời tiên tri của Êsai , nhưng phán” đấng tiên tri Êsai”. Ngài không phán “các ngươi đã chối bỏ những lời tiên tri”, nhưng “các ngươi đã chối bỏ các đấng tiên tri”. Chúa nhấn rất mạnh vào con người. Không tiếp nhận các đấng tiên tri hoặc các sứ đồ tức là không tiếp nhận Đức Chúa Trời, là Đấng đã sai họ đến.
Tôi tin rằng đây phải là căn bản của sự huấn luyện chúng ta. Một số người đã tỏ ra ngạc nhiên, vì có nhưng thanh niên, thiếu nữ muốn hầu việc Chúa, đã đến cùng chúng tôi tại … đây, trong khi chúng tôi chẳng có lớp dạy kinh thánh, tuyên đạo pháp hoặc các môn học tương tự. Song chúng tôi hi vọng rằng những ai đến đều có thể trở nên người tốt hơn, chớ không thể học thêm giáo lý hoặc trở thành các giảng sư tài khéo hơn. Không cần có ân tứ lớn lao hơn, song cần có những người mà Đức Chúa Trời sử dụng được. Thường những kẻ khác được giúp đỡ bởi các ân tứ của ta, Song lại bị ngăn trở bởi tâm tánh ta. Nước hằng sống đã phải chứa đựng trong các bình không tinh sạch. Đáng hổ thẹn thay!
Lẽ tự nhiên, quả thật rằng Đức Chúa Trời lượm lấy nhiều kẻ chẳng xứng đáng chi và cho phép họ nói ra lời Ngài hằng bao nhiêu năm trước khi họ hoàn toàn hiểu biết lời ấy là quan trọng dường nào, song Ngài chẳng muốn một ai trong chúng ta dùng lại ở đó. Chúng ta có thể cứ đi đường ấy một thời gian, song há chẳng thật đúng rằng kể từ lúc Ngài khởi đầu trong chúng ta công tác tạo hình qua sự sửa trị và kỉ luật, thì chúng ta cũng càng ngày nhận biết mình ít hiểu ý nghĩa chân thực của những lời mình đã nói sao? Ngài quyết định rằng chúng ta phải đạt tới địa vị mình có thể nói vì chính mình thể hiện điều mình nói đó, mặc dầu có hay không có ân tứ hiển nhiên. Ấy vì trong từng trải Cơ Đốc nhân, các sự kiện thuộc linh của Đức Chúa Trời càng ngày càng bớt thể hiện bên ngoài bằng các ân tứ, và càng ngày càng thêm thể hiện bên trong bằng sự sống. Rốt lại, chiều sâu và tánh chất nội tại của công tác mới đáng kể. Chính Chúa càng ngày càng quan trọng hơn cho chúng ta, thì những sự kiện khác (phải kể cả các ân tứ của Ngài) càng ngày càng bớt phần quan trọng. Khi ấy, dù chúng ta dạy cùng một giáo lý nói cùng các lời đó, song tác dụng trên người ta lại khác vì tác dụng nầy tự tỏ ra rằng có công việc ngày càng sâu nhiệm hơn của Đức Thánh Linh ở trong họ.
Đức Chúa Trời ban cho các tôi tớ Ngài ân tứ nói tiên tri, còn Ngài ban các đấng tiên tri cho hội thánh. Đấng tiên tri là người có một lịch sử, tức người đã được Đức Chúa Trời xử lý, đã từng trải công tác tạo hình của Đức Thánh Linh. Một số người tạm gọi là các giảng sư thường hỏi chúng tôi phải mất bao nhiêu ngày để sửa soạn một bài giàng? Xin đáp: ít nhất là 10 năm và có lẽ gần 20 năm! Trong vấn đề ấy, câu tục ngữ nầy đúng: “già dặn thì tốt hơn”. Ấy vì Đức Chúa Trời coi giảng sư ít nhất cũng quan trọng bằng chính lời người ấy giảng. Đức Chúa Trời lựa chọn các tiên tri của Ngài từ những ai mà trong họ, Ngài đã thực hiện các điều Ngài định dùng làm sứ diệp của Ngài cho thời nay.
Hiểu giáo lý và biết Đức Chúa Trời là hai điểm rất khác nhau. Những sự kiện thuộc linh không bao giờ chứa trong đầu óc. Chúng ta nhấn mạnh vào những người tốt lành. Có người phát ngôn thì chúng ta được giúp đỡ, lại có kẻ nói cùng các lời ấy, mà ta vẫn trống rỗng. Khác biệt như vậy là ở chính con người. Ta không thể dối gạt Hội thánh bằng cách dùng tri thức thay cho các giá trị thuộc linh. Hội thánh biết rõ! Không gì có thể thay thế thực trạng của một người ở trước mặt Đức Chúa Trời.
Vậy vấn đề là: chúng ta có giống như những lời mình nói chăng? “Chúa ôi, nếu tôi không biết Ngài, không biết ý nghĩa của thập tự giá, không biết bàn tay tạo hình của Đức Thánh Linh mà Ngài đặt trên tôi, thì xin cứu tôi khỏi sự tự thị kiêu căng khi nói năng, và ngày nay xin bắt đầu trong tôi bất cứ công việc nào cần thiết để sửa chữa khuyết điểm ấy. Xin phá vỡ, nắn đúc, thử nghiệm và thử thách tôi, hầu cho tôi có thể nói những điều mình biết”. Chúng ta phải kêu lên như vậy; vì nếu không, thì có nhân danh Ngài mà nói những gì mình chẳng biết hay kinh nghiệm, thì nếu có, cũng chỉ phục vụ Đức Chúa Trời được một chút ít thôi.
Các ân tứ và sự sống
“Các ân tứ có khác nhau nhưng Linh chỉ có một, các sự cung phụng (ministries) cũng có khác nhau, nhưng Chúa chỉ có một” (I Cô 12:1-5). Chúng tôi đã gợi ý rằng tương ứng với lời xác nhận thứ hai nầy có khúc từ câu 12 đến 27, luận về Đấng Christ và sự sống hỗ tương của Thân Thể Ngài. Nhưng tôi tưởng rằng trong cả hai lời xác nhận, ta có thể thấy sự phân biệt hữu ích khác, tức là phân biệt các ân tứ với sự sống, phân biệt phương tiện dùng để cung phụng với chính cái điều được cung phụng.
Ân tứ là phương tiện nhận được từ Đức Thánh Linh nhờ đó tôi truyền Đấng Christ cho Thân Thể, còn sự cung phụng (chức vu)  là cái gì từ Đấng Christ mà chính tôi ban cấp cho Thân Thể. Mỗi sự cung phụng đóng góp thêm một điều gì thuộc về Đấng Christ. Tại đây Phao-lô so sánh sự cung phụng, chớ không phải các ân tứ, với các tác nhiệm, các chức năng của thân thể loài người, như thấy, nghe và cử động. Như vậy, dầu nhiều người khác nhau có thể có một ân tứ, song điều đó lại chẳng đúng với các sự cung phụng khác nhau của sự sống mà ngôn ngữ trong khúc sách nầy gợi lên. Mỗi sự cung phụng có tánh chất đặc biệt, vì mỗi chi thể đều góp phần sự sống vô song cho toàn Thân Thể. Đó là những gì anh em hoặc tôi đã đặc biệt nhận lãnh từ nơi Chúa để san sẻ với dân Ngài; cũng có thể là những gì mà trước kia Thân Thể chưa hề nhận lãnh. Các ân tứ thuộc linh chỉ là dụng cụ để làm trọn sự cung phụng là ban phát Đấng Christ nầy cho Thân Thể. Tôi dùng các ân tứ ấy làm phương tiện để ban phát Đấng Christ mà tôi biết cho Thân Thể.
Điểm nầy quan trọng, vì nó tỏ ra rằng nhiều cuộc mệnh danh là phục hưng thuộc linh, nhưng đã dựa trên một nền tảng sai lạc. Các ân tứ được phô diễn, nhưng không có Đấng Christ, như có nhiều dùng làm bếp, mà chẳng có đồ ăn để nấu. Nhưng còn tệ hại hơn nữa, vì không có Đấng Christ, thì chẳng những ân tứ trống rỗng, mà có thể làm cho sai lạc, lừa dối.
Nhất thiết, một vài ân tứ cũng có thể bị giả tạo, còn trong sự cung phụng Đấng Christ chẳng bao giờ có thể bị giả tạo như vậy. Ấy vì cái điều quan trọng cho Thân Thể chẳng phải các ân tứ của chúng ta, song là sự hiểu biết chính Đấng Christ cách cá nhân mà ta chuyển đạt qua các ân tứ ấy. Trong bệnh viện, hai y tá có thể dùng muỗng giống nhau, song điểm quan trọng chính là thuốc mà họ cho bệnh nhận uống bằng muỗng ấy. Một người có thể cho uống thuốc đắt tiền để chữa bệnh, con người kia chỉ cho uống thuốc bớt đau. Cái gì chúng ta cung phụng cho người khác mới là đáng kể. Sức khỏe và sự trưởng tiến của Thân Thể chỉ do sự cung phụng Đấng Christ mà thôi. Các ân tứ là cần thiết (vì Đức Thánh Linh biểu lộ trong mỗi con người, cho ai nấy điều được ích chung”. I Cô 12:7), song ân tứ không bao giờ thay thế được Đấng Christ.
Bổn phận đầu tiên của chúng ta là phải tự hỏi rằng: Tôi có điều gì để ban phát chăng?”, và phải nhờ Đức Thánh Linh mà học biết cách ban phát Đấng Christ cho Thân Thể.
Tôi làm thế nào để có được một sự cung phụng đặc biệt? Trước nhất, không phải bởi giáo lý, nhưng bởi sự sống. Áp raham đã học tập đức tin ở chỗ chỉ còn có thể tin Đức Chúa Trời, chớ không phải vì được dạy giáo lý. Abên nhờ từng trải mà học biết giá trị của sự tha thứ bởi huyết. Trước hết có hoạn nạn, thất vọng, từng trải và sự sống; sau đó có giáo lý. Chẳng phải nhờ sưu tầm, nghiên cứu, so sánh, song chính là ở chỗ trong tuyệt vọng mà Đức Chúa Trời ban cho sự sống. Chúng ta phải lợi dụng mọi cơ hội để nghiên cứu và học tập, song ta sẽ chẳng tìm thấy sự cung phụng mình trong đó. Đây là hiểm họa đặc biệt cho các giảng sư, ấy là họ luôn luôn tìm kiếm ánh sáng mới mẻ chiếu vào kinh thánh, tìm kiếm đề mục mới mẻ cho bài giảng. Nhưng con đường dẫn đến sự cung phụng (chức vụ) chẳng đi qua đó. Kinh nghiệm đặc biệt của chúng ta về Đấng Christ mới tạo nên sự cung phụng của chúng ta, còn sự thử thách đức tin chúng ta mới tạo nên từng trải trong ta.
Tới đây, tôi muốn anh chị em chú ý đến sự thay đổi qua cách nhấn mạnh có ý nghĩa trong các tác phẩm của Phaolô, giữa hai thơ gởi cho ngườI Côrinhtô dường như I Côr. chủ yếu luận về sự cung phụng của các ân tứ còn II Côr. thì chỉ luận về sự cung phụng sự sống. Trong I Cô 12 và 14 có đề cập đầy đủ về nhiều ân tứ: khôn ngoan, tri thức, chữa bệnh, phép lạ, nói tiên tri, phân biệt, nói tiếng lạ, thông giải..v.v.. Vì Đức Chúa Trời ban các ân tứ ấy để cả Hội thánh được phước, nên vấn đề chánh yếu giải luận trong thơ đó là: giá trị đặc biệt của các ân tứ ấy là gì? Mặt khác trong thơ II Côrinhtô, chương 3 và 4, khi Phaolô nói đến sự cung phụng của chính mình, thì ông không nhấn mạnh vào các ân tứ chút nào. Rõ ràng lắm, ông quan tâm nhiều hơn đến sự tạo hình Đấng Christ ở nội tâm tín đồ. Đấng Christ, của báu đựng trong cái bình, vừa là căn nguyên, vừa là đề mục sự cung phụng cho Hội thánh (II Cô 4:7). “Chúng tôi bị ép đủ cách, nhưng không đến khốn cùng, bị túng thế nhưng không thất vọng, bị rượt đuổi nhưng không đến bỏ rơi, bị đánh ngã nhưng không đến diệt mất” (II Cô 4:8-9). Bí quyết chính là Bửu vật này, đã sống sót cách khải hoàn trong Phaolô. Sự chết của Đấng Christ hành động trong ông, trở thành nguồn sự sống để san sẽ với dân Đức Chúa Trời.
Lời Phaolô nói ở câu 10 “chúng tôi thường mang sự chết của Jesus trong Thân Thể mình” thì ta có thể diễn rộng: “sự chết của Jesus đang thi hành sự chết trong tôi”. Như tôi đã nói ở một chỗ khác, cách thi hành sự chết này khác hẳn với sự chết một lần đủ cả ở La mã 6, vì đây là diễn trình chết thực hiện hằng ngày trong con cái Đức Chúa Trời. Trước hết nó đưa tới sự sống trong tôi “sự sống của Jesus cũng được tỏ ra trong Thân Thể chúng tôi” (câu 10). Nhưng nó chẳng ngừng lại ở đó, song ngợi khen Đức Chúa Trời, nó cũng tiến tới cung phụng “sự sống trong anh em” (câu 12).
Phao-lô nói cho chúng ta biết rằng ông cung cấp sự sống cho Hội thánh và khi nói như vậy ông minh định cái điều làm nền tảng cho mọi sự cung phụng chân chính trong Hội thánh. Sự chết hành động trong tôi tớ Đức Chúa Trời, bèn phát sinh sự sống, vì cớ tôi tớ Ngài có sự sống, nên các kẻ khác cũng có sự sống. Hội thánh nhận được sự sống vì một vào người nào đó vui lòng vác thập tự gíá. Việc họ chịu nhận sự chết của Jesus mới đáng kể. Đó là bài học mới mẻ mà Phao-lô dạy cho ngườI Cô rinh tô. Nếu con cái Đức Chúa Trời để Ngài hành động qua cơn thử thách và thử nghiệm họ, ngợi khen Ngài, đầu phục ý chỉ Ngài,  thì Ngài có thể đem sự sống cho các kẻ khác. Nhưng chỉ những ai chịu trả giá đó mới nhận được sự cung phụng cao quí nầy. Ấy vì chỉ có một cách cho sự sống tràn ra, tức là xuyên qua sự chết. Vì các ân tứ, đều ít giá trị hơn, nên những gì ân tứ có thể khiến chúng ta làm được và nói được cũng không bao giờ bù đắp nổi các khuyết điểm của chúng ta với tư cách tôi tớ Đức Chúa Trời.
Như vậy chúng ta thấy hai sự cung phụng để xây dựng Thân Thể, tức là các ân tứ và sự sống. Chúng ta nhận thấy được mục đích cao quí hơn hết của Đức Chúa Trời trong sự cung phụng nào? Tôi xin đáp: Không phải trọng các ân tứ, nhưng trong sự sống của Đấng Christ phát xuất qua sự chết. Không thể nào không có các ân tứ (I Ti 4:14, II Ti 1:6, I Phi 4:10); song nếu quá chú trọng vào các ân tứ thì vẫn là “tư tưởng như trẻ con” trong các vấn đề thuộc linh. Ấy vì trong II Côr. 3 và 4, Phao-lô chỉ cho chúng ta thấy cái gì phải quí trong nhất, và chính là cái nầy: nhờ hiểu biết Đấng Christ do con đường Ngài đã dắt đưa mình, chúng ta cung phụng cho anh em mình sự sống mà Linh đã tạo thành trong chúng ta.
Ngày nay, nhiều người cung phụng bởi các ân tứ, tương đối có ít người cung phụng bằng sự sống, có lẽ tình trạng nầy không sai hỏng tại những nơi nào các tín đồ còn non nớt trong Chúa, và tại những nơi nào lượng sự sống do sự vận hành của thập tự giá trong họ bị hạn chế bởi lịch sử thuộc linh quá ngắn ngủi của họ. Ở các trường hợp ấy, các ân tứ thuộc linh có thể có ý nghĩa đặc biệt cho sự xây dựng các Hội thánh non trẻ và sự việc dắt đem các hồn người đến cùng Chúa. Song các ân tứ họ chẳng phải là một dấu hiệu thành nhân, và chắc chắn chẳng bao giờ là cớ để khoe mình. Sự biểu lộ ân tứ làm cho đức tin vững mạnh; nhưng nếu mức sự sống thuộc linh trong Hội thánh gia tăng, thì ta cần bớt tùy thuộc các ân tứ và hiểm họa tự kiêu kèm theo các ân tứ cũng giảm bớt. Bước tấn tới như vậy chẳng có nghĩa là những lời nói hoặc việc làm tất nhiên đổi khác nhưng ý nghĩa bên trong tôi tớ Đức Chúa Trời gia tăng. Lời giảng có thể không thay đổi, song chúng phát xuất từ một cảm thức nội tâm sâu nhiệm hơn. Mức đo lường tầm vóc thuộc linh của một người chẳng phải là các ân tứ mà là sự vận hành của thập tự giá. Chỉ kẻ dại dột mới tự kiêu vì những lời Đức Chúa Trời ban cho, vì Ngài há đã chẳng tỏ ra rằng nếu cần, Ngài sẽ phát ngôn bởi miệng con lừa hay sao?!
Vậy theo một diện, chúng ta có dùng các ân tứ hay không chỉ là việc phụ. Điều quan trọng là chúng ta cung phụng sự sống mà mình nhận lãnh từ nơi Chúa. Còn Đức Chúa Trời có cho phép cá nhân giữ lại và gia tăng một vài ân tứ hay không thì là việc riêng của Ngài. Nhưng có một điều chắc chắn, là trong bước tấn tới của Hội thánh Ngài, Đức Chúa Trời ngày càng dùng thêm sự sống và bớt dùng các ân tứ. Ít nhất là trong các sự biểu lộ hiển nhiên hơn. Các ân tứ có nhiều rút bớt, còn sự sống có chiều gia tăng. Để cung phụng cách hữu hiệu cho Hội thánh, thì diễn giảng, hùng biện, phép lạ, hoặc tiếng la đều chẳng phải là quan trong hơn hết. Đức Chúa Trời dùng nhiều người làm phát ngôn nhân của Ngài một thời gian, rồi Ngài có thể quyết định loại bỏ họ. Nhưng sự sống của Thân Thể cứ tiếp tục. Vậy tin cậy các ân tứ là dại dột, trừ khi các ân tứ ấy cung phụng sự sống từ nơi Đấng ban sự sống.
W.N.