Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2015

SỰ VINH HÓA—KẾT CUỘC CỦA CON NGƯỜI ĐƯỢC CỨU--




Trong 1 Timothe 6: 16 Phao lô nói về Chúa, “chỉ một mình Ngài có sự chẳng hay chết, ngự trong sự sáng không thể đến gần được, chẳng ai từng thấy Ngài, cũng không thể thấy được”. Đức Chúa Trời ngự trong ánh sáng vô hình, chúng ta không thấy được Ngài, nhưng khi Ngài hiện ra thì Kinh thánh gọi Ngài là Đức Chúa Trời vinh quang, như Ê-tiên nói Ngài hiện ra cùng Abraham—“ Đức Chúa Trời vinh hiển đã hiện ra cùng tổ phụ chúng ta là Áp-ra-ham” (Cv 7:2). Khi nào Kinh thánh chép về Đức Chúa Trời vinh quang thì kinh thánh ngụ ý Ngài là Đấng phô bày chính mình ra.
Đấng Christ là hiện thân của Đức Chúa Trời vinh quang, và kinh thánh cũng miêu tả Ngài là: “Jêsus Christ, là Chúa vinh hiển chúng ta-- họ chẳng đóng đinh Chúa vinh hiển trên thập tự giá đâu” (Gia cơ 2:2; 1 Cor. 2:8).
Đức Linh là sự thực tại hóa, là thể yếu, là Đấng Christ thể Linh, cũng được kinh thánh minh họa là “Linh của vinh quang” –“vì Linh vinh hiển của Đức Chúa Trời hằng ngự trên anh em” (1 Phiero 4:14).
Tóm lại khi nào Đức Chúa Trời tam nhất biểu lộ chính Ngài ra thì kinh thánh gọi Ngài là Đấng vinh quang.
Con người là mão triều của cả công cuộc sáng tạo, nên tác giả thơ Hê-bơ-rơ chép, “Loài người là gì mà Chúa nhớ đến, Con người là gì mà Chúa đoái thăm?  Chúa đã khiến người thấp kém thiên sứ một ít, Đội mão miện vinh hiển tôn trọng cho người, Đặt người trên công việc của tay Chúa, Khiến muôn vật phục dưới chân người.”(2:5-8).
A-đam, người đầu tiên được Chúa ban cho vinh quang và vinh dự trước khi sa ngã.  Ông được vinh hiển trước vạn vật, muôn loài, trừ thiên sứ. Nhưng con người không giữ địa vị vinh hiển đó lâu dài, họ đã sa ngã và sau khi sa ngã, kinh thánh miêu tả, “Vì mọi người đều đã phạm tội, hụt mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Rô 3:23). Động từ “hụt mất” (hustereo) có nghĩa là thiếu thốn, lạc hậu. Con người mất vinh quang của Đức Chúa Trời bao phủ, con người không còn khả năng biểu lộ Chúa, mà lại có thừa khả năng biểu lộ sự sống bản ngã của mình.
Tác giả thơ Hê-bơ-rơ cũng cho biết giải pháp Đức Chúa Trời phục hồi con người trở về sứ vụ đầu tiên để biểu lộ Đức Chúa Trời,  thì được thực hiện qua con người kiểu mẫu là A-đam thứ hai. Ông nói, “Song hiện nay chúng ta chưa thấy muôn vật phục người.  Nhưng chúng ta thấy Jêsus, là Đấng chịu làm thấp kém thiên sứ một ít, vì đã chịu khổ sở của sự chết, nên được đội mão miện vinh hiển tôn trọng, hầu cho bởi ân điển của Đức Chúa Trời mà Ngài vì mọi người phải nếm sự chết” (2:8-9). Cả câu “được đội mão miện vinh hiển tôn trọng” có nghĩa Ngài được trang điểm bằng vinh quang và vinh dự, vì động từ “đội mão miện” là stephanoō, có nghĩa là được gia miện, được đội mão, được trang điểm---với hai điều là vinh quang và vinh dự.
Về mặt nhân tính, làm sao Con Người Jesus có thể được vinh hóa? Kinh thánh bày tỏ cho chúng ta về cuộc sống con người thiên nhiên của Ngài đã trải qua, để cuối cùng được vinh hóa như sau:
a/.  Phân Rẽ Khỏi tội Lỗi Ở Bên Trong
Trong 2 Cor. 5:21, Phao lô nói Chúa Jesus là “Đấng vốn chẳng biết tội lỗi”. Tác giả thơ Hê-bơ-rơ thì nói Ngài là “Một thầy tế lễ thượng phẩm …thánh khiết, không hiểm ác, không ô uế, biệt khỏi tội nhân…”. Chúa Jesus không có bản chất tội lỗi. Nhân tánh của Ngài phân rẽ khỏi tội lỗi từ bên trong, dù Ngài làm bạn với tội nhân, nhưng có sự phân cách về tính tình của Ngài với tính tình của họ. Ngài không bị họ làm cho ô nhiễm.
Chúng ta đừng nông cạn nghĩ rằng Chúa Jesus chỉ biểu lộ Đức Chúa Trời khi Ngài hóa hình trên núi hóa hình. Ngài biểu lộ Đức Chúa Trời khi người ta nhận thấy “các lời ân huệ từ miệng Ngài ra” (Lu ca 4:22b). Mathio 14:35-36 cũng chép dân chúng nhận biết Ngài biểu lộ Đức Chúa Trời ra trong quyền năng chữa bệnh hàng loạt người, “Người xứ đó nhìn rõ Ngài, thì sai báo khắp miền xung quanh, rồi người ta đem mọi kẻ đau ốm đến cùng Ngài, nài xin cho họ chỉ được rờ đến trôn áo Ngài mà thôi; bao nhiêu người rờ đến đều được lành cả”. Chúa biểu lộ Đức Chúa Trời ra như vậy.
b/. Phân Rẽ Khỏi Thế Giới Ở Bên Ngoài:
Về cuộc sống bên ngoài trong thế giới đương thời, Chúa phân rẽ với thế nhân, cách li với hệ thống của satan. Chúa không tham gia chính trị, không cho quần chúng ép Ngài lên làm vua. Ngài thưa cùng Đức Chúa Trời Cha, “Họ (tín đồ) không thuộc về thế giới, cũng như Con không thuộc về thế giới” (Giăng 17:16).
Ngài nói với tổng đốc Phi-lát, “Nước của ta chẳng thuộc về thế giới nầy. Ví bằng nước ta thuộc về thế giới nầy, thì thần bộc ta chắc chiến đấu, để ta khỏi bị nộp cho người Do-thái; nhưng nay nước ta chẳng thuộc về đời nầy”(Giăng 18:36). Dù đang sống dưới sự cai trị của đế quốc La mã, nhưng Chúa Jesus tuyên bố Ngài không thuộc về đế quốc đó.
Ngài tuyên bố thẳng thừng là bá chủ thế giới, là satan, không có phần gì trong thân vị Ngài. Ngài tách rời khỏi hắn và hệ thống thế giới của hắn, “Hiện nay có sự xét đoán thế giới nầy, hiện nay bá chủ của thế giới nầy bị đuổi ra.- bá chủ của thế giới nầy hầu đến, nó chẳng có chi hết nơi ta “ (Giăng 12:31; 14:30)
c/. Nhân Tính Được Vinh Hóa:
Philip 3: 21 chép về sự vinh hóa thân thể Chúa Jesus.—“Ngài sẽ biến hoá thân thể hèn mạt của chúng ta ra giống như thân thể vinh hiển của Ngài”. 1 Timothe 3: 16 nói về những bước trong diễn trình vinh hóa nhân tính của Chúa như sau: “Đấng đã được tỏ ra trong xác thịt, Được xưng nghĩa trong tâm linh. Được thiên sứ trông thấy. Được rao giảng cho muôn dân, Được thế gian tin nhận, Được tiếp lên trong vinh hiển”.
Ngài đã sống trong xác thịt vô tội, được xưng nghĩa, được biện minh là thánh và nghĩa, được thiên sứ quan sát cuộc đời, được Phi lát nhìn nhận là vô tội, là người công nghĩa, và cuối cùng Ngài được vinh hóa, được vào cõi vinh hiển.
Ngài được nhìn nhận là thánh khiết, công nghĩa, biểu lộ mỹ đức của Đức Chúa Trời trước khi được biến hóa thân thể, để bước vào vinh quang.
d/. Vinh Hóa Anh Em Thuộc Linh Của Ngài:
Hê-bơ rơ 2:11-13 chép, “Bởi chưng Đấng mà muôn vật vốn vì Ngài và bởi Ngài, đã muốn đem nhiều con đến sự vinh hiển, thì khiến Nguyên soái của sự cứu rỗi họ nhơn sự chịu khổ sở mà được trọn vẹn và xứng hiệp vậy.  Vì cả Đấng Thánh Hóa lẫn những kẻ được thánh hóa đều bởi một Cha mà ra. Cho nên Ngài cũng không thẹn mà gọi họ là anh em..”.
Chúa Jesus đã biểu lộ mỹ đức, quyền năng, ân điển của Đức Chúa Trời trước khi vào vinh quang, vào thiên đàng. Ngài cũng muốn đem nhiều con Đức Chúa Trời vào vinh quang ở chung với Ngài. Chúng ta thường chú ý mình sẽ vào miền vinh hiển, mình sẽ có thân thể vinh quang chói loà như mặt trời, như các vì sao, nhưng lại quên rằng hiện nay sứ vụ của chúng ta tại thế giới nầy là phải sống biểu lộ vinh quang Đức Chúa Trời, như Chúa Jesus đã sống.
Kết luận:
Chúa Jesus muốn “Ngài thể nào thì chúng ta cũng thể ấy trong thế giới nầy” (1 Giăng 4:17). Bạn ơi đừng chỉ trông mong chúng ta sẽ biểu lộ vinh quang Đức Chúa Trời khi mình đã có thân thể phục sinh, tức là bước vào vinh quang rồi. Đức chúa Trời muốn chúng ta biểu lộ mỹ đức, ân điển, quyền năng của Ngài tại đây, trong thế giới tà ác nầy của satan. Dù có xác thịt phàm nhân, Chúa Jesus đã sống cuộc đời phân rẽ tội lỗi bên trong lòng, phân cách thế giới ở bên ngoài, sống bằng nhân tính biến đổi của một con người công nghĩa, thánh khiết. Là em của Chúa, có cùng bản chất và  sự sống với Ngài, nguyện Thánh Linh tái tạo trong mỗi chúng ta một cuộc sống không hư nát, không hủ bại, để biểu lộ Đức Chúa Trời ra như vậy.
Trước khi tin Chúa, nếp sống của chúng ta thiếu hụt vinh quang của Đức Chúa Trời, nhưng hôm nay, mong Chúa cho chúng ta đầy dẫy sự sống Ngài và biểu lộ vinh quang của Đức Chúa Trời ra cách đầy trọn, vì từ ban đầu Ngài đã muốn chúng ta mang hình ảnh của Ngài rồi.  Bạn đang biểu lộ Đức Chúa Trời hôm nay hay đang thiều hụt vinh quang Ngà? Amen.
Minh khải—14-8-2015