Ðương chờ đợi sự trông cậy hạnh phước của chúng ta, và sự hiện ra của sự vinh hiển Ðức Chúa Trời lớn và Cứu Chúa chúng ta, là Ðức Chúa Jêsus Christ, là Ðấng liều mình vì chúng ta, để chuộc chúng ta khỏi mọi tội và làm cho sạch, đặng lấy chúng ta khỏi mọi tội và làm một dân thuộc riêng về Ngài, là dân có lòng sốt sắng về các việc lành."
(Tít 2:13-14)
Dân sự của Ðức Chúa Trời, các Cơ Ðốc nhân ngày nay, là những người đang sống giữa hai biến cố đầy quyền năng, sự hiện thân của Ðấng Christ và sự tái lâm của Ngài, không phải là những người đang sống trong một khoảng chân không! Thật là ngạc nhiên khi các phần tử của Hội Thánh Cơ Ðốc phủ nhận tính chắc chắn của sự tái lâm của Ðức Chúa Jêsus tố cáo những ai thật lòng tin nơi sự sớm trở lại của Ngài, lại đang ngồi lại với nhau, bẻ các ngón tay, nhìn lên trời và trông chờ những điều tốt nhất với vẻ mặt thẩn thờ! Không có gì có thể thêm vào lẽ thật. Chúng ta sống trong một thời đại chuyển tiếp giữa hai lần hiện ra của Ngài, nhưng chúng ta không sống trong một khoảng chân không. Chúng ta có nhiều điều phải làm trong một thời gian ngắn ngủi! Hãy mở rộng tâm trí bạn ra và xem xét vài sự kiện rất rõ ràng ngày nay.
Ai là những Cơ Ðốc nhân đã từ bỏ mọi sự để đi vào chức vụ truyền giáo ở khắp nơi trên thế giới? Ai là những Cơ Ðốc nhân đang ở nhà và dâng hiến để ủng hộ công cuộc truyền giáo và giúp sức thúc đẩy rao giảng Phúc Âm khắp mọi nơi? Họ là những người tin quyết rằng Ngài sẽ đến. Những Hội Thánh nào đang nỗ lực cầu nguyện, dạy dỗ và dâng hiến, chuẩn bị những người trẻ của họ cho chức vụ và cho công tác truyền giáo? Ðó là những Hội Thánh đang đáp lại lời mời gọi của Ðấng Christ: "Hãy dùng bạc này sanh lời cho đến khi ta trở về."
Trong phân đoạn này, Tít đã nói với Cơ Ðốc nhân chúng ta một giáo lý vốn thích hợp cả trong ánh sáng của sự tái lâm được mong đợi của Ðấng Christ cũng như trên gương mặt của sự chết. Chính trong những thư phẩm của những người Giám Lý đầu tiên tại Anh quốc, khi nổ ra cuộc bắt bớ và thử thách trên mọi phương diện, John Wesley đã nói, "Dân sự chúng ta chết nhanh quá!"
Trong những năm gần đây, tôi có nghe lời trích dẫn của một giám mục thuộc một hệ phái nọ, ông ước chừng có khoảng 10% những người nam và người nữ là thành viên Hội Thánh ông đã được chuẩn bị về phương diện thuộc linh và sẵn sàng để chết khi thời điểm của họ đến. Tôi tin rằng bạn chỉ có thể chết cách tốt đẹp khi bạn đã sống tốt, nhìn từ góc độ thuộc linh. Giáo lý của đời sống Cơ Ðốc này và sức sống thuộc linh của tín hữu như đã được Tít nêu ra có sự hiệu lực trước bất cứ điều bất ngờ nào đang chờ đợi chúng ta. Tít nhanh chóng xác định Ðức Chúa Jêsus Christ là Cứu Chúa, là "Ðấng liều mình vì chúng ta," và chúng ta có thể nhanh chóng học biết giá trị của bất kỳ vật gì bởi cái giá mà người ta sẵn sàng chi trả cho nó. Có lẽ tôi nên nói rõ một điều - bạn có thể không biết được giá trị thật, vì quan điểm của riêng tôi cho rằng một viên đá quý hay những món nữ trang khác về bản chất chẳng có chút giá trị gì cả.
Bạn có thể nhớ lại câu chuyện về chú gà trống cào bới quanh sân để tìm những hạt bắp. Thình lình nó bươi nhằm một viên ngọc trai thật đẹp có một cái giá thật đắt và đã bị thất lạc từ biết bao nhiêu năm về trước, nhưng nó cứ bươi viên ngọc sang một bên và tiếp tục tìm kiếm hạt bắp của mình. Viên ngọc trai chẳng có chút giá trị gì đối với con gà trống, dẫu rằng nó có một giá trị thật to lớn đối với những ai đã đặt cho nó một cái giá. Có nhiều loại chợ khác nhau trên thế giới, và một cái gì đó, có thể chẳng có giá trị gì đối với một người không hề thích thú nó, lại được xem là có giá trị rất lớn bởi những người ao ước có và sẵn sàng bỏ tiền ra mua nó bằng mọi giá. Rồi cũng chính trong ý nghĩa này mà chúng ta học biết rằng chúng ta thân thiết và quý báu đối với Ðấng Christ như thế nào bởi những gì Ngài đã sẵn sàng lìa bỏ vì chúng ta.
Tôi tin rằng nhiều Cơ Ðốc nhân bị cám dỗ để xem nhẹ giá trị của chính mình quá mức. Tôi không tranh luận chống lại việc khiêm nhường thật, và lời tôi nói với bạn là: Hãy suy nghĩ về bản thân bạn như là một người hèn mọn thế nào đó theo như ý bạn muốn, nhưng hãy luôn nhớ rằng Chúa Jêsus chúng ta đánh giá bạn rất cao - đủ cao để Ngài từ bỏ chính mình, đến với sự chết và trở thành một tế lễ chuộc tội. Nếu ma quỷ đến với bạn và thì thầm rằng bạn không tốt, đừng đồng ý với hắn. Thực ra, bạn cũng có thể thừa nhận điều đó, nhưng sau đó hãy nhắc ma quỷ rằng: "Bất luận những điều ngươi nói với ta, ta nói cho ngươi biết rằng Ðức Chúa Trời suy nghĩ về ta như thế nào. Ngài phán rằng đối với Ngài, ta có giá trị đến độ Ngài đã hy sinh chính mình vì ta trên thập giá!" Vì thế, giá trị được định đoạt bởi cái giá được trả - và, trong trường hợp của chúng ta, cái giá được trả chính là Ðức Chúa Jêsus Christ!
Mục đích của Cứu Chúa là giải thoát chúng ta khỏi mọi tội lỗi, tức là khỏi quyền lực và hậu quả của tội lỗi. Chúng ta thường hát những lời thánh ca của Charles Wesley mà trong đó sự chết của Chúa Jêsus được mô tả như là "phương thuốc kép" cho tội lỗi. Tôi nghĩ rằng nhiều người hát bài thánh ca, nhưng không nhận biết được điều Wesley muốn nói trong cụm từ "phương thuốc kép". "Là phương thuốc kép cho tội lỗi, cứu rỗi tôi khỏi cơn thạnh nộ và quyền lực của nó." Cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời chống lại tội lỗi và quyền lực của tội lỗi trong đời sống con người - cả hai điều này phải được chữa lành. Vì thế, khi Ngài phó chính mình Ngài vì chúng ta, Ngài giải thoát chúng ta với một phương thuốc kép, giải phóng chúng ta khỏi hậu quả của tội lỗi và giải phóng chúng ta khỏi quyền lực mà tội lỗi hành động trong đời sống con người.
Bây giờ, trong khối vàng ròng của lẽ thật thuộc linh này, Tít nhắc nhở chúng ta rằng Ðấng-Christ-giải-phóng thực hiện một công việc làm thánh sạch dân sự của Ðức Chúa Trời. Bạn sẽ phải đồng ý với tôi rằng một trong những bệnh tật sâu thẳm đã bùng nổ trên thế giới và xã hội ngày nay là sự ô uế, và nó biểu lộ chính mình qua hàng tá các triệu chứng. Chúng ta có khuynh hướng nhìn những hành động thân thể dâm dục và khiếm nhã nào đó như là sự ô uế vốn lan truyền như một dịch bệnh trong đời sống và xã hội con người - nhưng thói dâm dật, thủ đoạn, kế hoạch và âm mưu thực sự đến từ một nguồn gốc sâu thẳm hơn của sự ô uế trong mỗi tâm trí và từ nơi sâu kín nhất của tâm hồn những người nam và người nữ tội lỗi.
Nếu chúng ta là con người của những bàn tay thánh sạch và những tấm lòng thuần khiết, chúng ta sẽ hướng về việc làm những điều vừa lòng Ðức Chúa Trời. Sự ô uế không chỉ là một hành động sai trật; sự ô uế là một trạng thái tâm trí, tấm lòng và linh hồn vốn trái ngược hẳn với sự thánh khiết và trọn vẹn. Thông gian tình dục là một triệu chứng của căn bệnh ô uế - nhưng thói ghen ghét cũng thế. Sự kiêu ngạo và thói tự cao tự đại, sự phẫn uất và thói cáu kỉnh xuất phát từ những tâm trí và tấm lòng tội lỗi, ô uế, cũng giống như thói phàm ăn và sự lười biếng, thói bê tha. Tất cả những điều này và vô số những thứ khác xuất hiện như là những triệu chứng của căn bệnh sâu thẳm bên trong của sự ích kỷ và tội lỗi.
Vì điều này là sự thật trong đời sống và kinh nghiệm, chính công việc thuộc linh của Ðức Chúa Jêsus Christ là tẩy uế dân sự Ngài bởi chính huyết báu của mình để cứu họ khỏi căn bệnh nằm sâu bên trong này. Ðó là lý do tại sao Ngài được gọi là Thầy Thuốc Ðại Tài - Ngài có thể chữa lành chúng ta khỏi bệnh dịch ô uế và tội lỗi này, giải phóng chúng ta khỏi hậu quả của tội lỗi mình và thanh tẩy chúng ta khỏi sự tồn tại của tội lỗi trong đời sống. Hỡi những anh em của tôi, hoặc điều này là thật và có thể hiểu được trong đời sống và kinh nghiệm con người, hoặc Cơ Ðốc giáo là một trò gian lận rẻ tiền của thời đại. Hoặc điều này là thật và tùy thuộc vào sự lựa chọn thuộc linh, hoặc chúng ta nên gấp Kinh Thánh lại và quẳng nó đi cùng với những tác phẩm văn chương cổ điển khác, vốn không còn thích hợp trên bề mặt địa cầu này nữa.
Tạ ơn Chúa là có hàng triệu người dám đứng lên giống như trong một ban hợp xướng và cùng lớn tiếng nói với tôi, "Ðó là chân lý! Ðức Chúa Trời thật đã phó chính mình Ngài để giải phóng chúng ta khỏi mọi tội lỗi và Ngài hiện đang làm công việc tẩy uế đời sống chúng ta hằng ngày!" Kết quả của công việc tẩy uế của Ðấng Christ là sự hoàn hảo của dân sự rất yêu dấu của Ðức Chúa Trời, được đề cập đến trong đoạn này là "dòng giống được lựa chọn" (theo Bản dịch cũ). Nhiều người trong chúng ta biết quá rõ rằng từ "được lựa chọn" này đã thường được sử dụng để che đậy hành vi tôn giáo vừa lạ thường, vừa phi lý. Dân sự đã được biết đến như là những người làm những điều khá lạ thường rồi lại nhe răng cười cách có ý thức mà nói lời xin lỗi không thật tâm, rằng: "À, chúng tôi là những người được lựa chọn mà!"
Bất cứ ai có một sự lưu tâm nghiêm túc và chân thật đến lời khuyên răn và sự hướng dẫn của Kinh Thánh có thể nhanh chóng học biết được rằng từ được lựa chọn trong tiếng Việt mô tả dân sự được giải phóng của Ðức Chúa Trời, không hề có chút ý nghĩa nào của tính kỳ quặc, lố lăng hay dại dột.
Cùng một từ đó đã được dùng lần đầu tiên trong Xuất 19:5 (ở đây Bản dịch cũ dịch là thuộc riêng - ND), khi Ðức Chúa Trời phán rằng dân Y-sơ-ra-ên "sẽ thuộc riêng về ta, vì cả thế gian đều thuộc về ta." Ðây là cách Ðức Chúa Trời dùng để nhấn mạnh rằng dân sự của Ngài đối với Ngài là cả một kho báu, quý giá hơn mọi kho báu khác. Trong ý nghĩa từ nguyên, nó có nghĩa là "ta cất giấu như món trang sức quý giá đặc biệt của mình." Mỗi người cha người mẹ đầy tình yêu thương đều có một ý tưởng tốt về điều Ðức Chúa Trời muốn nói. Có nhiều trẻ con bò lê khắp nơi trong các căn hộ, cũng như bạn có thể nhận ra những quần áo trẻ em được treo trên dây vào một ngày hè. Nhưng trong căn nhà của bạn, có một em bé đặc biệt, và bé là một kho báu đặc biệt đối với bạn, hơn bất cứ một đứa bé nào khác. Nó không cần thiết phải có nghĩa là em bé đó đẹp hơn, bèn là một kho báu trên mọi kho báu khác và bạn sẽ không buôn bán, đổi chác em bé của mình với một em bé nào khác trên khắp thế giới này. Bé là một kho báu đặc biệt!
Ðiều này đem đến cho chúng ta một số ý tưởng, ít nhất là về việc chúng ta là gì - những tài sản đặc biệt quý giá của Ðức Chúa Trời, đã được đánh dấu để biệt riêng ra cho Ngài. Tít sau đó lại giải thích rõ ràng một điều sẽ luôn luôn đặc trưng hóa con cái của Ðức Chúa Trời - sự thật là họ sốt sắng trong việc lành. Tít và mọi trước giả khác, những người nhận được một phần sự khải thị của Ðức Chúa Trời qua Kinh Thánh đồng ý với điểm này - Chúa chúng ta chẳng bao giờ để cho bất kỳ ai là những người theo Ngài trở thành những Cơ Ðốc nhân "xa rời thực tế". "Tháp ngà" Cơ Ðốc giáo, một niềm tin trừu tượng, đã hình thành đơn giản bởi những tư tưởng hay và đẹp đẽ, hoàn toàn không phải là điều Ðức Chúa Jêsus đã dạy.
Lời văn trong phân đoạn này rất đơn giản (dễ hiểu): Con cái của Ðức Chúa Trời trong Ðức Chúa Jêsus Christ, được cứu chuộc vì Ngài đã phó chính mình Ngài, được tẩy sạch và trở thành giống như những của cải quý giá đặc biệt của Ngài, một dân tộc thuộc riêng về Ngài, được đặc trưng hóa bởi một điều - lòng sốt sắng làm việc lành của họ. Bởi ân điển của Ðức Chúa Trời, chúng ta học biết rằng những môn đồ của Ðức Chúa Jêsus này rất sốt sắng trong việc lành và trong kinh nghiệm hàng ngày của họ, họ sống và "trông đợi". Cơ Ðốc nhân phải luôn luôn sống trong sự thúc giục tràn đầy niềm vui của hy vọng phước hạnh và sự trở lại vinh hiển của Ðức Chúa Trời vĩ đại và Cứu Chúa Jêsus Christ chúng ta!
Bây giờ có một điều trong thần học Cơ Ðốc mà tôi muốn chia sẻ với bạn. Một số người nói rằng họ không thể nghĩ đến thần học vì họ không biết tiếng Hy Lạp hay Hê-bơ-rơ. Tôi không tin rằng có Cơ Ðốc nhân nào lại quá khiêm nhường đến độ cứ khăng khăng là mình không biết tí gì về thần học. Thần học là môn học nghiên cứu Ðức Chúa Trời và chúng ta đã có một cuốn sách giáo khoa thật tuyệt vời - thực ra là 66 sách giáo khoa được gộp lại thành một. Chúng ta gọi đó là Kinh Thánh. Ðiểm mà tôi muốn nói đến là: Tôi đã lưu ý trong khi nghiên cứu và qua kinh nghiệm mà thấy rằng lẽ thật mang tính thần học hay giáo lý nào càng sinh động, càng quan trọng bao nhiêu, thì ma quỷ càng tranh đấu dữ dội và đem đến nhiều sự tranh cãi chống lại nó bấy nhiêu.
Hãy dùng thần tánh của Ðức Chúa Jêsus làm ví dụ. Ngày càng có nhiều người tranh cãi, bàn luận và tranh đấu trên lẽ thật nền tảng và có tính cách sống còn này. Ma quỷ đủ khôn ngoan để không lãng phí những đợt tấn công của chúng vào những khía cạnh nhỏ nhặt và không quan trọng của lẽ thật và sự dạy dỗ Cơ Ðốc. Ma quỷ sẽ không gây nên một vấn đề nào cho diễn giả nếu người đó lo sợ trước sự khắc nghiệt của hội chúng mình và lo lắng về công việc của ông ta đến độ ông chỉ giảng trong 30 phút và tóm lại những điều ông nói là, "Hãy làm người tốt và bạn sẽ cảm thấy tốt hơn!"
Bạn có thể trở nên tốt lành đúng như điều bạn muốn, nhưng bạn vẫn cứ đang đi xuống địa ngục nếu bạn không đặt niềm tin của mình nơi Ðấng Christ! Ma quỷ sẽ không lãng phí thời gian để gây rắc rối cho diễn giả nào chỉ có sứ điệp là, "Hãy làm người tốt!" Nhưng Cơ Ðốc nhân tin quyết sống trong hy vọng vui mừng về sự tái lâm của Ðấng Christ và một phần quan trọng của lẽ thật nằm ở chỗ ma quỷ luôn luôn "tăng tốc" để đấu tranh và nhạo báng điều này. Một trong những thành công lớn của hắn là việc hắn có thể làm cho người ta tranh cãi và trở nên điên dại về sự tái lâm - hơn là nhìn lên và chờ đợi Chúa đến.
Giả sử một người đi ra nước ngoài được hai, ba năm, xa cách gia đình mình. Thình lình ông ta gởi một bức điện về nhà, "Công việc của ba đã xong, ba sẽ về nhà hôm nay." Sau vài giờ, ông trở về nhà, đứng trước cửa và thấy người nhà mình đang trong sự hỗn độn. Ðã có một cuộc tranh cãi về việc ông ta sẽ về nhà vào buổi trưa hay buổi tối. Ðã có những tranh cãi về loại phương tiện đi lại mà ông dùng. Và sau đó, người cha nhẹ nhàng đẩy cửa bước vào, chẳng có một ai sẵn sàng để đón nhận cái nhìn đầu tiên của ông.
Bạn có thể nói, "Ðây chỉ là một ví dụ." Nhưng thực trạng của phần nhiều các cộng đồng Cơ Ðốc giáo ngày nay là gì? Họ đang tranh đấu và liếc mắt nhìn nhau. Họ đang bàn cãi việc liệu Ngài có trở lại hay không và Ngài sẽ trở lại như thế nào, và họ bận rộn sử dụng cái mà họ cho là những chứng lý bằng văn tự về sự sụp đổ của Rô-ma và sự xuất hiện của anti-christ. Hỡi những người anh em của tôi, khiến cho Cơ Ðốc nhân tranh cãi về những chi tiết nhỏ nhặt của sự tái lâm của Ðấng Christ để họ quên đi điều quan trọng nhất là công việc của ma quỷ. Ðã có biết bao Cơ Ðốc nhân bị bối rối và hoang mang bởi những tranh cãi đó đến độ họ quên rằng Cứu Chúa đã dùng chính Ngài để thanh tẩy một dân tộc thuộc riêng về Ngài, mong muốn rằng chúng ta sống tỉnh táo, công chính và tin kính, trông đợi sự hiện ra vinh hiển của Chúa và Cứu Chúa vĩ đại của chúng ta. Ðó là Sự Hiện Ra, vốn là điều được diễn đạt trong Hội Thánh Cơ Ðốc, và nó được dùng khi đề cập đến sự hiện đến của Ðấng Christ trên trần gian. Nó được dùng với 2 ý nghĩa trong thư I Ti-mô-thê và II Ti-mô-thê.
Trước hết, Phao-lô nói trong II Ti-mô-thê 1:8-10 là: "Ấy chính Chúa đã cứu chúng ta, đã gọi chúng ta bởi sự kêu gọi thánh, chẳng phải theo việc làm chúng ta, bèn theo ý riêng Ngài chỉ định, theo ân điển đã ban cho chúng ta trong Ðức Chúa Jêsus Christ từ trước muôn đời vô cùng, mà bây giờ mới bày tỏ ra bởi sự hiện ra của Ðức Chúa Jêsus Christ, Cứu Chúa chúng ta, Ngài đã hủy phá sự chết, dùng Tin Lành phô bày sự sống và sự không hề chết ra cho rõ ràng."
Phân đoạn đó ghi lại lần xuất hiện sáng ngời đầu tiên của Ngài, lúc Ngài đến trần gian để hủy phá sự chết bằng chính sự chết và sống lại của Ngài.
Rồi sứ đồ Phao-lô qua một trong những bài ca ngợi khen cảm động và tuyệt vời đó đã nói trong I Ti-mô-thê 6:13-16, "Trước mặt Ðức Chúa Trời là Ðấng ban sự sống cho mọi vật, và trước mặt Ðức Chúa Jêsus Christ là Ðấng làm chứng tốt nơi Bôn-xơ Phi-lát, ta khuyên con phải giữ điều răn, ở cho không vết tích và không chỗ trách được, cho đến kỳ sự hiện ra của Ðức Chúa Jêsus Christ chúng ta."
Phao-lô nói về sự hiện ra lần thứ hai, "là sự mà Ðấng Chủ tể hạnh phước và có một đến kỳ sẽ tỏ ra, là Vua của mọi vua, Chúa của mọi Chúa, một mình Ngài có sự sáng không thể gần được, chẳng người nào từng thấy Ngài và cũng không thấy được, danh vọng, quyền năng thuộc về Ngài đời đời! A-men."
Khi tôi đọc điều Phao-lô viết cho chúng ta, nó khiến tôi nghĩ đến một con chim chiền chiện hay một con họa mi trèo lên một nhánh cây và cất tiếng hót một bài ca không chuẩn bị từ trước, nhưng rất êm tai. Phao-lô thường hay ngắt ngang và chen vào những lời ca tụng tuyệt vời để ngợi khen Ðấng Christ trong các thư tín của mình, và đây là một trong số những lời ca tụng đó! Phao-lô nhắc nhở những tín hữu Cơ Ðốc rằng khi Ðức Chúa Jêsus tái lâm, Ngài sẽ hiện ra và khiến cho không còn mối nghi ngờ nào về Thân Vị của Vua của các vua và Chúa các chúa. Phao-lô cũng đã cẩn thận an ủi những tín hữu trong Hội Thánh đầu tiên khi họ lo sợ rằng họ sẽ chết trước khi Ðấng Christ hiện ra lần thứ hai (tái lâm). Thực ra có những Cơ Ðốc nhân trong Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca lo lắng về hai vấn đề, một là suy nghĩ của họ, cho rằng Chúa đã đến và họ đã bỏ lỡ rồi. Hai là suy nghĩ của họ cho rằng họ sẽ chết trước khi Ngài đến và bởi sự chết đó, họ sẽ bỏ lỡ những niềm vui do sự hiện ra của Ngài mang đến. Vì thế, Phao-lô viết hai thư tín cho Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca để hướng họ trực diện với lẽ thật về sự hiện ra lần thứ hai của Ðấng Christ.
"Vì nếu chúng ta tin Ðức Chúa Jêsus đã chết và sống lại, thì cũng vậy, Ðức Chúa Trời sẽ đem những kẻ ngủ trong Ðức Chúa Jêsus cùng đến với Ngài" - tức là, nếu bạn qua đời và được ở với Chúa, Ðức Chúa Trời sẽ khiến bạn sống lại khi Ðức Chúa Jêsus hiện ra lần thứ hai - "Vả, này là điều chúng tôi nhờ Chúa mà rao bảo cho anh em chúng ta là kẻ sống, còn ở lại cho đến kỳ Chúa đến, thì không lên trước những người đã ngủ rồi. Vì sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Ðức Chúa Trời, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống; bấy giờ những kẻ chết trong Ðấng Christ sẽ sống lại trước hết. Kế đến chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn. Thế thì, anh em hãy dùng lời đó mà yên ủi nhau."
Bạn thấy đấy, sự giải thích được linh cảm của Phao-lô dạy chúng ta rằng những ai chết trước sự tái lâm của Ðấng Christ sẽ không có gì thất lợi cả. Ngược lại, họ còn được ở một vị trí thuận lợi hơn, vì trước khi Cứu Chúa vinh hiển chờ đợi những thánh nhân ở khắp nơi trên thế giới, những tín hữu trung kiên đã qua đời từ hàng bao thế kỷ trước sẽ được sống lại trong quyền năng của Ðức Chúa Trời, mặt lấy một thân thể vinh hiển mà đến với Ngài. Hỡi những anh em yêu dấu của tôi, những gì Phao-lô nói với chúng ta trong lời dạy vốn trước tiên là ban phát cho những Cơ Ðốc nhân Tê-sa-lô-ni-ca là rất rõ ràng.
Chúng ta không có quyền suy nghĩ rằng việc phần lớn các tòa giảng Cơ Ðốc hoàn toàn câm lặng trước lẽ thật vinh hiển về sự tái lâm hầu đến của Ðấng Christ là một điều rất lạ lùng hay sao? Thật là nghịch lý khi có sự câm lặng đáng sợ này trong những Hội Thánh Cơ Ðốc ngay chính trong thời điểm mối đe dọa bị quét sạch khỏi bề mặt trái đất lại lớn hơn bao giờ hết. Nga và Mỹ, hai cường quốc nguyên tử lớn, tiếp tục chạy đua để đạt đến những thứ vũ khí giết người hàng loạt. Ðây là một tính từ kép đáng sợ chưa từng bao giờ được sử dụng trong lịch sử tiếng Việt. Các khoa học gia đã phải gia tăng sức mạnh hủy diệt hầu như không tưởng của những quả bom nguyên tử trong kho dự trữ của chúng ta - như thế, từ giết người hàng loạt là một phát minh mới trong thời đại chúng ta.
Cả Mỹ và Nga đều khẳng định về sức mạnh giết người hàng loạt của các kho vũ khí hạt nhân, nó đủ mạnh để giết chết hết thảy mọi người trên địa cầu (nam, nữ, trẻ con...) - không phải chỉ một lần, mà đến hơn 20 lần. Ðó là sự giết người hàng loạt! Ðiều đó cũng giống với việc kẻ thù truyền kiếp là Sa-tan đang thuyết phục các thánh nhân trong Thân thể Ðấng Christ dính líu vào những vụ tranh cãi đầy cay đắng về sự cất lên sau kỳ đại nạn và sự cất lên trước kỳ đại nạn; thuyết hậu thiên niên hy, phi thiên niên hy và thuyết tiền thiên niên hy - ngay chính thời điểm mà sự giết người hàng loạt đang treo lơ lửng trên đầu chúng ta như một đám mây đen đầy đe dọa.
Hỡi những anh em yêu dấu của tôi, đây là thời điểm mà dân sự của Ðức Chúa Trời phải thức canh trước hy vọng và lời hứa tái lâm của Ngài để mỗi sáng khi họ thức dậy, thì giống như một đứa trẻ thức dậy vào buổi sáng Giáng Sinh - nóng lòng và tin quyết rằng ngày Cứu Chúa đến có thể là hôm nay! Thay vì có sự mong đợi đó, chúng ta lại tìm thấy gì giữa vòng Hội Thánh của Chúa ngày nay? Những tranh cãi thuận và chống về sự tái lâm của Ngài, về những chi tiết của sự cất lên - và một vài trong số những điều này đã đưa đến nỗi cay đắng. Mặt khác, chúng ta tìm thấy đa phần các Cơ Ðốc nhân dường như vô tình thờ ơ trước toàn bộ sự thật về sự tái lâm của Ðức Chúa Jêsus Christ.
Rất ít những người chăn chịu giảng về sách Khải huyền - và điều này đúng với cả giới Tin Lành cấp tiến lẫn Tin Lành thủ cựu! Chúng ta đang bị đe dọa bởi chủ nghĩa hoài nghi và thói ngụy biện trong thời đại ngày nay. Rõ ràng có nhiều thói dị thường và sự mâu thuẫn trong xã hội và trong hàng ngũ của những Cơ Ðốc nhân tự xưng đến độ chắc chắn sẽ có một ai đó viết về nó.
Một điều bất thường đó là sự cần thiết phải biết lẫn nhau tốt hơn dẫn đến yêu thương và hiểu nhau tốt hơn. Hàng triệu người đang đi lại và gặp gỡ hàng triệu những con người khác, rồi làm quen; vì thế nếu giả thuyết nêu ra là đúng, thì hết thảy chúng ta phải yêu mến lẫn nhau giống như một gia đình lớn tràn đầy phước hạnh (từ lâu rồi). Thay vào đó, chúng ta căm ghét lẫn nhau giống như ma quỷ. Trên khắp thế giới, việc các quốc gia căm thù lẫn nhau ở một mức độ đáng ngạc nhiên và vượt kỷ lục là điều hoàn toàn thật.
Tôi sẽ đề cập đến một sự mâu thuẫn khác vốn cũng rất rõ ràng. Những nhà giáo dục và xã hội học nói với chúng ta rằng tất cả những gì chúng ta cần làm là đưa giáo dục giới tính vào nhà trường và mọi vấn đề giới tính đáng bực mình sẽ biết mất khỏi xã hội. Thật không phải là khác thường khi mà cái thế hệ đã được dạy và hướng dẫn nhiều về những vấn đề giới tính, hơn là cả 25 thế hệ trước cộng lại, lại chính là thế hệ sa đọa và hư hỏng nhất trong hành vi tính dục sao? Và không phải là dị thường khi cũng chính thế hệ đó, có thể đang chờ đợi một đợt giết người hàng loạt thình lình bằng bom nguyên tử, lại là một thế hệ rất sợ phải nói đến sự tái lâm của Cứu Chúa và không sẵn lòng bàn luận về những lời hứa đầy lòng nhân từ của sự giải cứu và vinh hiển sao?
Có thể bạn không mong đợi tôi nói về nó, nhưng tôi sẽ nói: Chúng ta thật là một đám người lập dị làm sao! Thế hệ chúng ta dị thường quá đỗi! Ðức Chúa Trời phán rằng Ngài rất đặc biệt coi trọng sự nhất quán thuộc linh và thánh khiết của những thánh nhân Cơ Ðốc, nhưng chúng ta thật không nhất quán chút nào khi chúng ta để cho ma quỷ và xác thịt mình làm lẫn lộn và hòa trộn chúng ta đến nỗi chúng ta bị chệch hướng khỏi sự kiên nhẫn đợi chờ ngày Cứu Chúa hiện ra!
Thế đó, chúng ta sống giữa hai biến cố vĩ đại - sự thành nhục thể của Ðấng Christ, sự chết và phục sinh, và sự tái lâm của Ngài cùng đem lại sự vinh hiển cho những ai mà Ngài đã cứu chuộc qua sự chết của mình. Ðây là thời gian chuyển tiếp cho các thánh nhân - nhưng nó không phải là một khoảng trống không. Ngài đã ban cho chúng ta nhiều việc để làm, và Ngài đòi hỏi sự trung tín từ nơi chúng ta. Trong lúc đó, chúng ta sốt sắng về việc lành, sống vững vàng, công chính, tin kính ngay trong thế giới hiện tại, trông lên Ngài và lời hứa của Ngài. Giữa cuộc đời của chúng ta, và giữa hai đỉnh núi cao của những công việc Ðức Chúa Trời trên đất, chúng ta nhìn lại và nhớ, nhìn tới và hy vọng! Là những thành viên trong mối tương giao trìu mến của Ngài, chúng ta bẻ bánh và uống chén của Chúa. Chúng ta hát ngợi khen Ngài và chúng ta cầu nguyện trong danh Ngài, ghi nhớ và mong đợi!
Hỡi những anh em yêu dấu của tôi, điều đó cảm động lòng tôi hơn bất cứ thứ gì khác trên trần gian này. Ðó quả là một đặc quyền phước hạnh, còn đẹp đẽ và thỏa lòng hơn bất kỳ tình bạn nào, bức tranh nào, buổi hoàng hôn nào, hay bất kỳ vẻ đẹp nào của tự nhiên. Hãy nhìn lại ân điển của Ngài mà yêu thương nhau; hãy nhìn tới sự tái lâm và vinh hiển của Ngài; trong khi đó, hãy làm việc tích cực và vui mừng trong hy vọng - cho đến lúc Ngài đến!
A.W.Tozer