Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2019

Hình & tượng và thờ hình-tượng-



-
1- Cuộc cách mạng đã trễ của vua Giơ-si-gia (640 TCR – 609 TCR): Ông là vua thứ 16 của vương quốc Giu-đa (vương quốc phương Nam). Chúng ta nhớ lại rằng sau khi Sơ-lô-mô (970 TCR-928 TCR) qua đời, vương quốc Dích-ra-ên bị chia làm hai nước: Phương Bắc gọi là Dích-ra-ên, và phương Nam gọi là Giu-đa. Các triều vua của cả hai miền được liệt kê theo tài liệu sau: “Các triều vua của Dích-ra-ên (Phương Bắc) và Giu-đa (Phương Nam)” http://thanhkinhtieuchuan.org/node/19. Giô-si-gia lên ngôi khi mới 8 tuổi, nhưng ông đã làm nhiều chuyện kinh thiên động điạ. Sự trở mình của Giô-si-gia bắt đầu khi thầy tế lễ Khinh-ki-gia tìm được một cuốn sách luật pháp của Đức Chúa Trời trong đền thờ. Khinh-ki-gia gởi cuốn sách đó cho vua, vua đọc, và xé rách quần áo mình vì vua nhận ra rằng các vua đời trước không tuân theo luật pháp của Đức Chúa Trời (nghĩa là luật Mô-se). Ngay sau đó, vua đã làm những việc triệt để sau đây:

-
Loại bỏ khỏi đền thờ Đức Chúa Trời (tức là đền thánh Giê-ru-xa-lem do Sơ-lô-môn xây) các hình tượng của Ba-an, A-sơ-ra, và tất cả cơ binh trên trời, và đốt chúng hết (2 Các vua 23.4, 12).
Làm ô uế các nơi cao, là những nơi thờ cúng các thần giả (2 Các vua 23.8, 13). Trong những nơi cao mà vua Giô-si-gia làm ô uế, có nơi cao mà vua Sơ-lô-môn đã xây cho các thần A-sơ-ta-rốt, Cơ-mốt, Min-côm.
Làm ô uế Tô-phét, là nơi người Giu-đa thiêu con cái để dâng cho thần Mô-léc (2 Các vua 23.10).
Giết các thầy tế lễ cho Ba-an và các người thờ Ba-an (2 Các vua 23.5).
Giết các con ngựa mà các vua Giu-đa tiền nhiệm đã dâng cho các giả thần (2 Các vua 23.11).
Đập đổ nhà của bọn đỉ đực thờ cúng đã có mặt trong đền thờ của Đức Gia-vê (2 Các vua 23.7).
Giệt bọn đồng cốt, phù thủy, v.v. (2 Các vua 23.24).
Tái kỹ niệm Lễ Vượt Qua (2 Các vua 23.21-23).
 v.v.
-
Đáng buồn thay, cuộc cách mạng của vua Giô-si-gia đã quá trễ: vua bị người Ai-cập giết sau đó (2 Các vua 23.26-30) và Giu-đa tiếp tục trên đà tuột dốc. Sau vua Giô-si-gia, còn thêm bốn vua trị vì Giu-đa nữa, và sau đó toàn Giu-đa bị đày qua Ba-ben(Ba-by-lôn). Sự sụp đổ của Giu-đa làm trọn lời tiên tri của Mô-se:
"Khi ngươi trở thành cha những đứa con và những đứa con của các đứa con và đã sống lâu trong đất đó, và hành-động một cách đồi-bại, và làm một hình-tượng theo hình-dạng của một cái gì, và làm điều xấu-xa trước mắt GIA-VÊ Đức Chúa TRỜI  ngươi để chọc Ngài nổi giận, ta gọi trời và đất làm chứng chống lại các ngươi ngày hôm nay, rằng: các ngươi chắc-chắn sẽ phải diệt-vong nhanh-chóng khỏi đất nơi các ngươi sắp vượt qua sông Giác-đen để chiếm-hữu nó. Các ngươi sẽ không kéo dài những ngày của mình trên đất ấy, nhưng các ngươi sẽ hoàn-toàn bị diệt. Và Đức GIA-VÊ sẽ làm các ngươi chạy tán-loạn giữa các dân-tộc, và con số các ngươi sẽ còn lại ít giữa các quốc-gia, nơi Đức GIA-VÊ sẽ đuổi các ngươi tới. Và ở đó các ngươi sẽ phục-dịch các thần, việc làm của tay loài người, gỗ và đá, không thấy, không nghe, không ăn, không ngửi.” (TKTC Bài Giảng của Mô-se(Phục truyền luật lệ ký) 4.25-28)
-
2- Phân tích lời tiên tri của Mô-se:
Tuy nhiên có điều trong lời tiên tri của Mô-se đáng làm chúng ta suy nghĩ. Đó là cụm chữ: “làm một hình-tượng theo hình-dạng của một cái gì.“ Như vậy, Giu-đa bị đày qua Ba-ben vì tội “làm tượng” hay vì tội thờ tượng? Có một sự khác biệt giữa hai điều “làm tượng” và “thờ hình-tượng.” Chúng tôi nêu lên một thí dụ: Một điêu khắc gia đẻo một cái tượng từ một khối đá (làm tượng) để chưng, và một người khác cúi đầu thờ lạy nó. Người thờ lạy cái tượng đó chắc chắn có tội với Đức Chúa Trời theo tiêu chuẩn của cả hai giao ước cũ và mới. Nhưng không có chỗ nào trong giao ước mới nhắc tới “tội làm tượng.” Như vậy chúng ta đặt vấn đề này trong một câu hỏi thật cụ thể để trả lời. Đó là: Theo luật Mô-se, điêu khắc gia đó có phạm tội “làm tượng” không?
Mới đọc qua Bài Giảng của Mô-se(Phục truyền luật lệ ký) thì câu trả lời là có, vì:
“e rằng các ngươi hành-động một cách đồi-bại và làm một tượng chạm nào đó cho chính mình theo hình-dạng của một hình-thể nào đó, sự giống nhau của người nam hay người nữ, sự giống nhau của một con thú-vật nào ở trên trái đất, sự giống nhau của một chim có cánh bay trong bầu trời, sự giống nhau của một loài nào rón rén bò trên đất, sự giống nhau của con cá nào ở trong nước dưới trái đất.” (TKTC Bài Giảng của Mô-se(Phục truyền luật lệ ký) 4.15-18)
Nếu "làm tượng" là có tội thì mua bán tượng, tàng trử tượng, chưng tượng trang trí, cũng có tội. Nếu sự  hiểu biết này là  đúng thì  nó có ảnh hưởng rất nặng nề lên đời sống của Cờ-rít nhân, vì nếu "làm tượng" là có tội với Đức Chúa Trời, thì các điều sau đây cũng có tội:
-
Học sinh vật và y khoa và các ngành khoa học sức khỏe khác vì trong các ngành học này, người ta làm hình nộm để học sinh nghiên cứu cơ thể của con người.
Học các ngành điêu khắc và kiến trúc vì trong các ngành này, học sinh phải làm mô hình ba chiều của người và vật.
Học ngành địa lý vì học sinh có cơ hội nghiên cứu trái đất theo mô hình ba chiều.
Học ngành rô-bô, vì rô-bô là hình tượng ba chiều của con người.
Chơi các đồ chơi như lính nhựa, thú nhựa, ngựa gỗ, búp bê, v.v. vì các vật này là "tượng chạm."
Làm hay mang tay chân giả là có tội vì tay chân giả là hình tượng của vật có thật.
Làm việc trong các tiệm bán áo quần là có tội vì phải bận áo quần cho ma-nơ-canh, là hình tượng giả của người.
-
Để trả lời câu hỏi trên một cách rốt ráo, chúng ta không bàn tới hình tượng của các tà thần vì dễ dàng cho mọi người chấp nhận làm hình tượng của tà thần là tội lỗi mà chỉ bàn tới các hình tượng “giống các vật trên trời, dưới đất và dưới mặt nước.” Các hình tượng thuộc loại này đã được làm trong Cựu Ước và sự phán xét của Đức Chúa Trời về nó như sau:
Con bò đúc bằng vàng: Con bò đúc bằng vàng mà Dích-ra-ên đã làm khi thấy Mô-se lên núi nhận Mười Điều Răn quá lâu mà không thấy xuống (TKTC Xuất hành 32.1-8). Khi thấy họ làm hình tượng để thờ, Đức Chúa Trời nổi giận, phán với Mô-se là Ngài sẽ diệt dân đó, và làm một dân vỹ đại khác từ Mô-se (32.9-10). Mô-se bèn năn nỉ với Đức Gia-vê xin Ngài đổi ý (32.11-14). Khi vừa xuống núi thấy con bò đúc, Mô-se nổi giận liệng bể hai bảng đá đó (32.19).
Con rắn bằng đồng: Con rắn bằng đồng mà Đức Chúa Trời truyền cho Mô-se làm (TKTC Dân số 21.4-9). Dích-ra-ên vẫn giữ con rắn giả này cho đến đời vua Khít-ki-gia (716 TCR–687 TCR). Vua đập bể nó vì Dích-ra-ên dâng hương cho nó, tức là biến nó thành một đối tượng của sự thờ hình tượng.
Cơ-rúp(chê-ru-bin): Đây là các hình thù có cánh. Cơ-rúp do Đức Chúa Trời truyền cho Dích-ra-ên làm để chưng tại các chỗ này: Ghế Chuộc Tội (TKTC Xuất hành 25.18) và các màn trong đền tạm (26.1). Sau này, vua Sơ-lô-môn cho làm cơ-rúp trong các chỗ này: Nơi thánh (1 Các vua 6.23), tường của đền thánh (6.29), cửa của đền thánh (6.32), cột của đền thánh (6.34-35). (Ngoài cơ-rúp ra vua cũng cho chạm các hình cây chà là, hoa, v.v.). Không có nơi nào trong Cựu Ước nói về Đức Chúa Trời lên án Sơ-lô-môn vì việc ông đã làm cơ-rúp trong đền thánh.
-
Tượng sư tử, bò: Các hình tượng này được vua Sơ-lô-môn cho làm trên muời cái giá đặt trong đền thánh (1 Các vua 7.29). Không có nơi nào trong Cựu Ước nói về việc Đức Chúa Trời lên án Sơ-lô-môn vì ông đã làm các hình tượng này trong đền thánh.
Còn một trường hợp đặc biệt nữa đáng để cho chúng ta chú ý là cái áo tế (ê-phót) do Ghi-đôn (là một phán quan) làm từ vàng lấy từ các vòng mũi của dân Dích-ma-ên (TKTC Các phán quan 8.24-26). Cái áo tế này không phải thuộc loại hình tượng “giống các vật trên trời, dưới đất và dưới mặt nước.” Tuy vậy, nó trở nên một vật để dân Dích-ra-ên "chơi trò làm đĩ với nó ở đó, đến nỗi nó trở thành một cạm bẩy cho Ghi-đôn và gia-hộ người" (TKTC Các phán quan 8.22-27). "Chơi trò làm đĩ" là ngôn ngữ của Thánh Kinh có nghĩa là thờ hình tượng.
Trong bốn trường hợp trên, trường hợp 1 là làm tượng để thờ; do đó hành động này thuộc về loại "thờ hình tượng" (idolatry) và "thờ hình tượng" bị cả Cựu Ước và Tân Ước lên án. Trong các trường hợp 2, 3, và 4, việc làm tượng cơ-rúp, bò, sư tử, chạm cây chà là, hoa, v.v. của Sơ-lô-môn trong đền thánh không bị Đức Chúa Trời lên án vì mục đích của nó để làm đẹp đền thánh. Trong trường hợp ngoại lệ là cái “ê-phót,” có thể thoạt đầu Ghi-đôn có ý định làm và chưng nó như là một chiến lợi phẩm để xiển dương chiến thắng của mình mà không có ý để thờ, nhưng sau đó Dích-ra-ên dùng cái áo tế bằng vàng đó làm đối tượng cho sự thờ hình tượng của họ. Ê-phót là áo tế cho các thầy tế lễ (Lê-vi 8.6-7) được may bằng vải, tại sao Ghi-đôn, là một quan án, là một tướng lãnh, làm cho mình một cái ê-phót bằng vàng? Có thể việc làm đi từ lòng kiêu ngạo và tham lam. Dù phạm lỗi lầm này, Ghi-đôn vẫn được nhắc tên là một trong các anh hùng đức tin (TKTC Ípr 11.32).
-
3- Tổng kết: Từ các trường hợp trên, chúng ta nhận thấy rằng Thánh Kinh không lên án chính hành động "làm tượng" nhưng Thánh Kinh lên án sự thờ hình tượng. Lời tiên tri của Mô-se (TKTC Bài Giảng của Mô-se (Phục truyền luật lệ ký) 4.15-18) nói về việc làm hình tượng để thờ như một giả thần chứ không phải chính cái hành động "làm tượng." Hai vương quốc phương Bắc (Dích-ra-ên) và phương Nam (Giu-đa) bị sụp đổ vì đân đó đã từ bỏ Đức Chúa Trời để đi thờ các thần khác. Các thần giả đó là các thần của các dâng ngoại bang như A-sơ-ta-rốt, Mô-léc, v.v., và là các tượng hình giống các vật trên trời, dưới đất, và dưới nước (như tượng con bò, con rắn và cái ê-phót) Dích-ra-ên dựng lên để thờ. Khi Dích-ra-ên làm tượng để thờ, họ bẻ gãy giao ước với Đức Chúa Trời, và tại vạ đến trên họ như lời cảnh cáo trước của Mô-se.
--
Phụ lục: Tượng đài của Bill Graham
Cách đây vài năm tác giả bài này có lớn tiếng phê phán một người anh em trong một diễn đàn về quan điểm của anh ấy về vấn đề "làm tượng," cụ thể là tượng đài của Billy Graham (http://www.lifeway.com/billygraham/statue.htm). Hồi đó tác giả đã cho rằng Billy Graham có tội vì đã vi phạm điều răn trong Bài Giảng của Mô-se (Phục truyền luật lệ ký) 4.15-18. Nay tác giả thành thật xin lỗi người anh em đó nếu người bị xúc phạm. Tuy nhiên, việc Billy Graham đồng ý để người khác xây tượng cho mình có thể thuộc về một vấn đề về "bản ngã." Người đầy tớ Chúa cảm thấy mình rất thấp hèn; chỉ có những người thấy mình cao trọng đáng được mọi người chiêm ngưỡng mới tán thành cho việc lập tượng mình. Nhưng để tránh lạc đề và đi vào vết xe phê phán cũ, tác giả xin dừng tại đây và để dành quyền suy nghiệm cho đọc giả.
Lê Anh Huy