Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

ĐƯỜNG LỐI HỘI THÁNH--2


HỘI THÁNH TRONG THÀNH PHỐ
VÀ HỘI THÁNH TRONG NHÀ

(Một cuộc đàm luận với các anh chị em ở Thượng Hải
vào 01/04/1950, được xuất bản trong tập san Cánh Cửa Mở,
ngày 30/06/1950).

Hỏi: Về lập trường hội thánh, chúng ta đã nói rằng
chỉ nên có một hội thánh trong một thành phố, vì chỉ có
một đơn vị. Tuy nhiên, một số người nói về “hội thánh
trong nhà”, trích dẫn Kinh Thánh làm nền tảng của họ,
như một đơn vị thêm vào địa phương. Họ ngụ ý rằng hội
thánh có thể có nhiều đơn vị trong một địa phương. Chúng
ta phải nói gì với loại tuyên bố này?


Đáp: Tân Ước có tổng cộng bốn đoạn nói đến “hội
thánh trong một tư gia”, tức là trong một tư gia.

ROME 16:5
“Và chào thăm hội thánh trong nhà họ”. “Họ” chỉ về
Prisca và Aquila được đề cập đến trong câu 3. Ở đây sự
kiện rất đơn giản. Hội thánh ở Rome, giống như hàng
trăm ngàn hội thánh địa phương khác, trước hết khởi đầu
trong nhà của một anh em. Điều này nghĩa là các thành
viên chính trong một nhà như vậy đều là các anh chị em
trong Chúa. Đồng thời, không có nhiều chi thể trong hội
thánh; vì vậy, họ sử dụng nhà của anh em này làm nơi
nhóm họp. Đây là một vấn đề lịch sử, không phải là một
vấn đề giáo lý. Có thể đưa ra lời giải thích cho một giáo lý,
nhưng không thể đưa ra lời giải thích cho các sự kiện lịch
sử, vì các sự kiện lịch sử là các sự thật. Bất cứ ai hiểu biết
lịch sử đều biết rằng hàng trăm ngàn hội thánh đầu tiên
khởi đầu trong các tư gia. Vì vậy, hội thánh tại một nơi
nào đó trở nên hội thánh trong nhà của một người nào đó.

Hội thánh tại Rome là hội thánh trong tư gia của Prisca
Aquila.

Hỏi: Một số người nói rằng vì Paul đã gửi lời chào
thăm hội thánh tại Rome và ông còn chào thăm hội thánh
trong nhà, điều này biểu thị rằng không chỉ có một hội
thánh địa phương mà còn có một hội thánh trong nhà. Vì
vậy, chẳng phải là có hai hội thánh sao?

Đáp: Chúng ta hãy xem xét vấn đề này cách chậm
rãi. Tôi e rằng anh em không lắng nghe lời Đức Chúa Trời
cách cẩn thận. Sách Rome không bao giờ nói về “hội thánh
tại Rome”. Vậy làm thế nào vị sứ đồ chào thăm hội thánh
tại Rome? Sách Rome không trình bày cách rõ ràng dưới
dạng văn bản lời chào thăm “hội thánh tại Rome” và một
lời chào thăm khác cho “hội thánh trong nhà”. Nhưng
trong việc chào thăm hội thánh trong nhà của Prisca và
Aquila, lời ngụ ý rằng một lời chào thăm như vậy là cho
hội thánh tại Rome, đang nhóm trong nhà của Prisca và
Aquila. Do đó, hội thánh tại Rome là hội thánh trong nhà
của Prisca và Aquila.

Tôi cho rằng khó khăn của những ai tranh cãi về hội
thánh vừa ở trong nhà vừa ở trong địa phương nằm nơi sự
kiện là sau câu 5 Paul đề cập đến nhiều danh xưng. Tôi
nghĩ tất cả những người giải thích Kinh Thánh đều biết
rằng sau khi Paul đã chào thăm hội thánh trong câu 5, ông
đã chủ định đề cập đến nhiều cá nhân quan trọng và đặc
biệt chào thăm họ từng người một. Tuy nhiên, điều này
không có nghĩa là những người này ở ngoài hội thánh
trong nhà, nhưng họ là những người ở trong hội thánh tại
ngôi nhà mà Paul đã gửi lời chào thăm đặc biệt. Ngoài
việc được bao gồm trong các lời chào thăm tổng quát dành
cho hội thánh, một số người còn cần sự chú ý đặc biệt.
Đừng suy nghĩ sai lầm rằng vì mọi người đều được bao gồm
trong lời chào thăm tổng quát dành cho hội thánh, nên
không cần thêm vào các lời chào thăm dành cho họ cách
cá nhân. Đó không phải là sự yêu mến thánh cũng không
phải là một sự kiện. Paul không đề cập đến một điều như
vậy, anh em hay tôi cũng không.

Bằng chứng của điều này ở trong câu 3. Nếu lời chào
thăm được gửi đến hội thánh tự động bao gồm mọi người
và không cần chào thăm họ một lần nữa bằng cách đề cập
đến một số tên, thì lẽ ra Paul không nên chào thăm Prisca
Aquila trong câu 3. Paul phải chào thăm trong câu 5
“hội thánh ở trong nhà họ (Prisca và Aquila)”. Điều này
chẳng phải đã bao gồm Prisca và Aquial rồi sao? Việc chào
thăm toàn thể hội thánh tự nhiên bao gồm các cá nhân.
Tuy nhiên, việc đề cập đến các cá nhân thêm vào việc
chào thăm hội thánh không có nghĩa là các cá nhân này
không thuộc về hội thánh mà là các chi thể của một nhóm
khác. Nếu là như vậy thì Prisca và Aquila không thuộc về
hội thánh ở trong chính nhà họ! Anh em có nhìn thấy
điểm này không? Paul đã chào thăm Prisca và Aquila
trong câu 3. Sau đó trong câu 5, ông tiến đến chào thăm
hội thánh trong nhà họ. Nếu việc đề cập đến tên cá nhân
thêm vào việc chào thăm hội thánh nghĩa là các cá nhân
này không thuộc về hội thánh này và có một hội thánh
khác hiện hữu thì thậm chí Prisca và Aquila, là người Paul
đã đề cập riêng trong lời chào thăm của ông, sẽ không
thuộc về hội thánh ở trong chính nhà họ!

Sự thật là hội thánh ở trong nhà Prisca và Aquila
hội thánh tại Rome. Hội thánh tại Rome vào thời điểm đó
ở trong nhà của Prisca và Aquila. Giống như các cá nhân
được đề cập ở câu 5, cũng như Prisca và Aquila, đều thuộc
về hội thánh này, vì vậy nhiều cá nhân được kể tên đến
sau câu 5 cũng thuộc về hội thánh này. Hơn nữa, nhiều cá
nhân không được đề cập đến cũng thuộc về cùng một hội
thánh này.

Trong câu 10 và 11, hai nhà nữa được đề cập đến,
trong đó cũng có dân của Chúa. Tuy nhiên, Paul không nói:
“Chào thăm hội thánh trong nhà của Aristobulus” hoặc
“Chào thăm hội thánh trong nhà của Narcissus”. Chỉ có
trong câu 5 là Paul nói: “Chào thăm hội thánh ở trong nhà
họ (Prisca và Aquila)”. Mặc dù cả gia quyến Aristobulus tin
Chúa, nhưng chỉ có một hội thánh tại Rome là ở trong nhà
của Prisca và Aquila. Vì vậy, mặc dù có các tín đồ thuộc
gia quyến Aristobulus, nhưng họ không thể trở nên hội
thánh. Mặc dù nhiều người thuộc gia quyến của Narcissus
là tín đồ, nhưng các tín đồ trong nhà ông không thể trở
nên một hội thánh độc lập. Chỉ có một hội thánh tại Rome
là hội thánh ở trong nhà của Prisca và Aquila. Vì vậy,
Kinh Thánh không đề cập đến hội thánh trong nhà
Narcissus. Gia quyến của Aquila, gia quyến của
Aristobulus, và gia quyến của Narcissus đều thuộc về hội
thánh tại Rome. Mặc dù đây là ba gia quyến tín đồ, nhưng
không có ba hội thánh. Chỉ có một hội thánh. Rome là một
địa phương; vì vậy nó chỉ có một hội thánh, là hội thánh
trong nhà của Prisca và Aquila.

Lịch sử cho chúng ta biết rằng Rome là một thành phố
rất lớn vào thời của Chúa. Nhưng vào những ngày đầu, tín
đồ ở Rome rất ít. Vì thành phố rất lớn và tín đồ ở rải rác
khắp thành phố nên việc Paul thêm các lời chào thăm
riêng tư vào lời chào thăm gửi cho hội thánh ở Rome đang
nhóm trong nhà của Prisca và Aquila là bình thường. Ông
đặc biệt đề cập: “Chào thăm Asyncritus, Phlegon, Hermes,
Patrobas, Hermas, và các anh em ở với họ” (c. 14), và cũng
“Chào thăm Philologus và Julia, Nereus và chị ông, và
Olympas và tất cả các thánh đồ ở với họ” (c. 15). Những
thánh đồ này ở rải rác trong những nơi cách xa nhau trong
thành phố Rome, giống như các thánh đồ ngày nay trong
hội thánh ở Thượng Hải sống ở Quận Dương Thụ Bác hoặc
vùng Giang Loan. Nhưng Paul bảo chúng ta rằng chỉ có
một hội thánh trong thành phố Rome và là hội thánh ở
trong nhà Prisca và Aquila. Mặc dù họ ở rải rác và một vài
anh em nhóm lại với những người sống lân cận, nhưng
Paul không gọi họ là hội thánh; Paul chỉ gọi họ là “các anh
em ở với họ” hoặc “tất cả các thánh đồ ở với họ.” Trong
một địa phương chỉ có thể hiện hữu một hội thánh.

1 CORINTH 16:19
“Các hội thánh Asia chào thăm anh em. Aquila
Prisca cùng với hội thánh ở trong nhà họ chào thăm anh
em nhiều trong Chúa.”
Lời chào thăm này được gửi đến vào năm 59 sau Công
Nguyên, khi Aquila và Prisca sống ở Ephesus (Công 18:18-
19). Hội thánh ở Ephesus nhóm lại trong nhà họ; vì vậy đó
được gọi là “hội thánh ở trong nhà họ”. Điều này không có
nghĩa là có một hội thánh trong thành phố Ephesus
một hội thánh khác trong nhà họ. Điều này có nghĩa là
hội thánh trong thành phố Ephesus là hội thánh trong
nhà Aquila và Prisca. Đây là một sự kiện lịch sử không
thể thay đổi.

Về sau, họ trở về Rome và một lần nữa mở tư gia
mình ra để làm nơi nhóm họp cho hội thánh ở Rome. Họ
thật sự là một đôi vợ chồng trung tín và đáng yêu.
COLOSSAE 4:15-16
“Xin chào thăm các anh em tại Laodicea, cũng như
Nymphas và hội thánh ở tại nhà ông. Và khi thư này được
đọc giữa vòng anh em, cũng hãy khiến cho nó được đọc
trong hội thánh của người Laodicea nữa.”
Từ lịch sử, chúng ta có thể khám phá ra rằng hội
thánh ở Laodicea nhóm lại trong nhà của một anh em
tên là Nymphas, một tín đồ ở Laodicea, không phải
Colossae. (Xin tham khảo các tác phẩm của Moore,
Alford, Earle, và Finley). Vì vậy, Paul gọi hội thánh ở
Laodicea là hội thánh ở trong nhà của Nymphas, tức là
hội thánh Laodicea trong nhà của Nymphas. Đây là một
sự thật và điều này rất hiển nhiên.

Hỏi: Có thể nào “các anh em” được đề cập trong câu
15 khác với hội thánh không?

Đáp: Không. Làm sao có thể được? Paul đã đề cập đến
ba loại người: 1) các anh em, 2) Nymphas, và 3) hội thánh.
Nếu các anh em và hội thánh không cùng là một điều thì
Nymphas sẽ phù hợp với nhóm nào? Lời nói: “Các anh
em… cũng như Nymphas.” “Các anh em” có bao gồm
“Nymphas” hay không? Mọi người phải công nhận rằng
“các anh em” bao gồm “Nymphas”. Vì vậy, cả “các anh em”
lẫn “Nymphas” đều thuộc cùng một nhóm. Mặc dù cả hai
đều thuộc cùng một nhóm nhưng sau khi Paul chào thăm
các anh em (tức là sau khi Nymphas được bao gồm trong
lời chào thăm dành cho các anh em), thì ông đặc biệt chọn
riêng Nymphas và chào thăm cá nhân ông.

Hơn nữa, còn về “Nymphas” và “hội thánh ở trong nhà
ông (Nymphas)”, thì điều sau có bao gồm điều trước không?
Tất nhiên, hội thánh phải bao gồm ông. Nếu vậy, tại sao
Paul chỉ nói “Chào thăm hội thánh ở trong nhà của
Nymphas” thôi thì không đủ? Mặc dù hội thánh ở trong
nhà ông bao gồm Nymphas, nhưng Paul vẫn nói: “Chào
thăm… Nymphas và hội thánh ở trong nhà ông.” Ông chào
thăm hội thánh, nhưng ông đặc biệt chào thăm Nymphas.
Trong ba loại người này, Nymphas là một phần của
mỗi loại. Theo cùng một cách, “các anh em” và “hội thánh”
là giống nhau. Vì vậy, Paul không dừng lại với việc chào
thăm “các anh em ở Laodicea”, ông tiếp tục chào thăm một
anh em cụ thể tên là “Nymphas”. Vì hội thánh nhóm lại
trong nhà Nymphas nên Paul tiếp tục chào thăm “hội
thánh ở trong nhà ông”. “Các anh em” chỉ về các cá nhân,
còn hội thánh chỉ về toàn thể một nhóm. Nhưng họ giống
nhau. Paul trước hết chào thăm các cá nhân, sau đó chào
thăm toàn thể hội thánh.

Hỏi: Mối liên hệ giữa “hội thánh ở trong nhà ông”
trong câu 15 và “hội thánh của những người Laodicea
trong câu 16 là gì?

Đáp: Câu 15 là một lời chào thăm, trong khi câu 16
liên quan đến việc đọc Thư Tín. Trong câu 15, Paul chào
thăm các anh em ở Laodicea là hội thánh nhóm trong nhà
của Nymphas. Trong câu 16 ông tự phát thông báo cho
những người ở Colossae cách rõ ràng và không giải thích
thêm rằng các anh em ở Laodicea là người mà ông đã chào
thăm trong câu 15 là hội thánh nhóm trong nhà của
Nymphas và hội thánh này là hội thánh ở Laodicea. Bây
giờ ông yêu cầu các anh em ở Laodicea đọc Thư Tín của
ông gửi cho người Colossae. (Colossae chỉ cách Laodicea 12
dặm). Bởi đọc hai câu này cách cẩn thận, anh em sẽ thấy
rằng hội thánh trong nhà của Nymphas tại Laodicea (c.
15) chính là hội thánh của những người Laodicea (c. 16).
Peter là Cephas, và Cephas là Peter—hai danh xưng có
thể hoán đổi cho nhau. Điều này cũng đúng ở đây.

PHILEMON 1-2
“Gửi cho Philemon… cho Aphia… cho Archippus… và cho
hội thánh ở trong nhà anh”.
Philemon là một tín đồ sống ở Colossae, và ông là
đồng công của sứ đồ Paul. Hội thánh ở Colossae nhóm
trong nhà ông; cho nên, cụm từ “cho hội thánh trong nhà
anh” chỉ về hội thánh ở Colossae. Đây là lịch sử.
Theotorian nói rằng cho đến thế kỷ thứ năm, hễ khi
nào các du khách đến tham quan Colossae, họ đều viếng
thăm nhà của Philemon như một địa danh lịch sử. Đó là
nơi các du khách không thể bỏ lỡ ở Colossae. Đây là do sự
kiện hội thánh ở Colossae nhóm trong một tư gia cụ thể.
Hội thánh trong nhà của Philemon là hội thánh ở
Colossae, vì hội thánh ở Colossae nhóm trong nhà của
Philemon. Vì vậy, tất cả các hội thánh trong Kinh Thánh
đều nhận lấy địa phương làm đơn vị—tư gia không bao giờ
có thể là đơn vị của hội thánh.

TƯ GIA KHÔNG ĐỦ ĐỂ LÀM ĐƠN VỊ

Chúng ta đã thấy rằng Tân Ước nói về hội thánh
trong nhà nhiều lần. Tất cả những điều này thật sự có
nghĩa là gì? Chúng ta phải nhìn thấy việc tư gia có phải là
đơn vị cho thẩm quyền của hội thánh hay không bằng cách
xem xét vấn đề này từ một góc độ khác. Tôi không biết
anh em có hiểu “một đơn vị thẩm quyền” có nghĩa là gì
không. Thí dụ, khi đo cân nặng, chúng ta dùng pound (cân)
làm đơn vị đo lường; do đó, pound là “đơn vị trọng lượng”.
Khi đo kích thước, chúng ta dùng foot (dặm) làm đơn vị. Do
đó, foot là “đơn vị chiều dài”. Pound là đơn vị cân nặng và
foot là đơn vị chiều dài. Tư gia có phải là đơn vị thẩm
quyền cho hội thánh không? Như chúng ta đã nói trước
đây ở những nơi khác, đơn vị thẩm quyền cho hội thánh là
một thành phố, hoặc một địa phương. Điều này dựa trên
sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời.

Tại sao một thành phố hay một địa phương là đơn vị?
Đó là vì Ephesus, Smyrna, Pergamos, Thyatira, Sardis,
Philadelphia, và Laodicea đều là địa phương, và chỉ có một
hội thánh đứng trong mỗi địa phương. Nếu Đức Chúa Trời
không nhận lấy địa phương làm đơn vị cơ bản của thẩm
quyền hội thánh thì sẽ không có bảy hội thánh trong bảy
địa phương này. Thay vào đó sẽ có một hội thánh cho cả
bảy địa phương. Nói cách khác, mặc dù một người có thể
nói rằng có bảy địa phương, nhưng người ấy không thể gọi
bảy cộng đoàn trong bảy địa phương là bảy hội thánh (giả
định rằng hội thánh không dựa trên địa phương). Nhưng
trong Kinh Thánh, Đức Chúa Trời nói với chúng ta rằng có
bảy địa phương và cũng có bảy hội thánh ở Asia, không
phải một hội thánh ở Asia; đó là các hội thánh, không
phải là một hội thánh; đó là các ekklesia, không phải một
ekklesia. Không chỉ có bảy hội thánh khác nhau trên đất
này, mà còn có bảy chân đèn trong nơi thánh trước mặt
Chúa—có bảy, không phải một. Rất rõ ràng rằng điều con
người phải vâng phục là điều Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho
chúng ta, đó là địa phương phải là đơn vị thẩm quyền cho
một hội thánh.

Điều tôi muốn nói là một hội thánh nhận lấy địa
phương làm đơn vị. Khi thêm vào hơn một đơn vị; chúng ta
không chỉ có một đơn vị; chúng ta phải có hai hội thánh
trở lên. Vì vậy, chúng ta có “các hội thánh… ở Judea (một
tỉnh)” (1 Thes. 2:14) và “các hội thánh ở Galatia (một
tỉnh)” (1 Cor. 16:1). Vì một tỉnh được làm từ nhiều địa
phương và đơn vị cơ bản của hội thánh là địa phương nên
một khi có nhiều địa phương thì cũng có nhiều hội thánh.
Tôi muốn hỏi lại lần nữa: “Tư gia có thể trở nên đơn vị
cho hội thánh không?” Để trả lời câu hỏi này, chúng ta
phải có một tâm trí rất sáng tỏ; nếu không, chúng ta sẽ
phạm sai lầm. Chúng ta phải hiểu sự khác biệt giữa tư gia
được đề cập đến trong Kinh Thánh và tư gia được nhiều
người chủ trương các hội thánh tại gia ngày nay. Tư gia
được nói đến trong Kinh Thánh là nơi hội thánh trong địa
phương đó nhóm lại. Vì vậy, hội thánh trong nhà của một
người cũng là hội thánh trong địa phương đó. Hội thánh
trong nhà của Aquila là hội thánh tại Rome, hội thánh
trong nhà của Nymphas là hội thánh tại Laodicea và hội
thánh trong nhà của Philemon là hội thánh tại Colosse.

Còn ngày nay thì sao? Một số người dạy dỗ rằng mặc
Rome là một địa phương nhưng có thể có hai hội thánh
tại Rome—một ở trên một con đường và một ở trong một
tư gia. Họ nói rằng tại Colossae có thể có ba hội thánh—
một ở trên đường và hai hội thánh ở trong các tư gia khác
nhau. Họ dạy dỗ rằng hội thánh ở trong nhà là hội thánh
nhỏ hơn thẩm quyền của một địa phương, và trong cùng
một địa phương có thể có nhiều hội thánh. Họ lợi dụng từ
tư gia trong Kinh Thánh để cho rằng đơn vị hội thánh
trong Kinh Thánh không có giới hạn hay ranh giới là một
địa phương nhưng là một tư gia. Anh em phải lưu ý rằng tư
gia được nói đến trong Kinh Thánh và tư gia mà một số
người đề xuất hoàn toàn khác nhau.

Bây giờ câu hỏi là: Trong Kinh Thánh, có đơn vị nhỏ
hơn địa phương làm ranh giới, thẩm quyền của hội thánh
không? Con người nói có; Đức Chúa Trời nói không.
Câu hỏi này rất dễ trả lời. Chúng ta thấy rằng chỉ có
một hội thánh tại Rome, một hội thánh tại Colossae, và
một hội thánh tại Laodicea. Rõ ràng sách Khải Thị bày tỏ
cho chúng ta rằng hội thánh tại Laodicea là số ít, cũng
tương ứng với một chân đèn vàng trong cõi thiên thượng.
Gương mẫu hiển nhiên nhất là hội thánh tại
Jerusalem, vào thời đó là hội thánh có nhiều thành viên
nhất. Tất cả những ai nghiên cứu Kinh Thánh đều biết
rằng các buổi nhóm của hội thánh tại Jerusalem được tổ
chức trong các tư gia khác nhau. Kinh Thánh nói: “Trong
đền thờ và… từ nhà này sang nhà khác” (Công 2:46). Từ
nhà ở đây không chỉ là một tư gia. Công Vụ 5:42 cũng ký
thuật: “…trong đền thờ và từ nhà này sang nhà khác” Ở
đây một lần nữa không chỉ là một tư gia. Về sau, khi
Peter ra khỏi tù, ông đã đến “nhà của Mary” (12:12), là
một trong nhiều tư gia. Bây giờ câu hỏi là loại nhà này
có thể là đơn vị thẩm quyền cho hội thánh không. Lịch
sử cho chúng ta biết rằng giữa vòng tất cả các hội thánh
khác, Jerusalem có nhiều thành viên nhất và nhiều sự
nhóm lại tại tư gia nhất. Nếu Đức Chúa Trời có bất cứ ý
định nào về việc nhận lấy tư gia làm đơn vị hội thánh,
thì Jerusalem sẽ là địa phương đủ tiêu chuẩn nhất và là
hội thánh tốt nhất để trở nên một khuôn mẫu cho những
hội thánh khác. Nếu tại Jerusalem, là nơi có nhiều thành
viên và nhiều nhà, Đức Chúa Trời không sử dụng nhà
làm phạm vi, thẩm quyền của hội thánh thì chúng ta biết
rằng không bao giờ tìm thấy bất cứ nền tảng thực tế nào
về việc nhận lấy nhà làm phạm vi của hội thánh ở những
nơi khác trong Kinh Thánh.

Vậy sự thật là gì? Có nhiều tư gia tại Jerusalem,
nhưng Đức Chúa Trời chỉ có một hội thánh tại Jerusalem.
Mỗi lần Thánh Linh nói về hội thánh tại Jerusalem, Ngài
luôn luôn sử dụng từ hội thánh ở thể số ít, không bao giờ
dùng các hội thánh số nhiều. Kinh Thánh chỉ dùng thuật
ngữ hội thánh tại Jerusalem, không bao giờ dùng các hội
thánh tại Jerusalem. Lời không bao giờ nói: “Mỗi hội
thánh trong mỗi nhà tại Jerusalem”. Có thể có nhiều tư
gia để nhóm lại, nhưng vẫn chỉ có một hội thánh tại
Jerusalem. Bất cứ ý tưởng nào về việc nhận lấy tư gia làm
đơn vị của hội thánh đều là quan niệm loài người, không
phải sự dạy dỗ của Kinh Thánh. Chỉ một cụm từ này “hội
thánh ở tại Jerusalem” (Công 8:1) là đủ để khiến cho bất
cứ ai cũng không thể thiết lập một hội thánh riêng biệt,
độc lập, cá nhân trong nhà.

Chúng ta cũng có thể so sánh Công 14:23 với Titus
1:5: “…chỉ định các trưởng lão cho họ trong mỗi hội thánh”
và “…chỉ định các trưởng lão trong mỗi thành phố.” Hai câu
này tương ứng và khớp với nhau. “Mỗi hội thánh” ở trong
“mỗi thành phố”. Hội thánh ở trong mỗi thành phố chứ
không phải trong mỗi tư gia. Tư gia có thể được dùng là
nơi nhóm họp, và hội thánh có thể được gọi là hội thánh
trong nhà của một ai đó. Tuy nhiên, hội thánh trong nhà
của Nymphas vẫn là hội thánh tại Laodicea. Thành phố
hay địa phương, chứ không phải tư gia, là danh hiệu đúng
đắn của một hội thánh; đó là ranh giới đúng đắn của hội
thánh và đơn vị đúng đắn của hội thánh.

HAI SAI LẦM

Hai sai lầm lớn được tìm thấy trong con người ngày
nay.

Thứ nhất, một số người ao ước có một hội thánh lớn
hơn một thành phố hay một địa phương. Họ muốn liên
hiệp nhiều hội thánh trong các địa phương khác nhau và
làm cho chúng trở nên một hội thánh lớn, tức là lớn
hơn một địa phương. Họ không bao giờ xem xét rằng
không có một thuật ngữ như hội thánh tại Trung Hoa
trong Kinh Thánh. Có bao nhiêu người nhận thức rằng
thuật ngữ hội thánh tại Trung Hoa không phù hợp với
Kinh Thánh? Tất cả các con cái Đức Chúa Trời phải
hiểu rằng trong Kinh Thánh không có một hội thánh
liên hiệp lớn hơn một địa phương.

Chỉ có “các hội thánh ở Galatia (một tỉnh)” (Gal. 1:2),
không có “hội thánh Galatia”.
Chỉ có “các hội thánh của người Ngoại Bang” (Rome
16:4), không có “hội thánh của người Ngoại Bang”.
Chỉ có “các hội thánh…ở Judea (một tỉnh)” (1 Thes.
2:14), không có “hội thánh tại Judea”.
Chỉ có “bảy hội thánh ở Asia (một tỉnh)” (Khải 1:4),
không có “hội thánh tại Asia”.
Chỉ có “các hội thánh” ở SyriaCilicia (các vùng),
không có “hội thánh tại SyriaCilicia (Công 15:41).

Vì vậy, ranh giới, thẩm quyền của hội thánh trên
đất có giới hạn là một địa phương. Cho dù chúng ta đặt
hai hội thánh tại hai địa phương khác nhau lại, thì
chúng vẫn không thể là một hội thánh; chúng vẫn là
hai hội thánh. Tại tỉnh Asia, nếu chúng ta cộng bảy hội
thánh lại thì kết quả không phải là một hội thánh, mà
là bảy hội thánh. Trong cả tỉnh Galatia, nếu tất cả các
hội thánh trong các địa phương khác nhau được cộng lại
với nhau, chúng ta vẫn không có hội thánh tại Galatia,
mà là “các hội thánh ở Galatia”. Ai có thể nói rằng hội
thánh vượt ngoài địa phương? Nguyện Đức Chúa Trời
mở mắt chúng ta hầu cho chúng ta không gây rối loạn
cho chứng cớ của Đức Chúa Trời.


Thứ hai, một số người ao ước có hội thánh nhỏ hơn
thành phố hoặc địa phương. Họ muốn chia một địa phương
thành nhiều “hội thánh”, nhiều “hội chúng”, hoặc nhiều
“cộng đoàn”. Một số dùng lời nói giảm nhẹ là “các hội
thánh tư gia” cho các sự nhóm lại này. Nhưng tất cả đều có
cùng bản chất. Đó là các sự chia rẽ, chủ đích của điều đó là
thiết lập các bè đảng riêng của con người theo xác thịt.
Con cái Đức Chúa Trời phải phân biệt giữa tư gia được nói
đến trong Kinh Thánh và tư gia được tưởng tượng trong ý
tưởng loài người. Trong Kinh Thánh, khi tư gia tương
đương với một địa phương hay một thành phố, thì nhà đó
được gọi là hội thánh, giống như hội thánh tại Rome, hội
thánh tại Colossae, hội thánh tại Laodicea, v.v. Nhưng khi
tư gia nhỏ hơn địa phương hay thành phố, thì nhà đó
không thể được gọi là hội thánh, giống như các buổi nhóm
tư gia của hội thánh tại Jerusalem. Điều này rất khác với
tư gia được tưởng tượng trong ý tưởng con người, bị làm
cho trở nên nhỏ hơn địa phương hay thành phố cách có
chủ đích, duy trì sự hiện hữu của các bè đảng hoặc thay đổi
các bè đảng thành hình thức khác.

Vì vậy, các anh em phải ghi nhớ các sự dạy dỗ của
Kinh Thánh:
Chỉ có “hội thánh ở tại Jerusalem” (Công 8:1), không
có “các hội thánh tại Jerusalem”.
Chỉ có “hội thánh… ở tại Corinth” (1 Cor. 1:2), không
có “bốn hội thánh tại Corinth”.
Chỉ có “hội thánh tại Laodicea” (Khải 3:14; Col. 4:15-
16), không có “hai hội thánh tại Laodicea”.
Có “hội thánh tại Ephesus”, không có “các hội thánh
tại Ephesus”. Có “hội thánh của người Thessalonica” không
có “các hội thánh của người Thessalonica”. Có “hội thánh
tại Antioch”, không có “các hội thánh tại Antioch”.

Hội thánh của Đức Chúa Trời nhận lấy địa phương
làm ranh giới. Khi hội thánh trong nhà của một ai đó
hoàn toàn tương đương với hội thánh của địa phương đó,
thì nó có thể được gọi là hội thánh trong nhà của người đó.
Tuy nhiên, khi “hội thánh” trong nhà của một ai đó nhỏ
hơn hội thánh trong địa phương của người đó, thì nó không
thể được gọi là hội thánh. Nếu “các hội thánh” trong “nhà”
của Cephas, trong “nhà” của Paul, trong “nhà” của Apollos,
và trong “nhà” của Christ được cộng lại với nhau, thì sẽ
không có bốn hội thánh tại Corinth, chúng vẫn là một hội
thánh ở thể số ít tại Corinth. Từ điều này, chúng ta có thể
thấy rằng Đức Chúa Trời không bao giờ làm cho loại “tư
gia” này trở nên đơn vị cho ranh giới, thẩm quyền của hội
thánh. Vì bốn tư gia không phải là bốn đơn vị, các tín đồ
nhóm lại trong các tư gia đó cũng không thể là bốn hội
thánh tương ứng.

Chắc hẳn đã có hơn mười ngàn anh em ở Jerusalem,
và họ có thể đã chia ra để nhóm trong một trăm tư gia. Vì
các tư gia loại này nhỏ hơn thành phố, tức là nhỏ hơn địa
phương, và nhỏ hơn Jerusalem, nên chúng không đủ để trở
nên các đơn vị của hội thánh. Nếu chúng ta cộng một trăm
tư gia lại với nhau, chúng cũng không trở nên một trăm
hội thánh. Trong Kinh Thánh, chỉ có một hội thánh tại
Jerusalem. Vì một trăm buổi nhóm được cộng lại với nhau
không thể trở nên một trăm hội thánh, mà chỉ có một hội
thánh, nên điều này có nghĩa là mỗi buổi nhóm tự nó
không đủ để trở nên một đơn vị.

Nếu hội thánh trong nhà của Nymphas (Col. 4:15) và
hội thánh tại Laodicea (c. 16) không phải là một, thì khi
chúng ta cộng chúng lại với nhau phải có hai hội thánh,
nhưng sau khi chúng ta cộng “chúng” lại theo cách này,
Đức Chúa Trời nói về “hội thánh tại Laodicea” trong Khải
Thị 3:14, chứ không phải “các hội thánh” hay “hai hội
thánh tại Laodicea”. Chúng chỉ là một.

Khi tư gia nhỏ hơn một địa phương, thì nó không đủ
để trở nên một đơn vị. Khi tư gia tương đương với địa
phương thì nó đủ tiêu chuẩn để trở nên một đơn vị. Nhưng
đơn vị là địa phương, chứ không phải là tư gia. Chúng ta
phải rất sáng tỏ rằng một đơn vị đạt tiêu chuẩn cho ranh
giới hội thánh trong Kinh Thánh là thành phố hay địa
phương. Khi tư gia tương đương với địa phương, chúng ta có
thể nói về hội thánh trong nhà của một ai đó. Khi tư gia
nhỏ hơn địa phương, chúng ta có thể cộng tất cả lại, nhưng
kết quả không phải là hai, mà vẫn là một. Chúng ta có thể
cộng mười với mười, nhưng kết quả không phải là hai
mươi; mà là một. Chúng ta có thể cộng một trăm với một
trăm, nhưng kết quả không phải là hai trăm, mà chỉ là
một. Kết quả luôn luôn là một. Bởi điều này, chúng ta biết
rằng một “tư gia” không thể tương đương với một đơn vị
cho ranh giới, thẩm quyền của hội thánh.

Từ Kinh Thánh ai có thể chỉ ra là có hai hội thánh
trong một địa phương? Không một ai! Tôi chỉ có thể nói
rằng một địa phương có hai giáo phái, hoặc một địa
phương có bốn bè đảng, hoặc một trăm địa phương có hơn
một trăm sự biểu lộ của xác thịt. Nhưng tôi không thể
nói rằng một địa phương có hai hoặc nhiều hội thánh. Tôi
chỉ có thể nói rằng một địa phương có hơn một trăm buổi
nhóm tư gia. Một địa phương chỉ có một hội thánh. Điều
này là chắc chắn.

Trong hai mươi tám năm qua, như kết quả của sự kêu
gọi của Chúa, các giáo phái đã đánh mất vị trí trong lòng
của những người yêu Chúa. Các anh em đề nghị chia hội
thánh thành nhiều tư gia coi chừng bị nghi ngờ rằng họ
đang thay đổi mọi sự để bênh vực các bè đảng hoặc chính
họ. Nguyện Chúa khiến con cái Ngài nhìn thấy rằng tất
cả những ai lìa khỏi các giáo phải không hẳn đã lìa bỏ
các bè đảng. Nguyện Chúa thương xót tôi vì phát ngôn
cách thẳng thắn.

Chúng ta phải nghiêm túc tự hỏi lòng mình trong ánh
sáng: tôi có đang một mặt thì từ chối tội của các giáo phái
còn mặt khác thì cự tuyệt “thuận phục hội thánh” và bởi
đó đưa ra sự thỏa hiệp là tư gia hay không? Nguyện Chúa
thương xót những ai làm như vậy, và nguyện Ngài thương
xót tôi vì nói điều này.

Lòng tôi rất buồn vì vào thời điểm có tính quyết định
này khi Chúa đang tiến lên cách chiến thắng, thì một sự
trì trệ như vậy lại bước vào. Nếu hôm nay chúng ta chỉ bất
phục một ít, thì một trăm năm sau—nếu Chúa trì hoãn trở
lại—sự bất phục này sẽ trở nên một sự lệch hướng lớn
khỏi hội thánh. Tôi hi vọng các anh em sẽ kiêng ăn và cầu
nguyện cho các anh em của mình. Nguyện Đức Chúa Trời
xoay lòng họ lại. Mặt khác, những ai tiếp xúc với họ phải
biểu minh tình yêu vững vàng và không thay đổi để Chúa
có thể có lại được những người này. Nguyện Chúa đặt vào
trong họ sự kính sợ và run rẩy. Nguyện họ biết rằng việc
phát ngôn cho Chúa đòi hỏi phải đặt chính mình qua một
bên. Họ phải hạ mình, và họ phải nhìn thấy và lắng nghe
trước khi phát ngôn. Nguyện họ cũng nhìn thấy kết quả
nghiêm trọng của việc phát ngôn mà không có sự khải thị.
Một khi Ishmael được sinh ra, người xác thịt sẽ mãi mãi
bắt bớ người thuộc linh. Điều này diễn ra mọi lúc, thậm
chí cho đến ngày nay (Gal. 4:29).

KHÔNG THỂ BẮT CÁ HAI TAY

Một số người có một ý tưởng sai trật. Họ đồng ý rằng
ranh giới, thẩm quyền của hội thánh là địa phương, nhưng
vì không sẵn lòng ra khỏi các bè đảng, nên họ nghĩ rằng
tư gia cũng là ranh giới của hội thánh. Họ nghĩ rằng cả
hai có thể đồng đi bên nhau mà không có mâu thuẫn. Họ
không thể biện biệt được khi nào thì tư gia tương đương
với địa phương và khi nào tư gia khác với địa phương. Khi
tư gia tương đương với địa phương thì nó có thể là ranh
giới của hội thánh. Khi tư gia khác với địa phương thì ranh
giới, đơn vị của hội thánh không thể đồng thời là cả tư gia
lẫn địa phương. Chìa khóa ở nơi địa phương, dù tư gia có
tương đương với địa phương hay không.

Nếu tư gia là đơn vị, thì địa phương, là điều lớn hơn
tư gia, không thể là đơn vị. Làm thế nào địa phương có
thể là đơn vị nếu nó có thể bị chia thành các đơn vị nhỏ
hơn? Nếu chúng ta công nhận địa phương là đơn vị, thì
làm thế nào chúng ta có thể công nhận tư gia cũng là đơn
vị? Vì địa phương là đơn vị nhỏ nhất nên làm thế nào nó
có thể bị chia ra thành các đơn vị nhỏ hơn như tư gia?
(Xin nhớ rằng những ai quảng bá cho các hội thánh “tư
gia” không nhìn thấy từ tư gia về mặt thuộc linh; tức là
họ không xem xét tư gia trong ngữ cảnh là địa phương và
tư gia đồng nhất. Thay vì vậy, họ xem xét tư gia theo
quan niệm riêng của mình, làm cho nó nhỏ hơn địa
phương. Đây không phải là loại tư gia được nói đến trong
Kinh Thánh. Xin hãy chú ý đến vấn đề này). Nếu một
dặm là đơn vị đo lường, thì một inch không đủ để làm
đơn vị, vì nó kém hơn một đơn vị đầy đủ. Nếu chúng ta
nhận lấy một inch làm đơn vị, thì một dặm không còn có
thể là đơn vị nữa, vì một dặm bằng mười hai đơn vị.

Cũng vậy, nếu đơn vị cho hội thánh là địa phương, thì
nhiều tư gia trong một địa phương không thể là nhiều hội
thánh. Một địa phương với một tư gia chỉ có một hội
thánh; một địa phương với một trăm tư gia cũng chỉ có
một hội thánh. Không có một trăm hội thánh với một
trăm tư gia. Nếu tư gia là đơn vị thì có một hội thánh với
một tư gia và một trăm hội thánh với một trăm tư gia.
Trong trường hợp này, một địa phương với một trăm tư
gia không bao giờ chỉ có một hội thánh. Hai điều này, tư
gia và địa phương, là các đơn vị hoàn toàn khác nhau.
Hoặc chúng ta nhận lấy tư gia làm đơn vị hoặc địa
phương làm đơn vị. Phải có một đơn vị, nhưng chúng ta
không thể có cả hai. Tư gia và địa phương không thể đều
là các đơn vị cho hội thánh.

Nếu địa phương là đơn vị, thì 1) một hội thánh liên
hiệp của nhiều địa phương liên kết với nhau là sai trật, và
2) các sự chia rẽ biệt lập bên trong một địa phương cũng
sai trật. Nếu tư gia là đơn vị, thì 1) hội thánh liên hiệp
vẫn là sai trật, nhưng 2) các sự chia rẽ trong mỗi địa
phương được biện minh. Mọi sự chia rẽ bên trong một địa
phương có thể ẩn nấp đằng sau từ tư gia. Nếu “tư gia” là
đơn vị, thì mọi người từ chối “nghe hội thánh” (Matt.
18:17) có thể tổ chức các hội thánh “tư gia” riêng biệt. Hội
thánh “tư gia” trở nên chỗ ẩn nấp cho mọi người chia rẽ
trong địa phương. Nguyện Chúa thương xót hội thánh
Ngài.

Vì vậy, chúng ta phải sáng tỏ rằng chỉ có thể có một
đơn vị—hoặc tư gia hoặc địa phương, không có cả hai.
Tương tự như vậy, nếu sự cứu rỗi của chúng ta không phải
bởi ân điển, thì là bởi các việc làm. Nó không thể bởi ân
điển lẫn việc làm; chúng ta không thể có cả hai. Theo
Kinh Thánh, ranh giới, thẩm quyền của hội thánh là địa
phương, giống như sự cứu rỗi của chúng ta là bởi ân điển
vậy. Việc chia hội thánh trong một địa phương thành các
hội thánh “tư gia” đem sự chia rẽ vào trong Thân Thể. Đây
là công tác của xác thịt.
Tôi tin rằng trong sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời,
Ngài đã lập địa phương làm ranh giới hội thánh để loại
trừ các công tác của loài người, là điều cố gắng chia rẽ hội
thánh bên trong một địa phương.

Ý ĐỊNH VÀ KẾT QUẢ
Khi chúng ta nghiên cứu Kinh Thánh để đánh giá và
xác định một sự dạy dỗ nào đó, chúng ta không chỉ phải
kiểm tra ý định của lòng mình, mà còn phải lưu tâm đến
đường hướng mà loại dạy dỗ này dẫn đến và kết quả mà
nó sản sinh.


Thí dụ, có người nói rằng Kinh Thánh không bao giờ
cấm các Cơ Đốc nhân hút thuốc phiện. Người ấy nói: “Nếu
anh nói rằng các Cơ Đốc nhân không được hút thuốc
phiện, xin chứng tỏ điều đó từ Kinh Thánh.” Chắc chắn,
Kinh Thánh không có lời thành văn rõ ràng cấm hút thuốc
phiện. Nhưng chúng ta phải lưu ý đến kết quả của cách nói
này đối với con cái Đức Chúa Trời. Điều duy nhất sự dạy
dỗ này làm là dẫn con người vào trong thế giới và làm
trọn dục vọng của họ. Một thí dụ khác là việc baptism.

Một số người nghĩ rằng dìm mình là đúng, nhưng rảy nước
cũng đúng. Họ đưa ra nhiều lý do cho luận điểm của mình.
Nhưng các lý do này đơn giản lộ ra rằng con người có thể
thay đổi lời Đức Chúa Trời. Cũng vậy, nếu bất cứ ai nói
rằng có thể có hội thánh trong một tư gia ngoài ra hội
thánh trong một địa phương, thì chúng ta cũng sẽ hỏi:
“Kết quả của loại dạy dỗ này là gì? Có bất cứ kết quả nào
khác hơn là những người trong một địa phương có sự tự do
trong xác thịt để phá vỡ sự hiệp nhất của hội thánh và
dẫn con cái Đức Chúa Trời vào trong con đường chia rẽ
không? Nếu trong một địa phương có thể có nhiều hội
thánh “tư gia”, tất cả đều có sự quản trị riêng và nghĩ rằng
họ là một về mặt thuộc linh, thì chẳng phải họ đang tự lừa
dối mình sao? Nếu chúng ta duy trì loại dạy dỗ này thì còn
có thêm bao nhiêu sự chia rẽ nữa trong một địa phương,
các sự chia rẽ dưới danh nghĩa là các hội thánh “tư gia”?
Hiện nay, đã có rất nhiều hội thánh giáo phái rồi, nhưng
nếu các hội thánh “tư gia” là thuộc linh thì sẽ có thêm
hàng trăm hội thánh trong một địa phương! Đây có phải là
một điều gì đó mà một người dâng mình cho Chúa và yêu
Chúa muốn nhìn thấy không?”

Tất cả chúng ta đều biết rằng chỉ có một hội thánh.
Trải suốt lịch sử, trong quá khứ và hiện tại, chỉ có một hội
thánh. Vì chỉ có một Đầu nên chỉ có một Thân Thể. Hội
thánh là một Thân Thể có sự sống; do đó, việc chia rẽ hội
thánh vì bất cứ lý do nào là không đúng đắn. Chúng ta
phải nhấn mạnh điều này: Hội thánh là một vì Thân Thể
là một. Bất cứ sự bào chữa nào cho việc chia rẽ hội thánh
đều là tội. Sự chia rẽ là tội, vì đó là “sự chia rẽ trong thân
thể” (1 Cor. 12:25).

Mặc dù hội thánh là một nhưng tất cả các anh em
không thể nhóm với nhau. Thời gian và không gian ngăn
cản tất cả các anh em trên khắp thế giới nhóm lại với
nhau mọi lúc. Ngoài ra, việc tất cả các anh em đến với
nhau trong một hội thánh của khắp thế giới là không
thực tiễn đối với sự quản trị, giám sát, và quản lý hội
thánh. Vì vậy, Lời Đức Chúa Trời không chỉ cho phép mà
còn chỉ định hội thánh được phân chia. Để làm cho hội
thánh (số ít) trở nên các hội thánh (số nhiều) cách thực
tiễn, Đức Chúa Trời đã thiết lập đường lối cho một hội
thánh riêng lẻ và một hội thánh riêng lẻ khác vẫn là hai
hội thánh thay vì là một. Đây là nguyên tắc “địa phương”
được khải thị trong Kinh Thánh.

Trong Kinh Thánh, không có hội thánh nào lớn hơn
địa phương; cũng không có hội thánh nào nhỏ hơn địa
phương. Hễ khi nào dân chúng tụ họp lại cư trú với nhau,
thì có một “địa phương”. Một địa phương là nơi dân chúng
tụ họp lại và cư trú với nhau. Hễ một địa phương là nơi
dân chúng tụ họp lại và cư trú với nhau thì đó là ranh giới
của hội thánh theo Kinh Thánh. Dân chúng cư trú với
nhau trong một địa phương có thể độc lập với các địa
phương khác. Vấn đề không phải là số lượng người (tín
đồ), mà vấn đề là địa phương. Nền tảng cho sự phân chia
không phải là yêu thương hay không yêu thương, mà là địa
phương. Nền tảng cho việc Đức Chúa Trời cho phép hội
thánh phân chia là địa phương. Bất cứ loại phân chia nào
khác đều là tội. Chúng ta phạm tội nếu chúng ta phân rẽ
với các anh em của mình vì bất cứ lý do nào khác hơn là
địa phương. Trong Kinh Thánh, chỉ có một loại phân biệt
không chạm đến bản chất của hội thánh là sự phân biệt
về địa phương. Sự phân biệt về địa phương là sự khôn
ngoan vĩ đại của Đức Chúa Trời. Tôi ở Thượng Hải và anh
em ở Tô Châu, nhưng khi cả hai chúng ta đến Nam Kinh,
chúng ta sẽ không tạo ra bất cứ nan đề nào. Ngoài ranh
giới địa phương, tuyệt đối không được có bất cứ ranh giới
nào khác. Trong hội thánh, Đức Chúa Trời chỉ cho phép
chúng ta phân chia bởi nguyên tắc địa phương.

Không nghi ngờ gì nữa, hội thánh là một. Vậy thì
làm thế nào có thể có nhiều hội thánh? Sự phân biệt chỉ
có thể ở trên nền tảng là địa phương. Vì chúng ta có thân
thể vật lý của mình, nên chúng ta tự nhiên bị giới hạn
bởi các ranh giới địa lý. Bất cứ sự khác biệt nào vì cớ
danh xưng, cảm xúc loài người, hoặc các nhân tố khác
đều tổn hại đến bản chất của hội thánh. Chỉ có sự phân
biệt địa phương là không chạm đến bản chất hội thánh.
Theo cách này, không ai có thể xoay khỏi lập trường
chung là địa phương. Chúng ta có thể làm nhiều điều
nhưng chúng ta không đủ tiêu chuẩn để tự ý thiết lập
một hội thánh. Một khi chúng ta nhìn thấy lập trường
hội thánh là địa phương thì sẽ không còn lý do gì cho sự
hiện hữu của bất cứ bè đảng nào. Vấn đề địa phương cắt
xác thịt con người đến phần sâu thẳm nhất.

Bây giờ, để tôi lặp lại những gì tôi đã nói về bản chất
hội thánh. Bất cứ lý do gì để chia rẽ hội thánh đều làm tổn
hại bản chất của hội thánh; tức là nó biến sự hiệp nhất của
hội thánh thành sự chia rẽ. Do sự kiện là chúng ta ở trong
thân thể loài người nên địa lý là nhân tố duy nhất có thể
phân chia chúng ta. Một sự phân chia như vậy không đe dọa
bản chất của sự hiệp nhất hội thánh. Vì vậy, Đức Chúa Trời
chỉ định có địa phương làm ranh giới thuộc đất của hội
thánh. Đức Chúa Trời cũng chỉ định rằng trong một địa
phương chỉ được có một hội thánh để biểu hiện sự hiệp nhất
của hội thánh thiên thượng.


Chúng ta phải nhìn thấy nguyên nhân thuộc linh cho
sự phân chia hội thánh theo địa phương. Một khi nhìn
thấy điều này, chúng ta sẽ biết nguyên tắc phân chia hội
thánh theo tư gia hiện nay có thuộc về Đức Chúa Trời hay
không. Đường lối để phân chia các thánh đồ tại Jerusalem
theo tư gia là thuộc linh. Do có nhiều người—một thực tế
vật lý—nên họ chia thành nhiều buổi nhóm trong các tư
gia. Tuy nhiên, hội thánh vẫn là một, “hội thánh (số ít) tại
Jerusalem”. Ngày nay, đường lối loài người để chia hội
thánh theo các tư gia là làm nên nhiều hội thánh trong
một địa phương. Nó không hề liên quan đến các sự giới
hạn vật lý, các lý do địa lý hoặc sự bất tiện khi đến với
nhau vì đường xa. Nó không hề liên quan đến sự kiện là
đám đông rất lớn và không đủ chỗ ngồi. Nó không hề liên
quan đến sự kiện là có nhiều người và không thể chăm sóc
họ. Nó không hề liên quan đến các nan đề thực tiễn của
việc quản lý từ xa. Nó đơn giản là đường lối chia rẽ hội
thánh thành nhiều hội thánh. Việc chia rẽ dân chúng
thành nhiều hội thánh vì một lý do ngầm như vậy làm tổn
hại bản chất của hội thánh. Các sự phân chia không dựa
trên nhu cầu về địa lý hay vật lý đều là thuộc linh trong
bản chất; chúng chạm đến sự hiệp nhất thuộc linh. Loại
phân chia này không phải là bên ngoài và hạn chế mà là
bên trong và thuộc linh. Bất cứ sự chia rẽ nào không vì lý
do địa lý hay vật lý đều là một sự chia rẽ nội tại, chân
thật, cơ bản và thuộc linh. Vì vậy, loại chia rẽ này là một
sự chia rẽ trong chính bản chất và yếu thể tính của hội
thánh. Nó làm tổn hại đến sự hiệp nhất thuộc linh.

Điều này rất nghiêm trọng. Hai mươi tám năm trước,
đầu tiên khi chúng ta nhìn thấy ánh sáng về sự hiệp
nhất của Thân Thể Christ, chúng ta đã trải qua nhiều
sóng gió khó khăn. Nhưng tôi tin rằng chúng ta chưa
từng trải qua một sóng gió nào nghiêm trọng và mơ hồ
hơn là sự dạy dỗ về hội thánh “tư gia”. Đây là lần đầu
tiên người ta chống đối lẽ thật bằng cách đồng ý với nó.
Vì tất cả chúng ta đều là những người phục vụ Đức Chúa
Trời, nên tôi nài xin anh em tìm kiếm ánh sáng của Đức
Chúa Trời. Đừng phát ra tiếng nói gây rối loại trong hội
thánh của Đức Chúa Trời; đúng hơn hãy tống khứ chủ
nghĩa bè đảng khỏi lòng anh em.

Chúng ta đừng đẩy sự hiệp nhất trọn vẹn của hội
thánh sang phương diện “thuộc linh” bằng cách nói:
“Chúng ta là một trong sự sống! Chúng ta là một về mặt
thuộc linh!” Các anh em ơi, khi chúng ta không sống với
nhau trong cùng một thành phố, thì chúng ta có thể che
đậy chính mình bằng những từ ngữ thuộc linh và giấu kín
sự chia rẽ của mình bằng “sự hiệp nhất thuộc linh”. Nhưng
vì tất cả chúng ta đều sống trong cùng một thành phố nên
việc chúng ta không biểu hiện hay biểu minh sự hiệp nhất
liệu có thể hiểu được không? Vì không có nhân tố địa lý và
vật lý nào chia rẽ chúng ta, nên chẳng phải đây là lúc phô
bày rằng chúng ta là một hội thánh sao? Tại sao vào một
thời điểm thuận lợi để chúng ta phô bày sự hiệp nhất của
mình thì sự dạy dỗ khác này liên hệ đến hội thánh “tư
gia” lại ra đời? Sự dạy dỗ liên hệ đến hội thánh “tư gia”
này đại diện cho sự hiệp nhất hay sự phân rẽ và chủ nghĩa
bè đảng? Chúa ơi, hãy thương xót chúng tôi!

Tôi không dám nói sự dạy dỗ về hội thánh “tư gia” ra
từ đâu. Nhưng tôi e rằng người anh em phát ngôn về điều
này không nhìn thấy tội bè đảng. Sự dạy dỗ này là nửa
đường đi đến chủ nghĩa bè đảng; nó không phải là sự bác
bỏ bè đảng cách triệt để. Một người đã lìa bỏ các giáo phái
không hẳn đã lìa bỏ bè đảng. Tôi e rằng một số người chỉ
biết sự chuyển động cá nhân, cách sống cá nhân, và công
tác cá nhân của họ không sẵn lòng chịu giới hạn bởi Thân
Thể. Đây là những người thích loại đàm luận về hội thánh
“tư gia” này. Những ai không ao ước lắng nghe hội thánh
nhưng ao ước thiết lập các hội thánh riêng của họ trân
trọng loại “giáo lý” này. Nguyện huyết Chúa bao phủ tôi vì
đã phát ngôn như vậy. Tôi nghĩ rằng sự hạ mình có thể
ích lợi cho một số người, nhưng việc không nhận lấy con
đường riêng của mình ích lợi cho mọi con cái Đức Chúa
Trời.

Cuối cùng, loại hội thánh “tư gia” này không phải tư
gia ở trong Kinh Thánh. Loại hội thánh “tư gia” này là
một bè đảng, một bè đảng cải trang. Loại hội thánh “tư
gia” này khiến dân chúng chia rẽ, không hiệp nhất. Loại
hội thánh “tư gia” này làm tổn hại bản chất của hội thánh
đang khi che đậy vết thương của nó. Loại hội thánh “tư
gia” này xây dựng cá nhân chủ nghĩa, sự bất pháp và tham
vọng về quyền lãnh đạo trong nhiều người. Nguyện Chúa
thương xót tôi vì phát ngôn theo cách này. Nguyện Ngài
thương xót các hội thánh của Ngài để hội thánh không bị
tổn hại.