Thứ Ba, 9 tháng 7, 2019

NHỮNG ĐIỀU KHÓ HIỂU TRONG THƠ HÊ-BƠ-RƠ




Sau 20 thế kỷ, cuộc tranh luận về tác quyền của thơ Hê-bơ-rơ vẫn chưa ngã ngũ. Chúng ta không thể xác quyết Phao-lô là tác giả thơ tín nầy, dù trong các ứng viên mà các học giả đề nghị thì ông là người sáng giá nhất, có nhiềutư cách  nhất.

 Có lẽ thơ Hê-bơ-rơ được viết ra khoảng năm 67 S.C.. Có bảy sách trong Tân Ước mà giáo hội nghị Hội Thánh chậm phê chuẩn là Lời Đức Chúa Trời, trong đó có thơ Hê-bơ-rơ. Những sách nầy là : Gia-cơ, Hê-bơ-rơ; 2 và 3 Giăng, 2 Phi-e-rơ, Giu-đe và Khải Thị của Giăng. Các sách nầy đuợc Giáo hội nghị năm 397 S.C., nhóm họp tại Carthage, Tunisia, Bắc Phi Châu, công nhận là một phần của kinh điển Tân ước. Trong thơ Hê-bơ-rơ nầy có một số điều rất khó hiểu, tôi xin trình bày như sau:


I. Hê-bơ-rơ 4:9, “Vậy thì còn lại một sự nghỉ ngơi sa-bát cho dân Đức Chúa Trời”
Lẽ thật về sự an nghỉ sa-bát rất là rối rắm, gây khó hiểu cho cơ đốc nhân hôm nay. Vì có đến vài ba sự an nghỉ sa-bát.
  1. Đây không phải là sự an nghỉ sa-bát mà hội Cơ Đốc phục lâm An thất nhật rao giảng. Sự an nghỉ sa-bát mà họ tin là sự an nghỉ vào ngày thứ bảy mỗi tuần lễ hôm nay, y như sự tuân thủ ngày sa-bát trong thời Cựu Ước.
  2. Hê-bơ-rơ 3:9-11, 16-19, “Là nơi tổ phụ các ngươi thử Ta, dò Ta, và thấy công việc Ta bốn mươi năm. Cho nên Ta chán phiền dòng dõi nầy, và phán rằng: 'Trong lòng họ lầm lạc luôn, Chẳng từng biết đường lối Ta.' Ta bèn thề trong thạnh nộ Ta rằng: 'Họ sẽ chẳng hề vào sự nghỉ ngơi của Ta!'--Vậy, ai là kẻ nghe, rồi chọc tức? Há chẳng phải hết thảy những kẻ đã nhờ Môi-se mà ra khỏi Ai-cập sao? Lại Ngài chán phiền ai trong bốn mươi năm? Há chẳng phải những kẻ phạm tội, mà thây họ đã ngã trong đồng vắng sao? Ngài lại thề với ai rằng không được vào sự nghỉ ngơi của Ngài? Há chẳng phải với những kẻ không vâng phục sao? Dường ấy, chúng ta thấy họ không thể vào đó được vì cớ vô tín”.

Sự an nghỉ trong miền đất tốt lành là mục tiêu của con cái Y-sơ-ra-ên mà đã được cứu chuộc và giải phóng ra khỏi Ai-cập. Tác giả thơ Hê-bơ-rơ nói, “Lại Ngài chán phiền ai trong bốn mươi năm? Há chẳng phải những kẻ phạm tội, mà thây họ đã ngã trong đồng vắng sao? Dường ấy, chúng ta thấy họ không thể vào đó được vì cớ vô tín” (Hê-bơ-rơ 3:17,19).

Có trên 600 ngàn người nam trên 20 tuổi ra khỏi Ai-cập vào buổi tối lễ Vượt qua đầu tiên. Chỉ có Ca-lép và Giô-suê được vào đất hứa an nghỉ. Dân số ký 14: 28-35 cho chúng ta biết thêm phán quyết của Đức Chúa Trời trên 600 ngàn người nầy như sau: “Hãy nói với dân chúng: Đức Giê-hô-va nói rằng: Ta chỉ sự hằng sống Ta mà thề, Ta sẽ đãi các ngươi tùy theo lời Ta đã nghe các ngươi nói;  những thây các ngươi sẽ ngã nằm trong đồng vắng nầy. Các ngươi mà người ta đã tu bộ, hết thảy bao nhiêu cũng vậy, từ hai mươi tuổi sắp lên, là những kẻ đã lằm bằm cùng ta,  thì chẳng hề được vào xứ mà ta đã thề cho các ngươi ở, ngoại trừ Ca-lép, con trai của Giê-phu-nê, và Giô-suê, con trai của Nun. Nhưng ta sẽ đem vào xứ những con trẻ của các ngươi mà các ngươi có nói rằng: Chúng nó sẽ bị làm một miếng mồi; rồi chúng nó sẽ biết xứ các ngươi đã chê bai. Còn những thây các ngươi sẽ ngã nằm trong đồng vắng nầy. Con cái các ngươi sẽ chăn chiên Sách khác dịch: Con-cái của các ngươi sẽ lưu ly trong đồng vắng nơi đồng vắng trong bốn mươi năm, và sẽ mang hình phạt vì tội thông dâm của các ngươi, cho đến chừng nào thây của các ngươi đã ngã rạp hết trong đồng vắng.  Các ngươi đi do thám xứ bao nhiêu ngày, nghĩa là bốn mươi ngày, thì các ngươi cũng sẽ mang hình phạt vì tội gian ác mình bấy nhiêu năm, nghĩa là bốn mươi năm, một năm đền cho một ngày; bấy giờ các ngươi sẽ biết Ta đã xây khỏi các ngươi. Ta, Đức Giê-hô-va, đã phán: Ta sẽ làm điều nầy cho cả hội chúng hung dữ nầy đã hiệp lại nghịch cùng Ta; chúng nó sẽ bị hao mòn và chết tại trong đồng vắng nầy”.      

Khi tác giả thơ Hê-bơ rơ viết những lời trong chương 3 và 4 nầy, án lệnh của Chúa đã đuợc thi hành trên dân Y-sơ-ra-ên Cựu ước xong rồi. Vậy ông viết chương 3 và 4, nhất là câu 4:9, “Vậy thì còn lại một sự nghỉ ngơi sa-bát cho dân Đức Chúa Trời”, có ngụ ý gì? Ông muốn cảnh cáo toàn bộ cơ đốc nhân Do thái, cơ đốc nhân ngoại bang vào thời của ông. Họ có thể phạm tội, vô tín, bất phục mà sẽ bị ngã chết trong đồng vắng tâm lý (thuộc hồn)  không được vào sự an nghỉ sa-bát trong vương quốc 1000 năm của Đấng Christ, và tôi tin lời cảnh cáo mạnh mẽ nầy cũng được áp dụng cho chúng ta, là cơ đốc nhân từ các dân tộc trên toàn thế giới ngày nay.

Các bạn dám quả quyết rằng mình sẽ được vào sự an nghỉ sa-bát trong vương quốc Đấng Christ nay mai không? Danh từ “sa-bát” có nghĩa là “sự an nghỉ”. Tôi thấy có ba sự an nghỉ sa-bát dành cho con dân của Chúa như sau:

a/ Sự an nghỉ trong tâm linh, trong tâm hồn và trong tấm lòng khi chúng ta đến với Chúa Jesus, tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa và Chúa của mình. Chúa phán hứa, “Hỡi những kẻ mệt mỏi và nặng gánh ưu tư, hãy đến cùng Ta. Ta sẽ cho các con được yên nghỉ”.

b/ Sự an nghỉ sa-bát trong vương quốc thiên hi niên:
Chúa và các sứ đồ miêu tả sự an nghỉ trong vương quốc như sau: Ma-thi-ơ 8:11, “Ta nói cùng các ngươi, có nhiều người từ đông, tây sẽ đến mà ngồi bàn với Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp trong nước trời”. Trong bản Kinh thánh Anh văn, động từ “ngồi” ở đây là recline, có nghĩa là nằm dựa cách thoải mái. Ma-thi-ơ 25:21, “Chủ nói với người rằng: 'Đầy tớ lương thiện trung tín kia ơi, tốt lắm! Ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, Ta sẽ đặt ngươi trên việc lớn; hãy vào sự vui mừng của chủ ngươi”. 2 Phi-e-rơ 1:11, “song dường ấy sẽ ban cho anh em được vào cách thảnh thơi trong nước đời đời của Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Jêsus Christ”.

 Các bạn đừng tưởng rằng việc vào nuớc 1000 năm của Đấng Christ là việc đương nhiên và dễ dàng cho mọi người tin Chúa. Chỉ những tín đồ đắc thắng như Ca-lép và Giô-suê mới được vào đó cách thảnh thơi. Đại đa số dân Chúa bị quăng vào nơi khóc lóc và nghiến răng. Đó không phải là ngục luyện tội hay hồ lửa.

  1. Sự an nghỉ sa bát trong trời mới và đất mới.
1 Cô-rinh-tô 15:24-27 chép, “Đoạn, cuối cùng đến, là lúc Ngài sẽ giao nước lại cho Đức Chúa Trời là Cha, sau khi Ngài đã bãi bỏ mọi chấp chánh, mọi quyền bính, và mọi thế lực. Vì Ngài cần phải làm Vua cho đến chừng Đức Chúa Trời đem mọi thù nghịch để dưới chân Ngài. Thù nghịch bị diệt trừ sau cùng là sự chết. Vì có chép: “Đức Chúa Trời đã khiến muôn vật đều phục dưới chơn Ngài.” Mà đã nói rằng: “Muôn vật đều phải phục Ngài,” thì rõ ràng phải trừ ra Đấng khiến muôn vật phục Ngài. Khi muôn vật đã phục Ngài, thì bấy giờ chính Con cũng sẽ phục Đấng đã khiến muôn vật phục mình, hầu cho Đức Chúa Trời làm mọi sự trong mọi sự”. Khải thị 22:3-5, “Chẳng còn có sự nguyền rủa nữa, nhưng ở trong thành có ngai của Đức Chúa Trời và Chiên Con, các đầy tớ Ngài sẽ phụng sự Ngài, được thấy mặt Ngài và danh Ngài sẽ ở trên trán của họ. Đêm không còn có nữa; họ không cần ánh sáng đèn hay ánh sáng mặt trời, vì Chúa là Đức Chúa Trời sẽ sáng toả họ, và họ sẽ làm vua cho đến đời đời vô cùng”.
Hai phân đoạn Kinh thánh nầy miêu tả sự an nghỉ sa-bát của con cái Đức Chúa Trời trong cõi đời đời. Họ chỉ vui hưởng mọi sự Chúa là gì và có gì, rồi đồng trị  vì với Ngài đến vĩnh viễn.

Sự an nghỉ sa-bát của giai đoạn 1 và 3 là ban tứ miển phí, là quà tặng của Đức Chúa Trời cho mọi người đuợc cứu. Đó là phần hưởng của mọi con dân của Ngài. Nhưng sự an nghỉ sa-bát trong giai đoạn 2, là giai đoạn 1000 năm trong vương quốc Đấng Christ, không ban cấp miển phí, nhưng là phần thuởng cho những ai đắc thắng.
Xưa kia Ca-lép và Giô-suê đã trả giá  rất đắt, thậm chí bằng chính sinh mạng mình mới nhận lãnh được. Hình ảnh nầy làm biểu hiệu cho chúng ta ngày nay. Trên 600 ngàn người nam mà chỉ có hai người vào sự an nghỉ đó. Trong mấy tỉ cơ đốc nhân Tân ước thì có bao nhiêu người được Đức Chúa Trời phê chuẩn cho vào vương quốc đó an nghỉ đây? Không ai biết được. Tôi tin số lượng đó là thành phần thiểu số. Bạn dám chắc mình được vào sự an nghỉ sa-bát trong vương quốic nầy không? Hãy trả giá thật cao để nhận được điều đó.


II.Hê-bơ-rơ 6:1-7:  Đây là vấn nạn thứ hai trong thơ Hê-bơ-rơ.

Bản Nhuận Chánh dịch:“Ấy vậy, chúng ta nên gác qua sự sơ học về đạo Đấng Christ mà bươn tới sự trọn vẹn, chớ nên lập lại nền tảng nữa, như sự ăn năn việc chết, đức tin đến Đức Chúa Trời,  sự dạy dỗ về báp-têm, về sự đặt tay, về sự sống lại của kẻ chết, và về sự xét đoán đời đời. Ví bằng Đức Chúa Trời cho phép, thì chúng ta sẽ làm điều đó.  Vì chưng kẻ đã được soi sáng một lần, đã nếm ân tứ trên trời, đã có phần trong Thánh Linh,  đã nếm đạo lành của Đức Chúa Trời, và các quyền năng của đời tương lai,  nếu lại sa ngã thì không thể khiến họ đổi mới mà ăn năn nữa, vì họ lại đem Con Đức Chúa Trời mà đóng đinh trên thập tự giá cho mình một lần nữa, và bêu xấu Ngài tỏ tường.  Vì đất nào đã thấm nhuần mưa móc từng sa trên nó mà sanh cây cỏ thích dụng cho người cày cấy, thì được phước của Đức Chúa Trời. Nhưng nếu nó sanh gai gốc, tật lê, thì bị bỏ và sắp bị rủa, kết cuộc là phải đốt”

Bản Truyền thống hiệu đính 2010 dịch: “Vậy, chúng ta phải bỏ qua các điều sơ học về đạo Đấng Cơ Đốc, mà tiến tới sự trưởng thành, đừng đặt lại những vấn đề nền tảng nữa, như: sự ăn năn các công việc chết, đức tin nơi Đức Chúa Trời,  sự dạy dỗ về các báp-têmCtd: các nghi lễ thanh tẩy , sự đặt tay, sự sống lại từ cõi chết và sự phán xét đời đời Nếu Đức Chúa Trời cho phép, thì chúng ta sẽ làm điều đó. Vì những người đã được soi sáng một lần, đã từng nếm sự ban tặng từ trời, đã dự phần về Đức Thánh Linh, đã nếm sự tốt đẹp của lời Đức Chúa Trời, và quyền năng của thời đại sẽ đến;  nếu vấp ngã, thì không thể nào phục hồi để ăn năn được, vì chính họ đóng đinh Con Đức Chúa Trời một lần nữa, và công khai sỉ nhục Ngài.  Vì đám đất nào thấm nhuần mưa móc mà sinh hoa mầu, có ích cho người cày cấy, thì đất đó hưởng phước lành của Đức Chúa Trời.  Nhưng nếu đất nào chỉ sinh gai góc và chà chuôm thì vô giá trị và bị rủa sả, cuối cùng phải bị đốt”.

Bản Dịch mới 2002 dịch, “Vì thế, chúng ta hãy từ bỏ bài học vỡ lòng về đạo lý của Chúa Cứu Thế mà tiến lên bậc trưởng thành, tức là không cần phải đặt lại nền móng cho giáo lý ăn năn từ bỏ những công việc chết, đức tin nơi Đức Chúa Trời,  giáo huấn về phép báp-temCtd: giáo huấn về các lễ thanh tẩy của người Do Thái , lễ đặt tay, sự sống lại của người chết và sự phán xét đời đời.  Đây là điều chúng ta sẽ làm nếu Đức Chúa Trời cho phép. Những người từng được soi sáng, từng nếm ân tứ thiên thượng, từng dự phần về Thánh Linh,  từng kinh nghiệm lời tốt lành của Đức Chúa Trời cũng như các quyền năng của đời tương lai.  Nếu họ sa ngã thì không thể nào phục hồi để ăn năn trở lại; họ đã tự mình đóng đinh Con Đức Chúa Trời một lần nữa và công khai sỉ nhục Ngài. Vì đất mà được mưa dồi dào đượm nhuần, sinh cây cỏ ích lợi cho người canh tác thì nhận được phúc lành từ Đức Chúa Trời.  Nhưng nếu sinh gai gốc, chà chuôm thì đất trở thành vô giá trị, gần bị rủa sả và cuối cùng bị thiêu đốt”.

Do lời dịch diễn ý của ba bản Kinh thánh trên đây nên đại đa số con dân Chúa—bất kể thượng hạ văn của thơ Hê-bơ-rơ ra sao—đã hiểu lầm cách tai hại. Dân Chúa tin rằng những người tin đã được soi sáng, đã nếm qua lời tốt lành của Đức Chúa Trời, mà nếu sa ngã thì không thể lại ăn năn được nữa, vì họ đã đem Con Đức Chúa Trời ra đóng đinh một lần nữa, và bêu xấu Ngài. Họ sẽ hư mất đời đời.

Bản The New Greek-English Interlinear New Testament dịch sát ý câu 4 và 5 như sau: “ For (it is) impossible for the ones once having been lightened, both having tasted of  the heavenly gift and having become partners of (the) Holy Sprit and having tasted (the) good word of God and (the) powers of the coming age and having fallen away, to renew again to repentance, crucifiing to themslves the Son of God and holding (Him) up to contempt”

Tôi xin tạm dịch như sau: “Vì không có khả năng cho những ai đã được soi sáng, vừa đã từng nếm ân tứ thuộc thiên và đã từng trở nên các kẻ đồng dự phần Thánh Linh và đã từng nếm lời tốt lành của Đức Chúa Trời và các quyền năng  của thời đại hầu đến, và đã từng ngã ra lại làm mới cho sự ăn năn, đóng đinh Con Đức Chúa Trời cho chính họ và bêu nhục (Ngài)”.

Thưa các bạn,
Khúc Kinh thánh Hê-bơ-rơ 6:1-7 nầy là một trong những nan đề lớn nhất trong Kinh thánh. Hầu hết những ai nghi ngờ sự cứu rỗi đời đời đều vin khúc nầy để làm chỗ dựa. Thực ra, khúc nầy không bàn về sự cứu rỗi, nhưng bàn về sự tăng trưởng thuộc linh để đạt đến bậc thành nhân trong Chúa. Muốn hiểu khúc Kinh thánh nầy, chúng ta phải bắt đầu với cuối chương 5 câu 14 của thơ Hê-bơ-rơ. Câu nầy chép, “Thật ra, đáng lẽ bây giờ anh chị em đã thành giáo sư rồi, thế mà anh chị em vẫn cần có người dạy những điều sơ học về lời Đức Chúa Trời. Anh chị em cần ăn sữa thay vì thức ăn đặc.  Ai phải bú sữa thì vẫn còn thơ ấu, chưa biết Đạo công chính.  Nhưng thức ăn đặc dành cho người trưởng thành là người nhờ thực hành mà luyện tập được khả năng phân biệt thiện, ác” (Bản dịch mới 2002). Đầu câu 1 của chương 6 BNC dịch “ấy vậy”, còn Bản dịch mơi ghi “vì thế” ngụ ý vì cần tăng truởng thuộc linh, chúng ta phải bỏ qua các bài học vỡ lòng như là đức tin, báp-têm…và bỏ qua nan đề sa ngã tại câu 4 và 5 đây đã chép. Hê-bơ-rơ 6:1-7 khuyến khích chúng ta tiến tới sự trưởng thành thuộc linh, chớ không nói về sự thối lui hư mất.

Hê-bơ-rơ 6:1-8 là lời của vị sứ đồ nói về sự việc tiến tới sự trưởng thành. Tám câu nầy có thể chia làm 3 phần, và có ba chữ tiêu biểu cho ba phần đó, là: không cần, không có thể và không có quyền.
Các câu 1-3 nói chúng ta không cần lập lại nền tảng của mình sau khi đã tin Chúa. Nền tảng ban đầu đó gồm có 6 sự việc: ăn năn, đức tin, báp-têm, sự đặt tay, sự sống lại, sự xét đoán đời đời. Sáu phần của nền tảng nầy cần được lập ra một lần đủ cả cho người tin, không cần phải lập lại, cho dù người tín đồ có sa ngã về sau.

Các câu 4-6 là phần nói rằng chúng ta không có thể ăn năn tin Chúa lần nữa, cho dù ta có té ngã. Những ai đã được soi sáng, đã nếm sự ngọt ngào của Lời Chúa, đã dự phần Thánh Linh, đã nếm quyền năng thời tương lai, nếu có té ngã, thì cứ đứng dậy mà tiến tới sự trưởng thành, chớ không cần ăn năn tin Chúa lần nữa. Thí dụ như sứ đồ Phi-e-rơ đã té ngã, ông đã đứng dậy tiếp tực hành trình theo Chúa, chớ không thể lập lại nền tảng sự ăn năn.

“Sự ăn năn” làm mới lại trong câu 6 giống như “sự ăn năn” trong câu 1. Vì để tránh sự lặp lại, có thể làm độc giả chán nản, nên tác giả thơ Hê-bơ-rơ chỉ nói sự làm mới lại sự ăn năn, mà không nói làm mới lại 5 điều kia, như đức tin, báp têm, đặt tay, sự sống lại, sự xét đoán. Tác giả nói: sau khi ngã té, chỉ đứng dậy tiếp tục đi tới, chớ không thể làm tươi mới nền tảng gồm 6 phần tử trên kia. Còn con dân Chúa ngày nay lại hiểu rằng người ngã té không còn khả năng ăn năn, vì đã đóng đinh Chúa Jesus lần nữa, vậy nên người sa ngã sẽ hư mất đời đời.

Phần sau của câu 6, “đóng đinh Con Đức Chúa Trời cho chính họ và bêu nhục (Ngài)”. Một số người nói sa ngã là đóng đinh Con Đức Chúa Trời lần nữa. Ai có thể đóng đinh Chúa lần nữa? Công việc của Chúa Jêsus đã được hoàn thành một lần đủ cả. Ngài không giống như con bò hay con chiên, mà phải được giết khi có nhu cần. Về mặt của chúng ta, chúng ta không thể làm mới lại sự ăn năn tin Chúa lần nữa. Về mặt của Chúa, Ngài không thể làm mới lại sự đóng đinh. Nếu bạn làm mới lại sự ăn năn của bạn, có nghĩa là Chúa Jesus sẽ phải làm mới lại sự đóng đinh của Ngài. Khi ấy, bạn sẽ làm Chúa sỉ nhục tỏ tường. Bạn đã ngụ ý sự đóng đinh một lần của Chúa Jêsus thì không đầy đủ, phải có thêm các sự đóng đinh nữa, phải không?. Do đó, không có vấn đề sự cứu rỗi hay hư mất trong khúc Kinh thánh nầy. Sự cứu rỗi thì đời đời, không thể dời đổi. Hễ ai ngã té thì cần chổi dậy và khởi đầu cách mới mẻ lần nữa. Không thể đóng đinh Chúa lần nữa.

Vị sứ đồ đã nói bạn không cần và bạn không có thể lập lại nền tảng, còn trong các câu 7-8, ông nói bạn không có quyền. Tại sao chúng ta không có quyền? Vì cớ ta không có quyền lại lập nền đóng đinh Chúa Jesus lần nữa. Nếu ai làm điều đó, anh ta sẽ gặp sự nguy hiểm nghiêm trọng, anh ta sẽ bị hình phạt. “Vì đất mà được mưa dồi dào đượm nhuần, sinh cây cỏ ích lợi cho người canh tác thì nhận được phúc lành từ Đức Chúa Trời. Nhưng nếu sinh gai gốc, chà chuôm thì đất trở thành vô giá trị, gần bị rủa sả và cuối cùng bị thiêu đốt”.
  Sau khi đọc Hê-bơ-rơ 6:1-8 cách kỹ lưỡng, bạn có thể thấy rằng chương nầy nói về sự tiến bộ thuộc linh. Nó không bàn về sự cứu rỗi hay sự hư mất. Hê-bơ-rơ chương 6 không bao giờ nói rằng một người đã được cứu lại còn có thể hư mất.

III. Hê-bơ-rơ 10:25-31. Đây là một phân đoạn rất khó hiểu trong thơ Hê-bơ-rơ. Tôi giải nghĩa từng câu theo kinh văn Bản dịch mới 2002 như sau:
Câu 25, “Đừng bỏ sự nhóm họp với nhau như thói quen của vài người, nhưng hãy khuyến khích nhau; anh chị em nên làm như thế nhiều hơn khi thấy ngày Chúa càng gần”. Sự nhóm họp câu 25 nói là sự nhóm họp của các cơ đốc nhân. Vào thời kỳ đó, các nguời Hê-bơ-rơ đã tin Chúa Jesus, đã ra khỏi Do thái giáo. Khi họ tin Chúa Jêsus, họ trở thành cơ đốc nhân, và họ phải nhóm họp trong các buổi nhóm họp của Hội Thánh Tân uớc. Việc nhóm họp với các cơ đốc nhân ngang bằng việc phân rẽ khỏi Do Thái giáo. Nếu cơ đốc nhân Hê-bơ-rơ nào trở lại với các cuộc nhóm họp của Do Thái giáo, tương đương việc họ phân rẽ khỏi các buổi nhóm họp đúng đắn của cơ đốc nhân, nên tác giả thơ Hê-bơ rơ khuyên họ đừng bỏ các buổi nhóm họp cơ đốc.

Câu 26, “ Sau khi nhận biết chân lý, nếu chúng ta còn cố ý phạm tội, thì không còn sinh tế nào chuộc tội được nữa”. Chân lý hay lẽ thật ở đây là các điều được tiết lộ trong 9 chương trước của thơ tín nầy, cung cấp cho các cơ đốc nhân Hê-bơ-rơ sự hiểu biết đầy đủ rằng Đức Chúa Trời đã huỷ bỏ Cựu ước và thiết lập Tân ước rồi. Thời đó có nhiều cơ đốc nhân Hê-bơ-rơ bỏ các buổi nhóm họp cơ đốc mà trở lại dự phần các cuộc nhóm họp dâng sinh tế trong Do Thái giáo, theo giao ước cũ. Vì Chúa Jêsus đã dâng chính mình một lần đủ cả, làm tế lễ cho các tội lỗi của chúng ta, thay thế cho tất cả các tế lễ Cựu ước, nên theo Tân Ước, tác giả thơ Hê-bơ-rơ nói không còn tế lễ nào khác nữa. Vậy nên, nếu các cơ đốc nhân Hê-bơ-rơ không sống theo Tân ước, bỏ các buổi nhóm họp cơ đốc, trở lại Do Thái giáo để các dâng tế lễ, thì việc làm đó được coi là một tội lỗi cố ý.

Câu 27-28, “Chỉ còn sợ sệt chờ đợi sự xét đoán và lửa hừng sắp thiêu đốt những kẻ chống nghịch. Ai bất chấp luật Môi-se nếu có hai hay ba người chứng thì bị xử tử không thương xót”. Trong thời Cựu Uớc, hễ ai vi phạm luật Môi-se mà có hai người làm chứng, thì người đó sẽ bị xử tử. Tác giả thơ Hê-bo-rơ nói ai cố ý phạm tội là không đi nhóm họp với các cơ đốc nhân và vào đền thờ dâng tế lễ thì bị kể là kẻ thù, kẻ chống nghịch Đức Chúa Trời. Họ chỉ còn chờ gặp sự phán xét bằng lửa hừng của Chúa. Tôi run sợ khi thấy hôm nay vẫn còn một số giáo hội đang dâng tế lễ lên Đức Chúa Trời như thời Cựu ước.

Câu 29, “Huống hồ kẻ chà đạp Con Đức Chúa Trời, coi thường huyết giao ước đã thánh hóa mình và xúc phạm Thánh Linh ban ân sủng, thì anh chị em tưởng kẻ ấy không đáng bị hình phạt nặng nề hơn sao?”
Trong giao ước mới, Con Đức Chúa Trời thay thế mọi tế lễ của Cựu ước. Nếu cơ đốc nhân Hê-bơ-rơ quay lại Do Thái giáo để dâng tế lễ, họ đã giày đạp Con Đức Chúa Trời khi dâng tế lễ như vậy trong đền thờ tại Giê-ru-sa-lem, họ cũng đã coi huyết giao ước là vật phàm tục. Do tội cố ý như vậy, họ sẽ bị hình phạt nặng nề hơn người phạm luật Môi-se. Sự hình phạt nầy không phải là vào hồ lửa, mà bị quăng vào chỗ khóc lóc và nghiến răng trong thời gian của vương quốc 1000 năm, vì việc dâng tế lễ của họ đã xúc phạm Thánh Linh của ân sũng.

Câu 30-31, “Vì chúng ta biết Đấng đã phán: “Sự báo thù thuộc về Ta; chính Ta sẽ báo ứng,” lại bảo: “Chúa sẽ xét đoán dân Ngài.” Sa vào tay Đức Chúa Trời Hằng Sống là một điều khủng khiếp!”.Chúa là Đức Chúa Trời hằng sống, Ngài sẽ báo thù, Ngài sẽ phán xét nặng nề những cơ đốc nhân Hê-bơ-rơ nào cố ý phạm tội, là bỏ Hội thánh Tân Ước, quay lại Do thái giáo để dâng tế lễ. chúng ta phải giải nghĩa các câu Kinh thánh của thơ Hê-bơ-rơ 10:25-31 theo bối cảnh thời kỳ mà tác giả viết thơ Hê-bơ-rơ.

Kết luận, “Chúng ta hãy xem lại mẫu đối thoại giữa nhà truyền giảng Phúc âm Phi-líp và thái giám của vua Ê-thi-ô-bi như sau, “Phi-líp chạy đến, nghe ông ta đọc sách tiên tri I-sa, liền hỏi: “Ông có hiểu những điều ông đang đọc đó không?” Thái giám đáp: “Nếu không ai hướng dẫn làm sao tôi hiểu được?” Thái giám mời Phi-líp lên xe ngồi với mình. …Thái giám hỏi Phi-líp: “Tôi xin hỏi ông: Tiên tri của Chúa nói về ai đây? Về chính ông ta hay về ai khác?”  Phi-líp bắt đầu từ đoạn Kinh Thánh ấy mà truyền giảng về Đức Giê-su cho thái giám”.(Công Vụ. 8: 30-31, 34-35. Bản Dịch mới 2002)

Kinh Thánh Tân Ước có ba sách rất khó hiểu là Ma-thi-ơ, Hê-bơ-rơ và Khải thị. Khi hiện ra cho các sứ đồ vào buổi tối Chúa nhật, ngày Chúa sống lại, Lu- ca ghi lại rằng, “Lúc ấy, Ngài mở trí cho họ hiểu Kinh Thánh” (Lu-ca 24:45).
Nguyện Chúa, qua Linh Ngài, mở tâm trí chúng ta để chúng ta có thể hiểu đúng các phần khó hiểu trong Kinh Thánh. A-men./.
Thiên Trình- 20-9-2013

Sách tham khảo:
-          Wikipedia in internet
-          Watchman Nee, The Gospel of God, volume 2, Living Stream Ministry, Anaheim, California, U.S.A., 1990.
-          The New Greek English Interlinear New Testamen, Tyndale House Publisher , Ind., Carol Stream Illinois, U.S.A., 1990.