Thứ Tư, 11 tháng 5, 2016

SÁCH MÁC Bài 25

Kinh Thánh: Mác 8:27-9:13
Trong 8:34, Chúa Jesus phán: “Hễ ai muốn theo Ta, thì hãy từ chối mình, vác thập tự giá mình mà theo Ta”. Trong bài trước, chúng ta đã chỉ ra rằng theo Chúa là có được Ngài, kinh nghiệm Ngài, vui hưởng Ngài và dự phần Ngài. Nếu muốn theo Chúa như vậy, chúng ta cần từ chối chính mình, vác thập tự giá mà theo Ngài. Bây giờ, chúng ta hãy xem xét vác thập tự giá có ý nghĩa gì.
VÁC THẬP TỰ
Bị Kết Liễu
Nhiều Cơ Đốc nhân đã hiểu sai về thập tự giá. Họ nghĩ rằng vác thập tự là chịu khổ. Đây là quan niệm của tôi cách đây hơn bốn mươi năm. Tôi nói với người khác rằng khó khăn trong hoàn cảnh của họ là thập tự đối với họ. Chẳng hạn như chồng hay vợ gây rắc rối cho chúng ta, đó là thập tự giá. Nhưng khi Chú Jesus nói về việc vác thập tự, Ngài không có ý này. Ngài có ý nói rằng chúng ta nên áp dụng thập tự giá vào đời sống của mình. Ý nghĩa thật của thập tự giá không phải là chịu khổ mà là kết liễu. Vào thời xưa, hình phạt đóng đinh không chỉ được dùng để gây đau khổ, đóng đinh là để làm cho chết. Vì vậy, đóng đinh tương đương với chết, kết liễu.

Đối với chúng ta, vác thập tự là để bị kết liễu. Tôi muốn nhấn mạnh đến sự kiện thập tự giá là để kết liễu chứ không phải để chịu khổ. Đôi khi tín đồ không được ích lợi gì khi chịu khổ. Tôi biết nhiều người đã chịu khổ nhiều với hậu quả là họ trở nên bướng bỉnh. Một người càng tự mình chịu khổ, tính bướng bỉnh của người ấy càng thêm mạnh mẽ. Chạm đến những người đã trải qua nhiều gian nan trong cuộc sống và trở nên mạnh mẽ trong ý chí thì cực kỳ khó khăn. Cuối cùng, khi một người đến sáu mươi hay bảy mươi tuổi, ý chí người ấy có thể trở nên mạnh mẽ đến nỗi không thể thay đổi được.
Quan niệm thập tự giá là vấn đề chịu khổ thì ngược lại với khải thị của lời Chúa trong 8:34. Trong câu này, Ngài phán rằng: “Hễ ai muốn theo Ta, thì hãy từ chối mình, vác thập tự giá mình mà theo Ta”. Ở đây, Chúa nói đến việc từ chối bản ngã. Từ chối bản ngã, không giữ lại bản ngã để bản ngã có thể chịu khổ.
Áp Dụng Những Gì
Đấng Christ Đã Làm Trên Thập Tự Giá
Vác thập tự không phải là vấn đề chịu khổ mà là áp dụng vào đời sống chúng ta những gì Đấng Christ đã làm trên thập tự giá kết liễu chúng ta. Vì vậy, vác thập tự là áp dụng sự kết liễu này vào chính mình. Hằng ngày, chúng ta cần áp dụng một sự kết liễu như vậy. Nếu làm như thế, chúng ta sẽ ý thức rằng không phải chúng ta chịu khổ mà là bị kết liễu, chấm dứt và kết thúc.
Giả sử một anh em nói: “Tôi cảm tạ Đức Chúa Trời vì trong sự tể trị của Ngài, Ngài đã ban cho tôi một người vợ khiến tôi chịu khổ và vác thập tự. Vợ tôi là thập tự do Đức Chúa Trời ban cho tôi, và bây giờ tôi phải mang thập tự này”. Đây là cách hiểu sai nghiêm trọng về ý nghĩa của vác thập tự. Thực ra, hiểu như vậy có liên quan đến những điều được thấy trong Công Giáo. Ít ra thì cách hiểu như vậy về thập tự giá đã được quảng bá bởi một quyển sách nổi tiếng có tựa là “Gương Đấng Christ”.
Một anh em đã lập gia đình không cần phải học cách chịu khổ. Tráu lại, anh cần phải ý thức rằng là một người chồng, anh đã bị kết liễu trong Đấng Christ và bây giờ anh nên sống như một người chồng đã bị kết liễu, đơn giản vui hưởng sự kết liễu của Đấng Christ. Khi ấy, anh ấy có thể nói với vợ: “Em ơi, anh không cố gắng làm một người chồng tốt, người chồng tử tế và dịu dàng. Anh ở đây như là một người chồng bị kết liễu. Càng sẵn sàng kinh nghiệm sự kết liễu của Đấng Christ, anh càng là người chồng tốt hơn vì khi ấy Đấng Christ sẽ sống trong anh. Khi Ngài sống trong anh, Ngài sẽ là chồng của em qua anh”.
Theo Chúa là dự phần Ngài, vui hưởng Ngài, kinh nghiệm Ngài và để cho Ngài trở nên chính bản thể của chúng ta. Để có thể theo Chúa như vậy, chúng ta cần từ chối chính mình. Christ ta cần áp dụng cho chính mình sự kết liễu mà Đấng Christ đã hoàn tất trên thập tự giá. Điều này có nghĩa là vác thập tự giá là áp dụng sự kết liễu của Đấng Christ cho chính mình. Khi làm như vậy, chúng ta trở nên một người bị xóa bỏ chứ không phải một người chịu khổ Khi ấy, chúng ta có thể làm chứng rằng: “Tôi đã bị đóng đinh với Christ trên thập tự giá; dầu vậy tôi sống nhưng không phải là tôi sống nữa, bèn là Christ sống ở trong tôi”.
Lời của Đấng Christ về việc vác thập tự là một huyền nhiệm. Nếu chỉ có 8:34, chúng ta sẽ không thể hiểu lời Đấng Christ về thập tự giá. Để hiểu lời này cách đúng đắn, chúng ta cần mười bốn Thư tín của Phao-lô.
Thập tự không chỉ là chịu khổ mà còn giết chết. Thập tự giết chết và kết liễu phạm nhân. Đấng Christ trước hết mang thập tự rồi sau đó bị đóng đinh. Là tín đồ của Ngài, trước hết chúng ta bị đóng đinh với Ngài và sau đó vác thập tự hằng ngày. Đối với chúng ta, vác thập tự là chịu sự giết chết của sự chết Đấng Christ để kết liễu bản ngã, sự sống thiên nhiên và người cũ của chúng ta. Làm như thế là từ chối bản ngã để có thể theo Chúa.
Trước khi Chúa bị đóng đinh, các môn đồ theo Ngài cách bề ngoài. Nhưng từ khi Ngài phục sinh, chúng ta theo Ngài cách bề trong. Vì trong sự phục sinh, Ngài đã trở nên Linh ban– sự– sống (1Cô. 15:45) ở trong Linh chúng ta (2Ti. 4:22), nên chúng ta bước theo Ngài trong tâm linh (Ga. 5:16-25).
TÂM TRÍ, BẢN NGÃ VÀ SỰ SỐNG HỒN
Trong 8:35, Chúa tiếp tục phán rằng: “Vì hễ ai muốn cứu mạng sống mình thì phải mất, còn hễ ai vì cớ Ta và Phúc Âm mà mất mạng sống mình thì sẽ cứu được”. Trong câu này, Chúa nói về sự sống hồn trong khi các câu trước dó Ngài nói về bản ngã. Thật ra, sự sống hồn và bản ngã là những từ đồng nghĩa. Sự sống hồn là bản ngã, và bản ngã  là sự sống hồn. Chính chúng ta là hồn.
Trong 8:33-35, có ba vấn đề liên hệ với nhau: tâm trí, bản ngã và sự sống hồn. Tâm trí là sự biểu lộ của bản ngã, và bản ngã là hiện thân của sự sống hồn. Sự sống hồn của chúng ta được hiện thân bởi bản ngã và được bản ngã sống lộ ra, còn bản ngã thì được bày tỏ qua tâm trí, tư tưởng, quan niệm và ý kiến. Khi không đặt tâm trí vào những điều thuộc về Đức Chúa Trời mà vào những điều thuộc loài người, tâm trí  chúng ta bắt lấy cơ hội để hành động và bày tỏ chính nó ra. Đây là những gì đã xảy ra với Phi-e-rơ. Vì vậy, Chúa nói rằng chúng ta phải chối bỏ bản ngã và không cứu sự sống hồn mình. Thay vì cứu sự sống hồn, chúng ta phải đánh mất sự sống hồn. Mất sự sống hồn là thực tại của việc từ chối bản ngã. Đó là vác thập tư giá.
ĐÁNH MẤT SỰ SỐNG HỒN
VÌ ĐẤNG CHRIST VÀ PHÚC ÂM
Trong câu 35, Chúa nói về việc cứu sự sống hồn và đánh mất sự sống hồn. Chúng ta có thể nói rằng cứu sự sống hồn là để cho hồn có sự  vui hưởng của nó chứ không chịu khổ. Đánh mất sự sống hồn là làm cho hồn chịu mất sự vui hưởng của nó. Nếu những người theo Cứu Chúa-Nô Lệ để cho hồn được vui hưởng trong thời đại này, họ sẽ làm cho hồn mất vui hưởng trong thời đại Vương Quốc sắp đến. Nếu họ để cho hồn mất vui hưởng trong thời đại này vì cớ Chúa và Phúc Âm, họ sẽ làm cho hồn được vui hưởng trong thời đại Vương Quốc sắp đến.
Không Chỉ Là Vấn Đề Hành Vi
Trong câu 35, Chúa nói về vấn đề đánh mất sự sống hồn vì cớ Ngài và vì cớ Phúc Âm. Nhiều người đọc Phúc Âm Mác giải nghĩa sai lời của Chúa về việc đánh mất sự sống hồn vì cớ Ngài và vì cớ Phúc Âm. Có người nói rằng: “Những chữ ‘vì cớ Ta’ có nghĩa là vì mục đích và vinh hiển của Chúa. Cụm từ ‘vì Phúc Âm’ phải có nghĩa là vì việc rao giảng Phúc Âm, vì hiệu quả kết quả của Phúc Âm. Vì vinh hiển của Chúa và vì rao giảng Phúc Âm, tôi phải cư xử một cách đúng đắn”. Quan  niệm này sai. Đó không phải là cách giải nghĩa đúng đắn về lời Chúa ở đây.
Sống Christ và Phúc Âm
Thế thì, phải hiểu “vì cớ Ta và Phúc Âm” như thế nào cho đúng? Ở đây vì cớ Chúa thật ra có nghĩa là “không còn là tôi nữa, mà là Phúc Âm”. Chúng ta đã bị kết liễu trong Đấng Christ. Bây giờ chúng ta cần áp dụng sự kết liễu này cho chính mình và cho từng phương diện trong nếp sống của mình. Khi ấy. Trong nếp sống của chúng ta sẽ là “không còn tôi nữa mà là Christ, không còn tôi nữa, mà là “Phúc Âm”. Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ sống Christ và sống Phúc Âm. Điều này rất khác với việc cố gắng cư xử cách đúng đắn như Cơ-đốc nhân vì cớ vinh hiển của Chúa và vì cớ hiệu quả của Phúc Âm.
Tôi xin được minh họa về sự khác nhau giữa sống Christ và Phúc Âm với việc cố gắng cư xử cách đúng đắn vì cớ Đấng Christ và Phúc Âm. Giả sử một anh em nào đó đang làm việc tại công sở. Anh em này tự nhủ: “Đồng nghiệp của mình ở công ty này biết mình là Cơ-đốc nhân và biết mình ở trong hội thánh của Chúa. Gần đây, mình đã rao giảng Phúc Âm cho họ. Bây giờ mình phải cư xử và rất cẩn thận về những gì mình nói và làm. Vì cớ Phúc Âm, mình phải cẩn thận đối với đồng nghiệp. Bây giờ mình đã rao giảng Phúc Âm cho họ và đã nói rằng mình ở trong Hội Thánh, mình cần phải cẩn thận về hành vi cử chỉ của mình”. Thật ra, đây chỉ là vấn đề nỗ lực riêng của anh ấy thôi. Hơn nữa, hiểu như vậy là hoàn toàn sai về lời Chúa trong 8:35.
Nếu anh em này làm việc ở công sở và hiểu đúng lời Chúa, anh em ấy sẽ tự nhủ: “ Là một người theo Chúa Jesus, tôi là một người dự phần Ngài. Tôi đã bị đóng đinh với Ngài. Bây giờ tôi không còn sống nữa nhưng Đấng Christ sống trong tôi. Ở công ty, tôi không cần cố gắng cư xử cho phải phép nữa. Tôi không cần phải nỗ lực để thật cẩn thận. Thay vào đó, tôi chỉ sống Christ hằng ngày. Buổi sáng, khi thức dậy, tôi cần kêu cầu danh Chúa Jesus và hít Ngài vào. Khi kêu cầu Ngài, Ngài trở nên hơi thở, yếu tố nội tại và thể yếu của bản thể bề trong của tôi, là thể yếu của nếp sống tôi. Sau đó, ở công ty, tôi chỉ sống Ngài. Tôi sẽ không cố ý nỗ lực rao giảng Phúc Âm cho đồng nghiệp và cũng không lo vì đã nói với họ rằng tôi ở trong Hội Thánh. Tôi chỉ quan tâm đến một điều là sống C hrist. Suốt ngày, tôi muốn hít Đấng Christ vào và rồi sống Ngài”. Đây là hiểu đúng về việc đánh mất sựu sống hồn vì cớ Chúa.
Nguyên tắc trong vấn đề sống vì Phúc Âm cũng giống như vậy. Khi sống Christ, chắc chắn chúng ta sẽ sống Phúc Âm. Khi chúng ta sống Christ, người khác sẽ thấy Phúc Âm trong nếp sống của chúng ta chứ không chỉ nghe mà thôi. Nếp sống của chúng ta sẽ là Christ, và Christ này sẽ trở nên Phúc Âm cho người khác theo cách thự tế và thự tiễn. Qua điều này, chúng ta thấy sống vì Đấng Christ và Phúc Âm không phải là vấn đề hành vi; đó là vấn đề sống Christ cách thực tiễn. Về điều này, tôi muốn nói lại một lần nữa rằng chúng ta cần các Thư tín của Phao-lô để hoàn toàn hiểu lời Chúa trong câu 35.
Trong 8:27-38, chúng ta có sự khải thị không những về Thân vị tuyệt diệu của Chúa mà còn về sự chết và phục sinh của Ngài. Khải thị này cũng ban gồm việc chúng ta áp dụng sự chết của Chúa và sống trong sự phục sinh của Ngài. Qua việc áp dụng sự chết của Đấng Christ cho chính mình, chúng ta có thể sống trong Đấng Christ trong sự phục sinh.
SỰ BIẾN HÌNH CỦA CHÚA--
VƯƠNG QUỐC CỦA CHÚA TRỜI
BÊN TRONG QUYỀN NĂNG
Sau khi khải thị về Thân Vị của Đấng Christ, sự chết và phục sinh của Ngài, thì trong 9:1, Chúa tiếp tục phán rằng: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, trong những người đứng đây có kẻ hẳn chẳng nếm sự chết trước khi chưa thấy Vương Quốc Đức Chúa Trời lấy quyền năng mà đến”. Điều này được ứng nghiệm bởi sự biến hình của Ngài là Vương Quốc Đức Chúa Trời đã đến trong quyền năng. Điều này được ba môn đồ của Ngài là Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng chứng kiến.
Sự biến hình của Chúa ở trên núi là Vương Quốc đến. Vương Quốc này thật ra là sự mở rộng của Đấng Christ.Trước hết, Đấng Christ được gieo vào trong lòng chúng ta như hạt giống. Hạt giống này sẽ lớn lên và phát triển cho đến khi được hiển lộ trong vinh hiển. Đây là Vương Quốc. Chưa đến lúc để Vương Quốc được hiển lộ cách đầy đủ. Tuy nhiên, qua sự biến hình của Ngài, Đấng Christ đã tỏ cho ba môn đồ biết thực tại của Vương Quốc là gì. Khi Ngài được biến hình thì đó là sự hiểu lộ của Vương Quốc Đức Chúa Trời.
Trên Núi Cao
Mác 9:2 chép rằng: “Sau sáu ngày, Jesus đem Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng, lánh riêng trên núi cao, Ngài biến hình trước mặt họ”. Vì sự biến hình của Chúa xảy ra sáu ngày sau khi Ngài khải thị về Đấng Christ và sự chết, sự phục sinh trong chương 8 (được ban cho tại chân núi Hẹt-môn), nên núi cao ở đây phải là Núi Hẹt-môn. Để nhận được khải thị về Đấng Christ, sự chết và phục sinh của Ngài, chúng ta cần phải ở xa môi trường tôn giáo. Nhưng để thấy khải tượng về Đấng Christ biến hình, chúng ta cần ở trên núi cao, vượt trên mức độ thuộc đất.
Môi-se Và Ê-li
Câu 4 tiếp tục chép rằng: “Ê-li và Môi-se hiện ra với họ, và nói chuyện cùng Jesus”. Môi- se đã chết và Đức Chúa Trời đã giấu thi thể ông (Phục. 34:5-6) còn Ê-li được Đức Chúa Trời cất lên trời (2Vua.2:11). Đức Chúa Trời cố ý làm hai điều này để Môi-se và Ê-li có thể hiện ra với Đấng Christ trên núi biến hình. Họ cũng được Đức Chúa Trời gìn giữ để làm hai chứng nhân trong đại nạn (Khải. 11:3-4). Môi-se đại diện cho Kinh luật, còn Ê-li đại diện cho các tiên tri. Kinh luật và các tiên tri là thành phần cấu tạo của Cựu Ước như một chứng cớ đầy đủ về Đấng Christ (Gi.5:39). Bây giờ, Môi se và Ê-li xuất hiện để nói chuyện với Đấng Christ về sự chết của Ngài (Lu. 9:31) như đã được nói trên tri trong Cựu Ước (Lu.24:25-27, 44; 1Cô.15;3).
Ở trên núi với Chúa Jesus, Phi-e-rơ, Gia-Cơ và Giăng đã nếm trước Vương Quốc sắp đến. Ở đây, chúng ta thấy một bức tranh thu nhỏ của thời đại ngàn năm. Chúng ta có các thánh đồ Cựu Ước – Môi-se và Ê-li- và các thánh đồ Tân Ước-Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng. Có thể nói rằng Môi-se là một trong các thánh đồ Cựu Ước tượng trưng cho những người được sống lại và Ê-li, Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng là những người đang sống đại diện cho những người được cất lên.
Lời Đề Nghị Ngớ Ngẩn Của Phi-e-rơ
Phi-e-rơ rất phấn khởi và nói với Chúa Jesus: “Ra-bi, chúng ta ở đây tốt lắm: chúng ta hãy dựng ba lều, một cho Thầy, một cho Môi-se, và một cho Ê-li” (c.5). Lời đề nghị ngớ ngẩn của Phi-e-rơ là đặt Môi-se và Ê-li ngang hàng với Đấng Christ, có nghĩa là làm cho Kinh luật và các tiên tri tương đương với Đấng Christ. Điều này hoàn toàn trái ngược với cuộc gia tể của Đức Chúa Trời. Trong cuộc gia tể của Đức Chúa Trời, Kinh luật và các tiên tri chỉ là lời làm chứng cho Đấng Christ, không nên được đặt ngang hàng với Ngài.
Nghe Con
Mác 9:7 chép: “Lại có đám mây kéo đến che phủ họ, và từ trong mây có tiếng phán rằng: Nầy là con Yêu Dấu của Ta, hãy nghe Người”. Lời tuyên bố này của Cha để chứng minh cho Con được phán lần đầu tiên sau khi Đấng Christ lên khỏi nước báp-têm, là điều tượng trưng cho sự phục sinh của Ngài từ kẻ chết. Trường hợp này là lần thứ hai Cha tuyên bố cùng một điều, lần này chứng minh Con trong sự biến hình, làm hình ảnh báo trước về Vương Quốc sắp đến.
Trong câu 7, Đức Chúa Trời truyền cho chúng ta phải nghe Con Ngài. Trong cuộc gia tể của Đức Chúa Trời, bây giờ Đấng Christ đã đến, chúng ta nên “nghe Ngài”, không còn Kinh luật hay lời tiên tri nữa bởi vì Kinh luật và các lời tiên tri đã được ứng nghiệm trong Đấng Christ và được Ngài hoàn thành.
Câu 8 chép tiếp: “Bỗng chốc họ nhìn quanh, thì chẳng thấy ai nữa cả, chỉ có Jesus ở với mình mà thôi”. Phi-e-rơ đề nghị giữ Môi-se và Ê-li, tức là Kinh luật và các tiên tri, ở lại cùng với Đấng Christ. Nhưng Đức Chúa Trời cất Môi-se và Ê-li đi, không để ai lại cả “chỉ có Jesus... mà thôi”. Kinh luật và các tiên tri là hình bóng và những lời tiên tri chứ không phải thực tại; thực tại là Đấng Christ. Bây giờ Đấng Christ là thực tại ở đây thì không còn cần đến hình bóng và các lời tiên tri nữa. Không nên có ai còn lại trong Tan Ước ngoại trừ chính Chúa Jesus. Jesus là Môi-se ngày nay, truyền luật sự sống vào trong những người tin Ngài. Jesus cũng là Ê-li ngày nay, nói cho Đức Chúa Trời và nói ra Đức Chúa Trời bên trong các tín đồ của Ngài. Đây là cuộc gia tể Tân Ước của Đức Chúa Trời.
Thời đại Tân Ước là vấn đề chỉ có Jesus. Chúng ta nên nghe Ngài, không nghe Kinh luật mà Môi-se đại diện hay các tiên tri được Ê-li đại diện. Chính Đấng Christ là Tân Ước. Ở đây trong chương 9 của sách Mác, một bức tranh thu nhỏ về thiên hi niên đã xuất hiện trong phút chốc như một ví dụ được tỏ ra cho các môn đồ của Chúa. Sau đó, quang cảnh trở lại thời đại Tân Ước.
Sự Phục Sinh Của Đấng Christ
Mác 9:9 chép: “Đang khi ở trên núi xuống, Ngài răn họ chớ thuật lại cho ai điều mình đã thấy cả, trừ khi Con Người đã từ kẻ chết sống lại”. Điều này ngụ ý rằng không ai có thể nhận biết được khải tượng về Jesus được biến hình và vinh hóa trừ khi người ấy ở trong sự phục sinh của Đấng Christ.

Câu 10 chép: “Họ ghi chặt lời ấy, và hỏi nhau sự từ kẻ chết sống lại là gì”. Vào lúc đó, Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng đã không hiểu Chúa muốn nói gì khi Ngài nói rằng Con Người phải sống lại từ kẻ chết. Họ đã thấy khải tượng nhưng không hiểu tường tận khải tượng đó. Nhưng vào ngày lễ Ngũ Tuần, khi Phi-e-rơ đứng dậy với mười một môn đồ, ông đã sáng tỏ và có thể làm chứng mạnh mẽ về sự phục sinh của Đấng Christ. Vào ngày lễ Ngũ Tuần, điểm trọng tâm mà Phi-e-rơ rao giảng là sự phục sinh của Chúa Jesus. Sự phục sinh của Đấng Chrisr đã trở nên tiêu điểm trong Phúc Âm mà Phi-e-rơ rao giảng. Phi-e-rơ không những đãn đạt đến mức độ phục sinh là gì mà chính ông cũng ở trong sự phục sinh này. Ông đã đến mức sống Christ trong sự chết và phục sinh của Ngài.