Thứ Hai, 16 tháng 7, 2012

MƯỜI CHI PHÁI ISRAEL THẤT LẠC




12 con trai của Gia Cốp , còn gọi là Ysơraên, là những tổ tiên của 12 chi phái của nước Do Thái. Sau khi tiến vào vùng đất hứa, mỗi chi phái định cư các vùng đất khác nhau. Trong suốt 2 thế kỷ, cuối thế kỷ 11 và cuối thế kỷ 10 trước Công Nguyên (CN), các chi phái này thống nhất dưới sự cai trị của các vua Saulơ, Ðavít và Solomon. Sau khi vua Solomon qua đời vào khoảng năm 920 trước CN, nước Do Thái chia ra là hai :
- Vương quốc Giu đa, ở phương Nam , thủ đô là Jerusalem gồm hai chi phái Giu-đa và Bên gia min.


- Vương quốc Ysơraên, miền Bắc, thủ đô Samari gồm 10 chi phái còn lại là Ru-bên, Si-mê-ôn, Lê-vi, Y-sa-ca, Eùp-ra-him, Sa-bu-lôn, Ðan, A-se, Nép-ta-li, Gát, Giô sép, (con là Ma-na-se và Ép-ra-him)


Năm 721 trước CN, vương quốc miền Bắc Ysơraên bị A-si-ri xâm chiếm và bị tiêu diệt khỏi bản đồ. Dân của vương quốc này bị lưu đày và vua Asiri di những dân ở chung quanh vào vùng đất này định cư và cưới gả với đám dân còn ở lại. Vương quốc Ysơraên và 10 chi phái miền bắc đã biến mất từ đó.

Vương quốc miền Nam Giu-đa cũng chung số phận khi đế quốc Babylôn tấn công và chiếm đóng vào năm 587 trước CN. Thủ đô là Giêrusalem bị tiêu phá và dân Giu-đa bị bắt mang về Babylôn làm nô lệ. Tuy nhiên 50 năm sau, khi đế quốc Babylôn sụp đổ và đế quốc Mê-đi Phê rơ sơ (Ba tư ) thay thế đã cho phép dân Giu đa trở về quê cũ, họ xây lại thành Giêrusalem và đền thờ Ðức Chúa Trời ( II Sử ký 36:22-23)

CÂU HỎI:

Ðiều gì đã xảy ra cho 10 chi phái miền Bắc? 
Từ khi bị mang về Asiri, chúng ta không nghe nói đến dân này. Kinh Thánh và lịch sử của Do Thái cũng không đề cập đến số phận của 10 chi phái này.
Sau đây là những tài liệu dựa vào khảo cổ giúp chúng ta trả lời câu hỏi này.

1. Benjamin ở Tudela: Benjamin, con của Giô-na ở Tudela, Tây Ban Nha vào năm 1165 đã quyết định du lịch sang Ba tư và sống tại các cộng đồng Do Thái ở phía Ðông và Tây của Ba tư. Sau này, trong quyển sách” Book of Travels”, ông ta ghi: “ Ðó là những người Ysơraên tại Ba tư. Họ cho biết trên vùng núi có 4 chi phái Dan, Sa-bu-lun, A-sê và Nép-ta-li. Họ tự trị với vị lãnh đạo riêng của họ là Giô-sép của phái Lê-vi. Họ có những bác học dạy dỗ họ. Họ giỏi về trồng trọt và tham gia các cuộc chiến với dân Cút”
Khi ông ta thăm viếng Á-râïp, ông thấy một cộng đồng Do Thái ở đây lớn hơn. Cộng đồng này là những dân thuộc chi Phái Ru-bên, Gát và phân nửa chi phái Ma-na-se. Họ xây dựng nhiều thành phố lớn và họ chiếm chính quyền vùng Bắc và trên núi cao.

2. Bartholene de Las Casas, một giáo sĩ Tây Ban Nha, vào thế kỷ 16 đã dùng thời gian để chăm sóc người thổ dân của vùng đất Tân thế giới tức là người America Indians, người Peru, người Guatamala. Ông quả quyết rằng những người này là những người Ysơraên thời cổ xưa.” Tôi có thể dùng Kinh Thánh để chứng minh họ là người của 10 chi phái bị thất lạc”. Rất tiếc, ông không trình bày chi tiết về lời công bố này.

3. Edward King, còn gọi là Viscount of Kingsborough, là người dùng cả gia tài của mình để tìm kiếm bằng cớ của 10 chi phái này ờ vùng Nam Mễ tây cơ, Guatamala, Belize và Bắc Hondura (tức vùng Trung Mỹ). Ông đã bỏ 18 năm tìm kiếm và viết 9 quyển tài liệu. Mỗi quyển tài liệu cân nặng 65 pounds gồm hàng trăm trang tài liệu. Tổng cộng trị giá 40,000 Anh Kim. Nên nhớ thời đó, người ta chỉ cần 500 Anh kim là có thể sống thoải mái cho một gia đình cho một năm.
Ông đưa ra nhiều chứng cớ như : 
- dân Indians có tục rửa chân như Do Thái, 
- dùng chiêm bao để nói tiên tri, 
- dùng bánh không men cho lễ Atatmal (như người Do Thái trong Lễ Vượt qua), 
- thổi kèn trong các ngày lễ hội lớn như người Do Thái. 
- Ngoài ra họ có những câu chuyện truyền kỳ tương tự như lịch sử cổ của Do Thái như câu chuyện Môi-se đưa dân Do Thái ra khỏi xứ Ai cập, câu chuyện Môi se có người anh là A-rôn và có người em gái là Miriam .. .

4. Năm 1842, Joseph Smith, người sáng lập đạo Mormon đã dùng tài liệu của John Lloyd Stephens để công bố có ba nhóm di cư sang Tân Thế Giới. Nhóm thứ nhất từ Iran di cư sang vào khoảng 2800 trước CN tức là dưới thời Tháp Ba-bên. Nhóm thứ hai của dân Nephites vào thế kỷ thứ 6 trước CN và nhóm thứ ba của dân Lamanites cùng thời với nhóm thứ nhì.

5. Vùng tam biên giữa Pakistan, Afganistan và Kashmir có một nhóm dân tên là Pathans độ 15 triệu người sống rải rác trong 60 bộ lạc, Họ tự xưng là con cháu của Kish, cha của vua Sau-lơ trong Kinh Thánh ( I Sam 9:1). Nhiều bộ lạc tự xưng là thuộc các chi phái Ysơraên bị thất lạc. Người Pathans áp dụng việc cắt bì vào ngày thứ tám cho các con trai, họ mặc y phục giống như người Do Thái, dùng đèn cày vào đêm thứ sáu.

6. ZimbabweMozambique, với hàng ngàn người da đen cũng công bố họ thuộc chi phái Do Thái bị thất lạc. Họ biết rất nhiều những câu trong Kinh Thánh Cựu Ước và giữ tục lệ không cưới gả với các dân tộc chung quanh.

7. Nhật bản có một số ngôn ngữ phát âm như tiếng Do Thái ví dụ như
Daber (Hebrew) và Dabenu (Nhật) nghĩa là nói
Goi ( Hebrew) và Gaijeen ( Nhật) người ngoại quốc
Kor ( H) và Koru(N) nghĩa là lạnh
Knesset (H) và Kensei (N) quốc hội
Có hàng ngàn chữ giống tương tự như vậy.
Ngay cả tên vua cũng vậy. Vua đầu tiên của Nhật tên là Osee vào năm 730 trước CN. Tên vua này đồng âm với vua cuối cùng của Ysơraên là Hoshea ( Ô-sê) người chết cùng lúc với 10 chi phái bị bắt lưu đày. Ðền thờ thánh của Nhật Shinto khiến người ta nhớ đến đền thờ Ðức Chúa Trời của dân Do Thái. Nhóm dũng sĩ Samurai tự cho họ là một sắc dân riêng di đến Nhật từ Tây phương vào khoảng 660 trước CN. Chữ Samurai tương tự với Samari.

Mikado, một Hoàng đế Nhật là thuộc dòng dõi chi phái Gát. Mikado có âm theo tiếng Hebrew có nghĩa là Hoàng đế ( tiếng Hebrew là “Malchuto”).
8. Chi phái Ma-na-se ở Ấn độ. Tác giả Hillel Halkin trong quyển sách “Across the Sabbath River : In search of a Lost Tribe of Israel” đã quả quyết rằng chi phái Ma-na-se đã di cư đến vùng Ðông Bắc Ấn độ , gần biên giới Miến điện ngày nay. Nên nhớ quyển sách của ông được báo New York Times, The New Republic and Wall Street Journal giới thiệu là quyển sách có giá trị.

Theo tác giả thì dân địa phương đó là sắc tộc Hualngo và Hmar tự cho là con cháu của Manmasi. Manmasi có âm đọc giống như chi phái Ma-na-se. Họ có câu chuyện truyền kỳ là dân tộc họ đã có lần vượt qua biển như dân Do Thái rời xứ Ai cập do Môi se hướng dẫn và vượt qua Biển đỏ.

Họ cũng có câu chuyện bị một con Mèo hoang đuổi họ ra khỏi vùng đất mà họ ở trước khi đến định cư tại vùng này. Con Mèo Hoang theo thổ âm của họ là Sanga Meichol. Có âm giống như tên của vua Asiri là Shalmanseser, vị vua đã bắt dân Yrơraên lưu đày ra khỏi quê hương họ.

- Họ thờ phượng thần “Pathem” có tên bí mật là Ya mà tác giả tin rằng tên Ya có liên hệ với Yahweh ( Giê-hô-va) là tên của Ðức Chúa Trời của Do Thái. 
- Ngoài ra dân này có tục cắt bì cho các con trai mới sanh. 
- Họ cũng hạn chế ăn thịt heo 
- Họ có lễ đầu mùa như người Do Thái. 
- Họ cũng dâng chiên con làm sinh lễ cho một lễ đặc biệt như lễ Vượt qua của Do Thái.
Ngoài ra tác giả còn liệt kê một số danh từ có âm giống nhau và cùng nghĩa nhau giữa dân này và Do Thái. Bởi lẽ đó, ông kết luận rằng một số ít dân thuộc chi phái Ma-na-se đã đi đến đây và định cư tại đây.

9. Trung Hoa- Ê-sai 49:12 “ Họ đến từ xứ Sinim” Lời tiên tri này hứa hẹn sự trở về của các chi phái bị thất lạc từ phương Bắc và từ phương Tây và từ xứ Si-ni. Si-ni là tiếng Hebrew để chỉ nước Trung Hoa (China) ngày nay.
Có những làng ở miền núi dọc theo biên giới Tàu và Tây tạng là dân Chiang-Min ở phía tây tỉnh Szechuan tự cho là con cháu của Ysơraên. Họ đến định cư ở vùng này mấy trăm năm trước khi Chúa Jesus xuất hiện.

Giáo sĩ Torrance, người Scottland. hồi đầu thế kỷ 20 có đến viếng thăm vùng này và ông xác nhận rằng họ chính là dòng dõi Do Thái thuộc dòng Sem. Ông quan sát thấy họ còn giữ những phong tục cổ của Do Thái. Họ dùng một loại cuốc xới đất giống của Do Thái dùng, họ dùng ách để bò kéo cày hay xe cũng giống với người Do Thái. Người Chiang-min tin vào độc thần như người Do Thái chỉ tin vào Ðức Chúa Trời.
Trong các buổi lễ họ gọi tên vị thần của họ có âm thanh như gọi Giê-hô-va. Người tế lễ của dân này mặc y phục giống như thầy tế lễ Do Thái . Họ mang một giây nịt và cây gậy bằng đồng hình con rắn như Môi se ngày xưa.

( Gần đây, theo tài liệu tìm thấy trong Dead Sea Scrolls, người ta được biết Sinim cũng có thể là chữ số nhiều của chữ Sy-e-nê là một thành phố thuộc phía nam thuộc xứ Ai-cập và sách Êxêchiên 29:10 và 30:6 có nói đến địa danh này).

10. Chi Phái Ðan và Ê-thi-ô-bi. Gần đây, khoảng gần giữa thế kỷ 20, người ta có nghe một truyền kỳ về một giám mục tên là John Prester , ông ta cai trị một nước nhỏ giàu có theo Cơ đốc giáo ở vùng nước Ethopia. Họ tự xưng là Falashas, tiếng Armaic để chỉ những người Do Thái không nhà không đất du mục . Vào thập niêm 1970 và 1980, Do Thái nhìn nhận họ và cung cấp phi cơ để chở họ về Do Thái.

11. Anh Quốc cũng là nơi mà chi phái Ep-ra-him di dân đến.

Trở lại Kinh Thánh:

1. II Sử Ký 11: 13, 16 cho biết ngay khi nước này bị chia đôi thì chi phái Lê-vi trở lại Giê-ru-sa-lem ở cùng với Rô-bô-am. Và câu 16 cho biết dân trong các chi phái khác cũng có nhiều người theo Lê-vi mà quay về định cư tại Giê-ru-sa-lem. Như vây vương quốc phía bắc, nước Ysơraên chỉ còn 9 chi phái và cũng không hoàn toàn đầy đủ. 

2. Ê-xêchiên 9:9, Tiên tri Êxêchiên cho biết thành Giêrusalem lúc bấy giờ gồm có dân Ysơraên và dân Giu đa. Ðây là giai đoạn trước khi Babylôn tấn công và chiếm thành này. 

3. Nêhêmi 11:4, 20 sau khi trở về Giêrusalem và lập sổ thì chúng ta biết có chi phái Giu-đa, Bên-gia-min, Lêvi và các chi phái Ysơraên
- Theo tài liệu sử của A-si-ri, họ chỉ bắt theo những thành phần có học thức cao và để phần dân Ysơraên nghèo dốt ở lại đất của họ. Thành phần này về sau cưới gả với dân mới di cư đến và trở thành dân Samari.

- Theo nhà khảo cổ Do Thái là ông Magen Broshi, nhiều người Ysơraên đã bỏ miền Bắc mà di cư xuống miền Nam để tránh sự giết hại của Asiri. Họ sống hoà hợp và lẫn lộn với người Giu đa. Nghiên cứu cẩn thận hơn, người ta thấy thành Giêrusalem có sự mở rộng rầm rộ vào thế kỷ thứ 8 trước CN. Thành phố này đã tăng gấp ba hay bốn lần về dân số cũng như mở rộng ranh giới ba bốn lần so với trước.

KẾT LUẬN:
Theo II Sử ký 21:7 , Ðức Chúa Trời lập giao ước với Ðavít: sẽ ban một ngọn đèn cho người và con cháu người đến đời đời, Ngài không muốn diệt nhà Ða vít. Ðọc thêm trong sách Thi Thiên 89:36, Ô-sê 1:11, A-mốt 9: 14 , Êxêchiên 37:19-28. Trong sách Khải thị, Giăng nghe số người được đóng ấn thuộc 12 chi phái dân Ysơraên ( đoạn 7). Như vậy 10 chi phái này vẫn còn và hiện diện.

Chúng tôi tin rằng một số dân của 10 chi phái bị bắt lưu đày đã sống tràn lan khắp năm châu nhưng số còn ở lại, không bị lưu đày thì một phần đã di chuyển về miền Nam chung với nước Giu-đa và phần khác ở lại để trộn giống với các dân chung quanh và trở thành dân Samari. Nước Do Thái bây giờ không phải chỉ gồm hai chi phái như lúc ban đầu mà đã pha trộn với 10 chi phái miền Bắc. Tất cả đều là con cháu của tổ phụ Ap-ra-ham.

Thiên Ðăng
(Báo Tinh Thần)