Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2016

NGƯỜI CẦU NGUYỆN-



  Chúng ta đều biết rằng bất cứ việc gì chúng ta làm, kết quả luôn tùy thuộc vào việc chúng ta là loại người nào. Anh em có thể làm cùng một việc mà người khác làm, nhưng khi anh em làm việc đó, nó lại hóa ra một cách khác. Người Hoa có tục ngữ này: “Kết quả của bất kỳ việc gì xoay quanh người làm ra nó”. Nhiều người xem phương pháp là chìa khóa cho mọi sự, nhưng thật ra con người quan trọng hơn phương pháp. Vì thế, chỉ có phương pháp thì không đủ mà cũng cần có con người cụ thể. Và trong những vấn đề thuộc linh, hầu hết mọi người đều cho rằng con người phương pháp. Nếu con người không đúng đắn, phương pháp sẽ vô dụng bất kể nó đúng thế nào; vì những điều thuộc linh là vấn đề của sự sống, và sự sống thì không tùy thuộc vào phương pháp. Sự sống chỉ biểu lộ chính nó theo bản chất của nó. Do đó, về những vấn đề thuộc linh, con người tương đương với phương pháp.
Trong cả Kinh Thánh hiếm khi Đức Chúa Trời dạy phương pháp phục vụ cho những người phụng sự Ngài; đúng ra, Ngài xử lý chính con người họ. Hãy lấy ví dụ về Môi-se, một trong những tôi tớ lớn nhất của Đức Chúa Trời vào thời Cựu Ước. Cả vào lúc hay trước lúc ông được kêu gọi, không có lời ký thuật nào về việc Đức Chúa Trời bảo ông nhiều phương pháp khác nhau để phụng sự. Đúng ra, Đức Chúa Trời đã dùng 80 năm để xử lý chính con người Môi-se; vì trong vấn đề tiếp xúc Đức Chúa Trời, con người là phương pháp. Dù chúng ta nói về một số nguyên tắc cầu nguyện để biết thể nào là lời cầu nguyện thật. nhưng nếu con người chúng ta sai trật và chúng ta chỉ cố gắng cầu nguyện theo những nguyên tắc đó thì sẽ không công hiệu. Do đó, nếu muốn học cách cầu nguyện, chúng ta phải biết người cầu nguyện cần phải là loại người nào. Vì đây là một chủ đề rộng như vậy nên chúng ta chỉ đề cập đến một số nguyên tắc quan trọng.

I. PHẢI LÀ NGƯỜI
TÌM KIẾM ĐỨC CHÚA TRỜI
VÀ Ý MUỐN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Nếu một người chỉ cách để mưu cầu cho mình và theo đuổi khát vọng của riêng mình, người ấy có thể cầu nguyện nhưng không phải là người cầu nguyện. Người cầu nguyện phải là người mà trong cả vũ trụ chỉ quan tâm đến Đức Chúa Trời và ý muốn của Ngài mà không có một khác vọng nào khác ngoài điều này.
Chúng ta cơ thể thấy rất rõ đặc điểm này trong Chúa Jesus khi Ngài sống như một người trên trái đất này. Khi cầu nguyện trong vườn Ghết-sê-ma-nê, Ngài tương giao với Đức Chúa Trời vấn đề về sự chết của Ngài rằng: “Cha ôi, nếu có thể được, xin cho chén nầy qua khỏi Con”. Nhưng rồi Ngài cũng nói: “Dầu vậy, không theo ý Con, nhưng theo ý Cha” (Ma. 26:39). Ba lần Ngài thưa cùng Đức Chúa Trời rằng xin theo ý Cha, không theo ý Con. Thường thì chúng ta nghĩ rằng khi một người cầu nguyện, người ấy sẽ xin Đức Chúa Trời làm điều gì đó cho mình. Chẳng hạn, người ấy có một ước muốn nào đó; vì thế, người ấy cầu nguyện theo ước muốn của mình và xin Đức Chúa Trời làm thành điều đó cho mình. Nhưng trong vườn Ghết-sê-ma-nê, chúng ta thấy một Người cầu nguyện như vầy: “Không theo ý Con, nhưng theo ý Cha”. Thực ra, Chúa Jesus muốn nói: “Mặc dầu đang cầu nguyện ở đây, nhưng Con không xin Cha hoàn thành điều gì đó cho Con; đúng ra, Con xin ý Cha được nên. Con không tìm điều gì cho chính mình trong vũ trụ này. Khát vọng duy nhất của Con là Cha được thịnh vượng và ý muốn của Cha được thực hiện. Con chỉ ước ao Cha và ý muốn của Cha”.
Một lần nữa, chúng ta hãy xem lời cầu nguyện mẫu mà Chúa Jesus đã dạy các môn đồ Ngài cách cầu nguyện; lời cầu nguyện này theo cùng một nguyên tắc. Bắt đầu Ngài nói: “Nguyện danh Cha được tôn thánh; Vương Quốc Cha được đến; Ý Cha được nên ở đất như trời” (Ma. 6:9-10). Những lời cầu nguyện này cho chúng ta biết rõ sự khao khát bên trong của Ngài là gì. Thưa anh em, nếu chúng ta chỉ biết cách cầu nguyện cho cuộc sống riêng, việc làm ăn và gia đình của mình thì lời cầu nguyện của chúng ta thực sự không đạt. Điều này chứng tỏ rằng chúng ta không đơn thuần và thanh khiết trước mặt Đức Chúa Trời, nhưng vẫn còn khá phức tạp và pha trộn bên trong – chúng ta còn muốn nhiều điều khác ngoài Đức Chúa Trời.
Đôi khi ngay cả trong công tác của Đức Chúa Trời, chúng ta cũng tham muốn điều gì đó cho chính mình. Cả linh lẫn tấm lòng chúng ta chưa được thanh tẩy đến mức chúng ta chỉ muốn Đức Chúa Trời và khát vọng của Ngài; vì vậy, chúng ta không phải là người cầu nguyện. Chúng ta có thể cầu nguyện, nhưng về bản thể mình, chúng ta không phải là người cầu nguyện. Người cầu nguyện là người mà những lời cầu nguyện của người ấy trước mặt Đức Chúa Trời đều vì khát vọng của Ngài-- để Đức Chúa Trời được thịnh vượng và ý muốn Ngài được thực hiện. Người ấy không tìm kiếm sự thịnh vượng, gia tăng, vui hưởng hay thành đạt của riêng mình. Tất cả những gì người ấy muốn là Đức Chúa Trời và ý chỉ của Đức Chúa Trời; chừng nào Đức Chúa Trời có một con đường để tiến lên và hoàn thành ý chỉ Ngài, người ấy mới thỏa mãn. Thưa anh chị em, chỉ người như thế mới là người cầu nguyện.
Mặc dù lời này có vẻ như hơi sớm và hơi cao đối với tín đồ mới, nhưng anh em và tôi phải có loại đức tin để ngay từ đầu, chúng ta sẽ làm cho những tín đồ mới được huấn luyện cách đúng đắn về sự cầu nguyện. Anh em có thể nói với họ cách đơn sơ nhưng rõ ràng rằng ngay cả khi cầu nguyện để ăn sáng, chúng ta cũng nên nói với Đức Chúa Trời rằng: “Đức Chúa Trời ơi, mặc dù chúng con xin Ngài ban cho chúng con bánh hàng ngày, nhưng lời cầu nguyện của chúng con không vì lợi ích riêng của mình mà vì lợi ích của Ngài. Chúng con ăn, uống vì chúng con muốn sống cho Ngài. Ngay cả khi cầu nguyện cho vấn đề tầm thường này, lòng chúng con vẫn chỉ vì Ngài, không vì chính mình. Chúng con chỉ ước ao Ngài và ý muốn Ngài chứ không phải sự vui hưởng và thịnh vượng của chúng con”.
Ngay cả trong việc làm ăn, dạy học và những việc khác, nguyên tắc cũng như nhau. Anh em có thể nói với Đức Chúa Trời: “Đức Chúa Trời ơi, xin ban phước cho công việc này không phải vì lợi ích của chúng con mà vì lợi ích của Ngài. Chúng con cầu nguyện ở đây để công việc này có thể phát đạt và kiếm được một số lợi nhuận, nhưng điều này không vì chính chúng con mà vì Vương Quốc của Ngài”.
Cùng một nguyên tắc như vậy cũng áp dụng cho việc chúng ta rao giảng Phúc Âm, thiết lập, quản trị và xây dựng Hội Thánh. Đôi lúc, sau khi chịu một cú va chạm trong công tác, một người đổ nước mắt cách sầu khổ trước mặt Đức Chúa Trời. Nhưng nỗi khổ này không nhất thiết là có giá trị và sự đổ nước mắt này có thể không được Đức Chúa Trời nhớ đến. Đức Chúa Trời sẽ hỏi anh em: “Con cảm thấy buồn tiếc vì ai vậy? Và vì ai mà con đổ nước mắt?”. Đức Chúa Trời sẽ làm cho anh em thấy rằng động cơ bên trong của anh em là không thuần khiết, nhưng thấy rằng trong công tác của Đức Chúa Trời, anh em vẫn có ước muốn, niềm trông mong và mục tiêu của riêng mình.
Vì vậy, thưa anh chị em, bất cứ điều gì chúng ta cầu nguyện, chúng ta phải có thể nói với Đức Chúa Trời rằng: “Đức Chúa Trời ơi, con cầu nguyện cho vấn đề này là vì lợi ích của Vương Quốc Ngài---con chỉ quan tâm đến Ngài và ý muốn của Ngài”. Người cầu nguyện như vậy mới là người cầu nguyện. Tại đây, chúng ta phải được Đức Chúa Trời thử nghiệm và thử thách. Nhìn bên ngoài, chúng ta đang cầu nguyện với Đức Chúa Trời về một điều nào đó và xin Ngài đem điều đó đến với chúng ta, nhưng chúng ta có nhận thức rằng lời cầu nguyện của chúng ta là sự thử nghiệm, thử xem chúng ta đang đứng ở đâu?
Chúng ta thực sự theo đuổi điều gì trong vũ trụ này? Chúng ta đang vì điều gì? Chúng ta tìm kiếm lợi ích của riêng mình hay lợi ích của Đức Chúa Trời? Chúng ta vì chính mình hay vì Đức Chúa Trời? Chúng ta muốn Đức Chúa Trời hoàn thành khát vọng của mình hay khát vọng của Ngài? Sớm muộn gì mỗi người trong chúng ta cũng phải bị thử nghiệm trong lời cầu nguyện của mình. Nếu một người không được Đức Chúa Trời dẫn đến tình trạng thuần khiết như vậy, người ấy không phải là người cầu nguyện.. Người ấy có thể cầu nguyện nhiều, nhưng những lời cầu nguyện đó ít có giá trị trước mặt Đức Chúa Trời, và người ấy vẫn không thể được kể là người đồng công với Đức Chúa Trời, hợp tác với Ngài, cầu nguyện với Ngài và hoàn thành ý muốn của Ngài.
II. PHẢI LÀ NGƯỜI
SỐNG TRONG ĐỨC CHÚA TRỜI,
LUÔN TƯƠNG GIAO VỚI NGÀI
Một Cơ-đốc nhân sống trước mặt Đức Chúa Trời thì không đủ; người ấy cũng phải sống trong Đức Chúa Trời. Trong Cơ-đốc giáo ngày nay, chúng ta thường nghe nhiều người nói rằng chúng ta sống trước mặt Đức Chúa Trời và có lòng kính sợ trước mặt Ngài. Dĩ nhiên, những lời dạy dỗ này thì rất tốt; dầu vậy, xin nhớ rằng trong thời đại Tân Ước để một người chỉ sống trước mặt Đức Chúa Trời thôi thì không đủ, người ấy cũng cần phải sống trong Đức Chúa Trời nữa. Trong Giăng 15:7 Chúa Jesus phán: “Ví bằng các ngươi cứ ở trong Ta, và Lời Ta cứ ở trong các ngươi, hễ điều gì các ngươi muốn, hãy xin, thì điều đó sẽ xảy ra cho các ngươi”. Trong lời này, Chúa cho chúng ta biết rằng người cầu nguyện phải là người cứ ở trong Ngài. Sống trước mặt Chúa chắc chắn là tốt, nhưng anh em và Chúa có thể vẫn hoàn toàn là hai: Chúa là Chúa còn anh em là anh em. Chỉ khi sống trong Chúa, anh em mới có thể trở nên một với Ngài. Khi đó, anh em có thể nói với Chúa: “Chúa ơi, không phải một mình con đang cầu nguyện tại đây mà là Ngài và con, con và Ngài cùng cầu nguyện. Đây không chỉ là con cầu nguyện trước mặt Ngài, mà hơn thế nữa, đó là con đang cầu nguyện trong Ngài. Con là người liên hiệp với Ngài và trở nên một với Ngài. Bởi đó, con có thể cầu nguyện trong danh Ngài”.
Kinh Thánh nói rằng chúng ta cần phải cầu nguyện trong danh Chúa. Cầu nguyện trong danh Chúa là cầu nguyện trong Chúa. Khi cầu nguyện trong danh Chúa, anh em ở trong Chúa và là một phần của Ngài; anh em và Chúa trở nên một. Chúng ta thường dùng minh họa để giải thích vấn đề cầu nguyện trong danh Chúa. Giả sử tôi có một số tiền gởi trong ngân hàng, và tôi viết một tấm séc, ký tên rồi giao cho một anh em đi rút tiền ở ngân hàng. Khi đi rút tiền, anh ấy đại diện cho tôi, chứ không phải chính anh ấy. Khi người thu ngân giao tiền, anh ta làm điều này không theo danh của anh em đó mà theo danh của tôi. Lúc đó, anh em ấy là tôi. Điều này đúng khi chúng ta cầu nguyện trong danh Chúa, thì Đức Chúa Trời đáp lời cầu nguyện của chúng ta. Vì thế, để là người cầu nguyện, một người phải là người sống trong Chúa.
Trong Giăng chương 14, 15 và 16, Chúa Jesus bảo môn đồ Ngài hãy cầu nguyện trong danh Ngài. Trong chương ba này, ít nhất có 6 hay 7 lần Chúa nói: “Hãy cầu xin trong danh Ta”. Điều này cũng giống với Lời Ngài phán: “Hãy cứ ở trong Ta”, và “Các ngươi ở trong Ta và Ta ở trong các ngươi”. Cầu xin trong Chúa là cầu xin trong danh Ngài. Khi chúng ta cầu nguyện, đó là Chúa đang cầu nguyện trong chúng ta và chúng ta đang cầu nguyện trong Ngài; Chúa và chúng ta cùng cầu nguyện. Vì chúng ta là những người được liên hiệp với Chúa và trở nên một với Ngài.
Do đó, nếu anh em muốn cứ ở trong Chúa, thì không được để cho sự tương giao với Chúa bị phá vỡ một giây phút nào. Sự truyền dẫn của dòng điện là cách tốt nhất để minh họa sự tương giao được nói đến trong Kinh Thánh. Sự tương giao thuộc linh là sự tuôn chảy trong linh-  Linh của Đức Chúa Trời và linh của chúng ta, linh của chúng ta và Linh của Đức Chúa Trời- hai linh này có sự tương giao hỗ tương. Trong lời cầu nguyện đúng đắn, Linh của Đức Chúa Trời và linh của con người luôn luôn có sự tương giao hỗ tương, sự tuôn chảy hỗ tương; hai linh này trở nên một linh. Khi thực sự bước vào trong sự cầu nguyện, chúng ta có thể nói: “Đức Chúa Trời ơi, ở đây có một người sống trong Ngài và có sự tương giao với Ngài trong linh”. Hễ khi nào cầu nguyện, dù lớn tiếng hay thì thầm, chúng ta phải có cảm nhận rằng Linh của Đức Chúa Trời đang chuyển động bên trong mình. Đó là chúng ta đang cầu nguyện, song đó cũng là Linh của Đức Chúa Trời đang chuyển động trong chúng ta. Người như vậy là người có sự tương giao với Chúa và là người cầu nguyện.
Một số người nói rằng những nỗi khổ sẽ thúc ép chúng ta cầu nguyện. Nhưng thưa anh chị em, tôi muốn nói với anh chị em rằng, nếu anh chị em phải chờ những nỗi khổ dồn mình vào chỗ cầu nguyện, thì anh chị em không phải là người cầu nguyện. Người cầu nguyện đúng đắn không chờ đến khi những nỗi khổ xảy ra rồi mới cầu nguyện; đúng ra, người ấy học tập hằng ngày cứ ở trong Chúa và tương giao không dứt với Ngài. Bằng cách đó, tự phát người ấy có một linh cầu nguyện ở bên trong. Thánh Linh là Linh ban ân điển làm cho con người cầu khẩn Đức Chúa Trời. Vì vậy, ở trong nhân linh, chắc chắn Ngài sẽ làm cho con người cầu nguyện.
Sự tương giao với Chúa không cho phép có bất cứ chướng ngại nào giữa anh em với Chúa. Nếu bên trong anh em có một chút ý tưởng không muốn tha thứ người khác thì sự không muốn người tha thứ đó sẽ trở thành một chướng ngại giữa anh em và Chúa. Một chướng ngại còn tồn tại sẽ làm anh em ngày càng xa cách Đức Chúa Trời.
Chính vì lý do này mà Chúa phán: “Ấy vậy, nếu người dâng lễ vật nơi Bàn Thờ, mà nhớ lại anh em có điều gì nghịch cùng mình, thì hãy để lễ vật trước Bàn Thờ, trở về hòa lại với anh em mình trước đã” (Ma. 5:23-24). Điều này có nghĩa là anh em không nên có bất kỳ nan đề nào với bất cứ ai. Vì một khi anh em có nan đề với con người thì sẽ có một chướng ngại giữa anh em và Đức Chúa Trời, anh em không thể là người cứ ở trong Đức Chúa Trời và có sự tương giao với Ngài.
Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều có loại kinh nghiệm này. Đôi khi kinh nghiệm này có thể là vì một tội nào đó (không nhất thiết là tội lớn) mà chúng ta không xử lý, một sở thích hay sự ràng buộc nào đó mà chúng ta không cắt đứt. Những điều này lập tức trở thành chướng ngại giữa chúng ta với Chúa. Một khi rơi vào tình trạng này, linh cầu nguyện của chúng ta bị dập tắt. Đó là vì chúng ta không ở trong Chúa và sự tương giao giữa chúng ta với Ngài đã mất. Khi sự sống cầu nguyện bị cắt đứt, cho dù anh em vận dụng tâm trí để nghĩ ra một lời cầu nguyện hay dùng ý chí mình để ép ra một lời cầu nguyện thì cũng vô ích.
Nếu chúng ta chỉ yêu thế giới một chút và liên hiệp với nó cách kín giấu, ngay cả điều này cũng sẽ làm chúng ta không thể cầu nguyện. Đôi khi chướng ngại đó tồn tại vì bên trong chúng ta có một chút kiêu ngạo, khoác lác hay phô trương. Có thể có một ý nghĩ nào đó không thuần khiết và không đơn sơ nhưng muốn điều gì đó cho chính mình. Đây là một số nhân tố, hay nói đúng hơn, anh em có thể gọi chúng là chất độc giết chết linh cầu nguyện bên trong chúng ta. Nếu sẵn lòng xử lý triệt để các tội phạm, phân rẽ mình hoàn toàn khỏi thế giới, tìm kiếm sự đơn thuần trước mặt Chúa, để cho Linh của Chúa thanh tẩy anh em và cho thập tự giá giết chết trong anh em mọi điều bị Chúa kết án thì ngay lập tức anh em sẽ thấy linh cầu nguyện bên trong mình được kích hoạt. Chắc chắn anh em sẽ vui thích cầu nguyện, ham thích cầu nguyện và có thể cầu nguyện cách thắng thế, vì lúc đó anh em là người cứ ở trong Chúa và tương giao với Ngài. Điều kỳ diệu là sự sống bên trong chúng ta là sự sống cầu nguyện. Nếu anh em hỏi tôi: “Chức năng chính của Thánh Linh bên trong chúng ta là gì?”. Tôi sẽ nói rằng chức năng đó dẫn chúng ta vào trong sự cầu nguyện. Hễ khi nào nhường chỗ cho Thánh Linh và vâng Lời Ngài một chút, kết quả chắc chắn xảy ra là Ngài dẫn anh em đến chỗ cầu nguyện. Mặc khác, hễ khi nào anh em không vâng lời hay dập tắt Linh một chút, lời cầu nguyện bên trong anh em lập tức sẽ dừng lại và linh cầu nguyện cũng sẽ biến mất. Vì thế, thưa các anh chị em, nếu muốn là người cầu nguyện, anh chị em phải là người cứ ở trong Đức Chúa Trời và Linh của Đức Chúa Trời có chỗ trong anh em. Anh em phải ở trong Linh của Đức Chúa Trời và tương giao liên tục với Ngài, tức là hai linh đang chảy vào trong nhau. Dòng chảy càng lớn, anh em càng cầu nguyện nhiều. Anh em có thể tuôn chảy đến mức không những anh em có thể cầu nguyện trong phòng mà linh trong anh em cũng có thể cầu nguyện đang khi anh em ở trong xe hơi, đi trên đường hay nói chuyện với người khác. Ngay cả khi đứng lên cung ứng, anh em có thể đang cung ứng mà vẫn đang cầu nguyện, và khi tiếp xúc, nói chuyện với người khác, anh em có thể đang tiếp xúc họ mà vẫn đang cầu nguyện bên trong.
Linh cầu nguyện là một luật cầu nguyện, giống như sự tiêu hóa xảy ra trong dạ dày là một luật. Trong khi tôi đang nói thì dạ dày của tôi cũng đang tiêu hóa; trong khi tôi ngủ thì nó cũng đang tiêu hóa; trong khi tôi đi, nó cũng đang tiêu hóa. Nếu dạ dày của tôi không bị rắc rối gì thì chức năng tiêu hóa của nó sẽ tiếp tục theo luật bên trong dạ dày. Cùng một nguyên tắc, trong linh chúng ta cũng có luật cầu nguyện. Hễ khi nào sống trong linh, nhường chỗ cho Linh trong chúng ta, chúng ta sẽ cầu nguyện không thôi theo luật cầu nguyện trong linh mình. Vào lúc này, lời cầu nguyện của chúng ta sẽ rất tự phát.
Đừng bao giờ nghĩ rằng chỉ khi người nào đóng cửa và dâng mình để cầu nguyện thì mới được kể là cầu nguyện. Tôi thừa nhận rằng điều này là cần thiết, nhưng về người cầu nguyện, điểm nhấn mạnh không phải là người ấy phải dâng mình hoàn toàn để cầu nguyện; đúng ra, người ấy cần phải để cho linh cầu nguyện có chỗ bên trong người ấy. Một khi linh cầu nguyện có chỗ rồi, luật cầu nguyện trong linh sẽ làm cho người ấy cầu nguyện bất cứ lúc nào; ngay cả khi bên ngoài người ấy không đang cầu nguyện, nhưng bên trong người ấy vẫn đang cầu nguyện.
Vì thế, tôi hy vọng tất cả những người cung ứng Lời sẽ thực hành điều này- một mặt cung ứng; mặt khác cầu nguyện. Nếu có ham muốn về tội hay bất cứ điều gì trong bản thể chúng ta dành chỗ cho thế giới, dù bên ngoài có thể chúng ta đang cung ứng, nhưng bên trong có một chướng ngại. Vào những lúc như vậy, lập tức người nghe có thể nói rằng những lời chúng ta nói chỉ là bên ngoài, trống rỗng, chết chóc và nhạt nhẽo vì chúng không có linh. Nhưng mặt khác, nếu bên ngoài chúng ta đang nói, nhưng bên trong chúng ta cũng đang cầu nguyện và tương giao trong linh; mặc dù những lời cũng giống như trước, nhưng khi chúng ta được nói ra, nhiều người có thể cảm nhận sự tươi mới. Đây là điều kỳ diệu. Nếu người nói sống động và có sự tiếp xúc với linh bên trong, những người khác có thể cảm nhận. Trong khi người ấy đang nói, những người khác có thể cảm nhận rằng người ấy không chỉ đang nói bên ngoài mà bên trong người ấy cũng đang cầu nguyện, đang tiếp xúc Đức Chúa Trời và đang tương giao với Ngài.
III. PHẢI LÀ NGƯỜI
LUÔN CHỜ ĐỢI TRƯỚC MẶT ĐỨC CHÚA TRỜI
Người cầu nguyện cũng là người cứ ở trong Đức Chúa Trời, hết lòng chờ đợi trước mặt Ngài. Hễ ai học tốt các bài học về cầu nguyện đều trước hết luôn chờ đợi trước mặt Đức Chúa Trời, rồi sau đó từ từ bước vào sự cầu nguyện. Vấn đề này thường được nói đến trong các Thi Thiên rằng: “Hãy trông đợi Đức Chúa Trời ngươi”. Khi cầu nguyện, anh em không nên vội mở miệng để bày tỏ ý tưởng mình và nói ra những cảm xúc mình. Đúng hơn, anh em cần dừng lại và gạt ý tưởng và cảm xúc của anh em qua một bên để toàn bản thể anh em đều chờ đợi trước mặt Đức Chúa Trời.
Trong Cựu Ước có nhiều gương mẫu như vậy. Chẳng hạn, Sáng Thế Ký chương 18 ghi lại sự kiện Đức Chúa Trời hiện ra cách đặc biệt với Áp-ra-ham và được Áp-ra-ham tiếp đãi trong trại ông. Khi đó, Áp-ra-ham đứng hầu trước mặt Đức Chúa Trời và không xin Ngài điều gì. Đức Chúa Trời dùng bánh và bò con xong thì nói về việc của Sa-ra. Khi Ngài sắp lìa khỏi, Áp-ra-ham đi theo để tiễn Ngài, thì Đức Chúa Trời dừng lại và phán: “Lẽ nào Ta  giấu Áp-ra-ham điều Ta sẽ làm sao?” (Sáng. 18:17). Bấy giờ, Đức Chúa Trời làm sáng tỏ việc Ngài đến trái đất là để phát xét Sê-đôm. Khi nghe điều này, lập tức Áp-ra-ham hiểu ý muốn của Đức Chúa Trời và biết rằng Ngài quan tâm đến Lót đang ở trong Sô-đôm nhưng là người thuộc về Đức Chúa Trời. Và Áp-ra-ham lập tức cầu nguyện theo mối quan tâm của Đức Chúa Trời. Điều này cho thấy rằng ông thực sự là người chờ đợi trước mặt Đức Chúa Trời.
Điều này không có nghĩa là chúng ta cần giam mình trong phòng cả ngày để chờ đợi Đức Chúa Trời; đúng ra, điều này có nghĩa là nên có một khoảng thời gian đáng kể để chờ đợi trước mặt Đức Chúa Trời. Chúng ta không mở miệng cách khinh suất đối với Đức Chúa Trời, cũng không lơ đễnh khi xin Đức Chúa Trời điều gì đó. Trái lại, chúng ta luôn phải duy trì một linh, ý định, thái độ và tình trạng nào đó để Đức Chúa Trời có cơ hội làm cho chúng ta cảm nhận cảm xúc của Ngài và để Ngài biểu lộ ước muốn của riêng Ngài trong linh chúng ta. Chúng ta nên chờ cho đến khi chạm được khát vọng của Đức Chúa Trời và cảm nhận cảm xúc của Ngài và rồi mới cầu nguyện---lời cầu nguyện này khi đó được Đức Chúa Trời khởi xướng bên trong chúng ta.
Thưa anh chị em, tôi muốn nói với anh chị em rằng gương mẫu tốt đầu tiên trong Kinh Thánh về cầu nguyện là lời cầu nguyện của Áp-ra-ham trong Sáng Thế Ký chương 18. Một vài nguyên tắc rất quan trọng được hàm chứa trong lời cầu nguyện đó. Khi cả thế giới khước từ Đức Chúa Trời, thì có một người mong muốn Đức Chúa Trời. Người đó là Áp-ra-ham. Mặc dầu có vẻ như ông không sống trong Đức Chúa Trời, nhưng thực ra ông là người tương giao với Đức Chúa Trời và chờ đợi trước mặt Ngài. Khi thấy Đức Chúa Trời, ông không nói ngay: “Đức Giê-hô-va ở đây, các thiên sứ trên trời cũng đang ở đây, vì vậy, tôi muốn điều này, tôi muốn điều kia”. Không, ông không xin bất cứ điều gì; trái lại, ông chờ đợi trước mặt Đức Chúa Trời. Ông chờ bên ngoài trại và sau khi tiễn các vị khách thiên thượng, ông vẫn còn đứng chờ trước mặt Đức Chúa Trời. Chính trong sự chờ đợi đó mà Đức Chúa Trời có cơ hội phán: “Lẽ nào Ta giấu Áp-ra-ham điều Ta sẽ làm sao?”. Và rồi Ngài tiếp tục bày tỏ ý định của Ngài cho Áp-ra-ham.
Trong cơ hội đặc biệt đó, Đức Chúa Trời phán với Áp-ra-ham cách bí ẩn chứ không phải bằng những lời dễ hiểu. Vì vậy, lời cầu nguyện của Áp-ra-ham trước mặt Đức Chúa Trời cũng theo cách bí ẩn chứ không phải bằng những lời rõ ràng. Khi đề cập đến Sô-đôm, ý định của Đức Chúa Trời tập trung vào Lót. Đức Chúa Trời muốn một ai đó cầu nguyện cho Lót hầu Ngài có thể cơ hội cứu ông. Áp-ra-ham biết lòng của Đức Chúa Trời và khi nghe Đức Chúa Trời nhắc đến Sô-đôm, ông liền nhớ đến Lót là người đã sa vào Sô-đôm, và bắt đầu cầu nguyện cho Lót trước mặt Đức Chúa Trời. Điều kỳ lạ là cả Đức Chúa Trời lẫn Áp-ra-ham đều không nhắc đến tên Lót. Thế thì, làm thế nào chúng ta biết Áp-ra-ham đang cầu nguyện cho Lót? Chúng ta biết vì các câu cuối của chương 19 cho biết rằng khi Đức Chúa Trời phá hủy cả vùng đồng bằng và thành Sô-đôm, Ngài nhớ đến Áp-ra-ham và cứu Lót ra khỏi thành đó. Bởi đó, chúng ta biết rằng cả lời cầu nguyện của Áp-ra-ham trước mặt Đức Chúa Trời lẫn sự cầu thay mà Đức Chúa Trời đặt gánh nặng trên Áp-ra-ham đều tập trung vào Lót. Cả Đức Chúa Trời lẫn Áp-ra-ham đều không nhắc đến tên của Lót, nhưng cả tấm lòng của Đức Chúa Trời lẫn lòng của Áp-ra-ham đều để nơi Lót.
Áp-ra-ham có lời cầu nguyện chạm đến lòng Đức Chúa Trời như vậy vì ông là người chờ đợi trước mặt Đức Chúa Trời. Ông không ý kiến, không nài xin, không yêu cầu và không đề nghị; ông là người đã dừng lại chính mình trước mặt Đức Chúa Trời. Ông chờ đợi trước mặt Đức Chúa Trời, tạo cơ hội để Ngài phát ngôn và sau đó mới cầu nguyện theo những gì Ngài đã phán. Do đó, người cầu nguyện chắc chắn là người có khả năng chờ đợi trước mặt Đức Chúa Trời. Đây là bài học rất sâu sắc mà chúng ta cần học tập kỹ lưỡng. Một người đến trước mặt Đức Chúa Trời để cầu nguyện phải là người dừng chính mình lại. Nghĩa là tình cảm, tâm trí và ý chí củ người ấy phải bị dừng lại ở một mức độ đáng kể. Chỉ người dừng những hoạt động của chính mình lại như vậy mới có thể chờ đợi trước mặt Đức Chúa Trời.
IV. PHẢI LÀ NGƯỜI
GẠT MỌI ĐIỀU CỦA CHÍNH MÌNH QUA MỘT BÊN,
NHẤT LÀ KHẢ NĂNG VÀ Ý KIẾN
Người học tập cầu nguyện cần phải học bài học nghiêm nhặt về việc gạt chính mình qua bên và dừng chính mình lại. Bản ngã ở đây đặc biệt nói đến sự cố chấp và khả năng thiên nhiên. Trong Công Vụ chương 10, có một người tên Phi-e-rơ đã lên mái nhà để cầu nguyện. Vào lúc đó, ông đã trải qua ngày Ngũ Tuần rồi và có một lượng kinh nghiệm thuộc linh đáng kể; tuy nhiên, lời cầu nguyện của ông cho thấy rằng ông vẫn không thể gạt ý kiến của mình qua một bên. Mặc dù lên trên mái nhà để cầu nguyện, nhưng tại đó ông vẫn còn tranh luận với Đức Chúa Trời và cần Đức Chúa Trời ban cho ông khải tượng một lần nữa. Khi thấy một tấm vải lớn từ trời dòng xuống đất và nghe có tiếng phán rằng: “Ớ Phi-e-rơ, hãy dậy, làm thịt và ăn” thì ông nói: “Thưa Chúa, chẳng vậy; vì tôi chẳng hề ăn vật gì phàm tục hay bất khiết bao giờ” (Công. 10:13-14). Đây là ý kiến của ông. Tức thì, Đức Chúa Trời phán với ông: “Hễ vật chi Đức Chúa Trời đã làm cho sạch, thì ngươi chớ cho là tục” (Công. 10:15). Ở đây, ý kiến của Phi-e-rơ xung đột với ý muốn của Đức Chúa Trời; vì vậy, ông không thể thông suốt trong lời cầu nguyện của mình.
Đừng bao giờ nghĩ rằng trong vấn đề cầu nguyện chúng ta ít có những cuộc xung đột với Đức Chúa Trời hơn so với Phi-e-rơ. Khi đến trước mặt Đức Chúa Trời, chúng ta có quá nhiều ý kiến. Xin đọc nhiều lời cầu nguyện trong Kinh Thánh. Anh em có thể thấy khả năng thiên nhiên cũng như ý kiến của con người trong khá nhiều lời cầu nguyện. Giô-na là một ví dụ tốt trong Cựu Ước. Trong khi đang cầu nguyện, ông không thể gạt ý kiến của mình qua một bên. Ông cầu nguyện theo ý kiến của ông là điều xung đột với Đức Chúa Trời. Một lần nữa, hãy xem Phi-e-rơ. Vào đêm Chúa Jesus bị phản, dường như ông đang cầu nguyện với Chúa rằng: “Dầu hết thảy đều vấp phạm, nhưng tôi sẽ không vấp phạm đâu, cho dù tôi phải chết với Thầy”. Vì Phi-e-rơ đang nắm rất chặt khả năng thiên nhiên của ông, nên Chúa không thể đáp lời cầu nguyện của ông. Ông cầu nguyện như vầy: “Dù những người khác bị vấp phạm, nhưng tôi vẫn xin Thầy làm cho tôi đứng vững”. Mặc dù ông không nói như vậy, nhưng anh em phải tin rằng ông hi vọng ông có thể đứng vững. Hi vọng đó là ước muốn của ông trước mặt Đức Chúa Trời. Nhưng Chúa phán: “Chắc chắn ngươi sẽ ngã, Ta không thể nhậm lời cầu nguyện ngươi là làm cho khả năng thiên nhiên của ngươi được thành công”.
Người cầu nguyện trước mặt Đức Chúa Trời cần phải là người luôn thất bại trước mặt Đức Chúa Trời. Minh họa mạnh mẽ nhất về điều này là kinh nghiệm của Gia-cốp tại rạch Gia-bốc. Vào lúc đó, lời cầu nguyện của ông trước mặt Đức Chúa Trời thực ra đầy sức mạnh thiên nhiên. Thậm chí tại đó ông đã vật lộn với Đức Chúa Trời đến mức Đức Chúa Trời không có sự chọn lựa nào khác hơn là phải đụng vào chỗ trũng của bắp đùi ông. Kết quả là Gia-cốp trở thành một người đi khập khiễng. Có vô số những ví dụ như vậy trong Kinh Thánh. Khá nhiều người đến trước mặt Đức Chúa Trời và cầu nguyện theo sức mạnh thiên nhiên của họ và theo ý riêng của họ--cả hai đều là sự cản trở lớn nhất cho sự cầu nguyện.
Vì vậy, người cầu nguyện thật sự chắc chắn là người thất bại trước mặt Đức Chúa Trời, sức mạnh thiên nhiên cũng như ý kiến và quan điểm của người ấy đã bị Đức Chúa Trời phá vỡ. Trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, tất cả những người có thể chạm đến Đức Chúa Trời và cầu nguyện trước mặt Ngài đều là những người mà sức mạnh thiên nhiên của họ đã bị mất sạch và những quan điểm riêng của họ đã bị gạt bỏ. Đa-ni-ên là người hoàn toàn thất bại trước mặt Đức Chúa Trời---ông không còn sức mạnh cũng không còn quan điểm của mình. Điều này cũng đúng với Đa-vít trong các Thi Thiên. Do đó, tất cả những người cầu nguyện đúng đắn đều rất mềm mại trước mặt Đức Chúa Trời và bị phá vỡ. Họ không có tính cố chấp, sức mạnh thiên nhiên, quan niệm và ý kiến. Chỉ những người như vậy mới có thể chạm đến ngai của Đức Chúa Trời cũng như ý muốn của Đức Chúa Trời. Chỉ những người như vậy mới có thể là người cầu nguyện.
V. PHẢI LÀ NGƯỜI
SẴN SÀNG TRẢ BẤT CỨ GIÁ NÀO
ĐỂ NHƯỜNG CHỖ CHO
MỌI ĐÒI HỎI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Một đòi hỏi khác nơi người cầu nguyện là người ấy phải trả bất cứ giá nào để nhường chỗ cho mọi đòi hỏi của Đức Chúa Trời. Tôi muốn nói với con cái Đức Chúa Trời rằng không thể có một trường hợp nào, trong đó anh em gặp Đức Chúa Trời trong sự tương giao mà Ngài không đòi điều gì đó nơi anh em. Mỗi lần anh em gặp Ngài, Ngài đòi một điều gì đó nơi anh em. Chúng ta luôn nghĩ rằng Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời ban ân điển. Nhưng thưa anh chị em, tôi muốn nói với anh chị em rằng Đức Chúa Trời cũng là Đấng đòi hỏi nơi chúng ta.
Tôi e rằng sự kiện Đức Chúa Trời là một Đức Chúa Trời đòi hỏi chưa hề xảy ra với một số anh chị em. Không thể phủ nhận Đức Chúa Trời ban cho chúng ta sự cung ứng, nhưng tất cả chúng ta phải nhớ rằng chúng ta không cần cầu xin sự cung ứng của Đức Chúa Trời, vì mọi sự cung ứng của Ngài là của chúng ta rồi. Điều chúng ta cần hơn hết là sự tước bỏ của Đức Chúa Trời. Mặc dù thập tự giá là dấu cộng, nhưng thật ra nó là dấu trừ. Ngày nay, nan đề của chúng ta không phải là chúng ta có quá ít điều, mà trái lại, trong chúng ta thừa quá nhiều điều. Vì vậy, hễ khi nào Đức Chúa Trời gặp chúng ta, Ngài đều đòi chúng ta phải tống khứ một điều gì đó.
Xin đọc câu chuyện về Áp-ra-ham. Từ khi ông được gặp Đức Chúa Trời cho đến khi ông nhận biết Ngài thì không một lần nào Đức Chúa Trời hiện ra với ông mà Ngài không tước đoạt một điều gì đó khỏi ông. Lần thứ nhất, Đức Chúa Trời phán: “Hãy ra khỏi quê hương và bà con ngươi”, lần thứ hai, Ngài phán: “Hãy ra khỏi nhà cha ngươi” (Sáng. 12:1). Lần thứ nhất là tước bỏ quê hương của ông; lần thứ hai là để tước bỏ người cha khỏi ông. Một lần khác, ông bị tước đoạt Lót. Áp-ra-ham cứ đi đường, kéo Lót theo, người mà lẽ ra ông phải bỏ lại đàng sau; vì Lót thuộc về quê hương, vòng bà con và nhà cha ông. Sau đó, trong chương 15, cuối cùng sau khi để cho Lót đi, ông chuyển sang lệ thuộc vào Ê-li-ê-se, người Đa-mách. Ông nói với Đức Chúa Trời: “Lạy Chúa Giê-hô-va,…tôi tớ của nhà tôi là Ê-li-ê-se, người Đa-mách này…” (Sáng. 15:2). Nhưng Đức Chúa Trời phán rằng không, “Kẻ đó chẳng phải là kẻ nối nghiệp ngươi đâu…” (Sáng. 15:4). Ngay cả người này cũng phải bị bỏ đi. Sau đó, trong chương 16, ông có A-ga và sanh ra Ích-ma-ên. Càng ngày càng có nhiều điều được thêm cho ông, nhưng những điều đạt được này là do Ai-cập ban cho ông, chứ không do thập tự giá. Vì vậy, trong chương 17, Đức Chúa Trời đến với ông và phán: “Ngươi cần phải chịu cắt bì và tống khứ điều gì đó, vì trong ngươi còn có quá nhiều điều”. Giao ước mà Đức Chúa Trời lập với Áp-ra-ham là giao ước về sự giảm hạ, chứ không phải sự gia tăng. Sau đó, trong chương 21, Đức Chúa Trời chính thức phán rằng cả A-ga lẫn Ích-ma-ên phải bị đuổi đi. Tôi nói với anh em rằng, ngay cả chính người còn lại cuối cùng là Y-sác, tức là công việc của ân điển Đức Chúa Trời cũng phải bị dâng lên. Chúng tôi nói rằng Áp-ra-ham là người thừa hưởng các phước hạnh, nhưng khi đọc các câu chuyện về việc ông bị Đức Chúa Trời xử lý, hiếm khi chúng ta thấy ông nhận được gì từ Đức Chúa Trời; đúng ra, những gì chúng ta thấy hết lần này đến lần khác là những sự tước đoạt của Đức Chúa Trời và sự đòi hỏi của Ngài nơi ông.
Có một điều tôi hoàn toàn tin chắc để nói với con cái Đức Chúa Trời là: nếu ngày nay Đức Chúa Trời không đòi điều gì đó nơi anh em thì hôm nay anh em hẳn không gặp được Ngài. Mỗi lần anh em đương đầu với Đức Chúa Trời, Ngài sẽ đòi điều gì đó nơi anh em. Nếu lời cầu nguyện của anh em chạm đến Đức Chúa Trời, anh em sẽ đối diện với một đòi hỏi. Vì vậy, anh em phải sẵn sàng trả giá. Không chỉ điều ra từ xác thịt cần phải bị tống khứ mà ngay cả điều đạt được qua ân điển cũng cần phải lột bỏ. Ích-ma-ên cần phải bị đuổi đi, còn I-sác phải được dâng lên. Mọi lời cầu nguyện đúng đắn sẽ làm anh em chạm đến Đức Chúa Trời và hễ ai chạm đến Đức Chúa Trời sẽ đối diện với những đòi hỏi của Ngài. Do đó, rõ ràng người cầu nguyện là người trả giá.
Thưa anh chị em, nan đề của chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời không phải là thiếu mà là dư. Nan đề của chúng ta không nằm ở chỗ thiếu thốn mà ở sự đầy đủ của chúng ta. Bên trong chúng ta có nhiều điều đến nỗi mỗi lần Đức Chúa Trời chạm đến chúng ta thì điều gì đó phải ra đi. Vì mỗi lần Đức Chúa Trời đòi hỏi là mỗi lần chúng ta cần phải trả giá. Nếu Đức Chúa Trời có một đòi hỏi, nhưng chúng ta không muốn làm thỏa mãn Ngài bằng cách trả giá để thỏa đáp đòi hỏi thì sẽ rất khó để duy trì sự tương giao tuôn đổ, thông suốt giữa anh em và Ngài, và anh em sẽ không thể sống trong Linh cầu nguyện. Dù vẫn có thể cầu nguyện, nhưng anh em sẽ không phải là người cầu nguyện. Do đó, để là người cầu nguyện, một người cần sẵn sàng trả giá. Bất cứ điều gì Đức Chúa Trời đòi hỏi, anh em có thể đáp: “Đức Chúa Trời ơi, bởi ân điển Ngài, con sẵn lòng trả giá cho điều này. Dù đó là Y-sác mà Ngài ban cho con, nhưng nếu Ngài muốn, con sẵn sàng đem nó đến bàn thờ”. Người nào sẵn sàng trả giá như vậy để thỏa ước muốn của Đức Chúa Trời chính là người cầu nguyện.
VI. PHẢI LÀ NGƯỜI
CÓ NẾP SỐNG TƯƠNG ỨNG VỚI LỜI CẦU NGUYỆN
Là người cầu nguyện, nếp sống anh em phải phù hợp hay phải tương ứng với những gì anh em cầu nguyện. Có thể một ai đó cầu nguyện cho Hội Thánh được phục hưng hay một tội nhân được cứu rỗi, nhưng nếp sống của người ấy hoàn toàn không phù hợp với lời cầu nguyện đó. Người ấy không sống một đời sống góp phần vào sự phục hưng của Hội Thánh, cũng không sống trong tình trạng giúp ích cho việc đem tội nhân đến sự cứu rỗi. Mặc dù có thể đang cầu nguyện, nhưng người ấy không phải là người cầu nguyện. Người cầu nguyện không chỉ thực hiện hành động cầu nguyện mà cũng phải sống đời sống cầu nguyện---nếp sống của người ấy là lời cầu nguyện. Nhiều lần chúng ta cầu nguyện cho vô số điều, nhưng sau khi cầu nguyện rồi, chúng ta không sống theo tiêu chuẩn của sự sống mà những điều đó đòi hỏi. Điều này có nghĩa là chúng ta làm ra vẻ cầu nguyện, nhưng chúng ta không phải là người cầu nguyện.
Vì vậy, thưa anh em, xin nhớ rằng nói theo phương tiện bên trong, cầu nguyện là sự sống của chúng ta, và nói theo phương tiện bên ngoài, cầu nguyện là nếp sống của chúng ta. Cầu nguyện không phải là một sự việc cũng không phải một công việc. Tất nhiên, trong một ý nghĩa, cầu nguyện là một công việc, nhưng bản thể anh em phải ở trong lời cầu nguyện đó và thậm chí phải là lời cầu nguyện đó. Chẳng hạn, có thể một anh em đang cầu xin Đức Chúa Trời phục hưng Hội Thánh. Trong khi anh đang cầu xin Đức Chúa Trời phục hưng Hội Thánh, lời của anh hết sức tha thiết, anh đổ nước mắt ra, và anh em cùng cầu nguyện với anh em đó có thể thực sự cảm nhận tính nghiêm túc của anh và cũng cảm thấy anh rất có gánh nặng. Tuy nhiên, thật bất ngờ, sau khi cầu nguyện, anh đứng dậy và đi xem phim. Anh em có nghĩ rằng anh là người cầu nguyện không? Dĩ nhiên, tôi không có ý nói rằng sau khi cầu nguyện, tất cả chúng ta cần giả vờ bằng cách có vẻ mặt u sầu, buồn bã; Chúa Jesus bảo chúng ta không được làm như vậy. Khi kiêng ăn và cầu nguyện, anh em cần xức dầu trên đầu mình--giả vờ là điều vô ích. Vấn đề là: lời cầu nguyện đích thực thì có một điều kiện, đó là nếu muốn có lời cầu nguyện đích thực, nếp sống anh em cần phải phù hợp với lời cầu nguyện đó. Không cách gì để bất cứ ai tin rằng lòng anh em thực sự có gánh nặng về Hội Thánh nếu, ngay khi cầu nguyện xong, anh em có thể đi xem phim. Nếp sống anh em không tương ứng với lời cầu nguyện của anh em. Nếu anh em là người cầu nguyện, dứt khoát nếp sống của anh em phải hoàn toàn là một với lời cầu nguyện của anhem. Nếp sống của anh em là lời cầu nguyện của anh em. Sự sống bên trong là sự sống cầu nguyện và nếp sống bên ngoài là nếp sống cầu nguyện; bởi đó, anh em là người cầu nguyện.

Có thể có một số người nói với anh em rằng cầu nguyện cần đức tin. Nhưng đức tin không phải là điều gì đó anh em có chỉ vì anh em muốn. Thực ra mà nói, đức tin là chức năng phát xuất từ Đức Chúa Trời bên trong chúng ta. Nếu anh em là người cứ ở trong Đức Chúa Trời, sống trong Ngài và để Ngài có vị trí trong anh em thì Đức Chúa Trời trong anh em sẽ biểu lộ chức năng, chức năng đó là đức tin. Đức tin không đến từ anh em. Hầu hết chúng ta có thể nói rằng đức tin là chính Đức Chúa Trời, giống như quyền năng là chính Đức Chúa Trời. Chỉ khi một người đầy dẫy Đức Chúa Trời, người ấy mới được đầy dẫy quyền năng. Cũng vậy, chỉ người nào đầy dẫy Đức Chúa Trời, người ấy mới đầy dẫy đức tin. Do đó, thật vô ích nếu chỉ hô hào để người ta có đức tin. Nếu tôi giảng 100 bài giảng bảo anh em rằng anh em cần phải có đức tin, anh em vẫn sẽ không có đức tin. Nếu thật sự muốn có đức tin, anh em cần phải là người cầu nguyện, tức là người sống trong Đức Chúa Trời, được Ngài xử lý, sẵn sàng nhường chỗ cho những đòi hỏi của Ngài, và chịu để Ngài tước bỏ. Bởi vì, khi Ngài có chỗ trong anh em thì Ngài là đức tin trong anh em. Khi Ngài làm đầy dẫy anh em bằng chính Ngài, anh em sẽ đầy dẫy đức tin. Anh em không cần cố gắng để tin cũng không ép mình phải tin, nhưng chắc chắn anh em tin. Vì bên trong anh em có Đức Chúa Trời, Đấng mà anh em cầu nguyện, và Ngài là chính Đức Chúa Trời, Đấng đầy dẫy anh em và làm anh em chuyển động để cầu nguyện--Ngài đã trở nên đức tin của anh em. Xin nhớ vào lúc này, anh em biết chắc rằng lời cầu nguyện của anh em có thể được Ngài chấp nhận là ra từ Ngài, chạm đến Ngài và bởi đó Ngài không thể không đáp ứng cầu nguyện của anh em. Đó là đức tin. Đức tin không đến theo sự ước ao của anh em. Đúng ra, đó là Đức Chúa Trời trong anh em đầy dẫy anh em đến nỗi anh em không thể không có đức tin. Nguyện các anh chị em không chỉ học cách cầu nguyện, nhưng bởi ân điển Chúa, anh chị em có thể trở thành những người cầu nguyện.
ST