Thứ Năm, 30 tháng 5, 2019

Thái độ của Cơ-đốc nhân đối với Chủ Nhật-


-
Lê Anh Huy
1- Dẫn nhập: 
Trong bài “Thái độ của Cơ-đốc nhân đối với ngày Sa-bát” [1] chúng tôi dẫn chứng bằng Thánh Kinh rằng Luật Môi-se, mà dấu là ngày Sa-bát đã được chính Đức Chúa Jesus và các sứ đồ tuyên bố hết hạn. Vì vậy, những điều luật trong luật Môi-se, ngoại trừ những điều răn được phục truyền qua Tân Ước, không có quyền hạn trên Cơ-đốc nhân. Trái với Giao Ước Môi-se, Tân Ước không qui định một ngày nào là ngày nghỉ chính thức cho Hội Thánh Chúa. Vì trong Hội Thánh ban đầu có khuynh hướng ép buộc Cơ-đốc nhân người ngoại phải tuân phục luật Môi-se, nên Sứ Đồ Phao-lô trong nhiều thư tín, khuyên lơn Cơ-đốc nhân biết chấp nhận lẫn nhau nếu có sự khác biệt về sự chọn lựa ngày nghỉ (Rô-ma 14). Cụ thể là chọn ngày Thứ Bảy hoặc Chủ nhật hoặc bất cứ một ngày nào trong tuần là ngày nghỉ để thờ phượng Chúa đều được Đức Chúa Trời chấp nhận. 


-
Theo bài [1], chúng ta biết được sự thờ phượng Đức Chúa Trời trong ngày Thứ Bảy bắt nguồn từ sự tuân giữ ngày Sa-bát. Còn gốc gác của việc thờ phượng Đức Chúa Trời trong ngày Chủ Nhật là gì? Có hai khuynh hướng về Chủ Nhật: 1- Hậu thuẫn: Chủ Nhật là “ngày Sa-bát mới,” 2- Chống đối: Chủ Nhật là ngày là ngày thờ thần mặt trời của ngoại giáo. Trong bài này tác giả sẽ trình bày quan điểm của mình về vấn đề thờ phượng Chúa trong ngày này.
2- Ngày Chủ Nhật là ngày Sa-bát mới?
Khuynh hướng (1) có gốc gác từ Hội nghị Lao-đi-xê (364 AD) qui định “ngày của Chúa” là ngày nghỉ. Ca-nông (canon) 29 của hội nghị Lao-đê-xi viết như sau: 
“Christians must not judaize by resting on the Sabbath, but must work on that day, rather honouring the Lord's Day; and, if they can, resting then as Christians. But if any shall be found to be judaizers, let them be anathema from Christ.” [2]
(Cơ-đốc nhân không được do-thái hóa bằng cách nghỉ ngơi trong ngày Sa-bát, nhưng phải làm việc trong ngày đó, thay đó, tôn kính ngày của Chúa; và, nếu có thể, nghỉ ngơi [trong ngày đó] trong tinh thần Cơ-đốc nhân. Nếu có ai bị bắt gặp trở lại Do-thái giáo, hãy a-na-thêm họ.”
-
Theo đó, chúng ta thấy rõ là ca-nông 29 đã vô hiệu hóa ngày nghỉ Sa-bát, qui định biện pháp trừng phạt người vẫn còn tuân giữ nó, và khuyến khích Cơ-đốc nhân tôn kính “ngày của Chúa.” Chỉ có một nơi duy nhất trong Thánh Kinh nhắc tới “ngày của Chúa” (Khải Huyền 1:10). Vì không đủ dữ kiện, chúng ta không thể kết luận rằng “ngày của Chúa” chính là ngày Chủ Nhật. Tuy vậy, vẫn có truyền thống cho rằng “ngày của Chúa” chính là Chủ Nhật (vì vậy mới có danh từ Chúa Nhật) như chúng ta sẽ thấy trong phần sau. 
Theo năm tháng, nhiều điều luật của Luật Môi-se được áp đặt vào ngày Chủ Nhật nên dần dần nó bị “sa-bát hóa” thành “thánh nhật” theo như quan niệm của nhiều Cơ-đốc nhân hiện nay. Ngày Chủ Nhật đã từ từ thay thế ngày Thứ Bảy (ngày Sa-bát) để chểm chệ nằm trong Điều Răn Thứ Tư của Mười Điều Răn mà Đức Chúa Trời ban cho dân tộc Do-thái qua Môi-se. Cụ thể là nhiều anh chị em Cơ-đốc cho rằng ngày Chủ Nhật chỉ được dùng để thờ phượng Chúa; và tín đồ của Chúa không được làm việc riêng và nhọc xác như buôn bán, dọn dẹp nhà cửa, vườn tược, v.v. trong ngày này. Chúng ta nhận ra rằng sự thay thế này chỉ một phần vì xử tử bằng ném đá (Số 15:32-26; Xuất Ê-díp-tô ký 31:14 và 35:2) cho những ai vi phạm luật Sa-bát không được áp dụng cho “luật Sa-bát mới.” Do vậy, xem ngày Chủ Nhật là “ngày Sa-bát mới” trong điều răn Thứ Tư có tính tùy tiện và chủ quan. Sự tùy tiện này cũng đúng cho những Cơ-đốc nhân cổ vũ cho sự “tuân giữ ngày Sa-bát,” vì các anh em này chỉ dùng ngày Thứ Bảy làm ngày nghĩ ngơi thôi chứ chẳng có ai dám thi hành luật tử hình cho phạm nhân cả. Sự tùy tiện nằm ở chổ là Luật Pháp Môi-se được Đức Chúa Trời ban cho Y-sơ-ra-ên như một khối thống nhất; không một ai có thể thay đổi hoặc sửa chữa để hợp với ý riêng của mình [1]. Nếu đã “tuân giữ ngày Sa-bát” thì phải tuân giữ toàn bộ luật Sa-bát trong đó có luật tử hình. Còn nếu chỉ tuân giữ một phần thôi thì không nên xem đó là một luật mới thay thế luật của Đức Chúa Trời. “Tuân giữ ngày Sa-bát” khác với “chọn ngày Thứ Bảy để nghỉ ngơi.” Phước thay là luật Môi-se không áp dụng cho Cơ-đốc nhân, và chúng ta có thể nghỉ ngơi trong bất cứ ngày nào (Rô-ma 14). 
-
Sự thay thế ngày Sa-bát bằng Chủ Nhật không ít thì nhiều chịu ảnh hưởng của thần học thay thế [3]. Đây là niềm tin cho rằng Hội Thánh Chúa là “Y-sơ-ra-ên mới,” đã thay thế Y-sơ-ra-ên vì dân tộc này đã bị hủy diệt vì đã chối bỏ Đấng Christ của mình. Hậu quả là Luật Môi-se đã được Cơ-đốc hóa, và ngày Sa-bát đã, một cách tùy tiện và chủ quan, biến thành ngày “Sa-bát mới” tức là Chủ Nhật trong quan niệm của nhiều Cơ-đốc nhân hiện nay. Điều cơ bản mà chúng ta cần luôn luôn nắm chắc là: 1- Tất cả những lời hứa Đức Chúa Trời ban cho dân tộc Y-sơ-ra-ên sẽ được làm trọn trong ngày cuối cùng, 2- Y-sơ-ra-ên và Hội Thánh là hai thực thể khác nhau, và 3- Một Giao Ước và nội dung của nó là Luật Pháp chỉ có một đối tượng nhận lãnh tương ứng. Vì thế Cơ-đốc nhân không nên bao giờ lầm lộn giữa Y-sơ-ra-ên và Hội Thánh. Nói cách cụ thể, Sa-bát là một trong các điều răn Đức Chúa Trời ban cho Y-sơ-ra-ên; trong Giao Ước Mới, không có điều răn tương đương cho ngày Sa-bát. 
-
Khi đọc đến đây, tác giả xin đọc giả chớ có hiểu lầm là tác giả khuyết khích Cơ-đốc nhân bỏ nhóm. Thánh Kinh có khuyên Cơ-đốc nhân chớ bỏ sự nhóm lại (Hê-bơ-rơ 10:25), nhưng không có chổ nào trong Thánh Kinh qui định bao nhiêu lần trong một tuần Cơ-đốc nhân phải nhóm. Thánh Kinh cũng không qui định ngày nhóm lại là ngày nào, và tại đâu. Vì thế, Chủ Nhật không phải là “thánh nhật,” cũng không phải là ngày “Sa-bát mới,” và cơ sở của Hội Thánh cũng không phải là “thánh đường.” Tuy nhiên có một vấn đề thực dụng là nếu Hội Thánh địa phương đã quyết định chọn Chủ Nhật (hay một ngày nào đó) là ngày nhóm, và Cơ-đốc nhân lại muốn đi làm trong ngày đó, thay vì ngày khác, thì Cơ-đốc nhân đó sẽ phạm vào lời khuyên trong Hê-bơ-rơ 10:25. Hơn nữa, trong một Hội Thánh phải có sự tuân phục lẫn nhau (Ê-phê-sô 5:21) để Đức Chúa Jesus được tôn kính. Nếu có Cơ-đốc nhân chỉ có một nghề để kiếm sống, và việc làm lại trùng vào ngày Hội Thánh nhóm thì đó là một vấn đề khác, không do Cơ-đốc nhân đó chủ động. 
-
3- Ngày Chủ Nhật là ngày là ngày thờ thần mặt trời?
Niềm tin vào ngày Chủ Nhật là ngày thờ thần mặt trời bắt nguồn từ sắc lịnh của Đại Đế Constantine (ngày 7, tháng 3, năm 321 AD) qui định ngày “của Mặt Trời đáng kính” là ngày nghỉ trong toàn cõi đế quốc La-mã:
“On the venerable Day of the Sun let the magistrates and people residing in cities rest, and let all workshops be closed. In the country, however, persons engaged in agriculture may freely and lawfully continue their pursuits; because it often happens that another day is not so suitable for grain-sowing or for vine-planting; lest by neglecting the proper moment for such operations the bounty of heaven should be lost.” [4]
(Trong ngày đáng kính của Mặt Trời, các quan chức và dân chúng sống trong các thành phố nghỉ ngơi, và hãy đóng cửa tất cả các tiệm. Tuy nhiên, trong các vùng quê, nông dân có tự do tiếp tục công việc của mình, bởi vì nếu để ngày khác thì không thích hợp cho việc gieo hạt và trồng nho; sợ rằng bỏ qua thời điểm tốt đó để gieo trồng thì phước của thiên đàng sẽ bị mất.) 
-
“Ngày đáng kính của Mặt Trời” này là ngày nào? Chúng ta hãy xem lời giải thích trong tự điển Bách Khoa của giáo hội Công Giáo như sau:
“The Church further obtained the right to inherit property, and Constantine moreover placed Sunday under the protection of the State. It is true that the believers in Mithras also observed Sunday as well as Christmas. Consequently Constantine speaks not of the day of the Lord, but of the everlasting day of the sun.” [5]
(Hội Thánh còn được quyền thừa hưởng tài sản, và hơn nữa Constantine đặt ngày Chủ Nhật dưới sự bảo hộ của chính quyền. Đúng là tín đồ tại Mithras tuân giữ Chủ Nhật cũng như Giáng sinh. Nhưng, Constantine không nói [về ngày Chủ Nhật] là ngày của Chúa, mà là ngày vĩnh hằng của mặt trời.)
Như vậy, theo lời giải thích của tài liệu này, “ngày của Chúa,” Chủ Nhật và “ngày của mặt trời” là một. Vì sự trùng hợp này mà có nhiều Cơ-đốc nhân chống báng sự thờ phượng trong ngày Thứ Nhất, cho rằng nó có nguồn gốc ngoại giáo. Công việc của tác giả không phải đi phản chứng hay thuận chứng cho sự kết luận của tài liệu của Công Giáo nhưng chứng minh rằng sự thờ phượng trong ngày Thứ Nhất bắt nguồn từ Thánh Kinh như sau. 
-
Truyền thống của sự thờ phượng trong ngày Thứ Nhất đã được Thánh Kinh đề cập đến đầu tiên trong Công Vụ Các Sứ Đồ: “Ngày thứ nhứt trong tuần lễ, các môn đồ nhóm lại để bẻ bánh; Phao-lô giảng cho họ, sẳn sàng đi ngày mai, nên người tiếp tục nói chuyện cho đến nữa đêm” (20:7) (dịch lại từ King James). Tưởng cũng nên nhắc lại, một ngày của người Do-thái bắt đầu từ hoàng hôn của ngày hôm trước và chấm dứt vào hoàng hôn của ngày hôm sau. Cụ thể là ngày Thứ Nhất của Do thái bắt đầu từ hoàng hôn của ngày Thứ Bảy và chấm dứt vào hoàng hôn của ngày Thứ Nhất của tuần sau. Do đó, theo câu Thánh Kinh này, các môn đồ tại Trô-ách nhóm lại để ăn tiệc thánh vào tối thứ Bảy theo kiểu tính giờ của chúng ta (tức là ngày Thứ Nhất của Do thái); Phao-lô giảng cho họ trong bữa ăn này cho đến nữa đêm vì sáng hôm sau (tức Chủ Nhật) ông sẽ lên đường đi nơi khác. Trong ngày đầu tuần, Cơ-đốc nhân còn có thói quen thu thập của dâng theo như lời của Phao-lô căn dặn: “Cứ ngày đầu tuần lễ mỗi một người trong anh em khá tùy sức mình chắt lót được bao nhiêu thì để dành tại nhà mình, hầu cho khỏi đợi khi tôi đến rồi mới góp” (1 Cô-rinh-tô 16:2). Như vậy, ngay trong những năm đầu tiên của Hội Thánh, Cơ-đốc nhân đã có thói quen ăn tiệc thánh, giảng và nghe giảng, dâng hiến trong ngày Thứ Nhất của tuần lễ. Sự nhóm lại của các Hội Thánh đương thời trong sáng Chủ Nhật vẫn còn nằm trong ngày Thứ Nhất của Do thái. Vì thế, tác giả tin rằng truyền thống thờ phượng Chúa trong Chủ Nhật bắt nguồn từ việc nhóm lại của các tín đồ Trô-ách trong ngày Thứ Nhất. Tuy nhiên, chúng ta cần nhấn mạnh rằng, Thánh Kinh chỉ tường thuật việc các Cơ-đốc nhân Trô-ách nhóm thờ phượng Chúa trong ngày Thứ Nhất mà không qui định ngày này hay bất cứ một ngày nào khác là ngày nghỉ chính thức cho Cơ-đốc nhân. 
-
4- Kết luận:
Tân Ước không qui định ngày nào trong tuần là ngày Cơ-đốc nhân phải nghỉ công việc mình để thờ phượng. Sự nhóm lại trong ngày Thứ Nhất của Cơ-đốc nhân tại Trô-ách chỉ là một lựa chọn của họ, và truyền thống nhóm lại trong Chủ Nhật của các Hội Thánh hiện nay có lẽ bắt nguồn từ đây. Tác giả tin rằng sự cáo buộc rằng sự thờ phượng Chúa trong Chủ Nhật bắt nguồn từ ngoại giáo là hẹp hòi. Mặt khác, tác giả cũng tin rằng “sa-bát hóa” Chủ Nhật là một việc làm phản kinh. Chọn ngày nào trong tuần để nghỉ ngơi và thờ phượng Đức Chúa Trời là do Hội Thánh địa phương và cá nhân Cơ-đốc nhân quyết định. Vì vậy, Cơ-đốc nhân không nên dựa vào sở thích cá nhân để phán xét anh em khác có khuynh hướng khác mình. Phán xét người khác dựa vào những điều Đức Chúa Trời không cho là tội, có tội với chính Ngài, và với các anh em đó.
Tài liệu tham khảo
1- Lê Anh Huy, “Thái độ của Cơ-đốc nhân đối với ngày Sa-bát,”http://prayers4vn.net/node/136
2- Catholic Encyclopedia, “Synod of Laodecia,”http://www.newadvent.org/fathers/3806.htm
3- Lê Anh Huy, “Thần học thay thế,” http://prayers4vn.net/node/142
4- Codex Justinianus, History of the Christian Church, lib. 3, tit. 12, 3; Trans. in Philip Schaff, Vol. 3 (5th ed.; New York: Scribner, 1902), p. 380, note 1.
5- Catholic Encyclopedia, “Constantine the Great,”http://newadvent.org/cathen/04295c.htm