Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

BẢY LINH--8

CHƯƠNG TÁM

KHẢI THỊ LÀ MỘT QUYỂN SÁCH SỰ SỐNG

Anh em có bao giờ nhận thức rằng Khải Thị là một
quyển sách sự sống không? Nhiều quyển sách đã được viết
như một sự giải thích cho sách này, nhưng hầu như tất cả
đều đi theo đường hướng lời tiên tri. Nhưng Chúa đã bày
tỏ cho chúng ta rằng đây là một quyển sách sự sống,
không chỉ là lời tiên tri!


Thuật ngữ “cây sự sống” được đề cập bốn lần trong
sách này. “Nước sự sống” cũng được đề cập bốn lần, ba lần
ở thể số ít và một lần số nhiều. “Quyển sách sự sống” được
dùng ba lần, và “mão miện sự sống” cũng được đề cập đến.
Chúa Jesus cũng công bố trong sách này: “Ta là Đấng sống
và đã chết; và kìa, Ta sống mãi mãi” (Khải 1:18). Khải Thị
như sách cuối cùng của Kinh Thánh, là một quyển sách sự
sống. Đây là vì ngay từ đầu Kinh Thánh, chủ đề trung tâm
cũng là sự sống (Sáng 2:9).

MỘT SỰ KÝ THUẬT VỀ SỰ SỐNG

Ký thuật về sự sáng tạo của Đức Chúa Trời trong Sáng
Thế Ký 1—2, nói cho đúng, không phải là một sự ký thuật
về sự sáng tạo, mà là một sự ký thuật về sự sống. Nếu đó
thật sự là ký thuật về sự sáng tạo, thì nó sẽ không ngắn
như vậy. Chỉ có một câu là ký thuật về sự sáng tạo, và đó
là câu đầu của chương một. “Ban đầu Đức Chúa Trời sáng
tạo trời và đất.” Đây là ký thuật về sự sáng tạo. Rồi từ
Sáng Thế Ký 1:2 đến cuối chương 2, hoàn toàn là một sự
ký thuật về sự sống.

Theo nguyên bản Hebrew, Sáng Thế Ký 1:2 phải được
dịch theo cách này: “Và trái đất đã trở nên vô hình và
trống không…” “Ban đầu Đức Chúa Trời sáng tạo trời và
đất. Và trái đất đã trở nên vô hình và trống không…” Điều
này nghĩa là trái đất đã trở nên đầy dẫy sự chết và trên
bề mặt trái đất có sự tối tăm của vực sâu. Vực sâu và sự
tối tăm biểu thị cho sự chết. Sau đó, Linh của Đức Chúa
Trời bước vào, không phải để sáng tạo, nhưng để khôi
phục bằng sự sống. Sau sự đến của Linh Đức Chúa Trời, sự
sáng đến. Sự sáng không phải vì sự sáng tạo, mà vì sự
sống. Sự sáng bước vào để phân rẽ sự tối tăm với sự sáng.
Điều này là để sản sinh sự sống.

Ngày đầu tiên, sự sáng bước vào để sản sinh sự sống.
Rồi bầu trời bước vào để phân rẽ nước ở trên với nước ở
dưới. Một lần nữa, điều này là để sản sinh sự sống. Bầu
trời là không khí. Nếu không có không khí, thì không thể
có sự sống. Sự sáng là vì sự sống và không khí cũng vì sự
sống. Đây là ngày thứ hai.
Vào ngày thứ ba, mặt đất lộ ra khỏi nước. Ngày thứ
ba nghĩa là sự phục sinh! Chúa Jesus phục sinh vào ngày
thứ ba. Ngài là miền đất tốt lành ra khỏi nước sự chết.
Sau khi trái đất ra khỏi nước vào ngày thứ ba, mọi loại
sự sống đều được sản sinh. Mọi sự sống đều ra từ Đấng
Christ phục sinh.

Vì sự sống cao hơn, có nhu cầu về ánh sáng lớn hơn.
Vì vậy, vào ngày thứ tư, các vì sáng lớn hơn, mặt trời, mặt
trăng và các ngôi sao xuất hiện. Vào ngày thứ năm, sự
sống động vật cao hơn được sản sinh. Cá dưới nước, chim
trên không trung, và các loài thú trên mặt đất—tất cả các
loại sự sống động vật này—đều được sản sinh.

Rồi vào ngày thứ sáu, sự sống cao nhất giữa vòng các
tạo vật được sản sinh. Đây là sự sống loài người, sự sống
theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, cao nhất trong mọi loại
sự sống. Bây giờ chúng ta có thể thấy rằng Sáng Thế Ký 1
không phải là ký thuật về sự sáng tạo, mà là ký thuật về
sự sống.

CÂY SỰ SỐNG

Sáng Thế Ký 2 tiếp tục bằng cách bày tỏ thể nào Đức
Chúa Trời đã làm nên con người từ bụi đất và đặt con
người trước cây sự sống. Kế bên cây sự sống có một cây
khác, cây tri thức. Con người được làm nên với sự sống cao
nhất giữa vòng các loại sự sống thọ tạo, nhưng con người
vẫn cần sự sống thần thượng, sự sống đời đời, sự sống bất
thọ tạo. Sáng Thế Ký 2 cho chúng ta các chi tiết về việc
con người được làm nên như thế nào và vì chủ đích gì. Con
người được làm nên trong ba phần, thân thể, hồn và linh.
Thân thể là để tiếp xúc với thế giới vật lý, hồn là bản thể
chúng ta, và linh là phần mà bởi đó chúng ta có thể tiếp
xúc Đức Chúa Trời. Chúng ta là một thân vị có thân thể
bên ngoài và linh bên trong để chúng ta có thể tiếp nhận
Đức Chúa Trời vào trong chúng ta như sự sống thần
thượng. Và sự sống thần thượng này được biểu thị bởi cây
sự sống. Sự sống cao nhất giữa vòng mọi sự sống thọ tạo
phải tiếp nhận Đức Chúa Trời như sự sống thần thượng.
Khi đó, chúng ta sẽ là một với Đức Chúa Trời.

Nếu tiếp nhận sự sống thần thượng, chúng ta sẽ có
nước hằng sống tuôn chảy bên trong như được bày tỏ trong
Sáng Thế Ký 2. Bên cạnh cây sự sống, một con sông đang
tuôn chảy, và trong sự tuôn chảy của con sông, các loại vật
liệu quý được sản sinh: vàng, trân châu (ngọc trai), và mã
não (đá quý). Các loại đá quý này là vì chủ đích sản sinh
một cô dâu. Sau điều này, có một cô dâu (Eve) tương xứng
với tân lang (Adam). Bởi Khải Thị 22 chúng ta biết cô dâu
này tiêu biểu cho Thành Thánh được xây dựng bằng ba
loại vật liệu quý này: vàng, ngọc trai và đá quý. Do đó, đây
không phải là ký thuật về sự sáng tạo, mà là ký thuật về
sự sống sản sinh vật liệu vì sự xây dựng Cô Dâu hoàn vũ
để tương xứng với Tân Lang hoàn vũ. Đây là việc mở ra
sáu mươi sáu sách của Kinh Thánh. Hai chương đầu
Kinh Thánh là một sự ký thuật bày tỏ thể nào sự sống sản
sinh các vật liệu để xây dựng Cô Dâu.

Các anh chị em ơi, chúng ta có cần các sự dạy dỗ
không? Chúng ta có cần các giáo lý không? Không! Ngợi
khen Chúa, chúng ta cần sự sống, và Christ là sự sống và
Christ là Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời ở trong Christ
như sự sống của chúng ta.

Nếu đọc Kinh Thánh từ Sáng Thế Ký 1 đến Phúc Âm
John, chúng ta thấy rằng “trong Ngài (Christ) có sự sống”
(John 1:4). Và Ngài nói: “Ta đến để họ có thể có sự sống,
và có cách dư dật” (John 10:10). Ngài nói đi nói lại rằng
Ngài là sự sống. Ngài bảo Martha rằng Ngài là sự sống
(John 11:25), và Ngài bảo các môn đồ Ngài rằng Ngài là
sự sống (John 14:6). Ngài đến để chúng ta có thể có sự
sống. Sự sống là mọi sự chúng ta cần!

SỰ SỐNG, KHÔNG PHẢI TRI THỨC

Sau đó, trong sách cuối cùng của Kinh Thánh, Chúa
nói: “Ta là Đấng sống và đã chết; và kìa, Ta đang sống
mãi mãi” (Khải 1:18). “Đối với người đắc thắng, Ta sẽ cho
ăn cây sự sống” (Khải 2:7). Điều Ngài có ý nói là Ngài
cây sự sống. Trong John 6:57, Ngài nói: “Ai ăn Ta, người
ấy sẽ sống bởi Ta.” Đây là vấn đề ăn, không phải vấn đề
biết. Đây là vấn đề sự sống, không phải là vấn đề tri thức.

Vì vậy, trong sách cuối cùng này, chúng ta có mọi
thuật ngữ này: cây sự sống, mão miện sự sống, quyển sách
sự sống, nước sự sống và các dòng nước sự sống. Cây sự
sống là để chúng ta ăn, nước sự sống là để chúng ta uống,
mão miện sự sống là để chúng ta đội. Chúng ta phải nhận
lấy một điều gì đó vào trong chúng ta như sự sống, chúng
ta phải mặc lấy một điều gì đó như sự sống, và chúng ta
phải được ghi vào sách sự sống. Sự sống, sự sống, sự sống,
sự sống! Đó là sự sống, không phải tri thức. Chúng ta phải
học cách ăn sự sống, uống sự sống, và mặc sự sống.


Các Cơ Đốc nhân tốt là những người đang ăn và uống,
không phải là những người hiểu biết. Cơ Đốc giáo luôn
luôn bảo dân chúng rằng họ phải biết điều này và họ phải
biết điều kia. Các anh em phải biết rằng họ phải yêu
thương vợ mình. Các chị em phải biết rằng họ phải thuận
phục chồng mình. Cơ Đốc giáo luôn luôn bảo dân chúng
biết, biết, biết. Có nhiều điều “phải làm” và nhiều điều
“không được làm”. Mọi người phải biết đúng sai, tốt xấu.
Nhưng “biết” là vấn đề tri thức và thuộc về một cây khác.
Có hai cây: một là cây sự sống, và cây kia là cây tri thức
(Sáng 2:9). Việc “biết” trong Cơ Đốc giáo thuộc về cây tri
thức.
Điều chúng ta cần không phải là biết, mà là ăn và
uống. “Đối với người đắc thắng, Ta sẽ cho ăn cây sự sống”.
“Và ai khát hãy đến… nhận lấy nước sự sống cách miễn
phí” (Khải 22:17). Chúng ta phải ăn và uống.

“Và thiên sứ ấy đã chỉ cho tôi thấy sông nước sự sống
ở giữa đường của thành, trong sáng như pha lê, lưu xuất từ
ngai của Đức Chúa Trời và Chiên Con” (Khải 22:1). Điều
này nghĩa là ra từ Đức Chúa Trời cứu chuộc, Chiên ConĐức
Chúa Trời, lưu xuất sông nước sự sống, và ở hai bên
bờ sông mọc lên cây sự sống. Chúng ta có sông nước sự
sống để uống và cây sự sống để ăn! Nếu có ai đến nói với
anh em rằng anh em phải biết, biết, biết, anh em phải
nhận thức rằng đó là một người được sai đến từ cây tri
thức, không phải từ cây sự sống. Nhưng nếu có ai nói với
anh em rằng tất cả chúng ta cần ăn và uống Christ, chúng
ta phải nói: “Halellujah, người này đến từ Jerusalem Mới!”
Anh em là một Cơ Đốc nhân đang ăn và uống hay là
một Cơ Đốc nhân hiểu biết? Nếu ăn và uống, cuối cùng,
chúng ta sẽ có một điều gì đó để đội như mão miện. Vinh
hiển của chúng ta không phải ở trong tri thức, nhưng ở
trong sự sống. Sự sống là vinh hiển của chúng ta; sự sống
là sự khoe khoang của chúng ta. Christ có phải là tri thức
không? Không, Ngài là sự sống! Chúng ta đang khoe
khoang trong sự sống. Sự sống là mão miện của chúng ta;
sự sống là vinh hiển của chúng ta!

Nếu gặp một anh em có vẻ mặt buồn bã, hãy tin chắc
là người ấy có một tâm trí sáng tỏ. Và trong tâm trí sáng
tỏ có rất nhiều tri thức. Nhưng nếu gặp một anh em có vẻ
mặt hớn hở đang nói “Ô Chúa, Amen, Halellujah!” thì hãy
tin chắc rằng người ấy đang vui hưởng Chúa. Người ấy đầy
dẫy Christ, và vì điều này nên người ấy đầy dẫy sự vui
mừng. Anh em có thể nói rằng người ấy ngu dại, nhưng
người ấy vui mừng.

Tôi thích nhìn thấy tất cả các anh chị em có vẻ mặt
hớn hở, tươi cười mọi lúc, và nói: “Ô Chúa, Amen,
Halellujah!” Họ có thể không biết bất cứ điều gì, nhưng họ
vui hưởng Christ!
Anh em đầy dẫy sự vui mừng hay đầy dẫy tri thức?
Chúng ta không nên đầy dẫy tri thức, nhưng nên đầy dẫy
Christ, Đấng là sự sống và sự vui mừng của chúng ta. Ngợi
khen Chúa! Khải Thị là một quyển sách sự sống, vì sách
này cung cấp cho chúng ta cây sự sống, nước sự sống, mão
miện sự sống, và sách sự sống!

Khi anh em vui mừng và hớn hở, Chúa Jesus được
vinh hóa và kẻ thù bị sỉ nhục. Trong nhiều năm, tôi đã lo
sợ cho bất cứ Cơ Đốc nhân nào có vẻ mặt buồn bã. Hễ khi
nào gặp loại Cơ Đốc nhân này, tôi lo sợ. Trong khi tôi
đang nói chuyện với người ấy, thì người ấy lạnh lẽo, với vẻ
mặt buồn bã và cặp mắt xoay đi. Đây là một Cơ Đốc nhân
đúng đắn và bình thường sao? Tôi phải nói rằng đây là
một Cơ Đốc nhân bất thường và chết chóc. Khi dân chúng
nói chuyện với chúng ta, chúng ta phải nói: “Ô Chúa,
Amen, Halellujah!”


TÔN GIÁO CỦA CÁC SỰ DẠY DỖ

Điều chúng ta cần ngày nay không phải là tri thức.
Tôi biết rằng điều này có thể khiến một số người bị vấp
phạm, nhưng tôi không thể không nói. Tôi phải nói với
dân Chúa rằng họ không cần tri thức. Điều họ cần là sự
sống và sự sống không là gì kém hơn chính Christ! Đây là
mọi điều chúng ta cần. Chúng ta không cần tri thức, và
chúng ta không cần tôn giáo. Cơ Đốc giáo là một tôn giáo
của các sự dạy dỗ. Không tôn giáo nào khác có nhiều sách
như Cơ Đốc giáo. Đó thật sự là một tôn giáo của các sự dạy
dỗ, với tri thức như vấn đề trung tâm.
Nói cho đúng, trong Khải Thị không có nhiều sự dạy
dỗ. Đó là một quyển sách sự sống. Có cây sự sống, nước sự
sống, mão miện sự sống và sách sự sống. Mọi sự phải là
vấn đề sự sống.

Lần đầu khi tôi đến đất nước này, một số người hỏi tôi
về ân điển tuyệt đối. Một số người khác hỏi tôi về sự bảo
đảm đời đời. Những người khác hỏi tôi là người theo
thuyết Calvin hay Arminian. Anh em biết tôi trả lời thế
nào không? Tôi nói: “Tôi có Christ, vì vậy tôi có một điều
gì đó hơn cả ân điển tuyệt đối. Tôi không quan tâm đến ân
điển tuyệt đối, tôi chỉ quan tâm đến Christ. Và Christ là
sự bảo đảm tốt nhất. Không điều gì bảo đảm bằng Christ.”
Cơ Đốc giáo có nhiều sự dạy dỗ về một số giáo lý, như sự
biện minh bởi đức tin, sự thánh hóa, sự thánh khiết…
Nhưng sự thánh khiết ở đâu? Sự thánh hóa ở đâu? Và sự
biện minh bởi đức tin ở đâu? Mọi sự đều ở trong Christ!
Nếu vui hưởng Christ, chúng ta có sự biện minh. Nếu vui
hưởng Christ, chúng ta có sự thánh hóa hằng ngày. Nếu
đang vui hưởng Christ và nhận lấy Ngài làm mọi sự đối
với chúng ta, chúng ta thật sự thánh khiết. Chúng ta có
thể không biết thuật ngữ “sự thánh khiết”, nhưng chúng ta
có thực tại, vì Christ là sự thánh khiết của chúng ta.
Không biết thì tốt. Trước khi Adam và Eve nhận lấy
trái cây tri thức, họ vô tội. Họ không biết bất cứ điều gì.
Một thánh đồ nói rằng biết một điều gì đó tội lỗi là tội.
Tôi không biết điều này hay điều kia, nhưng tôi biết rằng
Christ phải là mọi sự của chúng ta! Khi vui hưởng Christ,
tôi đơn giản không biết bất cứ điều gì. Tôi chỉ vui mừng và
hớn hở. Điều tất cả chúng ta cần là Christ, không phải Cơ
Đốc giáo. Chúng ta cần sự sống, không phải tri thức.

Tất cả chúng ta cần một sự thay đổi. Chúng ta không
chỉ nhận lấy đường lối hội thánh địa phương, nhưng chúng
ta cần một sự thay đổi. Nếu không, chúng ta sẽ đem mọi
điều thuộc Babylon vào trong hội thánh địa phương, như là
tri thức và các sự dạy dỗ từ bối cảnh của chúng ta. Điều
này sẽ gây ra nhiều tổn hại.
Thời đại đã thay đổi. Trong sách Khải Thị, Thân Vị
thứ ba của Thần Thủ không chỉ trở nên thứ hai, mà còn
trở nên Linh tăng cường gấp bảy. Chúng ta cần sự sống,
và sự sống ở trong Christ, và Christ ở trong Linh. Và Linh
ngày nay là bảy Linh—Linh tăng cường gấp bảy!

KHÔNG CÓ LIÊN HỆ GÌ ĐẾN SỰ SỐNG CỦA CHÚA

Chúa Jesus trong Khải Thị 3 nói với hội thánh tại
Laodicea rằng họ hâm hẩm, không lạnh cũng không
nóng; vì vậy, Ngài phải mửa họ ra. Sự hâm hẩm không
hợp khẩu vị của Chúa. Nếu anh em lạnh lẽo thì lạnh lẽo;
nếu anh em nóng cháy thì nóng cháy. Nhưng nếu anh em
hâm hẩm, Chúa sẽ mửa anh em ra. Điều này có nghĩa là
gì? Điều này có nghĩa là anh em không có liên hệ gì đến
sự sống của Ngài.

Đây không chỉ là vấn đề được cứu hay bị hư mất.
Chúng ta phải quan tâm đến sự vui hưởng Christ. Anh em
có đang vui hưởng Christ và anh em có thích thú Christ
không? Tất cả chúng ta vui hưởng Christ và tất cả chúng
ta phải thích thú Ngài để có sự tương giao sự sống với
Ngài. Chúng ta đơn giản cần vui hưởng Linh gấp bảy của
Ngài.

Cơ Đốc giáo ngày nay luôn luôn có sự dạy dỗ, dạy dỗ,
dạy dỗ. Chúng ta đã ra từ bối cảnh của các sự dạy dỗ tôn
giáo. Cơ Đốc giáo ngày nay hoàn toàn là một tôn giáo của
các sự dạy dỗ. Chúa không có ý định ban tôn giáo cho dân
Ngài. Chúa phát ngôn với người Do Thái và điều đó được
đưa vào các văn phẩm, bao gồm ba mươi chín sách Cựu
Ước. Nhưng người Do Thái đã làm nên tôn giáo ra từ các
sách này. Họ chỉ quan tâm đến các giáo lý và tôn giáo.
Một vài năm trước, tôi đã gặp một tín đồ Do Thái. Cả
hai vợ chồng anh ấy đều nói với tôi thể nào họ là những
người Do Thái chính thống trước khi trở nên các tín đồ của
Christ. Tôn giáo Do Thái có nhiều quy định, thậm chí về
cách mang giày và hướng đặt giày vào buổi tối. Và mỗi quy
định đều dựa trên một câu Kinh Thánh. Họ có thể nói với
anh em tại sao họ phải đặt giày theo một hướng nào đó
bằng cách chỉ ra một câu trong Cựu Ước. Anh em cười họ
sao? Nếu cười họ, anh em phải tự cười mình trước.
Chúa không có ý định ban tôn giáo cho dân Do Thái.
Ý định của Ngài là ban cho họ Lời sống động để họ có thể
có được Ngài và vui hưởng Ngài. Nhưng họ đã làm nên
một tôn giáo chết chóc ra từ Lời, khiến cho Lời trở nên
chết chóc. Họ có tri thức Kinh Thánh mà không có sự tiếp
xúc sống động với Chúa. Vì vậy, khi Chúa Jesus đến, họ
không biết Ngài.

NGÔI SAO SỐNG ĐỘNG

Từ thế giới Ngoại Bang có ba nhà chiêm tinh đã đến
khi Chúa Jesus được sinh ra. Họ không có Kinh Thánh và
họ không có tri thức về Lời. Họ không có tôn giáo, nhưng
họ đã nhìn thấy ngôi sao. Vua Herod gọi các nhà lãnh đạo
của dân Do Thái lại để hỏi Christ sẽ được sinh ra ở đâu.
Lập tức, họ bảo Herod rằng Ngài phải được sinh tại
Bethlehem. Tuy nhiên, ba nhà chiêm tinh, những người
không có tri thức, đã đi đến đó và tìm thấy Christ.

Khi còn trẻ, tôi được dạy rằng hễ chúng ta có Kinh
Thánh thì mọi sự đều ổn. Nhưng sau này, tôi khám phá ra
rằng điều này không đúng. Đây là bằng chứng: ba nhà
chiêm tinh được những người có Kinh Thánh nói rằng
Christ phải được sinh tại Bethlehem và họ đã đến
Bethlehem. Nhưng họ vẫn có một nan đề. Kinh Thánh bảo
chúng ta rằng Ngài phải được sinh tại Bethlehem, nhưng
không nói ở đường nào, tại nhà nào, và ở địa chỉ nào. Ngợi
khen Chúa, khi Kinh Thánh thiếu hụt, ngôi sao sống động
đến. Ngôi sao sống động ở trên, và ba nhà chiêm tinh bước
đi ở dưới. Chính ngôi sao hướng dẫn họ đến chính nơi mà
Chúa Jesus được sinh ra (Matt. 2:9). Nếu Kinh Thánh là
mọi sự, thì Chúa không cần trở nên Thánh Linh bên
trong. Kinh Thánh có thể cho chúng ta biết nguyên tắc,
nhưng các chi tiết phải đến từ sự xức dầu bên trong của
Thánh Linh.

Tôi muốn nói rằng cuối cùng, không phải Kinh Thánh
hướng dẫn các nhà chiêm tinh đến với Christ, mà là ngôi
sao sống động. Tôi tin Kinh Thánh, và tôi yêu Quyển Sách
này. Nhưng Kinh Thánh ở bên ngoài và Thánh Linh ở bên
trong. Đây là hai món quà vĩ đại mà Đức Chúa Trời ban
cho chúng ta. Kinh Thánh phải là một với Thánh Linh;
khi đó, Kinh Thánh trở nên sống động. Nếu không có
Thánh Linh, Kinh Thánh chết chóc. Nếu không có Thánh
Linh, Kinh Thánh chỉ là văn tự chết chóc, là điều giết
chết.
Chúa Jesus nói: “Các lời Ta phát ngôn với các ngươi
đều là linh và sự sống” (John 6:63). Kinh Thánh không
nên là lời tri thức trong văn tự, mà là lời sự sống trong
Linh. Kinh Thánh phải là quyển sách sự sống trong Linh.


CÁC LOẠI TÔN GIÁO KHÁC NHAU

Cơ Đốc giáo thậm chí đã làm nên nhiều loại tôn giáo
khác nhau ra từ Tân Ước. Một số người nhận lấy các câu
về sự dìm mình và phát triển một tôn giáo ra từ sự dìm
mình. Những người khác nhận lấy các câu về ban trưởng
lão (cương vị trưởng lão) và làm nên một tôn giáo ra từ đó.
Một số người nhận lấy các câu về việc nói tiếng lạ và làm
nên tôn giáo nói tiếng lạ. Một số người nhận lấy một đoạn
về việc trùm đầu và làm nên tôn giáo trùm đầu. Rồi một
số người tranh cãi rằng anh em không nên trùm đầu, vì
vậy họ làm nên một tôn giáo không trùm đầu. Và một số
người khăng khăng trùm đầu bằng tấm trùm đầu màu đen
và những người khác trùm đầu bằng tấm trùm đầu màu
trắng. Vì vậy có hai loại tôn giáo về việc trùm đầu. Thậm
chí hơn nữa, một số người có tấm trùm đầu ngắn và những
người khác có tấm trùm đầu dài. Một số người nhận lấy
các câu về việc rửa chân và làm nên tôn giáo rửa chân ra
từ đó. Mọi tôn giáo này đều ra từ việc sử dụng giáo lý
Kinh Thánh của Cơ Đốc giáo. Nhưng không ai trong số họ
là đúng. Tôi tin rằng Chúa sẽ giật đổ mọi tôn giáo này!

TÔN GIÁO TỰ TẠO

Đừng tôn giáo! Đừng có một tôn giáo tự tạo! Tất cả
chúng ta đều có một loại tôn giáo tự tạo. Một số người
thích yên lặng, một số người thích lớn tiếng; một số người
thích làm điều này và một số người thích làm điều kia.
Một số người nói rằng Los Angeles quá ồn ào và họ không
thích. Họ thích yên lặng hơn. Nhưng đây chỉ là tôn giáo tự
tạo của họ. Họ không thích điều đó, nhưng Chúa tôn trọng
điều đó. Họ có thể nói gì?

Có một điều gì đó khá lập dị hiện hữu ở Trung Hoa.
Một số Cơ Đốc nhân lắc ghế khi nhóm. Tôi không vì điều
đó, nhưng tôi khám phá ra nguyên tắc của điều đó. Thật
dễ để ở trong tâm trí, nhưng khi tất cả họ lắc ghế, thì tâm
trí họ ra đi. Họ càng lắc ghế, tâm trí họ càng ra đi. Chúng
ta cần “lắc ghế”! Tôi không khuyến khích anh em làm điều
này theo nghĩa đen, nhưng chúng ta cần điều này trong
nguyên tắc.

Trong chuyến đi vừa qua của tôi đến Taiwan, một số
anh em bảo tôi rằng các Cơ Đốc nhân lắc ghế đã xây dựng
một tòa nhà hội thánh rất lộng lẫy, to lớn và kể với tôi là
họ đã lấy tiền ở đâu: Một người giàu có bị bệnh, và không
bác sĩ nào có thể giúp ông. Khi đó, những người lắc ghế
đến gặp ông ấy, quỳ gối xung quanh ông, lắc ghế và cầu
nguyện. Người ấy được chữa lành! Tôi không rao giảng cho
họ, nhưng có một điều gì đó ở đây. Người ấy hoàn toàn
được chữa lành và rất vui sướng; vì vậy, người ấy cho họ
một số tiền lớn và bảo họ xây dựng một tòa nhà hội
thánh.

Anh em có thể nói rằng lắc ghế là không tốt; nhưng
Chúa chữa lành người ấy. Anh em sẽ nói gì? Tôi không
khuyến khích anh em lắc ghế, nhưng có một nguyên tắc
mà anh em phải nhìn thấy. Những người ở trong tâm trí
nhiều thật sự cần lắc ghế. Họ quá tôn giáo và đầy dẫy các
giáo lý. Họ biết mọi sự, nhưng họ quá chết chóc, lạnh lẽo
và hầu như không có điều gì của sự sống. Điều họ cần là
giũ sạch mọi tri thức của mình để có thể được xoay qua
Linh vui hưởng sự sống.

Chúa đã thay đổi thời đại! Trong Khải Thị, không có
tôn giáo và giáo lý, nhưng có cây sự sống, nước sự sống,
mão miện sự sống, và sách sự sống. Chúa thì sống động,
không tôn giáo. Chúng ta phải đầy dẫy sự sống, không
phải đầy dẫy các giáo lý và sự dạy dỗ. Chúng ta đừng trở
nên tôn giáo. Chúng ta phải buông bỏ mọi giáo lý, sự dạy
dỗ và được đổ đầy bằng Linh gấp bảy.

Sách cuối cùng của Kinh Thánh không có giáo lý và
không có tôn giáo, nhưng đầy dẫy sự sống. Chúng ta phải
được đổ đầy bằng sự sống này, và chúng ta phải biểu hiện
sự sống này. Đây là thời đại ngày nay. Nguyện Chúa xoay
chúng ta đến thời đại của Linh gấp bảy vì sự thực tại hóa
và vui hưởng sự sống!