Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

ĐƯỜNG LỐI HỘI THÁNH--4 B

SỰ HIỆP NHẤT TRONG KINH THÁNH

Bây giờ chúng ta sẽ xem xét loại hiệp nhất thứ ba, tức
là sự hiệp nhất trong Kinh Thánh.

Sự Hiệp Nhất Vốn Có Của Thân Thể

Kinh Thánh bày tỏ cho chúng ta rằng hội thánh là
Thân Thể Christ và chỉ có một Thân Thể. Kinh Thánh
cũng bày tỏ cho chúng ta rằng Đức Chúa Trời qua Thánh
Linh cư trú trong hội thánh và Thánh Linh là một Linh.
Do đó, Kinh Thánh đặc biệt chú ý đến “một Linh” và “một
Thân Thể” (1 Cor. 12:12-13; Eph. 4:4). Chúng ta cũng phải
đặc biệt chú ý đến điều này.


Hội thánh của Christ là Thân Thể Christ. Nếu chúng
ta chỉ xem đó là hội thánh, chúng ta có thể cảm thấy rằng
việc có sự chia rẽ hay không cũng không thành vấn đề,
nghĩ rằng cho dù có một ít sự chia rẽ ở đây và ở kia thì
cũng chỉ gây một ít tổn hại. Nếu chúng ta chỉ xem đó như
là dân Đức Chúa Trời thì có sự chia rẽ đây đó cũng không
thành vấn đề. Nếu chúng ta xem đó là quân đội của Đức
Chúa Trời, thì việc có sự chia rẽ không thành vấn đề. Cuối
cùng, nếu chúng ta chỉ xem đó là nhà Đức Chúa Trời thì có
bị chia thành nhiều nhà thì cũng không sao. Nhưng Lời
Đức Chúa Trời cũng nói với chúng ta rằng hội thánh của
Christ là Thân Thể Christ. Với một thân thể, sự chia rẽ
tuyệt đối không thể. Chúng ta không thể phân rẽ ba chi
thể ở đây và năm chi thể ở kia rồi hai chi thể nữa ở đó.
Điều này là bất năng. Mọi điều khác trong thế giới đều có
thể bị chia rẽ, nhưng thân thể thì không. Một khi thân
thể bị chia rẽ, nó trở nên một thi thể. Một khi hội thánh
bị chia rẽ, thế giới chỉ có thi thể của Christ, không có
Thân Thể của Christ. Khi hội thánh bị chia rẽ thì đó là
một vấn đề nghiêm trọng đối với Đức Chúa Trời. Con cái
Đức Chúa Trời không thể bị chia rẽ, giống như thân thể
không thể bị chia rẽ. Hội thánh không thể bị chia rẽ.


Nhưng ngày nay, con cái Đức Chúa Trời đã mất cảm giác
đối với các sự chia rẽ; họ không còn xem đó là vấn đề
nghiêm trọng nữa. Xin nhớ rằng một thân thể không thể
bị chia rẽ! Hội thánh là Thân Thể Christ. Trong bản chất,
đó là Thân Thể, và một Linh cư trú trong đó. Vì vậy, sự
hiệp nhất của hội thánh trong Kinh Thánh là sự hiệp nhất
của bản chất Thân Thể, là điều không thể bị chia rẽ.
Ngày nay, chúng ta muốn hỏi một câu hỏi: Vì Kinh
Thánh bày tỏ cho chúng ta rằng sự hiệp nhất của hội thánh
là sự hiệp nhất của một Thánh Linh cư trú trong một Thân
Thể, nên làm thế nào điều đó có thể được biểu hiện?

Không Phải Một Hội Thánh
Mà Là Bảy Chân Đèn Vàng

Hội Thánh Công Giáo La Mã bảo chúng ta rằng vì
Thân Thể Christ là một nên chúng ta chỉ được tổ chức một
hội thánh trên đất. Chúng ta đã thấy rằng đây không phải
là sự dạy dỗ của Kinh Thánh. Kinh Thánh nói rằng Thân
Thể Christ là một nhưng chưa bao giờ đòi hỏi hội thánh
trên đất trở nên một giống như Hội Thánh Công Giáo La
Mã. Nếu không, từ các hội thánh sẽ là một sai lầm lớn và
Kinh Thánh không nên chứa đựng một thuật ngữ như vậy.
Chúng ta không thể nói các hội thánh và cũng nói một hội
thánh. Vì Kinh Thánh nói về “các hội thánh” nên chúng ta
biết rằng Đức Chúa Trời không có ý định hiệp nhất tất cả
các hội thánh trên đất thành một hội thánh. Hơn nữa, các
sứ đồ trong Kinh Thánh chưa bao giờ tổ chức một hội
thánh. Họ thiết lập các hội thánh tại nhiều nơi, và họ đã
thiết lập một hội thánh trong mỗi thành phố. Thánh Linh
không dẫn dắt họ thiết lập một hội thánh. Một hội thánh
khắp thế giới chỉ là ý kiến của Hội Thánh Công Giáo La
Mã; sự hiệp nhất của Công Giáo La Mã là do con người
làm nên, không phù hợp với Kinh Thánh.

Chúng ta hãy xem xét Kinh Thánh một lần nữa.
Chúng ta thấy diện mạo bên ngoài của hội thánh trên đất
này, điều đó có thể sai trật. Chỉ bởi diện mạo bên ngoài
thôi, thì có thể không dễ hiểu hội thánh trên đất nên là
một hội thánh hay nhiều hội thánh. Đường lối tốt nhất là
đi đến trước mặt Chúa và xem thể nào Chúa nhìn các hội
thánh trên đất. Điều này không thể sai được. Cảm tạ Đức
Chúa Trời! Theo Kinh Thánh, hội thánh trong mỗi địa
phương có một đại diện trước mặt Chúa. Đây là sự quý báu
của Khải Thị 1—3, là các chương bày tỏ cho chúng ta “bảy
hội thánh ở Asia”. Điều này không có nghĩa là chỉ có bảy
hội thánh hiện hữu trên đất này nhưng bảy hội thánh này
là các gương mẫu đại diện. Khải Thị 1—3 bày tỏ cho chúng
ta thể nào bảy hội thánh ở Asia ở trước mặt Chúa trong
cõi thiên thượng. Có bảy chân đèn vàng được đặt trước
mặt Ngài. Anh em có nhìn thấy không? Các hội thánh
trên đất có thể sai trật, hoàn toàn sai trật, nhưng các hội
thánh trong cõi thiên thượng, các hội thánh ở trước ngai,
các hội thánh ở trước mặt Chúa, không thể sai trật. Nói
các hội thánh này sai trật là báng bổ và kinh khủng!

Bảy hội thánh tại Asia ở trước mặt Chúa như thế nào?
Đó là bảy chân đèn vàng. Nói cách khác, đối với mỗi hội
thánh trên đất, có một chân đèn vàng trong cõi thiên
thượng. Bảy hội thánh này ở bảy địa phương khác nhau:
Ephesus là một địa phương, Smyrna là một địa phương,
Pergamos là một địa phương, v.v.; có tổng cộng bảy địa
phương. Có bảy chân đèn trong cõi thiên thượng vì có bảy
hội thánh trên đất. Hiệp nhất các hội thánh trên đất
thành một hội thánh không phải là ý muốn của Đức Chúa
Trời. Nếu hiệp nhất tất cả các hội thánh trên đất thành
một hội thánh là ý muốn của Đức Chúa Trời thì Đức Chúa
Trời trong cõi thiên thượng chỉ có một chân đèn, không
phải bảy. Các anh em ơi, điều này rất sáng tỏ. Chúng ta
phải suy nghĩ và Chúa khiến chúng ta suy nghĩ. Nếu chúng
ta chỉ suy nghĩ một chút, chúng ta sẽ nhận thức rằng nếu
Chúa chỉ có một hội thánh trên đất, Ngài sẽ chỉ có một
chân đèn trong cõi thiên thượng. Tuy nhiên, có bảy chân
đèn, và đó là bảy hội thánh trong bảy địa phương. Trong
mỗi địa phương có một chân đèn. Một điều rất hiển nhiên
đối với chúng ta là chủ đích của Đức Chúa Trời không phải
là hiệp nhất các hội thánh thành một hội thánh.

Thuật ngữ chân đèn rất quen thuộc với chúng ta; thuật
ngữ đó cũng được tìm thấy trong Cựu Ước. Trong Cựu Ước,
một chân đèn có bảy nhánh được đặt trước mặt Đức Chúa
Trời, biểu thị rằng tất cả dân Israel được hiệp nhất thành
một quốc gia. Đức Chúa Trời không muốn quốc gia Israel
bị chia thành hai quốc gia. Sự chia rẽ giữa vòng các quốc
gia JudahIsrael không làm đẹp lòng Đức Chúa Trời, vì
trước mặt Đức Chúa Trời, họ là một. Việc chia rẽ họ thành
hai là tội; vì vậy, Jeroboam đã phạm tội. Nhưng trong
Jerusalem Mới, không có một chân đèn với bảy nhánh, mà
là bảy chân đèn khác nhau. Nói cách khác, ý tưởng nguyên
thủy của Đức Chúa Trời về hội thánh là có các hội thánh
riêng đứng trước mặt Ngài cách độc lập.

Anh em có nhìn thấy không? Không có một chân đèn
với bảy nhánh, nhưng có bảy chân đèn. Chúa đang bước đi
giữa bảy chân đèn này. Chúng được đặt cạnh nhau, và
Chúa đang bước đi ở giữa (Khải 2:1). Nếu chỉ có một chân
đèn với bảy nhánh, Chúa không thể bước đi ở giữa. Vì vậy,
trong thực tại thuộc linh có bảy chân đèn khác nhau trước
mặt Đức Chúa Trời, không phải bảy chân đèn được hiệp
nhất thành một chân đèn. Điều này biểu thị rằng Đức
Chúa Trời không có ý định hiệp nhất các hội thánh trên
đất thành một hội thánh. Đức Chúa Trời không bao giờ có
một ý định như vậy.

Nói cách khác, ý muốn chỉ định của Đức Chúa Trời về
quốc gia Israel khác với ý muốn của Ngài về hội thánh. Ý
muốn chỉ định của Đức Chúa Trời về Israel là nó phải là
một quốc gia trên đất, không phải hai. Đức Chúa Trời chỉ
định một nơi duy nhất cho toàn thể quốc gia Israel thờ
phượng là Jerusalem. Dân Israel phải đi đến Jerusalem
mỗi năm, không phải đến bất cứ nơi nào khác. Họ đã thiết
lập Bethel, nhưng điều này không làm đẹp lòng Đức Chúa
Trời. Đó là một nơi cao, không phải trung tâm của Đức
Chúa Trời. Ngày nay, Đức Chúa Trời không đòi hỏi rằng
các hội thánh trên đất phải được hiệp nhất và nhận lấy La
Mã làm trung tâm giống như Jerusalem. Ngày nay, có bảy
hội thánh khác nhau. Vì vậy, sự hiệp nhất của Thân Thể
Christ không có nghĩa là các hội thánh trên đất phải được
hợp thành một hội thánh. Kinh Thánh không tự mâu
thuẫn. Kinh Thánh bày tỏ cho chúng ta rằng chỉ có một
Thân Thể Christ. Kinh Thánh cũng bày tỏ cho chúng ta
rằng Đức Chúa Trời không muốn các hội thánh được hiệp
nhất thành một hội thánh trên đất. Sự hiệp nhất mà Đức
Chúa Trời ao ước không phải là các hội thánh được kết
hợp lại thành một hội thánh lớn và tạo thành một sự hiệp
nhất vĩ đại.

Chúng ta đang nghiên cứu vấn đề này từng bước một.
Chúng ta chỉ nhìn thấy thể nào Kinh Thánh nói về Thân
Thể và hội thánh. Sự hiệp nhất được nói đến trong Kinh
Thánh không chỉ về sự hiệp nhất của một hội thánh lớn.
Vậy thì sự hiệp nhất của Thân Thể, là điều Chúa ao ước,
ám chỉ đến điều gì? Nó phải chỉ về một điều gì đó khác. Sự
hiệp nhất của Công Giáo không thể được áp dụng; nó
không thuộc về Đức Chúa Trời. Đây là điểm đầu tiên.

Có Một Giáo Phái Là Có Một Sự Chia Rẽ

Bây giờ chúng ta sẽ xem xét điểm thứ hai. Các anh em
của chúng ta nói rằng chúng ta phải có sự tương giao
“thuộc linh”, sự hiệp nhất “thuộc linh”. Sự hiệp nhất của
Thân Thể Christ có chỉ về sự hiệp nhất “thuộc linh” như
các anh em trong giáo phái chủ trương ngày nay không?
Phân nửa “phải”, phân nửa “không”. Kinh Thánh bày tỏ
cho chúng ta cách rõ ràng rằng con cái Đức Chúa Trời
không được chia rẽ, nhưng các giáo phái rõ ràng là các sự
chia rẽ. Một khi có một giáo phái, chúng ta có thể nhìn
thấy một sự chia rẽ. Hễ sự chia rẽ hiện hữu, thì đừng nói
về sự hiệp nhất “thuộc linh”! Hành vi này thiếu tính triệt
để, như chúng ta đã đề cập rồi. Về một mặt chúng ta
không thể chủ trương hiệp nhất còn mặt khác lại chủ
trương các giáo phái. Chúng ta không thể vừa gìn giữ sự
chia rẽ vừa nói về sự hiệp nhất. Giống như trong minh họa
về những chiếc tách, nửa dưới của bức tranh—nhiều chiếc
tách—là sai, trong khi nửa trên của bức tranh—vươn tay
ra trong sự tương giao—là đúng. Tôi nghĩ Kinh Thánh nói
các giáo phái là sai trật thì đã đủ rồi. Galatia 5:19-21
thậm chí kể các giáo phái (bè đảng) là công tác của xác
thịt: “Và các công tác của xác thịt được biểu lộ, những điều
như là… các phe phái, các sự chia rẽ, các bè đảng…”
Đức Chúa Trời muốn chúng ta biểu lộ sự hiệp nhất của
Thân Thể như thế nào? Sự hiệp nhất của Thân Thể không
phải là sự hiệp nhất của cả trái đất, giống như việc hiệp
nhất nhiều hội thánh thành một hội thánh hiệp nhất; điều
đó cũng không phải là đứng trong các giáo phái và nói về
sự hiệp nhất “thuộc linh”. Sự hiệp nhất của Thân Thể được
nói đến trong Kinh Thánh là gì? Tôi muốn dành một ít
thời gian để nghiên cứu vấn đề này với anh em.

Hội Thánh Được Nói Đến
Trong Ephesus Và Colossae Là Phổ Thông
Trong Không Gian Và Thời Gian

Hai Thư Tín trong Kinh Thánh đặc biệt nói về hội
thánh: đó là EphesusColossae. Mọi người nghiên cứu
Kinh Thánh đều biết rằng hội thánh được nói đến trong
EphesusColossae là “một hội thánh”, là hội thánh duy
nhất của Đức Chúa Trời. Hội thánh này không chỉ ám chỉ
đến hội thánh trên đất, vì cho dù hội thánh trên đất đủ
rộng để bao gồm mọi người trong không gian thì cũng chỉ
bao gồm một phần của hội thánh theo thời gian. Giả sử
ngày nay có năm trăm triệu người được cứu trên đất. Hội
thánh trong sách EphesusColossae bao gồm hơn năm
trăm triệu người này. Năm trăm triệu người này chỉ là các
tín đồ vào năm 1951. Trước đó, vào năm 1950, có các tín
đồ đã chết. Thậm chí vào năm 1951, một số tín đồ đã chết
trước sự tính toán diễn ra. Cũng có các tín đồ đã chết
trước năm 1950, chẳng hạn vào năm 1051. Các anh chị em
vào thời của sứ đồ Paul ngày nay không còn sống trên đất
nữa. Nói cách khác, hội thánh của Christ ở Ephesus
Colossae bao gồm tất cả những người được cứu trên khắp
thế giới, trong mọi quốc gia và mọi thời gian, cả quá khứ
lẫn hiện tại. Nó bao trùm thời gian cũng như không gian.
Đây được gọi là Thân Thể Christ. Ngày nay, cho dù tất cả
các Cơ Đốc nhân trên khắp thế giới được hiệp nhất với
nhau, họ vẫn không phải là Thân Thể Christ. Mặc dù
chúng ta đang sống, nhưng nhiều người đã chết; mặc dù
chúng ta đang sống, nhưng nhiều người sẽ được sinh ra.
Nhiều anh chị em sẽ được cứu trong tương lai. Họ ở trong
Thân Thể Christ; chúng ta không thể nói rằng họ không
được kể đến. Vì vậy, hội thánh trong một giai đoạn thời
gian cụ thể trên đất không phải là Thân Thể Christ. Cho
dù tất cả con cái Đức Chúa Trời ở trên đất được nhóm lại
với nhau, họ vẫn không đủ để trở nên Thân Thể Christ.
Về phương diện không gian, nó có thể đủ, nhưng về
phương diện thời gian, thì nói rằng nó là Thân Thể thì sẽ
sai, vì nhiều thế hệ đã qua rồi. Tất cả các tín đồ thuộc các
thế hệ đã qua, tất cả các tín đồ hiện tại, và tất cả các tín
đồ trong tương lai là Thân Thể Christ.

EphesusColossae nói về hội thánh trong ngữ cảnh
này. Sự hiệp nhất này mới đúng là sự hiệp nhất thuộc
linh. Không thể duy trì một hội thánh có Paul làm trưởng
lão và Peter làm mục sư, vì họ đã qua đời rồi. Do đó, sự
hiệp nhất này là thuộc linh, và sự hiệp nhất tổng bao quát
này là đúng. Hễ một người là một anh em trong Chúa,
chúng ta phải tương giao với người ấy. Cho dù một số anh
em đã qua đời, nhưng chúng ta vẫn là một với họ. Chúng
ta là một với bất cứ anh chị em nào. Đây là sự hiệp nhất
thuộc linh đích thực, là phổ thông trong thời gian lẫn
không gian.

Sự Hiệp Nhất Được Nói Đến
Trong 1 Corinth Và Philippi Chỉ Về Sự Hiệp Nhất
Của Hội Thánh Trong Một Địa Phương

Mặc dù chúng ta công nhận sự tương giao và sự hiệp
nhất của EphesusColossae trước mặt Chúa, nhưng
chúng ta phải nhớ rằng loại tương giao và hiệp nhất này
có thể dễ dàng trở nên duy tâm. Về một mặt, rất có thể
chúng ta sẽ tán thành sự hiệp nhất của Thân Thể còn mặt
khác thật ra vì loại hiệp nhất thứ hai, nhờ nó mà có thể
đồng thời chủ trương các giáo phái lẫn sự hiệp nhất. Trước
mặt Chúa, chúng ta cần thấy rằng sự hiệp nhất của các Cơ
Đốc nhân trong Kinh Thánh được nói đến không chỉ trong
các Thư Tín Ephesus và Colossae mà còn trong hai Thư
Tín khác: 1 CorinthPhilippi. Sự hiệp nhất của các Cơ
Đốc nhân trong hai Thư Tín cuối này cũng chỉ về sự hiệp
nhất của Thân Thể.

Sự hiệp nhất được nói đến trong 1 Corinth rõ ràng
không chỉ về sự hiệp nhất phổ thông trong không gian lẫn
thời gian nhưng chỉ về sự hiệp nhất của hội thánh tại
Corinth. Tôi nghĩ rằng lời này đã đủ sáng tỏ rồi. Có các sự
tranh đấu giữa vòng các anh em ở Corinth, không phải
giữa vòng cả Thân Thể Christ. Nó chỉ liên quan đến một
số anh em ở Corinth. Vì vậy khi Paul nài khuyên họ là
một, ông chỉ nài khuyên họ là một với các anh em trong
địa phương của họ. Như thể ông đang nói: “Tất cả các anh
em sống tại Corinth là hội thánh tại Corinth; anh em phải
biểu hiện sự hiệp nhất của Thân Thể trong địa phương
Corinth. Anh em không được chia rẽ tại Corinth.”

“Anh Em” Chỉ Về Các Tín Đồ Tại Corinth

1 Corinth 1:10 nói: “Bây giờ, anh em ơi, qua danh
Chúa Jesus Christ chúng ta, tôi nài khuyên tất cả anh em
nói cùng một điều...” Anh em chỉ về ai? Nó chỉ về các Cơ
Đốc nhân ở Corinth, các anh em ở Corinth. “…và đừng có
các sự chia rẽ nào giữa vòng anh em…” Một lần nữa, anh
em chỉ về các Cơ Đốc nhân ở Corinth. “…nhưng phải được
làm cho hòa hợp trong cùng một tâm trí và cùng một ý
kiến”. Điều này cũng chỉ về các Cơ Đốc nhân ở Corinth. Ở
đây chúng ta nhìn thấy một điều: nếu sự hiệp nhất của
Thân Thể được nói đến trong Kinh Thánh không được biểu
hiện trong địa phương thì điều đó không thực tiễn. Rất dễ
để nói: “Chúng ta yêu tất cả các con cái Đức Chúa Trời;
ngoài trừ người lân cận! Con cái Đức Chúa Trời là một,
bao gồm Paul và tất cả những người chưa được sinh ra,
ngoại trừ một vài anh em ở đây tại Thượng Hải!” Điều này
không thực tiễn cũng như tự lừa dối. Chúng ta không thể
nói về sự hiệp nhất của Thân Thể và nói rằng chúng ta là
một với mọi người trừ một số anh em sống cùng với chúng
ta trong cùng một nơi! Theo Paul, yêu cầu tối thiểu cho
việc nói về sự hiệp nhất là ở trong bối cảnh hội thánh địa
phương. Nếu các Cơ Đốc nhân ở Corinth muốn nói về sự
hiệp nhất của Thân Thể, họ không nên nói về điều đó tại
Rome hay tại Jerusalem, nhưng nói về điều đó tại Corinth.
Nếu chúng ta không nói điều đó tại Corinth thì điều đó vô
ích. Chúng ta đang tự lừa dối mình. Giả sử tôi sống ở
Thượng Hải, nhưng tôi không hòa thuận với các anh em ở
Thượng Hải. Tuy nhiên, tôi lại hòa thuận với các anh em ở
Nam Kinh. Điều này vô ích và tôi đang tự lừa dối mình. Sự
hiệp nhất của Thân Thể được Kinh Thánh đòi hỏi có một
yêu cầu ranh giới tối thiểu là địa phương. Các anh em ở
Corinth phải là một với các anh em ở Corinth. Nếu họ
không là một ở Corinth, tất cả những lời họ nói chỉ là lừa
dối người khác.

“Bây giờ tôi muốn nói về việc mỗi người trong anh em
nói: ‘Tôi thuộc Paul’, ‘Tôi thuộc Apollos’, ‘Tôi thuộc Cephas’,
và ‘Tôi thuộc Christ’” (c. 12). Hãy lưu ý cụm từ mỗi người
trong anh em. Đây là ai? Tất nhiên, đây chính là những
người Corinth. Nếu Paul nói những lời này với các anh em
Jerusalem là không đúng, vì các anh em Jerusalem sẽ
nói rằng họ không hề nói gì. Nếu Paul áp dụng những lời
này cho các anh em ở Antioch thì cũng không đúng, vì họ
không nói những lời này. Chỉ có các anh em ở Corinth nói
như vậy. Ở đây Chúa ban cho chúng ta ánh sáng về hình
thức hiệp nhất cơ bản nhất; đó là các tín đồ tại Corinth ít
nhất phải là một ở Corinth. Nếu sự hiệp nhất ở Corinth
không thể được thực tại hóa, họ không nên nói về sự hiệp
nhất với người khác. Ít nhất họ phải là một tại một nơi.
Có lẽ một anh em ở Corinth có thể đọc thuộc lòng toàn bộ
sách Ephesus, nói rằng chúng ta phải yêu thương lẫn nhau.
Tất nhiên, tất cả chúng ta sẽ yêu thương lẫn nhau trong
“cõi thiên thượng” trong tương lai, nhưng nan đề là chúng
ta có yêu thương lẫn nhau ngay hôm nay hay không. Tất
cả chúng ta sẽ có sự tương giao trong “cõi thiên thượng”
trong tương lai, nhưng nan đề là chúng ta có sự tương giao
ngay hôm nay hay không. Điều chúng ta có ngay hôm nay
là thực tiễn. Ngay hôm nay trong Lời Ngài, yêu cầu tối
thiểu của Đức Chúa Trời về sự hiệp nhất của con cái Ngài
là địa phương. Nếu yêu cầu tối thiểu không thể được đáp
ứng, thì mọi điều khác đều giả dối. Các anh em bị chia rẽ
Corinth nói: “Anh thuộc Paul, tôi thuộc Cephas, anh ấy
thuộc Apollos”, và một người đứng lên nói: “Tôi thuộc
Christ”. Trong khi họ đang tranh đấu giữa vòng họ, Paul
bảo họ phải là một.

Chúng ta hãy xem cách Paul quở trách họ: “Anh em ơi,
tôi không thể nói với anh em như với người thuộc linh,
nhưng như với người đầy xác thịt, như các con trẻ trong
Christ. Tôi đã cho anh em uống sữa, chứ không phải thức
ăn cứng, vì anh em chưa thể tiếp nhận được (vào lúc anh
em mới được cứu). Mà ngay cả bây giờ (sau khi được cứu
một thời gian dài) anh em cũng chưa thể, vì anh em vẫn
còn thuộc xác thịt. Vì nếu có sự ganh tị và xung đột giữa
vòng anh em thì chẳng phải anh em thuộc xác thịt và bước
đi theo cách của con người sao?” (3:1-3). Điều này chỉ về
chương một. Những người Corinth dính líu đến sự ganh tị,
xung đột, và chia rẽ; họ thuộc xác thịt, có một cái nhìn về
những điều này giống như khi họ mới được cứu. Họ không
hề tiến bộ. Khi mới được cứu, họ uống sữa, nhưng họ vẫn
còn uống sữa. Nếu họ tiếp tục ở trong sự ganh tị, xung đột
và chia rẽ, họ sẽ thuộc xác thịt suốt cả cuộc đời họ. Họ sẽ
vẫn uống sữa ở tuổi sáu mươi, bảy mươi và tám mươi.
Biểu hiện của sự thuộc linh ở trong sự hiệp nhất của
hội thánh, và sự biểu lộ của xác thịt ở trong các sự chia
rẽ của hội thánh. Chúng ta không thể tự gọi mình là
thuộc linh nhưng vẫn ở lại trong các sự chia rẽ. Nếu vậy,
chúng ta đang tự lừa dối mình. Lời này rõ ràng biết bao:
“Vì nếu có sự ganh tị và xung đột giữa vòng anh em thì
chẳng phải anh em thuộc xác thịt và bước đi theo cách
của con người sao?”

Paul cũng lặp lại những lời của chương một trong câu
sau: “Vì khi có người nói:“Tôi thuộc Paul”, và người khác
nói: “Tôi thuộc Apollos”, chẳng phải anh em là những
người thuộc xác thịt sao?” (3:4). Ông bày tỏ cho họ rằng
các sự chia rẽ là thuộc xác thịt trước mặt Đức Chúa Trời,
bất kể chúng tốt lành đến đâu trước mặt con người. Chứng
cớ của việc thuộc linh là sự hiệp nhất; chứng cớ của việc
thuộc xác thịt là các sự chia rẽ, ganh tị và xung đột.
Chúng ta phải lưu ý rằng Paul không chú ý đến bất kỳ
nan đề nào dấy lên giữa các anh em ở Corinth và các anh
em ở Ephesus, hoặc giữa các anh em ở Corinth và các anh
em ở Colossae. Ông không chỉ ra bất cứ nan đề nào giữa
vòng các anh em ở Corinth và các anh em ở Laodicea, hoặc
giữa các anh em ở Corinth và các anh em ở Philippi. Paul
chỉ chú ý đến các sự chia rẽ giữa các anh em ở Corinth. Họ
nói: Tôi thuộc Paul, tôi thuộc Apollos, tôi thuộc Cephas, và
tôi thuộc Christ”, nhưng trong thực tế, Paul nói: “Các anh
em ơi! Anh em là các anh em ở Corinth; anh em đừng có
sự ganh tị, xung đột và chia rẽ ở Corinth”. Có một ranh
giới hiện hữu. Đừng có sự ganh tị, xung đột và chia rẽ
trong hội thánh ở Corinth. Anh em chỉ về ai? Nó chỉ về
hội thánh ở Corinth. Sự hiệp nhất trong Kinh Thánh liên
quan đến sự hiệp nhất của Thánh Linh và của Thân Thể.
Tuy nhiên, sự hiệp nhất của Thánh Linh và của Thân Thể
có một đòi hỏi tối thiểu về ranh giới; đó là sự hiệp nhất
này phải được biểu hiện trong một hội thánh địa phương.

“Thân Thể” Chỉ Về Con Cái Đức Chúa Trời
Tại Một Thời Điểm Và Một Nơi Chốn Cụ Thể

Chúng ta vừa nhìn thấy cái nhìn tiêu cực về sự chia
rẽ; bây giờ chúng ta hãy có cái nhìn tích cực về sự hiệp
nhất như được đòi hỏi trong Kinh Thánh. “Xét thấy rằng
chỉ có một ổ bánh, chúng ta tuy nhiều nhưng là một Thân
Thể; vì tất cả chúng ta đều dự phần vào một ổ bánh” (1
Cor. 10:17). Ở đây, Paul nói: “Chúng ta tuy nhiều…” Điều
này bao gồm con cái Đức Chúa Trời tại Corinth. “Một ổ
bánh” này là bánh trên bàn tại Corinth. Trong việc bẻ
bánh tại Corinth, một ổ bánh được phô bày trước mặt con
cái Đức Chúa Trời, chỉ tỏ rằng mặc dù là nhiều, nhưng họ
vẫn là một ổ bánh. Nói cách khác, Thân Thể Christ mà
các anh em ở Corinth phải biểu hiện ít nhất phải được
biểu hiện tại Corinth. Ở đây chúng ta phải nhớ lại tình
trạng lúc đó. Chúng ta hãy hồi tưởng lại thời điểm tại
Corinth. Khi các anh chị em đến với nhau, một ổ bánh
được phô bày trước mặt họ, có mọi thánh đồ nhóm họp
xung quanh. Có lẽ có năm mươi người bẻ bánh với nhau;
Paul đang nói rằng năm mươi người này tuy nhiều nhưng
là một ổ bánh.

Nói cách khác, Thân Thể Christ có sự biểu hiện phổ
thông: hội thánh; hội thánh này là Thân Thể Christ.
Nhưng các anh em trong mỗi địa phương cũng biểu hiện
Thân Thể Christ. Điều đó không có nghĩa là các anh em
Corinth là Thân Thể Christ, trong khi các anh em ở
Ephesus không phải là Thân Thể Christ. Điều đó có
nghĩa là con cái Đức Chúa Trời ở Corinth là Thân Thể
Christ; vì vậy theo nguyên tắc thuộc linh lẫn sự thật
thuộc linh, họ phải tự biểu hiện là Thân Thể Christ.
Thân Thể Christ là hội thánh phổ thông, hội thánh ở
mọi nơi và suốt mọi thế hệ cả về mặt không gian lẫn
thời gian. Tuy nhiên, các anh em trong một địa phương ít
nhất phải đứng trong cùng một vị trí, áp dụng cùng một
nguyên tắc để biểu hiện cùng một sự thật. Nói cách khác,
ranh giới tối thiểu của sự hiệp nhất là ranh giới địa
phương. Trong địa phương Corinth, sự hiệp nhất của
Thân Thể, sự hiệp nhất của sự sống, phải được biểu hiện.
Điều này rất kì diệu. Thân Thể được nói đến trong
Ephesus chỉ về tất cả các con cái Đức Chúa Trời, nhưng
Thân Thể được nói đến trong Corinth chỉ về con cái Đức
Chúa Trời tại một thời điểm và một nơi chốn cụ thể. Con
cái Đức Chúa Trời ở đây và ở kia cũng là Thân Thể
Christ.

Khi đọc tiếp đến 1 Corinth 12, chúng ta lại thấy vấn
đề Thân Thể một lần nữa. Một Thân Thể với một Thánh
Linh được bàn đến: “Vì cũng như thân thể là một mà có
nhiều chi thể, tất cả các chi thể trong thân tuy nhiều,
nhưng là một thân thể, Đấng Christ cũng vậy” (c. 12).
“Nếu chân nói rằng: “Vì tôi không phải là tay nên tôi
không thuộc về thân” thì chẳng bởi đó chân không thuộc
về thân. Và nếu tai nói rằng: “Vì tôi không phải là mắt
nên tôi không thuộc về thân” thì chẳng bởi đó tai không
thuộc về thân… Và mắt không thể nói với tay rằng: “Tôi
không cần anh”. Cũng vậy, đầu không thể nói với chân:
“Tôi không cần anh” (cc. 15- 16, 21). 1 Corinth 12 nói về
Thân Thể Christ rất chi tiết. Thân Thể Christ được nói
đến trong 1 Corinth khác với điều được nói đến trong
Ephesus. Như tôi đã nói, Thân Thể Christ tại Ephesus chỉ
về hội thánh phổ thông. Đây không phải là nan đề đối với
nhiều học giả Kinh Thánh. Nhưng Thân Thể Christ trong
1 Corinth 12 chỉ về hội thánh tại Corinth. Đây là vì nó
khác với điều được nói đến trong Ephesus. Đầu trong
Ephesus chỉ về ai? Ephesus 5:23 nói: “Christ là Đầu của
hội thánh”. 1 Corinth 12 cũng nói về đầu, nhưng điều này
chỉ về ai? 1 Corinth 12:12 nói: “Và mắt không thể nói với
tay…” Ở đây mắt là một chi thể, và tay cũng là một chi
thể. Câu 21 tiếp tục: “…Cũng vậy, đầu không thể nói với
chân: ‘Tôi không cần anh’”. Vì vậy, đầu được nói đến trong
1 Corinth 12 là một chi thể.

Lời tuyên bố này không thể được sử dụng và áp dụng
như một minh họa trong Ephesus—điều đó sẽ thật kinh
khủng. Không thể vẽ một đường thẳng song song ở đây.
Nếu vậy, Đầu ở trong vị trí rất thấp. Đầu trong 1 Corinth
12 không là gì khác hơn một chi thể, vị trí của nó khác
với vị trí của Đầu trong Ephesus. Đầu trong Ephesus
tuyệt đối là Christ, trong khi đầu trong 1 Corinth 12 ở
giữa vòng các anh em hành động như một đầu. Người ấy
không có gì khác hơn là một trong các chi thể, không
phải Đầu duy nhất. Người ấy thấp hèn chứ không cao
trọng. Do đó, đối với sự biểu hiện sự hiệp nhất của Thân
Thể, Kinh Thánh bày tỏ cho chúng ta rằng địa phương là
ranh giới tối thiểu. Tôi hi vọng các anh chị em sẽ thấy
rằng đòi hỏi tối thiểu của sự hiệp nhất trong Kinh Thánh
là sự hiệp nhất của địa phương. Con cái Đức Chúa Trời
phải có sự hiệp nhất thuộc linh trong mỗi địa phương.
Đây là đòi hỏi cơ bản của Kinh Thánh.
Vậy thì chủ đích của Đức Chúa Trời là gì? Đó là “sẽ
không có sự chia rẽ trong thân thể” (c. 25). Paul nói điều
này vì cớ sự chia rẽ được nói đến trong các chương một và
ba. Paul bày tỏ cho họ rằng có các sự chia rẽ trong địa
phương Corinth cũng giống như có các sự chia rẽ trong
Thân Thể Christ. Sự hiệp nhất phải có địa phương làm
ranh giới. Nếu tôi sống ở Corinth, ít nhất tôi phải là một
với con cái Đức Chúa Trời tại địa phương Corinth; ít nhất
tôi phải sống ra sự sống ở trong sự hiệp nhất ở Corinth.
Tôi không thể có các sự chia rẽ.

Chúng Ta Phải Yêu Thương Các Anh Em Tại
Corinth

Trong chương mười ba, Paul nói về tình yêu. Paul nói về
tình yêu cách rất nghiêm trọng trong chương mười ba vì chỉ
có tình yêu đối lập với các sự chia rẽ. Tình yêu hiệp nhất;
tình yêu không chia rẽ. Ở Corinth có sự ganh tị và xung đột;
vì vậy Paul nói rằng tình yêu không ganh tị, không tìm
kiếm những điều riêng hoặc ghi sổ điều ác, và không chia rẽ
hay phân rẽ. Paul nài khuyên các tín đồ tại Corinth ít nhất
phải yêu thương lẫn nhau tại địa phương Corinth.

Ngày nay, có một loại tình trạng đang thắng thế trong
hội thánh: Dân chúng rao giảng giáo lý về việc yêu thương
lẫn nhau, nhưng họ quên mất địa phương. Họ cảm thấy
rằng địa phương là không quan trọng. Các anh em ơi, rất
dễ để trở nên duy tâm khi chúng ta rao giảng về việc yêu
thương lẫn nhau nhưng quên mất vấn đề địa phương. Rất
dễ để nói: “Tất cả các anh chị em đều rất đáng yêu ngoại
trừ một số người ở Thượng Hải!” Chúng ta phải làm gì?
Các anh em ở Thượng Hải cảm thấy theo cách này; các
anh em ở Nam Kinh cũng cảm thấy rằng các anh em đều
tốt ngoại trừ những người ở Nam Kinh. Để tôi nói cho anh
em biết, Đức Chúa Trời sẽ nói với các anh em ở Thượng
Hải: Hãy yêu thương các anh em ở Thượng Hải trước và
sau đó đến các anh em ở Nam Kinh. Đức Chúa Trời cũng
nói với các anh em ở Nam Kinh: Hãy yêu thương các anh
em ở Nam Kinh trước và sau đó đến các anh em ở Thượng
Hải. Các anh em ở Corinth cần yêu thương các anh em ở
Corinth trước rồi sau đó họ có thể thăng thiên lên cõi
thiên thượng để nhìn thấy Thân Thể Christ. Trước hết họ
cần ngự xuống để nhìn thấy Thân Thể Christ trong 1
Corinth trước khi có thể thăng thiên để nhìn thấy Thân
Thể Christ trong Ephesus. Họ cần ngự xuống để nhìn thấy
Thân Thể Christ trong 1 Corinth vì điều đó thực tiễn hơn
rất nhiều.
Nếu chúng ta không thể yêu thương các anh em mà
chúng ta nhìn thấy thì làm thế nào chúng ta có thể yêu
thương các anh em mà chúng ta không thể nhìn thấy? Sứ
đồ Paul nói: “Ai không yêu anh em mình, là người mình
nhìn thấy, thì không thể yêu Đức Chúa Trời, là Đấng mà
mình không nhìn thấy” (1 John 4:20). Ngày nay chúng ta
cần thêm vào một lời: “Nếu chúng ta không thể yêu thương
các anh em mà chúng ta nhìn thấy thì chúng ta không thể
yêu thương các anh em mà chúng ta không thể nhìn thấy.”
Nhiều người không yêu các anh em mà họ nhìn thấy; họ
chỉ yêu những người không nhìn thấy. Đây là cái được gọi
là sự tương giao “thuộc linh” vì mọi sự không thể nhìn
thấy đều là “thuộc linh”. Nếu chúng ta đứng trong vị trí
này, các sự khó khăn lớn sẽ xảy đến trên hội thánh. Sự
tương giao giữa vòng con cái Đức Chúa Trời, tình yêu dành
cho nhau giữa vòng con cái Đức Chúa Trời, sự chăm sóc
lẫn nhau giữa vòng con cái Đức Chúa Trời và sự hiệp nhất
giữa vòng con cái Đức Chúa Trời phải khởi đầu từ địa
phương. Địa phương là yêu cầu tối thiểu.

Đòi Hỏi Phải Có Cùng Một Tâm Trí Trong Philippi

Trong sách Philippi, Paul cũng nài khuyên các anh em
trở nên một: “Vì sự tương giao (sự hiệp nhất) của anh em
dẫn đến sự tiến bộ của phúc âm từ ngày đầu tiên cho đến
nay” (1:5). Sau đó, Paul nói về một phương diện khác trong
các câu 15 và 17: “Một số người rao giảng Christ thậm chí
vì sự ganh tị và xung đột… những người khác loan báo
Christ ra từ tham vọng ích kỷ.” Đây không phải là tình
trạng phổ thông của hội thánh mà là một vấn đề địa
phương trong Philippi. Một số anh em rao giảng Christ
trong sự hiệp nhất, trong khi một số rao giảng Christ ra từ
sự ganh tị, nói rằng: “Nếu anh có thể rao giảng thì tôi
cũng có thể. Nếu anh có thể làm điều đó thì tại sao tôi lại
không thể?” Vì vậy họ cũng rao giảng.

Trong Philippi 2:2, Paul nài khuyên: “suy nghĩ cùng
một điều, có cùng một tình yêu, liên kết trong hồn, suy
nghĩ một điều duy nhất.” Tôi muốn chỉ ra cụm từ là anh
em suy nghĩ cùng một điều. Điều này không chỉ về hội
thánh phổ thông. Mặc dù hội thánh phổ thông có thể học
tập từ thí dụ này, nhưng lời này đặc biệt chỉ về những
người Philippi, vì Paul đã viết thư cho người Philippi. Các
Cơ Đốc nhân, các anh em, ở Philippi cần suy nghĩ cùng
một điều. Thật vô ích nếu họ suy nghĩ cùng một điều với
các anh em trong hội thánh ở Thượng Hải hoặc các anh
em trong hội thánh ở Lan Châu. Họ phải suy nghĩ cùng
một điều với các anh em ở Philippi. Đây là lệnh truyền của
Kinh Thánh. Việc suy nghĩ cùng một điều phải có địa
phương làm yêu cầu tối thiểu. Nếu thiếu điều này, tất cả
các giáo lý đều là duy tâm và tưởng tượng. Một điều rất
đáng ngạc nhiên là nhiều anh em rất thuộc linh trong cõi
thiên thượng, nhưng lại thuộc xác thịt trên đất. Lý tưởng
của họ rất thuộc linh nhưng sự thực hành của họ thuộc xác
thịt.

Sau điều này, Paul nói rằng nếu họ suy nghĩ cùng một
điều, có cùng một tình yêu, được liên kết trong hồn, và suy
nghĩ một điều duy nhất, sự vui mừng của ông sẽ được làm
cho đầy đủ.

“Đừng làm điều gì theo tham vọng ích kỷ” (c. 3a). Lời
này được nói cho những người Philippi. Những người
Philippi đừng làm bất cứ điều gì theo tham vọng ích kỷ.
Paul đã đưa ra lý do cho việc thực hiện nhiều điều bởi
tham vọng ích kỷ: một số người tham lam hư vinh. Những
người tìm kiếm hư vinh này dễ dàng phân rẽ với các anh
em. Những người ao ước có vinh hiển trước mặt loài người
sẽ gặp rắc rối với người khác. Một số người kiêu ngạo và
đánh giá mình quá cao; họ không thể là một với người
khác. “Nhưng hãy xem người khác là trổi hơn chính mình
trong sự khiêm ti của tâm trí” (c. 3b). Điều này sẽ làm cho
chúng ta có thể làm một với người khác. Một số người chỉ
quan tâm đến những điều của riêng mình và rất ích kỷ; vì
vậy họ cũng dễ dàng gây rắc rối. Paul tiếp tục: “Đừng chú
tâm đến các mỹ đức riêng của mỗi người, nhưng cũng chú
tâm đến các mỹ đức của người khác” (c. 4). Đây là lý do tại
sao nhiều người không thể suy nghĩ cùng một điều, không
thể có cùng một tình yêu, không thể được liên kết trong
hồn và không thể là một với người khác. Một số người chỉ
quan tâm đến chính mình, một số quá kiêu ngạo, một số
tìm kiếm vinh hiển và ao ước người khác ca ngợi họ.
Những loại người này không bao giờ có thể là một với
người khác. Chúng ta phải học tập trở nên khiêm nhường,
không tìm kiếm vinh hiển từ con người, và chúng ta phải
học tập chăm sóc người khác. Khi đó, chúng ta có thể là
một với các con cái khác của Đức Chúa Trời. Đây là
nguyên tắc phù hợp với Kinh Thánh, và chúng ta cần bước
theo điều này.

Paul đã khen ngợi những người Philippi về sự tương
giao (hiệp nhất) của họ trong việc rao giảng phúc âm,
nhưng thật ra, họ có tranh đấu. Điều này làm cho sự nài
khuyên trong chương hai trở nên cần thiết. Có các sự
tranh đấu tại Philippi không chỉ giữa vòng các anh em mà
còn giữa vòng các chị em. Trong chương bốn, Paul đặc biệt
đề cập đến hai chị em: “Tôi nài khuyên Euodias và
Syntyche suy nghĩ cùng một điều trong Chúa” (c. 2). Đây là
hai tên dành cho phái nữ. Chúng ta không biết nhiều về
câu chuyện đằng sau lời này; Paul không tiết lộ điều này
cho chúng ta. Ông chỉ nói: “Tôi nài khuyên Euodias và
Syntyche suy nghĩ cùng một điều trong Chúa.” Sự điều
chỉnh này về một mặt bày tỏ cho chúng ta rằng có sự xung
đột ở Philippi, và mặt khác sự xung đột này giới hạn trong
địa phương này vì các danh tánh ông đề cập đến. Bây giờ,
tôi nghĩ rằng chúng ta phải nhìn thấy ít nhất một điều: sự
hiệp nhất của Thân Thể hoặc sự hiệp nhất của Thánh
Linh trong Kinh Thánh chỉ về sự hiệp nhất trong địa
phương. Sự hiệp nhất ngoài địa phương hoàn toàn là hư
không. Chúng ta không thể nói rằng chúng ta có thể là
một mọi nơi ngoại trừ tại địa phương của chính chúng ta.

Hội Thánh Trong Kinh Thánh Là Địa Phương

Bây giờ chúng ta sẽ tiến lên để nhìn thấy lý do tại sao
chúng ta nhấn mạnh đến sự biểu hiện của sự hiệp nhất
trong địa phương. Đây là vì hội thánh trong Kinh Thánh
là địa phương. Nhiều năm chúng ta đã nói về điều này và
thậm chí ngay bây giờ đã nhiều lần đề cập đến điều này.
Hội thánh trong Kinh Thánh là địa phương. Không có một
ngoại lệ nào trong cả Tân Ước. Tất cả hội thánh đều là địa
phương: hội thánh tại Jerusalem, hội thánh tại Antioch,
hội thánh tại Corinth, hội thánh tại Philippi, hội thánh
tại Colossae, v.v. Tất cả các gương mẫu trong Kinh Thánh
đều là địa phương. Thí dụ, trong sách Khải Thị, các hội
thánh tại Ephesus, Smyrna, Pergamos, Thyatira, Sardis,
Philadelphia, và Laodicea đều là địa phương. Đức Chúa
Trời đã chỉ định một hội thánh trong mỗi địa phương. Các
địa phương và các hội thánh tương đương với nhau. Các
quốc gia trên đất đều được chia thành các thành phố; hội
thánh của Đức Chúa Trời trên đất ngày nay cũng được chia
thành các thành phố. Trong thế giới, có địa phương
Thượng Hải; do đó, có hội thánh tại Thượng Hải trước mặt
Đức Chúa Trời. Trong thế giới, có địa phương Nam Kinh;
do đó, có hội thánh tại Nam Kinh trước mặt Đức Chúa
Trời. Trong thế giới, có các địa phương Tây An và Lan
Châu; do đó, có hội thánh tại Tây An và hội thánh tại Lan
Châu trước mặt Đức Chúa Trời. Hễ có một nơi đủ lớn để
làm một địa phương thì phải có một hội thánh tại địa
phương đó. Nếu chỗ ở của chúng ta không đủ lớn để là một
địa phương, thì chúng ta không thể là hội thánh. Lan
Châu đủ lớn trong mắt Đức Chúa Trời để làm một địa
phương; vì vậy, có thể có hội thánh tại Lan Châu. Trước
mặt Đức Chúa Trời, vấn đề này rất rõ ràng.

Kinh Thánh xác định một địa phương theo giới hạn
của một thành phố hoặc làng mạc. Thí dụ trong 1 Corinth,
các chương mà chúng ta vừa mới đọc, có một lời rất tốt:
“Vì cớ đó tôi đã sai Timothy đến với anh em, người là con
yêu dấu và trung tín của tôi trong Chúa, người sẽ nhắc nhở
anh em về các đường lối của tôi ở trong Christ, cũng như
tôi dạy dỗ ở khắp nơi trong mỗi hội thánh” (4:17). “Khắp
nơi” là địa phương; “mỗi hội thánh” là nội dung thuộc linh.
Trong mỗi địa phương có một hội thánh. “Khắp nơi” được
phân chia trong Kinh Thánh theo thành phố hoặc làng
mạc. Chúa Jesus rao giảng phúc âm trong mỗi thành phố
và làng mạc (Matt. 9:35); vì vậy, sự hiệp nhất của địa
phương là thành phố hoặc làng mạc. Paul nói với Titus:
“Chỉ định các trưởng lão trong mỗi thành phố, như ta đã
chỉ dẫn con” (Titus 1:5). Trong suốt thời gian đó, Paul đã
rao giảng trong các thành phố; ông không đi vào trong các
làng mạc. Do đó, ông không đề cập đến các làng mạc. Tất
cả các hội thánh trong Kinh Thánh đều là địa phương. Đây
là nan đề ngày nay: sự hiệp nhất của con cái Đức Chúa
Trời phải có địa phương làm đơn vị. Nói cách khác, đơn vị
tối thiểu cho sự hiệp nhất của con cái Đức Chúa Trời phải
là sự hiệp nhất của địa phương. Tất cả con cái Đức Chúa
Trời trong cùng một thành phố phải là một. Đây là yêu
cầu tối thiểu.

Phải Có Sự Tương Giao Thuộc Linh
Giữa Vòng Các Hội Thánh

Bây giờ, tôi muốn bàn đến một nan đề mà con cái Đức
Chúa Trời đối diện liên quan đến vấn đề này. Tôi đã nói
về loại hiệp nhất thứ hai, có phần đúng và có phần sai.
Điều này có nghĩa là gì? Có nên có sự “tương giao thuộc
linh” mà họ nói đến không? Một phần phải hiện hữu, và
một phần không. Đường lối hoàn thành phần phải hiện
hữu là phải có sự tương giao thuộc linh giữa vòng hội
thánh địa phương này với hội thánh địa phương khác.
Kinh Thánh bày tỏ cho chúng ta rằng hội thánh là địa
phương, vì vậy phải có sự hiệp nhất của hội thánh tại một
địa phương. Vì vậy, tôi nói rằng nếu không có sự hiệp nhất
trong một địa phương thì tất cả những lời nói chỉ là hư
không và tự lừa dối. Sự tương giao giữa vòng các hội thánh
không có nghĩa là một địa phương bỏ bê các sự vụ của
riêng mình và chăm lo cho các sự vụ của địa phương khác.
Điều đó không có nghĩa là các anh em ở Thiên Thủy chăm
lo cho các sự vụ ở Bình Lương nhưng không chăm lo cho
các sự vụ ở Thiên Thủy. Đúng hơn, điều đó có nghĩa là
Thiên Thủy và Bình Lương phải có sự tương giao trong
những vấn đề thuộc linh.

Sự hiệp nhất của hội thánh, sự hiệp nhất của Thân
Thể, có địa phương làm đơn vị. Nhưng chúng ta cũng phải
có sự hiệp nhất thuộc linh với các anh em trong các địa
phương khác. Sự hiệp nhất thuộc linh này không phải là
sự hiệp nhất giữa vòng giáo phái này với giáo phái khác,
mà là sự hiệp nhất giữa vòng hội thánh này với hội thánh
khác. Sự hiệp nhất thuộc linh này không phải là sự hiệp
nhất giữa vòng các sự chia rẽ, mà là sự hiệp nhất giữa
vòng các chi thể của Thân Thể. Ở đây có hai hội thánh địa
phương. Giữa vòng hai hội thánh địa phương này, chúng ta
phải tìm kiếm sự hiệp nhất của Thánh Linh, sự hiệp nhất
của Thân Thể, sự hiệp nhất trong đường lối của Chúa, và
sự hiệp nhất trong mỗi phương diện để biểu hiện sự hiệp
nhất thuộc linh giữa vòng các hội thánh. Nếu chúng ta áp
dụng sự hiệp nhất thuộc linh này cho các giáo phái thay vì
cho các hội thánh thì điều đó sai trật. Đặt sự hiệp nhất
thuộc linh này trong bối cảnh là các bè đảng thay vì trong
bối cảnh là các địa phương là sai trật. Chủ đề thì đúng
nhưng sự áp dụng thì sai.

SỰ HIỆP NHẤT CỦA CHỦ NGHĨA CỘNG ĐOÀN

Bây giờ chúng ta hãy nhìn thấy tầm quan trọng của
ranh giới địa phương. Có lẽ trước hết chúng ta phải xem
xét lịch sử. Chúng ta đã thấy rằng ban đầu, các hội thánh
trong Kinh Thánh là địa phương. Về sau, các hội thánh
này hiệp nhất lại để hình thành các hội thánh tỉnh hoặc
quận huyện. Sau nữa, họ được hiệp nhất thành một hội
thánh quốc tế dưới giáo hoàng. Vào ban đầu khi các hội
thánh hòa hợp với chủ đích của Đức Chúa Trời, đó là địa
phương. Tuy nhiên, dần dần, các hội thánh suy thoái cho
đến khi chỉ còn một hội thánh trên khắp thế giới, Hội
Thánh Công Giáo La Mã. Trong thời Cải Chánh, Hội
Thánh Công Giáo La Mã bị đập tan. Trong sự đập vỡ này,
các hội thánh địa phương lúc ban đầu không trở lại vị trí.
Theo sau sự đập vỡ này, hội thánh quốc tế trở nên các hội
thánh quốc gia với các hội thánh quốc gia trong các quốc
gia khác nhau. Có một sự cải thiện, tiến bộ, ở giai đoạn
này, với các hội thánh có phần trở nên gần hơn với hình
trạng của các hội thánh ban đầu. Các hội thánh quốc gia
về sau trở nên các hội thánh độc lập. Bên trong một quốc
gia, có hàng trăm và thậm chí hàng ngàn hội thánh nhỏ.
Các hội thánh độc lập này tiến thêm một bước gần hơn với
tình trạng ban đầu.

Chúng ta phải nhận thức rằng các hội thánh độc lập
này được thiết lập khó khăn như thế nào. Thí dụ, hội
thánh trong nhiều quốc gia khăng khăng rằng các bài
giảng chỉ có thể được giảng tại các nơi thánh. Các nơi
thánh này là các giáo đường chuyên dụng. John Wesley
trỗi dậy và nói rằng việc rao giảng có thể được thực hiện ở
bất cứ nơi đâu. Ông bị bắt bớ rất nhiều! Hội thánh quốc
gia công bố rằng các sứ điệp được giảng tại những nơi
không chuyên dụng là ô uế. Ngoài nơi chuyên dụng, người
rao giảng cũng phải được chỉ định; không có một người
bình thường nào được phép rao giảng. Đây là lý do Darby
nói rằng theo quan điểm này Paul, Peter và John không
thể rao giảng, vì họ không được chỉ định. Đối với các hội
thánh quốc gia, việc rao giảng là nghiêm trọng, địa điểm
là nghiêm trọng, và việc thiết lập các hội thánh mới thậm
chí còn nghiêm trọng hơn. Thậm chí Luther, trong suốt
thời Cải Chánh, cũng không dám thiết lập một hội thánh.
Chính quyền lực chính trị buộc ông phải làm như vậy. Tuy
nhiên, sau khi Wesley được dấy lên, xu thế dần dần thay
đổi khi các hội thánh độc lập được thiết lập. Hội thánh
quốc tế tiến triển thành các hội thánh quốc gia, và các hội
thánh quốc gia tiến triển thành các hội thánh độc lập.

Giữa vòng các hội thánh độc lập này, một giáo lý trở
nên rất thắng thế là chủ nghĩa cộng đoàn, nghĩa là mỗi
cộng đoàn độc lập là một hội thánh. Ai tin vào chủ nghĩa
cộng đoàn? Chính những người Cộng Đoàn Tư Trị và
Baptist. Chủ nghĩa cộng đoàn nghĩa là gì? Nhiều con cái
Đức Chúa Trời giữa vòng họ đọc Kinh Thánh thấy rằng
các hội thánh đều độc lập với nhau. Hội thánh tại
Jerusalem có sự quản trị riêng, hội thánh tại Antioch
chăm lo cho các sự vụ riêng, và hội thánh tại Corinth cũng
như hội thánh tại Ephesus cũng đều có sự quản trị riêng.
Mặc dù hội thánh là phổ thông nhưng họ nghĩ rằng mỗi
cộng đoàn là một đơn vị của sự quản trị hội thánh. Do đó,
nó được gọi là “chủ nghĩa cộng đoàn”. Họ thiết lập các hội
thánh cộng đoàn với mỗi cộng đoàn phục vụ như một hội
thánh. Không có tổng giám mục ở trên họ. So với các hội
thánh độc lập khác, đây là một sự tiến bộ. Bây giờ chúng
ta nhìn thấy diễn tiến trong các giai đoạn khác nhau này;
hội thánh quốc tế tiến lên thành các hội thánh quốc gia,
các hội thánh quốc gia tiến lên thành các hội thánh độc
lập, và một số hội thánh độc lập tiến lên thành các hội
thánh cộng đoàn.

Sai Lầm của Chủ Nghĩa Cộng Đoàn

Chủ nghĩa cộng đoàn thật sự rất gần với Kinh
Thánh; nhưng nó vượt quá Kinh Thánh một chút. Các
anh em Cộng Đoàn Tự Trị nghiên cứu Kinh Thánh nhưng
không thể khám phá ra ý tưởng về địa phương. Jerusalem
là một thành phố, không phải một cộng đoàn; Antioch
một thành phố, không phải một cộng đoàn; Ephesus
một thành phố cảng, không phải một cộng đoàn; Colossae
là một thành phố trên một ngọn đồi, không phải một
cộng đoàn. Họ nghĩ rằng Jerusalem, Antioch, Ephesus, và
Colossae là các cộng đoàn, và họ kết luận rằng các cộng
đoàn độc lập với nhau. Lịch sử hội thánh cho chúng ta
biết rằng sau khi bắt đầu không bao lâu, hội thánh bị
thoái hóa cho đến thời của Luther. Sau đó có một sự khôi
phục, một sự cải tiến, cho đến giai đoạn các hội thánh
độc lập. Từ thời các hội thánh độc lập, hội thánh đi đến
một thái cực khác là nhận lấy cộng đoàn làm đơn vị.
Điều này bao gồm Hội Cộng Đoàn Tự Trị và Baptist, sau
này còn có Hội Anh Em Mở Rộng, cũng đi đến thái cực
xem cộng đoàn là đơn vị.

Bây giờ tôi muốn bàn về lý do tại sao chủ nghĩa cộng
đoàn sai trật. Đây là điều gần với Kinh Thánh nhất,
nhưng vẫn sai. Chúa ao ước chúng ta yêu thương lẫn nhau,
tiếp nhận lẫn nhau và tránh sự ganh tị, xung đột và chia
rẽ trong cùng một hội thánh địa phương. Sự hiệp nhất của
chủ nghĩa cộng đoàn nhận lấy cộng đoàn làm đơn vị. Điều
này đặt ra một nan đề là khó xác định như thế nào là một
cộng đoàn. Có thể có một cộng đoàn trên Đường Nanyang
145 và một cộng đoàn khác trên Đường Nanyang 143. Nếu
tôi yêu các anh em ở Đường Nanyang 145, tôi sẽ nhóm với
họ. Khi tôi bất đồng với họ, tôi sẽ thiết lập một cộng đoàn
khác trên Đường Nanyang 143. Nếu nhìn thấy sự hiệp
nhất là vấn đề địa phương thì chúng ta chỉ có thể đi và
thiết lập một hội thánh tại một thành phố khác, không
phải một hội thánh khác ở Thượng Hải. Điều này không
dễ, nhưng chúng ta vẫn phải yêu thương lẫn nhau. Ô, Chúa
khôn ngoan biết bao khi đặt chúng ta trong các địa phương
và ban cho chúng ta địa phương làm ranh giới! Chỉ ở đây
chúng ta mới có thể tìm thấy thập tự giá để mang vác và
các bài học để học tập.

Ý nghĩa của một hội thánh cộng đoàn là gì? Nó có
nghĩa là có thể có nhiều cộng đoàn trong mỗi địa phương,
mỗi cộng đoàn có sự hiệp nhất bên trong chính nó và độc
lập với các cộng đoàn khác. Đây là một vấn đề rất nghiêm
trọng. Sự hiệp nhất của chủ nghĩa cộng đoàn là một sai
lầm. Sai lầm của hội thánh quốc tế đi đến một thái cực,
khiến nhiều địa phương có một hội thánh, nhưng sai lầm
của các hội thánh cộng đoàn đi đến thái cực ngược lại,
khiến một địa phương có nhiều hội thánh. Hội Thánh
Công Giáo La Mã ở đầu này với nhiều địa phương có một
hội thánh, và các hội thánh cộng đoàn ở đầu kia, với một
địa phương có nhiều hội thánh. Điều này giống như con lắc
đánh sang bên này là nhiều địa phương có một hội thánh
rồi đánh sang bên kia là một địa phương có năm đến mười
hội thánh. Trong thế kỷ vừa qua, Hội Anh Em đã được dấy
lên, nhưng một số người trong họ rơi vào trong chủ nghĩa
cộng đoàn. Họ chính yếu phân rẽ thành Hội Anh Em Khép
Kín và Hội Anh Em Mở Rộng. Hội Anh Em Khép Kín vẫn
ở về phía bên này là hội thánh liên hiệp; Hội Anh Em Mở
Rộng đi sang phía bên kia và trở nên các cộng đoàn, các
hội chúng “nhỏ”. Họ có thể có một hội chúng trên đường
này và một hội chúng trên đường kia, mỗi hội chúng
không có gì liên quan với nhau. Điều này có nghĩa là họ có
nhiều hội thánh trong một địa phương.

Một Địa Phương Có Một Hội Thánh

Vì vậy, chúng ta phải nhìn thấy cách sáng tỏ trước
mặt Đức Chúa Trời rằng trong Kinh Thánh một địa
phương có một hội thánh, hoặc nói ngắn gọn là một địa
phương, một hội thánh. Đây là nguyên tắc trong Kinh
Thánh. Nếu nghiên cứu vấn đề hội thánh, chắc hẳn chúng
ta sẽ có thể hiểu nguyên tắc một địa phương, một hội
thánh này. Mọi sai lầm đều ra từ việc vi phạm nguyên tắc
này. Một địa phương, một hội thánh là con lắc. Khi nó lắc
sang bên này, nó sai trật vì khiến ba hoặc bốn địa phương
có một hội thánh hoặc cả thế giới chỉ có một hội thánh.
Khi nó lắc sang phía ngược lại, nó cũng sai trật vì khiến
một địa phương có một số hoặc nhiều hội thánh. Có một
điều gì đó bất thường liên quan đến địa phương, hoặc có
một điều gì đó bất thường liên quan đến hội thánh. Trong
Kinh Thánh, có một địa phương, một hội thánh. Vào thời
các sứ đồ, dân số của thành phố Jerusalem khoảng một
triệu người. Nó là một trong các thành phố đông dân nhất.
Nhiều địa phương ở Trung Hoa ngày nay cũng không đông
dân bằng. Vào thời đó, ba ngàn người được cứu và sau đó
đến năm ngàn người (Công 2:41; 4:4). Số người được cứu
cuối cùng đạt đến hàng vạn người (21:20). Điều đó thật sự
hiếm thấy. Vì không có nơi nào đủ rộng lớn để họ nhóm
lại, nên họ nhóm từ nhà này sang nhà khác. Tuy nhiên,
Kinh Thánh không nói đến “các hội thánh tại Jerusalem”.
Tôi không tin là họ có thể dễ dàng tìm thấy một nơi nhóm
họp đủ rộng lớn cho ba đến năm ngàn người nhóm lại với
nhau. Có thể là tất cả những người này không nhóm chung
dù chỉ một lần. Có thể họ nhóm lại trong đồng vắng;
chúng ta không biết. Mặc dù thành phố rất rộng lớn và có
nhiều tín đồ, nhưng họ vẫn là một hội thánh. Do đó, Kinh
Thánh bày tỏ cho chúng ta một địa phương, một hội thánh.
Chúng ta đã nhìn thấy cách sáng tỏ rằng Hội Thánh
Công Giáo La Mã đã đung đưa sang một phía với nguyên
tắc có một hội thánh với nhiều địa phương. Một nhóm dân
chúng ở về một phía khác với nguyên tắc một địa phương
có nhiều hội thánh. Trong cùng một địa phương, anh em có
hội thánh này và những người khác có hội thánh kia. Đây
là chủ nghĩa cộng đoàn. Chỉ yêu thương những người trong
cộng đoàn và không quan tâm đến cộng đoàn khác là
không đủ. Hội Anh Em Mở Rộng đã đi theo hướng hội
thánh cộng đoàn; Hội Anh Em Khép Kín đi theo hướng
Hội Thánh Công Giáo La Mã.

Do đó, chúng ta đối mặt với một nan đề lớn ở Trung
Hoa. Về một mặt chúng ta phải duy trì chứng cớ chống lại
công tác của Hội Thánh Công Giáo La Mã và mặt khác là
công tác của các hội thánh cộng đoàn. Nếu chúng ta chỉ
bất cẩn một chút, chủ nghĩa cộng đoàn sẽ xuất hiện. Nếu
chúng ta sáng tỏ rằng có một địa phương, một hội thánh,
thì chúng ta sẽ sáng tỏ về Công Giáo La Mã và chủ nghĩa
cộng đoàn. Thí dụ, Tây An là một địa phương; vì vậy, phải
có một hội thánh ở đó. Bất kể hội thánh ở Tây An tốt hay
xấu, thì ở đó vẫn là một hội thánh. Nếu tôi đúng đắn với
các anh em ở Tây An, thì tôi ở trong hội thánh tại Tây An;
nếu tôi không đúng đắn với các anh em ở Tây An, thì tôi
vẫn ở trong hội thánh tại Tây An.
Bây giờ, chúng ta hãy xem các hậu quả của chủ nghĩa
cộng đoàn. Nếu tôi là một tín đồ của chủ nghĩa cộng đoàn
và tôi đúng đắn với các anh em, thì tôi sẽ bẻ bánh với họ;
nếu không, chúng ta sẽ bẻ bánh riêng vì anh em yêu nhóm
của anh em và tôi yêu nhóm của tôi. Loại bẻ bánh này
không phải tốn kém; không cần mướn một mục sư. Chúng
ta có thể thiết lập một bàn theo ý thích và bẻ bánh.

Chúng ta có thể hình thành một hội thánh khác, yêu
thương lẫn nhau, rửa chân cho nhau từ sáng đến tối, dự
tiệc yêu thương mỗi bữa ăn, và có sự tương giao rất tốt.
Nhưng Kinh Thánh nói một địa phương, một hội thánh.
Kinh Thánh nói rằng: “chúng ta (các thánh đồ trong cùng
một địa phương) tuy nhiều… nhưng là một ổ bánh” (1 Cor.
10:17). Nhưng anh em là gì? Anh em, chỉ là một số ít
người, nhưng lại là hai ổ bánh. Anh em nói: “Chúng tôi là
một ổ bánh và anh em cũng là một ổ bánh”—đây là chủ
nghĩa cộng đoàn. Một khi chủ nghĩa cộng đoàn xuất hiện
thì hội thánh rơi vào tình trạng hiểm nghèo. Công Giáo
La Mã qua một ngàn một trăm năm vẫn chỉ có một hội
thánh. Nếu chủ nghĩa cộng đoàn hiện hữu trong một ngàn
một trăm năm, thì có thể có hàng trăm hàng ngàn hội
thánh. Những người thích tranh đấu luôn luôn tìm cớ để
tranh đấu. Giả sử, tôi tranh đấu và đã tìm thấy một anh
em để tranh đấu với mình. Sự tranh đấu sẽ kết thúc trong
sự chia rẽ. Khi đó tôi sẽ chịu khổ vì tôi không còn ai để
tranh đấu với mình nữa; vì vậy, tôi sẽ tìm người khác.
Điều này thật tồi tệ; hội thánh sẽ không chỉ bị chia thành
nhiều mảnh mà còn chủ trương chia rẽ. Nếu nguyên tắc là
sai trật thì các sự khó khăn sẽ theo sau: một khi sự bất
đồng xảy ra, anh em sẽ thiết lập một bàn và người khác sẽ
thiết lập một bàn khác.

Chúa đã bày tỏ cho chúng ta rằng một địa phương
phải có một hội thánh duy nhất, và một địa phương phải
có một sự quản trị duy nhất. Vì vậy, chúng ta phải được
giới hạn bởi tính địa phương. Nếu bất kỳ anh em nào
không là một với tôi, tôi phải rửa chân cho người ấy và
khẩn nài người ấy cho đến khi người ấy là một với tôi.
Đây là các bài học để tôi học tập: tính khí của tôi phải
được xử lý; tôi cần tìm ra nguyên nhân tại sao một anh
em không thể là một với tôi và cố hết sức để giải quyết
điều đó; nếu không, chúng ta không có cách nào tiến lên.
Nếu chúng ta hành động theo chủ nghĩa cộng đoàn, thì
rất thuận tiện. Một khi xảy ra bất cứ điều gì không vừa
ý, tôi sẽ thiết lập một hội thánh khác. Khi đó ở Thượng
Hải không chỉ có hai mươi bốn buổi nhóm tư gia, mà còn
có hai mươi bốn hội thánh. Cho nên, một địa phương có
nhiều hội thánh sẽ xuất hiện. Đây là một vấn đề rất
nghiêm trọng. Có một ranh giới cho sự hiệp nhất của
chúng ta. Sự hiệp nhất của Hội Thánh Công Giáo La Mã
là chống lại Kinh Thánh, và sự hiệp nhất “thuộc linh”
không đạt đến mục đích của Chúa. Sự hiệp nhất trong
Kinh Thánh là theo một địa phương với một hội thánh.
Điều này khiến cho chúng ta không thể không là một
trong mỗi địa phương.

Giả sử có một số anh em mà hội thánh thật sự tìm
kiếm sự hiệp nhất với họ. Chúng ta phải biết được thái độ
của họ là gì. Trong vài ngày nay, tôi đã nghe một người
nào đó nói: “Chúng ta có thể đàm luận và tương giao, cho
dù anh vẫn có thể có hội thánh của anh, tôi có hội thánh
của tôi, và anh ấy có hội thánh của anh ấy. Tất cả chúng
ta là một; tất cả chúng ta đều đứng trong vị trí riêng của
mình để là một với nhau. Tất cả chúng ta đều có các
trưởng lão và chấp sự riêng của mình, nhưng chúng ta tôn
trọng lẫn nhau.” Tôi phải nói với các anh em này cách
nhấn mạnh rằng chỉ có một hội thánh duy nhất trong một
địa phương. Ý tưởng của những người này về việc tập hợp
các anh em từ một số giáo phái lại trong một địa phương
chỉ làm đẹp lòng một số hội thánh. Anh em có thể rất giỏi
xử lý với quá khứ bằng sự lanh lợi của mình, nhưng anh
em sẽ làm gì với tương lai? Tất cả chúng ta cuối cùng rồi
sẽ qua đời. Anh em sẽ bảo các anh em trẻ làm gì trong
tương lai? Nếu anh em của chúng ta thực hành chủ nghĩa
cộng đoàn trong mỗi nơi, dung túng cho loại hiệp nhất
này, không nói gì về việc hi sinh sự vâng phục của mình,
chúng ta sẽ làm gì trong tương lai? Chúng ta có thể xoay
xở với năm cộng đoàn ngày nay, nhưng sẽ có khó khăn
trong tương lai khi cộng đoàn thứ sáu xuất hiện. Khi cộng
đoàn thứ bảy và thứ tám xuất hiện thì càng khó khăn hơn.
Khi đó chúng ta sẽ làm gì? Tất cả chúng ta phải nhìn thấy
nguyên tắc cơ bản này. Lệnh truyền của Chúa rất sáng tỏ:
về một mặt, Ngài không cho phép chúng ta có hội thánh
liên hiệp hầu cho chúng ta sẽ không trở nên một thế lực
trên đất và giữa vòng con người; mặt khác Ngài sẽ không
cho phép hội thánh trở nên nhiều hội thánh trong một địa
phương; nếu không, các sự tranh đấu trong tương lai sẽ là
vô tận.

Tôi muốn anh em nhìn thấy rằng chủ nghĩa cộng
đoàn là kết quả của việc các anh em chỉ nhìn thấy một
phần của lẽ thật trong Kinh Thánh. Không có chủ nghĩa
cộng đoàn trong Kinh Thánh. Jerusalem, Antioch,
Ephesus, Thyatira, và Laodicea đều là các địa phương.
Trải qua nhiều năm lịch sử hội thánh, ánh sáng của Chúa
ngày càng trở nên sáng tỏ hơn: từ hội thánh quốc tế đến
hội thánh quốc gia, từ hội thánh quốc gia đến hội thánh
độc lập, và từ hội thánh độc lập, có phần vượt quá tiêu
chuẩn bình thường, đến chủ nghĩa cộng đoàn. Trong hai
mươi đến ba mươi năm qua, Chúa đã dẫn dắt chúng ta
nhìn thấy hội thánh địa phương. Điều đó đã đủ rõ ràng
rồi. Ngày nay, hội thánh đang nhận lấy đường lối của các
sứ đồ. Hội thánh là địa phương. Chúng ta không nên kiêu
ngạo nói rằng điều này do chúng ta rao giảng. Đây là ân
điển của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời cho phép con cái
Ngài dò dẫm trong hơn một ngàn năm. Cảm tạ Đức Chúa
Trời! Chúng ta đã thừa hưởng những gì họ đoạt được và
tìm thấy con đường. Cảm tạ Đức Chúa Trời! Mặc dù chủ
nghĩa cộng đoàn là sai, nhưng đó là một sự tiến bộ. Họ
đã nhìn thấy “một hội thánh” của Công Giáo La Mã là
sai, nhưng sự tiến bộ của họ vượt quá tiêu chuẩn.

Thậm chí các anh em tốt như Hội Anh Em cũng có sự
tranh đấu vì một nhóm trong Hội Anh Em đã nhận lấy
đường lối của hội thánh liên hiệp và một nhóm khác nhận
lấy đường lối của các cộng đoàn. Hội Truyền Giáo Trung
Hoa Nội Địa cũng thực hành chủ nghĩa cộng đoàn. Ngày
nay, sự thực hành thắng thế nhất là chủ nghĩa cộng đoàn.
Một quyển sách nhỏ được viết bởi Goodman có tựa đề Một
Tiếng Kêu Khẩn Thiết cũng là một điều gì đó thuộc chủ
nghĩa cộng đoàn. Chủ nghĩa cộng đoàn là gì? Đó là khi có
một hội chúng trên đường này và một hội chúng kế bên,
hội chúng này không quan tâm đến hội chúng kia, bất kể
hội chúng kia tốt đẹp hay nghèo nàn. Sự hiệp nhất duy
nhất mà họ tìm kiếm là sự hiệp nhất bên trong hội chúng
riêng của họ. Hễ tất cả họ có thể là một với nhau, thì họ
nhóm lại như một hội chúng; nếu không, họ chia rẽ. Việc
yêu thương lẫn nhau như được chủ trương bởi chủ nghĩa
cộng đoàn là loại tình yêu này; nó không được giới hạn bởi
địa phương và không cố gắng học các bài học trong địa
phương. Đây là lý do tôi nói đi nói lại rằng các bài học
được học trong một địa phương là một vấn đề hết sức khắt
khe. Chúng ta sống trong thành phố này, và chúng ta
không dễ chuyển đi nơi khác. Chúa đã đặt chúng ta trong
một địa phương để nghiền tán chúng ta cách triệt để.
Chúng ta không thể hành động theo ý thích của mình. Do
đó, chúng ta có các bài học để học tập và thập tự giá để
mang vác. Nếu không, không có thập tự giá cho chúng ta
mang vác; chỉ trong một vài ngày, chúng ta sẽ vứt bỏ thập
tự giá.

Chúng ta phải thấy rằng Paul chống lại chủ nghĩa
cộng đoàn trong 1 Corinth. Corinth là một thành phố, và
chỉ có một hội thánh ở Corinth. “Hội thánh của Đức Chúa
Trời ở Corinh” (1:2) ở thể số ít theo nguyên văn Hy Lạp.
Nhưng các anh em Corinth cư xử như thế nào? Họ nói: “Tôi
thuộc Paul, tôi thuộc Apollos, tôi thuộc Cephas và tôi thuộc
Christ” (c. 12). Nói cách khác, một hội thánh được chia
thành bốn cộng đoàn. Những người thuộc Paul yêu thương
và đến với những người thuộc Paul. Những người thuộc
Apollos nhận thấy dễ yêu thương và đến với những người
thuộc Apollos. Những người thuộc Cephas đến với những
người thuộc Cephas. Những người thuộc Christ đến với
những người thuộc Christ và yêu thương lẫn nhau. Nhưng
Paul nói tất cả họ đều thuộc xác thịt, tất cả họ đều là
những người thuộc xác thịt (1 Cor. 3:3-4). Họ không thuộc
Paul, không thuộc Apollos, không thuộc Cephas, và không
thuộc Christ, nhưng thuộc xác thịt. Paul không cho phép
họ thuộc về ông, Apollos không cho phép họ thuộc về ông,
Cephas không cho phép họ thuộc về ông, và Christ cũng
không cho phép họ thuộc về Ngài. Họ thuộc về xác thịt.
Chỉ có thể có một hội thánh trong một thành phố. Ao ước
được chia thành các phe phái hoặc bè đảng trong hội
thánh đều là thuộc xác thịt. Theo Kinh Thánh, chúng ta
không duy trì điều gì kém hơn sự hiệp nhất của một hội
thánh trong một địa phương. Bất cứ sự hiệp nhất nào nhỏ
hơn điều này đều không thể chấp nhận.

Nếu chúng ta nhìn thấy điều này cách chính xác trước
mặt Chúa, chúng ta có thể nói một lời rất rõ ràng với các
anh em trong các giáo phái. Thí dụ, ở Bình Lương và
Thiên Thủy chỉ có thể có một hội thánh trong mỗi địa
phương. Hãy cho họ xem Kinh Thánh, bất kể anh em dùng
câu nào về Kinh Thánh, và hỏi họ xem hội thánh có phải
là địa phương hay không. Trong quá khứ, có Corinth; ngày
nay có Bình Lương. Sự chuyển tiếp này rất hợp lý. Trong
quá khứ có Ephesus; ngày nay có Thiên Thủy. Điều này
cũng rất hợp lý. Trong quá khứ có một hội thánh trong
một địa phương; ngày nay nó không thể bị thay đổi thành
nhiều hội thánh. Tôi biết nhiều anh em ngày nay đang trở
lại với chủ nghĩa cộng đoàn. Cách đây không lâu, các anh
em ở Thượng Hải chủ trương các hội thánh tư gia. Rất đơn
giản, đây vẫn là chủ nghĩa cộng đoàn. Do đó, tất cả chúng
ta phải sáng tỏ để duy trì một địa phương, một hội thánh.
Con lắc không nên lắc sang phía này hay phía kia. Theo sự
định nghĩa về một hội thánh tư gia, mỗi buổi nhóm tư gia
là một hội thánh. Do đó, chúng ta có “các hội thánh” ở
Thượng Hải. Nếu có thể như vậy thì không chỉ có bảy hội
thánh ở Asia, mà có thể đã có bốn hội thánh ở Corinth. Có
thể có bảy hội thánh ở Asia vì Asia là một tỉnh; nhưng
không thể có bốn hội thánh ở CorinthCorinth là một
thành phố. Những người Corinth nói: “Tôi thuộc Paul, tôi
thuộc Apollos, tôi thuộc Cephas, và tôi thuộc Christ”; vì
vậy, Paul nói họ thuộc xác thịt. Hội thánh chỉ là một;
không thể có bốn hội thánh trong một địa phương. Một khi
nan đề này được giải quyết, tất cả các nan đề khác đều
được giải quyết.

Chúng Ta Phải Sợ Thành Lập Một Hội Thánh
Hơn Là Làm Bất Cứ Điều Gì

Cuối cùng, chúng ta phải chú ý đến một nan đề khác.
Chúng ta đã thấy rằng sự hiệp nhất của Thân Thể được
biểu hiện trong địa phương. Nếu chúng ta không chú ý đến
sự hiệp nhất trong địa phương thì các loại hiệp nhất khác
là các lời hư không vì chúng không được tìm thấy trong
Kinh Thánh. Sự hiệp nhất phải được biểu hiện trong địa
phương; nếu không, nói về điều đó cũng vô ích. Sự hiệp
nhất không phải đợi đến khi chúng ta lên cõi thiên thượng
mới được thực tại hóa vì tất cả chúng ta sẽ là một trong
cõi thiên thượng. Sự hiệp nhất là một điều ở với các anh
em xung quanh chúng ta ngay hôm nay. Nếu không, sự lầm
lạc của chủ nghĩa cộng đoàn sẽ theo sau. Những người ở
trong Hội Thánh Công Giáo La Mã đã học tập được một
điều gì đó về hội thánh, nhưng họ áp dụng không đúng.
Mọi người trong Hội Thánh Công Giáo La Mã đã thấy
rằng hội thánh là một, nhưng họ sai lầm về ranh giới. Họ
nghĩ rằng chỉ có một hội thánh trên đất. Còn chúng ta thì
sao? Trong một điểm, chúng ta giống như họ vì chúng ta
thấy rằng hội thánh là một. Tuy nhiên, họ có một hội
thánh cho toàn thể trái đất; chúng ta có một hội thánh
cho mỗi địa phương. Vì Công Giáo La Mã tin rằng chỉ có
một hội thánh trên khắp đất nên họ học bài học không
thiết lập một loại hội thánh khác. Đây là một điểm tốt.

Bất kể khó khăn lớn đến đâu, họ vẫn ở với nhau và không
dám chia rẽ. Vì họ đã thấy hội thánh là một, nên họ cảm
thấy rằng họ sẽ phạm tội chống lại Chúa nếu sản sinh ra
các sự chia rẽ. Ngày nay, chúng ta học cùng một bài học,
tôi hi vọng nhìn thấy cùng một loại kết quả, tức là, chúng
ta cũng không dám thiết lập các hội thánh khác, nhưng
thay vào đó, ở lại với các anh em để học cùng một bài học.
Hôm nay, tôi không biết phát ngôn với các anh em
như thế nào. Tôi cảm thấy chúng ta phải học bài học của
mình tốt trước mặt Chúa để chúng ta có thể làm bất cứ
điều gì ngoại trừ thiết lập một hội thánh khác. Khi chúng
ta chuyển đến một địa phương, chúng ta có thể tự do thành
lập một trường học, bệnh viện, trường thần học, tập đoàn,
hoặc nhà máy. Chúng ta có thể tự do làm bất cứ điều gì.
Cho dù điều đó không thuộc về Chúa thì cũng không phải
là tội lớn nhất. Tôi không nói rằng chúng ta nên không
vâng phục ý muốn của Chúa, nhưng tôi nói rằng một sai
lầm như vậy không phải là lớn nhất. Tuy nhiên, chắc chắn
chúng ta đừng bao giờ đi ra thiết lập một hội thánh khác.
Việc thiết lập các hội thánh theo ao ước riêng của chúng ta
là một tội lớn nhất. Chúng ta phải sợ thành lập một hội
thánh hơn là bất cứ điều gì khác.
Các anh em ơi, chúng ta có nhìn thấy tính nghiêm
trọng của vấn đề này không? Không điều gì tệ hại hơn
việc tùy ý thiết lập một hội thánh. Chúng ta có thể thành
lập bất cứ điều gì, nhưng chúng ta đừng bao giờ thiết lập
một hội thánh theo cách này vì điều này liên quan đến
nan đề của Thân Thể Christ. Chúng ta phải sáng tỏ về
vấn đề này trước mặt Đức Chúa Trời.

Bất cứ đi đến đâu, trước hết chúng ta phải tìm xem có
hội thánh hiện hữu trong địa phương đó chưa. Vấn đề
không phải là hội thánh đó có mạnh mẽ không. Đó là một
vấn đề khác. Vấn đề không phải là hội thánh đó có thuộc
linh không. Đó là một vấn đề thứ yếu. Nếu có một giáo
phái ở đầu này hoặc một Hội Thánh Công Giáo La Mã ở
đầu kia, nếu có nhiều hội thánh trong một địa phương hoặc
một hội thánh trong nhiều địa phương, thì không có một
hội thánh trong địa phương đó, và chúng ta có thể thiết
lập một hội thánh ở đó. Vì hội thánh là địa phương, nên
không phải chủ nghĩa cộng đoàn cũng không phải chủ
nghĩa liên hiệp. Nếu có một hội thánh địa phương trong
một địa phương, chúng ta đừng thiết lập một hội thánh
khác. Chúng ta phải sợ thiết lập một bàn khác để bẻ
bánh. Đây là một điều kinh khủng.

Ngày nay lòng tôi đau đớn vì cớ những người đã đọc
một số sách của chúng ta và nhìn thấy chút ít về lẽ thật
hội thánh rồi nói: “Chúng ta hãy nhóm với nhau đi.” Các
anh em ơi, điều đó không đơn giản như vậy! Chúng ta
không thể thiết lập một hội thánh cách lơi lỏng theo ý
thích của mình. Trước hết, chúng ta cần nhìn xem có hội
thánh hiện hữu trong địa phương của mình chưa. Nếu một
hội thánh địa phương đã hiện hữu rồi thì chúng ta phải
thông công với họ cho dù chúng ta không sẵn lòng. Nếu có
một giáo phái hoặc một bè đảng, thì chúng ta không thể
liên kết với nó vì chúng ta không thể đứng trong giáo
phái. Nhưng nếu có một hội thánh địa phương, chúng ta
không thể thiết lập một hội thánh khác làm ra vẻ là đang
giúp đỡ hội thánh, cho dù chúng ta nhìn thấy một số
khuyết điểm trong hội thánh. Chúng ta chỉ có thể giúp đỡ
hội thánh qua sự dạy dỗ, không qua việc thiết lập một hội
thánh khác. Lòng tôi đau buồn vì nhiều người không sợ
thiết lập một hội thánh khác. Họ cho rằng đây là một vấn
đề rất đơn giản và họ có thể lập tức thiết lập một hội
thánh sau khi bàn bạc với ba hoặc bốn người. Các anh em
hơi có ân tứ, những người có một số tri thức Kinh Thánh,
và những người có khả năng rao giảng, nghĩ rằng họ có
thể thiết lập một hội thánh. Tôi có thể gặp rắc rối với anh
em tôi, và sẽ không khó để tôi đi ra rao giảng, thiết lập
bàn của Chúa, và xây dựng một phòng nhóm lớn. Nhưng
tôi không bao giờ làm như vậy, vì hội thánh là một trong
mỗi địa phương.

Vì vậy, các anh em ơi, ngày nay chúng ta phải được
đem đến chỗ không bao giờ phạm tội chia rẽ Thân Thể
Christ. Chỉ có một Thân Thể Christ. Tôi không muốn là
một người thuộc xác thịt, một người của xác thịt, gây ra
các sự chia rẽ. Khi tất cả các anh em đứng trong vị trí này,
việc học tập của chúng ta sẽ gia tăng và tính thuộc linh
của chúng ta sẽ gia tăng. Chúng ta sẽ được dẫn dắt đến
con đường hội thánh, và tất cả các anh chị em sẽ có sự
hiệp nhất thật—không phải sự hiệp nhất to lớn, bên ngoài
nhưng mập mờ bên trong, cũng không phải sự hiệp nhất
“thuộc linh” cho phép chúng ta ở lại trong các sự chia rẽ.
Quyển sách nhỏ Tiếng Kêu Khẩn Thiết nói về sự
hiệp nhất trong Christ hiện hữu trong một tuần mỗi năm
tại Hội Nghị Keswick ở Anh. Tuy nhiên, tôi muốn hỏi về
năm mươi mốt tuần còn lại trong năm. Nếu là một trong
Christ, chúng ta phải là một cả năm mươi hai tuần trong
năm. Nếu phải bị chia rẽ, thì chúng ta phải bị chia rẽ cả
năm mươi hai tuần. Nhưng điều lạ là sự hiệp nhất tại
Keswick kéo dài một tuần trong năm. Sau đó, mọi người
trở lại với sự chia rẽ. Một số anh em vẫn xem đây là
gương mẫu của sự hiệp nhất. Tuy nhiên, nếu phải bị chia
rẽ, thì chúng ta phải bị chia rẽ mọi lúc. Nếu phải gìn giữ
sự hiệp nhất thì chúng ta phải gìn giữ mọi lúc. Hoặc
chúng ta hiệp nhất hoặc chúng ta chia rẽ. Nếu chúng ta
chỉ hiệp nhất trong một tuần, trong khi bị chia rẽ trong
các tuần còn lại trong năm, thì chúng ta thà ở lại
Keswick mỗi ngày và không bao giờ đi khỏi đó. Chúng ta
phải nhìn thấy một sự hiệp nhất triệt để và tuyệt đối,
không có cái gọi là sự hiệp nhất “thuộc linh”. Thuật ngữ
thì tốt, nhưng được áp dụng trong một ý nghĩa sai trật.
Sự hiệp nhất chúng ta nhìn thấy là sự hiệp nhất của
Thân Thể Christ được biểu hiện trong địa phương. Tuy
nhiên, sự biểu hiện này trong địa phương khiến nhiều
người vấp ngã. Đây là một thử nghiệm lớn. Tất nhiên,
nếu Đức Chúa Trời cất đi từ địa phương thì mọi sự sẽ dễ
dàng. Chúng ta có thể tổ chức một vài buổi nhóm cho mỗi
người đến, trò chuyện và sau đó trở lại với sự chia rẽ.

Tôi ao ước các anh em ở Trung Hoa ngày nay nhìn
thấy hội thánh là địa phương. Sau đó, bởi sự thương xót
của Đức Chúa Trời, chúng ta có thể có hàng trăm hoặc
hàng ngàn hội thánh địa phương được dấy lên. Các hội
thánh cũng có thể lan rộng ra nước ngoài, trở về với thế
giới Phương Tây nơi phúc âm được rao giảng ra. Tôi hi
vọng các anh em của chúng ta ở Trung Hoa sẽ không bị
ảnh hưởng bởi chủ nghĩa cộng đoàn. Không có gì trong
chủ nghĩa cộng đoàn ngoài một từ—sự chia rẽ. Nó chia rẽ
một địa phương thành nhiều sự chia rẽ. Tôi hi vọng các
anh chị em sẽ có một lòng kính sợ trong việc thiết lập
các hội thánh mới, dám làm bất cứ điều gì ngoại trừ thiết
lập một hội thánh. Chúng ta phải nghiêm túc nhìn thấy
Thân Thể Christ được biểu hiện trong địa phương. Tất
nhiên, chúng ta không thể ép buộc người khác nhận lấy
con đường này. Nếu có một giáo phái trong một địa
phương thì đó là một vấn đề khác. Nếu có một sự chia rẽ
trong một địa phương thì đó cũng là một vấn đề khác.
Nhưng nếu đã có một hội thánh trong địa phương đó rồi,
chúng ta đừng thiết lập một hội thánh khác. Nếu chúng
ta làm điều này, tôi nghĩ hội thánh tại Trung Hoa sẽ có
một con đường tốt hơn để tiến lên.

NAN ĐỀ VỀ SỰ HIỆP NHẤT

Một anh em hỏi: “Khi từ ngữ sự hiệp nhất của hội
thánh phát ra từ chúng ta vào lúc này, người ta có thể rất
dễ hiểu lầm là chúng ta đang yêu cầu người khác hiệp
nhất với mình. Tại sao chúng ta không hiệp nhất với họ?”
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải cho họ biết nan
đề cơ bản: trước mặt Chúa, chúng ta có thể nhượng bộ
trong một số điều, nhưng có những vấn đề mà chúng ta
không bao giờ có thể thỏa hiệp. Những điều mà chúng ta
không thể thỏa hiệp là gì? Đó là các sự dạy dỗ của Kinh
Thánh vì đó là Lời Đức Chúa Trời. Cho dù muốn thỏa
hiệp, chúng ta cũng không thể. Đó không phải là vấn đề
chỉ nói theo cách này tương phản với cách kia; chúng ta
không thể thay đổi Lời Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể
nhượng bộ trong điều gì? Chúng ta có thể nhượng bộ
trong địa vị riêng của mình, nhưng đối với các anh em
trong giáo phái, dù là hội thánh cộng đoàn hay hội thánh
liên hiệp, thì có những điều chúng ta không thể thỏa
hiệp. Trong những điều này, chúng ta phải đứng vững và
không được thỏa hiệp. Tuy nhiên, trong những điều chúng
ta có thể nhượng bộ thì chúng ta phải nhượng bộ vì
chúng ta phải tìm kiếm sự hiệp nhất.

Có hai điểm mà chúng ta không thể thỏa hiệp: 1) Các
giáo phái là tội; do đó, chúng ta không thể thỏa hiệp trong
điều này. Đức Chúa Trời nói rằng các sự chia rẽ (các bè
đảng, giáo phái) là thuộc xác thịt. Chúng ta không thể nói
rằng các sự chia rẽ là thuộc linh. Nếu không trung tín với
Chúa, chúng ta không phải là các đầy tớ của Ngài và
không thể rao giảng lời Ngài. Chủ nghĩa giáo phái luôn
luôn bị kết án. Đây là phương diện tiêu cực. 2) Chúng ta
phải yêu cầu họ công nhận hội thánh là địa phương. Đây
là phương diện tích cực mà chúng ta không bao giờ có thể
thỏa hiệp. Phải có một hội thánh duy nhất trong mỗi địa
phương, không phải nhiều hội thánh. Đây là Lời Chúa và
chúng ta không có quyền thay đổi. Chúng ta không thể
thay đổi điều này hay điều kia. Một khi nan đề liên quan
đến Lời Chúa được giải quyết, thì không có nan đề về việc
anh có nên hiệp nhất với tôi hay tôi nên hiệp nhất với
anh. Điều này không liên quan đến Lời Chúa; điều đó chỉ
liên quan đến vị trí của chúng ta. Nếu một người chỉ xem
xét vị trí của mình, người ấy sai trật và không phải là đầy
tớ của Chúa.

Nếu những người khác hiệp nhất với chúng ta ngày
nay, thì các sự chia rẽ có thể xảy ra trong tương lai thì
sao? Vì họ chỉ bắt đầu bước đi con đường này, có thể rắc
rối rất dễ phát sinh một lần nữa. Đối với những người đã
làm một điều gì đó một lần, thì làm điều đó một lần nữa
hết sức dễ dàng. Đối với những người đã bước đi trong
đường lối của các giáo phái, thì rất dễ bước đi trong đường
lối đó một lần nữa. Không phải chúng ta không tin tưởng
anh em mình nhưng họ phải kết án chủ nghĩa giáo phái là
tội. Khi đó, Đức Chúa Trời sẽ giải phóng họ khỏi điều đó.
Nếu họ không kết án chủ nghĩa giáo phái là tội, cho dù họ
ra khỏi nó, nan đề sẽ phát sinh trong tương lai. Hơn nữa,
nếu chúng ta vận động để đạt được sự hiệp nhất, các nan
đề sẽ phát sinh. Chúng ta không nên làm giảm nhẹ hai
điểm này: chủ nghĩa giáo phái là tội và hội thánh là địa
phương. Chúng ta có thể nói với những người này rằng
chúng ta đã và đang bước đi trong đường lối này ba mươi
năm và chúng ta hi vọng rằng họ cũng bước đi cùng với
chúng ta.


Mặt khác, chúng ta cũng có thể xem như mình chưa
bước đi trong đường lối này và khởi đầu lại mọi sự. Bất kể
lịch sử của mình như thế nào, chúng ta cũng có thể liên
kết với người khác. Lời Chúa là Lời Chúa và chúng ta
không thể từ bỏ, nhưng chúng ta có thể từ bỏ lịch sử của
mình. Hội thánh là địa phương và chủ nghĩa giáo phái là
tội; chúng ta không thể giảm nhẹ hai điểm này. Tuy
nhiên, chúng ta có thể có sự khởi đầu mới vào sáng ngày
mai bất kể vị trí của chúng ta là gì. Nếu chúng ta từ chối
các giáo phái và họ từ chối các giáo phái thì chúng ta có
thể hiệp nhất với nhau để trở nên hội thánh địa phương.
Điều đó thì sao? Lịch sử của chúng ta là một điều gì đó mà
chúng ta có thể từ bỏ và chúng ta có thể khởi đầu lại tất
cả. Chúng ta có thể nói rằng họ không phải là hội thánh
và chúng ta không phải là hội thánh, nhưng ngày hôm sau
tất cả chúng ta sẽ là hội thánh. Điều này thì sao? Chúng
ta sẽ từ bỏ bất cứ điều gì có thể từ bỏ, nhưng Lời Chúa
không thể bị từ bỏ; chúng ta không thể từ bỏ Lời Chúa.
Nan đề này dễ dàng được giải quyết; đây không phải là
một khó khăn.

Còn về sự quản trị, cũng chỉ có thể có một sự quản trị
trong mỗi địa phương. Chủ nghĩa cộng đoàn có nhiều sự
quản trị trong mỗi địa phương. Công Vụ 14:23 nói rằng
Paul và Barbanas chỉ định các trưởng lão trong mỗi hội
thánh. Nếu điều này chỉ là một sự ký thuật trong Kinh
Thánh về hành động của Paul, thì người ta có thể nói rằng
có thể có nhiều hội thánh trong một địa phương và có các
trưởng lão trong mỗi một hội thánh này. Tuy nhiên, nếu
đọc Titus 1:5, chúng ta sẽ thấy rằng tình trạng rất khác
biệt. Paul nói: “Chỉ định các trưởng lão trong mỗi thành
phố.” Khi đem hai câu này lại với nhau, chúng ta sẽ thấy
rằng chúng rất đặc biệt. Một câu nói: “trong mỗi hội
thánh”; câu kia nói: “trong mỗi thành phố”. Vì vậy, các
trưởng lão được chỉ định cho mỗi hội thánh, và thành phố
là ranh giới cho sự quản trị của trưởng lão trong hội
thánh.

Nhiều anh chị em nghĩ rằng việc có sự hiệp nhất với
chúng ta chỉ là vấn đề thuộc linh và sự quản trị của họ vẫn
độc lập. Đây không phải là sự dạy dỗ của Kinh Thánh.
Mỗi địa phương chỉ được có một hội thánh duy nhất và
một sự quản trị duy nhất; không thể có nhiều hội thánh và
nhiều sự quản trị trong một địa phương. Vì đây là một vấn
đề quan trọng nên chúng ta phải sáng tỏ về điều này. Chỉ
có thể có một sự quản trị trong một thành phố, không phải
nhiều sự quản trị. Nếu chúng ta sáng tỏ về điều này, sẽ có
rất ít nan đề. Nếu không, khi có rắc rối trong một buổi
nhóm, chúng ta sẽ đi đến một buổi nhóm khác. Nếu một
buổi nhóm không tiếp nhận chúng ta, chúng ta có thể đi
đến một buổi nhóm khác trên một đường khác và được
tiếp nhận. Nếu con cái Đức Chúa Trời nhìn thấy sự hiệp
nhất của hội thánh, các anh chị em sẽ là một không chỉ
trong sự tương giao mà còn trong sự quản trị.