IX. LOÀI NGƯỜI.
TIỀN HIỆN HỮU.
Dù Kinh Thánh rõ ràng đặt sự khởi đầu của con người vào ngày thứ sáu sáng thế của Đức Chúa Trời. “Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài… Ngài dựng nên người nam cùng người nữ” (Sáng thế ký 1:26-31). Nhưng giáo phái Mormon tin rằng tất cả mọi người trước đó đều hiện hữu ở dạng thần linh. Như đã nói ở trên, Chúa Giê-xu là con thần linh đầu tiên của Đức Chúa Trời (A-đam) và vợ ngài là Ê-va, Satan là con thứ hai, và sau đó là nhiều con cái thần linh khác - bao gồm tất cả những người đã từng sống, và sẽ sống trên đất. Mỗi người con thần linh như thế đều được ban cho ý chí tự do, và thế là một phần ba nổi loạn với Satan, và bị tước mất cơ hội mang lấy hình người. Những ai quyết định theo Chúa Giê-xu thì được Đức Chúa Trời ban cho thân xác con người.
Khi các linh hồn đó nhận được thân xác trên đất, thì được gán cho một cái “màn lãng quên” để không còn nhớ cuộc đời thần linh trước kia của mình nữa. Như thế có nghĩa là con người sẽ phải sử dụng ý chí tự do của mình để quyết định làm lành hay làm ác. Nhưng đối với những ai quyết định làm lành, thì được hứa ban cho nhiều điều kỳ diệu, như chúng ta sẽ thấy.
X. KHẢ NĂNG TRỞ THÀNH ĐỨC CHÚA TRỜI.
Chúng ta đã biết giáo lý Mormon nói rằng, Đức Chúa Trời xưa kia cũng là con người bằng cách trưng dẫn lời của Hội Trưởng Lorenzo Snow. Thế nhưng chúng ta chỉ mới xét có một phần của câu trích dẫn:“Con người ngày nay ra sao, Đức Chúa Trời ngày xưa cũng như vậy”. Thật ra câu này còn tiếp tục cho thấy giáo phái Mormon tin như thế nào về khả năng của con người: “Con người ngày nay ra sao, Đức Chúa Trời ngày xưa cũng như vậy; như Đức Chúa Trời ngày nay ra sao, con người mai sau cũng có thể như vậy”.
Từ câu trích dẫn này chúng ta thấy rằng con người có khả năng trở thành một Đức Chúa Trời. Thần tánh là phần thưởng cho những ai theo Đức Chúa Trời hết lòng ở thế gian này.
XI. TẦM QUAN TRỌNG CỦA GIA ĐÌNH.
Còn một yếu tố quan trọng khác mà một tín đồ Mormon muốn trở thành Đức Chúa Trời phải có - người đó phải có vợ (nhiều vợ). Nếu người đó làm đủ số việc lành, làm trọn nhiệm vụ của mình với giáo hội, và thực hiện “lễ cưới thiêng liêng” với vợ, thì hội đồng các thần sẽ chỉ định người đó làm Chúa Trời của một hành tinh mới, giống như trái đất, mà người đó và vợ (hay các bà vợ) của mình sẽ sanh con đẻ cái ở đó. Nếu không có vợ, người đó sẽ không thể cung cấp dân số cho hành tinh mới được, do đó gia đình có ý nghĩa rất quan trọng đối với tín đồ Mormon.
Kinh thánh dạy cho con dân của Đức Chúa Trời: “Ai không cưới vợ thì chăm lo việc Chúa, tìm phương cho Chúa đẹp lòng” (I Cô-rinh-tô 7:32b).
XII. ĐA THÊ.
Tháng 7 năm 1843, Joseph Smith hô hào là đã nhận được một khải thị mới nói rằng đàn ông phải có nhiều vợ và hầu thiếp. Khải thị này hẳn là vợ ông, bà EMormona Smith, khó lòng chấp nhận - cho nên ông đã kèm theo đó một khải thị đặc biệt dành cho vợ mình:
“Và nữ tôi tớ của ta, EMormona Smith, phải chấp nhận mọi điều đã phán truyền cho tôi tớ ta là Joseph... Nhưng nếu nàng không chịu vâng theo mệnh lệnh này thì sẽ bị hủy diệt, Chúa phán như vậy.”
Joseph Smith cứ thế mà lần lượt có đến 27 bà vợ.
Kinh thánh dạy:“Người giám mục (chấp sự, trưởng lão) là chồng chỉ một vợ mà thôi” (I Ti-mô-thê 3:2,12, Tít 1:6).
Dù khải thị này được xem là một “giao ước mới và trường cửu”, nhưng sự can thiệp của chính phủ đặt tình trạng đa thê ngoài vòng pháp luật buộc họ phải thay đổi chiến lược, và giáo lý đa thê được chính thức bãi bỏ năm 1890 bởi Hội Trưởng Wilford Woodruff. Tuy nhiên, tình trạng đa thê vẫn tiếp diễn vì Hội Trưởng James Fielding Smith lại tin theo giáo lý này vào năm 1906, và lời dạy này của Joseph Smith vẫn còn được lưu giữ trong thánh thư Mormon (Giáo Lý và Giao Ước 132).
Đa thê là một giáo lý quan trọng của giáo phái Mormon, vì đó là phương cách để đạt tới sự kết quả trọn vẹn nhất trong đời sau. Vì họ tin rằng Đức Chúa Trời cũng có nhiều vợ, nên người tín đồ MORMON nhiệt thành mong muốn trở thành Chúa Trời trên hành tinh của chính mình trong đời sau, cũng phải có nhiều vợ, để anh ta sẽ có con đàn cháu đống và cai trị với các bà vợ của mình.
Ngày nay ở Mỹ có 30000-50000 người theo chế độ đa thê. Tuy nhiên trong khi trung ương của giáo phái Mormon đã bãi bỏ chế độ này, thì phần lớn tín đồ thuộc các chi hội vẫn cứ tin lời dạy của Joseph Smith là trường cửu.
XIII. TỘI LỖI.
Một vấn đề quan trọng của thần học Mormon là tội lỗi. A-đam (tức là Đức Chúa Trời) cần phải phạm tội, vì nếu không lấy trái cấm trong vườn Eđen thì ông bà sẽ không thể nào nhận được xác phàm. Chỉ khi trở thành loài người thì A-đam, Ê-va và dòng dõi mới bắt đầu con đường hướng đến sự thăng hoa, và sinh ra những đứa con phàm tục. Vì vậy họ dạy rằng A-đam và Ê-va vui mừng khi phạm tội. Thế nhưng Kinh Thánh thì không bao giờ nói tội lỗi của A-đam và Ê-va là cớ để vui mừng. Trái lại, tội lỗi làm phân cách Đức Chúa Trời với con người, khiến đàn ông, đàn bà và cả muôn loài đều lo sợ, chịu rủa sả, mang lại sự đau buồn và khó nhọc, thay vì là một lý do để vui mừng.
XIV. CỨU RỖI.
Tín lý thứ ba của Mormon chép rằng:
“Chúng tôi tin rằng nhờ sự chuộc tội của Chúa Giê-xu mà cả loài người sẽ được cứu, bởi sự vâng theo luật pháp và điều răn của Cơ đốc giáo”.
Tín lý thứ tư giải thích các điều răn ấy là gì:
“Chúng tôi tin rằng các nguyên tắc và điều răn hàng đầu của Cơ đốc giáo là: Thứ nhất, đức tin nơi Chúa Giê-xu; thứ hai, ăn năn; thứ ba, báp tem chìm dưới nước để được tha tội; thứ tư; đặt tay để nhận lãnh Thánh Linh”.
Dù các điều trên có những câu phù hợp với Cơ đốc giáo của Kinh Thánh, nhưng khi xem xét kỹ cách giải thích của giáo phái Mormon thì chúng ta thấy nhiều điều quan trọng xa rời với Kinh Thánh:
1. Công việc của Chúa Giê-xu trên cây thập tự không đủ để cứu ai cả. Chỉ bằng cách vâng theo “luật pháp và các điều răn của Cơ đốc giáo” thì mới được cứu. Vậy sự cứu rỗi tùy thuộc vào nỗ lực của con người chớ không chỉ lệ thuộc vào sự chết của Chúa Giê-xu. Điều này rõ ràng đi ngược với sự dạy dỗ của Kinh Thánh:
“Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình” (Êphêsô 2:8-9)
2. Sự tha tội đòi hỏi phải được một thầy tư tế giáo phái Mormon làm phép báp tem cho. Nếu không chịu phép báp têm thì không thể được cứu. Vậy, theo giáo lý Mormon, tên cướp trên thập tự giá bên cạnh Chúa Giê-xu ngày ấy không được vào thiên đàng ngay, dù Chúa Giê-xu có phán “hôm nay ngươi sẽ được ở với Ta trong nơi Barađi” (Luca 23:43). Trái lại, anh ta phải vào thế giới thần linh, nơi đó anh ta sẽ phải học và tiếp nhận Tin lành của Chúa Giê-xu. Tuy nhiên không thể nào làm báp tem trong thế giới thần linh được, vì thế nên phải có ai đó trong thế gian chịu làm báp tem thay cho người ấy. Việc làm báp tem cho người chết là một lễ nghi phổ biến của giáo phái MORMON, nhưng Kinh Thánh không có nơi nào truyền dạy điều đó (Phaolô có nhắc đến tục lệ này vào thời ông, trong I Cô-rinh-tô 15:29, nhưng chỉ là để minh chứng cho một điểm khác. Ông không dạy điều đó là đúng hay sai. Thế nhưng nếu đó đúng là một tín lý của Cơ đốc giáo thì hẳn phải được dạy rõ ràng trong Tân Ước).
Chúng ta cũng nên nhớ rằng giáo phái Mormon dùng chữ “cứu rỗi” theo ba cách:
1. Cứu rỗi toàn cầu - họ tin rằng tất cả mọi người sẽ được cứu (dù vẫn có một hình thức sửa phạt nào đó cho những người cực kỳ gian ác).
2. Cứu rỗi cá nhân - những người theo giáo phái Mormon có thể được tiếp nhận vào Nước Trời, nơi Đức Chúa Trời đang trị vì (xem phần tiếp theo).
3. Cứu rỗi hoàn toàn - đối với những tín đồ Mormon tận tụy và trung tín nhất, thì khả năng sẽ được làm Đức Chúa Trời trong đời sau.