LỊCH SỬ
Dù Giáo hội Cơ Đốc Phục Lâm (CĐPL) chỉ chính thức thành lập với Đại Hội Đồng lần thứ nhất của họ vào năm 1863, nhưng nguồn gốc thì có thể bắt đầu trước đó mấy mươi năm. Năm 1818, qua nghiên cứu sách Đa-ni-ên chương 8 và 9, một người Mỹ tên là William Miller (1782-1849) đã tính toán rằng Đấng Christ sẽ tái lâm vào khoảng từ 21 tháng 3 năm 1843 đến 21 tháng 3 năm 1844. Cụ thể Đa-ni-ên 8:14 chép rằng:“Cho đến hai ngàn ba trăm buổi chiều và buổi mai; sau đó nơi thánh sẽ được thanh sạch”.
Phần lớn các nhà giải kinh đều hiểu “buổi chiều và buổi mai” là chỉ về thời gian 24 tiếng đồng hồ theo nghĩa đen, và thấy rằng lời tiên tri này đã được ứng nghiệm khi Judas Maccabe tái cung hiến bàn thờ của Chúa vào năm 165 TC. Tuy nhiên, Miller lại hiểu cụm từ này là “năm”, vì vậy ông tin rằng Đấng Christ sẽ tái lâm 2300 năm sau lời tiên tri của Đa-ni-ên – tức là vào năm 1843 hoặc 1844 gì đó. Một môn đồ của Miller sau đó điều chỉnh lại thành ngày 22 tháng 10 năm 1844. Khoảng 100 ngàn người đã tin theo lời dạy dỗ của Miller cho rằng Đấng Christ sắp tái lâm.
Khi Đấng Christ không tái lâm vào ngày 22 tháng 10 năm 1844 thì có một “sự thất vọng lớn”. Thế nhưng sáng hôm sau đó, Hiram Edson (1806-82) lại có một “khải tượng” giải thích rằng Miller và những người theo ông ta không tính sai ngày tháng, mà sai về sự kiện. Theo “khải tượng” mà Edson nhận được thì Chúa Giê-xu không tái lâm thế gian mà là vào đền thánh trên trời – Nơi Chí Thánh trên trời – để bắt đầu chức vụ Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của Ngài ở đó.Vài tháng sau, đầu năm 1845, một vị thuyền trưởng về hưu có tên là Joseph Bates (1792-1872) thông qua quá trình nghiên cứu đã đi đến kết luận là Cơ đốc nhân phải thờ phượng vào ngày thứ bảy mới chính xác. Năm 1846, ông xuất bản một tập sách 48 trang tóm tắt niềm tin của mình với nội dung ngày thứ bảy mới thật sự là ngày Sa bát.
Tuy nhiên, chính bà Ellen White (1827-1915) mới có tiếng nói quan trọng nhất. Năm 1844, bà bắt đầu có “khải tượng” xác nhận sự dạy dỗ của Edson và Bates, đồng thời cũng thêm vào nhiều giáo lý mới mà sau này giáo hội CĐPL tiếp nhận. Bà nhanh chóng được thừa nhận là nhà lãnh đạo tinh thần và nữ tiên tri của giáo hội CĐPL, được chính thức thành lập năm 1863 trong phiên Đại Hội Đồng thứ nhất của họ. Bà đã viết nhiều sách, và lãnh đạo giáo hội CĐPL trong hơn 70 năm.
Vào ngày chính thức thành lập vào năm 1863, Giáo hội CĐPL có 3500 tín đồ. Đến năm 1900, số tín đồ lên đến 75000; rồi hơn 1,5 triệu vào giữa thập niên 1960; và hiện nay trên dưới 10 triệu trên khắp thế giới. Trong số này chỉ có 12% tín đồ là ở Bắc Mỹ – khoảng 30% ở Phi Châu, 40% ở Trung Mỹ, Nam Mỹ và vùng Caribe.
Dù CĐPL có nhiều tín lý hoàn toàn chính thống – như giáo lý Ba Ngôi và thần tánh của Đấng Christ – nhưng họ cũng có một số tín điều đi lệch khỏi Tin lành thuần túy – như giáo lý ngày Sa bát, giáo lý chuộc tội, quan điểm công nhận bà Ellen White là nữ tiên tri được thần cảm, và giáo lý về Hội Thánh còn sót lại. Bây giờ chúng ta sẽ xét một số giáo lý này:
Ngày thứ bảy Sa bát.
Ellen White mô tả “khải tượng” của bà về vị trí của ngày thứ bảy Sa bát như sau:
“Tôi đã được cất lên trời và chỉ cho thấy nơi thánh và cấu trúc của nó. Chúa Giê-xu đã mở nắp hòm giao ước, và tôi thấy những bảng đá trên đó có viết Mười Điều Răn. Tôi kinh ngạc khi thấy Điều Răn thứ Tư nằm ngay giữ mười điều răn, với một vầng hào quang bao quanh nó”.
Qua câu trích dẫn này, chúng ta thấy rằng Giáo hội CĐPL xem Điều Răn thứ tư quan trọng hơn 9 điều răn kia. Điều này được xác nhận bởi điều 6 trong bản tuyên ngôn 13 tín điều mà người nào chịu báp tem của Giáo hội CĐPL đều phải tuyên xưng:
“Tôi tin nhận Mười Điều Răn là vẫn còn tính bắt buộc đối với Cơ đốc nhân, và mục đích của tôi là, bởi quyền năng của Đấng Christ ngự trong lòng, sẽ vâng giữ luật pháp này, kể cả điều răn thứ tư, là điều đòi hỏi phải giữ ngày thứ bảy trong tuần làm ngày Sa bát của Chúa”.
Ellen White còn đi xa hơn việc nâng điều răn thứ tư cao hơn các điều răn khác. Bà tuyên bố rằng việc vâng giữ ngày Sa bát chính là “ấn của Đức Chúa Trời”:
“Những kẻ thù của luật pháp Đức Chúa Trời, từ các mục sư truyền đạo cho đến những người nhỏ nhất, đều có một quan điểm mới về lẽ thật và nhiệm vụ. Họ nhận ra quá trễ rằng ngày Sa bát của điều răn thứ tư chính là ấn của Đức Chúa Trời hằng sống” (Đại Tranh Biện, tr. 640).
Trong Khải Huyền 9:4 có chép rằng những ai không có ấn của Đức Chúa Trời thì sẽ bị ném vào lò lửa hừng của Hố Sâu – hỏa ngục. Vì thế, sự dạy dỗ của bà Ellen White mặc định rằng tất cả những ai không tin theo giáo thuyết ngày thứ bảy Sa bát đều sẽ bị hư mất đời đời. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng dù đó là giáo lý ban đầu của Giáo hội CĐPL, nhưng nhiều tín đồ ngày nay không theo quan điểm cực đoan này, bất chấp sự dạy dỗ của các lãnh tụ tinh thần và nữ tiên tri của họ.
Kinh Thánh Nói Gì…
Nền tảng của giáo thuyết ngày thứ bảy Sa bát của Giáo hội CĐPL xuất phát từ Mười Điều Răn. Mười Điều Răn là một phần của Luật Pháp được ban qua trung gian của Môi-se cho dân Y-sơ-ra-ên vốn được Đức Chúa Trời giải cứu khỏi vòng nô lệ của Ai cập. Phục Truyền 5:3 nói rõ rằng Luật Pháp được ban cho dân Y-sơ-ra-ên chớ không phải cho cả nhân loại. Vì lý do đó, Luật Pháp không chỉ bao gồm những điều dạy dỗ về tinh thần và đạo đức (như “Trước mặt Ta ngươi chớ có các thần khác” và “Ngươi chớ giết người”) mà còn có những huấn thị về chính trị và tổ chức xã hội nữa. Ngoài ra, cũng có nhiều giáo nghi được mô tả trong Luật Pháp.
Khi Giáo hội CĐPL nói đến Luật Pháp, ý họ thường chỉ nói đến Mười Điều Răn (hoặc có khi chỉ có Điều Răn thứ Tư). Họ loại ra ngoài những luật nghi lễ và chính trị. Tuy nhiên, Kinh Thánh không hề có sự phân biệt như vậy. Khi Kinh Thánh nói đến Luật Pháp, thì đó là toàn bộ Luật Pháp – do đó nếu Giáo hội CĐPL thật sự muốn giữ Luật Pháp thì phải giữ hết cả các điều luật nghi lễ và chính trị nữa.
Dù Giáo hội CĐPL tôn cao Điều Răn thứ tư, nhưng họ vẫn không giữ điều răn này theo đúng đòi hỏi của Cựu Ước. Nếu muốn giữ đúng thì họ phải:
- Tử hình tất cả những ai làm việc trong ngày Sa bát (Xuất Ê-díp-tô ký 31:14-17).
- Không được đốt lửa trong ngày Sa bát (Xuất 31:14-17).
- Dâng một của lễ thiêu mỗi ngày Sa bát (Dân số 28:9,10).
Điều Răn thứ tư là điều răn duy nhất không được xác nhận trong sự dạy dỗ của Tân Ước. Thật ra, một số câu Kinh Thánh cho thấy việc vâng giữ ngày Sa bát là vấn đề lương tâm của mỗi tín hữu, chớ không phải là cái để vâng giữ một cách giáo điều:
“Người nầy tưởng ngày nầy hơn ngày khác, kẻ kia tưởng mọi ngày đều bằng nhau: ai nấy hãy tin chắc ở trí mình. Kẻ giữ ngày là giữ vì Chúa…” (Rô-ma 14:5,6).
“Vì vậy, chớ có ai đoán xét anh em về của ăn uống, hoặc ngày lễ, hoặc ngày trăng mới, hoặc ngày Sa bát, ấy đều chỉ là bóng của các việc sẽ tới, còn hình thì ở trong Đấng Christ”(Cô-lô-se 2:16,17).
Trong Tân Ước, chỉ có một lần đề cập đến việc giữ ngày Sa bát, đó là trong Hê-bơ-rơ 4:4-10. Tuy nhiên khúc Kinh Thánh này nói về sự yên nghỉ ngày Sa bát dành cho mọi Cơ đốc nhân trên thiên đàng, chớ không nói đến việc giữ ngày Sa bát ở dưới đất này.
Chuộc Tội.
Dù Giáo hội CĐPL được mọi người biết đến nhiều nhất qua giáo lý ngày thứ bảy Sa bát, nhưng tín lý chuộc tội của họ có lẽ mới chính là điều nghiêm trọng nhất. Nếu họ muốn thờ phượng ngày thứ bảy thay vì ngày Chúa nhật, thì đó là quyền của họ. Tuy nhiên, vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều là quan điểm sai lạc về ơn cứu rỗi và phương thức chuộc tội.
Giáo lý của họ về đề tài này được hình thành từ “sự thất vọng lớn”, phát xuất từ nhu cầu giải thích tại sao Đấng Christ không tái lâm vào năm 1844 như họ mong đợi. Để làm việc đó, họ diễn giải lại Đa-ni-ên 8:14 một lần nữa, và kết hợp khúc Kinh Thánh này với Lê-vi ký 16 để có một cách giải thích. Đáng tiếc là nỗ lực che đậy sai lầm của họ như thế đã đưa họ càng lúc càng xa rời sự dạy dỗ của Kinh Thánh về vấn đề chuộc tội.
Có một số khái niệm trong giáo lý chuộc tội của họ mà chúng ta sẽ xem xét ở đây – Nơi thánh, Cánh cửa đóng, sự Thẩm tra, con Dê thế thân.
Còn tiếp