Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2012

Chúa Phán với Người Quan Tâm

50
Thánh Kinh được viết trong nước mắt và đào sâu vào đó sẽ tìm được những kho báu tuyệt diệu nhất. Đức Chúa Trời không có gì để nói với con người phù phiếm.


Chính Môi-se, một người đang run rẩy, được nghe Đức Chúa Trời phán trên núi, và cũng chính ông là người sau này đã giải cứu cả đất nước khi ông sấp mình xuống trước mặt Đức Chúa Trời với một của lễ để xin Ngài xóa tên ông khỏi sách của Ngài vì lợi ích của dân I-sơ-ra-ên. Lần kiêng ăn cầu nguyện dài ngày của Đa-ni-ên đã đưa Gáp-ri-ên từ thiên đàng đến để nói với ông về bí mật của các thế kỷ. Khi Giăng, một người rất được yêu mến, khóc dầm dề vì không có ai xứng đáng để mở cuốn sách có bảy ấn, thì một trong số những trưởng lão đã an ủi ông bằng một tin vui rằng Sư Tử của chi phái Giu-đa đã chiến thắng.
Những người viết thánh thi thường viết trong nước mắt, các nhà tiên tri khó có thể che đậy lòng phiền muộn của mình, và Sứ Đồ Phao-lô trong một lá thư đầy sự vui mừng gởi cho người Phi-líp đã đổ nước mắt khi ông nghĩ đến những người là kẻ thù của thập giá Đấng Christ và kết cuộc của họ là sự hủy diệt. Những nhà lãnh đạo Cơ-đốc đã làm rung chuyển thế giới là những người có lòng sầu não, những người mà lời chứng của họ cho cả nhân loại xuất phát từ cõi lòng phiền muộn, nặng gánh lo âu: Không hề có chút sức mạnh nào trong bản thân những giọt nước mắt, nhưng những giọt nước mắt và sức mạnh nằm sát cạnh nhau trong Hội Thánh đầu tiên.
Thật không phải là một ý tưởng đáng để yên lòng khi nhận ra rằng các tác phẩm của những nhà tiên tri mòn mỏi vì buồn phiền thường được nghiền ngẫm bởi những người thích thú chỉ vì tò mò và những người chẳng bao giờ đổ một giọt nước mắt nào vì những tai ương của thế giới này. Họ có sự tò mò về thời gian biểu của những sự kiện trong tương lai, mà quên rằng mục đích lớn của lời tiên tri trong Thánh Kinh là để chuẩn bị chúng ta về phương diện đạo đức cũng như thuộc linh cho thì giờ sắp đến.
Ngày nay, giáo lý về sự trở lại của Đấng Christ đã bị xao lãng, ít nhất là trên lục địa Bắc Mỹ, và như những gì tôi nhận thấy, khiến cho trong hàng ngũ các Cơ-đốc nhân tin vào Thánh Kinh không còn một chút sức mạnh nào. Về vấn đề này, theo như điều tôi tin, có thể có vài yếu tố góp phần, nhưng cái chủ yếu là lẽ thật của những lời tiên tri đã phải chịu đựng sự rủi ro giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, khi mà những con người không có nước mắt đảm trách việc hướng dẫn chúng ta vào các tác phẩm của những nhà tiên tri thánh chứa chan nước mắt. Những đám đông khổng lồ và những của dâng to lớn bởi đó mà ra cho đến khi thực tế chứng minh rằng các giáo viên đã sai lầm ở quá nhiều điểm; rồi thì phản ứng nổ ra và lời tiên tri mất đi thiện ý nơi mọi người. Đây là một cú lừa tinh xảo của ma quỷ: nó thực hiện quá hiệu quả. Chúng ta nên và phải học biết rằng chúng ta không thể luận giải những điều thánh khiết một cách bất cẩn mà không vướng phải những hậu quả nghiêm trọng.
Những con người không có nước mắt cũng đã gây nên mối nguy hại khôn tả cho chúng ta trong một lĩnh vực khác: cầu nguyện cho người bệnh. Luôn luôn có những con người kính sợ, nghiêm túc khi cảm biết nhiệm vụ thánh khiết của họ là cầu nguyện cho người bệnh để họ được chữa lành theo ý muốn Đức Chúa Trời. Người ta nói về Spurgeon rằng những lời cầu nguyện của ông đã vực dậy nhiều người bệnh hơn bất cứ sự chữa trị nào của các bác sĩ ở Luân Đôn. Khi những người lãnh đạo không có nước mắt tóm lấy giáo lý, nó đã bị biến thành một cái vợt sinh lợi. Những con người dịu dàng, đầy sức thuyết phục đã dùng các phương pháp tối ưu của nghệ thuật bán hàng để tạo nên những của cải ấn tượng từ các chiến dịch của họ. Những nông trại lớn và những món đầu tư tài chính khổng lồ của họ chứng minh họ đã thành công như thế nào trong việc tách rời người bệnh và tiền bạc của mình. Và điều này được làm trong danh của Đấng từng trải sự buồn bực, Đấng không có chỗ gối đầu!
Cái gì được thực hiện mà không có tấm lòng là cái được thực hiện trong bóng tối bất luận việc nó có vẻ phù hợp với Thánh Kinh như thế nào đi nữa. Bởi luật đền bù công bình, tấm lòng của những người hay đùa giỡn với tôn giáo sẽ bị hủy diệt trong sự sáng chói lọi của lẽ thật mà anh ta chạm vào. Những con mắt không giọt lệ cuối cùng sẽ bị mù vì chính ánh sáng mà chúng nhìn vào. Chúng ta, những người thuộc về các Hội Thánh không mang tính nghi lễ, có khuynh hướng nhìn vào những Hội Thánh tiến hành một hình thức thờ phượng đã được cẩn thận lên chương trình với một thái độ khinh khỉnh, và chắc chắn phải có một cái gì đó tốt bên trong những buổi thờ phượng như thế, mà điều này có ít hoặc không có chút ý nghĩa nào đối với một người tham dự bình thường - điều này không phải là do nó được lên chương trình cẩn thận mà là vì chính bản chất của những người tham dự bình thường. Nhưng tôi đã quan sát và thấy rằng những bài giảng ứng khẩu quen thuộc của chúng ta, được nhà lãnh đạo làm dàn ý 20 phút trước đó, thường có khuynh hướng đi theo một trật tự rời rạc và mệt mỏi, gần như được tiêu chuẩn hóa rất thành công. Ít nhất những bài giảng mang tính lễ nghi cũng đẹp vậy; còn của chúng ta thì thường là xấu xí. Những bài giảng của họ đã được cẩn thận vạch ra từ hàng thế kỷ để nắm bắt cái vẻ đẹp càng nhiều càng tốt, và để duy trì một tinh thần kính sợ giữa vòng những người thờ phượng. Còn của chúng ta thường là những bài giảng tạm bợ, ứng khẩu, không có gì đáng lưu tâm. Cái gọi là quyền tự do thường không tự do chút nào, mà thay vào đó là tính lười biếng cẩu thả.
Lý thuyết là ở chỗ cho rằng nếu buổi nhóm không có chương trình thì Thánh Linh sẽ tự do hành động, và điều này là thật nếu tất cả những người thờ phượng đều là những người kính sợ Chúa và đầy dẫy Thánh Linh. Nhưng hầu hết đều không có trật tự, cũng chẳng có Thánh Linh, buổi nhóm chỉ là một buổi cầu nguyện thường lệ, ngoại trừ một số thay đổi nhỏ, chúng giống như nhau từ tuần này sang tuần khác, với một số ít bài hát mở đầu cũng không có gì nhiều, vả lại, từ lâu lắm rồi, nó đã mất đi tất cả mọi ý nghĩa bởi sự lập lại vô nghĩa.Trong phần lớn những buổi nhóm của chúng ta, hiếm khi có dấu hiệu của một ý tưởng tôn kính, không có biểu hiện của sự hiệp nhất trong Thân Thể, chỉ có chút ít cảm giác về Sự Hiện Diện Thánh, không có giây phút nào yên tĩnh, không có tính trang nghiêm, không có điều kỳ diệu, cũng không có sự kính sợ thánh. Nhưng thường lại có hoặc một người uể oải hay một người hoạt bát với những câu bông đùa bất khiết lên hướng dẫn hát, cũng như một trưởng ban nào đó lên thông báo từng “con số” cùng với những tiếng sột soạt phát ra từ cái máy tăng âm cũ kỹ trong một nỗ lực để gắn liền mọi thứ lại với nhau.
Cả gia đình Cơ Đốc đang cố gắng một cách tuyệt vọng trong nhu cầu khôi phục lại lòng ăn năn, khiêm nhường và nước mắt. Xin Chúa sớm gởi chúng đến.
A.W. Tozer