Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2016

LINH CẦU NGUYỆN



Kinh Thánh:
Giăng 4:24
Đức Chúa Trời là Linh, nên ai thờ lạy Ngài thì cần phải lấy tâm linh và lẽ thật mà thờ lạy (thờ phượng trong linh và thực tại).
Giu-đe 20
Cầu nguyện trong Thánh Linh.
Ê-phê-sô 6:18
Cầu nguyện… trong linh…
La-mã 8:26
Chính Linh cầu thay cho chúng ta…
I. LỜI CẦU NGUYỆN PHẢI Ở TRONG LINH
Chúng ta biết rằng sự hiện hữu và sự vận hành của vũ trụ cùng mọi điều trong đó được phi phối bởi những định luật. Nếu muốn làm việc gì có hiệu quả, chúng ta phải giữ những luật cụ thể về việc đó. Về cầu nguyện, có một luật  thép: lời cầu nguyện phải ở trong linh; vì trong sự cầu nguyện, anh em cầu nguyện với Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời là Linh. Nếu cầu nguyện trong tâm trí, tình cảm hay ý chí mà không cầu nguyện trong linh, anh em không thể chạm được Đức Chúa Trời cũng không cầu nguyện vào trong Ngài. Những khả năng này không thể đi xuyên qua anh em đến với Ngài. Để chạm được Đức Chúa Trời và cầu nguyện vào trong Ngài, chúng ta phải cầu nguyện trong linh. Chính khi Thánh Linh thốt ra lời cầu nguyện trong linh và với linh chúng ta, thì chúng ta có thể chạm được Đức Chúa Trời.

Ngay cả một tội nhân ăn năn và cầu nguyện với Chúa sau khi nghe Phúc Âm cũng phải cầu nguyện từ linh của người ấy để chạm được Đức Chúa Trời và được cứu. Mãi cho đến lúc đó người ấy chưa được tái sinh và linh người ấy vẫn chưa được kích hoạt; nhưng khi Thánh Linh khuấy động, soi sáng lương tâm và làm cho người ấy ăn năn thì người ấy cầu nguyện từ lương tâm được soi sáng của mình. Vì lương tâm cấu tạo nên phần chính yếu của linh, nên lời cầu nguyện xuất phát từ lương tâm là lời cầu nguyện xuất phát từ linh. Sau khi được Đức Chúa Trời soi sáng cũng như được Thánh Linh chạm đến thì lương tâm bị kết án về tội. Tiếng kêu la ra từ một lương tâm kết án như vậy, chắc chắn là lời cầu nguyện trong linh. Do đó, lời cầu nguyện như thế có thể chạm đến Đức Chúa Trời và có một tiếng vọng bên trong chúng ta. Tuy nhiên, có một số người cầu nguyện khi nghe Phúc Âm lần đầu tiên, nhưng không có sự đáp lại. Họ đã nghe giáo lý, đã nhận sự hướng dẫn về mặt tinh thần và đã xưng nhận trước mặt Đức Chúa Trời theo tâm trí, nhưng lương tâm họ vẫn chưa được đụng đến. Lời cầu nguyện như vậy không thể chạm đến Đức Chúa Trời.
Là con cái Đức Chúa Trời, tức những người đã được tái sinh và có Thánh Linh cư ngụ bên trong, những lời cầu nguyện của chúng ta phải ở trong linh để chạm đến Đức Chúa Trời và được đáp lại. Đây là điểm thứ nhất mà chúng ta cần phải làm sáng tỏ.
II. LỜI CẦU NGUYỆN ĐÒI HỎI PHẢI VẬN DỤNG LINH
Vì lời cầu nguyện cần phải ở trong linh nên điều này đòi hỏi phải vận dụng linh. Một người chưa bao giờ vận dụng linh mình thì không biết cách để cầu nguyện. Chẳng hạn, người chạy phải dùng đôi chân để chạy. Võ sĩ quyền Anh rèn luyện tập trung sức mạnh của toàn bản thể mình vào nắm tay. Những người học ngôn ngữ phải tập luyện lưỡi nếu họ muốn nói ngôn ngữ đó. Học nói tiếng Quan Thoại thì khó vì những âm của nó đòi hỏi phải cuốn lưỡi. Điều này khó không chỉ đối với người nước ngoài mà cũng khó đối với những người ở miền Nam Trung Quốc. Vì vậy, bất cứ điều gì chúng ta làm đều cần phải tập luyện khả năng có liên quan.
Cũng vậy, nếu muốn cầu nguyện, chúng ta phải vận dụng linh mình. Nếu người nào không thể cầu nguyện tốt và không muốn cầu nguyện, hẳn là vì người ấy thiếu vận dụng khả năng cầu nguyện. Hễ khi nào một cơ quan thiếu vận dụng, nó ngưng thực hiện chức năng cách đúng đắn. Các bác sĩ cho biết rằng nếu chúng ta bịt mắt không thấy ánh sáng trong ba năm thì khi lấy vật che đi, đôi mắt sẽ không thể thấy gì cả. Mặc dù phần thân thể còn lại có thể mạnh mẽ, nhưng đôi mắt đã mất chức năng của nó sau một thời gian dài không sử dụng. Một lần nọ, một chứng bệnh đã buộc tôi phải nằm trên giường liên tục trong sáu tháng. Sau khi bình phục, tôi bước khỏi giường thì thật kinh ngạc, tôi té xuống sàn. Tôi thấy mình không thể đi đứng được. Khi đó, tôi nhận thức rằng vì đôi chân và bàn chân của tôi đã không được sử dụng trong 6 tháng nên chúng đã mất khả năng đứng. Vì thế, tôi phải học cách đứng và rồi sau một thời gian dài tập luyện, tôi mới có thể đi trở lại. Mặc dù anh em có đôi chân và bàn chân, tức những cơ quan để đi, nhưng nếu không được vận dụng, chúng sẽ vô ích. Cũng vậy, linh là cơ quan để cầu nguyện. Để cầu nguyện, chúng ta cần vận dụng linh. Đừng bao giờ nghĩ rằng vì có linh nên chắc chắn chúng ta có thể cầu nguyện cách thành thạo. Sự thật là nếu linh chúng ta không trải qua sự luyện tập nào đó, chúng ta không thể cầu nguyện và sẽ  không vui hưởng  sự cầu nguyện. Càng ít thực hành điều gì đó, chúng ta sẽ càng ít vui hưởng việc thực hành điều đó và càng ít khả năng thực hành điều đó.
Cho nên, nếu người nào không cầu nguyện thường xuyên và anh em yêu cầu người ấy cầu nguyện thì điều đó thật khó cho người ấy. Không phải vì người ấy có tính biếng nhác; mà đúng ra là vì linh của người ấy biếng nhác. Với những người không thể đi giỏi, nếu anh em buộc họ đi thì thật là đau khổ. Mặt khác, những người thực sự thích đi sẽ hăng hái chấp nhận lời mời đi đến nơi nào đó. Đó là vì đôi chân của họ rất mạnh và nhanh nhẹn do vận dụng. Một số anh chị em có linh cầu nguyện rất mạnh và nhanh nhẹn. Trước khi anh em chấm dứt việc đề cập một vấn đề nào đó, một người như vậy đã bắt đầu cầu nguyện trong linh mình. Nhưng có một số người mà linh cầu nguyện của họ rất biếng nhác vì họ không thường sử dụng linh. Có người có ý chí mạnh mẽ, vì thế khi đương đầu với điều gì đó thì điều trước tiên không phải là linh mà là ý chí của họ. Những người khác thì rất tình cảm, vì thế, khi điều gì đó xảy ra thì tình cảm của họ dẫn đầu. Với những người có tâm trí tỉnh táo và suy nghĩ rất nhanh, thì tâm trí họ dẫn đầu trong mọi hoàn cảnh. Nhưng tất cả những người học cách cầu nguyện phải tự luyện tập để cho linh chi phối trong mọi hoàn cảnh và không cho phép tâm trí, ý chí hay tình cảm mình dẫn đầu. Chúng ta cần rèn luyện chính mình để hễ khi nào đương đầu một nan đề nào đó thì chúng ta có thể vận dụng linh mình ngay lập tức.
Một số người đã nghe sự dạy dỗ về việc vận dụng linh, nhưng trên thực tế vì không thực hành điều này nhiều nên linh họ vẫn còn yếu. Người như vậy đặc biệt gặp khó khăn khi phải vận dụng linh mình trong sự cầu nguyện. Giống như khi tôi nằm trên giường trong 6 tháng, đôi chân của tôi trở nên phần yếu nhất của cả con người tôi, thì khi một người không vận dụng linh mình, linh người ấy trở nên phần yếu nhất của cả bản thể người ấy. Tôi tăng cân, và lượng huyết cầu trong máu được cải thiện, nhưng vì thiếu vận dụng nên khả năng đi của chân bị suy yếu. Vì thiếu vận dụng nên linh của nhiều anh chị em đã trở nên cực kỳ yếu và xẹp lép, ngay cả khi anh em khích lệ họ cầu nguyện, linh họ cũng không thể chỗi dậy. Vì vậy, chúng ta không chỉ vận dụng linh lúc cầu nguyện, nhưng hễ khi nào điều gì đó xảy ra trong đời sống hằng ngày, chúng ta phải trở lại với linh mình, vận dụng về vấn đề đó và sau đó, dùng ý thức trong linh mình để biện biệt tình hình. Vào những lúc như vậy, linh phải dẫn đầu – nhưng khả năng của hồn phải chờ đợi
Một số người sáng suốt trong tư tưởng và sâu sắc trong suy nghĩ đến nỗi mỗi khi gặp hoàn cảnh nào đó, cơ quan đầu tiên họ sử dụng là tâm trí, suy xét vấn đề nhiều lần. Điều này không có nghĩa là dùng tâm trí thì sai. Điều muốn nói là dùng tâm trí trước rồi mới vận dụng linh hay thậm chí chỉ sử dụng tâm trí và không vận động linh là sai nguyên tắc đối với một Cơ-đốc nhân. Với Cơ-đốc nhân, nguyên tắc giải quyết bất kỳ vấn đề nào là trước hết cảm nhận vấn đề bằng cách vận dụng linh, sau đó dùng tâm trí suy nghĩ về điều đó. Tâm trí cần phải là nô lệ, là dụng cụ của linh. Chúng ta không nên để cho tâm trí nắm quyền; đúng ra, chúng ta nên để cho linh dẫn đầu trong việc tiếp cận mọi vấn đề. Chẳng hạn, có thể một anh em đến thăm và nói chuyện với anh em. Thái độ của anh em trước hết là cần vận dụng linh để tiếp xúc và cảm nhận tình trạng của anh ấy; sau đó anh ấy; sau đó, dùng tâm trí để hiếu ý thức trong linh anh em. Nhiều người, mỗi khi gặp người nào hay nghe điều gì đó, liền dùng tâm trí để suy nghĩ và cân nhắc. Điều này làm đảo lộn trật tự đúng đắn. Khi tiếp xúc người khác hay xử lý công việc, điều đặc biệt quan trọng là trước hết chúng ta cần vận dụng lnh sau đó mới là tâm trí.
Nguyên tắc tương tự với ý chí. Đừng bao giờ dùng ý chí anh em để quyết định vấn đề nào đó mà phớt lờ ý thức của linh anh em. Trước hết, hãy dùng linh anh em để cảm nhận vấn đề đó, sau đó để ý chí của anh em phục vụ như một dụng cụ của linh để quyết định cho anh em. Trong việc quyết định, ý chí của chúng ta cần phải thuận phục hoàn toàn sự kiểm soát của linh.
Điều này cũng đúng với tình cảm. Các chị em thường dạt dào tình cảm. Nhiều lúc linh của một chị em không mạnh vì bị tình cảm bắt phục. Tình cảm bao gồm nhiều yếu tố, chẳng hạn như sở thích của con người, lòng ghen ghét, sự dạn dĩ và v.v… Đừng bao giờ cho rằng tất cả chị em đếu nhút nhát. Đôi khi các chị em còn dạn dĩ hơn các anh em vì họ sống tình cảm nhiều hơn. Khi các chị em sống vì điều gì đó, họ trở nên dạn dĩ đến nỗi không sợ trời, chẳng sợ đất. Nhưng đôi lúc khi họ sợ điều gì đó rồi thì họ sợ đến mức không cần quan tâmđến lý do hay bất cứ điều gì khác. Tất cả điều này là thuộc về vấn đề tình cảm. Vì vậy, nếu muốn học cách để trở thành một Cơ-đốc nhân đúng đắn trong mọi hoàn cảnh, trước hết chúng ta phải xoay về linh và xem linh cảm thấy thế nào về vấn đề cụ thể đó. Chúng ta phải giữ nguyên tắc này trong đời sống hằng ngày là đời sống bao gồm những hành động, thái độ của chúng ta đối với người khác, việc giúp đỡ người khác và thậm chí sự phục vụ của chúng ta trong Hội Thánh. Không nên nói: “Điều này tốt, tại sao chúng ta không làm điều đó?”. Vấn đề không phải là tốt hay xấu mà là linh của chúng ta nói gì. Dù điều gì đó dường như tốt đến đâu, nếu linh chúng ta không thánh hóa hành động như vậy, chúng ta không nên làm. Bằng mọi cách, chúng ta phải để cho linh dẫn đầu trong mọi việc.
Để chúng tôi giải thích thêm. Khi ai đó đem một vấn đề đến với anh em, anh em đừng để cho sở thích hay nỗi lo sợ dẫn đầu. Anh em không được chấp nhận vấn đề đó chỉ vì anh em thích nó, hay từ chối vì anh em sợ, hay gạt qua một bên vì anh em ghê tởm nó. Đúng hơn là, trước hết anh em nên dùng linh mình để tiếp xúc vấn đề đó, và để cho linh anh em dẫn đầu, thắng hơn việc thích và chấp thuận, thắng hơn nỗi lo sợ và sự không thích, thắng hơn ngay cả tâm trí và ý chí của hồn anh em. Với mọi điều đang xảy ra trước mặt anh em, trước hết hãy luôn luôn vận dụng linh. Để làm một Cơ-đốc nhân đúng đắn, chúng ta cần có một linh mạnh mẽ. Trong mọi sự chúng ta cần vận dụng linh. Có thể tôi không thích một ai đó, nhưng nếu hôm nay người ấy đến thăm tôi, bằng mọi cách, tôi phải chạm đến ý thức trong linh mình. Tôi không nên phản ứng theo sự thích hay không thích của riêng mình mà phải theo linh.
Thưa các anh chị em, tôi tin rằng anh chị em đều sáng tỏ về điểm này. Từ giờ trở đi, nguyện anh em thực hành điều này để linh anh em có thể trở nên phần mạnh nhất trong bản thể anh em. Có lần tôi thấy một đứa trẻ học đàn dương cầm dành nhiều giờ cho mỗi lần thực hành. Em đã liên tục thực hành cho đến khi đôi tay em trở nên phần khéo léo nhất của thân thể và việc chơi đàn dương cầm của em thật xuất sắc. Phần mạnh nhất của một Cơ-đốc nhân cần phải là linh của người ấy. Khi linh mạnh mẽ và sống động, chúng ta có thể cầu nguyện tốt. Tuy nhiên, chỉ biết sự dạy dỗ thì không ích gì; việc chúng ta trung tín thực hành là điều hoàn toàn cần thiết.
III. LINH PHẢI THUẦN KHIẾT
Nói cách nghiêm túc, chính linh thì không dễ bị ô uế. Bất cứ sự ô uế nào của linh đều do linh bị ô nhiễm bởi hồn và thân thể trong khi đi xuyên qua chúng để biểu lộ ra. Chẳng hạn, nếu tâm trí anh em bị ô uế, khi linh anh em xuyên qua tâm trí để biểu lộ ra, thì sự ô uế của tâm trí trở thành sự ô uế của linh anh em. Nếu tình cảm của anh em không tinh sạch, khi linh của anh em biểu lộ ra, chắc chắn linh sẽ bị ô uế của tình cảm. Nếu ý chí anh em không đúng đắn, khi linh anh em biểu lộ ra, linh cũng trở nên linh không đúng đắn. Chẳng hạn, có thể nước thì rất tinh khiết tại nguồn, nhưng nếu chảy qua vật nào đó chứa lưu huỳnh, nước ấy sẽ có yếu tố của lưu huỳnh và cuối cùng, tuôn chảy ra nước lưu huỳnh. Cũng thế, chính linh không dễ bị ô nhiễm. Đúng ra, sự ô uế của linh thường là hậu quả của việc linh đi xuyên qua bản thể chúng ta.
Vì vậy, để linh thuần khiết thì tậm chí, tình cảm và ý chí của một người phải thuần khiết. Người có tâm trí lập dị chắc chắn sẽ biểu hiện linh lập dị. Nếu ai đó rất tình cảm và không biết cách kiểm soát nỗi đam mê của mình – niềm vui thích, cơn giận, sự buồn rầu hay vui vẻ - khi linh của người đó chuyển động thì linh đó không ổn định và không thể kiểm soát. Anh em có thể nói đó là điều gì đó của linh. Vâng, có thể linh là như vậy; vì lúc đó các yêu tố của tình cảm đã bị pha trộn với linh. Nói cách nghiêm túc, điều đó vẫn không phải là chính linh; đúng ra, đó là điều gì đó của tỉnh cảm mà đã bị pha trộn với linh. Có thể ai đó có một ý chí rất bướng bỉnh và cứng cỏi. Khi linh người ấy biểu lộ ra, chắc chắn sẽ là linh bướng bỉnh và cứng cỏi. Điều này không tránh khỏi. Anh em là loại người nào, thì linh anh em dễ dàng mang hương vị đó. Nếu các khả năng của anh em không thuần khiết, linh của anh em cũng sẽ không thuần khiết. Để linh có thể thuần khiết, chính người đó phải thuần khiết. Khi linh của người ghen ghét tỏ ra, linh của người đó biểu lộ sự ghen ghét. Cũng dung với người có tư tưởng ô uế. Khi linh người đó tỏ ra, chắc chắn linh đó sẽ là ô uế.
Một khi linh không thuần khiết, anh em sẽ có lương tâm xấu và một khi có lương tâm xấu, linh anh em sẽ bị phá sản hoàn toàn. Một linh như vậy không thể cầu nguyện. Do đó, để có một linh cầu nguyện, điều đòi hỏi chính yếu là anh em phải là người thuần khiết. Khi một người thuần khiết thì linh người ấy cũng thuần khiết. Chỉ người nào có linh thuần khiết mới có thể có một lương tân tốt. Một lương tâm tốt sẽ làm người đó được mạnh mẽ trong linh và trở thành người cầu nguyện.
IV. LINH PHẢI TƯƠI MỚI,
KHÔNG GIÀ NUA VÀ CŨ KỸ
Nhiều lần trong buổi nhóm cầu nguyện hay tại bàn Chúa, có thể một anh em hay một chị em đứng lên cầu nguyện và làm cho anh em cảm thấy linh của người đó rất già nua. Mỗi lần một người như vậy cầu nguyện, mặc dầu anh em có thể trẻ về tuổi tác, nhưng anh em có cảm nhận bên trong bằng linh của anh em đó già nua. Và vì già nên cũ kỹ. Một linh già nua, cũ kỹ thì không thể cầu nguyện.
Linh cầu nguyện là linh tươi mới. Đó là linh của những người cầu nguyện trong Kinh Thánh. Chẳng hạn, Nê-hê-mi, Ê-xơ-ra, Đa-ni-ên và Áp-ra-ham thảy đều là những người cầu nguyện. Và khi đọc lời cầu nguyện của họ, anh em có thể cảm nhận được sự tươi mới trong linh họ. Một số người xưng nhận các tội phạm trong khi những người khác thì ăn năn sâu xa trước mặt Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, Thi Thiên 51 là lời cầu nguyện xưng tội của Đa-vít. Trong Thi Thiên đó, ông rất ăn năn và ở dưới cảm nhận sâu sa về sự lên án, tuy nhiên, anh em vẫn có thể cảm nhận linh của ông thì tươi mới.
Xin nhớ rằng linh tươi mới đến từ linh thuần khiết. Vì vậy, linh tươi mới là kết quả của nhiều sự xử lý nghiêm khắc trước mặt Đức Chúa Trời. Càng nhiều sự xử lý, linh càng tươi mới, lý do linh cầu nguyện của một anh em hay chị em nào đó cũ kỹ là vì người đó không được Đức Chúa Trời xử lý trong một thời gian dài. Điều này giống như một căn phòng cả tháng không được lau dọn: lập tức anh em cảm thấy mọi thứ đều già nua cũ kỹ. Nhưng hãy đi và quan sát những căn nhà của người Nhật. Nhiều người Nhật hầu như mỗi sáng đều quét dọn lau chùi nhà của họ cả bên trong lẫn bên ngoài. Khi bước vào một căn nhà như vậy hay chỉ mới đi ngang qua cửa, anh em có thể cảm thấy sự tươi mới.
Không xử lý thì sẽ có sự cũ kỹ; có xử lý thì sẽ có sự tươi mới. Đến hôm nay, anh em và tôi vẫn còn ở trong sáng tạo cũ. Chúng ta vẫn còn sống trong một thời đại ô uế, tối tăm trên trái đất hư hoại, gian ác này. Chúng ta không nhận thức rằng linh chúng ta đang bị bụi bặm của sáng tạo cũ và thời đại hư hoại này phủ lên nhiều bao nhiêu. Dù không để cho mình bị làm ô uế, nhưng bụi bặm này tự động rơi vào trong bản thể chúng ta, làm linh chúng ta trở nên cũ kỹ. Vì vậy, để duy trì sự thuần khiết, con người chúng ta cần phải có những sự xử lý hằng ngày. Khi có sự thuần khiết thì sẽ có sự tươi mới; khi có sự tươi mới bên trong, thì linh mới có thể cầu nguyện.
V. LINH PHẢI SÔI NỔI
Một linh tươi mới chắc chắn là một linh sôi nổi. Nếu anh em không xử lý thường xuyên trước mắt Chúa, linh anh em không thể tươi mới. Một linh không tươi mới lúc nào cũng thấy chán nản và chắc chắn không thể cầu nguyện. Dù có dùng ý chí buộc chính mình phải nói đôi lời hay dung tâm trí để suy nghĩ điều gì đó để nói thì cũng vô ích. Vì vậy, việc anh em có thể cầu nguyện hay không và có thể cầu nguyện bao nhiêu tùy thuộc vào linh của anh em chán nản hay sôi nổi. Đây là một thử nghiệm thật.
VI. LINH PHẢI SỐNG ĐỘNG
Điều gì thuần khiết thì tươi mới, điều gì tươi mới thì sôi nổi và đièu gì sôi nổi chắc chắn sinh động. Chỉ một linh như vậy mới có thể cầu nguyện. Ngay lúc anh em mở miệng thì người khác có thể cảm nhận linh bên trong anh em có đang nhảy nhót và sống động hay không. Ngược lại, anh em có thể nghe một anh em cầu nguyện và cảm thấy lời cầu nguyện của người ấy là chết chóc. Mặc dù người ấy cầu nguyện, nhưng linh người ấy không chuyển động. Linh đó không đang sống động cũng không được giải phóng, nhưng chết chóc. Một linh như vậy không thể cầu nguyện. Như vậy, để có thể cầu nguyện, linh phải sống động, đầy sức sống.
VII. LINH PHẢI TỰ DO
Tự do có nghĩa là không có gông xiềng hay lo lắng. Một khi lo lắng về vấn đề nào đó thì anh em không thể cầu nguyện. Anh em cứ lo lắng về con trai mình đang học nước ngoài, vợ mình đang điều trị tại bệnh viện và công việc làm ăn của anh em không kiếm được nhiều tiền. Vì linh anh em bị trói buộc bởi nhiều điều như vậy nên không thể tự do, bởi đó anh em không thể cầu nguyện. Ngay cả những điều tốt này cũng làm cho linh anh em bị cột trói. Mặt khác, vẫn có một số người mà linh của họ bị rạp hát bắt giữ, bị những phim ảnh cột trói. Vì vậy, linh của họ bị cột trói và không thể cầu nguyện. Ở một mức độ nào đó, linh chúng ta không thoát khỏi mọi điều bên ngoài Đức Chúa Trời nên không cách gì để chúng ta cầu nguyện. Do đó, người nào ao ước học cách cầu nguyện thì phải vận dụng linh mình, làm cho linh lúc nào cũng có thể độc lập– không bị ràng buộc bởi sự thu hút của những điều tốt lẫn những điều xấu. Bất kể vấn đề nan giải đến đâu, nặng nhọc thể nào hay rắc rối ra sao, linh của chúng ta vẫn có thể cầu nguyện là linh không bị cột trói và vướng víu nhưng vượt trổi và tự do.
VIII. LINH PHẢI NHẸ NHÀNG VÀ THOẢI MÁI
Linh không chỉ cần phải thoải mái. Khi cầu nguyện, anh em phải tập không mang những gánh quá nặng. Người mang nặng thì không bao giờ có thể cầu nguyện. Đúng vậy, linh không được biếng nhác mà cũng không nên quá tải. Tự do có nghĩa là không bị xiềng xích; trong khi thanh thản có nghĩa là không mang những gánh quá nặng. Tự do có nghĩa là ra khỏi mọi vướng víu ở ngoài Đức Chúa Trời; trong khi thoải mái có nghĩa là không mang gánh quá nặng trong linh. Chẳng hạn, hôm nay anh em có thể đến trước mặt Đức Chúa Trời để cầu nguyện cho hai vấn đề và có thể cầu nguyện rất tốt. Tuy nhiên, nếu đem năm vấn đề đem theo trong khi cầu nguyện, anh em không thể cầu nguyện tốt vì những điều đó, quá nhiều và quá nặng, khiến cho linh anh em trở nên  hoàn toàn kiệt sức. Điều này giống như một người bình thường có thể đi bộ giỏi khi người ấy mang một gánh nặng khoảng 25 ký, nhưng không thể đi được nếu mang gánh nặng 250 ký.
Vì vậy, trong sự cầu nguyện, chúng ta cần đề phòng tính biếng nhác trong linh mình. Tuy nhiên, đồng thời chúng ta cần ngăn cản linh để không siêng năng quá mức và nhận lấy gánh nặng quá tải, bởi đó rơi vào tình trạng không thoải mái. Chúng ta cần duy trì một linh quân bình là linh không biếng nhác cũng không siêng năng quá mức, chỉ nhận lấy gánh nặng mà anh em có thể mang để linh anh em nhẹ nhàng. Điều này nên là thái độ của chúng ta trong khi cầu nguyện.
Tất nhiên, có những lúc gánh nặng ép chúng ta phải kiêng ăn và cầu nguyện, nhưng đó là một vấn đề khác. Trong những lúc bình thường, chúng ta cần để cho linh mình cảm thấy thoải mái không bị đè nén liên tục. Một linh không tự do thì không thể cầu nguyện; một linh không nhẹ nhàng cũng không thể cầu nguyện tốt. Người cầu nguyện tốt luôn luôn vận dụng linh mình, giữ cho linh mình luôn tự do và nhẹ nhàng.
IX. LINH PHẢI YÊN NGHỈ VÀ ĐIỀM TĨNH
Một người không thể cầu nguyện nếu linh người ấy không có sự yên nghỉ và ở trong sự rối loạn. Khi nghe tin vui hay buồn, một số người bị kích động trong linh và không thể điềm tĩnh được. Sự kích thích này, xuất phát từ niềm vui hay nỗi buồn, có thể làm cho một người không thể cầu nguyện. Vì vậy, chúng ta cần rèn luyện chính mình để khi gặp một hoàn cảnh nào đó dù vui hay buồn, linh chúng ta sẽ không quá phấn khích hay bị kích động. Một linh không thể cầu nguyện nếu linh áy không yên nghỉ hay ở trong sự rối loạn.
Nói cách nghiêm túc, nếu được huấn luyện kỹ về cầu nguyện, chúng ta học được nhiều điều trước mặt Chúa. Các cơ quan của thân thể chúng ta còn cần phải vận dụng để hữu ích, thì huống chi linh của chúng ta cũng cần được vận dụng càng hơn để thực hiện chức năng. Cầu nguyện đòi hỏi học tập các bài học – đặc biệt là bài học về việc vận dụng linh cách đúng đắn. Nếu lúc nào anh em cũng có thể duy trì một linh điềm tĩnh và bình an trong bất cứ hoàn cảnh hay tình huống nào và với bất cứ ai, khi dó anh em có thể cầu nguyện.
X. LINH PHẢI MỞ RA
Linh cầu nguyện cũng là linh mở ra. Một khi đóng kín, linh không thể cầu nguyện. Linh cần phải mở ra đối với Đức Chúa Trời, đối với các anh chị em và cũng mở ra đôi với người khác nữa. Nhưng điều này không có nghĩa là linh chúng ta không bao giờ đóng kín. Đôi khi linh cũng cần đóng lại. Linh chúng ta nên có thể đóng lại cũng như mở ra. Điều này giống như cánh cửa đúng đắn và thường xuyên sử dụng mở và đóng cách linh động theo nhu cầu. Tuy nhiên, một số cánh cửa không thường sử dụng và vì thế, chúng khó đóng mở. Mở những cánh cửa ấy rất khó nhưng một khi đã mở được rồi thì không thể đóng lại được. Về linh, một số anh chị em cũng giống như vậy. Một người như vậy không thể cầu nguyện. Để cầu nguyện, linh phải có khả năng mở và đóng một cách linh động. Linh phải có thể mở ra với Đức Chúa Trời và con người bất cứ lúc nào. Khi linh cần phải đóng lại thì linh làm điều đó cách tự động. Trong một khoảng thời gian ngắn, linh có thể đóng mở nhiều lần.
Khi linh của người nào mở ra cách tự do để tiếp xúc và nói chuyện với người khác thì chỉ sau một hay hai câu, linh của người ấy sẽ mở ra. Điều này làm cho linh của người khác cũng mở ra. Chỉ người nào có một linh như vậy mới có thể dẫn nhiều người đến sự cứu rỗi và cung ứng sự giúp đỡ cho người khác. Đôi khi một anh em có thể nói với ai đó trong 10 phút. Nếu linh của anh em này không mở ra, bất cứ điều gì anh em ấy nói hay cầu nguyện đều vô ích. Như vậy, để có sự cầu nguyện đúng đắn, linh phải mở ra.
XI. LINH PHẢI VƯỢT TRỔI
Vượt trổi có nghĩa là vượt lên trên những phần khác của hồn – tâm trí, tình cảm và ý chí-và không ở dưới sự kiểm soát của chúng. Một linh vượt trổi có thể cầu ngyện cách bình thường, và đồng thời cũng có thể được giải phóng đến mức phải như vạy. Nếu để cho những phần khác của hồn anh em cai trị linh dù chỉ một chút, anh em đã bị đánh bại trong sự cầu nguyện. Vì vậy, trong khi cầu ngyện hãy luôn để cho linh vượt trên mọi sự. Anh em cần để cho linh mình vừa là phần mạnh mẽ nhất vừa là phần cao nhất của bản thân mình. Khi đó anh em là người cầu nguyện.
XII. LINH PHẢI ỔN ĐỊNH
Linh của chúng ta không nên sôi nổi và vượt trổi hôm nay rồi chán nản ngày mai. Cũng không nên rất tự do lúc này rồi lát sau bị cột trói. Linh ổn định là linh không bị ảnh hưởng bởi bất cứ tình huống nào nhưng luôn vững vàng trước mặt Chúa.

Thời tiết ở Đài Loan rất dao động. Có thể buổi sáng êm đềm và lặng gió nhưng đến chiều có thể có bão lớn. Có thể buổi sáng anh em cần áo len nhưng đến trưa chỉ cần một áo sơ-mi. Đây là tính không ổn định. Linh của một số anh chị em giống như vậy. Hôm qua sự tương giao của anh em với một anh em nào đó là kỳ diệu với lời cầu nguyện thật tuyệt vời. Tuy nhiên, hôm nay khi gặp anh ấy thì toàn bản thể của anh ấy bị suy sụp và anh ấy trở nên yếu đuối. Một người không ổn định như vậy không thể cầu nguyện. Để cầu nguyện, linh phải ở trong tình trạng quân bình và ổn định: tự do nhưng ổn định; vượt trổi nhưng ổn định; sôi nổi nhưng ổn định. Chúng ta cần luyện tập để linh mình có thể biểu hiện những đặc điểm này.
ST