Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2019

Giới Hạn Mỏi-



-
Một người muốn bẻ gãy một thanh sắt không cần phải dùng sức nhiều; anh ta chỉ cần uốn thanh sắt ấy theo chiều này, rồi trở nó ngược lại, uốn theo chiều kia; uốn qua uốn lại như vậy nhiều lần thì thanh sắt ấy sẽ gãy. Người ta nói rằng thanh sắt ấy không phải gãy vì đã tới giới hạn bền của vật liệu nhưng đã tới giới hạn mỏi. Một cấu trúc bị gãy do mỏi chịu tải trọng không lớn, nhưng theo chu kỳ, khi thì “nóng” khi thì “lạnh,” khi “cao” khi “thấp,” lập đi lập lại nhiều lần trong thời gian dài.
-
Hội thánh cũng có giới hạn mỏi nếu bị đặt dưới “tải trọng mỏi” trong một thời gian dài. Muốn đem Hội Thánh tới giới hạn mỏi thì Xa-tan làm thế nào? Bằng cách cứ vài chục năm, hoặc vài trăm năm tung tin đồn là Chúa sẽ tái lâm vào giờ nọ ngày nọ tháng nọ và năm nọ. Lẽ đương nhiên khi có tin đồn rằng Chúa Jesus sẽ tái lâm vào một thời điểm nào đó, thì chắc chắn Chúa sẽ không trở lại vào thời điểm đó. Đó là vì chỉ có Đức Chúa Cha biết ngày Đức Chúa Con tái lâm; ngay cả chính Đức Chúa Con cũng không biết được ngày này (Mathew 24:36).

-
Ấy vậy mà ngay từ các ngày đầu tiên của Hội Thánh đã có người tung tin đồn này rồi (2 Thessalonians 2:2). Cho tới ngày nay thỉnh thoảng vẫn có người công bố là Chúa tái lâm vào giờ nọ ngày kia, tỉ dụ như vào ngày 21 tháng 12 năm 2012. Tiên tri về ngày Đức Chúa Con tái lâm là tội phạm thượng vì người tiên tri đó đặt mình cao hơn Đức Chúa Con, lên bằng Đức Chúa Cha. Lẽ đương nhiên các ngày tháng này đã và sẽ hóa ra là sai. Chúng phải sai vì chính Đức Chúa Con đã không biết được là ngày nào thì chúng ta là ai mà dám công bố là mình biết được ngày Chúa trở lại? Tuy nhiên, “tải trọng mỏi” áp đặt lên con cái Chúa chính là cái sai này vì những người yêu mến Chúa bị dẫn qua những chu kỳ “nóng” và “lạnh,” khi thì tràn đầy hy vọng, rồi hoá thành thất vọng, nên trở thành “lờn.” Có con cái Chúa nào yêu mến Chúa thật lòng mà không hy vọng rằng Chúa trở lại trong khi mình còn sống để cất mình ra khỏi thế gian đau khổ này, để khỏi phải đi qua cái chết thuộc thể? Có đứa con nhỏ nào không khỏi phải khóc oà khi có người bảo cho biết là mẹ sẽ đi chợ về và mang quà về vào giờ nọ giờ kia rồi lời nói đó hoá ra là lời nói láo? Hậu quả của “tải trọng mỏi” là làm cho con cái Chúa mệt mỏi chán chê không trông đợi ngày Chúa trở lại nữa; thậm chí còn có người chế riễu Đức Chúa Trời vì sự “chậm trễ” của Ngài (2 Peter 3:4).
-
-Hội Thánh sẽ tới giới hạn mỏi không?
Đức Chúa Trời dấu kín ngày Đức Chúa Con tái lâm, nhưng vẫn muốn con cái Ngài biết được các dấu hiệu để có tinh thần chờ đợi ngày này. Đây là hai điều hoàn toàn khác nhau: Biết ngày Chúa trở lại, và biết dấu hiệu Chúa trở lại. Biết được ngày Chúa trở lại là một lời nói láo, và biết được các dấu hiệu của Chúa tái lâm là điều Thánh Kinh khuyến khích. Sẽ có con cái Chúa tới giới hạn mỏi sẽ có người không. Người đã tới giới hạn mỏi sẽ không trông chờ Chúa tái lâm nữa; còn người kia vẫn cứ kiên trì sống trong sự chuẩn bị. Hai hạng người này được Chúa Jesus ví như mười cô trinh nữ chờ chàng rễ của lòng mình (Mathew 25:1-13). Một nữa sẽ ngủ gục vì không còn cảnh giác; còn nữa kia vẫn kiên trì chuẩn bị. Khi chàng rễ tới, một nữa đã ngủ gục không đủ thời giờ để thêm dầu cho đèn nên đã lỡ mất cơ hội ngàn vàng.
-
Trong đời sống Hội Thánh, nửa đã tới giới hạn mỏi viện cớ rằng ngày Chúa tái lâm không ai biết được nên không cần học Thánh Kinh, đặc biệt là các phần tiên tri về thời cuối. Còn nửa kiên trì kia vẫn đào xới Thánh Kinh, học tập về các dấu hiệu của ngày Chúa tái lâm, không phải để có thể tiên tri về ngày đó, vì họ biết tiên tri về ngày Chúa tái lâm là phạm thượng nhưng để biết được dấu hiệu cho biết là Chúa đang trở lại để chờ đón Chúa và được vui mừng. Đây là “niềm hy vọng có phước” (TKTC, Titus 2:13) (the blessed hope) mà Sứ Đồ Paul viết cho đứa con đức tin của mình (1:4).
-
Thước đo nào cho chúng ta biết con cái Chúa người Việt Nam đang sống trong sự chờ đợi ngày Chúa Jesus cất chúng ta về trời? Một người sẽ có một câu trả lời, nhưng theo quan điểm riêng của tác giả bài này, chúng ta có thể biết được con cái Chúa người Việt có chờ đợi Chúa Jesus trở lại chăng và nếu có thì bao nhiêu bằng cách xem trong văn chương của con cái Chúa người Việt hay trong các buổi nhóm thờ phượng, hay trong âm nhạc tôn vinh hay trong sách hướng dẫn trường chúa nhật, v.v. bao nhiêu phần trăm các loại thư văn này  nhắc đến ngày Chúa tái lâm, hay các dấu hiệu của ngày Chúa tái lâm? Trong các bài giảng luận của các trưởng lão có dạy dỗ về ngày này, để con cái Chúa biết mà hết lòng chơ đợi Chúa như các nàng trinh nữ kia chờ chồng chăng? Đạo nào cũng có ngày “thánh” để tuân giữ. Đạo Phât thì có Phật Đản. Đạo Hồi thì có Ramadan. Đạo Christiantity thì có ngày “Giáng Sinh.” Nhưng chỉ Chúa mới dạy về chính cá nhân của con người bằng xương bằng thịt có tên là Jesus. Con người này vì tội lỗi của chúng ta chịu chết, đã sống lại để đạp chết thần chết và hứa sẽ trở lại vào một thời điểm nhất định trong lịch sữ loài người để cất con cái của Ngài lên, để trừng phạt thế gian và để cai trị thế giới. Ngài không dạy chúng ta nhìn về quá khứ để kỷ niệm ngày Ngài được sinh vào thế gian (ngày Chúa giáng thế chắc chắn không phải là ngày 25 tháng 12), mà dạy chúng ta ngó về tương lai để trông chờ ngày Ngài trở lại.
Đây phải là nổ lực của Hội Thánh trong khi còn sống trên đất.
-Lê Anh Huy