Thứ Năm, 19 tháng 7, 2012

ẤN ĐỘ GIÁO--1




 
1. Những hoàn cảnh và lý do đặt vấn đề:
Những lý do địa dư và nhân chủng : Tôi vẫn thường thắc mắc tự hỏi, người việt nam và dân tộc việt nam có liên hệ gì với Ấn độ. Liên hệ với Trung Hoa thì kể là khá rõ rệt, qua trên 4 ngàn năm lịch sử: từ địa dư, chủng tộc và nhất là văn hóa, đạo đức và xã hội. Việt Nam liên hệ với Ấn Độ qua danh xưng " Ấn Độ - Chi na " (Indochine) chăng? Thoạt tiên có người tưởng đây là một dân tộc thứ ba được phát sinh từ hai dân tộc và hai nền văn minh Hoa-Ấn. Nhưng lịch sử cho biết, tên " độ - Chi na " chỉ mới được đặt ra vào năm 1885 do một hiệp ước Hoa-Pháp nhìn nhận quyền cai trị của Pháp trên các lãnh thổ gọi là "vùng đất độn " nằm giữa Thái Lan, Miến Điện và nam biên giới Trung Hoa, gồm cách riêng ba miền việt nam là Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ cùng với các nước Căm Bốt và Ai Lao. Việc phân chia đất đai nầy nằm vào trong khung cảnh bành trướng thị trường và thuộc địa, cách riêng của hai cường quốc âu châu hồi bấy giờ là Anh và Pháp, tại vùng Nam Á từ Ấn Độ xuyên qua Đông Nam Á cho đến Đông Á là Trung Hoa.

Nhưng nếu chỉ với một danh xưng như thế, thì người việt nam vẫn chưa thấy gắn bó gì với Ấn độ. Hay nữa qua giả thuyết của tác giả Bình Nguyên Lộc thì dân tộc Ấn tại vùng núi Himãlạpsơn với Việt Nam có liên hệ "ông-cháu" chăng: tác giả Bình Nguyên Lộc qua quyển sách dày 896 trang của ông với tên Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam (xb Sàigòn, 1971) đã khảng khái cho biết: "Ta thuộc chủng tộc Mã Lai... và Mã Lai chủng phát tích ở Himalaya " (trg 885).
b) Những lý do nguồn gốc triết học và đạo giáo : Một sự kiện khác có chất liệu lịch sử và tâm linh hơn, đó là đạo Phật mà ảnh hưởng từ 20 thế kỷ nay đã ăn sâu vào văn hóa, tâm hồn và cuộc sống của người việt nam, đã được phát xuất từ Ấn độ. Dẫu rằng đạo Phật ở Việt Nam cũng như ở các nước Trung Hoa và Nhật Bản đã có những biến đổi lớn so với Phật giáo nguyên thủy ở Ấn độ, cũng như Phật giáo nguyên thủy ở Ấn Độ đã là một đạo pháp "thệ phản" (protestant) đối với các hình thức ấn giáo trước đây vào những thế kỷ thứ 6 và thứ 5 ttl, dẫu vậy, đạo Phật vẫn có những mối liên hệ mật thiết, thâm sâu và rộng lớn đối với nền văn hóa và tôn giáo ấn độ, kể cả từ thời các kinh Vệ Đà từ thiên niên thứ 2 ttl và cả từ thời văn hóa lưu vực Ấn Hà vào thiên niên thứ 7 ttl với những tọa pháp yoga đã được thực hiện từ trong thời kỳ nầy (như sẽ bàn đến trong một đoạn sau).
Rất gần đây, vào những thập niên 60 và 70 vừa qua, môn triết học đông phương trong các trường đại học ở Việt Nam vẫn đã từng giảng dạy về triết học trung hoa cũng như triết học ấn độ. Lý do được đưa ra về môn triết học Ấn Độ vẫn đã là những quan điểm tâm linh mà xã hội hiện đại với những khoa học kỹ thuật và những ý thức hệ vật chất, cạnh tranh và hưởng thụ không thể không biết đến, nếu các xã hội đó còn muốn là những xã hội con người . Và gần đây hơn nữa, trong mấy năm vừa qua của thập niên cuối cùng trước ngưỡng cửa thế kỷ 21, tại Việt Nam đã có nhiều xuất bản về nhiều khía cạnh của nền văn hóa và đạo đức ấn độ, kể từ những lợi ích thực tiễn của các khoa dưỡng sinh nhờ sinh khí và các năng lượng sinh học cho đến những tư tưởng đạo học và triết lý. Điều rất đặc sắc là những vấn đề triết lý và đạo đức nầy không phải chỉ do các triết gia hoặc các nhà đạo đức đề xuất, nhưng lại là do các nhà khoa học tự nhiên trong các ngành như toán học và vật lý học thuộc các viện và các trường đại học công khai hiện hành đã đề xướng, chủ trương và quảng bá phát huy: những Hành trình về phương Đông , những Tích hợp đa văn hóa Đông Tây , những Năng lượng sinh học trong cuộc sống , những Yoga: quyền năng và giải thoát ... .
c) Những lý do trao đổi văn hóa đạo đức và xây dựng một nền thần học bản địa : Câu trích dẫn làm tiêu đề đầu bài trên đây của Max MỶller (1823-1900), ông tổ của khoa học tôn giáo tham chiếu, đã nói lên được nhu cầu và yêu sách trao đổi về đạo đức và văn hóa Đông-Tây trên một bình diện toàn cầu cho thời đại thông tin ngày hôm nay; một nhu cầu đến với nền văn hóa và tâm linh Ấn Độ để đích thực tiếp cận với cuộc sống và những vấn đề căn bản của cuộc sống, đồng thời là một yêu sách để cuộc sống có khả năng được phát triển toàn diện và xã hội con người có khả năng được trở nên đích thực là những xã hội con người.
Đối với Mahatma Gandhi (1869-1948) - một người thuộc Ấn Độ giáo - con người, sứ điệp và cuộc tử nạn của Đức Giêxu đã gây một tác động vô cùng lớn lao. Ba nguyên tắc sống căn bản của Gandhi là sự thật, bất bạo động và phục vụ con người. Trong các bài viết "Đức Giêxu, Đấng tôi yêu kính " (Young India , 31.12.1931) và "Đức Giêxu có ý nghĩa gì trong đời tôi " (Modern Review , 10.1941), Gandhi đã trình bày, con người và sứ điệp của Đức Giêxu đã tác động mãnh liệt trên ông và đã làm cho ông thêm vững tin vào xác tín một cuộc sống dấn thân cho sự thật, sự công chính và cho một cuộc đấu tranh bất bạo động. Ông nói, điều đánh động ông nhất là "giới luật mới " Đức Giêxu đã ban hành và lời căn dặn không báo oán trả thù, như chính Đức Giêxu đã từng thực hiện qua cuộc sống và cái chết của Ngài. "Đức Giêxu là nguồn sức mạnh lớn nhất mà một con người có thể tìm thấy, Ngài là bức gương cao cả nhất của một con người chỉ biết hiến tặng mà không đòi hỏi đền đáp... Và như thế, Đức Giêxu không chỉ thuộc về một mình Cơ đốc giáo, nhưng là cho cả thế giới, cả nhân loại, cho mọi nòi giống và mọi chủng tộc" . Sự tiếp nhận cực kỳ phong phú của Mahatma Gandhi đối với con người và sứ điệp của Đức Giêxu đã là một câu hỏi khẩn trương đặt ra cho những kẻ tin Chúa, phải đón nhận thế nào và thực hiện ra sao sứ điệp và con người của Đức Giêxu trong suy tư và nếp sống được thể hiện trong nền văn hóa, đạo đức và xã hội của mình.
Bước đầu tiên trên con đường thực hiện một nền thần học và đạo đức bản địa chính là phải trở về tìm hiểu cho thật trung thực và chính xác nền văn hóa và đạo đức cổ truyền của mình; nhất là đối với nền tư tưởng Ấn Độ và qua cách diễn tả cực kỳ súc tích và nghịch lý của nền văn hóa nầy, người tây phương và những người á châu tây phương hóa thường đã hiểu sai lạc rất nhiều về những khái niệm căn bản tỉ như sự đồng nhất giữa tiểu ngã (âtman) và Đại Ngã (Brahman), những nguyên lý nhất thể, nhị nguyên và phi nhị nguyên (advaita: non-dualisme), sự ảo ảnh (mâya) của thế giới vạn vật... Những tìm hiểu sau đây trong bài nầy chỉ là một đóng góp nhỏ và bước đầu vào chủ đích thiết yếu nói trên.
VŨ TRỤ VÀ THẦN LINH


a) Trật tự vũ trụ: Các tôn giáo Ấn Độ đều bắt nguồn từ một truyền thống dân tộc trải qua nhiều thiên niên, với nhiều biến hình, nhiều thay đổi, nhưng tựu trung vẫn là những gắng gỗ tìm hiểu bản chất của vũ trụ và của thần linh cũng như quan hệ giữa hai thực tại đó. Những quan niệm khác biệt về các vấn đề nầy không nhất thiết phải là đào thải lẫn nhau, nhưng là đứng cạnh bên nhau, vì người Ấn xem đây là những bình diện cảm nghiệm có thể khác nhau, nhưng vẫn bổ túc cho nhau. Cả đến ngày hôm nay nữa, những cảm nghiệm tôn giáo vào thời nguyên thủy veda vẫn còn có giá trị đối với rất nhiều người Ấn. Họ cảm nghiệm vũ trụ không phải như đối tượng cho con người thống trị, nhưng nhìn thấy trong vũ trụ sự hiện diện của rất nhiều sinh lực và quyền năng có tác vụ sắp đặt, bảo trì hoặc nữa là xáo động và tiêu hủy, và do đó có thể ảnh hưởng đến con người.
Những quan niệm về sinh lực và quyền năng trong vũ trụ đó đã được biểu hiện trong văn chương thần thoại và trong các tôn giáo bình dân. Có những thần trời (deva) và những thần hạ địa (asura), những sức lực của ánh sáng và những sức lực của tối tăm, những sức lực của trật tự và những sức lực của biến động và sinh sống. Hai loại sức lực nầy chống đối nhau, trong khi con người sống và hành động giữa môi trường đối nghịch đó.
Nhưng vượt hẳn lên trên thế giới thiên linh và địa linh nầy là thế giới các vị thần lớn Brahmâ (Phạm Thiên), Vishnu và Shiva; mỗi vị đại thần nầy là trung tâm một tôn giáo hay một giáo phái. Sau nầy mỗi giáo phái nầy đều nhìn nhận cả 3 vị đại thần nói trên như 3 tác vụ khác nhau của cùng một Thượng Đế: Brahmâ như là thần sáng tạo, Vishnu là thần bảo trì và Shiva là thần phá hủy và đổi mới. Thượng Đế tối cao nầy có nhiều danh xưng: là Thượng Đế hữu ngã (Ĩshvara) đối với tín đồ Shiva, Đấng Tối Cao (Bhagavân) đối với tín đồ Vishnu, là Nữ Thần Sinh Lực (devĩ) đối với tín đồ giáo phái Shâkta, trong khi giáo phái Brahmâ bị mai một đi.
Nếu có người nói đến tôn giáo đa thần của người Ấn, đó là họ chỉ về thế giới thần linh đã có nói đến trong veda, nhưng sau nầy với thời gian đã mất đi rất nhiều tác dụng. Người ta nhờ cậy các vị thần lành (devas) - đứng đầu là thần Indra - và sợ hãi tránh xa các thần dữ (asuras). Các vị thần nầy là những linh hồn ở một cấp khác và thuộc về một kiếp luân hồi khác, với nhiều khả năng và quyền lực hơn con người; nhưng họ vẫn sống tương đương như cuộc sống của con người: có vui có giận buồn, có mạo hiểm, và do đó họ hiểu được những thống khổ cũng như những nguyện vọng của con người.
Chính vì người Ấn sống lăn lộn giữa các sức lực và ảnh hưởng của thiên nhiên vừa đầy mâu thuẫn nhưng lại vừa bổ túc lẫn nhau, nên họ không quan niệm một tương phản gắt gao giữa lành và dữ, thiện và ác. Đối với họ, chỉ có tốt và ít tốt hơn. Họ không có quan niệm về quỷ , ngay như ý niệm về Ma Vương (Marâ, quen thuộc trong Phật giáo) cũng không hẳn là quỷ . Những sức lực ngoài thiên nhiên cũng như trong con người đều có tính dị nghĩa: có thể tích cực mà cũng có thể tiêu cực. Thần mưa thần nắng có thể vừa phát động sự sống mà cũng vừa có thể gây hủy diệt tai ương. Nhiều trình thuật ẩn dụ và thần thoại nói đến cuộc giao chiến giữa các thần lành và các thần dữ, đe dọa phá hủy trật tự của vũ trụ thiên nhiên, nhưng rồi để lập lại trật tự đó. Trật tự vũ trụ không phải là một cái gì bất động, nhưng là một thăng bằng giữa các lực lượng trời đất. Trật tự nầy không nằm trong tay những nhân vật độc tài, kể cả trong tay một vị thần độc đoán nào.
b) Thời gian vũ trụ: Trật tự đồng thời là một trật tự chu trình , một trật tự mà các biến sự trong vũ trụ được tái diễn thành chu kỳ. Kinh nghiệm cho thấy không có gì bắt đầu mà cũng không có gì chấm tận. Một sự kiện tiêu hủy nầy đồng thời là một bắt đầu mới khác. Có những chu kỳ thời gian trong cuộc sống cá nhân, xã hội, thiên nhiên và thế giới. Những chu kỳ thế giới rất dài rộng, bắt đầu với sự sáng tạo của thần Brahmâ rồi kết thúc với sự tiêu hủy do thần Shiva, để rồi cứ thế tiếp tục sáng tạo và tiêu hủy. Có 4 đại thời kỳ trong chu kỳ vũ trụ, giống như trong quan niệm hi lạp. Đại thời kỳ một : khi thế giới vừa từ tay Brahmâ xuất hiện và tri thức thánh thiêng được tỏ bày cho con người. Lúc nầy trật tự vũ trụ cả về mặt tự nhiên cả trên bình diện luân lý đều ở trong một tình trạng hoàn hảo. Đại thời kỳ hai : là khi trật tự vũ trụ xa lìa trạng thái hoàn hảo sơ thủy và trở nên xáo trộn và đồi bại. Lúc nầy thần Vishnu phải can thiệp để lập lại trật tự vũ trụ, bằng cách hóa thân giáng thế (avatâra); ngài lập lại thăng bằng trong thiên nhiên và đem lại tri giác veda cho con người. Đại thời kỳ ba : liên tục có nhiều lần hóa thân của thần Vishnu; đây là những truyền thuyết thần thoại và ẩn dụ trên nền tảng một số biến sự lịch sử. Hai lần hóa thân quan trọng nhất là trong hình thể vị quốc vương gương mẫu Râma được kể lại trong bản hùng ca Râmâyana (biên soạn: tk 4 ttl) và lần thứ hai trong hình dạng Krishna được kể lại trong bản Chí Tôn Ca (Bhagavadgĩtâ, biên soạn: trước tk 2 ttl). Đại thời kỳ thứ tư : được bắt đầu với lễ đăng quang của vua Parĩshit vào năm 3102 ttl. Vishnu lại một lần hóa thân nữa, lần nầy dưới hình dạng đức Phật.
Hôm nay ta đã đang ở trong thiên niên thứ 6 của thời kỳ sau cùng, Kali-Yuga . Kể từ năm 1996 nầy, thời đại Kali-Yuga nầy còn kéo dài 426903 năm nữa trước lúc kết thúc. Khi ấy trái đất sẽ nhờ lửa, gió và nước để lại được thanh tẩy và đổi mới. Một sáng tạo mới, rồi lại một chu kỳ mới; cứ thế kéo dài mãi vô cùng tận. Các thần linh cũng được xuất hiện rồi qua đi; cuộc đời của họ cũng tương đối ngắn, quãng từ 36 000 đến 38 880 năm, nghĩa là từ 100 đến 108 thần năm ; còn vương thần Indra thì đến 306 720 000 năm, nghĩa là dài đến 71 đại chu kỳ thế giới, hay chỉ là 48 phút so với cuộc đời của Brahmâ hoặc Shiva. Khi một ngày của Brahmâ qua đi, có nghĩa là một thế giới đã tàn và một thế giới mới đã xuất hiện. Cứ như thế cho đến khi Brahmâ 120 tuổi để rồi lại đắt đầu một chu kỳ mới. Trong khi đó thì một ngày của Vishnu đã hết và một đêm của Vishnu lại đã bắt đầu. Tính theo thời gian của con người thì một ngày một đêm của Vishnu như thế là 795 thiên tỉ năm. Có những bản văn nói rằng, khoảng thời gian đó cũng chỉ là một nháy mắt của Vishnu vĩnh cửu.
Sở dĩ thời gian vũ trụ và thần linh được ghi lại như trên, là để ta cũng phần nào cảm nghiệm được với truyền thống của người Ấn về thời gian, thời gian vô cùng tận. Mỗi con người cứ thế lặp lại cuộc sống cho đến khi đạt tới tình trạng thần linh. Không gian cũng vô cùng tận, người Ấn nghĩ rằng, Thượng Đế tạo hóa không chỉ tác tạo một trái đất, một mặt trời, một mặt trăng và các tinh sao trong thế giới của chúng ta, nhưng còn vô vàn thế giới tương tự như thế. Giống như những cánh hoa sen, các vũ trụ thế giới cứ trôi chảy trên dòng nước vô tận mà trên đó thần Vishnu yên nghỉ. Như những cánh hoa sen, các vũ trụ thế giới cứ nở và cứ tàn, để rồi lại xuất hiện và qua đi. Nhưng rồi một câu hỏi: thế giới nầy, hoặc nữa muôn vàn thế giới nầy đã xuất hiện như thế nào?
Còn Tiếp