Thứ Năm, 19 tháng 7, 2012

ĐẠO BAHA’I


Ai sáng lập đạo  Baha’i ?

Vào ngày 23 tháng 5 năm 1844, Giáo sĩ Hồi Giáo thuộc phái Shiite ở Ba-tư tên là Mirza Ali Muhammad, cũng gọi là Giáo sĩ Bab, tuyên bố ông là tiên tri của Đức Chúa Trời, ngang hàng với tiên tri Muhammad của Hồi Giáo, đã thành lập được một đạo mới lấy tên là đạo “Bab.” Giáo sĩ này còn cho biết thêm là ông đã viết được bộ kinh Bayán để thay thế kinh Koran của Hồi Giáo. Ông còn hứa sẽ cải tổ các luật lệ Hồi Giáo, cấm lấy nhiều vợ hay có nàng hầu. Vị giáo sĩ này còn khẳng định là các tôn giáo trên thế giới đều đến từ Đức Chúa Trời, tức là Allah. Đã đến thời kỳ các tôn giáo này phải kết hợp lại với nhau để ở duới quyền lãnh đạo của một giáo chủ. Các lý thuyết của Giáo sĩ Mirza Ali Muhammad được dân chúng ở Ba-tư hưởng ứng, nên đạo “Bab” bành trướng mạnh lan tràn khắp nước Ba-tư trong một thời gian ngắn.


Năm 1848, vua Nasr-ed-Din của Ba-tư lên ngôi. Nhà vua nhận thấy các chủ thuyết của đạo “Bab” có nguy cơ làm tan vỡ Hồi Giáo và mang lại sự bất ổn cho nền an ninh của đế quốc Ba-tư. Nên nhà vua ra lệnh thẳng tay đàn áp nhóm người theo đạo “Bab.” Tin đồ đạo “Bab” chống lại cuộc đàn áp của nhà vua gây ra cuộc nội chiến kéo dài 2 năm, làm cho 20.000 tín hữu đạo “Bab” thiệt mạng. Giáo sĩ Mirza Ali Muhammad bị bắt và bị hành quyết tại Tabriz, Ba-tư,  ngày 9-7-1850.

Sau khi Giáo sĩ Mirza Ali Muhammad bị giết chết, một môn đệ của Giáo sĩ Mirza Ali Muhammad tên là Mirza Hoseyn Ali Nuri, cũng gọi là Giáo sĩ Baha Ullah, đứng lên lãnh đạo nhóm tín hữu “Bab” còn sống sót. Dưới sự lãnh đạo của Giáo sĩ Baha Ullah, đạo “Bab” tiếp tục bành trướng mạnh ở xứ Ba-tư và khắp vùng Trung Đông. Đến năm 1863, Giáo sĩ Baha Ullah xưng mình là tiên tri lớn nhất và là tiên tri cuối cùng của Đức Chúa Trời sau Áp-ra-ham, Phật Thích Ca, Môi-se, Đức Chúa Giê-su, Muhammad và Giáo sĩ Mirza Ali Muhammad. Vị Giáo sĩ này còn tuyên bố là ông có trách nhiệm bày tỏ các khải tượng của Đức Chúa Trời cho loài người. Baha Ullah cũng cho biết thêm là ông sẽ căn cứ trên các chủ thuyết của Giáo sĩ Mirza Ali Muhammad để thành lập một đạo mới lấy tên là BAHA’I. Chủ thuyết chính của đạo Baha’i là gom các nước trên thế giới lại để thành lập một quốc gia duy nhất, và Baha’i là tôn giáo duy nhất của quốc gia đó.

Vua Ba-tư đã từng đàn áp đạo “Bab” trước đây, nên cũng đã ra tay đàn áp đạo Baha’i, bắt giáo chủ Baha Ullah lưu đài qua Baghdad, Istanbul, Adrianople và Acre cho đến khi qua đời vào năm 1892. Ông hưởng thọ 75 tuổi, được chôn cất ở Palestine, tại Akko thuộc xứ Do Thái ngày nay.

Sau khi Giáo sĩ Baha Ullah qua đời, người con trưởng nam của ông tên là Abbas, cũng gọi là Giáo sĩ Abdul-Baha đứng lên làm thủ lãnh đạo Baha’i. Đến năm 1908, sau nhiều lần bị chánh quyền theo Hồi Giáo bỏ tù, Giáo sĩ Abdul-Baha du hành qua Âu Châu và Bắc Mỹ để phổ biến các giáo thuyết của cha mình nhằm thành lập đạo Baha’i ở các vùng đất nầy. Giáo sĩ Abdul-Baha qua đời năm 1921. Theo di chúc, ông chỉ định người cháu nội tên là Shoghi Effendi Rabbani làm Giáo sĩ Giám hộ của đạo Baha’i. Dưới sự lãnh đạo của Rabbani, đạo Baha’i bành trướng mạnh ở Hoa Kỳ. Họ xây cất được một đền thờ lớn tại Wilmette, bang Illinois, và có hơn 1.700 địa điểm cho tín hữu Baha’i sinh hoạt tôn giáo trên đất Mỹ. Đến năm 1957, Rabbani qua đời, một Hội Đồng Giám Hộ Baha’i Toàn Cầu được thành lập để điều hành các hoạt động của đạo Baha’i. Tín hữu Baha’i tin những lời truyền dạy của Giáo sĩ  Mirza Ali Muhammad, Baha-Ullah và Abdul-Baha là những lời sấm truyền của đạo Baha’i cần phải được tín hữu Baha’i gìn giữ và nghiêm chỉnh tuân hành.

Cuộc cách mạng năm 1979 lật đổ vua Shah, Chánh Phủ Cộng Hòa Hồi Giáo Ba-Tư lên nắm chánh quyền vẫn coi Baha’i là tà đạo, nên  tiếp tục đàn áp một triệu người theo đạo Baha’i sống ở Ba Tư. Trong cuộc đàn áp này, chánh quyền ra lệnh đóng cửa các cơ sở hoạt động, tịch thu tài sản của đạo Baha’i và cấm tín hữu Baha’i làm công chức hay giữ các chức vụ quan trọng trong chánh quyền. Có hàng ngàn tín hữu Baha’i bị chánh quyền giam cầm và hàng trăm người bị giết chết.

Chủ trương chính của đạo Baha’i là thành lập một  tôn giáo, một hệ thống giáo dục, một ngôn ngữ và một chánh phủ chung cho toàn cầu. Tín hữu Baha’i yêu chuộng hòa bình, chống chiến tranh, chống kỳ thị chủng tộc hay có thành kiến tôn giáo. Mục tiêu chính của nhóm lãnh đạo Baha’i là đưa các nước trên thế giới lại để làm thành một quốc gia ở dưới một tôn giáo là đạo BAHA’I. Các chủ thuyết này được Liên Hiệp Quốc và các tổ chức “Liên Tôn” hay “Hòa Đồng Tôn  Giáo” nhiệt thành ủng hộ.

Số dân chúng theo đạo Baha’i đông nhứt là ở Á châu, Phi châu, Nam Mỹ và các hải đảo ở vùng Thái Bình Dương. Vào năm 2000, đạo Baha’i có mặt trên 300 quốc gia trên thế giới với khoảng 5.500.000 tín hữu. Riêng ở Hoa Kỳ có khoảng 150.000 tín hữu theo đạo Baha’i. Hiện nay, văn phòng trung ương của đạo Baha’i tọa lạc trên đồi Carmel ở Haifa, thuộc xứ Do Thái ngày nay.