Thư
4
Cháu Wormwood thân mến!
Những lời gợi ý "tài tử" trong lá thư trước của cháu làm
chú nghĩ rằng đã đến lúc phải nói với cháu một cách đầy đủ về đề tài hết sức
đau đầu: sự cầu nguyện. Cháu đã có thể không phê bình lời khuyên của chú về vấn
đề anh bệnh nhân cầu nguyện cho bà mẹ là "hoàn toàn vô bờ". Đó không
phải là cách một đứa cháu nói với chú mình hoặc như một tên cám dỗ cấp dưới nói
với thứ trưởng của một bộ. Điều đó cũng bày tỏ thái độ trốn tránh trách
nhiệm; cháu sẽ phải học cách trả giá những sai lầm của mình.
Điều tốt nhất là ngăn cản anh ta cầu nguyện nghiêm chỉnh bất cứ
khi nào có thể. Khi bệnh nhân là một người đã trưởng thành trở lại theo phe Kẻ
Thù - như trường hợp bệnh nhân của cháu - thì cách tốt nhất là khích lệ anh ta
nhớ lại những lời cầu nguyện như vẹt của anh khi còn bé. Như một phản ứng chống
lại điều này, hãy thuyết phục anh ta nhắm đến một điều gì hoàn toàn tự phát,
thuộc nội tâm, không theo nghi thức, và hiệu quả của điều này sẽ là một nỗ lực
từ phía bệnh nhân để tạo cho mình một trạng thái tin kính mơ hồ, không hề có sự
tham gia của ý chí và trí tuệ. Coleridge thi sĩ của chúng, đã thuật lại rằng
hắn ta không hề quì gối và mấp máy đôi môi khi cầu nguyện mà chỉ tự tạo một
tinh thần thương yêu và buông mình trong sự khẩn nài. Đó là loại cầu nguyện mà
chúng ta muốn và chính vì bề ngoài nó giống như cách thầm nguyện của những
người làm việc trưởng thành của Kẻ Thù nên những bệnh nhân thông minh và lười
biếng cũng có thể bị lừa trong một thời gian khá dài. Ít nhất thì cũng phải
thuyết phục chúng là tư thế của thân thể không ảnh hưởng gì đến lời cầu nguyện;
chính vì luôn luôn quên cái điều mà lúc nào cháu cũng phải nhớ, chúng là những
con vật và tất cả những gì thân thể chúng làm đều có ảnh hưởng đến linh hồn
chúng. Thật khôi hài khi loài người cứ cho rằng chúng ta nhồi nhét những tư
tưởng vào tâm trí chúng, nhưng thật ra công việc của chúng ta có hiệu quả tốt
nhất là khi ngăn cản những tư tưởng xâm nhập vào tâm trí chúng.
Nếu không làm được điều nêu trên, cháu có thể xoay sang cách
chuyển hướng nhìn của bệnh nhân. Bất cứ khi nào chúng hướng về chính Kẻ Thù thì
chúng ta chịu thua nhưng có cách để ngăn cản điều này. Cách đơn giản nhất là
khiến chúng thôi không nhìn xem Hắn nữa mà nhìn xem chính mình. Hãy khiến chúng
xem xét tâm trí của chúng và cố gắng làm nảy sinh ra những tình cảm theo ý
riêng của chúng. Khi chúng định xin Hắn lòng nhân đức thì hãy để cho chúng bằng
sức riêng cố gắng tạo ra những tình cảm nhân đức mà không hề ý thức được điều
chúng đang làm. Khi chúng định cầu xin lòng can đảm thì hãy để cho chúng thực
sự cố gắng cảm thấy can đảm. Và khi chúng cầu xin sự tha thứ thì hãy để chúng
cố gắng cảm thấy được tha thứ. Hãy dạy cho chúng thấy giá trị của lời cầu
nguyện là làm phát sinh ra được tình cảm mong muốn. Và đừng khi nào để chúng
mảy may ngờ rằng sự thất bại hay thành công theo loại này tùy thuộc vào tình
trạng mạnh, yếu hay mệt mỏi của chúng vào lúc đó.
Đang khi ấy, đương nhiên Kẻ Thù cũng không hề rỗi chơi. Bất cứ khi
nào có sự cầu nguyện là có nguy cơ Hắn hành động tức thời. Hắn chẳng đếm xỉa gì
đến địa vị cao trọng của Hắn và của chúng ta, những linh thuần túy, và cứ hễ
bọn súc sinh kia quỳ gối xuống là Hắn chẳng hề hờ thẹn giúp cho chúng hiểu về
chính Hắn ngay. Nhưng ngay cả khi Hắn phá hỏng việc đánh lạc hướng của cháu thì
chúng ta cũng còn một vũ khí tinh vi hơn. Điểm khởi hành của bọn con người
không phải là sự nhận biết trực tiếp về Hắn, mà bất hạnh thay, chúng ta thì
không tránh được. Bọn chúng chưa từng nhìn thấy cái ánh sáng đáng sợ, chói lòa,
thấu suốt và thiêu đốt, nỗi đau thường xuyên đằng sau cuộc sống chúng ta. Nếu
nhìn vào tâm trí của tên bệnh nhân khi đang cầu nguyện, cháu sẽ không thấy điều
đó. Nếu nhìn vào đối tượng mà anh ta đang cầu nguyện, cháu sẽ thấy đây là một
đối tượng bao gồm nhiều thành phần kỳ cục. Những hình ảnh của Kẻ Thù khi Hắn ta
xuất hiện ở cái thời kỳ nhục nhã gọi là Giáng sinh rồi những hình ảnh mơ hồ hơn
- có lẽ hoàn toàn man dại và trẻ con - về hai Ngôi kia. Sẽ có một ít hình ảnh
về sự tin kính của chính anh ta và những cảm xúc kèm theo được nhân cách hóa và
gán cho đối tượng anh ta đang tôn thờ.
Trong một
số trường hợp chú biết cái mà bệnh nhân gọi là "Chúa" thật sự được
đặt ở góc trái trên trần phòng ngủ anh ta hay ngay trong đầu anh ta hoặc tại
cây thánh giá treo trên tường. Dù bản chất của đối tượng đó là gì, cháu vẫn cứ
phải khiến cho anh ta tiếp tục cầu nguyện với nó, với vật mà anh ta đã làm ra
chứ không phải với Đấng đã tạo ra anh ta. Cháu còn có thể khuyến khích anh ta
chú tâm đến việc hoàn chỉnh cái "đối tượng" của mình và luôn để nó
trước tâm trí mình trong suốt thời gian cầu nguyện. Vì nếu một khi anh ta có
thể phân biệt được, và nếu anh ý thức hướng lời cầu nguyện của mình "không
phải đến những điều tôi nghĩ về chúa mà là đến những gì chúa biết về Ngài"
thì chúng ta sẽ lâm vào tình cảnh tuyệt vọng. Một khi tất cả những suy nghĩ và
hình ảnh được quét sạch khỏi đầu anh ta hay nếu có giữ lại thì được giữ lại với
một ý thức đầy đủ về tính chất chủ quan của chúng, và một khi bệnh nhân để lòng
tin cậy vào sự hiện diện vô hình, thực hữu, bên ngoài, đang ở cùng anh ta trong
phòng, và biết rõ về anh hơn anh biết về nó, thì đó là lúc cái điều không ngờ
trước được sẽ xảy ra. Để tránh cái tình trạng này - linh hồn thật sự phơi trần
ra trong sự cầu nguyện - cháu có một yếu tố thuận lợi: đó là con người không hề
mong muốn điều này như họ tưởng đâu. Đó chính là nhận được quá điều cầu mong!
Chú thân yêu của cháu.
Screwtape