Trong bất cứ việc gì chúng ta làm đều cần sự tương ứng
để thực hiện công việc đó. Thật ra là chỉ sự sống cụ thể mới có thể thực hiện
công việc cụ thể. Cầu nguyện không ở ngoài qui luật này. Cầu nguyện là vấn đề
vô cùng thuộc linh, thánh khiết và siêu việt; vì vậy, cầu nguyện đòi hỏi một sự
sống đặc biệt thậm chí hơn cả những điều khác. Để cầu nguyện cách đúng đắn,
chúng ta không chỉ nên quan tâm đến hành vi bên ngoài mà còn phải đi sâu hơn để
biết sự sống cầu nguyện bên trong. Khi còn trẻ, tôi đọc nhiều sách về sự cầu
nguyện và lúc đó tôi được giúp đỡ. Dần dần, khi tiến thêm vài bước trong Chúa,
tôi thấy sự giúp đỡ đó khá nông cạn và không có trọng lượng. Càng ngày tôi càng
đến chỗ nhận biết rằng cầu nguyện không phải là vấn đề hành vi ở bên ngoài mà
hoàn toàn là điều gì đó ở bên trong. Vì vậy, chúng ta phải biết những điều kiện
cần thiết để cầu nguyện đúng đắn. Trong chương 3, chúng ta thấy rằng người cầu
nguyện phải đúng đắn và ngay thẳng trước mặt Đức Chúa Trời. Cũng cần quan tâm đến
tình trạng bên trong của người cầu nguyện, tức là sự sống cầu nguyện bên trong
người đó.
I. SỰ SỐNG NÀY LÀ SỰ SỐNG CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
BÊN TRONG CHÚNG TA
Sau khi được cứu, chúng ta có Đức Chúa Trời sống trong
chúng ta làm sự sống. Sự sống này là sự sống cầu nguyện bên trong chúng ta. Chức
năng đầu tiên, đặc tính và khả năng của sự sống này là cầu nguyện. Vì vậy, sau
khi được cứu, điều mà một Cơ-đốc nhân thích làm nhất là cầu nguyện. Chẳng hạn,
con vịt có đặc tính là thích bơi lội trong nước. Nếu anh em thả một gà con và một
vịt con xuống nước, lập tức con gà con sẽ bỏ chạy trong khi vịt con sẽ nhanh
chóng bơi lội. Điều này xảy ra vì đặc tính thích nước vốn có trong bản chất của
con vịt. Cũng vậy, sự sống của Đức Chúa Trời bên trong chúng ta có một đặc tính
là thích cầu nguyện. Tất cả tín đồ thật đều thích vậy. Nếu ngưng cầu nguyện ba
ngày, họ cảm thấy không ổn ở bên trong. Nếu ngưng cầu nguyện một tuần, họ sẽ cảm
thấy thậm chí bên trong tồi tệ hơn. Nếu ngưng cầu nguyện một thời gian dài, họ
sẽ cảm thấy như thể mất mát điều gì đó hay có người thân qua đời. Trái lại, hễ
khi nào cầu nguyện, họ cảm thấy ổn thỏa bên trong vì đặc tính của sự sống bên
trong họ là thích cầu nguyện. Sự sống này không chỉ đòi hỏi phải cầu nguyện mà
còn có khả năng cầu nguyện.
Thật ra, chúng ta không thể dạy ai cầu nguyện. Tất cả
những gì chúng ta có thể làm là chỉ ra phương cách, vì khả năng thật sự để cầu
nguyện tiềm tàng trong sự sống của một Cơ-đốc nhân. Hễ là người được cứu thì
bên trong anh em có một sự sống như vậy với một chức năng như vậy. Đúng vậy,
chúng ta dạy các anh chị em cầu nguyện; nhưng xin nhớ rằng chúng ta chỉ có thể
dạy vì bên trong họ đã có sự sống cùng với một chức năng như vậy rồi. Chẳng hạn,
anh em không thể dạy cho một con chó nói. Dù anh em cố gắng khó nhọc đến đâu
cũng vô ích, vì bên trong con chó không có khả năng nói. Khả năng này không tìm
thấy trong sự sống động vật mà chỉ có trong sự sống con người. Nếu luôn nói
chuyện với một người Anh thì tôi tin rằng sau 5 hay 6 tháng, tôi sẽ có thể nói
tiếng Anh rất lưu loát. Tuy nhiên, có thể có mèo và chó trong nhà ở với chúng
ta nhiều năm mà chúng không thể nói được một câu nào vì chúng không có khả năng
đó bên trong. Cũng vậy, dù anh em cố gắng khó nhọc đến đâu để dạy một người
chưa được cứu cầu nguyện, người ấy vẫn không thể cầu nguyện, không thích cầu
nguyện và bực bội mỗi khi thấy Cơ-đốc nhân cầu nguyện. Họ không hiểu rằng chúng
ta sẽ cảm thấy bức rứt không yên nếu không cầu nguyện. Đức Chúa Trời, Đấng mà
chúng ta tiếp nhận đã trở nên sự sống bên trong chúng ta và sự sống này có một
chức năng; chức năng đó là cầu nguyện. Hễ khi nào chúng ta không hạn chế sự sống
này, nhưng để cho sự sống này được tự do và có cơ hội hành động, khi đó sự sống
này không chỉ khao khát cầu nguyện mà còn cầu nguyện.
Tất nhiên, giống như con người cần tập luyện để phát
biểu, thì con người cũng cần tập luyện để cầu nguyện cách đúng đắn. Những lời cầu
nguyện sẽ tiến bộ nhanh hơn nếu được hướng dẫn, nhưng đây hoàn toàn là một vấn
đề khác. Chúng ta cần thấy rằng chính sự sống của Đức Chúa Trời bên trong chúng
ta trở nên sự cầu nguyện của chúng ta. Vì vậy, nếu khao khát trở nên người cầu
nguyện, chúng ta phải học tập luôn sống trong Đức Chúa Trời. Càng sống trong Đức
Chúa Trời, đặc tính của sự sống này sẽ càng được biểu lộ và chúng ta sẽ càng
khao khát cầu nguyện. Sự sống này bên trong chúng ta có một đặc tính làm chúng
ta ham muốn cầu nguyện, một khả năng làm chúng ta có thể cầu nguyện và đòi hỏi
muốn chúng ta phải sống trong Đức Chúa Trời. Do đó, cầu nguyện là vấn đề của sự
sống.
Trong việc giúp đỡ tín đồ mới, chúng ta cần chỉ ra
cách mạnh mẽ rằng cầu nguyện không chỉ là một hoạt động bên ngoài mà còn là vấn
đề sự sống bên trong. Cầu nguyện xuất phát từ những đặc tính và khả năng của sự
sống và sự sống này là chính sự sống của Đức Chúa Trời. Do đó, Đức Chúa Trời
đòi hỏi anh em phải luôn luôn sống trong sự sống của Ngài. Hễ khi nào sự tương
giao giữa chúng ta và Đức Chúa Trời bị gián đoạn, sự sống này trong anh em sẽ ở
trong tình trạng sống dở chết dở; vì vậy, anh em không thích cầu nguyện và hầu
như anh em không thể cầu nguyện. Anh em phải phục hồi sự tương giao với Đức
Chúa Trời và sống trong Ngài, bởi đó sẽ khiến sự sống bên trong anh em được phục
sinh. Vì thế, tự phát anh em có thể chạm đến ý thức cầu nguyện bên trong, có ước
muốn và quan tâm đến sự cầu nguyện, và sở hữu khả năng cầu nguyện. Anh em biết
nói điều gì, nói như thế nào và cũng biết lời cầu nguyện nào có thể chạm đến
ngai của Đức Chúa Trời và đụng đến trung tâm của lòng Ngài. Những người khác
không thể dạy anh em, nhưng bên trong anh em biết vì đây là vấn đề của sự sống
bên trong. Sự sống ở trong anh em có khả năng làm cho anh em có thể cầu nguyện.
Dĩ nhiên, nếu luôn cầu nguyện với những người cầu nguyện đúng đắn, tự động anh
em sẽ theo cách cầu nguyện của họ. Cũng vậy, nếu thường ở với người miền Bắc,
anh em sẽ nói giọng Bắc; nhưng nếu ở lâu với người miền Nam một thời gian dài,
khi đó anh em sẽ nói giọng Nam. Điều này là không thể tránh khỏi.
II. SỰ SỐNG NÀY LÀ THÁNH KHIẾT, PHÂN RẼ
Sự cầu nguyện này bên trong chúng ta, vì đó là sự sống
của Đức Chúa Trời, phân rẽ khỏi mọi điều không phù hợp với Đức Chúa Trời. Vì vậy,
sự sống này đòi hỏi anh em phải phân rẽ khỏi thế giới và yêu cầu anh em gạt bỏ
bất cứ điều gì ở ngoài Đức Chúa Trời. Nếu muốn trở thành người cầu nguyện là
người có thể cầu nguyện, sẵn sàng cầu nguyện và là người cầu nguyện đúng đắn,
anh em phải đồng ý với đòi hỏi của sự sống trong anh em bằng cách gạt bỏ bất cứ
điều gì sự sống muốn anh em gạt bỏ. Hễ khi nào không đồng ý với đòi hỏi của sự
sống về sự thánh khiết dù chỉ một ít, anh em làm chết sự sống cầu nguyện. Điều
đó như thể anh em bóp cổ nó. Đừng bao giờ nghỉ đến chính mình: “Ồ, đó chỉ là một
chút thế tục; đó không phải là một tội lớn”. Vấn đề không phải là lớn hay nhỏ
mà là sự sống này có đòi hỏi trong anh em hay không. Nếu sự sống đòi anh em phải
từ bỏ điều gì đó ra ngoài Đức Chúa Trời thì anh em cần phải làm theo.
Thưa anh chị em, tôi tin rằng anh chị em đã có loại
kinh nghiệm này rồi. Đôi khi sự sống thánh khiết này bên trong anh em đòi anh
em không được mặc y phục nào đó. Khi sự sống đòi hỏi như vậy, có thể anh em lý
luận và nói: “Điều này không có tội và không thành vấn đề nếu tôi mặc nó”. Anh
em có thể lý luận, nhưng sự sống cầu nguyện sẽ không nghe anh em. Một khi sự sống
cầu nguyện bên trong anh em đòi hỏi anh em về sự thánh khiết, sự sống ấy sẽ
không bao giờ nghe bất kỳ lý lẽ nào. Nếu không đồng ý, sau đó anh em không thể
cầu nguyện.
Tại sao ngày nay, khi các anh chị em đến với nhau, họ
thường không thể mở miệng? Đó là vì tất cả chúng ta có một số nan đề trong việc
đồng ý với những đòi hỏi về sự thánh khiết bên trong chúng ta. Nhiều lần các
anh chị em, cho dù được anh em khích lệ, vẫn không thể mở miệng trong buổi
nhóm. Đó là vì họ đã từ chối những đòi hỏi về sự thánh khiết bên trong họ. Những
đòi hỏi về sự thánh khiết không đến từ giáo lý nhưng hoàn toàn đến từ sự sống cầu
nguyện bên trong.
Vì vậy, nếu muốn học bài học về sự cầu nguyện, chúng
ta phải chú ý đến bất cứ điều gì mà sự sống cầu nguyện bên trong đòi hỏi. Tôi
xin nhắc lại, điều mà sự sống này ở bên trong đòi hỏi chúng ta là sự thánh khiết.
Sự sống này đòi hỏi chúng ta phải phân rẽ khỏi mọi người, các hoạt động và những
điều ở ngoài Đức Chúa Trời. Một điều chắc chắn là anh em càng cầu nguyện với Đức
Chúa Trời bởi sự sống này, thì những đòi hỏi của sự sống này bên trong anh em
càng trở nên nghiêm nhặt. Nếu luôn sống trong sự cầu nguyện này, anh em không cần
nhiều sự dạy dỗ bên ngoài từ con người. Anh em càng cầu nguyện, sự sống này bên
trong anh em càng được vận dụng và chức năng phân rẽ của sự sống ngày càng biểu
lộ.
Không ai có thể thánh khiết hơn người liên tục cầu
nguyện trước mặt Đức Chúa Trời. Người thánh khiết nhất là người cầu nguyện
không thôi trước mặt Đức Chúa Trời. Khi người ấy cầu nguyện, sự sống trong người
ấy được vận dụng và tự phát sản sinh chức năng thánh hóa. Sự sống này đòi hỏi
người ấy phải tự phân rẽ khỏi hoạt động này, hoạt động kia, và khi cầu nguyện
thêm, sự sống đòi hỏi người ấy thêm nữa rằng phải gạt bỏ điều này, điều kia.
Khi người ấy còn cầu nguyện thêm nữa, sự sống đòi hỏi người ấy hơn nữa rằng phải
từ bỏ người này, người kia. Người ấy càng đầu phục những đòi hỏi thánh hóa thì
sự sống cầu nguyện trong người ấy càng trở nên sống động và tự phát người ấy
ham thích cầu nguyện nhiều hơn. Hơn nữa, khả năng cầu nguyện càng gia tăng thì
những lời ngợi khen, cảm tạ, nài xin, cách diễn đạt thậm chí lời phát biểu của
người ấy càng trở nên đặc biệt. Bây giờ kỹ thuật cầu nguyện của người ấy trỗi
hơn nhiều so với những gì trước đây. Tất cả tình trạng chứng tỏ rằng người ấy vẫn
đang đầu phục những đòi hỏi về sự thánh khiết được lập nên bởi sự sống cầu nguyện
bên trong người ấy.
Chẳng hạn, nhiều người thích đi xem phim. Điều này giống
như con bọ quấy rối con cái Đức Chúa Trời. Thật rất khó để tống khứ nó, vì một
cách vô thức, nó cứ trở lại không biết bao nhiêu lần. Những anh chị em đi xem
phim phải thừa nhận rằng họ không thể cầu nguyện trong lúc xem phim hay sau khi
từ rạp hát trở về. Họ không thể cầu nguyện vì họ không đầu phục chính mình trước
đòi hỏi về sự thánh khiết. Trong khi còn đang có ý định, ước muốn và dự định đi
xem phim, sự sống cầu nguyện bên trong họ đã yêu cầu họ đừng đi rồi. Tuy nhiên,
họ vẫn cứng lòng nói: “Chúng tôi không quan tâm; chúng tôi sẽ đi xem phim cho
dù điều này làm chúng tôi ở trong tối tăm. Sau cuốn phim này, chúng tôi lại sẽ
tương giao với Chúa”. Vì vậy, trong khi đi tới rạp hát, điều gì đó bên trong cứ
quấy rầy họ. Sau khi xem phim trở về, họ không thể cầu nguyện một thời gian
dài. Tại sao lại như vậy? Lý do duy nhất là họ đã từ chối những đòi hỏi về sự
thánh khiết bên trong và bởi đó làm tổn thương sự sống cầu nguyện.
Trái lại, chúng ta hãy xem một người khác, sau khi được
cứu, cũng ước muốn xem phim. Tuy nhiên, trong khi đang trên đường đến rạp hát,
anh cảm thấy bứt rứt, và lập tức sẵn sàng quan tâm đến cảm xúc bứt rứt ấy. Đồng
ý với đòi hỏi này về sự thánh hóa, người ấy nói với Chúa: “Chúa ơi, con sẽ
không đi nữa và con từ bỏ điều này bằng cách tin cậy Ngài”. Tức thì, trong người
ấy có một ước muốn cầu nguyện. Người ấy có thể cầu nguyện cho Hội Thánh, cho những
người thân bạn bè mình. Tức thì người ấy có gánh nặng cầu nguyện bên trong.
Cho nên, chúng ta phải thấy rõ rằng sự sống của Đức
Chúa Trời trong mỗi người cầu nguyện là thánh khiết và phân rẽ. Sự sống ấy khước
từ bất cứ điều gì không tương ứng với bản chất thần thượng. Sự sống này đòi hỏi
người ấy phải tương thích hoàn toàn với bản chất của Đức Chúa Trời. Sự sống này
không tranh luận cũng không nghe những lý lẽ. Nếu một người không quan tâm đến
đòi hỏi của sự sống cầu nguyện bên trong mình, người ấy đang làm sự sống đó chết
và không thể cầu nguyện. Trái lại, ngay lúc người ấy đồng ý với những đòi hỏi của
sự sống, tức thì sự sống cầu nguyện được kích hoạt.
III. SỰ SỐNG NÀY TUYỆT ĐỐI GHÉT TỘI LỖI
Vì sự sống cầu nguyện bên trong chúng ta cũng là sự sống
ghét tội nên người nào muốn học cách cầu nguyện cũng phải triệt để xử lý các tội
phạm. Sự sống này bên trong con người có đặc tính ghét tội và cũng có khả năng
làm cho con người xử lý các tội phạm. Nếu anh em bị ô uế bởi các tội phạm dù chỉ
một chút hay yêu mến thế giới một chút, lập tức bên trong anh em có cảm nhận rằng
anh em không tương ứng với đặc tính của sự sống này. Không chỉ các tội phạm và
thế giới mà ngay cả một chút kiêu ngạo, chỉ trích, xem thường người khác, nội
hướng, khoe mình hay có ý tự phụ cũng sẽ làm anh em không thể cầu nguyện. Bất cứ
sự không lương thiện, thất tín, bất chính hay bất công nào cũng sẽ dập tắt sự cầu
nguyện.
Ngoài cầu nguyện thì không một điều gì khiến một người
bị xử lý trước mặt Đức Chúa Trời cách nghiệm nhặt nhiều như vậy. Người cầu nguyện
đúng đắn luôn luôn bị xử lý trước mặt Đức Chúa Trời mỗi khi cầu nguyện. Một số
người học bài học nghiêm khắc như vậy thường thấy rằng trong 20 phút cầu nguyện,
thì hết 15 phút dành cho việc bị Đức
Chúa Trời xử lý, trong khi chỉ 5 phút còn lại dùng để cầu xin Đức Chúa Trời. Tiếc
thay, những người khác không thích như vậy. Họ luôn phớt lờ những đòi hỏi và sự
lên án của sự sống ở bên trong. Họ đến trước Đức Chúa Trời cách rất khinh suất
và không được xử lý, họ mở miệng cầu nguyện ngay. Lời cầu nguyện như vậy chỉ
đánh gió, không thật và không sẵn sàng được Đức Chúa Trời đáp lời.
Nếu anh em không xử lý các tội phạm cách đúng đắn,
chúng sẽ tạo ra một khoảng cách giữa anh em và Đức Chúa Trời. Các tội phạm càng
nhiều, khoảng cách này càng lớn, làm anh em không thể cầu nguyện với Đức Chúa
Trời. Vì vậy, để loại bỏ khoảng cách này, trước hết anh em cần xử lý các tội phạm.
Trong lời cầu nguyện, anh em cần xưng tội, từng tội một theo cảm nhận bên trong
của sự sống. Với mỗi tội được xưng nhận, anh em tiến tới một bước. Sau khi xưng
nhận mọi tội cách triệt để, khoảng cách này biến mất và khi mở miệng cầu nguyện,
chắc chắn anh em có thể chạm được Đức Chúa Trời. Lời của anh em không đánh gió
mà đúng ra, từng lời đều có thể chạm đến Đức Chúa Trời.
Tại đây, đức tin của sự cầu nguyện cũng phát sinh. Hễ
khi nào đến trước mặt Đức Chúa Trời để cầu nguyện, sự sống trong anh em ghét
các tội phạm và có ý thức về chúng. Anh em phải xưng nhận chúng từng tội một
theo những gì mà sự sống ấy lên án. Rồi sự sống này sẽ giải phóng anh em bên
trong và biện chính anh em. Bây giờ anh em là người ở trước mặt Đức Chúa Trời,
không có khoảng cách hay chướng ngại giữa anh em và Ngài. Lúc này, vì không có
sự lên án hay lỗ hổng trong lương tâm anh em nên từng lời cầu nguyện đều thấu đến
Đức Chúa Trời. Sau khi cầu nguyện như vậy, tự phát anh em có sự bảo đảm và có
thể tin rằng Đức Chúa Trời đã nghe lời cầu nguyện của anh em.
Nếu để các tội phạm còn đó rồi cầu nguyện mà không xử
lý chúng, chắc chắn sẽ có một khoảng cách giữa anh em và Đức Chúa Trời và chắc
chắn lương tâm sẽ lên án anh em. Nếu có một lỗ hổng hay sự rò rỉ trong lương
tâm, anh em khó mà có được đức tin sau khi cầu nguyện. Nếu lương tâm người nào
có lỗ hổng thì đức tin của người ấy sẽ bị rò rỉ. Nói cách khác, một người mà
lương tâm không thuần khiết hay bị rò rỉ thì không dễ gì có đức tin. Dù có thể
cầu nguyện, nhưng người ấy không có sự bảo đảm vì lời cầu nguyện của người ấy
không bám chặt Đức Chúa Trời. Xin nhớ rằng để biết chắc lời cầu nguyện của anh
em chạm đến Đức Chúa Trời thì anh em phải xử lý các tội phạm theo những đòi hỏi
xuất phát từ bản chất ghét tội ở trong anh em. Đây là một nguyên tắc lớn trong
Kinh Thánh.
Hãy xem câu chuyện về người đàn bà Sa-ma-ri trong
Giăng chương 4. Khi nhận thấy Chúa Jesus có nước sống để làm thỏa cơn khát của
mình, bà liền xin Ngài rằng: “Thưa ông, xin cho tôi nước ấy”. Bà muốn nước sống.
Nhưng Chúa Jesus đáp lời bằng cách đụng đến vấn đề tội lỗi của bà. Chúa phán:
“Hãy đi, gọi chồng ngươi, rồi trở lại đây”. Hễ khi nào đến trước mặt Đức Chúa
Trời để cầu nguyện, Chúa sẽ đụng đến vấn đề tội lỗi của chúng ta. Hơn nữa, Ngài
sẽ đụng đến bất cứ nhược điểm nào của chúng ta trong những ý định, động cơ,
hành động và thái độ của chúng ta.
Thưa anh chị em, khi Chúa đụng đến những nhược điểm của
mình, chúng ta có sẵn sàng tiếp nhận sự sửa sai của Ngài không? Đây là một nan
đề lớn. Hãy lấy một ví dụ về một anh em kia rõ ràng là đã xúc phạm vợ mình. Khi
anh cầu nguyện, sự sống-ghét-tội cho anh một cảm nhận rằng anh không chỉ phải
xưng tội mình trước mặt Đức Chúa Trời mà còn phải xin vợ tha lỗi. Là một người
kiêu ngạo, anh sẽ không xin vợ tha lỗi và hậu quả là vì không muốn xử lý vấn đề
này nên anh không thể cầu nguyện được nữa. Tình trạng này cứ như vậy trong một
thời gian dài cho đến một ngày kia Đức Chúa Trời thúc ép anh đến nỗi anh phải đến
trước vợ, hạ mình nói: “Anh đã sai trật trong vấn đề đó vào hôm đó, hãy tha lỗi
cho anh”. Thật lạ lùng, khi anh xưng nhận như vậy, sự sống bên trong anh lập tức
giải phóng anh và anh lại có thể cầu nguyện.
Đây là một ví dụ khác. Giả sử trong buổi nhóm Bàn
Chúa, anh em ghét lời cầu nguyện của một anh em nọ và bởi đó khi trở về nhà,
anh em không thể cầu nguyện được. Để cầu nguyện, trước hết anh em phải xưng nhận
tội này. Lúc đó, anh em phải đi theo cảm nhận lên án đó trong anh em và nói với
Chúa: “Chúa ơi, tại Bàn của Chúa con đã xem thường lời cầu nguyện của anh em
đó. Xin tha thứ con”. Anh em phải xưng nhận tội mình nếu không anh em sẽ không
thể cầu nguyện và sẽ luôn cảm thấy có một khoảng cách giữa anh em và Đức Chúa
Trời. Nếu không xưng nhận các tội phạm của mình thì những lời cầu nguyện của
anh em không thể chạm đến Đức Chúa Trời. Tất cả những nguyên tắc này đều liên hệ
đến sự sống bên trong chúng ta.
Vì vậy, cách tốt nhất để khiến một người ghét tội, lên
án tội, khước từ tội và lìa xa tội là người ấy đến trước mặt Đức Chúa Trời
trong sự cầu nguyện. Nếu anh em không cầu nguyện dù chỉ một lần trong ba ngày
thì việc anh em kể mình chết hằng ngày là vô ích; các tội phạm vẫn còn trên anh
em và anh em không thể đắc thắng chúng. Nhưng nếu thường xuyên đến trước mặt Đức
Chúa Trời để cầu nguyện và xử lý các tội phạm theo cảm nhận bề trong của sự sống,
cuối cùng anh em sẽ thoát tội lỗi, bản thể bề trong của anh em sẽ được kích hoạt
và anh em sẽ yêu thích cầu nguyện và có thể cầu nguyện vì sự sống cầu nguyện là
sự sống ghét tội.
IV. SỰ SỐNG NÀY YÊU THÍCH SỰ SÁNG
Chúng ta biết rằng sự cong quẹo và xảo quyệt là những
yếu tố của sự tối tăm; trong khi sự tốt lành; công chính, chân thật, chánh trực
là những đặc điểm của sự sáng. Chắc chắn chúng ta ở trong tối tăm nếu có sự
cong quẹo hay xảo quyệt trong động cơ, cách sống, hành động và cuộc trò chuyện
của mình. Đôi khi, không có những tình trạng này, nhưng có một loại tối tăm
khác, loại tối tăm này là chính sự tối tăm. Một số người ở trong sự tối tăm bởi
vì cong quẹo, xảo quyệt hay kiêu ngạo; một số khác ở trong sự tối tăm chỉ bởi sự
tối tăm bên trong và không có sự sáng. Có thể đó là người cư xử rất tốt, không
có chút xảo quyệt nhưng ngay thẳng, chân thật, ngây thơ, không khoe khoang và
khiêm nhường. Người ấy không có lỗi lầm gì, dầu vậy, người ấy tối tăm ở bên
trong, không có sự sáng. Xin nhớ rằng bất cứ hình thức tối tăm nào đều có thể
làm anh em không thể cầu nguyện. Một người không thể cầu nguyện hễ khi nào người
ấy tối tăm ở bên trong.
Có thể anh em suy xét: “Đúng là sự xảo quyệt, cong quẹo
và kiêu ngạo có thể làm chúng ta tối tăm ở bên trong, nhưng làm thế nào chúng
ta có thể ở trong tối tăm khi không có lỗi lầm gì?”. Toàn bộ sự tối tăm là do
nan đề nào đó, nhưng có thể có một loại tối tăm ngay cả khi không có lỗi lầm
nào về đạo đức. Thực ra nói cách thuộc linh, loại tối tăm này cũng có nan đề
nào đó ngấm ngầm. Tại sao có sự tối tăm trong con người? Chủ yếu vì con người cứ
mãi đóng kín và có màn che ở bên trong. Đôi khi anh em gặp một anh em hay chị
em là người cư xử tốt, khiêm nhường và thương yêu như bản thể của người ấy
không mở ra. Người ấy không mở ra với Đức Chúa Trời cũng không mở ra với các
Chi Thể của Thân Thể. Người ấy đóng kín với Đức Chúa Trời cũng như với con người.
Không chỉ thế, người ấy cũng là người khước từ ánh sáng một cách rõ ràng. Khi
ánh sáng chiếu đến, người ấy không quan tâm, thậm chí còn dùng lời bào chữa để
khước từ ánh sáng. Vì là người đóng kín và khước từ ánh sáng nên dầu là người tốt
nhưng người ấy vẫn còn ở trong tối tăm.
Một điều chắc chắn là dù một người ở trong bất cứ loại
tối tăm nào, loại tối tăm ấy sẽ luôn làm cho người đó không thể cầu nguyện. Những
người cong quẹo hay kiêu ngạo chắc chắn không thể cầu nguyện. Cũng vậy, người
nào khép kín với Đức Chúa Trời cũng như với con người và những người khước từ
ánh sáng, chắc chắn sẽ không vui hưởng sự cầu nguyện. Vì sự sống cầu nguyện
trong chúng ta là sự sống yêu thích sự sáng. Càng mở chính mình ra với Đức Chúa
Trời cũng như với tất cả anh chị em, chúng ta càng nhận được ánh sáng và để cho
ánh sáng điều chỉnh chúng ta. Khi cứ ở trong ánh sáng như vậy, bên trong chúng
ta sẽ có sự khao khát mãnh liệt cầu nguyện.
Tôi đã gặp một số anh chị em là những người thực sựz
khiêm nhường, nhu mì, thương yêu, chân thật và ngay thẳng; dầu vậy, họ không
thích cầu nguyện. Họ thích lo những việc vặt cũng như dùng nỗ lực mình để làm
những việc nào đó cho anh em, nhưng khi anh em đề cập đến sự cầu nguyện, lập tức
họ không thích. Họ thực sự đáng yêu, nhưng tiếc thay, họ không thích cầu nguyện.
Một khi đối diện với tình trạng này, anh em cần biết rằng họ là những người vẫn
còn trong tối tăm. Sự tối tăm của họ không phải do kiêu ngạo, xảo quyệt, cong
quẹo hay ghen ghét; đúng ra, đó là vì họ không mở chính mình ra, họ khước từ
ánh sáng và dùng lời bào chữa để xua đuổi ánh sáng. Vì vậy, họ không thích cầu
nguyện. Sự sống cầu nguyện trong chúng ta yêu thích sự sáng, càng ở trong sự
sáng, sự sống trong chúng ta càng yêu thích cầu nguyện-đây là qui luật.
V. SỰ SỐNG NÀY VỐN CÓ LUẬT CẦU NGUYỆN
Bên trong mỗi loại sự sống có nhiều luật. Với sự sống
vật lý của chúng ta cũng vậy. Tiêu hóa là một luật và sự trao đổi chất là một
luật khác. Luật là gì? Luật là một khả năng tự nhiên không đòi hỏi anh em phải
kiểm soát nó bằng cách vận dụng ý chí. Chẳng hạn, khi chúng ta ăn thức ăn thì tự
phát dạ dày sẽ tiêu hóa nó. Đây là luật tiêu hóa. Không cần sự giúp đỡ nào, một
số yếu tố tự động sẽ bị đào thải khỏi cơ thể trong khi những yếu tố khác sẽ được
thêm vào trong chúng ta. Đây là luật trao đổi chất. Khi anh em vẫy vẫy cái gì
trước mắt ai đó, tự nhiên người ấy sẽ chớp mắt. Đây cũng là một luật. Khi ăn thứ
gì đắng, lập tức anh em nhổ ra; khi nếm chất gì ngọt, anh em nuốt vào. Đây là
luật. Cũng vậy, trong sự sống cầu nguyện của chúng ta cũng có luật cầu nguyện.
Sự sống này chứa một khả năng tự nhiên như vậy mà không cần chúng ta thúc giục,
sự sống này tự phát muốn cầu nguyện.
Tuy nhiên, xin nhớ rằng mặc dù nó là một luật nhưng luật
này có thể bị con người phá hỏng giống như luật tiêu hóa và luật trao đổi chất
có thể bị con người phá hỏng. Tất cả chúng ta đều biết rằng khi bất kỳ luật thuộc
thể nào bị phá hỏng, hậu quả là bệnh tật. Hễ khi nào cơ thể bị bệnh thì có
nghĩa là một luật hay nhiều luật của cơ thể đã bị vi phạm. Cũng vậy, nếu anh em
không đáp ứng với đòi hỏi về sự thánh khiết là điều xuất phát từ sự sống này
bên trong anh em, đây là bệnh làm cản trở luật cầu nguyện. Nếu anh em không xử
lý các tội phạm theo ý thức của sự sống hay từ chối không lìa khỏi sự tối tăm,
điều này cũng làm bế tắc luật cầu nguyện. Nói cách khác, điều đó có nghĩa là
anh em bị bệnh. Vì vậy, với những anh chị em mà hiếm khi mở miệng cầu nguyện
thì không nghi ngờ gì, họ đã bị bệnh trong sự sống cầu nguyện. Nếu học tập sống
trong Đức Chúa Trời, đáp ứng với đòi hỏi thánh khiết của Ngài, bước theo cảm nhận
về sự lên án của Ngài, và xử lý bất cứ sự tối tăm nào thì anh em sẽ khám phá rằng
sự sống cầu nguyện trong anh em là lành mạnh và bình thường và luật cầu nguyện
liên tục hành động trong anh em. Cho nên tự phát anh em có thể cầu nguyện cũng
như vui hưởng sự cầu nguyện.
Bên trong mỗi người đều
có luật tiêu hóa tự động tiêu hóa thức ăn đã được đem vào. Nếu tới giờ ăn mà một
người không ăn thì sẽ có cảm giác trống rỗng và đói. Nếu anh em không cảm thấy
đói sau hai ngày nhịn ăn thì luật tiêu hóa trong anh em có lẽ đã bị hư. Cũng có
một luật cầu nguyện vốn có trong sự sống của Cơ-đốc nhân đòi hỏi anh em phải cầu
nguyện đều đặn. Loại người nào không thể cầu nguyện? Chắc chắn là những người
mà luật cầu nguyện trong họ đã bị hư. Có thể là họ đã không đáp ứng với đòi hỏi
về sự thánh khiết, không bước theo ý thức về sự thánh khiết bên trong hay không
khước từ sự tối tăm mà sự sống bên trong ghét. Sự sống này tuyệt đối thánh khiết
nên đòi hỏi anh em phải thánh khiết. Sự sống này cũng hoàn toàn ghét tội; vì vậy,
sự sống này nhiều lần cho anh em cảm nhận ghét tội. Hơn nữa, sự sống này hoàn
toàn yêu thích sự sáng nên lúc nào cũng đòi hỏi anh em phải lìa bỏ sự tối tăm.
Nếu không sẵn sàng đáp ứng đòi hỏi về sự thánh khiết, nếu phớt lờ ý thức ghét tội
hay từ chối đòi hỏi của sự sáng, lập tức sự sống cầu nguyện của anh em gặp rắc
rối. Nếu anh em sẵn lòng xử lý những điều này; lập tức sự sống cầu nguyện bên
trong anh em được sống lại. Hơn nữa, có một luật trong sự sống này sẽ hành động
trong anh em và làm anh em cầu nguyện. Anh em sẽ có thể cầu nguyện cũng như vui
hưởng sự cầu nguyện, và bất cứ điều gì anh em cầu nguyện đều sẽ chạm đến Đức
Chúa Trời. Đây là những khả năng vốn có trong sự sống cầu nguyện