Thư 6
Cháu Wormwood thân mến!
Chú rất vui mừng khi biết tuổi
tác và nghề nghiệp của tên bệnh nhân khiến anh ta có thể chứ không chắc chắn sẽ
bị gọi nhập ngũ. Chúng ta muốn anh ta ở trong tình trạng không chắc chắn đến
mức tối đa để tâm trí anh ta sẽ tràn ngập những hình ảnh tương phản về tương
lai làm nảy sinh hy vọng hay sợ hãi, không có gì tốt hơn tình trạng hồi hộp chờ
đợi và lo âu vây hãm tâm trí con người. Kẻ Thù muốn con người quan tâm đến
những gì họ đang làm, công việc của chúng ta là khiến họ cứ nghĩ đến những gì
sẽ xảy ra cho họ
.
Đương nhiên bệnh nhân của cháu
đã học được nguyên tắc là phải kiên nhẫn phục ý chỉ của Kẻ Thù. Điều Kẻ Thù
muốn nói là anh ta phải kiên nhẫn chịu đựng hoạn nạn, tình trạng lo âu căng
thẳng hiện tại, điều đã được đưa đến cho anh ta. Chính vì điều này anh ta tiến
đến chỗ có thể nói được là "Ý Cha được nên" và đồ ăn hằng ngày được
cung cấp cốt là để mang gánh nặng hàng ngày này. Công việc của cháu là làm sao
cho bệnh nhân không bao giờ xem nỗi lo sợ hiện tại là thập giá anh phải mang mà
chỉ nghĩ đến những điều anh đang sợ. Hãy để anh ta xem những điều đó như là
thập tự giá của mình. Hãy khiến anh ta quên rằng chúng tương phản nhau và không
thể cùng lúc xảy đến với anh. Cứ để anh ta luyện tập chịu đựng chúng từ trước
một cách dũng cảm và kiên nhẫn vì đồng một lúc chấp nhận trước chừng một tá số
phận giả định và khác nhau là điều không thể làm được. Kẻ Thù chẳng bao giờ
thật sự giúp đỡ những kẻ cố gắng làm điều này. Hắn sẵn sàng giúp những kẻ bằng
lòng thuận phục trước nỗi đau khổ thực tại có khi đó chỉ là sự sợ hãi.
Chú dạy cháu một định luật tâm
linh quan trọng. Chú đã giải thích là cháu có thể làm cho lời cầu nguyện của
anh ta yếu đi bằng cách đánh lạc hướng sự chú ý của anh ta: thay vì hướng về
chính Kẻ Thù thì hướng đến những điều anh ta nghĩ về Kẻ Thù. Mặt khác, nỗi lo
sợ sẽ dễ chế ngự hơn nếu tâm trí của bệnh nhân được hướng từ điều khiến anh ta
sợ đến bản chất của nỗi lo, nỗi lo đó xem như một tâm trạng có thực và đáng
buồn. Và bất cứ khi nào anh ta xem nỗi lo là thập tự giá của mình thì anh sẽ
đương nhiên coi đó là một trạng thái của tinh thần. Do đó người ta có thể phát
biểu qui luật tổng quát này. Trong tất cả các hoạt động của tâm trí thuận lợi
cho chúng ta, hãy khuyến khích bệnh nhân đừng nhìn vào chính mình mà vào những
sự vật bên ngoài. Ngược lại, trong các hoạt động thuận lợi cho Kẻ Thù thì phải
khiến anh ta hướng về chính mình. Thí dụ hãy để một lời nhục mạ hay một thân
hình phụ nữ lôi cuốn sự chú ý của anh ta đến độ anh không nghĩ là "Tôi
đang bị lôi kéo vào tình trạng giận dữ hay ham muốn".
Và ngược lại hãy để cho ý
nghĩ "càng ngày tôi càng tin kính và nhân ái" gắn chặt cái nhìn của
anh ta vào chính mình đến nỗi anh không còn nhìn thấy Kẻ Thù của chúng ta hay
những người lân cận của mình nữa. Còn về thái độ chung của anh ta đối với chiến
tranh, cháu không được dựa quá nhiều vào những tình cảm thù nghịch mà loài
người rất thích thảo luận trong các tạp chí Cơ đốc hoặc phi Cơ đốc. Trong nỗi
lo âu của mình đương nhiên bệnh nhân sẽ đi đến chỗ nuôi những tình cảm thù ghét
với những nhà lãnh đạo người Đức và điều này trong chừng mực của nó thì cũng
tốt. Nhưng đó chỉ là lòng căm thù đầy kịch tính và không thực, hướng về những
bung xung tưởng tượng. Anh ta chưa hề gặp những người này - họ chỉ là những
khuôn mặt tưởng tượng, sản phẩm của báo chí - Sự thù ghét tưởng tượng này không
có kết quả khả quan và về mặt này thì bọn người Anh chẳng khác nào lũ "gà
mắc mưa". Chúng là một lũ đáng khinh, cứ rêu rao rằng những đòn tra tấn là
quá nhẹ đối với quân thù và rồi tặng cà phê và thuốc lá cho bất kỳ tên phi công
Đức nào bị rớt máy bay xuống vườn nhà chúng.
Làm gì thì làm, cháu sẽ thấy cùng một lúc trong tâm hồn bệnh nhân sự độc ác lẫn lòng khoan dung. Điều chủ yếu là hướng sự độc ác về phía những người lân cận của anh ta và lòng nhân về những nơi xa xôi, những người anh không biết. Sự độc ác do đó sẽ trở thành thật sự và lòng nhân từ thì phần lớn là tưởng tượng. Thế nhưng làm bùng lên sự thù ghét của anh với bọn người Đức sẽ chẳng ích lợi gì nếu trong một lúc thói quen nhân ái tai hại lại phát triển giữa anh ta và bà mẹ, với ông chủ hay với người anh ta gặp trên xe lửa. Hãy xem bệnh nhân của cháu như một số vòng tròn đồng tâm, với ý chí là vòng trong cùng, vòng tiếp theo là tri thức, cuối cùng là vòng cảm xúc.
Cháu đừng hy vọng có thể quét sạch
ngay khỏi các vòng tròn tất cả những gì có mùi của Kẻ Thù. Nhưng cháu phải liên
tục đẩy tất cả những đức hạnh ra phía ngoài cho đến chừng chúng hoàn toàn ở
trong vòng tròn cảm xúc và đẩy những phẩm chất mà chúng ta mong muốn vào trong
vòng tròn ý chí. Những đức hạnh chỉ tai hại cho chúng ta khi chúng chạm đến ý
chí và trở thành thói quen (dĩ nhiên chú không nói đến điều mà bệnh nhân lầm
tưởng là ý chí của mình, những quyết tâm có ý thức đầy nhiệt tình và hàm răng
nghiến chặt nhưng chú muốn nói đến trung tâm thật sự, điều Kẻ Thù gọi là
"tấm lòng"). Phần lớn đức hạnh do cảm xúc vẽ ra hay được lý trí tán
đồng và ngay cả khi chúng được yêu mến và thán phục sẽ không ngăn cản một bệnh
nhân bước vào nhà Cha chúng ta. Chúng chỉ khiến bệnh nhân trở nên thú vị hơn
cho chúng ta khi anh ta đến đấy.
Chú thân yêu của cháu.
Scrwetape