Thứ Năm, 19 tháng 7, 2012

PHẬT GIÁO


Ai sáng lập Phật Giáo?

Thái tử Tất Đạt Đa Gô Ta Ma (Siddhartha Gauta- ma) sáng lập Phật Giáo vào khoảng năm 528 TCN tại Ấn Độ. Thái tử Tất Đạt Đa ra đời vào năm 563 TCN tại thị trấn  Kapilavaster, ngày xưa thuộc Ấn Độ, ngày nay thuộc miền nam xứ Nêpal. Thân sinh của thái tử là Suddhodhana, một tiểu  vương có thế lực và giàu sang của bộ tộc Shakya.
Đến năm 18 tuổi, thái tử Tất Đạt Đa vâng lệnh vua cha, cưới người em họ tên Yasodhara làm vợ. Sau thời gian chung sống, hai vợ chồng có được một người con trai, đặt tên là La Hầu La. Cuộc sống trên nhung lụa trong hoàng cung không đem lại cho thái tử Tất Đạt Đa một sự thỏa lòng. Trái lại, thái tử luôn cảm thấy một sự trống rỗng khó chịu trong tâm hồn mình
.

Theo tục truyền, vào năm thái tử Tất Đạt Đa 29 tuổi, lúc đi dạo ngoài thành, thái tử gặp một cụ già, một người đau bệnh và nhìn thấy một xác chết. Những điều này làm cho thái tử nhận ra cuộc đời chỉ là sanh, lão, bịnh, tử, và đời người chỉ là biển khổ, nên thái tử quyết định từ giã gia đình vợ con, tiền tài và danh vọng để trở thành một tu sĩ hành khất đi tìm ánh sáng cho sự siêu thoát và chân lý vô biên.

Trong nỗ lực tầm đạo, thái tử Tất Đạt Đa tiếp xúc với các ẩn sĩ để tìm hiểu Ấn Độ Giáo, nhưng không thỏa lòng về hệ thống phẩm trật và cách khổ tu của tôn giáo này. Sau đó, thái tử đi lên núi Tuyết Sơn, với hy vọng áp dụng phương pháp khổ tu sẽ đem lại cho chính mình sự giác ngộ. Trải qua 6 năm khổ tu trên núi không đem lại cho thái tử kết quả như mong muốn. Một hôm, thái tử quyết định lìa bỏ nơi khổ tu để đi đến bờ sông Ni Liên, ở vùng Buddh Gaya, thuộc tỉnh Bihar. Sau khi tắm rửa xong và uống một bát sữa do một cô gái chăn chiên mang đến cho. Thái tử quyết định ngồi thiền dưới bóng cây bồ đề cho đến khi nào tìm ra được chân lý vô biên và siêu thoát mới thôi. Đến ngày thứ 43, thái tử Tất Đạt Đa nhận thấy mình giác ngộ, tức là hiểu biết hết mọi bí mật của cuộc đời và vũ trụ. Sau đó thái tử Tất Đạt Đa tuyên bố đắc đạo và thành Phật, vì đã tìm ra được chân lý vô biên và siêu thoát cùng căn nguyên của sự sống và sự chết qua khổ hạnh. Như vậy, thái tử Tất Đạt Đa thành Phật năm 35 tuổi, lấy danh hiệu là Thích Ca Mâu Ni (Sakya Muni). Sau khi đắc đạo, thái tử cùng các môn đệ đi về miền sông Hằng (Găng) thu thập thêm môn đệ và rao giảng phương cách tu hành. Thái tử cho rằng nếu ai làm đúng theo lời giảng dạy của ngài đều có thể thành Phật; dù con kiến con sâu làm đúng theo lời ngài giảng dạy cũng có thể thành Phật như ngài, mà khi đã thành Phật rồi thì đương nhiên thoát ra khỏi kiếp luân hồi và không còn ở trong vòng sanh, lão, bịnh, tử nữa.

Kinh Phật cho biết vào một đêm đẹp trời, các môn đệ quây quần bên Phật Thích Ca để nghe thuyết pháp. Phật Thích Ca chỉ ngón tay về phía mặt trăng nói rằng“Kia là mặt trăng, cứ ngó theo ngón tay ta thì thấy mặt trăng, nhưng nên nhớ ngón tay ta không phải là trăng. Những lời ta giảng về đạo cũng vậy. Các ngươi cứ nghe theo lời ta giảng mà tìm đạo, nhưng nên nhớ lời giảng của ta không phải là đạo; theo lời ta dạy tự mình hành trì, tu học để giải thoát; các ngươi hãy dùng trí tuệ để nhận xét những lời của ta rồi hãy tự mình thắp đuốc mà đi”. 

Thuyết luân hồi của Phật Giáo có nguồn gốc từ Ấn Độ Giáo và Bà-La-Môn Giáo. Kinh Phật cho rằng, gieo nhân lành sẽ gặt trái tốt, còn đau khổ là do dục. Muốn hết đau khổ phải diệt dục. Điều thiện và ác của mỗi kiếp người tích lũy tạo ra “nghiệp”. Nếu tạo“nghiệp” tốt sẽ đầu thai lên kiếp làm người có địa vị giàu sang danh vọng. Nếu tạo“nghiệp” xấu sẽ đầu thai lên kiếp làm người nghèo hèn khổ cực hay điểu thú côn trùng. Mọi sự xảy ra trong cuộc sống của con người ở trần gian, dù tốt hay xấu là do“nghiệp báo” từ muôn ngàn kiếp trước. Khi nào con người diệt được hết tham, sân si, hỷ nộ, ái ố sẽ đoạt được Niết Bàn. Khi con người đoạt được Niết Bàn là thoát ra khỏi vòng luân hồi, hoàn toàn hạnh phúc, không còn đau khổ phiền lụy nữa, như ngọn đèn đã tắt, bánh xe ngừng quay, dòng suối ngừng chảy, trái bóng xẹp hơi…

Giáo lý nhà Phật dạy không có Ông Trời, Thiên Chúa hay Đấng Tạo Hóa. Phật Giáo cho rằng mọi vật trên thế gian này tự nhiên mà có và tự nhiên mà tồn tại. Thái dương hệ tự vận hành theo luật thiên nhiên, không cần phải có Đấng thiêng liêng nào điều hành sự vận chuyển của nó. Tuy vậy, trong tiềm thức của đa số người cho mình theo đạo Phật đều tin rằng, có Ông Trời ở trên cao đang điều hành vũ trụ này và số phận của con người ở trần gian. Phật Giáo còn dạy là con người không có linh hồn; con người chỉ là sự kết hợp của 5 yếu tố tâm sinh lý là vật chất, cảm giác, nhận thức, tâm thần và lương tâm mà Phật Giáo gọi là “Ngũ Uẩn” (sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn). Khi thân xác chết, Ngũ Uẩn trở về chung tử chờ gặp “cơ duyên” để luân hồi đầu thai qua kiếp khác.
Phật Thích Ca cho biết đã có hằng hà sa số Phật, tất cả chúng sinh đều có thể thành Phật. Nếu muốn thành Phật phải giữ được hết các giới cấm của luật tạng nhất là giới cấm sát sanh. Phật Thích Ca cho rằng đi bộ là giết côn trùng dưới chân, uống một ly nước lã là đã giết chết bát vạn tứ thiên (84.000) con sanh vật đang sống trong ly nước mà mình mới vừa uống đó. Suy ra, theo triết lý của Phật thì chỉ việc đi bộ trên đất hay uống một ly nước lã là đã phạm tội sát sanh, tức là phạm giới cấm quan trọng bậc nhất của nhà Phật rồi. Vậy, việc tu để thành Phật là điều khó có thể đạt được. Nên, từ ngày Đức Thích Ca đề xứng ra thuyết Vô Ngã cho đến nay đã hơn 2.500 năm rồi mà chưa thấy có một bậc chân tu nào đã thành Phật để cho người ta thờ lạy.

Nhằm mục đích làm theo các giáo lý của nhà Phật và không phạm giới cấm sát sanh của luật tạng, đa số các nhà sư của Phật Giáo ăn chay trường và không có vợ con hay làm ăn buôn bán. Trái lại, hầu hết các nhà sư của Phật Giáo Nhật Bản ăn mặn, có vợ con, có cơ sở kinh doanh làm ăn buôn bán như người đời phàm tục, nhưng họ vẫn không xem đó là vi phạm giới cấm của nhà Phật!

Năm 483 TCN, Phật Thích Ca đi đến vùng Kusinagara thuộc xứ Nêpal để thăm một người bạn làm nghề thợ rèn. Theo tài liệu của Microsoft Encyclopedia cho rằng trong bữa cơm với người bạn này, Phật Thích Ca ăn nhằm một miếng thịt heo đã thiu nên bị chết vì ngộ độc. Nhưng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam cho rằng Phật Thích Ca đã qua đời vì ăn trúng nhầm nấm độc để chứng tỏ là Phật Thích Ca đã ăn chay cho đến hơi thở cuối cùng. Thật ra, ai cho Phật món gì, ngài ăn món nấy, bất kể chay hay mặn. Phật Thích Ca hưởng thọ được 80 tuổi.

Sử liệu cho biết vào năm 161, nhà sư Khâu Đà La (Ksudra) dùng đường biển đi từ Ấn độ, tức là nước Thiên Trúc ngày xưa, đến tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam, để truyền bá Phật Giáo Nam Tông. Đến thế kỷ thứ hai, một số nhà sư từ Trung Quốc đến Việt Nam để truyền bá Phật Giáo Bắc Tông.

Vì Phật Giáo thích hợp với phong tục và tập quán của người Việt nên Đạo Phật bành trướng và phát triển rất nhanh chóng. Chẳng bao lâu Phật Giáo trở thành Quốc Giáo từ triều đại nhà Đinh (thế kỷ IX), nhà Lê, nhà Lý đến triều đại nhà Trần (thế kỷ XIV). Chính Vua Lý Thái Tổ xuất thân từ một chú tiểu của chù Tiên Sơn. Vua Trần Nhân Tông, sau khi thắng được giặc Nguyên, đã xuất gia để thành lập môn phái Thiền Trúc Lâm. Trong thời kỳ này, ở Việt Nam mỗi làng đều có chùa. Chùa không chỉ là nơi hoạt động về tôn giáo nhưng cũng là nơi để dân làng tổ chức các buổi hội hè, học kinh, học chữ do các nhà sư giảng dạy. Sân chùa là nơi để dân làng nhóm chợ. Vườn chùa là nơi thề non hẹn biển của trai gái trong làng.

Vào năm 2005, người ta ước tính có khoảng từ 150 triệu đến 300 triệu tín hữu Phật Giáo trên thế giới. Đa số người Việt Nam cho mình theo đạo Phật.