Thứ Năm, 27 tháng 2, 2020

NĂM MÔN ĐỒ HÁI TRÁI CÂY SỰ SỐNG-



Sáng thế kí 2:9, “Và ra từ đất, GIA-VÊ Đức Chúa TRỜI đã khiến mọi cây mọc lên trông đẹp mắt và ăn ngon; cây có sự sống cũng ở giữa vườn, và cây cho sự hiểu biết về tốt và xấu”.
Giăng 1; 4, ”In Him was life, and the life was the Light of men- Trong Ngài đã là (có) sự sống, và sự sống ấy đã là Sự Sáng của loài người”.
Sáng thế kí 3:24, “e rằng nó giơ tay nó ra, và cũng hái từ cây cho sự sống và ăn, và sống mãi mãi”.
Sứ đồ Giăng chép phúc âm của mình tương quan đến sách Sáng thế kí. Hai sách đều mở đầu bằng chữ “ban đầu”. Sau khi miêu tả sự tái tạo trời đất trong 6 ngày, Môi-se chỉ điểm có cây sự sống ở  trung tâm vườn Ê-đen. Tương tự như vậy, sau khi viết “muôn vật bởi Ngài dựng nên; phàm vật dựng nên, ngoài Ngài chẳng có vật gì được dựng nên cả” (1:3), sứ đồ Giăng liền giới thiệu cây sự sống là Chúa Jesus, “Trong Ngài có sự sống” (1:4).
Chữ “sự sống” ở đây theo nguyên văn là zoe- sự sống đời đời của Đức Chúa Trời, không phải bios – sự sống động vật, cũng không phải psuchē – sự sống tâm lí.

Căn cứ vào câu “đến ngày thứ ba có đám cưới tại Ca-na thuộc Ga-li-lê, mẹ Đức Jêsus có tại đó. Jêsus và môn đồ Ngài cũng được mời dự tiệc cưới” (Giăng 2:1-2, 12), nên có một người đã viết một bài—“Ba ngày trọng đại của Chúa Giê-su” từ nhiều năm trước, một ngày ứng cho 1000 năm để phác họa là có ước chừng 2000 năm thời Tân ước, và 1000 năm thiên hi niên chưa tới.
Thực vậy Cây sự sống đã mọc lên giữa nhân loại sáng tạo cũ trong khoảng 4000 năm. Còn Chúa Giê-su là Cây sự sống hiển lộ trong đầu thời tân ước. Hôm nay tôi diễn giảng về năm môn đồ đầu tiên của Chúa đã tuần tự hái trái cây sự sống ra sao. Đây chỉ là mô hình nguyên tắc thuộc linh, chứ thực chất, sau khi sống lại, Chúa mới có thể truyền đạt chính sự sống zoe của Ngài vào tín nhân.
    1/Anh-rê- người giới thiệu Chúa-
Sau khi được thầy là Giăng Báp-tít giới thiệu, hai môn đồ đã đi theo Chúa Giê-su và ở lại thông công với Ngài cả buổi sáng.—tức là hái trái cây sự sống và ăn. Sau đó Anh-rê đã tìm anh Si-môn và làm chứng về kinh nghiệm của mình:“Chúng tôi đã gặp Mê-si-a” (dịch là Christ). Do ăn được trái cây sự sống, nhận thức thuộc linh của Anh-rê đã thay đổi, như Phao-lô nói: “Bởi đó cho nên từ nay chúng tôi không nhận biết ai theo xác thịt nữa; dầu chúng tôi từng nhận biết Christ theo xác thịt, song hiện nay chẳng còn nhận biết Ngài cách ấy nữa” (2 Cor. 5:16) --và cuộc đời ông cũng còn có nhiều cơ hội dẫn em bé trai có 5 cái bánh và 2 con cá đến với Chúa, đưa một toán người Hi lạp đến với Ngài… Trái cây sự sống đã biến đổi Anh-rê nên chiếc bình hữu dụng trong khâu giới thiệu người ta đến với Chúa.
    2/ Môn đồ Chúa yêu
Bạn đồng hành của Anh-rê là ai? Người ấy cũng ăn được trái cây sự sống, nhưng đã biến mất ngay sau đó. Mãi đến cuối sách phúc âm, ông mới tự giới thiệu, “Đây là người môn-đồ đó, là kẻ làm chứng về các việc này, và đã viết các việc này; và chúng ta biết rằng lời chứng của người là thật (21:24).
Có nhiều tôi tớ Chúa không được Chúa cho phép sống trước ánh đèn pha trên sân khấu tôn giáo. Sứ đồ Giăng có tuổi tác xấp xỉ Chúa Giê-su, và là em bạn dì ruột về xác thịt với Ngài. Chúa chết khoảng năm 30 S.C, như vậy sau đó Giăng sống thêm chừng 70 năm hầu việc Chúa ở hậu trường. Truyền thống nói rằng ông bị đày ra đảo Bát-mô, và viết sách Khải huyền vào năm 90, và sau đó trở về Ê-phê-sô, lại viết ba thơ tín vào khoảng năm 95. Giăng đã làm chứng cho ai trong khi Anh-rê nói chuyện với Si-môn? Ngoài vài lần xuất hiện ở Công vụ 8, cả cuộc đời phụng sự Chúa của Giăng dường như được giấu kín.
      3/ Si-môn, môn đồ như đá quý-
Khi vừa thấy Si-môn, Chúa nhìn ông theo cái nhìn cõi vĩnh hằng rồi phán “ngươi là Si-môn con trai của Giăng; ngươi sẽ được gọi là Sê-pha” (dịch là Phi-e-rơ”. Theo nguyên ngữ “Sê-pha’’ là Πέτρος, đọc là Pét-trọt, là một hòn đá nhỏ; Anh-ngữ là Peter; Pháp-ngữ là Pierre (Phi-e-rơ).
Như vừa ăn trái cây sự sống, lời Chúa phán với ông đây đã được ghi khắc, tạo tác và định hình cả đời sống của Phi-e-rơ. Ông miêu tả sự gặp gỡ của mình với Cây sự sống là: sự “đến cùng Ngài như đến cùng một hòn đá sống” (1 Phi 2:4).
Khi bắt đầu phụng sự Chúa, ông mạnh dạn tuyên bố Chúa là đá góc nhà trước ban lãnh đạo Do thái giáo (Công 4:11). Khi về già, trong thơ tín của mình, ông liên tục nói về Chúa là Đá sống, Đá quý, Đá đầu góc nhà, Đá vấp chân cho kẻ bất phục. Ông cũng ví sánh tín nhân và chính mình là đá sống, cần được xây dựng kết cấu với nhau thành ngôi nhà của Đức Chúa Trời. Chỉ gặp Chúa trong chốc lát mà cuộc đời Sê pha được biến đổi đến mức độ khôn sao tả xiết! Ông là một viên đá quý, viên ngọc  hiếm có.
Về cõi đời đời tương lai, sứ đồ Giăng lại chép rằng Phi-e-rơ như là ngọc bích, xây dựng một trong mười hai nền của vách thành thánh Jerusalem mới, “Tường thành có mười hai nền, trên đề mười hai danh của mười hai sứ đồ của Chiên Con” (Khải 21:14).
     4/Phi-líp, môn đồ quen thuộc kinh Cựu ước.
Do lời giới thiệu của Phi-e-rơ, Chúa tìm Phi-lip, là bạn đồng thành của hai anh em Phi-e-rơ  và Anh-rê. Lời nói của Phi-líp với Na-tha-na-ên để lộ ra rằng ông là người quen thuộc kinh Cựu ước. “Chúng tôi đã tìm được Đấng mà về Ngài Môi-se trong Luật-pháp và các Tiên-tri đã viết”.
Trong thời kì mà ấn bản Kinh thánh bằng giấy da bò non rất khan hiếm, và vô cùng quý giá, thế mà làm sao Phi-líp có thể tiếp cận kinh sách Cựu ước nhiều lần và quen thuộc ngôn ngữ thánh trong đó? Dù sống đời ngư phủ nghèo nàn, nhưng có lẽ Phi-líp đi nhóm nhà hội Do thái giáo thường hơn, và trí nhớ ông cũng rất tốt.
Vào thập niên 80, tại Việt nam là thời kì khan hiếm sách bồi linh của các tác giả lớn trên thế giới xuất bản sau năm 1975, nên có một anh em nói với bạn tôi, “tôi đi trước anh đến 10 năm ánh sáng của Chúa, vì tôi sở hữu nhiều sách giải kinh độc đáo từ nước ngoài gởi về mà anh không có”.
Nếu bạn không ăn được trái sự sống, không găp gỡ Đấng Christ hằng sống, thì dù tri thức văn tự kinh thánh của bạn có phong phú đến đâu,  đó cũng chỉ là tri thức chết mà thôi. Linh của Đấng Christ đã kích hoạt tri thức kinh văn của Phi-líp trở nên lời sống động. Một ra-bi tài ba là Phao lô, sau khi ăn được trái sự sống, ông tức thì giảng “Jesus là Đấng Mê-si-a” (Công vụ 9)—và tất cả kho tàng tri thức kinh văn mà ông đã sở hữu từ thuở thiếu thời, đã tạo tác ông trở thành một kiến trúc sư bậc thầy (a wise master builder) (1 Co 3:10), một vị giáo sư của các dân tộc về đức tin và lẽ thật (1 Tim. 2:7). Cấp bằng Ph.D., chức danh Reverend, nếu chỉ là văn tự suông, thì chỉ đem lại sự chết chóc, sự khô hạn cho hội thánh, trừ khi bạn được Linh ban sự sống của Đấng Christ kích hoạt và thường xuyên vận hành.
5/ Na-tha-na-ên-- một người Israel ngồi dưới cây vả-
Na-tha-na-ên có một tên thứ hai là Ba-thê-lê-my. Chúa Giê-su công khai công nhận ông là một người Israel chân thật (ngụ ý là Gia -cốp gian xảo biến đổi). Chúa cũng nói rằng Na-tha-na-ên đã ngồi dựa gốc vả khi Phi-líp đến giới thiệu Chúa cho ông. Lời Chúa nói ông ngồi dưới cây vả nhắc chúng ta nhớ đến thành ngữ “ở dưới cây nho và cây vả” (1 Các vua 4:25)—là  thời cực thịnh của dân Israel khi vua Sa-lô-môn trị vì. Qua lời nầy, Chúa ngụ ý Ngài là “Cây vả” thuộc linh, một hình thức khác của Cây sự sống ở 1:4. Rồi đến chương 14:6, Chúa tự xưng Ngài là sự sống và chương 15:1, Ngài là Cây Nho. Na-tha-na-ên ngồi dưới Cây Vả tức là dựa vào Chúa là Cây sự sống, là Cây nho, nên ông đã vui hưởng trái vả và rượu nho thần thượng rồi vậy.
Ô qua cuộc gặp gỡ đó, một Gia cốp bẩm sinh ưa nắm gót người ta đã được biến đổi thành một Israel chân thật, thấy cửa trời mở ra, nhìn thấy Chúa là chiếc thang nối liền cõi vĩnh hằng và cuộc sống thế giới nầy!
6/ Quản tiệc và những người cấp dưỡng:
Vào ngày thứ ba kể từ ngày Anh-rê khám phá Cây sự sống, có một tiệc cưới tại Ca na. Tiệc cưới nầy của ai mà các môn đệ đầu tiên, mẹ và anh em của Chúa đều được mời tham dự (2:12). Tại sao tác giả phúc âm giấu nguyên quán của Na-tha-na-ên ở cuối sách? Giăng 21:2, “Na-tha-na-ên quê ở Ca-na thuộc Ga-li-lê”. Phải chăng Na-tha-na-ên là chú rễ trong đám cưới nầy?
Đám cưới nầy tượng trưng nếp sống một hội thánh, và tiệc cưới đây như một cuộc nhóm họp tín đồ hằng tuần. Ngoại trừ Chúa, nhân vật nổi bật trong bữa tiệc là “người hầu-bàn trưởng”. Bản nhuận chánh dịch là “kẻ coi tiệc”, còn bản kinh thánh Công giáo dịch là “quản tiệc”.
Ông quản tiệc nầy phục vụ bữa tiệc có thù lao hẳn hòi, và là người chuyên nghiệp. Nhưng đáng tiếc, bữa tiệc hôm đó lại thiếu rượu nho khi tiệc chưa tàn.
Chúng ta rất buồn khi thấy ngày nay cũng có ít phụ nữ theo gương bà Ma-ri (tín đồ thiên nhiên) muốn lãnh đạo hội thánh, muốn phát ngôn linh tinh trong buổi nhóm. Nhưng Chúa là Đầu Hội thánh, lúc nào Ngài cũng có kế họach dự phòng trước. Ngài đã dùng những “kẻ giúp việc” (2: 5,9) cứu vãn hội chúng.
Theo nguyên ngữ “kẻ giúp việc“ đây là diakonos—minister. Chữ nầy nên dịch sát nghĩa là: người cung phụng, người cấp dưỡng, anh nuôi, chị nuôi ở nhà bếp, chớ không phải “tôi tớ” (servant) thông thường hay là “quản nhiệm” hội thánh.
Ông quản tiệc, ăn trên ngồi trước, thọ phong chức vụ, nhưng thiếu khả năng cấp dưỡng dân Chúa lâu dài. Còn những anh nuôi, không có chức phận, nhưng có ân tứ thiết thực, có khả năng cho chiên của Chúa ăn uống những thực phẩm cùng rượu nho có chất lượng mỗi ngày một cao hơn. Rất nhiều mục tử có danh nghĩa nhưng không có ministry (sự cấp dưỡng Đấng Christ), không có khả năng cấp dưỡng cho ai, thậm chí cho chính mình. Nhiều người lại chưa hiểu “chức vụ” (ministry) là gì, chỉ hồ đồ cho đó là chức tước!
Quy luật bắt buộc cho Cây Sự Sống là phải: “sinh ra 12 loại trái, sản-xuất trái của nó mỗi tháng” (Khải 22: 2). Phải có trái mới, trái phải có đủ 12 khía cạnh toàn bích, cho mỗi tháng tương lai đến vô cùng. Chức vụ cá nhân bạn có khả năng cấp dưỡng như vậy chăng? Nếu bạn là nhánh Nho (Cây Sự Sống) sống động bạn sẽ có khả năng đó.
Kết luận-
Lời Chúa rất thâm thúy và toàn diện. Tiệc cưới Ca-na tượng trưng nếp sống hội thánh ngày nay và cũng tiêu biểu cho tiệc cưới Chiên Con—nước ngàn năm.
Hội thánh đã tụ hội những môn đồ từng có sự gặp gỡ riêng tư với Chúa và có kinh nghiệm ít nhiều về Ngài là Cây sự sống. Dù vậy trong hội thánh vẫn còn có ít người phụ nữ phát ngôn chỉ đạo nầy nọ. Hội thánh còn chứa những người vô tín, vì các em của Chúa, lúc đó chưa tin Ngài là Đấng Mê-si-a. Nhiều buổi nhóm hội thánh lâm vào tình trạng thiếu rượu nho thần thượng. Những vị không có khả năng cấp dưỡng con dân Chúa lại ăn trên ngồi trước. Những người giúp việc thiết thực, âm thầm cung cấp thức ăn cho chiên thì bị bạc đãi, phải ngồi dưới, sống ở hậu trường tôn giáo.
Trong “hai ngày” (2000 năm) hầu qua nầy, các ông như Anh- Rê, Phi- e- rơ, Phi- líp… đã phụng sự Chúa hết lòng, hôm nay (2020) dường như có dấu hiệu “ngày thứ ba” sắp hiện đến. Cầu xin Chúa cho chúng ta hưởng được lời nầy; “Phước cho những kẻ được mời đến bữa dạ tiệc cưới của Chiên Con”(Khải 19:9) TKTC.
Phải chăng bạn là khách được mời? Tôi tin nếu bạn là người giúp việc khiêm ti, người cấp dưỡng có hiệu quả trong nhà Chúa hôm nay, tên bạn đã được ghi trong danh sách khách mời rồi đó.
Thiên Trình 28-02-2020