Triết lý của tôi là...
"Mọi sự đều sai trật cho đến khi nào Đức Chúa Trời định là nó đúng.”
Câu nói đó của A. W. Tozer tóm tắt một cách hoàn hảo điều ông tin và việc ông đã làm trong suốt những năm hầu việc Chúa. Điểm nhấn mạnh trong tất cả mọi sự giảng dạy của ông là Đức Chúa Trời. Ông không dành thời gian cho những kẻ vụ lợi tôn giáo, những người luôn nghĩ ra các phương cách mới để thực hiện các mục đích cá nhân và thổi phồng những thành tựu của mình. Giống như Thoreau, người ông rất thán phục, Tozer bước đi như là một tay trống khác lạ; và vì lý do đó, ông thường không đồng nhịp bước với những người khác trong cuộc duyệt binh tôn giáo. Nhưng chính sự khác biệt của Tin Lành thuần túy này đã khiến chúng ta yêu mến và cảm kích ông. Ông không hề sợ hãi khi nói với chúng ta điều gì sai. Ông cũng không hề lưỡng lự khi nói với chúng ta cách Đức Chúa Trời có thể khiến nó trở nên đúng. Nếu một bài giảng có thể đem so sánh với ánh sáng, thì A. W. Tozer phát ra một tia lazer từ bục giảng, một tia sáng xuyên thủng lòng bạn, đốt nóng lương tâm bạn, vạch trần tội lỗi, và khiến bạn phải thốt lên, “Tôi phải làm gì để được cứu?” Câu trả lời luôn luôn giống nhau: Hãy đầu phục Đấng Christ; hãy biết Chúa một cách cá nhân; hãy trở nên giống Ngài càng hơn.
AIDEN WILSON TOZER sinh tại Newburg (sau này là La Jose), Pennsylvania, vào ngày 21/4/1897. Năm 1912, gia đình ông chuyển sang một nông trại tại Akron, Ohio; và vào năm 1915, ông tiếp nhận Đấng Christ. Ngay lập tức ông bước vào một cuộc sống tận hiến cao độ và một đời sống cá nhân chứng đạo. Năm 1919, ông bắt đầu chăn bầy tại Hội Thánh Liên Hiệp (Alliance) ở Nutter Fort, phía Tây Virginia, Toledo, Ohio; Indianapolis, Indiana; và vào năm 1928, ông gia nhập Hội Thánh Liên Hiệp Miền Nam (Southside Alliance Church) tại Chicago. Ông phục vụ ở đây đến tháng 11/1959, khi đó, ông trở thành mục sư của Hội Thánh Avenue Road tại Toronto. Một cơn đau tim đột ngột vào ngày 12/5/1963 đã chấm dứt chức vụ của ông, và Tozer đi vào Nơi Vinh Hiển.
Tôi đoan chắc rằng Tozer chạm đến cõi lòng của nhiều người qua các tác phẩm của ông hơn là qua các bài giảng. Phần lớn tác phẩm của ông được thể hiện qua bài giảng của các mục sư khác, những người nuôi sống một phần linh hồn mình bằng lời của ông.
Vào tháng 5/1950, ông làm chủ bút tờ The Alliance Weekly, bây giờ là tờ The Alliance Witness, có lẽ là tạp chí tôn giáo duy nhất được tìm mua vì những bài xã luận của nó. Tôi có một lần được nghe ông Tozer nói, trong một hội nghị của tổ chức Evangelical Press Association, về những tay chủ bút làm một việc mà ông gọi là “nghề làm báo kiểu siêu thị (super-market journalism) - hai cột quảng cáo và một cột bài viết.” Ông quả là một tác giả viết rất chính xác và ông nghiêm khắc với chính mình cũng như với những người khác.
Điều gì trong các tác phẩm của Tozer đã khiến chúng ta say mê đến vậy? Tozer không có đặc ân được ngồi ghế giảng đường đại học hay được nghe những sự dạy dỗ trong các trường thần học, cũng không hề được học ở một trường Kinh Thánh; nhưng ông đã để lại cho chúng ta cả một kệ sách đầy dẫy những kho báu thuộc linh mà chúng ta có thể khai thác tận cho đến khi Đức Chúa Jêsus Christ tái lâm.
Chỉ có một điều mà thôi, A. W. Tozer đã viết với sự nhận thức về tội lỗi. Ông không thích “ráy” tai của những Cơ Đốc nhân A-thên nông cạn, những người đã và đang tìm kiếm một điều gì đó mới mẻ. Tozer đào lại những cái giếng cũ, mời gọi chúng ta quay trở lại con đường của mình, và ông đã luôn tin quyết cũng như thực hành những lẽ thật mà ông dạy. Có lần ông nói với một người bạn của tôi rằng: “Tôi đã giảng và giảng Kinh Thánh bằng chính đời sống mình khắp cả đất nước này (Mỹ)!” Đám đông bình thường không hề đổ xô đi nghe một người mà những lời kết tội của ông ta khiến cho họ cảm thấy khó chịu.
Tozer là một con người bí ẩn - một con người bí ẩn của Phúc Âm - trong thời đại của chủ nghĩa thực dụng và duy vật. Ông vẫn còn kêu gọi chúng ta nhìn xem thế giới thuộc linh thật sự đang nằm phía sau cái thế giới vật chất vốn đã đánh lừa chúng ta từ lâu. Ông kêu nài chúng ta làm vừa lòng Đức Chúa Trời và quên lãng đám đông đi. Ông khẩn nài chúng ta thờ phượng Đức Chúa Trời để chúng ta có thể trở nên giống Ngài hơn. Ngày nay, quả thật chúng ta cần sứ điệp đó biết bao!
A. W. Tozer có một ân tứ nắm bắt những lẽ thật thuộc linh và phơi bày nó ra ánh sáng để, giống như một viên đá quý, mỗi khía cạnh của nó được trông thấy và chiêm ngưỡng. Ông không hề lạc mất trong những đầm lầy của lý thuyết; gió Thánh Linh thổi qua và những cái xương khô trở nên sự sống. Các bài luận của ông giống như những viên đá chạm đẹp đẽ có giá trị không nằm ở chỗ kích cỡ của chúng. Lời giảng của ông được đặc trưng hóa bởi một sự xúc cảm mãnh liệt - xúc cảm thuộc linh - vốn xuyên thấu cõi lòng con người và giúp người đó thấy được Đức Chúa Trời. Thật hạnh phúc khi một Cơ Đốc nhân có được quyển sách của Tozer trong tay khi linh hồn sờn ngã và lòng cảm thấy Đức Chúa Trời cách xa.
Điều này dẫn đến cái mà tôi nghĩ là đóng góp lớn nhất của A. W. Tozer trong các tác phẩm của ông: Tozer khích lệ bạn về các lẽ thật đến nỗi bạn quên cả ông mà vội tìm ngay quyển Kinh Thánh của mình. Chính ông cũng thường nói rằng cuốn sách hay nhất là cuốn sách khiến bạn bỏ nó xuống ngay và suy nghĩ cho mình. Hiếm khi tôi đọc sách của Tozer mà lại không động đến sổ tay của mình để ghi vào đó những lẽ thật mà sau này có thể phát triển thành một sứ điệp. Tozer giống như một lăng kính đón nhận ánh sáng và rồi lan tỏa những vẻ đẹp diệu kỳ của nó.
Lựa chọn “những chương hay nhất của Tozer” là một việc không dể khi dựa vào yếu tố tương đối. Hay nhất đối với ai? Cho những nhu cầu gì? Là một người chăn, tôi có thể lựa chọn 50 tiểu luận chứa đựng nhiều thách thức và đem ơn lành đến cho các anh em đồng lao của tôi trong chức vụ, nhưng nhiều người khác, không phải là người chăn, cũng đọc các tác phẩm của Tozer vậy. Là một nhà văn, tôi có thể chọn lựa những chương hay nhất trong các tác phẩm của ông, những chương cho thấy kỹ năng dùng từ; nhưng hầu hết độc giả không phải là nhà văn. Những ai trong chúng ta đã từng đọc các tác phẩm của Tozer chắc chắn có những chỗ thích thú khác nhau, nhưng chắc gì có hai người cùng thích một điểm nào đó?
Từ những quyển sách của Tozer do nhà xuất bản Christian Publications tại Harrisburg, Pennsylvania ấn hành, tôi đã thực hiện một số lựa chọn dựa trên những đề tài và sự phát triển chủ yếu. Tiến sĩ Tozer dùng những cách khác nhau để nói về cùng một việc, và tôi đã phải cố chọn lựa những đề tài chính yếu được thể hiện hay nhất. Nếu có một trong số những chương nào bạn thích nhất không được in ra ở đây, có lẽ bạn sẽ có thể được đền bù bằng việc đọc những chương mới mà bạn chưa từng một lần đọc hoặc đã lãng quên.
Nếu đây là quyển sách đầu tiên, do Tozer viết, bạn có trong tay, xin cho phép tôi gợi ý cách tốt nhất để đọc những chương này. Xin hãy chậm rãi đọc chúng và suy gẫm, vừa đọc vừa ngẫm nghĩ về chính mình. Đừng đọc lướt. Khi bạn đọc, hãy lắng nghe điều mà Tozer gọi là “Tiếng nói khác” (the other Voice) trình bày về lẽ thật qua những sứ điệp ngắn gọn này. Nếu một lẽ thật nào đó bắt đầu thiêu đốt lòng bạn, hãy đặt quyển sách xuống và để Đức Chúa Trời hướng dẫn bạn qua Thánh Linh Ngài. Hãy yên lặng chờ đợi Ngài và tận nơi sâu thẳm trong lòng bạn, Đức Chúa Trời sẽ phán với bạn.
“Cuốn sách hay nhất không phải là cuốn sách chỉ cung cấp thông tin mà thôi,” Tozer viết trong quyển Con Người: Nơi Ngự Của Đức Chúa Trời (Man: The Dwelling Place of God), “bèn là cuốn sách lay động độc giả đến chỗ nhìn biết chính mình.”
Tôi tin tưởng rằng cuốn sách này, cùng với những gì tôi nghĩ là hay nhất trong các tác phẩm của Tozer, sẽ đạt được tiêu chuẩn đó. Tôi nghĩ nó sẽ đạt được. Tôi cầu nguyện để cuốn sách này sẽ đưa một số đông độc giả đến việc tìm đọc thêm những tác phẩm của Tozer, và cho những người đã biết ông trước sẽ càng cảm kích ông hơn.
Warren W. Wiersbe
The Moody Church
Chicago, Illinois