Thứ Năm, 19 tháng 7, 2012

TÀ GIÁO CHỨNG NHÂN GIÊ-HÔ-VA


I. DANH XƯNG.
Vào năm 1876, danh xưng đầu tiên của giáo phái nầy là Russelite, lấy theo tên của người lãnh đạo là Russell. Năm 1879, Russell lập Hội Tháp Canh Siôn và năm 1884, đổi tên thành Hội Tháp Canh Kinh thánh.  
Sau khi Russell chết vào năm 1916, luật sư Joseph Franklin Rutherford được cử thay thế. Ông tuyên bố mình là chứng nhân cuối cùng của Đức Giê-hô-va cho mọi dân tộc và căn cứ vào Ê-sai 43:10 để đổi tên giáo phái là Chứng nhân Giê-hô-va (CNGHV): “Đức Giê-hô-va phán: Các ngươi là kẻ làm chứng Ta, và là đầy tớ Ta đã chọn, hầu cho các ngươi được biết và tin ta, và hiểu rằng Ta là Chúa! Chẳng có Đức Chúa Trời nào tạo thành trước Ta, và cũng chẳng có sau Ta nữa”.

  

II. LỊCH SỬ.

Người sáng lập giáo phái CNGHV là ông Charles Taze Russell, sinh ngày 16 tháng 2 năm 1852 tại Hoa kỳ.
Trong thời niên thiếu, Russell chịu ảnh hưởng của hệ phái Cơ đốc Phục lâm (Cơ đốc Phục lâm An tức nhựt hay Hội thánh Sa bát hoặc Phúc âm đời đời) do William Miller khởi xướng. Miller tin rằng Chúa sẽ tái lâm vào năm 1843. Nhưng sau đó, ông đổi lại là năm 1844. Khi lời tiên đoán đó không đúng, Miller nhìn nhận sự sai lầm của mình, nhưng những tín hữu của ông không nhận như thế và tìm cách giải thích khác đi.  

Russell rất say mê đề tài nầy. Sau một thời gian nghiên cứu, ông xuất bản một quyển sách nhỏ với tựa đề “Đối Tượng và Phương Cách Chúa Tái Lâm” (The Object and Manner of The Lord’s Return) và tuyên bố Chúa sẽ trở lại trần gian vào năm 1874. Sau đó, vào năm 1877, Russell hợp tác với N.H. Barbour, một tín hữu Cơ đốc Phục lâm, xuất bản quyển “Ba Thế Giới Và Mùa Gặt Của Thế Giới Nầy”. Trong sách đó họ cho rằng Chúa Giê-xu tái lâm ẩn giấu vào năm 1874 và thế giới sẽ kết thúc vào năm 1914.  

Năm 1879, Russell kết hôn với cô Maria Frances Ackley. Ông cử bà làm tổng thư ký và tổng thủ quỹ của hội, đồng thời là chủ bút tờ Tháp Canh (tiếng nói chính thức của hội). Nhưng năm 1913, bà xin ly dị, vì theo bà “ông là người gian dối, ích kỷ, độc tài…” Ngoài ra, ông cũng phải ra tòa vì khai gian khả năng cổ ngữ và về “hạt giống phép lạ”. Ông quảng cáo loại hạt giống lúa mì của ông sẽ cho kết quả năm lần hơn hạt giống thường. Một tờ báo địa phương (Brooklyn Daily Eagle) đã vẽ tranh chế nhạo ông. Russell kiện báo ra tòa về tội lăng mạ, nhưng bị thua kiện vì không chứng minh được hiệu năng của hạt giống phép lạ. 

Nhưng sai lầm lớn nhất của Russell là quá tự phụ về bộ “Khảo học Kinh thánh” của mình (The Studies in the Scripture). Bộ sách nầy là nền tảng cho những tín hữu CNGHV trong việc nghiên cứu Kinh thánh. Ông viết: “Nếu một người bỏ bộ Khảo học Kinh thánh qua một bên, chỉ nghiên cứu Kinh thánh mà thôi, thì dù người ấy có công nghiên cứu Kinh thánh suốt mười năm, kinh nghiệm cho thấy họ sẽ đi vào bóng tối trong vòng hai năm. Trái lại, nếu một người không đọc Kinh thánh mà chỉ nghiên cứu bộ Khảo học Kinh thánh, thì chỉ hai năm sau, người đó sẽ thấy ánh sáng” (Tháp canh, 15.9.1910, tr.298).

Viết trong bộ Khảo học Kinh thánh, Russell giải thích Kim tự tháp của Ai-cập là những lời tiên tri trên đá. Vì thế, ông tổng hợp các biến cố lịch sử và chiều dài của hành lang trong Kim tự tháp để đi đến kết luận: Chúa sẽ tái lâm vào năm 1874.      
Quan điểm giải kinh của Rutherford, người kế nhiệm Russell, có nhiều khác biệt. Ông thay thế những sự dạy dỗ trước đây của Russell bằng sự dạy dỗ của mình. Việc nầy gây nên sự ly khai của nhiều nhóm, như Dawn Bible Students & Layman Home Missionary Movement.

Khi Rutherford chết vào năm 1942 thì số tín hữu của CNGHV là 115.000 người và Nathan H. Knorr lên thay thế. Knorr thành lập nhiều cơ sở kinh tế và Trường huấn luyện nhân sự. Các cơ sở kinh tế đem lại công việc làm ăn cho tín hữu, tài chính dồi dào cho hội và có nhiều tín hữu được huấn luyện ra đi truyền giáo. Khi Knorr chết vào năm 1977, thì số tín hữu đã lên đến 2 triệu người. 

CNGHV lại cho rằng thế giới sẽ chấm dứt vào năm 1975 và nhiều tín hữu cả tin đã bán hết tài sản, bỏ việc làm, bỏ học để đi từng nhà làm chứng. Nhưng lời tiên đoán đó hoàn toàn sai lạc. Phó Hội trưởng là Frederick W. Franz đã có công giúp Hội vượt qua thời kỳ khó khăn đó và ông xứng đáng thay thế Knorr trong vai trò lãnh đạo. Ông là một học giả và khác với Knorr chú tâm phát triển số lượng, ông lo về phẩm chất. Ông hệ thống giáo lý của CNGHV. 
Tờ báo chính thức của giáo phái CNGHV là “Tháp canh” (Watch Tower), còn tờ “Tỉnh thức” (Awake) dành cho người chưa tin, sách hướng dẫn học Kinh thánh là “Lẽ thật duy nhất dẫn đến sự sống đời đời”.

Ngoài ra, dưới sự hướng dẫn của Knorr, họ đã dịch một bản Kinh thánh riêng cho giáo phái của mình và xuất bản vào năm 1984: Bản “The New World Translation of the Holy Scripture” (Bản dịch hiện đại của Kinh thánh). Qua sự kiểm chứng của các nhà thần học và ngôn ngữ Kinh thánh, thì bản dịch trên không nhằm cung cấp một bản Kinh thánh hiện đại như họ tuyên bố, nhưng nhằm hỗ trợ cho hệ thống thần học của họ. Trong đó, họ dùng danh Giê-hô-va thay thế cho danh Đức Chúa Trời hay Chúa và Giăng 1:1 được dịch là “Ban đầu có Ngôi Lời… Ngôi Lời là một vị thần” để cố gắng chối bỏ thần tính của Chúa Giê-xu cũng như giáo lý Ba Ngôi.  

III. NHỮNG GIÁO LÝ SAI LẠC CỦA CNGHV. 
1. Chối bỏ thần tánh của Chúa Giê-xu.
2. Chối bỏ thân thể của Chúa Giê-xu sống lại. 
3. Chối bỏ thân vị & thần tánh của Đức Thánh Linh. 
4. Chối bỏ giáo lý Ba Ngôi. 
5. Chối bỏ sự tái lâm hiển nhiên của Chúa Giê-xu. 
6. Chối bỏ sự hình phạt đời đời dành cho kẻ ác.  
7. Chối bỏ sự bất tử của linh hồn.
Còn Tiếp