Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2012

THƯ CỦA QUỈ-- 12


Thư 12
Cháu Wormwood thân mến!

Rõ ràng là cháu đang có những tiến bộ vượt bực. Chú chỉ lo vì quá nôn nóng trong việc thúc đẩy bệnh nhân, cháu lại khiến anh ta nhận ra được tình trạng thật của mình. Chúng ta là những người nhìn thấy thực trạng này, không được phép quên rằng dưới mắt anh ta thì nó hoàn toàn khác hẳn. Chúng ta biết mình đã đem đến sự chuyển hướng trong cuộc hành trình của anh ta khiến anh ta ngày càng xa dần quĩ đạo của Kẻ Thù; nhưng anh ta phải được thuyết phục rằng những nguyên nhân đưa đến sự đời hướng này chẳng có gì quan trọng và muốn hủy bỏ lúc nào cũng được. Anh ta không được nghi ngờ rằng hiện bây giờ, dù là chậm, nhưng anh ta đang đi xa dần mặt trời trên một con đường dẫn anh ta đến không gian tối tăm, lạnh lẽo và trống rỗng.

Đó là lý do vì sao chú gần như vui mừng khi biết anh ta vẫn còn đi nhà thờ và vẫn dự Tiệc thánh. Chú biết điều này cũng có mối nguy hiểm của nó. Nhưng bất cứ điều gì cũng tốt hơn việc anh ta nhận biết tình trạng của mình bây giờ khác hẳn với những tháng đầu tiên trong cuộc sống Cơ đốc. Và khi anh ta vẫn giữ những thói quen bề ngoài của một Cơ đốc nhân thì chúng ta vẫn dễ dàng thuyết phục anh ta nghĩ mình là một Cơ đốc nhân vừa mới có thêm vài người bạn và thú vui mới, còn đời sống thuộc linh thì vẫn y nguyên như cách đây 6 tuần. Và khi anh ta còn suy nghĩ như vậy thì chúng ta không phải đấu tranh với sự ăn năn rõ ràng một tội lỗi cụ thể được nhận biết cách đầy đủ, nhưng chỉ với một cảm xúc mơ hồ, dầu không mấy dễ chịu rằng gần đây mình đã xử sự không được tốt lắm.
Nỗi ray rứt mơ hồ này cần được xử lý cách cẩn thận. Nếu trở nên quá mạnh, nó có thể làm anh ta thức tỉnh và làm hỏng hết mọi sự. Còn ngược lại nếu cháu làm cho nó hoàn toàn biến mất - điều mà Kẻ Thù có lẽ sẽ không cho phép cháu làm - thì chúng ta sẽ mất đi một yếu tố có thể đem lại ích lợi cho chúng ta. Nếu một cảm nghĩ như vậy được nuôi dưỡng nhưng không được phép phát triển thành sự ăn năn thật thì ảnh hưởng của nó quả là vô giá. Nó khiến cho bệnh nhân ngày càng không muốn nghĩ đến Kẻ Thù. Hầu hết mọi người ở mọi thời đại đều có những lúc giống như vậy, nhưng nếu nghĩ đến Kẻ Thù tức là đối diện với sự trào dâng của mặc cảm tội lỗi thì sự không muốn nghĩ này còn tăng gấp bội phần. Họ ghét tất cả những gì nhắc nhở đến Hắn y như những người đang gặp khó khăn về tài chánh căm thù cuốn sổ kế toán vậy.
   Trong giai đoạn này, bệnh nhân của cháu cũng vẫn làm tròn các bổn phận tôn giáo nhưng với sự chán ngắt ngày càng gia tăng. Anh ta sẽ chẳng nghĩ trước đến những bổn phận này và khi làm xong thì quên ngay. Nếu cách đây vài tuần cháu phải lo cám dỗ thì bây giờ cháu sẽ thấy anh ta mở rộng vòng tay đón cháu và gần như van xin cháu làm anh ta quên đi mục đích của mình cũng như làm cho lòng anh ta tê cứng lại. Anh ta muốn nói những lời cầu nguyện giả dối vì điều anh ta sợ lớn hơn cả là một sự tiếp xúc thực sự với Kẻ Thù. Mục đích của anh ta là không khuấy động mặt nước ao tù.
Và khi anh ta cứ càng lún sâu vào tình trạng này, cháu sẽ từ từ thoát được công tác nặng nề là cung cấp những cám dỗ trá hình thành các thú vui. Vì không muốn đối diện với cảm giác khó chịu cứ lớn dần anh ta sẽ mất đi hạnh phúc thật. Và vì thói quen khiến những thú vui phù phiếm và nhạo báng bớt đi hấp dẫn nhưng lại khó từ bỏ (đây là những hiệu quả tốt đẹp của thói quen), nên cháu sẽ thấy bất cứ điều gì hay nhiều khi chẳng có gì cũng đủ để lôi cuốn tâm trí vơ vẩn của anh ta. Cháu không còn cần đến một cuốn sách hay mà anh ta thực sự ưa thích để ngăn cản anh ta cầu nguyện, làm việc hay ngủ; một cột quảng cáo trong tờ báo ngày hôm qua là đủ. Cháu có thể làm anh ta phí phạm thời giờ, không chỉ vào những cuộc trò chuyện thú vị với những người anh ta yêu mến mà bằng cả những cuộc trò chuyện với những người anh ta chẳng bận tâm đến và về những đề tài anh ta chán ghét.
Cháu có thể khiến anh ta chẳng làm gì trong khoảng thời gian dài. Cháu có thể khiến anh ta thức rất khuya không phải để chè chén ầm ĩ mà chỉ để ngồi nhìn một ngọn lửa đã tàn trong một căn phòng lạnh lẽo. Tự anh ta sẽ không màng đến những hoạt động lành mạnh ngoài trời mà chúng ta vẫn không muốn cho anh ta tham gia, để rồi không nhận được gì cả, đến nỗi cuối cùng anh ta có thể nói, như một bệnh nhân của chú đã nói, lúc bước xuống địa ngục: "Bây giờ thì tôi nhận ra rằng gần suốt cuộc đời tôi, tôi đã không làm gì hết, cả những điều tôi đáng phải làm lẫn những điều tôi ưa thích". Bọn Cơ-đốc nhân thường mô tả Kẻ Thù là "Đấng mà ngoài Ngài không có gì là mạnh mẽ ". Và "không có gì" thì rất là mạnh, đủ mạnh để cướp mất đi của một con người những tháng năm đẹp đẽ nhất, không phải bằng những tội lỗi êm ái mà bằng những nỗi chao động ảm đạm của tâm trí, bằng sự thỏa mãn những nỗi ham hiểu biết ít ỏi đến độ người ấy hầu như không ý thức được, bằng những nhịp tay, nhịp chân và tiếng huýt sáo theo điệu nhạc mà anh ta không ưa thích hay bằng những ngõ ngách tăm tối của những mộng mơ mà không có ngay cả sự ham muốn xấu xa hay tham vọng để gây chút hứng thú. Thế nhưng một khi chúng hình thành do một sự kết hợp ngẫu nhiên thì con người ấy vì quá yếu đuối sẽ chẳng thể nào vứt bỏ được.
Cháu sẽ nói rằng đó là những tội lỗi quá nhỏ và có lẽ giống như tất cả những nhà cám dỗ trẻ tuổi khác, cháu nôn nóng được tường thuật lại những tội ác nổi bật. Nhưng hãy nhớ điều quan trọng duy nhất là khoảng cách giữa bệnh nhân và Kẻ Thù. Những lỗi lầm dù nhỏ đến đâu cũng không sao miễn là hiệu quả tích lũy của chúng đẩy bệnh nhân ra khỏi ánh sáng và vào trong sự Hư không. Tội giết người cũng không tốt hơn tội đánh bài nếu những lá bài có thể hoàn thành nhiệm vụ. Thật vậy, con đường xuống Địa Ngục an toàn nhất là một con đường dốc nhẹ, êm ái cho bước chân đi, không có những chỗ ngoặc bất ngờ, không có cột mốc cũng như không có bảng chỉ đường.
Chú thân yêu của cháu.
                                                                                               Screwtape