ĐỨC CHÚA TRỜI KHIẾN CHO PHA-RA-ÔN CỨNG LÒNG
Có nhiều câu trong kinh điển liên quan đến việc Đức Chúa Trời khiến cho Pha-ra-ôn cứng lòng, từng gây nhiều lúng túng cho các Cơ-đốc nhân hãy con ấu trĩ, và thường được những người không tin Chúa lợi dụng khi công kích Thánh Kinh. Người ta nói rằng nếu Đức Chúa Trời khiến cho Pha-ra-ôn cứng lòng, mà hậu quả của việc làm cho cứng lòng đó là Pha-ra-ôn đã nổi loạn chống lại Đức Chúa Trời thì chính Đức Chúa Trời phải chịu trách nhiệm về tội lỗi của Pha-ra-ôn. Gặp trường hợp như thế, làm thế nào để chủ trương rằng Pha-ra-ôn phải chịu trách nhiệm về sự phản loạn của mình nên phải chịu trừng phạt là công bằng?
Trong Xuất 4:21 chúng ta đọc thấy: “Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se rằng: Khi trở về xứ Ê-díp-tô, hãy cẩn thận về các dấu lạ của ta đã giao nơi tay ngươi mà làm trước mặt Pha-ra-ôn, nhưng ta sẽ khiến người cứng lòng chẳng cho dân sự đi”.
Vậy, căn cứ vào khúc sách này cùng với Xuất 7:3 và 14:4 thì thoạt nhìn dường như cũng có cơ sở để chê trách hành động của Đức Chúa Trời trong vấn đề này, hay ít nhất cũng là đối với phần ký thuật của Thánh Kinh về nó. Thế nhưng, khi chúng ta nghiên cứu thật chính xác xem Thánh Kinh đã nói gì và các hoàn cảnh lúc Ngài phán như thế, thì chỗ khó hiểu đó sẽ tan biến ngay.
Nếu Đức Chúa Trời đến với một người thật lòng muốn biết Ngài và vâng theo ý chỉ Ngài, làm cho người ấy cứng lòng, do đó đẩy người ấy đến chỗ không tuân theo ý chỉ Ngài, thì tất nhiên đó là một hành động về phía Đức Chúa Trời, và rất khó có thể hay không thể nào biện minh được. Tuy nhiên, khi chúng ta đọc những lời phán của Đức Chúa Trời về vấn đề này trong toàn văn (văn cảnh) của chúng. Chúng ta sẽ thấy rằng đó không phải là việc mà Đức Chúa Trời đã làm cho Pha-ra-ôn. Pha-ra-ôn không phải là một người muốn vâng lời Đức Chúa Trời.
Toàn thể phần ký thuật đã bắt đầu, không phải là với việc Đức Chúa Trời làm cho Pha-ra-ôn cứng lòng, mà trái lại, là với việc chính Pha-ra-ôn tự làm cứng lòng mình. Trong Xuất 4:21 chúng ta có một lời tiên tri về điều Đức Chúa Trời sẽ làm với Pha-ra-ôn, một lời tiên tri mà Đức Chúa Trời cho biết thật đầy đủ về những gì Pha-ra-ôn sẽ làm trước khi Ngài khiến cho vua ấy cứng lòng. Trong Xuất 9:12 và trong nhiều khúc sách sau đó nữa, chúng ta được thấy lời tiên tri đó ứng nghiệm; nhưng trước khi Đức Chúa Trời làm cái công việc ở đây là khiến cho Pha-ra-ôn cứng lòng, thì chúng ta có một phần ký thuật về những gì chính Pha-ra-ôn đã làm.
Trong Xuất 5:1-2 chúng ta được cho biết là Môi-se và A-rôn vào ra mắt Pha-ra-ôn với bức thông điệp của Đức Giê-hô-va rằng:
“Kế sau, Môi-se và A-rôn đến tâu cùng Pha-ra-ôn rằng: Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên có phán như vầy: Hãy cho dân ta đi, đặng nó giữ một lễ cho ta tại đồng vắng. Nhưng Pha-ra-ôn đáp rằng: Giê-hô-va là ai mà trẫm phải vâng lời người, để cho dân Y-sơ-ra-ên đi? Trẫm chẳng biết Giê-hô-va nào hết; cũng chẳng cho dân Y-sơ-ra-ên đi nữa”.
Ở đây, Pha-ra-ôn đã dứt khoát và tỏ thái độ thách đố là không chấp nhận hay từ chối không chịu vâng lời Đức Chúa Trời. Việc này đã xảy ra trước khi Đức Chúa Trời làm cho vua ấy cứng lòng. Rồi tiếp theo đó mới là phần mô tả cách thức Pha-ra-ôn đã tự buông mình vào việc áp bức dân Y-sơ-ra-ên tàn bạo hơn bao giờ hết (5:3-9).
Trong 7:10 và tiếp theo đó, chúng ta thấy Môi-se và A-rôn lại ra mắt Pha-ra-ôn, và làm nhiều dấu lạ trước mặt nhà vua để chứng minh rằng hai ông quả thật là các sứ giả được Đức Chúa Trời phái đến, nhưng Pha-ra-ôn đã không chịu nghe. Trong câu 13, chúng ta đọc thấy “Thế mà lòng Pha-ra-ôn vẫn cứng cỏi, chẳng nghe Môi-se và A-rôn”. Cho đến đây, vẫn chưa thấy nói là Đức Chúa Trời làm cho Pha-ra-ôn cứng lòng.
Thế thì sự kiện là Pha-ra-ôn vốn là một bạo chúa hay áp bức, đã đưa dân Y-sơ-ra-ên vào ách nô lệ khủng khiếp, gây đau khổ và chết chóc cho họ. Đức Chúa Trời đã nhìn vào dân sự Ngài, nghe tiếng kêu cầu của họ, và do lòng nhân từ thương xót của Ngài, đã quyết định giải cứu họ (2:25;3:7-8). Ngài đã sai Môi-se làm đại diện cho Ngài, đến với Pha-ra-ôn để yêu cầu vua ấy giải thoát cho dân Ngài, nhưng bằng thái độ kiêu ngạo và phản loạn, Pha-ra-ôn đã thách thức Ngài và tự ý gia tăng sự áp bức còn tàn ác hơn nữa đối với dân Ngài. Chỉ đến chừng đó, và đến lúc đó mà thôi, Đức Chúa Trời mới khiến cho vua ấy cứng lòng.
Đây chỉ đơn giản là phương pháp phổ quát mà Đức Chúa Trời vẫn theo đuổi để đối phó với loài người mà thôi. Phương pháp phổ quát của Đức Chúa Trời là nếu con người tự chọn điều sai trái, thì Ngài sẽ phó mặc người ấy cho việc sai trái đó (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:9-12); nếu họ cương quyết chọn phạm tội thì cuối cùng, Ngài sẽ phó mặc họ cho tội lỗi (Rô-ma 1:24-26,28). Đây là một cách đối phó nghiêm khắc, nhưng cũng là một cách đối xử công bằng.
Trong biến cố này, nếu còn có chỗ khó hiểu nào, thì tất cả đều sẽ tiêu tan khi chúng ta khảo xét đến cách thức Đức Chúa Trời đã dùng để làm cứng lòng Pha-ra-ôn. Lẽ dĩ nhiên, đây không phải là một hành động đối với phần thân thể vật lý. Đức Chúa Trời đã không đối phó với tấm lòng của Pha-ra-ôn như đó là một phần, của thân thể của vua ấy. Ngài đã đối phó với tấm lòng của vua ấy theo nghĩa nó được xem là trung khu của trí khôn tình cảm và ý chí của nhà vua.
Ý chí thì không thể bị bạo lực ép buộc. Ý chỉ thì không thể bị bạo lực ép buộc. Ý chỉ thì không thể bị bạo lực lay chuyển, như một đoàn tàu hoả sẽ không thể bị một lý luận hay một phép suy luận nào lay chuyển được. Cách thức để Đức Chúa Trời làm cứng lòng Pha-ra-ôn là gởi đến cho vua ấy một loạt bằng cớ chứng minh sự hiện hữu và quyền phép của chính Ngài, và một loạt những trừng phạt (đoán xét, phán xét). Nếu Pha-ra-ôn có thái độ phải lẽ đối với các mặc khải về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời đó, nếu vua ấy chịu thừa nhận quyền phép của Đức Chúa Trời trong những sự trừng phạt mà Ngài đã sai đến cho vua ấy, chắc chúng đã đưa được vua ấy đến chỗ ăn năn để được cứu. Thế nhưng do tự ý tự nguyện duy trì thái độ sai lầm đối với chúng, cho nên chúng đã khiến cho vua ấy cứng lòng.
Đã chẳng có gì Đức Chúa Trời đưa đến cho chúng ta, mà lại có đầy lòng nhân từ thương xót của Ngài hơn là những trừng phạt Ngài đưa đến cho tội lỗi chúng ta. Nếu chúng ta có thái độ phải lẽ, đứng đắn để tiếp nhận các trừng phạt ấy, chúng sẽ khiến cho lòng chúng ta mềm mại và dẫn chúng ta đến chỗ ăn năn và hoàn toàn đầu phục Đức Chúa Trời, và như thế sẽ đưa chúng ta đến với sự cứu rỗi. Tuy nhiên, nếu chúng ta nổi loạn chống lại chúng, chúng sẽ làm cho chúng ta cứng lòng và đưa chúng ta đến chỗ tàn hại miên viễn. Lỗi không phải ở nơi Đức Chúa Trời, và lỗi không phải ở sự trừng phạt của Ngài, mà đúng hơn thì lỗi là ở nơi chính chúng ta và thái độ của chúng ta đối với sự trừng phạt của Ngài, và dối với chính chân lý của Ngài. Phúc âm là hương vụ của sự sống, dẫn đến sự sống cho những ai biết tiếp nhận nó cách phải lẽ, đứng đắn, nhưng lại là mùi của sự chết, dẫn những kẻ chối bỏ nó đến chỗ chết (II Cô-rinh-tô 2:15-16).
Điều rắc rối không phải là do Phúc âm, vốn là “quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin” (Rô-ma 1:16). Rắc rối là ở nơi con người chối bỏ Phúc âm, mà làm như thế là người ấy tự làm cứng lòng mình, tự buộc tội, và tự để cho nó huỷ diệt mình, tự buộc tội, và tự để cho nó huỷ diệt mình, cho nên đối với người như thế, nó sẽ trở thành mùi của sự chết dẫn đến chỗ chết.
Sự việc vẫn thường xảy ra, là cùng một bài giảng đem sự sống đến cho người này, lại đem cái chết đến cho một người khác. Nó đem sự sống, sự tha thứ, và bình an cho người tin nó, hành động theo đó; nhưng nó đem lời buộc tội và cái chết đến cho kẻ khước từ chân lý của nó. Nó khiến cho tấm lòng của người này mềm mại, nhưng làm cứng cỏi, tấm lòng của một người khác. Bản thân Chúa Cứu Thế Giê-xu đã đến thế nào, không phải là để buộc tội thế gian, nhưng là để cứu rỗi người thế gian (Giăng 3:17), nhưng với người không chịu tin, thì Ngài đem đến lời buộc tội và sự tàn hại, diệt vong miên viễn (3:18,36).
LỆNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ PHẢI TẬN DIỆT DÂN CA-NA-AN
Có ít điều trong Thánh Kinh mà bởi đó nhiều độc giả thông minh đã bị va vấp, và người ngoại đạo thường thích thú bêu xấu hơn là lệnh truyền của Đức Chúa Trời rằng phải tận diệt một số các dân tộc, chẳng chừa lại một ai bất kể tuổi tác, giới tính. Phải giết sạch cả đàn ông, phụ nữ, lẫn trẻ con.
Thí dụ như chúng ta đọc thấy lệnh truyền ấy của Đức Chúa Trời cho dân Y-sơ-ra-ên trong Phục 20:16-17.
“Nhưng trong các thành của những dân tộc này, mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho ngươi làm sản nghiệp, thì chớ để sống một vật nào biết thở; khá tận diệt dân Hê-tít, dân A-mô-rít, dân Ca-na-an, dân Phê-rê-sít, dân Hê-vít, dân Giê-bu-sít, y như Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã phán dặn”.
Đối với nhiều thành phố khác, có lệnh truyền là nếu họ cầu hoà thì nên để cho họ bình an và tha mạng cho toàn thể cư dân; nhưng nếu họ khai chiến, thì phải giết người trưởng thành phái nam, còn phụ nữ và trẻ con thì phải chừa lại (20:10-15). Đó là những thành phố ở xa, còn cư dân của các thành phố trong các xứ mà chính dân Y-sơ-ra-ên sẽ chiếm làm nơi cư trú, thì phải tận diệt đi.
Chúng ta bị chất vấn: “Làm thế nào để hoà giải các lệnh truyền đáng ghê sợ và trắng trợn như thế, với giáo lý đã được truyền dạy rõ ràng trong Tân ước kinh rằng “Đức Chúa Trời là sự yêu thương” (I Giăng 4:8). Người ta bảo rằng những lệnh truyền như thế chắc chắn không phải là của Đức Chúa Trời, và Cựu ước kinh chắc chắn là đã sai lầm khi bảo rằng chúng là của Đức Chúa Trời. Vậy chúng ta có thể trả lời cho thắc mắc này như thế nào đây?
TỘI LỖI KHIẾN VIỆC ẤY THÀNH CẦN THIẾT
Trước hết, chúng ta nên nói rằng điều ấy quả đáng sợ thật nếu bất luận dân tộc nào cũng phải bị tận diệt bằng gươm, chẳng những là các chiến sĩ mà thôi, nhưng cả đến người già, phụ nữ, lẫn trẻ con nữa. Thế nhưng hãy còn một việc còn đáng sợ hơn thế nữa khi chúng ta dừng lại để suy nghĩ về vấn đề ấy cho thật thấu đáo để thấy rằng vì tội ác mà số người đó đã phạm vốn quá đầy dẫy, sự phản loạn của họ đối với Đức Chúa Trời vốn quá mãnh liệt và phổ quát, sự băng hoại đạo đức và đê tiện của họ vốn đã đến mức tận cùng và cứ tồn tại dai dẳng mãi, xuống cả đến các trẻ con sơ sinh nữa, cho nên một cách giải quyết như thế là tuyệt đối cần thiết vì lợi ích của nhân loại.
Đó chính là trường hợp của các dân tộc ở đây. Chúng ta được biết chẳng những nhờ Thánh Kinh mà cả từ nhiều nguồn thông tin khác, rằng chiều sâu của sự ô nhiễm luân lý đạo đức mà các dân tộc ấy đã sa vào, là không thể nào dò lường được. Chúng đã trở thành một căn bệnh ung thư đạo đức đe doạ chính sự sống của toàn thể nhân loại. Nếu muốn cho thân thể được cứu, thì căn bệnh ung thư đó phải bị cắt bỏ khỏi từng thớ thịt. Cắt bỏ các tế bào ung thư là một công cuộc phẫu thuật đáng sợ, một việc làm mà bất cứ một phẫu thuật gia có lòng nào cũng phải run sợ, nhưng thường thường thì cắt bỏ một khối ung thư là việc làm tử tế nhất mà một nhà phẫu thuật có thể làm trong những hoàn cảnh thực tế nào đó. Cũng tương tự như thế, công việc tử tế nhất mà Đức Chúa Trời có thể làm cho nhân loại là phải cắt bỏ đi cái khối ung thư này khỏi mọi gốc rễ và mọi thớ thịt.
VÌ LỢI ÍCH CỦA TOÀN THỂ NHÂN LOẠI
Thứ hai, chúng tôi xin nói rằng chắc chắn là Đức Chúa Trời có quyền thăm phạt những cá nhân và những dân tộc đã chìm đắm trong tội lỗi. Điều duy nhất đáng ngạc nhiên khi ta chịu dừng lại một chút để suy nghĩ, ấy là Ngài lại kiên trì nhẫn nhục đến thế, để không thăm phạt các cá nhân và các dân tộc ấy sớm hơn. Một khi ta đã thông hiểu về sự thánh khiết của Ngài ở một mặt, và ở mặt kia là chiều sâu của các thói tham lam, tham dục, tội lỗi, quỉ quyệt, chẳng coi luật pháp ra gì, và sự chống nghịch với Đức Chúa Trời của một số các thành phố thậm chí cả đến hiện nay nữa, đã sa vào, và thế nào cả đến các thiếu nhi cũng đang lầm lạc để sa vào thói quỉ quyệt không có lời lẽ nào mô tả được, thì hầu như ta phải ngạc nhiên là tại sao Ngài vẫn chưa xoá hết họ đi, như Ngài từng truyền lệnh cho dân Y-sơ-ra-ên phải làm với các dân tộc trong xứ Ca-na-an là một lệnh truyền đầy tính nhân từ thương xót và tình yêu. Nó là sự nhân từ thương xót và tình yêu đối với dân Y-sơ-ra-ên. Nếu dân Ca-na-an không bị tận diệt, thì chính dân Y-sơ-ra-ên sẽ bị tận diệt. Thật vậy, dân Y-sơ-ra-ên sở dĩ bị lây nhiễm tội lỗi chính vì đã không thực hiện sắc lệnh nghiêm khắc của Đức Chúa Trời cho đến cùng. Họ đã bỏ ngang giữa chừng điều Đức Chúa Trời đã dạy họ làm, để rồi chính họ phải bị diệt vong.
“Nhưng còn về các phụ nữ thì thế nào; họ có thể được chừa lại không?” Câu trả lời rất rõ ràng. Phụ nữ thường là nguồn gốc hàng đầu gây ra lây nhiễm (Dân 31:15-16). Tuy các phụ nữ chân chính có cao quí hơn đàn ông chân chính, các phụ nữ hư hỏng lại nguy hiểm hơn đàn ông hư hỏng” Nhưng còn trẻ con thì sao? Có thể tha thứ cho chúng không? Ai là người có kinh nghiệm với con cái của những người hư hỏng đều biết cái thói xấu đã được lưu truyền qua nhiêu thế hệ như thế nào; các thói xấu của ông cha cứ dai dẳng tái hiện nơi con cháu, cả khi chúng được đưa đi khỏi các môi trường xấu xa gian ác vây quanh để giáo dưỡng trong một môi trường thuận lợi.
Nhờ quyền năng tái sinh của Phúc âm, tất cả mọi việc ấy có thể được sửa chữa, nhưng chúng ta đừng nên quên rằng trường hợp mà chúng ta gặp ở đây vốn đã tồn tại từ nhiều thế kỷ trước khi Phúc âm được truyền giảng. Tình yêu và lòng nhân từ thương xót của Đức Chúa Trời đòi hỏi dân Y-sơ-ra-ên phải vâng theo thật đúng những gì Đức Chúa Trời đã truyền dạy họ phải làm; tình yêu và lòng nhân từ thương xót đối với cả nhân loại đã đòi hỏi như thế. Chủ đích của Đức Chúa Trời không phải chỉ là ban phước cho một mình dân Y-sơ-ra-ên mà thôi. Qua trung gian của dân Y-sơ-ra-ên, Ngài đã lập kế hoạch để ban phước cho toàn thể nhân loại. Ngài đang đào luyện một dân tộc bằng cách biệt riêng họ ra suốt nhiều thế kỷ, để khi việc đào luyện hoàn tất, họ có thể bước ra ngoài vòng rào đó để đem phước hạnh, sự cứu rỗi, và sự sống cho tất cả các dân các nước.
CÁC KẾ HOẠCH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
VƯỢT XA TẦM XÉT NÉT CỦA CHÚNG TA
Điều thứ ba cần nói, là các kế hoạch của Đức Chúa Trời chẳng những chỉ có lợi, mà còn rất bao la, cần phải có nhiều thế kỷ mới hoàn thành được. Chúng ta với tư cách những con người có đời sống hết sức ngắn ngủi, với thói tự kiêu tự phụ của mình, chỉ thấy được một vài mảnh vụn vặt nhỏ bé của kế hoạch vô hạn của Đức Chúa Trời mà thôi, nhưng lại tự cho mình cái quyền dám phê phán cái kế hoạch toàn diện mà chúng ta chỉ biết rất ít hay chẳng biết gì cả ấy. Chỉ cần chúng ta chịu học tập để biết được rằng Đức Chúa Trời vốn vô hạn còn chúng ta lại vô cùng nhỏ bé; cho nên so với các phương tiện khoa học và triết học, thì “sự phán xét của Ngài nào ai thấu được, đường nẻo của Ngài nào ai hiểu được?” (Rô-ma 11:33). Chẳng có sự ngu dại nào lớn hơn đối với một đứa trẻ là dám phê bình một triết gia, còn một triết gia sẽ chẳng có thể làm gì khác hơn để chứng tỏ mình là kẻ đại ngu ngoài việc dám chê bai chỉ trích Đức Chúa Trời.